MẤT TAI, MẤT TÓC

Ngày xưa, có một chàng thanh niên mồ côi cha mẹ từ tấm bé,  được người làng nuôi cho lớn khôn. Người ta quen gọi chàng là Mồ  côi.
Mồ côi càng lớn càng làm khỏe, không có ruộng vườn, ngày  ngày chàng đem sức đổi lấy hai bữa ăn. Thấy chàng cần cù và có  lòng tốt, các bậc già cả, các cô con gái và các em bé đều quý mến.  Những ngày mưa to gió lớn, chàng không đi làm được thì các cô  con gái rủ nhau đem gạo nhà sang giúp. Thấy vậy một vài chàng  trai trẻ trong làng đem lòng ghen ghét, họ tìm cách hãm hại Mồ  côi.
Một hôm, Mồ côi bị bốn trai làng xúm lại đánh đến sứt mặt, mẻ  trán giữa lúc chàng đang cùng một cô gái làng đi làm đồng về.  Chàng bị đau dừ cả người, nằm mấy ngày chưa lại sức.
Thấy bọn con trai ghét mình, chàng bèn chạy sang làng bên  cạnh làm thuê, gánh mướn nuôi thân. Nhưng đến ở làng này chưa  được bao lâu, chàng lại bị bọn trai làng rủ nhau gây chuyện và  đánh đập.
Mồ côi lại phải bỏ làng này ra đi một lần nữa. lần này chàng  định đi kiếm ăn ở một nơi rất xa. Chàng đi ba ngày liền, đến một  làng nhỏ ở ven rừng hẻo lánh. Chàng vào một nhà phú ông xin ở làm thuê. Phú ông thấy Mồ côi mạnh khỏe, nhanh nhẹn, liền nhận  lời giao cho chàng công việc hái trám.
Nhưng khi nhìn rừng trám rộng mênh mông, cây nào cũng to  bằng hai ba người ôm và cao thẳng vút lên trời. Mồ côi lắc đầu, lè  lưỡi. Phú ông ngon ngọt dỗ dành và hứa trả công cao, trèo xong  rừng trám, lão sẽ trả cho 500 lạng bạc. Lão còn bày cách bắc thang  tre để trèo. Công việc leo trèo thật là vô cùng vất vả và nguy hiểm,  nhưng vì thấy là phú ông đối đãi có vẻ tốt, nên Mồ côi không tiếc  sức.
Từ đó ngày nào chàng cũng trèo thang lên ngọn cây trám, cầm  sào vụt rụng từng chùm trám chín xuống đất để phú ông cùng vợ  và con cái thả sức thu lượm đưa ra chợ bán. Một tháng rưỡi trôi  qua, với cây sào và cái thang. Mồ côi leo hết cây trám này đến cây  trám khác. Phú ông cũng thu về hết món bạc này đến món bạc kia.
Hôm ấy, Mồ côi trèo đến cây trám thứ hai trăm cũng là cây  cuối cùng. Thấy sắp phải tính công trả cho Mồ côi số bạc hơn năm  trăm lạng, phú ông gọi vợ đến bàn mưu tính kế.
Sáng hôm ấy, vợ chồng phú ông dậy từ lúc gà gáy, sai con nấu  cơm làm bữa mời Mồ côi.
Cơm nước xong, Mồ côi lại theo gia đình phú ông vác sào ra  rừng trám.
Sau khi Mồ côi đã trèo đến ngọn cây thì ở dưới gốc, phú ông sai  con rút lấy thang tre vác về nhà, mặc cho Mồ côi ở trên cao kêu la  ầm ĩ. Chàng cố tìm cách tụt xuống, nhưng loay hoay hàng nửa  buổi, cũng không tìm ra cách gì cả. Thân trám thẳng tắp, to bằng  hai người ôm, không thể bấu víu vào đâu để tụt xuống được. Thế là từ đấy, chàng phải sống ở trên ngọn cây trám như loài khỉ vượn  đói, chàng phải hái quả trám ăn sống, khát nước, chàng liếm từng  giọt sương đêm đọng trên từng chiếc lá. Đêm cũng như ngày,  chàng không dám ngủ say, ăn hết quả trám, chàng phải ăn đến lá,  ăn hết lá, chàng phải ăn đến vỏ.
Một buổi sáng, trời hửng nắng Mồ côi cởi chiếc áo cánh phơi lên  một cành trước mặt, giữa lúc ấy có một con gấu ngựa đi qua dưới  gốc cây. Trông thấy cái áo của Mồ côi nó tưởng là tổ ong, liền trèo  lên định ăn mật. Đến gần bên cái áo, mắt gấu lim dim để tránh  ong đốt vào mắt như thói quen của nó, rồi nhoài người ra ngoặm  lấy cái áo cánh nhai ngấu nhai nghiến.
Thấy thế, một ý nghĩ táo bạo mới nẩy ra trong óc Mồ côi.
Nhằm lúc con gấu đang nhắm tịt cả hai mắt và mải nhai cái  áo. Mồ côi liền nhè nhẹ tụt xuống, cưỡi ngay lên lưng con gấu, hai  tay ghì chặt lấy cổ. Gấu bị ôm bất thình lình, hốt hoảng nhưng  cũng không dám buông tay đành phải cõng cả Mồ côi tụt dần  xuống gốc. Khi gấu còn cách mặt đất hai ba sải, Mồ côi vội nhẩy  xuống đất bỏ chạy. Gấu cũng chạy đuổi theo Mồ côi. Mồ côi cố sức  chạy mãi vào rừng. Bỗng có một cái hang sâu chắn ngang trước  mặt, chàng đành phải nhảy liều xuống hang ; gấu không dám  nhảy theo. Mồ côi nhờ vậy được thoát.
Nhưng cũng từ đây chàng lại lâm vào một cảnh khổ cực, nguy  hiểm khác. Hang tối om om, chàng phải lần mò từng bước chân để  tìm một lối ra ngoài. Chàng đi mãi trong hang nhưng đi tới đâu  cũng chỉ thấy tối như bưng. Xung quanh chàng chỉ có những con  dơi bay đi bay lại, chúng bay giữa đầu chàng rứt từng sợi tóc, từng mảnh da. Mặc dầu vậy chàng cố len lỏi đi hết góc hang này lại dò  đi sang góc hang kia mong tìm một lối thoát.
 Chợt một hôm chàng lần tới một chỗ có một tia ánh sáng lọt  vào. Chàng vui mừng khấp khởi, nhưng về sau mới biết đó chỉ là  một lỗ thông thiên chứ không phải là cửa hang. Tuy vậy chàng  cũng cố vịn vào vách đá trèo lên để vượt ra ngoài. Nhưng sức  chàng đã yếu lắm, đã năm bẩy lần leo lên được vài ba sải tay rồi  lại bị ngã xuống chỗ cũ.
Một hôm trong khi nằm ngất trong hang, chàng thấy một ông  cụ đầu tóc bạc phơ, tay cầm một cái rìu và một hòn đá thần đến  gần. Ông cụ bảo:
- Ta là thần núi ; thấy con khổ cực quá nên đến cứu con đây!  Ta cho con một cái rìu, nó sẽ cho con cơm ăn áo mặc. Ta cho con  hòn đá thần này, con đem rìu mài vào hòn đá này vào da, da sẽ trở  nên trắng trẻo và đẹp đẽ. Cuối cùng ta cho con viên thuốc này nó  sẽ cho con sức khỏe vượt hang.
Nói xong, thần núi biến mất. Mồ côi tỉnh dậy, nhặt viên thuốc  bỏ vào mồm, tự nhiên thấy người nhẹ nhõm lạ thường. Chàng giắt  cái rìu và hòn đá vào thắt lưng rồi leo theo vách thẳng lên lỗ  thông. Khác với những lần trước, lần này chàng trèo nhanh thoăn  thoắt, chỉ một lát đã tới lỗ thông hơi và nhìn thấy ánh sáng bên  ngoài. Chàng nhắm mắt lại một lúc rồi đu người ra khỏi hang.
Chàng lần xuyên qua rừng, đến quá trưa, tới bờ một con sông  cái. Chàng men bờ, xuôi theo dòng. Đi được một quãng chàng gặp  một ông cụ tiều phu, nhìn thấy Mồ côi mặt mũi gớm ghiếc, đầu  không còn sợi tóc, da dẻ sần sùi, hai vành tai sứt lở, áo quần rách nát, ông cụ bỏ chạy, Mồ côi đuổi theo kể mọi nỗi gian lao của mình  cho ông nghe. Ông cụ bảo chàng giúp mình đốn củi và phát nương  rồi sẽ đưa về nhà.
Mồ côi liền lấy cái rìu ra mài vào hòn đá thần, cái rìu trở nên  rất sắc. Chàng chỉ chặt một lúc đã được một đống củi chất đầy cả  một gian nhà. Tối hôm ấy, chàng được ăn nghỉ ở nhà ông cụ.
Ông cụ có sáu cô con gái. Cả sáu cô đều đã đến tuổi lấy chồng.  Thấy bố dắt về một chàng trai không ra hình người, các cô con gái,  trừ cô út, đều tránh xa. Họ nói với bố đuổi ngay Mồ côi ra khỏi  nhà. Ông cụ phải mắng mãi, các cô mới chịu im. Cuối cùng các cô  bảo bố cho Mồ côi ra ở lều ngoài nương để chàng vừa phát thêm  rẫy vừa coi lúa. Hàng ngày các cô sẽ luân phiên nhau đưa cơm, bắt  đầu từ cô cả.
Để khỏi giáp mặt Mồ côi, cô cả đem một cái mõ treo lên một gốc  cây ở đầu nương cách lều khoảng một trăm bước. Cô gõ mõ một hồi  ba tiếng rồi đặt nắm cơm ở dưới gốc cây, gọi Mồ côi đến lấy cơm ăn.  Đoạn cô ba chân bốn cẳng quay trở về nhà, không cần biết rằng  Mồ côi có nghe hay không. Lần lượt bốn cô em cũng bắt chước làm  như cô chị. Duy chỉ có cô út đến lượt mình đưa cơm, cô không bỏ  nắm cơm ở dưới gốc cây, cũng không gõ mõ như các chị, mà đi vào  đến tận lều, trao tận tay Mồ côi. Trong khi Mồ côi ăn cơm, cô ngồi  lại, hỏi thăm sức khỏe, quê quán, gia đình của chàng. Cô cố ý ngồi  chờ cho Mồ côi ăn xong rồi mới về nhà.
Từ ngày ra ở lều, Mồ côi vẫn làm mọi việc như ông cụ dặn.  Sáng nào chàng cũng mài rìu vào hòn đá thần cho rìu thêm sắc để  chặt được nhiều cây ; Chiều nào chàng cũng ra suối tắm, lấy hòn đá thần kỳ vào người quả nhiên da dẻ chàng dần dần trở lại hồng  hào đẹp trai hơn trước.
Bẵng đi một thời gian không thấy cô út đến đưa cơm. Chàng  thấy buồn cho là cô út cũng bắt chước các chị đặt cơm nắm ở gốc  cây, rồi vội vã trở lại nhà ngay. Không biết rằng cô út bận sang  giúp việc nhà bà cô ở làng bên.
Sau ba tháng cô út trở lại nhà, cô lại đem cơm vào lều cho Mồ  côi. Nhưng không thấy chàng Mồ côi xấu xí như mọi ngày mà chỉ  thấy một chàng trai mặt mày sáng sủa, da dẻ hồng hào, đầu tóc  gọn ghẽ thì lấy làm ngạc nhiên, vội hỏi:
- Chàng là ai? Chàng ở đâu đến? Chàng có biết cái anh Mồ côi  bị dơi ăn mất hai vành tai, rứt hết mái tóc trước đây coi nương ở  lều này không?
Biết là cô út không nhận ra mình nữa vì mình đã nhờ đá thần  mà thay đổi nhiều lắm. Nhưng Mồ côi chỉ gật đầu chào cô út  không thưa không rằng. Cô út hỏi tới hai ba lần mà chàng chỉ cười  chứ không nói một lời. Thấy vậy, cô út đặt nắm cơm xuống sàn,  quay ra cửa nhìn về phía rừng gọi Mồ côi. Cô gọi tới hai ba tiếng,  vẫn không có tiếng trả lời.
Gọi xong cô út xuống thang đi vào rừng tìm. Cô tìm khắp bốn  góc nương lại hú gọi luôn mồm nhưng vẫn không thấy, cô đành  chạy một mạch về nhà.
Ngày hôm sau, đến lượt cô cả đi đưa cơm, cô út xin đi thay. Cô  định hôm nay phải tìm cho bằng được Mồ côi mới thôi, nhưng lại  chỉ thấy anh chàng trắng trẻo hôm qua. Cô hỏi nhưng chàng trai  cũng chỉ cười đáp lại chứ không nói. Cô đặt nắm cơm xuống sàn rồi quay ra cửa định vào rừng tìm. Lần này Mồ côi không thể làm  thinh được nữa, chàng nói:
- Cô út ơi! Cô không phải đi tìm nữa. Trước hết tôi xin cô thứ  lỗi vì đã làm cho cô phải mất công tìm kiếm, bây giờ tôi đã rõ hết  lòng dạ của cô đối với tôi rồi. Tôi chính là anh Mồ côi mất tai mất  tóc ngày nọ đây!
Cô út quay lại trố mắt ngạc nhiên nói:
- Chàng đấy à! Sao chàng chóng thay đổi như thế này?
Mồ côi sung sướng trả lời:
- Cô út ạ! Nhờ có hòn đá thần này mà tôi đã dần dần trở lại  lành lặn như thế này đây.
Từ hôm ấy ngày nào cô út cũng thay các chị vào nương đưa  cơm. Thấy em út chịu khó đưa cơm thay, các cô chị rất thích không  cần hỏi duyên cớ vì sao, duy chỉ có ông cụ thì hơi lấy làm lạ. Một  hôm ông lẻn đi theo rình xem cho rõ sự tình, nấp ở trong bụi, ông  cụ không thấy anh chàng Mồ côi xấu xí hồi nọ mà chỉ thấy một  chàng trai trẻ đẹp, nói nói cười cười với con gái út của mình. Chờ  cho con về, ông cụ vào lều hỏi xem chàng trai nọ là ai, sau khi  nghe kể ông cụ mới rõ chàng trai chính là anh Mồ côi mất tai mất  tóc.
Tối hôm ấy, ông cụ gọi các cô con gái lại hỏi:
- Anh chàng Mồ côi ở với ta đã lâu ngày. Chàng rất chăm làm  và làm rất khỏe, bố vừa lên nương xem thì thấy một mình chàng  không những đã trông nom rất chu đáo nương lúa nương ngô, mà  còn phát gốc, chặt cây, được rất nhiều nương rẫy. Vì vậy bố rất mến, và muốn kén chàng vào làm rể nhà ta. Có đứa nào bằng lòng  lấy chàng không?
 Nghe bố nói, năm cô chị nhìn nhau nhổ bọt phì phì và đều trả  lời:
- Bố mẹ đừng nghĩ như vậy, chúng con không bao giờ bỏ phí cái  tuổi thanh xuân, dấn thân làm vợ một anh chàng “người không ra  người, quỷ không ra quỷ ấy!”... Ông cụ hỏi cô út. Cô đỏ mặt đáp:
- Cha mẹ muốn gả con cho chàng thì con cũng xin vâng.
Ông cụ nhìn vợ rồi nhìn cô út ân cần nói:
- Vậy ngày mai chúng ta sẽ sửa soạn làm lễ cưới đón rể cho con  gái út của chúng ta.
Sáng hôm sau, cả nhà ông cụ sửa soạn lễ cưới cho cô út, tất cả  họ hàng và xóm làng đều rất ngạc nhiên. Họ xì xào bảo nhau:  “Ông cụ khéo lẩn thẩn, sao lại gả cô út trẻ đẹp, hiền lành, cho cái  anh chàng xấu xí ấy”.
Nhưng buổi đón rể đã làm cho tất cả người họ, người làng cũng  như năm cô chị đều hết sức ngạc nhiên và ghen tị. Đi bên cạnh cô  út không phải là chàng Mồ côi xấu xí mà là một chàng trai trẻ  đẹp, vóc người vạm vỡ, da dẻ hồng hào, mặt mày sáng sủa, đầu tóc  gọn gàng và nổi tiếng đốn cây làm rẫy khỏe.

Theo lời kể của bà Vũ Thị Bằng 

Xã Hồng Việt — Hòa An — Cao Bằng