ng Hội Cảnh lại kể chuyện ma thuồng luồng: “Hồi ấy, trên cái gò chơi vơi giữa hồ Ba Bể còn có một xóm nhỏ lác đác độ mươi nhà. Họ ở cách nhau hàng ba bốn trăm thước. Lắm khi, vì khuất rừng cây, nhà nọ không trông thấy nhà kia. Mỗi gia đình chỉ bằng ở tiếng chó sủa và tiếng loóng gạo mà còn có được cái cảm tưởng an ủi rằng vẫn gần nhau. Nhà nào cũng ruộng nương kề ngay chung quanh, vừa tiện hôm sớm đi về, vừa tiện giữ gìn màu vật khỏi cái hại hươu nai. Ông lạ gì, đường Trên người thưa đất rộng, mặc sức vẫy vùng.Về phía Bắc cái gò đất ấy, có một túp nhà tranh tồi tàn. Mái nhà vẫn kín gió mưa, nhưng lá lợp lầu ngày nhiều chỗ đã ủi nát, gần thành một thứ đất màu. Những hột quả, chim tha về ăn để lại đấy, đã mọc thành những mầm cây nhỏ. Bốn bề vách nứa chống chếnh, lau lách bên ngoài mọc đâm cả vào trong nhà. Những trận gió lạnh đêm đông thường khi thóc mách vào tận buồng nằm.Nhà có ba gian thì một gian làm buồng ngủ, gian đầu đằng kia kê bàn thờ và giường tiếp khách. Tôi xin nói rõ ngay để ông biết rằng chủ nhà làm nghề thầy cúng, tiếng chúng tôi gọi là ‘Sa thúng’. Và bàn thờ chẳng qua là tấm phên nứa đặt lên bốn gốc tre chôn một đầu liền xuống đất. Trên ‘bàn’, mấy cái bình hương tre tro tàn bề bộn, dăm cái chén đất, cái úp cái ngửa, một cái bát đựng nước cúng và một cái đĩa bày trầu, cau, hoa. Vài thẻ hương, giấy bao đã phai màu, và mấy quyển sách cúng viết bằng thứ chữ riêng, người thường không thể đọc được.Trước ‘bàn thờ’, một cái giường tre giải manh chiếu cũ bày ngổn ngang mấy khúc gỗ gối đầu, một cái khay chén, một ấm chè đựng trong cái giỏ mây sơn màu gạch cua, một cái điếu cày dựa lên cái giá làm bằng một đoạn cành cây khòng khoèo. Gian giữa tức là bếp, là cái lò sưởi chung cho cả nhà về mùa đông. Vài cái đầu rau bằng đất thó, trên để chảo cám lợn luôn luôn đầy những món cùng chuối nấu nhừ, thành một thứ cháo xám đen, một cái ấm đất và mấy cái nồi đất con. Ngay chỗ ngọn lửa bếp lên, một cái gác tre lủng lẳng chứa mấy cặp thịt nai sấy, vài gói thuốc mán, dăm quả bầu già, dưa già làm giống, và một túm chân gà khô.Cái khung cảnh ấy tiều tụy, lạnh lẽo và lấm láp những tàn hương bò hóng nhờ được những tiếng cười đằm thắm, những câu chuyện ái ân, những vẻ ngây thơ hóm hỉnh của đôi vợ chồng và đứa con nhỏ nọ, lắm khi thành ra linh động và tươi sáng.Cả hai vợ chồng đều xấp xỉ ba chục tuổi.Chồng, hơi thấp nhưng cả ngang; chân tay gân guốc, đi đứng mạnh dạn. Đầu anh ta vuông, tóc rễ tre, cổ to như cổ trâu, nét mặt tròn và đều đặn, nước da hung hung. Nếu chẳng có cái miệng cười thực thà thường phô hai hàm răng trắng nhởn, vẻ mặt anh chàng có lẽ dữ tợn vì cái trán gồ, cái mũi tèn tẹt, cặp lông mày chổi sể và đôi mắt ốc nhồi sáng quắc.Vợ, trái lại, nom mảnh dẻ, chân tay nhỏ nhắn, dáng điệu mềm mại. Trên khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng mịn, cặp mẳt bồ câu lóng lánh như nước hồ khi lặng gió. Cái mũi tuy nhòm mồm nhưng không giảm mất vẻ đẹp của nụ cười ý nhị thường nở trên cặp môi tươi.Ngoài những lúc đi cúng, đi bói xa, chồng chỉ loanh quanh ở nhà bảo ban vợ làm ăn. Nhờ phong tục tốt, hàng xóm thường giúp đỡ thêm vào, vợ chồng cũng trù được một nương lúa to và cấy được hai mẫu ruộng nếp mây. Thóc gạo mỗi năm ngần ấy đủ cho ba miệng ăn và đổi chác dầu muối. Hai vợ chồng xử với nhau hòa hợp. Lại từ khi được chút con thơ, cái tình ân ái càng nồng nàn. Đứa bé sinh ra, thường hay quặt quẹo, thân thể gầy còm, chân tay ngẳng nghiu, nước da bung bủng, nổi cơ đồ nhất có chăng là cái bụng trái mít điểm cái rốn lồi. Tuy vậy, con vua vua dấu, con chúa chúa yêu, cái đầu cá trê lơ phơ mấy sợi tóc vấy ‘cứt trâu’, cái mặt ngơ ngác, cặp mắt lúc nào cũng như lòe lửa sốt và cái miệng cười mếu máo kia vẫn là cái vui sướng, cái thương yêu, cái hy vọng của hai cuộc đời tối tăm góp lại dưới mái lều tranh. Cái nghèo của vợ chồng bác thầy cúng, người ta có thể ví là cái khung mộc mạc, lồng bức tranh gia đình nên thơ...Một ngày tháng Sáu, vào khoảng mặt trời gần lặn. Trong nhà, người vợ đang ngồi cạnh bếp thổi cơm. Đứa con thì bò lê dưới đất, đùa với nái lợn lang chộp choạp ăn ít cám đựng trong cái lon tre, mặt ngoài phất một lượt sơn đen. Người đàn bà hí húi làm cơm, chốc chốc nhoẻn miệng nhìn con. Ngay lúc ấy, chồng ở trên nương về. Anh ta vừa toan vào nhà, sau đứng sững lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh êm đềm trước mắt. Vợ và con vẫn vô tình. Thốt nhiên, anh nhảy xổ vào và bế phắt đứa con lên tay. Vợ, giật mình quay lại, cười pha chút sợ hãi:- A lối!... Làm người ta giật nẩy mình... hôm nay về muộn nỏ?Anh chồng cười hê hè, xốc nách con giơ lên giơ xuống. Thằng bé, hoặc có lông buồn hoặc thích chí, cũng cười sằng sặc.- Pú lỷ mì cần mà doọng pi né (Ông Lý có người về gọi anh).- Doọng lầu việc lăng nẩy? (Gọi ta việc gì thế?)- Pú lỷ chảo pi quá pại mo hở me lỷ te pân khẩy (Ông Lý bảo anh sang cúng cho bà Lý ốm).- Cà ling ò? Lầu quá pại ngòi đu (Thật à? Ta sang xem nào).Chồng nói đoạn, trao con cho vợ rồi vào buồng quấn khăn thay áo và lại bàn thờ lấy sách cúng. Lúc anh ta sắp ra cửa, trời bỗng đổ cơn mưa. Anh ta càu nhàu:- Bôn đin ọ! (Trời đất ạ!). Phân tằng vằn nhằng mi đo! (Mưa cả ngày chưa đủ sao!)- Bôn mí phân hẹt lừ khẩu pân? (Trời không mưa, làm sao lúa tốt?)Anh chồng lườm yêu vợ rồi chụp nón ra ngoài. Trước khi khép cửa anh còn ngoái dặn vợ:- Kin cón hở lục pây nòn ná (Ăn xong cho con đi ngủ nhé) vằn chục lầu chắng mửa (mai ta mới về).- Đảy giá (Được rồi).