gày nào cũng vậy, khi tiếng còi 12 giờ vang lên là má tôi cất tiếng dặn con Lời, con nhỏ giúp việc: - Lời ơi, coi chừng gà qué đó con ơi. Cậu sắp về rồi đó. Tiếp theo lời dặn của má tôi là tiếng la ùi… ùi! Oái… oái! Thật to của con Lời và tiếng vỗ tay của nó. Có bữa nó chạy một vòng quanh nhà và tiếng la, tiếng vỗ tay, tiếng chân dậm sầm sập của nó có kèm theo tiếng gà la quang quác, tiếng vịt cạp cạp inh ỏi. Chừng 15 phút sau, ba tôi về. Ông dắt xe đạp kê ở hiên sau rồi đi thanh sát một lượt từ nhà ngang đến nhà bếp, còn đôi mắt thì lục lọi xa hơn, ở mãi đầu giếng, góc rào. Trăm lần như một, câu nói đầu tiên của ông là câu hỏi con Lời: - Mày có nhớ coi chừng gà không? - Dạ thưa có - Con Lời đáp lại gọn gàng như một tiếng vang. - Gà hàng xóm có tới phá không? - Dạ thưa không. Có lần tôi suýt bật cười to vì để làm chứng cho câu trả lời đầy thiện chí và bảo đảm của con Lời, có một cây ớt bị bươi gần trốc gốc, nằm uể oải nghiêng một bên hông và đầu tai mặt mũi bám đầy những cỏ rác do chân gà bới tung lên. Ba tôi tỏ dáng bằng lòng, tháo cái mũ nhựa trắng (chế tạo tại Đài Loan) ông đội tức thời giao cho em tôi cất rồi lại vục tay vào thau nước rửa mặt. Nước mát mẻ làm mặt ông tươi lại. Lúc bấy giờ ông mới bình tĩnh giảng cho con Lời nghe về sự lợi hại của việc trông chừng gà. - Gà hàng xóm nó qua… à hà… vừa bươi trốc gốc gãy đọt… à hà… mấy cây của tao trồng… à hà… vừa giẫm dơ chỗ vại nước. Phải rao cho chủ gà người ta biết để người ta nhốt lại. Chớ sao? Ai lại nuôi gà mà… mà không chịu mua thóc cho nó ăn? (Chỗ này ông bận lên cao giọng để cho hàng xóm nghe nên quên mất tiếng à hà nhật dụng). Má tôi ở nhà trên bước xuống “suỵt” một tiếng nhỏ: - Thôi mà ông, nói làm chi chuyện nhỏ. - Sao? Bà bảo sao? Đôi mắt của ba tôi tròn xoe lại. Cái miệng hé mở, sắp tròn lại theo con mắt nhưng chưa kịp. - Chỗ hàng xóm láng giềng với nhau… Nhường nhịn nhau. Ba tôi đi sấn tới, tay mặt còn cầm cái khăn ướt, vung lên: - Thì tôi có bảo bà sao đâu? Trông bộ ba tôi sấn sổ mà không nín cười được. Dù cố gắng hết sức để tạo ra một uy thế hùng hậu, sức vóc của ba tôi cũng chỉ gói gọn ở trong bốn mươi lăm kí-lô là cùng. Tay nhỏ, chân ngắn, cơ thể ông là một sự khiêm tốn, một sự an phận. Giá sinh vào một loài chim hay loài thú thì ông sẽ được an ủi nhiều hơn. Khi nổi giận, khi chuẩn bị chiến đấu, con chim xù lông vũ, con thú xù lông mao và đối phương thấy nó tăng thêm tầm vóc, tăng thêm bề thế có thể sợ hãi mà bỏ chạy. Đằng này ba tôi sinh làm người mà là người văn minh nên những cái gì có liên quan đến sự chiến đấu đều bị mài xóa mai một đi hết. Móng chân móng tay đều cắt ngắn. Râu ria bị cạo hàng ngày. Rốt cuộc dường như chỉ có con Lời là còn chịu nghe lời ông thôi. Má tôi an ủi: - Thôi anh lên thay áo đi rồi ăn cơm. Đi làm cả buổi nhọc mệt, còn lo chi chuyện… nhỏ… Chết! Bà định nói “chuyện nhỏ nhặt”. Ba tôi sẽ nổi điên lên vì bị đánh giá quá hạ như thế. Nhưng may, bà giữ lại chữ “nhặt” và nói chữa: - … lo chi chuyện ở nhà. Lời ơi, tao cứ phải dặn mày luôn là coi chừng gà cho cậu. Tiếng “cậu”, má tôi nói thật ngọt ngào. Ở từ môi một người đẹp như má tôi, tiếng “cậu” thật có giá trị. Ba tôi ngoan ngoãn đi lên phòng thay áo cũng phải. Trong bữa ăn, má tôi nói chuyện êm đềm. - Tối thứ Bảy cậu định đi xem Đại nhạc hội hay Yến Hương? - Yến Hương là cái gì? - Là tên gánh hát chớ gì. - Gánh hát gì lại tên là Yến Hương - Ủa? Tên người ta, người ta có quyền tự do đặt mà. - Tự do cái gì lạ vậy? Gánh hát thì phải Kim Chung, Kim Chưởng, Thanh Minh, Thanh Thinh… chớ ai lại Yến Hương? Má tôi biết là óc của ba tôi còn bị đầu độc bởi sự bất bình lúc nãy, nên bà gắp thịt bỏ vào bát ba tôi vừa mời: - Cậu xơi món thịt bò thui nầy xem. Hàng này ngon nhất chợ đấy. Ba tôi gắp thịt chấm vào tương, nhai chầm chậm nghiêm trang như để nghiệm xem lời khen của má tôi có đúng không. Ông im lặng ăn luôn một thôi ba, bốn miếng. Chắc là đang tìm một tĩnh tự nào thật thích đáng để tặng cho món thịt bò này. Chúng tôi nhẫn nại đợi. Chợt ông đằng hắng to như để vội đánh lui một mảnh tương đi lộn qua thanh quản rồi khề khà nói: - Mấy con gà hàng xóm… Tôi trố mắt lên nhìn em tôi. Em tôi đưa mắt nhìn sang má tôi. - …mình không ném đá cho nó sợ thì nó hay dể ngươi lắm. Cũng như người vậy. Nhưng chẳng lẽ đường đường như tao mà lại đi cầm đá ném gà? Chúng mày, - đến đây ông quay nhìn chầm chập vào mặt anh em tôi, - chúng mày ném đá thì phải phép hơn tao. Bởi chúng mày nhỏ. Tôi nói: - Nhưng gà nhà mình cũng hay sang bươi móc bên vườn nhà láng giềng. - Thì bay phải gọi về. Có ai thích để vườn mình bị bươi chải bởi gà hàng xóm đâu? - Nhưng súc vật thì chúng nó biết gì? - Má tôi nói. - Sao lại không biết? Không biết sao khi đang bươi móc mà thấy bóng tôi là con gà nào cũng vội vã bỏ chạy, mồm la quang quác? - Đó không phải là do những cảm tình tốt chúng dành cho cậu. - Biết rồi. Nhưng tốt hay xấu tôi không cần, miễn là chúng đừng làm tôi khó chịu. Tôi thấy không khí giữa ba má tôi đã có phần căng thẳng. Tôi vội can thiệp: - Sao ba lại không thích gà nhỉ? Tính ba hay yêu chim chóc lắm mà. Con còn nhớ câu chuyện ba kể rằng ngày xưa ba đã lỡ bắn chết một con chim đang tha mồi… - Tao nói tha rác chớ đâu phải tha mồi. - Vâng, thì tha rác. Ba nhắm bắn trúng nó… - Mày kể sai rồi. Tao đâu có nhắm? - Chớ sao? - Tao bắn bậy mà trúng. - A! Tài ghê - em tôi nói chen vào - Ba bắn bậy mà trúng, còn con, nhắm hàng giờ mà bắn vẫn sai. Mà nào phải bắn chim nhỏ đâu, nhắm bắn vịt mà vẫn sai đó. “Vịt hay gà thì cũng như nhau” tôi nghĩ. Thằng này ngu quá, mình khó khăn lắm mới lái câu chuyện sang một ngõ khác thế mà nó lại kéo đâm sầm trở lại vào sân gà vịt. Đúng y như tôi dự đoán, ba tôi quay sang nó. - Bắn vịt mà vẫn không trúng thì dở quá. Con vịt chậm chạp đờ đẫn hơn con gà nhiều. Tôi lại phải ra tay can thiệp: - Nhưng mà ba này, rồi ba ăn thịt con chim ấy hay ba đem chôn nó? - Ba ăn thịt. Và đó mới chính là điều làm ba ân hận mãi. - Ba kể lại câu chuyện cho con nghe đi. Ba tôi ngần ngừ một lát. Dường như ông tỏ ý nghi ngờ thiện chí của tôi nên cuối cùng ông nói: - Tụi bay nghe hàng trăm lần câu chuyện ấy rồi. Vả lại, con gà khác xa con chim lắm. Con chim hiền lành ngây thơ, chớ không như con gà thực tế và đôi khi thô lỗ. - Con gà sao lại thô lỗ? - Em tôi hỏi. - Chớ sao lại không? Đã lẻn vào ăn vụng trộm ở vại nước nhà người ta vậy mà con gà mẹ vẫn túc con đĩnh đạc đàng hoàng và con cồ vẫn mời mọc ve vãn xung quanh những con mái. Không biết tội của mình, trái lại còn phô trương… Ba tôi còn đang tìm chữ để tiếp, thì má tôi nói: - Tính con vật nó tự nhiên. - Nhưng sao khi thoáng thấy bóng tôi thì nó lại ba chân bốn cẳng mà chạy? Như vậy thì sao gọi là tự nhiên được? Thế là má tôi bí. Mỗi lần phải cãi lý với ba tôi là thế nào má tôi cũng vội vã chịu bí. Lần này bà liền trả thù bằng cách gắp một miếng thịt bò thật to, chấm đầy tương rồi bỏ vô chén bà, thay vì đặt vào chén ba tôi. Em tôi nói: - Như vậy nghĩa là nếu con gà hàng xóm vừa lấm lét nhìn vừa mổ thức ăn thì ba sẽ bằng lòng? - Có lẽ như vậy. Ít nhất nó cũng phải tỏ ra rằng nó biết lỗi. - Nhưng ba vẫn thích con Lời ném một viên đá thật to vào con gà phải không? Ba tôi cười liền, không dấu diếm: - Chính lời mày hợp ý tao. Chỉ cần một viên đá là mọi việc êm thấm hết. Nhưng mà này, sao con Lời nó tiết kiệm những viên đá như vậy hè? Tại sao, tụi bay có biết không? Tao tưởng vào tuổi nó thì ném đá là một cái thích chớ. Tao nhớ hồi nhỏ tao mê ném đá lắm, đụng chỗ nào cũng ném được, ném vào chó vào gà nhà người ta, vào bụi cây, vào mặt sông, vào bờ ao, ném cả lên trời nữa. - Tại ba là con trai còn Lời nó là con gái. - Thế dễ thường hai đứa bay cũng là con gái hết? Con trai 10 tuổi, 12 tuổi không phải sinh ra để sợ ma, để đứa ở dẫn đi tiểu. Chúng tôi rụt cổ lại, ngồi ăn không nói vừa lẻn đưa mắt nhìn nhau cười ngầm. Những con gà thật báo hại. Giá chúng nó chìa mặt ra đúng vào lúc này thì tôi và em tôi sẽ mỗi đứa năm bảy hòn sỏi, ném vung tới, chết thôi. Trưa hôm sau vẫn theo lệ thường ba tôi ghếch xe đạp lên hiên và cuộc hội thoại thường kỳ bắt đầu: - Lời ơi, mày có nhớ coi gà không? - Dạ thưa có. - Gà hàng xóm có tới phá không? - Dạ thưa không. Ba tôi bằng lòng, lẳng lặng đứng tháo cái mũ Đài Loan thì chợt có tiếng “kéc ke ke” ở sân sau đưa tới. Thôi nguy rồi. Đúng là con gà cồ nhà thằng Hai vừa chui khe rào qua lúc nãy. Ba tôi thoăn thoắt đi vòng ra sau. Ông bắt gặp con gà sớn sác đứng nhìn ông bỡ ngỡ như nhìn một người khách lạ. Trông bộ nó vừa nghiêm trang oai vệ vừa ngớ ngẩn buồn cười. Cái mào đỏ chóe cắt răng cưa phe phẩy qua lại dịu dàng mỗi khi con gà làm một cử động nhỏ. Mà nó thì cử động không ngừng. Toàn thân là gân, là bắp thịt nên nó không chịu đứng yên. Cặp giò cao hết bới đến rảy. Rồi cái cổ cúi bên này, vục bên kia, cặp mắt láo liên, cái mặt ngẩng qua nghếch lại. Bộ lông màu hung đỏ láng mướt đẹp rực rỡ nhưng lũ thằng Hai vặt hết lông đuôi thành ra đầu đuôi không cân xứng. Nó thiếu thốn, nó ngượng ngập, nó chênh vênh thế nào ấy. Y như một bài luận có cái nhập đề hào hoa (như cái mào của con gà vậy), có cái thân bài vững vàng nhưng thiếu mất phần kết luận. Và trông ngược trông xuôi tôi vẫn có cảm tưởng như đang nhìn một người mặc áo sơ-mi thắt ca-vạt, choàng vét-tông, đội mũ Mossant mà chưa kịp mặc quần. Con gà thiếu thốn ấy đang nhìn ba tôi. Chừng như trên mặt ông có tỏa ra đằng đằng sát khí nên con gà vụt bỏ chạy. Ba tôi rượt theo. Nó chạy dọc theo ranh rào. Ba tôi ném một viên đá. Hụt! Con gà hoảng bay vụt trở lại. Ba tôi quay lui theo. Thêm một viên đá ném tới. Lại hụt! Con gà gia tăng vận tốc và vừa chạy vừa ném trả lại sau những tiếng cục tác giận dữ. Chạy đến gần cổng, tôi tưởng nó mừng mà thoát ra nào ngờ nó chạy trở lui. Thật ngu dại một cách đáng giận, tôi nghĩ. Có lẽ màu sáng của một khung đất trống làm nó nghi ngờ. Ba tôi lại ì ạch chạy theo. Ý chừng đã thấm mệt nên chân trái hơi khuỳnh ra. Vừa đuổi đến sân sau thì đầu ông bị ngáng vào dây phơi áo. Cái mũ Đài Loan rớt đánh “bộp” xuống nền xi măng. Ông đứng lại cầm nắn cái mũ vừa xuýt xoa tìm xem có bị vết nứt không. Ở góc rào, con gà cũng đứng lại chờ. Cái mào đỏ lắc lư uyển chuyển. Má tôi ở nhà ngang bước ra, vỗ tay mấy cái và la “ùi ùi”. Con gà nhìn nhớn nhác rồi chui lọt vào khe rào, chạy mất. Bà bước lại cầm cái mũ trên tay ba tôi, xem xét một hồi rồi nói: - May chưa bể. Thôi, cậu thay áo rồi ra rửa mặt. Những ngày tiếp theo, gió Bấc thổi ngược, gà bị dịch nhà nào ở nhà nấy, không còn ham phiêu lưu nữa. Chúng đứng cú rũ, thỉnh thoảng ngã chúi xuống như anh chàng ngủ gục. Lông lá xù ra. Cứt trắng dính bê bết ở lông bụng. Có con đi đếm bước ở ven rào, cổ rụt vai nhô và cánh kéo lè phè trông như ông cụ mặc áo tơi lá. Thế là ba tôi đỡ vất vả trong công việc săn đuổi và con Lời cũng yên tâm khi phải trả lời “Dạ thưa có” và “Dạ thưa không”. Sau đó không biết chừng bao lâu, một buổi trưa kia thay vì vào giường nghỉ sau bữa cơm, ba tôi lúi húi kiếm tìm món gì đó ở chái hiên sau. Má tôi nằm ở ghế bố thiu thiu ngủ, tờ báo hàng ngày trải bên cạnh. Hai anh em tôi nằm ở đi-văng học bài chiều. Buổi trưa nồng nực. Nắng vàng như mật ong. Chợt có tiếng đá ném đánh “đụi” một cái nặng. Tiếp theo là tiếng gà la “quác”. Rồi một tiếng đá ném “đụi” tiếp nữa. Lại một tiếng “quác” to hơn. Sau đó là tiếng con Lời la lớn: - Chết rồi, cậu ơi, cậu ném chết con gà của mình rồi. - Con gà nào của mình? - Giọng ba tôi. - Con gà của mình chớ của ai? Mợ mới mua hồi sáng. Mợ cột chân nó vào thanh củi để đứng ở bụi chuối. Anh em tôi nghe có chuyện lạ vội bỏ sách nhảy ra. Ba tôi trên tay còn cầm một cục gạch - à, ném bằng gạch cẩn thận chớ không phải bằng đá như tôi tưởng - và chắc đang chuẩn bị để ném bồi một phát nữa thì bị con Lời làm cụt hứng. Tôi chạy lại bụi chuối. Con gà cồ tía nằm dãy đành đạch, cái mỏ ngáp ngáp. Chân nó bị cột bằng một sợi dây vào thanh củi khá lớn. Chắc vì nó đang đứng giữa một đám lá ngải cứu nên ba tôi không phân biệt được một con gà bị tù tội xiềng xích với một con gà tự do. Quả thật vậy, vì liền đó ba tôi giải thích: - Tao đâu có thấy cái dây cột chân? Tưởng con gà của ai sang bươi phá. Tao vung tay đuổi, nó không thèm chạy còn nghếch cái mặt nhìn. Có gà ai mà lại tự thị như vậy chưa? Hỏi làm sao mà tao nhịn được? Tôi lại rờ con gà. Nó đập cánh, quơ chân lia lịa để tránh tôi. Ức nó dính bết máu. Tôi nói: - Ba ném tài ghê. Trúng ngay cái ức. Em tôi họa theo liền: - Không ngờ ba cũng là xạ thủ có hạng, anh nhỉ? Chưa học trường Võ bị Liên quân Đà Lạt mà đã… - Cú đầu trúng ức, cú sau trúng bụng. Thế là hai bàn trắng không gỡ. Má tôi lê dép xềnh xệch bước ra. Bà nói: - Đem con gà lại đây cho má coi nào. Tôi lật đật bê con gà trên hai tay. Cái cổ nó ngoẹo xuống. Em tôi vội vàng chạy lại bê luôn cái thanh củi đi theo sau. Sợi dây nối liền hai chúng tôi. Trong thâm tâm, chúng tôi cố ý bày vẻ linh đình như vậy để tạo một quang cảnh “bi hài” cốt chế diễu ba tôi. Nhà thiện xạ không may mắn bị chạm tự ái thật. Ông gắt: - Tao biết tụi bay mà… Sướng lắm. Chúng tôi lén đưa mắt cho nhau, rồi che miệng vào cánh tay cười khúc khích. Má tôi cất tiếng gọi to: - Lời ơi! Thôi, bắc nước sôi đi con.