Dành tặng Ning, Porm và Jom Nếu cất được thời gian trong chai Điều đầu tiên tôi mong được làm Là chắt chiu giành dụm từng ngày Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua Chỉ để giành trọn chúng bên em Nếu có thể khiến tháng ngày kéo dài bất tận Nếu lời nói có thể biến ước ao thành hiện thực Tôi sẽ lưu giữ mỗi ngày như báu vật Và vẫn mãi như vậy Tôi sẽ giành trọn chúng bên em Nhưng dường như chẳng bao giờ đủ thời gian Để làm hết những điều mình muốn Một khi ta nhận ra mình khao khát điều chi Tôi đã tìm kiếm đủ lâu để hiểu rằng Em chính là người Mà tôi muốn đồng hành qua thời gian Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ giành cho ước nguyện Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu Ngoài kí ức Về cách em đáp lại những ước nguyện kia. “Chai thời gian”, Jim Croce a khúc “Chai thời gian” của Jim Croce phát ra từ chiếc máy hát tự động của một quán cà phê nhỏ ven đường khiến tôi dừng bước. Từ lâu, rất lâu rồi, tôi đã không nghe lại bài hát này, như thể nó đã biến mất khỏi kí ức của mọi người và bị ém nhẹm vào một xó xỉnh tối tăm nào đó. “Này Béo, đừng về vội.” Một giọng nói trong trẻo vang lên từ góc phòng. Tôi ngẩng đầu khỏi hộp đàn vĩ cầm, ngạc nhiên quay về phía người nói. “Chị chưa muốn về nhà.” Chủ nhân của giọng nói xách hộp đàn vĩ cầm đi về phía tôi. “Muốn đi loanh quanh một chút.” “Vậy đi cà phê đâu đó nhé?” tôi gợi ý, đoạn đưa tay gạt một lọn tóc dính trên trán. Chị gật đầu thay câu trả lời. “Tóc cậu lại dài ra rồi đấy.” Chị nhìn tôi. “Tốt nhất là đi tỉa đi.” “Vội gì,” tôi vừa đáp vừa chìa tay đỡ lấy hộp đàn của chị. “Để em cầm.” “Cảm ơn,” chị lầm bầm gỡ cặp khỏi vai tôi. “Bọn mình bỏ đám này vào ô tô đi, đỡ phải vác theo.” “Chị nói cứ như mấy thứ này nặng bằng cả trái đất ấy.” Tôi bật cười bước đi, hai tay duỗi thẳng, mỗi tay xách một hộp đàn vĩ cầm, chị đi đằng sau ôm cặp sách của tôi. “Chú Maen!” chị gọi người lái xe đang ngồi đợi trên ghế băng trước cửa phòng nhạc. “Chú cho cặp sách và hai cái đàn này vào xe đi.” “Vậy còn cô thì sao ạ, thưa cô?” Chú Maen đỡ lấy đàn và cặp, nhìn chị dò hỏi. “Tôi đi dạo cùng Béo một lát. Chú có thể lái xe theo,” chị nói và nắm lấy tay tôi, nhảy chân sáo xuống cầu thang, để lại người lái xe bối rối đứng đó nhìn theo. Chúng tôi đi qua cổng trường vào một con đường nhỏ. Hàng cây kèn hồng dọc hai bên đường thả rơi những cánh hoa hồng rực như chào đón. Những bụi cỏ và lau sậy đung đưa trong gió nhẹ. Xa xa, chúng tôi có thể thấy sen trắng nở rộ trong một đầm nước rộng. “Chị mà có mấy vại tiền, chị sẽ mua một mảnh đất ngay đây và xây một ngôi nhà nhỏ nổi giữa đầm,” chị vừa nói vừa đưa tay ghì cổ tôi. “Ý hay đó, Jom,” tôi cười. “Như thế chị có thể tập đàn mà không sợ bị ném gạch.” “Ôi quỷ tha ma bắt cậu đi, Béo!” Chị ôm đầu tôi lắc. “Cậu không bao giờ khuyến khích chị được một câu.” “Em thuộc loại trâu buộc ghét trâu ăn mà. Em sẽ ghen tức chết mất.” Jom cười khe khẽ. “Cậu định đưa chị đi đâu?” chị hỏi khi chúng tôi đến ngã tư, đoạn quay lại nhìn chiếc xe Mercedes-Benz bóng lộn đang rì rì theo chúng tôi cách đó một quãng. “Đừng lo, em không bán chị đâu mà sợ,” tôi chọc. “Chị chả lo chuyện đó. Ai mà thèm mua một con vịt xấu xí như chị chứ, gầy nhom, lẻo khoẻo, lóng ngóng, kén ăn lại còn bướng nữa?” “Ra quán cóc đi,” tôi quyết định rồi đưa chị đi dọc con đường lát đá ong dẫn tới quán cóc – vài tấm tôn múi gác lên mấy chiếc cọc và bên dưới là chao ôi các loại nước ngọt cùng đủ thứ linh tinh. “Dễ thương quá!” Jom ngồi xuống một chiếc ghế đẩu gỗ ba chân, hài lòng nhìn ngó xung quanh. “Chị thích chỗ này, rất có phong vị quê hương.” “Cà phê đá chứ?” tôi hỏi chị rồi quay về phía người phụ nữ trung niên đang đứng sau một nồi nước bốc hơi nghi ngút “Cô ơi, hai cà phê đá ạ.” “Cậu ăn kẹo không?” Jom vừa hỏi vừa nhấc nắp bình thủy tinh đầy ắp kẹo, lấy một thanh kẹo lạc đưa cho tôi. “Thế còn chú Maen?” Tôi nhìn ra chiếc xe đang đậu kín đáo bên lề đường. Nắng chiều phản chiếu trên kính cửa và chắn bùn mạ crôm, một hình ảnh tương phản hoàn toàn với dãy lều tạm bợ xám xịt kéo dài mãi phía sau. “Đừng để ý đến chú ấy.” Jom cắn thanh kẹo lạc trong tay. “Chú ấy quen rồi. Có khi chú ấy phải đợi cha chị cả nửa ngày.” “Mình nghe nhạc đi?” Tôi đưa mắt nhìn về chiếc máy hát cũ mèn ở góc quán. “Này, cầm lấy.” Chị thọc tay vào túi đồng phục, rút ví ra đưa tôi. Tôi đón chiếc ví, mở ra lấy vài đồng một bạt. “Chị thích nghe bài nào?” tôi vừa hỏi vừa đứng dậy. “Gì cũng được,” chị đáp. “Nhưng đừng nặng quá.” Tôi tới bên máy hát chọn bài “Chai thời gian”. Giai điệu bài hát phá tan không khí uể oải của buổi chiều ảm đạm. Món cà phê đá đã tan chảy thành nước trong khi chúng tôi cứ đút tiền vào để nghe lại bài hát ấy, nghe mãi. “Về thôi.” Jom dịu dàng nói. Máy hát đã ngừng từ lâu. Đám ruồi nhặng bắt đầu bâu lấy hai cốc cà phê và làm phiền chúng tôi. Mùi thịt ôi phảng phất đâu đó. “Chị sẽ cho cậu quá giang về nhà.” Chị đặt tiền cà phê xuống bàn rồi đi trước tôi ra xe. Chú Maen vội vã ra khỏi xe kính cẩn mở cửa sau. Chiếc xe lăn bán ngược lại hành trình nó vừa đi, qua con đường nhỏ, đầm nước rộng và hàng cây kèn hồng, hướng ra con đường lớn. Mặt trời hầu như đã lặn hẳn. Bóng tối đang tỏa ra ngay sau lưng chúng tôi, như tấm màn dày chuẩn bị buông xuống cuối vở diễn. “Này Béo.” Jom nhìn tôi khi xe dừng lại đầu phố nơi tôi sống. “Mai cậu lại đưa chị tới quán cóc đó, nhé?” “Tất nhiên là được,” tôi đồng ý, đoạn túm lấy cặp sách cùng hộp đàn vĩ cầm rồi rời khỏi xe. Jom vẫn ngoái lại nhìn tôi quan tâm cho tới khi chiếc xe Mercedes khuất dạng trong bóng tối giăng trước mặt. Mẹ tôi ngẩng đầu khỏi chiếc bình đang vẽ dở khi tôi bước vào nhà. “Làm sao mà mày về muộn thế hả?” bà vừa hỏi vừa bỏ cặp kính ra đặt lên bàn. “Hôm nay con có tiết nhạc, sau đó con đi dạo với Jom.” “Ngoan chưa!” Mẹ nhìn tôi khinh bỉ khi tôi ngồi xuống chiếc ghế mây. “Thay vì mau chóng về nhà, mày lại tùy ý lông bông ngoài đường.” “Ôi thôi nào mẹ.” Tôi cởi tất ra ném đi. “Giờ tao chẳng còn có thể nói gì mày nữa phỏng?” Mẹ cao giọng. “Mày giờ cũng thánh tướng như bố mày đấy nhỉ?” Tôi khó chịu nhìn mẹ. Gần đây, bà thay đổi quá nhiều. Từ một phụ nữ hiền dịu thong dong, bà đã trở nên nóng nảy và có thể vô cớ mà ỏm tỏi lên. Tôi thường hồi tưởng lại nhưng ngày đã qua khi mình và em gái còn nhỏ. Thời ấy, chúng tôi còn sống trong ngôi nhà cũ bên sông. Thậm chí ngay cả bây giờ tôi vẫn còn nghe thấy tiếng xuồng máy rè rè và tiếng nước rẽ ra thành những gợn sóng dọc bờ sông. Đôi lúc, xuồng cà phê đi men bờ, kéo những hồi còi hối hả để thu hút khách. Buổi tối, mẹ đưa hai chúng tôi ra ngồi trên hiên nhà. Bà chậm rãi chải tóc cho em gái tôi như thể đó là một công việc trang trọng, ấy vậy mà ánh mắt bà không rời bến tàu lấy một giây. Có những ngày chúng tôi ngồi như thế cho tới tận khi lũ đom đóm quanh những cây lamphu bên rìa nước bắt đầu lập lòe và hàng đàn muỗi vo ve bên tai chúng tôi. Tôi không biết chắc lúc đó chúng tôi đang đợi điều gì, có thể là người cha luôn về nhà rất muộn, hay thứ gì đó khác, hoặc thậm chí một điều mà chúng tôi không biết. “Ning về chưa ạ?” tôi hỏi sang chuyện khác. “Chưa,” mẹ xẵng giọng, nom chực nói thêm điều gì, nhưng rồi bà im lặng. Tôi nhìn bà lần nữa rồi đứng dậy, nhặt tất lên gác. Tôi đóng cửa phòng ngủ và cảm thấy tự do khi rốt cuộc cũng được ở một mình. Ngoài trời, gió đang rít. Cây xoài bên cửa sổ oằn oại, cành lá cà vào kính cửa. Trời bắt đầu mưa lâm thâm, những hạt mưa phủ mờ cửa sổ. Tôi nhìn bóng mình trên kính, một cậu trai thể xác đã lớn nhưng thiếu cái nhiệt huyết của tuổi mình. Người ngợm không đến nỗi nào, chắc vậy, nhưng đôi vai còng phản thùng tiết lộ cái bạc nhược bên trong. Tôi không biết từ lúc nào đã thành ra thế này. Nom như thời gian đã dần dần gắn chặt gánh nặng khổ đau, rối loạn và áp lực gia đình lên đôi vai tôi, và giờ đây, khi đã nhận thức rõ về chúng, tôi khó mà chịu đựng lâu hơn. Tôi tới bên cửa sổ, nhìn vào hình phản chiếu lòe nhòe thấy một người lạ, như trước đây vẫn thế. Trên tấm kính, nhè nhẹ, bằng đầu ngón tay, tôi vẽ một con thuyền mành nhỏ, một ngọn núi, mặt trời, những cây dừa đung đưa. Tôi mơ về biển cả và những ngày đã qua từ lâu khi cha có lần dẫn cả nhà ra biển. Lúc đó tôi mới cao có từng này. Cha để tôi ngồi trên vai ông còn tay dắt Ning và ba chúng tôi thong thả đi dọc bờ biển trong khi mẹ nằm trên ghế dài quan sát mấy bố con. Chúng tôi đi xa tới mức mẹ chỉ còn là một chấm nhỏ trên cát. Thật kì lạ, tuy tôi và Ning luôn gần mẹ hơn cha, song chính mẹ là người trở nên xa cách với chúng tôi. Trong tâm trạng u ám ấy, tôi nghĩ về Jom. Chị như bờ bến của cuộc sống của tôi - bờ có tình yêu, ấm áp và đủ đầy. Chị và tôi chỉ có một điểm chung, đó là không ai trong chúng tôi thực sự có bạn thân. Trong khi những vấn đề gia đình đè nặng lên vai tôi, khiến tôi thu mình lại và tự ép mình phải trưởng thành thật nhanh, thì của cải lại tách Jom khỏi bạn bè, giam chị vào nỗi cô độc. Cha chị càng rót nhiều tiền cho chị vào trường học, chị càng bị cô lập khỏi bạn học. Chị như một nàng công chúa bé nhỏ quý giá trong mắt thầy cô – một cô công chúa tuyệt vời, mỏng manh, giàu có, không tì vết, nhưng than ôi, chính điều ấy lại biến chị thành nàng công chúa cô độc nhất thế gian. Tiền không thể mua cho chị dù chỉ một người bạn. Tôi hớ như in một trong những ngày đầu chúng tôi biết nhau. Chị hỏi tôi sau này muốn học tiếp ở đâu. “Sinlaparkorn,” tôi bảo chị. “Em muốn thành họa sĩ.” “Tốt cho cậu.” Chị mỉm cười. “Nhưng còn mấy năm nữa. Biết đâu cậu sẽ đổi ý....” “Thế còn chị thì sao, Jom? Đây là năm cuối cấp của chị rồi. Có ý định gì chưa?” “Chưa,” chị đáp rồi nhìn ra ngoài bãi cỏ nơi bọn trẻ đang chơi rất hào hứng. “Chị chỉ muốn ra khỏi nơi này. Chị chán ngấy nó rồi.” Tôi lặng lẽ nhìn chị và nghĩ rằng mình hiểu chị - hiểu nhau như một người bạn đồng lứa, không phải là một cậu trai mười bốn và một thiếu nữ mười bảy tuổi. Chương 2 goài Jom ra, bạn thân của tôi chỉ còn có Eik, Chai và Porm. Eik (Eikkarong) và Chai cùng học với tôi từ hồi lớp một. Số thứ tự của chúng tôi liền kề nhau; bàn học của chúng tôi sát nhau. Chúng tôi dấm dúi chia nhau kẹo và đọc truyên tranh trong những tiết học chán ngắt. Mùa thi đến, ba chúng tôi có một mật mã chung – bằng thước kẻ, tẩy, bút chì cùn và dấu tay. Trong khi giám thị coi gian lận là tội tử hình hoặc hành động coi thường không thể tha thứ, chúng tôi lại xem đó là trận chiến đầy hứng khởi của mưu mẹo và thẳm sâu trong đó ngầm chứa ý nghĩa như một biểu hiện của thiện chí và tình thân giữa bạn bè. Đó là lý do vì sao chúng tôi không sợ bị phạt nếu có bị bắt. Thật ra, chúng tôi còn có xu hướng cảm thấy tự hào về bản thân vì đã trở thành người hùng trong mắt bè bạn. Còn Porm đến lớp năm mới nhập bọn. Nó từ quê lên và là một tomboy thực thụ. Váy đồng phục chỉ chạm gối trong khi bọn con gái khác mặc váy che gần hết ống chân. Áo thì may bằng loại vải chưa tẩy trắng và hễ không có mặt thầy cô là lập tức sắn ống tay áo lên. Tóc Porm cắt ngắn như con trai. Ở cái tuổi mà bọn con trai thích đàn đúm với nhau và nhìn con gái đầy khinh ghét. Porm là đứa con gái duy nhất chen chân được vào nhóm tôi và chúng tôi không bao giờ thấy con bé khác mình. Chúng tôi chơi với nó như thể đó là một cậu nhóc mà chúng tôi có thể đuổi bắt và đá bất kì lúc nào, cùng lén lút hút thuốc trong nhà vệ sinh nam và lúc nổi xung lên thì lao vào chửi mắng hoặc tung nắm đấm vào mũi nhau. “Đáng lẽ cậu phải làm con gái mới đúng,” Eik thường kêu lên như vậy như thể tiếc cho Porm lắm. “Thì sao? Chuyện đó liên can gì đến cậu?” Porm sẽ khó chịu dài giọng đốp lại. “Như thế mình có thể hôn cậu,” Eik sẽ đáp lại với nụ cười thiên thần. “Cứ việc.” Porm lập tức chìa má ra. “Bên này... hay bên này, tùy cậu chọn.” “Ọe.” Eik sẽ lắc đầu nguầy nguậy. “Mình dám cá là mình sẽ nôn thốc nôn tháo cho coi. Thà mình đi hôn Chai hay Béo còn hơn.” “Gì, cậu... đồ bóng!” Porm phun ra ngay câu chửi thề. Cả lũ cười nôn ruột. Chuyện quên rằng Porm vẫn là con gái đã đưa đẩy những năm sau đó đến một bi kịch mà tôi sẽ không bao giờ quên nổi. Đầu lớp mười, tôi chọn học đàn vĩ cầm hai buổi tối một tuần – vào thứ Ba và thứ Năm. Eikkarong và Chai gia nhập đội bóng đá, bỏ lại mình Porm, nó không thích nhạc mà cũng chẳng đủ sức chơi bóng, chỉ có thể ngồi bên rìa sân cỏ xem bạn mình hoặc đợi chúng tôi trong căng tin. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh một cô nhóc bộ dáng láu lỉnh, tóc cắt ngắn, ngồi gà gật một mình trong căng tin lặng ngắt. Tất cả các quầy ăn đã đóng sập ô cửa kim loại xuống, tất cả ghế băng đã nằm chổng ngược chân lên bàn như thể việc kinh doanh đã chấm dứt hẳn. Porm ngồi đợi trên một cái bàn, chân đung đưa, dõi ánh mắt xa xăm ra ngoài, đợi khi đội bóng tập xong hoặc lớp vĩ cầm tan. Suốt mấy năm, sau khi tan trường, bốn chúng tôi cùng đi bộ ra bến xe buýt. Chọc ghẹo nhau và cười phá lên cứ như cả con đường nhỏ với những cây kèn hồng đứng dọc hai bên này là của riêng chúng tôi vậy. Đôi khi chúng tôi dừng lại bên đường, hái những bát sen gần bờ trong đầm nước, chia nhau hạt sen nhai dọc đường. Đến bến xe, chúng tôi cứ nấn ná chừng nào có thể. Đứa nào cũng cố hết sức kéo dài cuộc trò chuyện như thể còn chưa muốn rời nhau. Lúc thì phàn nàn xe buýt xuống cấp quá hay lái xe già quá chỉ để có lí do cùng nhau chờ xe khác tới. Và ngay cả khi xe sau đến, chúng tôi cũng bám lấy nhau để ngăn bất kì đứa nào trong nhóm leo lên trong khi người soát vé ra sức tuýt còi giục giã. Tôi không biết vì sao chúng tôi cứ như vậy suốt mấy năm trời, dù cuối cùng cũng phải tách ra lên những xe buýt khác nhau đi về những bến đỗ khác nhau để rồi lại đợi đến ngày hôm sau, vốn là thứ có thể đến cũng có thể không trong cuộc đời dằng dặc của chúng ta. Tôi là người đầu tiên rời nhóm từ khi kết thân với Jom. Mỗi khi tôi và Jom dạo bước bên nhau, ba người kia sẽ chắn đường chúng tôi mà huýt sáo chế giễu. Với con trai tuổi đó, kết bạn với con gái hoặc có bạn gái chẳng còn là điều gì đáng xấu hổ. Ngược lại, phải tự hào ấy chứ. Nhưng với tôi, Jom là ngoại lệ. Mặc dù tôi chưa từng có bạn là nữ, ngoại trừ Porm - nếu có thể coi cậu ấy là con gái - song tôi chưa từng nghĩ về Jom theo cách đó. Không phải bởi vì Jom lớn tuổi hơn và học trên tôi, cũng không phải bởi vị trí xã hội của chị hay bất cứ nguyên nhân nào tương tự. Thật lòng, tôi không biết nguyên nhân là gì, tôi không rõ, thậm chí đến tận giây phút này đây. Khi tôi xuống cầu thang, tay xách cặp và hộp đàn vĩ cầm thì Porm đang ngồi trên một cái bàn trong căng tin, chân đung đưa. “Khỏe không?” tôi bước đến chào nó. “Thường thường,” Porm nhún vai, mắt vẫn nhìn về chỗ khác. “Hai đứa kia đâu?” tôi vừa đặt hộp đàn lên đùi nó vừa hỏi. “Đằng kia.” Porm hất đầu về phía sân bóng, nơi khá nhiều cậu trai đang hào hứng chạy đuổi theo quả bóng da. “Hôm nay tập lâu thật.” Tôi đưa cổ tay lên xem đồng hồ. “Gần sáu giờ rồi.” “Mình nghe nói hai cậu kia sẽ dự giải vào tháng tới.” “Thật hả?” tôi ngạc nhiên. “Làm sao mà mình không biết việc này nhỉ?” “Cậu thì còn biết gì chứ?” Giộng Porm nghe là lạ. “Bạn gái cậu đâu rồi?” “Ngốc!” Tôi đấm nhẹ vào tay nó. “Chị ấy không phải bạn gái mình.” “Ồ vậy sao? Rõ như ban ngày là hai người đang dính như keo.” Tôi cười khẩy nhìn nó châm chọc. “Thế còn cậu? Bao giờ định kiếm lấy một tay bạn trai?” “Để làm gì?” Porm nom bực mình. “Mình đâu có dê như cậu.” “Cậu muốn nói vậy thì tùy thôi.” Tôi thở dài nhấc hộp đàn vĩ cầm khỏi đùi của quý bà chua ngoa kia. “Về thôi.” “Thế còn Jom?” Porm nhẹ giọng hỏi, quét mắt về phía phòng nhạc. “Hôm nay chị ấy tập bài mới,” tôi trả lời ngắn gọn. “Vậy ta cùng về.” Porm nhẹ nhàng nhảy từ trên bàn xuống. Nó lại nhìn sân bóng rồi túm cặp sách theo tôi rời căng tin. “Diệu kì thay dải vịnh xa xa Chói ngời trong ánh ngọc tỏa chan hòa Bát ngát xanh sắc chàm pha lục xám Tươi thắm như tranh, ôi muôn sắc trời cao Kìa mặt nước mê hoặc đến cầu vồng cũng thua xa Quyến rũ hơn muôn châu báu ngọc ngà Những con song nỉ non câu thần chú Khúc thiên đường trải bát ngát hoan ca.” Porm đọc bài thơ của Angkharn Kanlayarnanphong sang sảng rõ và ràng. Thật khó tin rằng một cô nhóc như nó lại bị lay động bởi Tụng ca sự huy hoàng của Bangkok đến nỗi có thể ngâm từ tâm can một đoạn thơ dài như thế. Ngoài Angkharn, Porm cất trong cặp những cuốn thơ mỏng của Khalil Gibran hay Rabindranath Tagore trong khi các cậu trai cùng tuổi vừa mới bắt đầu nghiện các trò bí bí mật mật. “Béo.” Đến một nhánh nhỏ của đầm nước rộng, Porm dịu dàng gọi tên tôi. Những cụm bèo cái và bèo tấm dập dềnh xao động khi một chú ếch bị tiếng bước chân của chúng tôi làm cho kinh sợ mà nhảy vọt từ lá sen xuống nước. “Hử?” Tôi bước chậm lại, quay người nhìn nó. “Cậu sẽ nhớ mình chứ?” Porm hỏi nhẹ như gió thoảng mắt vẫn không nhìn vào tôi. “Sao? Cậu định rời xa cõi đời à?” tôi chọc. “Đồ ngốc!” Miệng nó mắng như vậy nhưng nét mặt rất trang nghiêm. “Chuyện gì đấy Porm?” tôi nghiêm túc hỏi. “Có vẻ học kì tới mình sẽ phải chuyển trường.” Porm quay về phía tôi. “Mẹ muốn mình vào trường nữ.” “Chắc bác ấy chán kiểu con trai của cậu.” Tôi thở dài. “Mình cũng chả biết làm sao, Béo. Đó là con người mình. Mình không hề giả bộ.” “Chắc chắn mình sẽ nhớ cậu,” tôi lầm bầm. “Mình sẽ rất nhớ cậu.” “Cảm ơn.” Porm nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh một biểu cảm kì lạ mà tôi chưa từng thấy. Ngày hôm đó mới ảm đạm làm sao khi tôi ngoái nhìn lại con đường chúng tôi thường cùng nhau về nhà mỗi tối, cười nói trêu chọc nhau suốt dọc đường cho tới khi cuối cùng nhóm bạn cũng mất đi một thành viên! “Mình sẽ thường xuyên rủ Eik và Chai tới trường mới thăm cậu,” tôi an ủi nó. “Thật chứ?” Porm hỏi lại. “Thật,” tôi hứa. Nhưng cuối cùng chúng tôi không đến thăm Porn như đã hứa cho tới khi tất cả đều đi con đường riêng của mình. Tối đó tâm trạng mẹ tốt hơn thường lệ. Chiếc váy ren hồng nhạt khiến nước da bà sáng lên, lớp trang điểm nhẹ nhàng trên khuôn mặt làm bà trông tươi tắn và trẻ ra nhiều tuổi. “Oa, chuyện gì đây ạ?” tôi ngạc nhiên chào mẹ. “Suỵt! Đừng nhặng xị lên,” Ning thầm thì. “Tối nay mẹ có hẹn.” “Với ai?” tôi bối rối hỏi. “Với người đàn ông trong trái tim mẹ,” Ning vừa đáp vừa né tay mẹ. “Fat, short and handsome.”[1] [1] thấp, béo và đẹp trai “Bố?” “Đoán đúng rồi.” Ning gật đầu. “Nhân dịp gì thế ạ?” Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh mẹ. “Kỉ niệm ngày cưới,” mẹ dịu dàng đáp, mặt nhăn lại vì nụ cười hạnh phúc. “Mười lăm năm.” “Bố vẫn nhớ ngày này cơ đấy, giỏi thật,” tôi nhạo. “Là em nhớ,” Ning nói, trỏ ngón cái vào ngực mình. “Sáng nay em gọi điện nhắc bố.” Tôi lặng thinh nhìn mẹ và em gái. Mặc dù gần đây mẹ ngày càng hay công kích bố, phàn nàn với chúng tôi về đủ loại tội lỗi của bố và hành động như thể bà sẽ quay lưng lại với bố mãi mãi, nhưng thẳm sâu trong lòng bà vẫn chỉ là một người phụ nữ bình thường, khao khát tình yêu và sự quan tâm của người đàn ông mà bà từng yêu từng chung sống. Mẹ hiếm khi nhắc đến bố, ý tôi là những vấn đề liên quan đến sở thích chung. Chúng tôi lớn lên giữa những cuộc cãi vã của hai người. Trong mắt chúng tôi, bố là một tay nát rượu, một người chồng tồi và là đối thủ của mẹ ở bên kia võ đài. Nhưng, trên tất cả những thứ ấy, vẫn có điều gì đó luôn hiện hữu trong trái tim tôi, đó là nhận thức rằng bố yêu tôi và Ning. Mặc dù thời gian bố dành cho chúng tôi thật ít ỏi, nhưng ông đã khiến những khoảnh khắc ấy giá trị vô ngần. Tôi vẫn nhớ một đêm mẹ gói ghém đồ đạc bỏ về nhà bà ngoại sau khi cãi vã với bố từ chập tối. Bố kéo hai đứa chúng tôi vào dưới nách mà nói, “Bố yêu hai đứa chúng mày. Bố có thể không phải người tốt, nhưng bố yêu cả hai đứa, không thua bất kì một ông bố nào yêu con đâu.” “Bố, lúc nào thì mẹ về?” Ning áp vào ngực bố thút thít. “Mai, nhóc ạ. Mai bà ấy sẽ về.” “Nếu mẹ không về thì sao?” tôi bán tín bán nghi hỏi lại. “Thì chính bố sẽ kéo bà ấy về đây.” Đêm đó, chúng tôi hạnh phúc ngủ trong vòng tay bố - một vòng tay ấm áp bảo vệ chúng tôi khỏi mọi nguy hiểm trên đời - chỉ để sáng ra thức dậy lại thấy vẫn sự trống rỗng, cô độc cùng bồn chồn muôn thuở. Tiếng còi xe quen thuộc kéo tôi khỏi cơn mơ màng. “Bố đến! Bố đến rồi!” Ning lao tới bên cửa sổ, thò đầu ra ngoài phấn khởi vỗ tay. Tôi liếc về phía mẹ. Trong một khoảnh khắc thoáng qua, tôi thấy rõ lệ dâng lên khóe mắt bà.