Tới đây hắn muốn được rẽ ngang câu chuyện đang kể để nói rõ thêm vì nguyên do nào một người viết văn vốn sợ đụng chạm tới "quyền vua phép nước", vốn thích sống "an phận thủ thường" lại hay tự gây những tai hoạ vặt. Ấy là do hắn đã kiên quyết từ chối mọi trói buộc của nhiều quan niệm văn chương đã lỗi thời sau hai lần để lỡ trượt những cơ hội có thể viết được những tác phẩm hay. Một lần vào năm 1952, thời kháng chiến chống Pháp và một lần vào năm 1955, khi cuộc sống hoà bình ở miền Bắc vừa mới bắt đầu. Năm 1952, miền nam Nam Ðịnh được giải phóng sau hai năm bốn tháng sống trong máu me, tù đầy của một tỉnh công giáo tự trị dưới sự giám hộ của quân đội chiếm đóng Pháp. Hắn là người viết báo đầu tiên của quân khu có mặt ngay tại chỗ và ở liền đó cả tháng. Trong một tháng hắn đã đến rất nhiều xã, nghe cả ngàn câu chuyện, chuyện nào cũng lạ, cũng hay, có cả trăm tình huống không một nhà văn nào có thể bịa đặt nổi, và cũng có cả trăm nhân vật hắn được tiếp xúc không giống với bất cứ ai hắn đã từng gặp. Có thể viết cả ngàn trang sách về những choáng váng của hắn trước cuộc sống ngổn ngang những trái ngược, chỉ cần gọt giũa một chút là có hy vọng thành một pho sách để đời rồi. Nếu theo chân mà đóng giày không chừng còn sáng tạo được một loại tiểu thuyết mà cách kết cấu sẽ rất lạ rất mới. Rút cuộc thằng viết báo tồi chỉ viết được có mươi mẩu chuyện ngắn, vài bài phóng sự, vật liệu bền vững thì quăng đi thay vào là một thứ văn chương học trò và những tưởng tượng hết sức trẻ con. Trưởng ban Tuyên huấn, một người có bằng tú tài triết thời Pháp, bảo hắn: "Cậu kể chuyện về chuyến đi rất hay, rất lạ, có bao nhiêu là cái lạ mà viết thì dở quá. Tại sao thế?" Tạo sao ư? Tại vì hắn đã trót đọc quá nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn trước cách mạng, cái thứ văn chương ao tù, ngòi cạn của một thời làm dân thuộc địa với những hy vọng, lo lắng vặt vãnh, tủn mủn của cuộc sống tẻ nhạt, không thay đổi thường ngày. Tìm ra cái đẹp để sống, để hy vọng trong cái nhạt nhẽo thường ngày là công lao không thể chối bỏ của các vị ấy, nhưng không thể dùng cái hành lang quá nghèo nàn ấy để bước vào một xã hội bắt đầu có sóng to gió lón làm đảo lộn tất cả, cuộc sống đầy dẫy những bất ngờ, những trái ngược, khung cảnh thay đổi, lòng người thay đổi, những tiêu chí làm người của một thời giông bão cũng hoàn toàn thay đổi. Lấy cái ngắn hẹp để mặc vào cái rộng lớn làm sao vừa! Không vừa thì gọt bớt cái rộng lớn để có thể nhét gọn vào cái ngắn hẹp, vì cái ngắn hẹp là di sản văn chương duy nhất thế hệ bọn hắn được thừa hưởng! Năm 1955, hắn về thôn Long Ðộng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để viết về nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi. Mọi dấu vết của một làng tề thời kháng chiến hầu như còn nguyên vẹn. Còn nguyên vẹn cả cái yêu cái ghét, các mối quan hệ, các nhân vật chính và phụ, cả lời ăn tiếng nói lưỡng lự, nước đôi của một thời đêm ta ngày địch cũng chưa kịp thay đổi. Ði dọc các ngõ xóm gần như hắn còn ngửi thấy cả mùi tanh của máu người đã khô và mùi khét của các đám cháy vừa tàn. Ðược gặp một nhà báo ai cũng thích kể lại chuyện, chuyện còn tươi rói như chỉ vừa mới xảy ra, một kho tư liệu còn tươi nguyên, còn sống nguyên, còn cả cái ấm cái nóng của hơi thở mà chỉ viết được một truyện ký Người con gái quang vinh, văn của mình mà không dám đọc lại, nhìn lại cũng không dám, toàn là những chữ nghĩa mòn mỏi của một cậu học trò dốt văn! Lại tại sao thế? Là do hắn muốn biến một cô gái Việt có tên là Mạc Thị Bưởi thành một bản sao của người con gái Nga Zoia. Mỗi dân tộc đều có cái tôn nghiêm, cái hùng vĩ của mình, có cách chiến đấu riêng và cả cách chọn lấy cái chết rất riêng. Cái rất riêng ấy mới làm nên tư tưởng, nên văn chương của một dân tộc. Cái bắt chước, cái nhái lại, cái tình nguyện làm bản sao tồi trước sau cũng sẽ bị sức sống tiềm ẩn của dân tộc loại bỏ.Tới năm 1957, sau gần chục năm viết nháp viết thật đều thất bại, hắn quyết định tìm cho mình một cách viết khác, tức là gạt loại mọi ý tưởng có sẵn sang một bên, quên nó đi, thâm nhập vào cái bề bộn, ngổn ngang của người và việc đang diễn ra tại một xã công giáo, cũng không có tình ý riêng, thiện cảm riêng với một loại người nào, ghi lại thật trung thành những gì mắt nhìn thấy, tai nghe thấy, cảm nhận một cách hồn nhiên những cái sai đúng, trái phải, cứ theo sự phát triển tự nhiên của mấy nhân vật chính mà viết, họ có thể phong phú hơn mà cũng có thể nghèo nàn đi, có thể họ gợi thêm nhiều suy nghĩ mới, mà cũng có thể họ đã hoà tan trong đám đông chả để lại dấu tích gì. Nhà văn chỉ là người quan sát và ghi chép chứ không còn là người giật dây những con rối của mình sau tấm màn che. Viết chương đầu hắn vẫn chưa biết sự phát triển ở những chương giữa và nhất là ở những chương cuối, ai còn ai mất, cũng không thể và cũng không muốn đoán trước, chính tác giả cũng hồi hộp theo dõi mọi hành vi của các nhân vật thân thiết của mình, như bạn đọc, tất nhiên có lo lắng hơn bạn đọc. Vì là một cách viết thử còn nửa tin nửa ngờ nên khi đưa in trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 3 năm 1957, hắn chỉ gọi là ghi chép và chương đầu gọi là tập I. Mãi tới năm 1959 khi in thành sách hắn mới dám đề ngoài là tiểu thuyết. Tất nhiên nhiều bậc đàn anh trong nghề đã giễu hắn gọi lầm thể loại, tiểu thuyết gì mà kỳ cục thế, không có cốt truyện rõ ràng, tuyến nhân vật chính cũng không rõ ràng, chỉ thấy một đám người ồn ào, nhốn nháo. Viết về đám người ồn ào quả tình là chủ đích của hắn khi đặt bút viết, rồi từ trong đám người hỗn độn ấy mà những gương mặt quan trọng sẽ dần dần tách ra để có những số phận riêng, nhưng là cả bạn đọc và tác giả sẽ dần dần nhận ra họ chứ không phải đã biết chắc ngay từ những trang đầu. Tiểu thuyết Xung đột được bạn đọc hoan nghênh vì tính chân thật của nó nhưng trong dư luận chính thức chỉ được công nhận là thành công có quyển I, viết về cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai hệ tư tưởng đối nghịch nhau. Còn quyển II viết về cuộc chiến rất đáng buồn giữa những người anh hùng của một thời thì bị chê là viết sai sự thật, bôi nhọ cán bộ, có cách nhìn không đúng đắn về hiện thực của một vùng nông thôn Thiên Chúa giáo. Trong các bài báo khi điểm lại những cuốn sách viết tốt trong mấy năm đều có nhắc tới Xung đột nhưng thêm cái đóng ngoặc (cuốn 1). Và một bài nói chuyện miệng tỏ ý không tán thành Xung đột (cuốn 2) của bí thư tỉnh uỷ Nam Ðịnh những năm ấy. Ngoài ra không có sự phê phán công khai nào, răn đe thêm nào.Những năm ấy, lứa tuổi bọn hắn mới chỉ trong ngoài ba mươi, là những đảng viên cầm bút rất có tính kỷ luật. Là đảng viên thì phải chấp hành nghị quyết của Ðảng nhưng còn là nhà văn lại không thể bỏ qua những đòi hỏi của nghề. Ngay từ những năm ấy hắn đã nhận ra cách tiếp nhận sự thật của người cầm quyền và người cầm bút có những điểm khác nhau. Người cầm quyền xem xét thực tế là để khẳng định một chủ trương một cách làm. Còn người viết văn thì chỉ quan tâm tới những diễn biến muôn hình vạn trạng của một chủ trương, một cách làm khi đã trở thành hành động và lo nghĩ thường ngày của quần chúng. Ví như trường hợp bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú bị kỷ luật, bị cách chức vì muốn có một cách quản lý ruộng đất và lao động nông nghiệp hợp lý hơn, vẫn là làm ăn tập thể nhưng sáng kiến, kinh nghiệm và cả sự hăng say làm việc của người nông dân không bị trói buộc mà còn có cơ hội phát huy đến triệt để. Một chủ trương rất hợp lòng dân, được dân ủng hộ mà một Ðảng vì dân lại bảo người lãnh đạo có cái chủ trương đó, có đủ tài thuyết phục một đảng bộ tin theo cái chủ trương đó, lại có đủ bản lĩnh để thực hiện thắng lợi cái chủ trương đó ở địa phương mình, một người có tài có tâm như thế lại bảo là người không trung thành với lý tưởng, là người đáng phải cách chức, phải loại bỏ là nghĩa làm sao?