Chương II
Nương Nương

    
uba dưới thời ông thủ tướng râu xồm là xứ chứa nhiều bí mật. Mặt mũi nhân vật cầm quyền đầy râu, căn cứ vào kích thước bộ râu, người ta có thể biết được chức tước cao thấp. Người vô tu phải đeo râu giả để được cấp trên sủng ái. Râu mọc thưa thớt, chậm chạp, thì dùng mỹ phẩm. Các thứ thuốc mọc râu, dưỡng râu, nhuộm râu đua nhau nhập nội. Râu trở thành thời trang, thành phong trào chính trị.
Riêng Nương Nương không đeo râu như thủ tướng Castro mặc dầu Nương Nương là một trong những cây cột chống kiên cố của chế độ. Giữa những nhân vật cầm quyền bí mật. Nương Nương là gương mặt bí mật nhất.
Không ai biết tên thật và lai lịch của Nương Nương. Một ngày kia từ chuyến phản lực cơ đặc biệt từ Liên Sô tới lặng lẽ bước xuống một người đàn ông gầy nhẳng, da trắng như da đàn bà tây phương, đôi mắt bồ câu ướt át như mắt đàn bà, bàn tay dài thuôn như bàn tay đàn bà, cử chỉ rụt rè sượng sùng như cử chỉ đàn bà. Tài-xế thân tín của thủ tướng chờ sẳn ở sân đáp, cách phi cảng gần nửa cây số, cùng viên đại sứ Sô Viết và viên giám đốc trú sứ K.G.B. đặc trách trung bộ châu Mỹ.
Người đàn ông gầy nhẳng này có tướng phụ nữ nên bà con trong "làng" gọi là Nương Nương. "Làng" ở đây là làng điệp báo quốc tế. Nương Nướng xuất thân từ lò đào tạo K.G.B. Sô Viết, phục vụ lâu năm tại Mạc tư khoa trong tổng hành doanh mật vụ Nga. Sau ngày Che (1), cánh tay phải của thủ tướng râu xồm bỏ đi, tình hình trong xứ rối beng, Nương Nương được triệu thỉnh từ Mạc tư khoa về Ha-van để điều khiển màng lưới G-2.
24 giờ sau vụ rượt bắt và cái chết của điệp viên Giắc gần căn cứ hải quân Mỹ, tổng giám đốc G-2 Nương Nương ngồi suy nghĩ trong căn phòng gắn máy điều hòa khí hậu ở cuối đường 60 nhìn ra biển trong thủ đô Ha-van. Trụ sở công khai của G-2 được đặt ở vùng ngoại ô, trong một bin-đinh to lớn, lộng lẫy, góc đại lộ số 5 và đường 14. Trụ sở ở cuối đường 60 bên trong thành phố là nơi làm việc riêng của Nương Nương. Mỗi khi cần bàn bạc với cộng sự viên cao cấp, Nương Nương thường đến đó.
Nghề điệp báo là nghề con vạc ăn sương, thiên hạ đi ngủ thì mình thức làm việc, các lãnh tụ điệp báo lại phải thức đêm nhiều hơn ai hết. Nương Nương thì không, y chỉ đến bàn giấy ban ngày, ban đêm y ngủ kỹ. Trừ phi có điệp vụ khẩn cấp phải giải quyết đúng kỳ hạn Nương Nương mới ngồi đến khuya. Tối đa là 12 giờ đêm.
Cái chết của điệp viên Giắc đảo lộn hoàn toàn nếp sống cố hữu của Nương Nương. Không những y phá lệ làm việc đêm, đồng hồ đã gõ 12 tiếng lãnh lót y vẫn ngồi lì trên cái ghế xoay, mắt dán vào xấp hồ sơ đánh máy, vệ sĩ và phụ tá ở phòng ngoài đều nín thở, không dám bước mạnh, không dám húng hắng.
Tính tình Nương Nương thay đổi khác bất thần: thường ngày y ăn nói nhỏ nhẹ, giờ đây y gắt ngậu xị. Y ra lệnh cho phòng bí thư cúp hết điện thoại với bên ngoài. Y cần tĩnh tâm để tính toán và quyết định.
Gần 2 giờ sáng, y bấm chuông gọi vệ sĩ:
 Nước cà chua.
Nương Nương không uống rượu bao giờ, quanh năm chỉ uống một thứ nước cà tô-mát. Nương Nương ghét nước Mỹ song lại ưa cà-chua Mỹ, phải là nước tô-mát chế ép ở Mỹ mới dùng. Tuy là người Cuba chính cống, Nương Nương lại có ác cảm với hai món quốc hồn quốc túy ngoài rượu rhum, ấy là xì-gà Cuba và đường Cuba. Người ta đồn y chê đường vì mắc bệnh tiểu đường. Nhưng còn xì-gà?
Uống xong ly cà-tô-mát. Nương Nương ngẩng đầu ngó người đàn ông râu quai nón rậm rì, đeo kiếng trắng, mặc quân phục nhầu nếp, không đeo cấp hiệu, khẩu súng trái khế trệ dưới hông. Cộng sự viên của Nương Nương đều mang bí danh, người đàn ông râu rậm này là phó giám đốc đặc trách nội vụ G-2, cấp bậc thiếu tá, thân hình mập thù lù, gần 80 ký đối với bề cao trung bình 1m65 nên được kêu là thiếu tá mập hoặc ông Phó Mập.
Giám đốc G-2 Nương Nương hất hàm:
 Hoàn thành báo cáo chưa?
Phó Mập sửa lại gọng kiếng trắng tuy y mới quá ba mươi, nghĩa là chưa đến tuổi phải tùy thuộc vào mục kính:
 Thưa rồi.
 Đúng nó là nhân viên C.I.A. Mỹ tại Thái Lan?
 Dạ đúng. Mọi chi tiết thu lượm được trong cuộc điều tra tại chỗ và tham khảo thư khố trung ương xác nhận trăm phần trăm nó là FET-7 (2), phục vụ tại trú sứ Thái-Lan, Vọng Các. Tên thật của nó là Giắc Tati. Nó đội lốt thông tín viên báo chí đến Thái ngày 16 tháng 4 năm ngoái. Mặt ngoài là nó đại diện và lấy tin cho một tờ nhật báo ở Hoa thịnh đốn, tờ Bưu Báo. Mặt trong, nó thu thập tài liệu, tin tức liên quan đến phong trào du kích ở các tỉnh Đông-Bắc. Trong thời gian hoạt động ở Vọng Các, nó tỏ ra kín đáo, thận trọng, khôn ngoan, song trú sứ K.G.B. đã phăng ra chân tướng và bí mật theo dõi nó. Đùng một cái, nó mất tích.
 Trong chuyến viếng thăm các tỉnh biên giới?
 Dạ, theo tin đăng trên tờ Bưu Báo ngày 20 tháng 8, nghĩa là hơn 4 tháng sau ngày Giắc đến Vọng Các. Bản tin cho biết Giắc đáp xe hỏa lên tỉnh Nồng Khai, sát biên giới Thái-Lào ngày 5 tháng 8. Giắc đi như vậy nhiều lần, mỗi lần kéo dài chừng một tuần. Quá 10 ngày không thấy Giắc xuất hiện tại Vọng Các, bạn bè tá hỏa tam tinh, đổ đi tìm. Tờ Bưu Báo cho rằng Giắc bị du kích quân bắt giữ.
 Sự thật?
 Tôi đã thỉnh cầu K.G.B. mở cuộc điều tra. Họ đã hỏi phía du kích Thái-Lào, và được phúc trình dứt khoát Giắc không hề bị bắt giữ hoặc hạ sát. Trước đó và sau đó một tháng, không một người da trắng nào bị du kích bắt giữ hoặc hạ sát dọc biên giới. Bởi vậy, tôi mạo muội nghĩ rằng sự biệt tích của điệp viên Giắc do C.I.A. sắp xếp.
 Nghĩa là đồng chí muốn đưa ra một kết luận?
 Dạ.
 C.I.A. phịa ra chuyện thông tín viên Giắc biệt tích trong khu vực do du kích kiểm soát để bí mật kêu về Mỹ.
 Dạ.
 Rồi bí mật đưa vào Cuba.
 Dạ.
 Dạ xuông chưa đủ. Phải trưng bằng cớ.
 Hồ sơ trong thư khố của ta mang nhiều chứng tích về gia đình của Giắc. Nó sinh trưởng tại đây, cha là người Mỹ, mẹ lai Pêru. Cha Giắc làm nghề thú y sĩ. Giắc đến tuổi đi học, gia đình dọn sang Mỹ rồi ở luôn.
 Kết luận của đồng chí?
 Dạ, một trong các nguyên tắc chỉ đạo của ngành lấy tin là thu nạp người địa phương. Giắc sinh đẻ ở Cuba nên...
 Bác bỏ. Điều anh nói không thể gọi là bằng cớ. Thứ nhất, ta chỉ biết Giắc không bị du kích bắt giữ, chứ ta chưa soi sáng được nguồn gốc của sự biệt tích. Thứ hai, chưa có bằng cớ cho thấy C.I.A. đưa Giắc về Mỹ. Thứ ba, chưa có bằng cớ cho thấy C.I.A. đưa Giắc vào Cuba. Tôi chỉ luận định trên bằng cớ cụ thể, không thể luận định trên những sự phỏng đoán.
 Dạ... còn cái cặp đựng tài liệu mật.
 Phải, còn cái cặp đựng tài liệu mật tìm thấy trên xe cam-nhông của Giắc. Song việc này không nằm trong phạm vi của anh. Đại úy Hô sẽ báo cáo sau. Có bình nước lọc đây, anh uống một hớp.
 Dạ... tôi không khát.
 Không khát cũng nên uống. Từ ngày làm việc với tôi, anh đã biết tôi thù thuốc lá. Ai vào phòng tôi cũng không dám hút. Miệng anh hôi không chịu nổi.
Thiếu tá Mập riu ríu rót nước và uống ừng ực. Nương Nương có tính ác khẩu mỗi khi buồn bực. Đừng tưởng bàn tay tháp bút mềm mại ẻo lả ấy chỉ biết dạo đàn. Trong cơn nóng nẩy, Nương Nương vung nhẹ tay là cái bàn sắt nặng hơn một tạ lật nghiêng như bằng bìa cứng.
Đại úy Hô đã nghiêm chỉnh trình diện trên bàn giấy. Gọi là Hô vì hàm răng hô độc đáo, dầu ngậm miệng, mấy cái răng cửa lớn bằng cái móng tay vẫn chìa ra ngoài môi. Đại úy Hô là phó giám đốc đặc trách Phản Gián. Nương Nương quay sang đại úy răng vẩu:
 Việc kiểm kê tài liệu trong cặp da đến đâu rồi?
Giọng báo cáo của đại úy Hô có vẻ trịnh trọng và kiểu cách hơn giọng thiếu tá mập tuy y không đeo kiếng trắng và y không đằng hắng liên hồi trước khi mở miệng
 Tai nạn xảy ra trong khi tôi công tác ở Santiagô. Tôi đáp trực thăng tới nơi ngay. Binh sĩ ta vây kín chiếc cam- nhông, xa lộ bị chặn lại hai đầu, sự lưu thông bị gián đoạn tạm thời, bọn Mỹ trong căn cứ chỉ trố mắt nhìn ra, chứ không phản ứng. Tên Giắc bị một mũi chông thép xuyên thủng phổi, tắt thở lập tức. Khám bót-phơi ở túi quần sau thì thấy một tấm thẻ báo chí bọc lát-tích cấp tại Mỹ, mang tên Giắc Tati. Ngoài ra còn những giấy tờ linh tinh khác, không quan hệ mấy.
Nơi chân nạn nhân, đút dưới gầm ghế có cái cặp da màu đen đựng những mẩu báo cắt ra và đồ đạc tùy thân vặt vãnh. Quai xách của cặp da rỗng ruột, đựng một ống nhom nhỏ xíu hàn kín kỹ lưỡng. Mở ống thấy một cuộn phim nhỏ gồm 36 "bô". Rửa tráng, in thành ảnh thì 36 "bô" này là bản chụp những tài liệu tối mật hạng A của chính phủ ta. Tuân lệnh đồng chí giám đốc, tôi đã đích thân rọi mỗi "bô" một tấm lớn.
Nương Nương giở xấp hình láng bóng kẹp giữa hai cái bìa cứng, liếc sơ qua rồi đẩy dồn vào góc. Y chỉ đống ảnh?
 Anh nghĩ sao?
Đại úy Hô đáp:
 Trừ một tấm, tất cả đều là bản sao văn thư tối mật và biên bản hội nghị tối mật trong văn phòng tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống.
 Tôi muốn hỏi ý kiến anh về tấm hình kia.
 Dạ, tấm hình số 36, tấm hình cuối cùng của cuộn phim. Nó là bức điện viết bằng mật mã. Mật mã số QS-42-a của trung ương tình báo C.I.A.. Ta nắm được chìa khóa mật mã QS-42-a nên hiểu rõ nội dung bức điện. Nó được ký tên "Rô-be" và gửi cho trung ương. Cho đến nay tôi chưa rõ Rô-be là ai, và trung ương là trung ương nào.
Giám đốc G-2 Nương Nương đăm chiêu đọc bản dịch của bức mật điện, lời lẽ như sau:
"Rô-be kính gửi trung ương,
"Tiếp theo đây là phần nhì bản báo cáo điều tra về đời tư của Matêra, tổng thư ký Phủ Tổng Thống. Mặc dầu vợ con đùm đề, con lớn gần hai mươi, Matêra còn đèo bồng thêm nhiều vợ bé, cô mới đã mang tháng trước là trang quốc sắc thiên hương tên là Bạch Hồng. Nàng hát hay, vũ khéo, ăn nói lôi cuốn, thân hình nẩy lửa và là diễn viên màn bạc. Nàng bắt bồ một thời gian dài với viên cố vấn chính trị của Thủ Tướng rồi đi với viên bộ trưởng Lao Động. Sau nhiều liên hệ tình ái lung tung, nàng làm vợ bé cho Matêra....
Bản dịch còn non nửa trang. Nương Nương vứt tờ giấy xuống bàn, không buồn đọc hết. Y hỏi đại úy Hô:
 Tin về Matêra và Bạch Hồng đúng bao nhiêu phần trăm?
 Thưa, 99 phần trăm. Nó cho thấy C.I.A. gài được nội tuyến ở cấp cao nhất, ngay trong phủ Tổng Thống của ta.
 Tại sao?
 Giắc là nhân viên C.I.A..
 Dốt. Giắc là nhân viên C.I.A. ở Thái. Từ ngày Giắc biệt tích, vấn đề phải được xét lại. Nhân viên C.I.A. chẳng dại gì cất giữ tấm thẻ báo chí mang tên Giắc trong bót-phơi.
 Theo ngu ý, chỉ những cơ quan dọ thám chống lại ta mới bầy cục tìm hiểu kỳ được đời tư của yếu nhân ta, nhằm mục đích săng-ta.
 Không cứ gì C.I.A. hay cơ quan điệp báo nào của địch, ai cũng làm như vậy, dẫu là bạn hay thù. Liên Sô và Trung Hoa là hai nước xã hội chủ nghĩa, tại sao không ai chia xẻ tin tức với ai, tai sao chúng ta hợp tác tình báo chặt chẽ với K.G.B. mà lãnh đạm với Quốc Tế Tình Báo sở?
 Thưa, tôi mạn phép được trình thêm những khám phá kỹ thuật...
 Hồi tối, anh ghi trong bản báo cáo đợt đầu là cuộn phim chụp tài liệu thuộc loại đặc biệt do C.I.A. chế tạo.
 Dạ, loại phim nhựa này không được bầy bán ngoài thị trường, máy chụp nó cũng là máy đặc biệt, tư nhân không có.
 Tư nhân không có, đồng ý. Nhưng còn các sở gián điệp? Như G-2 của ta chẳng hạn..
 Thưa... thưa...
 Lát nữa tôi sẽ cho anh thấy những hộp phim và những cái máy đặc biệt của C.I.A.. Anh nghĩ sao?
 Dạ, tôi...
 Anh quên nói thêm nạn nhân Giắc Tati mặc âu phục bằng vải Mỹ, cặp da bằng da Mỹ, trong túi có gói thuốc lá Mỹ, hộp quẹt Mỹ, Mỹ..., Mỹ tuốt luốt.... Một số điệp viên của ta đang hoạt động trên đất Mỹ, họ có dùng phim ảnh Cuba, máy chụp hình Cuba, thuốc lá Cuba, bao quẹt Cuba... trước mũi công an F.B.I. không?
 Thưa, không, đồng chí giám đốc.
 Tại sao anh và đồng chí Mập cứ nằng nặc bắt tôi phải tin vụ Guantanamô do C.I.A. Mỹ bố trí?
 Thành thật xin lỗi. Thật ra tôi cũng chưa hiểu tại sao.
Giám đốc G-2 Nương Nương thẩn thờ đứng dậy, khoanh tay trước ngực, bước ra cửa sổ. cửa sổ nhìn xuống biển - cũng như mọi cửa khác trong văn phòng - luôn luôn được đóng kín và che rèm dầy. Nương Nương ra hiệu cho đại úy Hô vặn kê-môn, khí trời bên ngoài ùa vào. Tuy phòng giấy mát rợi nó không dễ chịu bằng sự mát rợi của ban mai từ biển rộng dâng lên tòa nhà nhiều tầng.
Thủ đô Ha-van chỉ cách thị trấn Ki-oét (3) Hoa Kỳ một eo biển 140 cây số, tuy nhiên vượt khỏi hải phận ra khơi để được khoái đỉnh Mỹ tiếp cứu là một sự liều lĩnh kinh hoàng. Người ta mệnh danh vùng biển hẹp này là "con đường đại liên". Cơ quan G-2 của Nương Nương góp phần quan trọng vào công cuộc trấn giữ con đường đại liên. Nương Nương đặt phòng giấy đối diện với bờ biển để chiêm ngưỡng thường trực những thành tích của mình.
Hừ... mình đã chặn đứng được phong trào bỏ trốn và nhập cảnh lậu, tên tuổi mình vang dội khắp tây bán cầu, không lẽ mình chịu lép vế phen này, hừ... âm mưu thâm độc, tinh vi quá chừng...
Nương Nương vùng quay lại, nghiêm giọng với hai cộng sự viên, thiếu tá Mập và đại úy Hô, miệng há hốc biểu lộ sự kinh ngạc vô biên như đang đứng trước một kỳ quan của vũ trụ:
 Ngay từ đầu tôi đã thấy nhiều nghi vấn. Riêng nghi vấn này đủ chứng tỏ vụ Giắc Tati khó thể do C.I.A. dàn cảnh. Đó là bộ mật mã QS-42-a. Từ 8 tuần nay, mật mã QS-42-a không được dùng nữa. Lý do: một nhân viên sứ quán Mỹ đào nhiệm mang theo bộ mật mã này. Sự đào nhiệm được giữ kín, tình báo Mỹ ở hải ngoại lặng lẽ đổi mới hệ thống mật mã. Nếu quả thật C.I.A., họ không thể dùng một mật mã bị lọt vào tay K.G.B., nghĩa là trong tay ta, trên đất ta.
Phương chi ngoài vụ mật mã QS còn một chi tiết nổi bật khác: sự tăng cường phòng vệ dọc chu vi căn cứ Guantanamô. Cách đây 15 ngày, binh sĩ ta đào cái hào sâu 30 mét, bề ngang 6 mét, bên dưới cắm chông thép nhọn. Với hào chông này, không loại xe nào có thể vượt qua. Cái hào chỉ cách chu vi căn cứ mấy chục mét, lẽ nào C.I.A. nhan nhản trong căn cứ lại không biết? Binh sĩ ta làm việc rầm rộ suốt một tuần, cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Nhân viên C.I.A. ở Guantanamô đã biết, tất trung ương C.I.A. biết và trung ương C.I.A. biết phải cho nhân viên mình biết. Vì thế bàn tay bí mật núp sau vụ Giắc Tati không phải là C.I.A.. Theo ý hai anh, họ là ai?
Hai phó giám đốc G-2 im thin thít. Có thể trong thâm tâm họ liên tưởng đến một danh tính nào đó, song vì sợ mắc kẹt, họ đành nín lặng.
Nương Nương ngồi phịch xuống ghế xoay, nhìn giữa mắt đại úy Hô, dằn từng tiếng một
 Từ sau ngày Mỹ thất bại trên Vịnh con Heo, mối giao hảo giữa họ và ta sa dần xuống vực thẳm. Phải mất nhiều tháng năm, mất nhiều do thám, trật trẹo, trung gian gay go, hai bên mới có thể nối lại cuộc đối thoại. Và cuộc đối thoại tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao Cuba-Mỹ sửa soạn bắt đầu, với nhiều triển vọng thành tựu. Tình báo C.I.A. không có lợi gì để gây sự với ta, ít ra ít ra trong lúc này, mặc dầu họ vẫn là kẻ thù.. Ha... ha, kẻ gây sự không qua mặt được Nương Nương đâu.... Rồi họ giật nẩy người. Rồi họ chết không kịp ngáp. Đại úy Hô, thiếu tá Mập?
Hai phó giám đốc G-2 rập đế giầy theo tư thế nghiêm, miệng dạ rân. Giám đốc Nương Nương chưa kịp ra lệnh thì cửa xẹt mở. Y cau mày, vẻ bất bình hiện rõ trong tròng con mắt sắc rợn. Trong giờ giám đốc tiếp cộng sự viên, ngoài cửa thắp ngọn đèn đỏ, chiếu sáng tấm bảng "cấm vào". Việc cần đến mấy cũng phải đợi.
Nhưng cô bí thư đã phá lệ. Nàng hiện ra giữa khung cửa mở rộng. Nàng mặc quân phục, không đeo cấp bậc, khẩu súng nằm trưỡn trên cái mông tròn nở. Áo quần may chật và gọn nên nàng trông khá hấp dẫn. Sự căng phồng đáng yêu này không làm tan chảy được tảng băng kiên cố trong lòng Nương Nương nên y mở miệng gắt um
 Ra ngay, léo hánh vào đây làm gì? Cô bí thư nhăn nhó:
 Em xin chịu lỗi với đồng chí giám đốc. Vì có kết quả chính thức của luật y và phòng thử nghiệm. Kết quả này phù hợp với sự tiên đoán chính xác như thần của đồng chí.
Cô bí thư gãi đúng chỗ ngứa của "đồng chí giám đốc", bệnh háo thắng và tự kiêu quá mức, khiến bầu không khí căng thẳng trở nên hiền dịu. Nương Nương mỉm cười:
 Trong tạng phủ người chết có chất độc?
Cô bí thư đáp, tay trao tờ biên bản đánh máy cho viên giám đốc G-2:
 Dạ có.
Nương Nương đọc lướt qua rồi ném cho đại úy Hô:
 Dài quá, lại gồm toàn danh từ y học rắc rối. Đồng chí bí thư tóm tắt lại cũng đủ.
Cô bí thư nói:
 Thưa, cơ thể tên Giắc Tati còn sót lại một chất mà công thức hóa học gần giống tinh bột của nhựa cây Chondrodendon tomentosum, loại cây độc được các bộ lạc Orinôcô ép rút ra chất u-ra-ri...
 Đau đầu lắm, tôi không hiểu nồi. Tiếng bình dân của chất độc quái quỷ này là gì?
 Cu-ra (4).
 Ừ, nói cu-ra có giản dị hơn không. Cu-ra làm mắt mờ đi, nhìn một thành hai, cơ mí mắt xụp xuống, thị giác bị hư hại, lưỡi líu lại, nạn nhân bị á khẩu, bắp thịt trên cổ bị tê liệt, sau đó đến sự tê liệt ở cơ lưng, cơ ngực để rồi buồng phổi ngưng họạt động, nạn nhân tắc đường thở mà chết. Chất cu-ra tác oai tác quái trong vòng từ một đến hai phút đồng hồ. Khi ấy Giắc đang lái xe và đang phóng nhanh ở tốc độ một trăm cây số giờ. Bên cạnh Giắc không có ai để chích cu-ra làm tê liệt. Giắc không thể chích cho mình. Vậy thì ai chích? Không lẽ là ma?
 Thưa. Không chích.
Nương Nương quắc mắt:
 Cô điên hả? Cu-ra chỉ tác động nếu được chích vào cơ thể, chích gân hoặc chích thịt. Luật y nói rằng Giắc uống cu-ra chứ không chích?
 Dạ phải. Họ quan sát từng mili-mét vuông da và không tìm ra vết kim tiêm, vả lại, chích cu-ra trước khi xảy ra tai nạn một, hai phút đồng hồ là một chuyện không thể có được.
 Đúng. Một chuyện không thể có được. Nhưng nếu uống thì vấn đề đầu độc không còn đặt ra nữa.
 Thưa, các luật y cho rằng cu-ra có thể tác động bằng đường bao tử nếu được phối hợp với một hóa chất, hoặc một kỹ thuật điện tử nào đó.
 Nghĩa là luật y chỉ mới phỏng định?
 Dạ.
 Vứt đi. Có bằng cớ cu-ra được uống bằng miệng?
 Thưa có. Trên mép, môi, kẽ răng, thực quản còn dính lại đôi chút.
 Tại sao trong lần giải phẩu xác chết đầu tiên, người ta không tìm thấy?
 Thưa, vì tác động của cu-ra chỉ kéo dài từ 15 đến 20 phút, sau thời gian này nó bị thải ra bằng đường tiểu hoặc nó bị các kháng-tố tiêu hủy ngay trong cơ thể. Dựa trên tính chất này, người ta chữa trị nạn nhân cu-ra bằng cách cho thở bằng máy, chờ cu-ra hết tác động thì nạn nhân hô hấp bình thường như cũ. Chuyên viên của ta phân chất những giọt nước đã khô trên sàn xe, và thấy chất cu-ra. Họ bèn thử nghiệm lại, và khi ấy...
 Hiểu rồi. Tuy chưa có đủ yếu tố khoa học để thẩm định, ta đã có thể đoan quyết Giắc Tarti bị đưa đến Guantanamô với một số tài liệu mật của ta nhằm tạo xì-căng-đan. Xì-căng-đan loại nào, ta sẽ biết trong những ngày tới. Đồng chí bí thư?
 Dạ, xin chờ lệnh.
 Nhờ bộ Ngoại Giao liên lạc ngay với tòa đại sứ Thụy-Sĩ đại diện cho người Mỹ ở đây, yêu cầu điện cho Hoa-thịnh- đốn nói với ông tổng giám đốc Sì-mít của C.I.A. rằng tôi có chuyện riêng muốn bàn...
 Từ trước đến nay, ta chưa bao giờ....
 Trước khác, giờ khác. Nghề điệp báo không phải là nghề của người cộng 2 với 2 là 4. Ta cần gặp mặt họ, xem họ bị thiên hạ chơi xỏ hay họ ném đá giấu tay chơi xỏ ta. Trong trường hợp ông Sì-mít đồng ý, và tôi tin là đồng ý, tôi sẽ cử người đáp phi cơ riêng đi Hoa-thịnh-đốn nội ngày nay.
 Dạ.
Cô thư ký uốn éo bước ra. Sau gần 2 năm làm việc gần gũi, mãi đến hôm nay giám đốc G-2 Nương Nương mới nhận thấy cô bí thư có một cái gì trên gương mặt và thân hình dễ làm đàn ông say say. Say say như uống rượu rhum ép từ mía Cuba.
Nương Nương gọi giựt:
 Chừng nào đồng chí về?
Cô bí thư đáp:
 Giờ giấc làm việc của em tùy theo lệnh của đồng chí giám đốc.
 Ngoài giờ giấc, tôi còn có thể ra lệnh gì?
 Tất cả những lệnh liên quan đến công vụ.
 Nếu tôi ra lệnh riêng?
 Dạ, dạ, lệnh như thế nào ạ?
 Đồng chí đóng hết cửa sổ và kéo hết rèm nhe.
 Dạ.
 Khóa cửa lại.
 Dạ, cửa sổ làm gì có khóa.
 Không, tôi muốn nói cửa chính, cửa ra vào kia... nhanh lên, đồng chí đã biết tính tôi. Tôi hay giận....
Cô bí thư tần ngần một phút rồi ngoan ngoãn tuân lệnh của đồng chí giám đốc.
24 giờ trước, sấm chớp điệp báo nổ rền trên đảo Cuba.
Giờ đây, sấm chớp ái tình nổ rền trong văn phòng tối mật của giám đốc G-2 Cuba....
Rồi 24 giờ sau....
Chú thích:
 Tức Ernesto (Che) Guevara, sinh ngày 14-6-1923 tại Á-căn-đình, bác sĩ y khoa, đảng viên cộng sản, từng giúp Castro tổ chức du kích chiến lật đổ chế độ Batista, sau đó thành thủ tướng, bộ trưởng Tài Chánh, thống đốc ngân hàng, nhân vật số 2 sau Castro, trước khi bí mật đi Venezuela lãnh đạo phong trào cộng sản ở đó và bị hạ sát.
 FET là Far East-Thailand.
 Key West.
 Tức Curare, được y học tìm ra năm 1940, tinh chất của nó là tubocurarin. Các bộ lạc trong rừng rậm dùng nó từ thời thượng cổ để giết người. Hiện Curare được y học dùng phần nào trong việc gây mê, gây tê và trị liệu thần kinh.