Đụng Độ

    
ố 508, đừng liếc sang bên cạnh.
Người thí sinh mang số ký danh 508 thu cái nhìn về. Đôi mắt khép lại trong khoảng hẹp của tờ giấy thi. Nét mặt đăm chiêu.
- Số 492, đừng nói chuyện.
Anh thí sinh mang số ký danh 492 thôi nói, miệng nở một nụ cười gượng.
Phương pháp lập một bản đồ lớp trên tờ giấy, ghi số ký danh của thí sinh theo vị trí ngồi của họ đã giúp Luân giữ trật tự phòng thi một cách có hiệu quả. Có ai rục rịch hoặc hỏi lời giải hoặc tự nhiên cho xem nháp, anh chỉ nhìn vào bản đồ gọi đúng số ký danh của người thí sinh phạm lỗi, thế là trật tự vãn hồi. Nếu cứ gọi vu vơ “Ê, anh kia đừng nói chuyện. Suỵt, suỵt…anh. Anh này, đừng cho xem nháp chớ…” thì cả lớp sẽ bị quấy rầy nhiều quá. Người thí sinh lương thiện nhút nhát thì cứ tưởng giám khảo muốn ám chỉ mình nên giương mắt lên nhìn và đợi, còn người có lỗi thường điềm nhiên tiếp tục, tưởng như giám khảo đang bảo người khác.
Lá phi lao hát vu vơ trên tầng cao, kéo dài một giọng đều đều, lê thê, buồn ngủ. Lá tối màu rong biển nhọn nhọn, li ti, như thiếu sự bình tĩnh, như lúc nào cũng rối loạn thần kinh, như thiếu sự bao dung. Cành rậm chỉa xiên lên trời. Đó không phải là thái độ ân cần đón mời những đôi chim. Phi lao hay đứng ở sân bệnh viện, công sở và nghĩa trang. Những nơi này không ai thích đến.
Luân mơ màng nhìn ra dãy phi lao sắp hàng trước sân trường để nghĩ vẩn vơ như vậy. Anh để cho cô giám thị làm nhiệm vụ của cô. Từ đầu giờ đến giờ cô cứ ngồi nơi ghế đặt ở cửa ra vào. Cô giáo cần phải ngồi như vậy mới có vẻ nhu mì. Phải vòng hai tay trước ngực nữa. Thí sinh không phải đều là học sinh. Học sinh không, cũng đã khó điều khiển rồi. Họ xem những cô giáo trẻ và đẹp như chị của họ ở nhà, thậm chí như một người yêu mà họ mơ tưởng. Ở những trường trung học lớn, thỉnh thoảng ở nơi góc trường có những hàng chữ thầm lặng rụt rè mà thiết tha như những tiếng kêu tuyệt vọng. Chẳng hạn “Cô Kim Nhung ơi, cô đẹp lắm”. Cô giáo mang rất nhiều mặc cảm: nhỏ, yếu, bị người ta đánh giá và thưởng thức sắc đẹp. Như một cái hoa thơm, như một cái quả ngon…
Cô giám thị đi đi lại lại trong phòng. Bước chân nhẹ, ngắn. Ngay ở dãy bàn đầu, những người ngồi thì cũng đã quá cao so với cái bàn, cái băng. Họ như mất thăng bằng. Giống như những lực sĩ ngồi xệp xuống đất để sử dụng đàn tranh. Trong số thí sinh có mấy quân nhân mặc quân phục mang cả phù hiệu cấp bậc. Có những cán bộ nhân viên hành chánh nét mặt đã già. Họ viết chữ đẹp, hay dùng tẩy và thước gạch. Đề luận Việt văn thì chỉ chọn: “Hãy giải thích lời nói sau đây của Tổng Thống…” Cô giáo viên giám thị địa phương mất bình tĩnh với họ. Cả đối với thí sinh - học sinh cũng vậy. Học trò thời nay không coi ai ra gì. Học trò dốt, đi thi để hỏng thì càng hung tợn hơn. Giám thị mang giày đế da có đóng cá sắt bị ghét vì đi lộp cộp làm rộn họ. Mang giày đế cao su êm cũng bị ghét vì họ cho là đi nhẹ để dễ rình. Cô giám thị mang guốc đế nhọn đi lóc cóc thì bị nữ sinh ghét. Ghét! Ghét! Ở cái xã hội học đường thi cử người ta ghét nhau dễ dàng như thở không khí.
Luân bảo cô giám thị:
- Cô Tâm này, cô thử đi một vòng xuống dưới cuối lớp. Thí sinh họ nói chuyện hơi nhiều.
Cô Tâm uốn éo đôi vai, nghiêng cái đầu nhiều lần rồi mới thỏ thẻ nói:
- Họ không sợ tôi mô. Ông xuống kiểm soát thì họ nể hơn.
Luân an phận đi xuống cúi lớp. Cô Tâm vẫn vòng tay nhìn ra sân nơi đó mươi ông lính Bảo an vác súng đi đi lại lại.
Chiều hôm ấy, khi rời trung tâm thi để về phòng trọ, Luân lững thững đi một mình. Gió thổi nhẹ và trời xanh cao vút. Đi qua trường Nữ tiểu học, - nơi đây cũng là một trung tâm thi, - anh để ý đến một đám đông đứng bao quanh cổng trường. Nhiều người đi lảng vảng ở dãy quán bên kia đường. Có những con mắt xoi mói nhìn anh đi qua. Một câu chửi thề:
- Đù mẹ. Tức không chịu được.
Một câu khác:
- Nó bỏ trốn đi đâu mất, chiều nay tao kiếm không ra.
- Đợi kiếm một lát nữa.
Chiếc máy phát thanh transistor đeo ở vai một người đứng đó léo nhéo giọng ca vọng cổ như người nghẹt mũi. Chắc là đoạn chót của một vở tuồng cải lương khi nhân vật nữ xuống tóc đi tu vì bị tình phụ. Có tiếng chuông, tiếng mõ và tiếng sư cụ khuyên đệ tử “Nam mô A Di Đà Phật…”. Những người đứng vây quanh cổng trường chăm chú nhìn vào văn phòng nhà trường dường như không để ý đến giọng khuyên dạy ôn tồn của sư cụ nơi máy phát thanh. Một tiếng lại nổi lên:
- Đù mẹ…
Không biết “đù mẹ” ai, “đù mẹ” cái gì.
Về đến phòng trọ Luân thấy ngay một số giám khảo tụ tập trước hiên.
- Chúng nó lùng kiếm anh Lung suốt cả chiều nay. May mà anh ta nhanh mắt trông thấy.
- Nếu anh Nghĩa không nhanh trí xếp cho Lung ngồi xe ô-tô của Hội đồng thì không khéo Lung bị chúng nó thịt rồi. Khi xe ra cổng, tôi thấy chúng nó nhớn nhác nhìn vào xe tìm. Bác tài nhấn ga cho chạy vọt tới. Hú vía.
Ông Du một tay lần vào lưng quần, một tay đong đưa vơ vẩn:
- Thế này thì loạn mất. Thí sinh uy hiếp giám thị kiểu ấy thì còn thể thống gì nữa? Còn trật tự gì nữa? Ngồi “cóp” ở phòng thi, giám thị cảnh cáo vậy mà về gọi du đãng đến trả thù. Ở nước nào có như vậy không?
Ông Khuê vừa xoa cằm vừa cung hai ngón tay nhổ những sợi râu!
- Chính phủ phải có biện pháp chấm dứt tình trạng đó. Năm ngoái, phó chủ khảo trung tâm Phan Rang ngồi trong phòng Hội đồng bị một thí sinh xông vào đánh vọt máu mũi. Có làm biên bản, có khiếu nại nhưng rốt cuộc chả biết hồ sơ đi đến chặng đường nào thì bị bỏ xó. Kẻ có lỗi không bị nghiêm trị thì người khác khinh thường pháp luật là phải.
Trưa hôm sau, một tin dữ khác được đồn đi thật nhanh: anh Hợi giám thị hành lang ở trung tâm trường Nam tiểu học bị thí sinh lúc bất ngờ đánh vào mặt rồi bỏ chạy. Nguyên nhân là hôm thi Toán người thí sinh này lượm được cái nháp nhưng chưa kịp chép đã bị anh Hợi tịch thu. Hôm thi cuối cùng là thi nhiệm ý, thí sinh này thi vẽ xong, bước ra khỏi lớp gặp anh Hợi và tặng luôn cho anh một thụi vào mặt, món quà giã biệt. Rồi chạy.
- Biết được tên người thí sinh đó chứ?
- Biết được.
- Nghe bảo thí sinh đó là con của một công chức?
- Vâng, đúng vậy.
Các giám khảo có hai ngày rảnh trong khi đợi bài thi và các giám khảo ở Hội đồng hai tỉnh lân cận đến nên ngoài những giờ ăn và ngủ họ tụm năm tụm ba bàn tán việc thí sinh hành hung giám khảo.
- Việc này không thể cho qua được. Phải làm cho ra chuyện. Cụ Chánh chủ khảo đã được báo tin chưa?
- Được báo cáo đầy đủ với mọi chi tiết. Báo cáo của đương sự nạn nhân và của chủ tịch trung tâm nữa, dường như Cụ đang khổ tâm lắm nên Cụ cứ tháo kính ra lau luôn, cứ năm phút lau kính một lần.
- Chỉ còn hai năm nữa thì Cụ về hưu nên chuyện rắc rối nhỏ nhặt nào cũng mang những kích thích vĩ đại qua đôi kính lão của Cụ.
- Những việc này tự nó đã vĩ đại rồi, hay ít nhất nó cũng sẽ mang lại những hậu quả vĩ đại.
- Mình phải công bằng một chút. Ai chẳng muốn làm ra chuyện, nhất là cụ Chánh thì càng muốn làm ra chuyện hơn ai hết vì Cụ có trách nhiệm với anh em, với Bộ. Có chuyện không hay xảy ra thì Cụ bị khiển trách trước. Nhưng Cụ đâu có quyền nghiêm trị ai? Phải nhờ chính quyền. Phải tùy ở sự sốt sắng của chính quyền.
Mười giờ tối hôm đó, có tiếng chân chạy rầm rầm ở hành lang trường và tiếng đập cửa thình thình. Đa số giám khảo và cụ Chánh chủ khảo đều ở trọ lại trường nên khi mọi cánh cửa mở tung ra, đèn bật sáng lên là các vị ùa ra đứng chật hành lang trong nháy mắt. Anh Lung, người giám khảo nạn nhân ở Trung tâm trường Nữ mặt hơi xanh, thở hổn hển và nói đứt quãng:
- Tụi nó bao vây tôi. Có gần chục đứa.
- Tụi nào?
- Tụi bữa trước. Theo lời chúng nó bàn với nhau thì chúng nó đi lùng tôi ở hiệu ăn Tứ Hải và tiệm chè Lạc Viên nơi tôi thường tới ăn uống. May hôm nay tôi có hẹn lại ăn cơm ở nhà anh bạn tôi nên vô tình mà đánh lạc đường chúng nó. Vừa về qua đây chúng thấy hút, ào tới bủa vây. May tôi chạy thoát.
Ngực anh nhấp nhô và hai hàm răng cắn rít lại.
Một giám khảo cất giọng lè nhè:
- Nhưng có chắc là chúng định bao vây anh không? Có thể chúng đang đi trả thù một người nào đó rồi anh trông gà hóa cuốc.
Anh Lung quắc mắc liền:
- Sao lại không chắc? Chúng nó gọi đích danh tôi.
Một giám khảo trẻ, tuổi chừng hăm lăm mang một bộ râu mỏng manh nằm vắt dài ở môi trên dớ dẩn hỏi:
- Sao anh không quay lại giã cho chúng một trận?
Nhiều con mắt đổ xô vào nhìn bộ râu yếu ớt có tính chất thí nghiệm ấy và người ta phân vân không biết anh nói thật hay nói đùa. Nói thật hay nói đùa cũng đều vô duyên như nhau trong lúc này. Nhất là khi thấy cụ Chánh chủ khảo loay hoay lau kính có đến hàng phút mà vẫn chưa đeo kính lên. Đôi lông mày cụ phải quặm xuống và cụ nhướn đôi mắt lạc lõng nhìn về một khoảng khung trời đen sẫm ngoài kia. Giọng cụ rời rạc, trắng bệch như nói không cốt cho ai nghe, như nói vào khoảng trống.
- Vào trong này ở với chúng tôi. Anh ở khách sạn phải không?
- Thưa Cụ vâng ạ. Con ở khách sạn Thiên Sơn.
- Vào trong này mà ở.
- Dạ.
Một giám khảo mình gầy và đen đứng còng lưng trông như một cái dấu ngoặc đơn, cất giọng ồ ồ:
- Rồi chúng nó sẽ tìm đến đây trả thù. Chẳng phải đầu thì phải tai. Thế nào cũng có anh bị mắc đòn oan.
- Cụ Chánh phải báo cáo ngay với chính quyền không thể trì hoãn được nữa.
Nhiều giọng nói họa theo, mạnh mẽ cứng cáp, bởi an ninh đã bị đe dọa thật sự.
- Chúng tôi yêu cầu Cụ phải can thiệp ngay với Chính quyền.
Cụ Chánh thong thả đáp:
- Tôi đã xuống báo cáo trực tiếp với Tỉnh hồi chiều. Công văn thì gửi hôm qua.
- Thế ông Tỉnh trưởng bảo sao?
- Ông Tỉnh trưởng đang bận đi về quận thanh tra.
- Nghĩa là rốt cuộc vẫn thân ai nấy lo. Yêu cầu anh em ai có khí giới nào thì tự phòng thủ bằng khí giới nấy. Dao con chó, dạo cao râu, nịt da, thước kẻ.
Nhiều người cười và nhân cơ hội đó họ giải tán một cách tự nhiên.
Xế hôm sau, một người tùy phái mặc đồng phục kaki chễm chệ mang vào một quyển sổ “Tiếp phát công văn” dày cộm bìa bọc vải màu đen. Công văn của tòa Tỉnh đến, Cụ Chánh ký nhận, đọc, lẩm nhẩm nhiều lần, suy nghĩ đến méo cả miệng mà không biết. Cuối cùng, cụ đằng hắng to rồi hai ngón tay bấm vào một góc của tờ giấy pelure, cụ xách nó đi ra hiên tươi vui như người chiến sĩ tay cầm chiến lợi phẩm. Giám khảo tụ họp lại nhanh như học sinh đánh hơi có tin được nghỉ lễ.
- Có công văn của tòa Tỉnh gởi lên đây.
Và Cụ đứng ngay ngắn tuyên đọc.
Qui Nhơn ngày 30 tháng 4 năm 1963
Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Định kính gửi
Ông Chánh chủ khảo Hội đồng khảo thi THĐNC, Hội đồng Qui Nhơn
Kính thưa Ông,
“Tỉnh tôi vừa nhận được báo cáo của ông về việc hai giám khảo Nguyễn Văn Lung và Hồ Sĩ Hợi bị hai thí sinh hành hung ở trung tâm trường Nữ và trường Nam tiểu học. Tỉnh tôi đã ra lệnh cho hiến binh và cảnh sát tăng cường sự bố trí để bảo vệ an ninh hữu hiệu. Kính mong ông tin cho quí vị giám khảo biết để quí vị an tâm thi hành công vụ.
Kính chào Ông.”
Cụ Chánh ngừng đọc, đưa mắt nhìn cử tọa miệng phác một nụ cười. Thì trong cử tọa cất lên một giọng nói:
- Chỉ có tăng cường Cảnh sát và Hiến binh không thôi à? Còn hai tên thí sinh công nhiên hành hung giám khảo thì Tỉnh giải quyết như thế nào? Sao không thấy nói?
- Chắc họ cũng đang giải quyết, - cụ Chánh ôn tồn trả lời.
Một giọng cương quyết hơn:
- Nếu không trừng phạt hai người thí sinh đó thì mọi biện pháp tăng cường bảo vệ đều vô hiệu.
- Chúng ta nên đi từ từ, - lại lời cụ Chánh - Ông Tỉnh đã hứa rồi thì mình cứ an tâm.
Vừa lúc ấy có dáng no tròn của anh Hợi từ ngoài cổng xăm xăm đi vào. Tay chân múa thoăn thoắt. Thấy cụ Chánh đứng giữa cử tọa, anh phân bua ngay:
- Thưa Cụ phải làm thế nào chứ thí sinh láo quá tôi không chịu nổi. Tôi đi đâu chúng cũng sán lại bao vây chỉ chỏ và bàn tán lớn tiếng.
- Mình nhịn đi một chút, - lời cụ Chánh.
- Thưa Cụ tôi nhịn nhiều quá rồi chứ không những là một chút. Nhưng càng nhịn chúng càng được thể reo hò, vỗ tay, la lối.
Một câu hỏi vút lên, nhọn như mũi tên:
- Thế Cảnh sát và Hiến binh tăng cường ở đâu? Chẳng lẽ họ chọn nơi nào không có mặt giám khảo để tăng cường?
- Nguy quá. Thế này mà ông Tỉnh khuyên “hãy an tâm thi hành công vụ”. Tôi có cảm tưởng chúng ta đang bị bao vây trong cái thành quách mỏng manh này, thiếu cửa ngõ phòng thủ vừa không biết địch tình.
- Ngày 2 tháng 5, khi Hội đồng có đủ giám khảo của hai tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên về dự chúng ta sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận và làm kiến nghị yêu cầu chính quyền địa phương định rõ biện pháp. Kiến nghị phải đồng thời gửi ra Nha Đại diện giáo dục và Bộ Quốc gia giáo dục.
- Đúng, phải làm cho ra nhẽ một lần.
Các cuộc tiếp xúc, bàn tán thảo luận từng nhóm, từng phòng kéo dài suốt cả ngày 1 tháng 5. Cụ Chánh chủ khảo nét mặt đăm chiêu đi đi lại lại, mặt cúi xuống đất. Cụ không muốn có những chuyện rắc rối xảy ra. Làm khó dễ ông Tỉnh trưởng, đó không phải là chuyện chơi. Ông Tỉnh trưởng nào cũng có thế lực, cũng có vai vế, cũng có tay trong. Dù chỉ còn hai năm nữa về hưu nhưng hai năm không phải là ngắn nếu phải đổi về làm Hiệu trưởng một trường Trung học ở gần biên giới. Chính trị có nhiều rắc rối bất ngờ. Đang thắng đổi thành bại, chuyển bại làm ra thắng, đó là chuyện thường, dễ nữa. Nhà giáo mẫu mực, lo xa lúc nào cũng tự vạch cho mình những ranh giới và nhất định chỉ đi trong ranh giới đó. Đối lập với chánh quyền đó là điều cụ không bao giờ nghĩ tới. Nhưng không thể bắt giám khảo im lặng chịu đựng như cụ. Họ đa số còn trẻ, gân cốt và tim phổi đang mạnh. Như những trái banh ten-nít mới đập xuống sân thì bật tung ngay, vọt thật cao. Do đó mà hôm hội nghị mồng 2 tháng 5 cả cử tọa ồn ào như sắp nổi loạn. Tiếng cụ Chánh yếu ớt chìm vào tiếng nói, tiếng xì xào; thân hình cụ Chánh đứng nhỏ nhoi ở giữa phòng như bị chìm đi giữa những lớp sóng người ngồi bao quanh. Cụ vào đề rất ngắn, - một trường hợp ít khi xảy ra, - rồi phân công cho các tiểu ban. Những tiếng ồn ào nổi lên và vấn đề “thí sinh hành hung giám khảo” được đặt ra. Giám khảo nạn nhân được mời ra thuật lại tự sự. Cử tọa lắng nghe. Mấy cô giám khảo thỉnh thoảng trợn mắt ngạc nhiên hoặc lè lưỡi sợ hãi, hoặc rên lên khe khẽ. Có cô lấy tay che cái miệng hả tròn.
Sau lời tường thuật, cụ Chánh trấn tĩnh ngay cử tọa bằng cách đọc lại bức thư ưu ái của tòa Tỉnh. Những lý luận ở hành lang phòng trọ được lặp lại với lời lẽ mạnh hơn, bởi vì người nói thấy có nhiều người chú ý nghe mình hơn. Một giám khảo đưa ý kiến:
- Học trò đánh thầy, theo Hoàng Việt Hình Luật là tội đại hình (Cử tọa im thin thít. Té ra quan trọng thế đó). Vài năm nay những vụ thí sinh hành hung giám khảo sở dĩ cứ tái phát là bởi chính quyền không trừng phạt họ, là bởi chúng ta cứ chịu nhịn nhục mãi. Vậy tôi xin đề nghị: Chúng ta không chấm bài thi trước khi chính quyền trừng phạt kẻ có lỗi.
Mặt cụ Chánh lộ tất cả vẻ bàng hoàng y như chính Cụ là kẻ có lỗi sắp sửa đưa ra trừng phạt. Cụ nói:
- Như thế là các ông đình công.
- Đình công thì cũng được chứ sao. Chuyện ức như thế này mà ngậm miệng chịu sao?
- Các ông.. chúng ta là công chức không có quyền đình công.
- Nhưng dù có ngồi chấm bài thì cũng đâu còn an tâm mà chấm khi thân mình bị đe dọa.
- Tôi sẽ gửi thêm công văn xuống Tỉnh.
- Phải có kiến nghị thì lời nói của mình mới được lưu ý.
- Nhưng phòng họp này Chính phủ dành cho Hội đồng giám khảo. Muốn lập kiến nghị, các vị nên họp ở một địa điểm nào khác.
- Họp đông người thì phải xin phép chính quyền và phải đợi chính quyền cho phép mới được họp.
- Nghĩa là rốt cuộc chúng ta sẽ khỏi phải họp gì hết cho đến ngày chấm xong và tuyên bố kết quả.
Một giám khảo nói nhỏ như chỉ để mình nghe:
- Chán thật! Năm ngoái mình giám thị ở Phan Thiết một thí sinh quân nhân rút bao súng lục để lên bàn rồi mới ngồi xuống làm bài. Có thí sinh rút dao găm để dưới hộc bàn. Báo cáo cho chủ tịch Hội đồng thì cũng chỉ nghe ậm ừ vô ích như hôm nay. May nhờ chế độ giám thị cứ thay phòng mỗi buổi nên mỗi anh giám thị chỉ phải nếm mùi một lần.
Thế là hội nghị bế tắc. Hội nghị uể oải chuyển sang mục phân chia tiểu ban, phân chia bút chì đỏ để chấm bài và phân chia bài để chấm. Như những con tằm trong thời kỳ ăn lên nghiến lá dâu rào rào, các giám khảo chấm bài rào rào, ai lo phần nấy. Một buổi qua. Một ngày qua. Sau đó có một bản kiến nghị đề gửi lên Bộ, lên Nha Đại diện giáo dục được đánh máy và được chuyền cho các giám khảo ký. Có nhiều người ký, ít người không. Ai phụ trách gửi, ai ủy nhiệm gửi, gửi ngày nào, không mấy ai lưu ý đến nữa. Câu chuyện thảo luận sôi nổi hôm nào bây giờ đã nằm xuống im lặng. Khi có người khuấy động lên thì nó trở sang tính chất hài kịch. Một giám khảo gật gù:
- Theo cái đà này thì đi chấm thi cũng gần như đi sứ sang Tàu hồi xưa. Hay cũng như đi lính thú. Lính thú đời nay! Ngày nhận công lệnh đi chấm thi, vợ con tiễn chân ra phi trường e phải ngâm câu:
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước lên phi trường nước mắt như mưa
Luân đã theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối. Như mọi giám khảo thận trọng khác, anh đã thay đổi chiến thuật ngay từ khi thi viết thứ hai. Không còn lớn tiếng khắc khe nữa. Lúc nào cũng chuẩn bị để đón nhận một đòn uy hiếp. Đi qua đám đông thí sinh tụ họp trước sân trường, anh cúi nhìn xuống đất đi chậm rãi như một người tư lự. Như đám đông kia không có quan hệ gì đến mình hết. Làm nghề thầy giáo đã nhiều năm anh biết tạo cho mình một lối đi khiêm tốn khi cần. Người hơi ngã về đằng trước một chút. Mắt lơ đãng không nhìn chắc về một điểm nào. Hai cánh tay khuỳnh ra ôm xấp giấy. Anh tự ngượng với mình về lối đóng kịch đó. Nhưng vì cuộc đời là một tuồng kịch dài nên anh quen đi, an phận giữa những kịch sĩ tài ba khác. Ai cũng mong được yên thân. Người nào cũng gắng giữ sao cho thân mình còn được lành lặn khi về với vợ con. Mình đâu phải là chiến sĩ để hãnh diện về nhà với một cánh tay gãy, một cái môi vêu hay một cặp mắt sưng húp? Các giám khảo ít đi chơi đêm hay đi dạo phố thẩn thơ một mình. Ở một tỉnh lỵ, các giám khảo từ xa đến bao giờ cũng dễ nhận biết, do đó những khi ra hiệu ăn anh phải lưu ý nhìn trước nhìn sau. Điều này động chạm đến tự ái của anh nhất là khi anh nhớ đến hồi nhỏ đi thi mình nhìn các giám khảo với đôi mắt kính nể và thèm muốn. Họ giữ quyền sinh sát và thân phận mình nhỏ nhoi như những con muỗi đực. Bây giờ thời thế đã quá khác xưa, khác đến mức anh không thể nào tưởng tượng được sự thể lại có thể xảy ra như vậy.
Chiều qua đi từ hiệu ăn phòng trọ anh đang chậm bước mắt nhìn xuống mũi giày mình thì bỗng một chiếc Solex chạy vút tới, sát cạnh. Anh giật mình nhìn lên. Trên xe có hai thanh niên ngồi. Người thanh niên ngồi sau quay lui hỏi anh:
- Nhìn cái gì? Muốn cái gì? Hả?
Người thanh niên ngồi trước cũng quay lui nhìn anh và cả hai hô hố cười to. Không khí thù địch, khiêu khích sang sảng trong tiếng cười ngạo mạn. Chắc là hai thí sinh làm bài kém hay là bạn của thí sinh. Anh phải cúi nhìn xuống mũi giày và khiêm tốn đi tiếp.
Tối hôm ấy trời nóng. Hàng cây so đũa đứng nghiêm trang trước hiên buông từng chùm quả dài so le như dải rút. Không có gió len lỏi giữa cành. Bình nước trà cạn từ hồi chín giờ. Luân chui vào màn cố nhắm mắt ngủ cho qua cơn khát nhưng giấc ngủ bướng bỉnh không đến. Đèn phòng mở sáng và các bạn anh tiêu khiển ồn ào xung quanh. Anh Lợi và anh Long đập cờ tướng chan chát. Các anh Quang, Hữu, Châu, Đức đánh các-tê thỉnh thoảng vỗ đùi la lối om sòm. Anh Trợ, anh Sung rủ rì nói chuyện nhà cửa, người yêu, trường trại, chuyện phát phần thưởng đã qua, chuyện khai giảng niên khóa tới.
Luân nhìn đồng hồ. Mới mười giờ rưỡi. Anh lăn mình ngồi dậy. Không thể đánh lừa cơn khát được, anh lặng lẽ mặc áo ra đầu phố uống nước.
Đến đường Hàm Nghi gió mát như thổi tan đi cơn buồn ngủ nặng nề. Anh lại hàng nước mía quen. Họ bán hết hàng, đang thu dọn đồ đạc về nghỉ. Anh đi xa thêm ra hiệu kem. Khách khứa ồn ào. Thuốc lá Kent, Winston phì phèo cháy trên những đôi môi 16, 17 tuổi. Giọng nhạc uốn éo, bập bùng rồi chuyển sang quay cuồng hỗn loạn. Tiếng thìa khuấy trong ly canh cách. Tiếng máy xay quả chạy rè rè. Tiếng gọi, tiếng thưa tréo vào nhau như mắc cửi.
Anh uống xong một hơi hai ly nước cam, trả tiền rồi bước ra về. Sau anh có dáng một người cũng hấp tấp đứng dậy, bước ra quầy hàng. Anh đi men theo bờ đường, ánh đèn đường không soi sáng đủ lối đi. Có bóng người đi theo sau.
Anh bước sang con đường ngang. Bóng tối mờ mờ. Sau lưng anh tiếng chân giày vẫn nhẫn nại bước theo. Anh rảo chân thêm. Tiếng chân giày đằng sau gõ mạnh hơn và nhanh hơn. Anh muốn quay nhìn ra sau xem người đi theo mình là ai nhưng ngại không làm. Quay nhìn tức là tỏ ra mình lưu ý đến họ, nghĩa là mình mất tự do, là nể họ, sợ họ. Anh rẽ sang đường khác. Tiếng giày vẫn mải miết đi theo. Nhanh hơn. Dồn dập hơn. Một tiếng đằng hắng. Dấu hiệu mở màn cuộc khởi hấn? Máu chảy dồn dập nơi cổ, nơi thái dương, nơi đôi cánh tay của anh. Vô lý. Mấy hôm nay mình có nghiêm khắc với người thí sinh nào đâu? Hay là khi thu bài, khi phát giấy thi, khi kiểm soát thẻ căn cước mình đã vô tình chạm tự ái họ? Không có lý. Mình đã cố hết sức nhã nhặn với mọi người mà. Hay là vẻ mặt nghiêm nghị của mình làm họ tưởng mình kiêu kỳ nên họ ghét? Có thể. Một luồng lạnh chạy vút qua sống lưng làm tê cóng đến hai bàn tay. Anh mím chặt đôi môi. Đến nước cùng thì đành phải liều mạng mà đánh, may ra. Anh lẩm nhẩm trong óc, hối hận sao mấy lần định học lớp Nhu đạo rồi vì lười biếng mà bỏ trôi qua. Thuyết Helmholtz, phương trình Logarit, hệ thức Chasles không thể dùng để đối phó với những bắp thịt quyết tâm đánh mình. Kiến thức sách vở chỉ dùng để chế ngự học trò được thôi. Tiếng giày lộp cộp. Đúng là tiếng giày có đóng cá sắt, mũi nhọn, rất nguy hiểm cho địch thủ. Ánh điện đường hắt một bóng đen chạy dài dưới chân anh, bóng của người đi sau. Dáng y vạm vỡ. Còn khoảng hai trăm thước nữa mới tới phòng trọ. Anh thu hết sức lực đi cho nhanh. Tiếng giày gần anh. Gần anh thêm. Gần thêm. Một tiếng phát ra:
- …Ầ - ầy…
Anh quay phắt trở lại. Hai bàn tay người kia chụp nắm tay anh. Anh rút phắt tay ra, đồng thời một luồng lạnh lại chạy vút theo cột xương sống, tê ở hai bên má, chạy lên mang tai. Người đối diện với anh mở to đôi mắt, để ngửa hai tay.
- Thầy.
- Anh là ai? Anh muốn gì?
- Thầy… thầy không nhớ em sao? Em là Dương Sanh Thọ.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của anh, người kia nói tiếp:
- Em học đệ Tứ với thầy năm kia mà. Ở trường Lê Qúi Đôn. Em là Dương Sanh Thọ mà thầy cứ kêu lộn với tên hiệu buôn xe Vespa Dương Sanh Phát.
- À! À! Tôi nhớ rồi.
Tiếng tim đập rầm rầm làm anh đứng nghỉ một chút.
- Anh ra đây làm gì?
- Thưa thầy em đã thôi học. Bây giờ em làm thư ký đánh máy cho ty Thông tin. Chắc thầy ra ngoài này chấm thi.
- Vâng.
- Thầy độ rày vẫn mạnh khỏe?
- Cám ơn anh. Như anh ngó thấy đấy.
- Thầy vẫn còn ở chỗ cũ?
- Vẫn ở chỗ cũ.
- Lúc nãy em thấy thầy ở hiệu kem Khánh Trang. Em định lại chào thầy nhưng thầy đã trả tiền bước ra. Em vội vã đi theo mà thầy đi mau quá.
- Tôi định về ngủ sớm. Đi chơi khuya, sáng mai mệt, trở ngại cho công việc.
Tiếp theo sau là những lời thăm hỏi xã giao và trao đổi địa chỉ. Nói chuyện trong mười phút, anh bắt tay giã từ Dương Sanh Thọ. Dương Sanh Thọ tỏ lòng cung kính giơ hai bàn tay nắm chặt tay thầy. Anh suýt bật cười, nhớ lúc nãy anh đã lầm thế bắt tay đầy cung kính này với một thế chưởng “Hàn băng miên chưởng” hay “Giáng long thập bát chưởng” “Phiêu tuyết xuyên vân chưởng” của kẻ thù, tưởng như mình đang sống lại không khí của những cuộc tranh hùng giữa các môn phái Thiếu lâm, Võ đang, Nga mi, Không động… trong tập truyện võ hiệp tràng giang “Cô gái Đồ Long” mà anh vừa đọc xong tuần trước.