Thằng bé ngồi nép sát bụi chuối sau hè, đôi chân trần lêu khêu, đen nhẻm, để mặc tình cho bầy muỗi tha hồ đốt. Nó úp mặt vào bàn tay khô, chai cứng, thút thít. Đôi dòng lệ từ hai con mắt vàng bệnh hoạn cứ tuôn không dứt. Nó khóc vì đau khổ quá mà không thể tỏ cùng ai.
Tất cả chỉ vì thằng em mất dạy, dám ăn cắp bình thuỷ của nhà đi bán lấy tiền chơi bài. Mới tuổi mười hai thằng Hào đã rất chín chắn, nó lẳng lặng gọi thằng em về, đánh một trận nhớ đời. Vậy là cớ sự xảy ra, thằng em tru tréo:
- Con cu tao đây này, con ma gan kia, mày lấy quyền gì đánh tao hở? Mày chẳng phải anh tao, cũng không là con ba má tao đẻ ra. Mày là thứ con không cha không mẹ, bị vứt ở bãi rác, má tao đem về nuôi. Mày là ổ vi trùng, đồ ăn bám, có quyền gì đánh tao?
Lúc đầu thằng Hào không tin, nó cho là thằng em hỗn láo, càng nện khoẻ, cây roi mây vụt vô số lằn ngang dọc vào mông nó. Ba má nó về, đứa em càng tru tréo tọn. Ba nó lặng thinh, đến bên Hào xáng cho mấy bạt tai. Còn má nó dắt thằng em ra sau hè rửa mặt, lấy dầu xoa bóp.
Bấy giờ nó vụt hiểu là thằng em không đặt chuyện. Suốt buổi ăn cơm nó thẫn thờ về cuộc đời nó trong gia đình. Tất cả như cuốn phim quay lại trong mắt. Nó chợt thấy ra nhiều điều đáng ngờ lắm, tỉ dụ cái áo đẹp nhất bao giờ cũng là của thằng em, miếng ăn ngon ít ỏi nó không có phần. Những chuyện nặng nhọc nó đều được ba má gọi tới sớt chia. Nhưng căn bệnh nó bị từ hồi nhỏ tới giờ chẳng ai quan tâm một ngày thuốc. Ổ vi trùng gan bám vào cơ thể nó, còn nó lại sống bám vào người không máu thịt ruột rà. Mười hai năm rồi, cay đắng trải nhiều, ngọt bùi ít có, nó chưa một lần tự hỏi tại sao.
Đêm nay! Đêm đầu tiên trong đời nó không ngủ được. Nó rón rén chiếc giường tre ọp ẹp, lách cửa đi ra ngoài lang thang mãi. Cuối cùng, nó quay về đúng ở vườn chuối sau hè. Trời đêm lạnh buốt, tối thui, đom đóm lập loè đây đó, xa xa tiếng ễnh ương ì ọp gọi bạn nghe buồn buồn. Một cơn gió thổi qua làm những tàu lá chuối đánh phần phật, những tiếng động ấy không làm cho nó sợ nữa, bởi cái đáng sợ nhất trong đời nó đã đến thật bất ngờ.
Thằng Hào khóc mãi, cho tới khi đôi dòng nước mắt đục lờ cạn khô trong lòng bàn tay gầy còm. Nó đứng lên nhìn lần cuối cùng vào căn nhà không còn chỗ dành cho nó, nhìn khoảng không gian im vắng quen thuộc và nói thì thầm trả lại cho thằng Hào hôm qua.
Nó ra đi, đi trong đêm tối lạnh lùng, lầm lũi một thân với đôi chân bị muỗi cắn nát, với bộ quần áo rách cả ngày chưa thay, với căn bệnh nan y, trái tim tan nát. Nó biết chăng? Nó đang qua đêm tối này để đến một đêm tối khác, khắc nghiệt hơn, tàn khốc hơn giữa chợ đời.
Quanh phố khuya, tiếng chó sủa nhỏ dần, trong căn nhà thằng Hào ở mười hai năm, có cánh cửa hé lên từ lâu giờ xụp xuống. Người đàn bà thở ra nhẹ nhõm như dứt được gánh nặng trong đời.
Chẳng ai dám tới gần nó, trừ mấy con ruồi. Ba hôm rồi nó ngồi ở đây đợi chết, mấy đồng bạc còm nó làm thuê ở Tây Ninh lên đã cạn sạch rồi. Mà nó, với cái lòng tự trọng bé tẹo không cho phép mình đi ăn xin. Lúc đầu nó lảng vảng quanh mấy chỗ bán hàng, chực người ta thuê gì làm nấy. Nhưng mới nhìn nó người ta đã kinh sợ. Cái tướng bụng ỏng, da vàng, môi thâm của nó thì ai mà chẳng nghĩ nó đầy ổ bệnh, nào ho lao, nào ung thư và có thể cả xì ke. Người ta tránh xa nó. Mẩu bánh mì nó nhặt được của người đàn ông vội vã qua đò tối hôm qua, là thứ cứu đói cuối cùng của cái dạ dày lép kẹp.
Bóng tối đổ trùm lên bến đò Thủ Thiêm, cũng là lúc bóng một người đàn ông trùm lên tấm thân co ro của thằng Hào. Nó ngước nhìn lên, ông ta dáng người nhỏ nhắn, cơ hàn, nét mặt trầm lặng.
- Mày không có nhà?
- Dạ thưa anh, đúng vậy.
- Đói lắm hả?
Nước miếng trong thằng Hào tự dưng như suối tràn ra hai bên mép, nhỏ xuống tong tong. Nó khó nhọc gật đầu. Người ấy thở ra:
- Mấy hôm rồi tao thấy mầy chịu đói, chớ không ăn cắp, vậy là tốt, mầy theo tao về nhà rồi tính.
Trong cái chòi lá, nắng nóng, mưa dột, nhỏ bằng cái nong của vợ chồng anh Quý bên Thủ Thiêm, thằng Hào được ăn no và có việc làm. Nó sẽ hàng ngày đẩy xe cho vợ chồng anh đi mua ve chai ở chợ Cũ.
Suốt hai năm thằng Hào có cơm ăn, áo mặc, nhưng căn bệnh của nó thì không thể chữa chạy, bởi lẽ ngay đến vợ chồng anh Quý cũng ngày hai bữa thiếu trước hụt sau, tiền đâu mua thuốc cho nó.
Rồi một buổi chiều sau khi đẩy chiếc xe chở giấy vụn và bịch nilong đầy nhóc giao cho chủ vựa về ngang qua bến đò Thủ Thiêm, nó nhìn thấy bọn trẻ cùng trang lứa tắm hì hụp dưới sông thì thích lắm, bèn dừng lại đứng xem. Giữa chiều hè oi bức mà được lặn ngụp trong dòng nước mát rượi thì còn gì bằng. Nhất là được chơi trò tạt nước, thi bơi sải hoặc lặn xuống nước kéo chân… thì thật là khoái tỷ… Nó đang thích thú với những trò vui tưởng tượng thì bất chợt có tiếng kêu “cướp”! “cướp”! Thế là bọn trẻ đang có mắt ở bến đò bị gom lại hết. Thằng Hào sợ đến chết khiếp khi đứng trước anh công an quần áo chỉnh tề, mặt đằng đằng sát khí. Nó kêu váng lên:
- Cháu có làm gì đâu?
Giữa mấy chục đứa trạc nó, tiếng kêu oan chẳng nghĩa lý gì. Anh công an hằm hè:
- Tụi bay lúc nào cũng kêu oan, toàn một lũ lang thang, chôm chỉa, vô gia cư. Thôi về trường Tương Lai.
Thằng Hào thấy cuộc đời thật bất công với nó, đến cả những con người đại diện pháp luật cũng vội vã kết tội nó, một công dân mười bốn tuổi rất lương thiện.
Năm 1988 trường Tương lai còn khủng khiếp lắm, sự kinh hãi khiến thằng Hào trốn ngay sau lần đầu tiên bị tụi đại bàng con dợt võ.
May quá! Nó trốn thoát, chạy tuột qua chợ Cũ, tìm vợ chồng anh Quý. Bộ dạng tả tơi với lời kể lể nghẹn ngào của nó, khiến đám dân lưu linh ở đó cưu mang. Họ cho tiền và bảo nó đi lượm ve chai kiếm sống. Được một thời gian nó trở thành thằng nhỏ bán thuốc lá trên bến Bạch Đằng.
Trời nóng như thiêu, thằng Hào mồ hôi nhễ nhại, nó ráng bán thêm để có tiền mua thuốc uống, nên chẳng nghỉ trưa. Mấy hôm nay nhờ uống thuốc đều nên nó thấy đỡ đau nhiều, bụng vái thầm, cứ vầy hoài may ra mình sẽ hết bệnh.
Trời bỗng nhiên bị oi bức quá! Thằng Hào nhìn quanh, công viên thành phố ban trưa vắng người, dưới pho tượng ông Trần Hưng Đạo chỉ tay là hồ nước trong xanh leo lẻo. Thằng Hào lẹ làng để hộp thuốc trên bờ, cởi áo phóng xuống nước, nó khoái trá hì hụp, phì phò…
- Ê! Thằng ôn con lên đây!
Tiếng gọi và bộ sắc phục quen thuộc, từng là nỗi ngán sợ của đám người ngoài hè phố, khiến thằng Hào thấy trời đất tối sầm. Nó leo lên khỏi hồ nước, chân cứ run bần bật.
- Về đồn!
Nó bị kết tội vi phạm trật tự đường phố, dám tắm ở hồ công viên. Và vì là trẻ vô gia cư nên nó lại bị đưa về trường Tương Lai.
Thằng Hào uất ức lắm, vậy là nghĩa làm sao? Nó tự hỏi: chỉ tắm thôi, chẳng lẽ tắm là vi phạm pháp luật? Là nó trở thành cá mè một lứa với bọn đầu trộm đuôi cướp? Là nó phải mất tất cả, kể cả ước mơ kiếm tiền bằng chính giọt mồ hôi của bản thân nó tuôn ra trên mọi nẻo đường, để mong mua được thuốc uống lành bệnh? Đêm ấy một lần nữa thằng Hào nằm khóc ròng giữa khu nhà tạm giam. Nó khóc cho thân phận nó quá bé bỏng, để bị bao bất hạnh liên tiếp đè bẹp giữa đời thường.
Lần này về trường, may mắn thằng Hào gặp ông giám thị tốt bụng. Nó được lãnh thuốc uống và phụ làm ở nhà bếp (để được ăn khá hơn). Tuổi mười lăm nó suy nghĩ về cuộc sống rất đơn giản, được lành bệnh, được cơm ăn, có chỗ ngủ, vậy thì ở đây hoài cũng được. Nhưng đến tuổi mười sáu thì sao? Thằng Hào đã tiếp xúc với bao nhiêu người ăn học ở trừơng, nó chợt hiểu ra nhiều điều và khi biết bệnh mình uống thuốc ở đây không thể lành, nó lại trốn!
Năm 1990 đời thằng Hào chuyển sang trang khác. Nó đã lớn, không muốn nhận tiền bố thí, nên ngày đi lượm ni lông, đêm về thay anh Quý giữ xe rác ở chỗ nhà vệ sinh công cộng, trên đường Hàm Nghi. Mỗi một ngày kiếm sống của thằng Hào không chỉ đổi bằng mồ hôi, mà có khi bằng cả nước mắt tủi nhục cho thân phận không cội nguồn.
Cuộc đời chẳng phải ai cũng đầy lòng nhân ái để ban phát cho những kẻ bất hạnh. Thằng Hào có khi chỉ vì một bịch ni lông nằm dưới chân sạp hàng ông chủ nào đó, đã bị vài thoi vào bụng, vài bạt tay lên mặt với nhiều lời chửi thô bạo:
- ĐM… Thằng ho lao mắc dịch, ăn cắp hả?
Có khi trong buổi chiều về gặp đám anh chị ở chợ Cũ đang sặc sụa hơi men, chúng vây thằng Hào vào giữa, thi nhau đánh bốc và chỉ bỏ đi lúc nó đã tả tơi, mềm oặt giữa khu chợ vắng người. Bấy giờ thằng Hào không còn khóc cho mình được nữa, nước mắt tuổi thơ của nó đã khô cạn lâu rồi. Đêm đêm bên chiếc xe đổ rác, nó co quắp mình chờ đợi cái chết đến một cách bình thản.
Nhưng thằng Hào chưa chết, nó lại đi lượm ve chai và trang sử đời nó lại thêm một chuyện cười ra nước mắt. Vào cái ngày mười sáu tháng hai năm 1993, nó thấy ba thằng nhấp nha một bao khá lớn, nó quyết làm công dân gương mẫu (nó đã mười chín tuổi rồi!), liền chạy đi báo công an. Công an bắt được một thằng, còn biểu nó tìm tiếp hai thằng kia. Thằng Hào bất bình, thứ nhất vì nó không muốn mất thời giờ lao động kiếm sống cho mình. Thứ hai - điều này vô lý, công an rượt bắt không được, làm sao nó bắt được?
- Dạ thưa anh công an! Điều đó không thể được.
- Sao không thể được? Mày muốn che chở tụi nó à?
Thật là sự xúc phạm đến danh dự của Hào.
- Dạ thưa anh, điều đó oan cho em lắm.
- Để chứng tỏ không phải tòng phạm, mày đi rình bắt nó về đây!
- Dạ thưa anh! Các anh bắt không được, thì em làm sao bắt được?
Cái người đại diện pháp luật ấy không thèm nói dài dòng với thằng Hào nữa. Hồ sơ được lập ngay với tội danh lang thang không nhà, đưa qua trạm trung chuyển, đợi phân loại.
Thằng Hào lúc ấy chỉ còn sáng suốt điều độc nhất, nó khai lý lịch sinh năm 1979, vậy là được về Tương Lai. Trên con đường đến trường, ngồi giữa hai người công an, thằng Hào không vui, cũng chẳng buồn. Điều khiến nó ray rứt tự hỏi mãi mà không thể trả lời là, tại sao đời nó lận đận vậy? Cha mẹ bỏ rơi, bệnh hoạn triền miên, oan tình mấy lượt, đến chuyện muốn làm một công dân tốt lại trở thành tội phạm một cách ngon ơ. Ai bảo cuộc đời tốt đẹp? Cuộc đời như c… ấy. Ai nói luật pháp chí công vô tư? Với nó, luật pháp nhiều khi không thuộc về chân lý.
Trái tim thằng Hào tắt lịm đi mọi sinh lực, tắt lịm niềm hy vọng nhỏ nhoi ở ngày mai. Nó về trường Tương Lai với tấm thân bệnh hoạn và linh hồn đã chết.
*
Đêm cô tịch, căn bệnh xá nhỏ lập loè đóm lửa từ điếu thuốc ở môi Cang. Khi đóm lửa đã tắt ngấm giữa hai ngón tay, giọng anh trở nên trầm lắng:
- Đừng chán nản vậy Hào, em chỉ mới mười chín tuổi.
Thằng Hào chẳng buồn nói nữa, nó gục đầu vào đôi tay.
Đông “bác học” nhăn mặt, nó ghét người uỷ mị:
- Hào! Đi ngủ đi, những gì đã qua đều không đáng nói, phải sống cho ngày mai.
Đông “bác học” nằm xuống, kéo mền phủ kín đầu. Thật ra những gì thằng Hào kể, nó nghe chẳng sót chữ nào. Từ trong mền, nó hỏi vọng ra:
- Mầy bị tụi chợ Cũ đánh hoài chớ gì?
Giọng thằng Hào nghẹn ngào:
- Ừ! Tao chẳng hiểu mình có tội gì, có bữa nó đánh tao đi không nổi, mà dân quanh đó chẳng ai dám can. Thật ra họ cũng thương tao… lắm… nhưng…
- Thằng trùm chợ Cũ tên gì?
Trong cái mền, giọng thằng Đông phát ra chậm rãi, rõ ràng âm sắc nhọn, lạnh lùng, khiến Cang và cả Độ, Hào bỗng rợn người. Độ nhớ lại đôi mắt một mí ngầu tia máu của thằng Đông hôm đó. Trời đất ơi! Chẳng lẽ nó là Mai Tình?
Thằng Đông nằm bệnh xá nên chẳng phải làm việc gì hết. Mấy hôm nay thuốc men rót vào cơ thể nó nhiều tợn, vết thương lại được chăm sóc đàng hoàng nên đã khép miệng, lên da non. Sáng nay lúc nó ra ghế đá ngồi chờ Ánh đen cho bồ câu ăn thì bất chợt ông Hiệu trưởng xuất hiện trước mặt nó.
- Chào ông Hiệu trưởng. Nó đứng nghiêng mình lễ phép.
- Gọi thầy Dũng được rồi. Sao, đã đỡ nhiều chưa?
Dũng ngồi xuống bên nó, bắt gặp nụ cười nửa miệng, anh có cái cảm giác khó chịu mơ hồ. Trong con người Đông “bác học” Dũng nhìn thấy cả hai mặt, thiện và ác lẫn lộn. Nó có kinh khủng hơn những gì anh nghĩ không? Báo cáo về nó, anh nắm rất kỹ càng, nó quả là một “đại bàng” lớn. Nhưng tại sao không đứa nào biết về nó? Và anh phải làm cách gì để bảo vệ một sanh mạng, khi nó là đứa trẻ đang ở dưới mái trường anh. Dũng đau đầu. Anh về trường mới hơn nửa năm đã có nhiều cải tổ đời sống vật chất cho các trẻ. Nhà ăn, nhà vệ sinh đã xây xong. Một số trẻ nhỏ và đám con gái có giường nằm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Việc lớn nhất anh lo nghĩ bây giờ là chương trình hướng nghiệp cho bọn trẻ. Người ta lập ra trường mà không có đề cương về giáo dục hướng nghiệp, để khi chúng từ mái trường ra có thể làm lại cuộc đời. Trong khi không ít đứa ở đây ước mơ có được một nghề thực sự kiếm ra tiền bằng chính sức lao động của mình. Rốt cuộc ngay chính anh, tìm được hướng đi đúng cho trường cũng không phải dễ, bởi giáo dục trẻ hư không thể chỉ có thu gom, giáo huấn và vài công việc lao động giản đơn là giúp chúng thành người tốt. Anh ray rứt nhớ lại những lần đối thoại với bọn trẻ:
- Thưa thầy! Con muốn học cấp hai.
- Chưa được!
- Thưa thầy! Con trai mà học nghề dệt chiếu chán lắm, em chỉ thích học lái xe.
- Trường chưa có điều kiện.
- Thưa thầy! Thời buổi này học sửa xe đạp, sau lấy gì mà ăn. Thầy cho con học sửa xe hơi đi.
- Học nghề đó tốn tiền lắm, trường chưa đủ kinh phí…
Vậy đó! Tất cả những đòi hỏi đúng đắn đó đang đè nặng lên vai anh. Hơn hai trăm đứa trẻ ấy (cả những đứa mười chín, hai mươi rồi vẫn cứ nói em mới mười lăm), mai sau có trở thành lương thiện hay không, một phần là do anh. Có ai san sẻ dùm anh nỗi lòng này? Giá mà mọi công dân đừng có thành kiến với các trẻ hư. Họ có bao giờ nghĩ, sở dĩ chúng ra nông nỗi này là do chính gia đình và xã hội đẩy đưa chúng vào con đường cùng. Khi được sinh ra đời, chúng cũng như mọi đứa trẻ khác, trong trắng, vô tư, “nhân chi sơ tính bổn thiện” mà!
Đông “bác học” không nhìn thẳng vào thầy Dũng, nó chỉ liếc xéo đủ để thấy thầy đang lo nghĩ, ưu phiền. Nó nhếch môi khinh mạn, nghĩ thầm, cuộc đời nầy lạ thật, có những kẻ đang đứng trên đỉnh cao danh vọng oai quyền, vẫn cứ buồn. Ông ta buồn cái quỷ quái gì nhỉ, chẳng lẽ vì chưa được làm Tổng Thống?
Với ý nghĩa của mình, Đông phì cười, nó vội ôm ngực. Dũng sực tỉnh ngoảnh lại:
- Chưa lành hẳn à? Cứ yên tâm chữa bệnh, em còn ở đây không ai dám làm gì em đâu. Nếu lúc nào muốn nói chuyện cứ nói với thầy. Bằng tất cả khả năng cả mình, thầy sẽ lắng nghe và giúp em.
Đông “bác học” nghiêng đầu duyên dáng như trang hiệp sĩ thời xưa:
- Cám ơn thầy, chỉ mong thầy quan tâm đến thằng Hào, trong thể xác bệnh hoạn của nó là một tâm hồn trong trắng, thánh thiện.
- Còn em? Chẳng lẽ nào đen tối mãi sao?
Gương mặt đang tươi tỉnh, bỗng như phủ lớp mây mù. Thằng Đông mím môi, vết thẹo trên má nó co giật, rúm lại trông kinh khiếp. Nó đứng lên, môi mím chặt, như cố nén lời mất dạy với người trước mặt, rồi quay mình bước đi, Dũng sững sờ gọi giật:
- Đông!
- Thưa thầy! Có loại người sinh ra từ bóng đêm tội ác và con đường nó đi không thể khác.
Thằng Đông đi thẳng vào bệnh xá, nó suýt đâm vào đứa con gái đang cười với Ánh đen. Con nhỏ giật mình né qua, nép sát vào thằng bạn trai thì thầm:
- Ánh đen! Nó sao vậy? Ghê quá!
Ánh đen thì thầm:
- Đừng nhìn! Mai Tình đó, kín miệng nghe chưa. Thôi Ngọc về đi, Ánh còn cho chim ăn.
Con Ngọc gật đầu, chân rón rén, rồi ù chạy về phòng. Hai tiếng “Mai Tình” khiến nó hết hồn. Rỉ tai à! Nó nhất định không dám.
Không biết từ đâu, bọn “cội” trong trường đều thì thầm bảo nhau, Đông “bác học” chính là Mai Tình. Chẳng hiểu tiếng đồn ấy có lọt vào tai thằng Đông không, chớ ở phòng con gái, trừ hai đứa bé nhất, những đứa còn lại đều nhốn nháo.
Dân bụi đời, trai gái chẳng đứa nào biết Đông “bác học”, nhưng Mai Tình thì chúng rành sáu câu. Rành là rành những chuyện động trời của nó, chớ mặt mũi chưa đứa nào thấy.
Con Ngọc sốt vó khi thấy đám bạn chung phòng tụm lại thì thầm. Nó sợ quá, nếu “người ta” nghĩ chính nó đã loan tin đó. Nó nhớ như in, mới hồi năm ngoái, trước lúc bị bắt đưa vào đây, băng nhập nha của nó đồn chuyện Mai Tình đã làm cỏ cả băng nữ quái ở cầu Chữ Y, vì tội mách lẻo với công an chân dung của Mai Tình hiệp sĩ.
Làm cỏ nghĩa là sao con Ngọc không hiểu lắm, bởi mỗi tin đồn một cách. Băng giựt mũ công viên Quách Thị Trang thì nói: mỗi đứa bị một vết thẹo to đến không dám chường mặt “làm ăn” ban ngày. Băng “sĩ” Khánh Hội thì nói, nữ chúa cầu chữ Y bị đi mò tôm, còn đám nữ quái thì băng Mai Tình làm nhục xong lột áo quần treo lơ lửng ở thành cầu. Băng bắn loi chợ Tân Bình lại nói Mai Tình hiệp sĩ không thích con gái, nên sau băng nữ quái cầu chữ Y có tuyên bố sẽ làm cỏ hết cả bọn nữ quái Sài Gòn.
Còn vô số tin đồn về Mai Tình nhưng đám con gái bụi đời chỉ nhớ nằm lòng cái câu “ghét con gái” và bây giờ con Ngọc lo đến phát bệnh. Ánh đen thiệt ác, nói làm chi chuyện Mai Tình, để giờ nó phải hối hận.
- Ngọc ơi!
Tiếng gọi của cô Nguyệt phụ trách phòng khiến con Ngọc lật đật chạy ra. Nó thấy cô với con Hồng vác về lỉnh khỉnh soong nồi thì reo lên, quên cả nỗi lo trong lòng:
- À! Vậy là mai mình tự túc nấu ăn rồi.
Mái tóc bạc đẫm mồ hôi, chị Nguyệt tươi cười gật đầu, chỉ mớ chén, đũa nói:
- Con đem ra rửa sạch, rồi úp vào giá cho khô nhé!
Nhưng không mỗi mình con Ngọc làm, cả đám con gái ùa vào cười nói rổn rảng khiêng đống đồ ra bể nước, chỉ còn mỗi con Huệ ngồi bất động ở giường. Thấy cô Nguyệt nhìn con nhỏ rồi nhẹ thở dài, Ngọc sùng lắm. Con nhỏ kỳ cục, cứ làm cô buồn. Nó bực mình nên cầm vòi nước xịt bất kể vào đống soong nồi. Con Hồng la lên:
- Ngọc! Thôi đừng khùng nữa.
Con Ngọc cứ xịt, Hồng giật vòi nước bẻ quặp lại, đầu ống cao su vô tình chĩa vào một người đang đi tới. Người ấy không kịp tránh, nước tuôn như suối vào đầu, cổ, áo quần. Đứa con gái ngẩng lên mặt xanh đến đờ người. Thằng Đông đứng đó, ướt như chuột lột, đôi mắt một mí mở to nhìn sững cả bọn. Con Ngọc bất giác lùi lại và rồi nó không tin vào mắt mình. Thằng Đông nhoẻn miệng cười vẻ điễu cợt:
- Tôi không dám nhờ bạn gái tắm.
- …
- Cô là Ngọc à?
Con Ngọc chỉ đủ sức gật đầu. Thằng Đông nhìn quanh rồi gật gù:
- Con gái dễ thương ghê, biết tự nấu ăn. Nè Ngọc! Thằng Ánh đen khen cô dễ thương, tôi thấy đúng lắm. Riêng tôi thì phải thừa nhận, tất cả con gái ở đây đều dễ thương, nếu có tính phụ nữ.
Thằng Đông nói xong còn tặng tụi con gái một nụ cười nữa, rồi ung dung múc lon nước đầy đến chỗ chuồng bồ câu, đưa cho Ánh đen đang đứng giữa chừng cầu thang dòm vào chuồng.
Bên hồ nước tụi con gái hú hồn. Riêng con Ngọc không biết mình mơ hay tỉnh, có phải Mai Tình không? Nó chợt bán tín bán nghi, Mai Tình thù con gái không đội trời chung, chứ đâu dễ thương quá vậy, nhất là với tụi con gái có hồ sơ cộm chẳng kém tụi đại bàng ở phòng ba. Bất giác con Ngọc rờ lên mặt mình (nó tự biết mình không dễ thương lắm). Có đúng Ánh đen khen nó dễ thương với Đông “bác học” hay chỉ là cái lối thằng Đông tỏ ra lịch sự hào hoa?... Nhưng… gì thì gì… nhất định Đông “bác học” không phải là Mai Tình, nhất định không phải.
Con Ngọc chợt cười toe toét với đám bạn đang đứng thộn mặt nhìn nhau, khiến Hồng phải gắt:
- Cười gì dữ vậy? Coi chừng nó đó.
- Tao không sợ đâu, mày nghe không, nó khen tụi mình dễ thương.
Huệ không biết tự bao giờ ra đứng đó, buông một câu xanh dờn:
- Nó khen để cắt cổ đó, liệu hồn mày.
Huệ lì bỏ đi, Hồng nhìn theo lắc đầu. Phòng nữ mười hai đứa, con Huệ chỉ chơi với mình nó, còn với đám bạn con Huệ lúc nào cũng xa lánh, lạnh nhạt kể cả với con Hoa, đã một thời “vào sinh ra tử” với nó. Con Huệ cộc tính cứ như đàn ông, nhưng nó nói không phải là không có lý. Hồng cúi xuống bê chồng chén bát, nói với đám bạn:
- Con Huệ không nói quá đâu, từ nay tụi mình chớ hé môi nói chuyện Mai Tình, vậy là nó chẳng có gì dở trò với mình.
Hoa thắc mắc:
- Mà tại sao phải sợ?
- Mầy hỏi con Huệ nó nói cho nghe.
Cô Nguyệt hiện ra ở cửa khiến đám con gái nín khe, mỗi đứa bê một thứ vào phòng và suốt cả giờ chúng ngồi nghe cô giảng giải về công việc nội trợ ngày mai, về tương lai của người con gái khi lập gia đình. Con Huệ như mọi khi, vắng mặt.
Con Huệ thao thức, song chẳng ai biết điều đó. Tuổi mười sáu của nó vẫn là nỗi e dè của đám bạn chung phòng, nó sống khép kín, cô độc lắm. Nó chỉ làm bạn với con Hồng, nhưng cũng không dễ dàng tâm sự hết mọi điều. Nó lăn qua trở lại. Trên gương mặt tròn gãy, ngăm đen của nó là đôi mắt lầm lì dữ dội. Nó đang khóc, từng giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống mái tóc rậm dài, phủ kín gối. Nó đang nhớ nhà, dù căn nhà không còn rõ ràng trong ký ức nó từ thuở lên bốn. Nó hận ông trời, đã khiến nó thành đứa con không cội nguồn một cách tàn nhẫn.
Con Huệ vùng dậy. Trời đất! Tại sao hôm nay mình hèn yếu đến vậy? Có phải vì đã bất chợt gặp hình ảnh cô Nguyệt âu yếm con Bê, dỗ nó ngủ, hẹn sáng mai đưa đi Mầm non bốn, thăm hai đứa cháu. Không! Nó cần gì đến tình thương tạm bợ ấy. Tình thương là ảo ảnh mà ngay từ thuở lên bảy nó đã có bài học nhớ đời. Lúc ấy, nó ở viện mồ côi Sông Bé, người ta đem nó về nuôi, bắt gọi bằng ba má. Lúc đầu nó sướng rơn vì người ba rất tốt, nhưng bà má thì sao? Khi ông đi vắng, nó trở thành con đầy tớ không công cho bà. Ngày chưa đủ ba mớ đòn roi, thì “má” ăn không ngon miệng. Bốn năm mới lên bảy là quá đáng. Nó bỏ đi khi lên mười một tuổi. Từ đó đến nay bốn năm rồi, có bao nhiêu dời đổi, nó mấy lần bị bắt đưa về đây. Mấy lần bỏ đi lang thang tìm cội nguồn, để rồi thất vọng não nề. Có một lần duy nhất nó ngỡ mình được tự do sống, làm việc bình đẳng ngoài xã hội, nhưng thật ra đó chỉ là thoáng mây bay trong đời con bé cướp giật mũ nón, muốn làm lại cuộc đời.
Giờ đây nó lại về đây, tâm hồn càng khép kín, sống bất cần đời, bất cần mọi lời dạy dỗ, khuyên lơn. Nó không còn niềm tin ở bất cứ ai trên đời này.
Nhưng có thật thế không? Không đâu, mỗi mình nó biết, ở tận đáy tâm hồn bé nhỏ của nó vẫn còn thương nhớ dành cho người anh kết nghĩa. Mấy tuần rồi, anh không tới thăm, mười mươi là tại vì nó, hay nói đúng hơn, tại vì mấy con nhỏ ở phòng và tụi con trai trên lầu. Bọn chúng thật ngu, tại sao chúng cứ nghĩ trai gái không ruột thịt mà quen nhau là bồ? Cứ mỗi lần anh Tuấn tới thăm là bị chọc phá, làm nó xấu hổ, nên dù mừng lắm, nó vẫn cứ lảng tránh, nhiều khi không hề nói chuyện để anh Tuấn phải buồn.
Con Huệ tức tưởi trong lòng, chúng nó đâu biết con Huệ này chỉ còn nước muốn cắt tóc làm con trai thôi, chớ nói chuyện yêu thương nó ghét còn hơn ghét mụ má nuôi nữa. Chúng phải biết nó thương anh Tuấn như thương anh ruột thôi. Thuở còn nhỏ, anh Tuấn bắn loi (móc túi) bị bắt vào trường nó mới mười một tuổi, anh đã rất thương và hiểu nó. Giờ anh hoàn lương, làm công nhân trại gỗ. Tình thương của anh dành cho nó vẫn không phai nhạt. Còn nó vì chuyện không đâu có thể mất một người anh. Trời ơi! Chỉ nghĩ đến đây thôi, nó muốn phát khùng.
Con Huệ tung mùng chui ra khỏi giường, nó thấy ngột ngạt đến phát điên lên. Chụp cái khăn, nó chạy ù ra buồng tắm. Phải tắm ngay, nếu không nó chẳng biết cái gì sẽ xảy ra với nó. Con Huệ múc nước dội cả lên đầu. Nó dội liên tục mấy thau liền cho đã rồi để mặc mái tóc ướt sũng không buồn lau, lững thững đi vào. Tiếng nước chảy lẫn tiếng động ở nhà vệ sinh nam khiến nó đứng lại. Chắc mấy thằng nhóc đi ngủ không khoá nước lại rồi. Nó đi vào, thẳng tới chỗ có tiếng nước chảy… Nó bỗng dừng lại, trố mắt… Đông “bác học” đang bị hai thằng lạ mặt cầm dao nhọn hoắc tấn công. Nó tay không, chân lùi dần tránh né tài tình những mũi dao chĩa tới. Con Huệ đứng thộn ra, chết sững không biết phải làm gì. Bỗng sau lưng nó có tiếng lê dép quen thuộc, nó ngoảnh lại. Con Hoa đã tới sát nó, liền rú lên:
- Bớ người ta, giết người, giết người!
Cả trường náo loạn, người phóng vào đầu tiên là Độ, thầy Cang, cô Nguyệt (đêm nay cả hai người trực). Nhưng hai tên kia đã đi lên đầu tường biến mất. Thằng Đông đứng dựa vào tường mắt nhắm nghiền. Nỗi thống khổ hằn rõ lên nét mặt và bờ môi mím chặt.
Tiếng kẻng khua vang dồn dập, tiếng điện thoại reo, tiếng xe chạy ra khỏi cổng trường lẫn tiếng náo loạn bên ngoài không làm thằng Đông mở mắt. Độ siết cứng tay Đông trong vòng tay run rẩy của mình.
Cang thở ra, lắc đầu:
- Đông! Có sao không?
- Không! Thưa thầy. Nó mở mắt ra, ánh mắt lạnh lẽo.
Nó nhìn qua Huệ và Hoa:
- Cảm ơn hai người!
Nó đi ra sánh vai cùng Độ, bọn trẻ bị đuổi về phòng. Sân trường trở nên vắng lặng, nhưng văn phòng vẫn rực sáng ánh đèn. Cang nắm chặt hai vai Đông, rít răng:
- Em nói đi chớ! Chúng là ai? Tại sao chúng muốn giết em? Tôi sẽ mời đội Hình sự thành phố xuống làm việc.
Thằng Đông quắc mắc:
- Không! Đó là chuyện của em, người sống ngoài vòng pháp luật. Ngôi trường này không giữ chân em lâu được và thầy hãy hiểu cho một điều, em muốn đến đây, chớ không ai có thể bắt em đến.
Cang nén giận:
- Dù sao bây giờ em cũng là người của trường, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ em.
Đông “bác học” nhìn xuống, rèm mi hắn khép lại, giọng trở nên buồn bã:
- Em rất hối tiếc về điều đó, xin lỗi thầy.
Nguyệt nãy giờ ngồi theo dõi câu chuyện. Sắp năm mươi tuổi đời với hơn hai mươi năm trong ngành kiểm soát xã hội, đã giúp phần nào điềm tĩnh trước những việc bất ngờ. Nhưng tính nóng nảy, bộc trực vẫn luôn cháy trong lòng chị. Chị lớn tiếng:
- Tại sao em không nói, có phải chúng cùng đồng bọn muốn thanh toán em vì ăn chia không đều? Hoa và Huệ có dính gì đến băng nhóm của em?
Thằng Đông nhìn chị, ánh mắt sắc nhỏ lại như mũi dao. Khá lâu nó mới nói:
- Em không cùng thứ với ai cả, cũng chẳng dính gì đến hai cô gái của cô. Cô lại nghĩ sai rồi.
Cang thấy chị Nguyệt có vẻ tức giận, vội chen lời:
- Không có gì đâu chị Nguyệt, tôi thấy rõ con Huệ vào phòng tắm một lúc thì thằng Đông mới vào nhà vệ sinh. Khoảng hai mươi phút con Huệ đi ra, nó dừng lại trước nhà vệ sinh nam lắng nghe cái gì rồi đi vào. Sau đó con Hoa đi vào la lên. Tôi nghe la biết ngay thằng Đông gặp chuyện.
Chị Nguyệt thở ra, buột miệng:
- Tôi cứ sợ hai đứa có dính dáng, dù sao chúng cũng như con mình.
Cang gật đầu, anh nhìn qua Đông, nó vẫn giữ gương mặt kín bưng. Cang hiểu có nói gì cũng vô ích:
- Em về ngủ đi!
Thằng Đông nhã nhặn chào thầy, đi ra. Tới cửa nó dừng lại ngó chị Nguyệt, nói:
- Em biết tại sao tụi con gái thương cô, mà không thích cô. Cô muốn biết không?
Chị Nguyệt nóng mặt, chưa kịp nói gì thì thằng Đông đã tiếp lời:
- Vì cái bọn con gái ở đây khác với những đứa con gái ở trong các gia đình gia giáo. Cô cố tỏ ra ngọt ngào và dịu dàng, nói ít mà thấm. Cô nói nhiều tụi nó không thích đâu. Thật ra chúng thừa biết cô thương tụi nó, thương nhiều nữa kìa, nhưng chúng chỉ làm như không biết mà thôi.
Nó về tới bệnh xá rồi, chị Nguyệt còn ngồi ngẩn ngơ. Cang gượng cười, an ủi chị:
- Nó lạ thật, chị thấy không? Mới sống chết trong khoảnh khắc đã ung dung chọc chị rồi. Nhưng chắc chị không giận, nó nói đúng mà?
Chị Nguyệt bất giác gật đầu, cái nhược điểm ấy thật khó sửa, chị biết rõ mình mà.
Câu chuyện thằng Đông suýt bị giết khiến cả trường, từ tụi nhóc đến thầy cô đều náo loạn, nhưng rồi mọi chuyện im ắng ngay. Vào chiều hôm sau khi ông Hiệu trưởng cùng Tổng giám thị và Cang đi đâu về. Dường như với Ban giám hiệu, thằng Đông và câu chuyện kinh khủng ấy không hề có. Bọn trẻ cũng không đứa nào rỉ tai mới lạ. Riêng thằng Đông, trừ những lúc không ai bên cạnh nó có vẻ trầm tư, còn thì vẫn ung dung cười nói. Ngay chiều hôm đó, nó ngồi ở cột cờ, bình thản cùng Ánh đen rãi thóc cho bồ câu ăn, rồi lặng ngắm bóng chim bay tản mát với dáng vẻ triết nhân. Tiếng kẻng gọi ăn cơm đã vang lâu, nó chẳng buồn nhúc nhích. Độ đi lại, Ánh đen đưa mắt nhìn rồi e dè gọi:
- Đông à! Đi ăn cơm, Độ nó tới kìa.
Thằng Đông hỏi chuyện chẳng liên quan gì:
- Chừng nào thằng Hào đi bệnh viện?
Độ ngồi xuống:
- Chắc mai mốt Đông à!
- Hử!
- Mầy định đi sao?
Im lặng. Độ buồn bã:
- Đêm qua mày thức trắng, có phải đã tính hết mọi đường?
Thằng Đông lơ đãng nhìn lên khoảng trời xanh. Nó chợt nói với Ánh đen:
- Con Ngọc nó ở đây luôn à? Mầy hồi gia có nhớ nó không?
Ánh đen ngơ ngác. Đông lại hỏi Độ:
- Mày còn thương con Hoa không? Còn con Huệ nó làm sao vậy, có phải nó thuộc loại “chiến” không?
Mặt Độ đỏ nhừ. May quá thằng Khanh chạy lại:
- Đi ăn cơm, ông Đằng quát inh lên kìa!
Cả ba thằng rời cột cờ. Thằng Đông vừa đi vừa nhìn lại vẻ như lưu luyến, Độ càng phập phồng, nhưng nó cũng mừng. Tưởng chuyện dính tới mấy bà cô có thể trôi qua, ai dè đến tối Đông “bác học” lại lên phòng ba. Tài nhí, Tài lùn thấy nó đều né mặt, nó kéo Độ ra ngồi ở góc thư viện, móc túi đưa gói thuốc 555.
- Mày hút đi, khỏi cần xuống nhà tắm làm gì.
Độ cúi mặt rồi ngẩng lên:
- Tao cũng ít thèm lắm, ở đâu ngon vậy?
Thằng Đông cười nhạt. Buột miệng:
- Nó ngon nên tao mới suýt chết, tao không biết ổng đã khử tụi nó hay chúng đã phản bội tao?
- Ổng là ai? Độ định lấy gói thuốc, chợt rụt bàn tay lại.
Mắt thằng Đông tối lại, giọng nó rít nhỏ, sắc bén:
- Mày đừng nên biết, nếu còn muốn sống.
Độ cười ảm đạm:
- Tao chẳng có gì để ham sống cả.
Thằng Đông nhìn qua ánh đèn trước hiên, nhìn rất lâu và cười nhỏ:
- Tao không hỏi chuyện đời mày, bởi những ai dính tới tao đều gặp bất hạnh, nhưng liệu mày có đến thế không?
Thằng Độ nói như ông cụ:
- Cũng là con người nhưng đến ước vọng nhỏ bé nhất được làm người lương thiện tao cũng không có cơ hội.
Thằng Đông có vẻ nghĩ ngợi rồi nói:
- Đến cuối tuần tao phải đi rồi. Nếu mày thích, một đêm nào đó kể chuyện đời mầy cho tao nghe, biết chừng đâu…
Nó vụt đứng lên chìa gói thuốc, thằng Độ lắc đầu:
- Vì nó mà mầy xém chết, tao không hút đâu, nhưng mầy có thể cho tao biết tại sao không?
Đông “bác học” thoáng nét thê lương qua mặt:
- Đây là ám hiệu người của tao mỗi khi tới đây, nhưng khi cầm được nó tao biết mình lầm, bởi bên trong có thuốc. Chín phần mười nó đã bị ổng khử rồi…
- Ổng là trùm lớn phải không? Có tổ…
- Đừng hỏi nữa Độ, giờ tao hỏi mầy nè!
Đông “bác học” trở lại vẻ bình thản cố hữu. Độ nhìn nó chờ đợi:
- Mầy có thương con Hoa không?
- Không.
- Vì sao?
- Tao cần tình cảm dịu dàng của người khác phái, không cần bà chằn lửa vậy đâu.
Đông “bác học” gật gù:
- Vậy tối nay tao kể chuyện con Hoa cho mày nghe.
Độ trố mắt. Đông “bác học” ngó chỗ khác:
- Mày đừng hỏi tại sao tao biết, Độ à!
Độ ngần ngừ, nó không hỏi nhưng nghi hoặc trong lòng, mười ngày ở đây nó chưa thấy thằng Đông nói chuyện với con Hoa. Bản thân nó đã từng có bạn gái nhưng nó cũng chưa biết gì bao nhiêu. Thằng Đông muốn gì ở con Hoa nên mới bỏ thời gian điều tra thân thế như vậy. Độ lạnh người, dù không còn quen nhưng nó với con Hoa đã từng sướng khổ có nhau hồi bên nhà mở. Hoa là con gái mà dính vào thằng Đông, nó biết chắc nguy hiểm.
Thằng Độ thừ người, Đông “bác học” không nhìn nhưng một cái liếc, nó đã hiểu thằng Độ nghĩ gì. Cái thằng thông minh dễ nể:
- Mầy lo gì, nó không sao đâu!
Đông “bác học” choàng vai Độ thong thả đi dọc hành lang về phòng, nó vấp một thằng đang ngồi khóc thút thít ở cửa phòng bốn, vội cúi xuống:
- Tại sao mày khóc?
- Thằng Nhân đánh em!
Đôi mắt một mí của Đông nhỏ lại:
- Tại sao nó đánh mày?
Thằng nhỏ nói trong uất ức:
- Không phải mình em, nó đánh cả phòng vì mất hai cuốn vở.
Đông “bác học” ngó Độ. Thằng này hiểu ý:
- Nó không phải đại bàng đâu, ba nó người Quảng Ninh, bộ đội phục viên năm 1975 đó! Về Sài Gòn cưới vợ, ổng chuyển qua làm thợ mộc. Má nó tên Hường, buôn bán khá lắm, chẳng hiểu sao ly dị năm nó lên sáu tuổi. Ba nó dắt nó về Bắc và ổng cưới vợ khác. Nó ở với dì ghẻ bị đánh đập luôn. Năm chín mươi mốt nó trốn về đây tìm mẹ, tìm không ra, nó lang thang ra tận Nha Trang, đi chăn trâu cho người ta được mấy tháng lại về Sài Gòn. Nó không nhập băng trộm cướp, nó đi phụ bán nước trà đá cho ông Châu ở chợ Bến Thành. Nó bị bắt đưa về đây chỉ vì tội ngủ ngoài đường như khách vãng lai.
Đông “bác học” nhếch môi:
- Tao đi thăm nó một chút.
Độ gàn thằng Đông nhỏ nhẹ:
- Nó là trưởng phòng, có quyền đánh nếu học viên có lỗi mà!
Đông “bác học” nhún vai, nó bước vào phòng bốn, không có thằng Nhân, nó đi xuống lầu. Thấy nó quàng vai Độ, tụi gác cầu thang không thằng nào dám hỏi. Nó gặp Nhân ở ghế đá trước phòng giáo vụ. Thằng bé đẹp trai hết biết, rất lịch sự, sạch sẽ trong cái quần tây xanh đen dài và chiếc áo sơ mi hoa:
- Tại sao mày đánh tụi nhỏ? Đông ngồi xuống hỏi rất nhẹ nhàng.
Nhân e dè, nó không ngán Đông “bác học” nhưng ngán Mai Tình, như tất cả những thằng biết danh Mai Tình đều ngán. Đó là một thằng đại ca thật sự từ tuổi mười bốn, với trên không quỵ luỵ, với dưới bao dung nhưng sát máu ghê người. Nếu nó nói chết thì không thể sống, dù trốn xuống cống hay ra đảo tù. Thuộc hạ nó toàn lớn tuổi hơn và rất trung thành. Băng nó hoạt động không cố định và nhắm vào bọn nhà giàu có, ích kỷ, bất chánh, nên được tặng là danh hiệu “Mai Tình hiệp sĩ”.
- Tại tụi nó ăn cắp.
- Hai cuốn sổ thì không thể có ba chục thằng ăn cắp!
- Không đứa nào chịu nhận.
- Phòng mày có phải là nơi bất khả xâm phạm với tụi phòng khác không?
- …
- Dì ghẻ đánh mày oan ức, mầy bỏ đi. Tụi nhỏ bị mày đánh oan ức, nó không có chỗ để đi thì nuôi căm thù trong lòng. Mày đánh không trọn lý tình, có xứng đáng làm trưởng phòng không? Thằng Đông giở giọng “bác học” - Chúng nó có đứa số phận đau khổ hơn mày, có đứa bé nhỏ hơn mày, mình làm lớn, phải biết lấy lượng lớn bao dung. Mày có đọc Tam Quốc Chí không?
Thằng Nhân gật đầu.
- Lưu Bị tài sức có bao nhiêu so với Tào Tháo, Tôn Quyền, nhưng người có chí lại có đức lớn mới được chia ba thiên hạ. Mày phải nhớ câu này “tha lầm hơn giết lộn” nghe không Nhân?
Đông “bác học” bỏ đi không cần nghe câu trả lời.
Độ đi theo nó vào bệnh xá mà trong lòng phục sát đất. Cái thằng! Nó đúng là “bác học”, văn chương chữ nghĩa đầy mình. Mặc dù kẻng ngủ đã vang lên rồi, Độ vẫn chờ thằng Đông kể chuyện.