Chương 9

Nó đứng khoanh tay trước ngực, không có dáng vẻ gì của thằng thiếu niên mới lớn. Gương mặt nó hoàn toàn là một thằng đại ca sừng sỏ trong nét sắc máu, lạnh lùng. Nó hỏi:
- Thằng bé ở đâu?
- Dạ ở hẻm B, bên quận S, nhà thằng Hồng Long, nó chưa bị gì. Có lẽ vì thằng Hồng Long còn đi với bả suốt mấy bữa rày để lùng đại ca, nhưng nó bị quản thúc ngặt lắm dưới tay con đệ tử ruột của bả, xưng với lối xóm là vợ của thằng Long.
- Có tin gì chú Thìn và vợ con Hắc Thổ không?
- Chắc nó giết rồi!
Đông “bác học” lừ mắt:
- Sao mày ngu quá vậy? Có bao giờ bả cho thanh toán trên đất Việt Nam không? Bã đã nhốt nơi nào đó để làm con tin dụ tao hoặc trao đổi, mày hiểu không?
Hắc Thổ gật đầu, hắn đã bình tĩnh lại nhiều:
- Đại ca nói đúng!
- Mày yên tâm rồi chớ, giờ chuẩn bị đi Pôn Hia Crết với tao, lúc về sẽ cứu vợ con mày và thằng nhỏ.
Hắc Thổ vẻ mừng vui lộ ra mặt, nó “dạ” rồi đi ngay. Nam Thuỷ đợi nó đi khuất rồi mới hỏi:
- Trận sinh tử này đại ca cho nó biết, tôi ngại quá!
Lạc Đà cất giọng the thé gạt đi:
- Nếu nó phản, bả đã đi Pôn Hia Crết rồi, có đâu về Bà Rịa bắt vợ con nó. Điều tao lo, không biết mụ ấy có tin đại ca đã giết Hắc Thổ chết không?
Thằng Đông hừ mũi, ngồi xuống ghế:
- Cái đó còn tuỳ con vợ nó có bán đứng thằng chồng không. Nam Thuỷ! Đưa bản kế hoạch Quảng Kim chuyển về đây cho tao.
Nó xem rất lâu cái bản đồ được vẽ bằng mực nhiều màu. Nó đếm những dấu khoanh tròn, rồi trở phía sau đọc dòng chữ đích thân thằng Quảng viết.
Nó trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Theo kế hoạch này, Voi Trắng Nông Pênh đã “mượn” cả lực lượng bảo vệ biên giới, ban đặc nhiệm bài trừ ma tuý Campuchia và bọn buôn lậu. Nghĩa là số hàng sẽ bị tịch thu và Voi Trắng có phần chớ không bị huỷ như kế hoạch đề xuất.
- Chú Bình nói chuyện đó để nhà nước Campuchia lo lấy. Điều lo là ổng khó thoát và nếu bả không chết thì không thể tiêu diệt Huyết Long.
Đông “bác học” cau mày tư lự rồi hỏi Đà Hoả:
- Nam Thuỷ nói vậy, mày thấy thế nào?
Đà Hoả dồn cả căm thù vào giọng nói the thé:
- Bả phải chết, nếu không tụi Huyết Long ở Quảng Đông và vùng biên giới phía Bắc sẽ tràn sang ta.
Thằng Đông phẩy tay:
- Chuyện đó không tới mày lo, ý tao muốn nói…
Nó chợt nín ngang, mặt trầm lặng lại, một lúc lâu:
- Đà Hoả! Mày kéo bả qua Pôn Hia Crết, tin cho voi Trắng Nông Pênh biết, không được làm gì hai người nếu tao chưa giáp mặt.
Đà Hoả đứng lên:
- Bao giờ đại ca lên đường?
- Sau khi mày xong việc.
Đà Hoả bước đi rồi ngập ngừng đứng lại:
- Ổng thì tôi không nói, nhưng nếu bả là…
Nam Thuỷ đập bàn quyết liệt:
- Không! Nhất định bà ấy không phải là má ruột của đại ca, tao đem tính mạng ra cuộc với mày đó!
Ba đôi mắt gặp nhau. Mắt Nam Thuỷ quyết liệt, mắt Đà Hoả rực hận thù, còn mắt Đông “bác học” loé lên tia hy vọng rồi tắt lịm.
Vùng biên giới
Nếu không kể đến hai bờ môi mỏng như hai lằn chỉ thâm tím, thì hắn thuộc loại đẹp trai như lứa tuổi ngoài bốn mươi của mình. Hắn đang ở giữa vùng biên giới mà diện như đi dạ hội, trong khi đám thuộc hạ nửa người nửa ngợm, quần ngắn, áo mở phanh cả ngực, phô đầy lông lá như bầy khỉ đột. Chúng mỗi đứa cầm đầu một đội quân buôn lậu, cướp rừng. Hôm nay cả lũ kéo về họp với hắn là để vào chiến dịch lớn.
Chúng đang chăm chú nhìn theo tay hắn chỉ trên bản đồ.
Một thằng chạy vào:
- Thưa đại ca! Bà chủ còn cách đây mười cây số.
Hắn ngẩng phắt lên:
- Mày nói gì?
- Bả đang ở cách đây mười cây số, chờ bả họp luôn.
Hắn chửi thề:
- Mẹ kiếp! Xưởng Tân Long cháy rụi, không lo diệt thằng ôn con, đến đây làm cái gì?
Hắn sực nhớ hôm cãi nhau với vợ, lần đầu tiên hắn khùng lên và vợ hắn tỏ ra phục tùng. Hắn đâm hận cái lệnh từ tam giác vàng, giá chậm lại nửa tháng, có phải là hạ xong thằng ôn dịch kia và đi vào vụ này khoẻ ru. Mẹ nó! Thằng ôn số lớn, bị một cú vậy mà không chết, trốn đâu mất tiêu, cả bầy “rồng máu”, lớn nhỏ đi tìm dáo dác rốt cuộc để nó đốt trụi xí nghiệp. Hừ! Toàn lũ ăn hại, cả trăm thằng có tổ chức hẳn hoi mà không làm gì nổi nó và bốn thằng còn lại của Ngũ Hành Kinh Thiên.
Ngũ Hành Kinh Thiên! Nhớ tới bốn chữ này hắn lại thấy đau đầu và ngán ngẩm cả đám thuộc hạ đang ngồi trước mặt hắn. Hắn đâm hận thằng cha võ sư mắt dịch ngày nào, có mắt như mù để trong năm mươi đứa lại chọn thằng chiến nhất, lập Ngũ Hành Kinh Thiên bảo vệ cho thằng “ôn con”.
Cái thằng “ôn con” ấy hơn cha nó rất nhiều, từ thuở mười hai đã đáng mặt đại ca, lên mười bốn xuôi ngược vùng biên giới, đám anh chị phải nể mặt. Con hơn cha là nhà có phúc đâu chẳng thấy, chỉ biết bả xuống tay với thằng Bình, nó trở mặt cái rụp, cả nhóm Ngũ Hành đi theo nó luôn. Từ đó tới nay mới hai năm mà nó “quậy” nhóm Huyết Long tan nát, còn tuyên bố lấy mạng mình và bả để báo thù cho chú nó. Mẹ kiếp! Vậy nó giống con mẹ nó, chớ có giống mình đâu. Mình không giết cho tuyệt cái nòi ấy thì sao đáng mặt thủ lĩnh Huyết Long chớ! Say cho cùng, máu mủ là cái con “từu” gì? Thằng Bình là em, nó là con, mà còn phản mình, thì cần chó gì hai tiếng ruột thịt nữa…
Hắn không thấy người đàn bà đi vào, nhưng tiếng chân đám thuộc hạ rầm rập khiến hắn ngẩng đầu lên. Hắn trấn áp vợ ngay:
- Đã giao chuyện “thịt” nó cho em, sao không ở nhà lại qua đây làm quái gì?
Mụ đàn bà ung dung ngồi xuống bên hắn:
- Nó qua đây rồi, em phải đưa Ngũ Long Thần Sát đến giúp anh.
Hắn trợn mắt:
- Gì? Tin chắc không?
Mụ đàn bà cười ngọt:
- Anh sợ đối mặt với nó à? Yên tâm đi, Ngũ Hành Kinh Thiên còn ba, cả bọn sẽ vùi thây trên vùng biên giới này.
Mắt mụ quắc lên như hổ cái, trong bộ đồ đi rừng, mụ đẹp một cách dữ dội, khiến hắn vừa mê mẩn, vừa nể sợ. Hắn nhớ ngày ấy, những ngày cuối cùng của cuộc chiến, hắn ăn cái Tết buồn nản đến muốn tự vận, bởi đám đàn em bỏ đi sạch. Hắn nốc rượu say và làm nhục con bé ấy ngay trên con đường vắng vẻ. Bỗng một cô gái xuất hiện. Cô ta đứng xem, như cái chuyện đó không có gì, khiến hắn sững như một thằng ngốc, và khi cô ta mang con nhỏ lên xe nói rằng “anh hãy chờ đấy” thì hắn đứng đến không dám nhúc nhích, cho mãi tới khi cô ta quay lại, đưa hắn về căn nhà bây giờ ở Sài Gòn.
Hai hôm sau hắn trở thành chồng cô ta, hai tuần sau hắn cầm đầu đám thuộc hạ của vợ hắn đi đánh cướp và trận nào cũng thành công. Ngày giải phóng cả hai về tỉnh S., chẳng hiểu bằng cách nào vợ hắn trở thành goá phụ của một người có công với cách mạng, còn hắn là quản lý của trại cưa xẻ gỗ Tân Long. Nhưng hắn chẳng việc quái gì bận tâm tới điều ấy, bởi mỗi đêm vợ hắn vẫn là vợ hắn và ở vùng biên giới hắn bắt đầu được gọi đại ca.
Bỗng dưng hắn lại gặp thằng em. Nghe nó kể chuyện, lúc xưa là sĩ quan từng chiến đấu gần vùng “Ba biên giới”, con vợ hắn bèn giăng bẫy lập tức. Thế là thằng em trở thành thuộc hạ của hắn. Hai tuần sau hắn lọt ổ phục kích bộ đội biên phòng, toà kêu án bảy năm tù.
Mãn tù hắn về, biết mình có đứa con bảy tuổi bị thằng em “bắt cóc” đi gần nửa năm rồi. Hắn biết vợ mình đã lập thành một băng mang tên gọi là Huyết Long, từ những đứa trẻ mồ côi, lang thang, trộm cắp và bọn chúng là những tay võ nghệ, tàn ác đến lạnh lùng.
Hắn bỏ một tháng cùng đám đó đi tìm thằng em với đứa bé. Tìm được về, hắn giao cho vợ cấm cố. Một năm trong hầm giam xí nghiệp Tân Long, thằng bé đã ngoan ngoãn gọi hắn bằng ba, còn thằng em bò lết xin anh tha thứ lần đầu. Để chứng tỏ không gian dối, nó tự thiến và tình nguyện nhập băng.
Từ đó hắn không ở lại Tân Long, hắn chính thức trở thành người không tổ quốc, chính thức là thủ lĩnh Huyết Long, một tổ chức buôn lậu có tiếng vùng Tam giác Vàng. Nhưng mỗi khi về Tân Long thăm vợ con, hắn biết thủ lĩnh Huyết Long là vợ hắn, người đàn bà đẹp, đa tình và tàn ác nhất trong đời, đang ngồi trước mặt hắn đây…
- Anh nghĩ gì mà thần người ra vậy?
Hắn nhìn quanh, mỗi khi vợ hắn tới đâu nơi ấy không còn bóng người. Hắn chỉ vào bản đồ:
- Hàng đang chuyển trên tuyến sông Mê-kông, nội ngày mai sẽ về đến Campuchia. Đêm nay ta phải đến đó, trễ nhất là sáng mai, để chờ nhận. Em liệu xem chuyến này thằng lỏi ấy có biết không? Nếu biết thì do đâu mà biết?
Mụ đàn bà đã nghĩ kỹ mọi lẽ trước khi tới đây, mụ nói luôn không nghĩ:
- Anh yên tâm, hắn có nội gián trong quân nhưng đã ở trong tay em rồi.
Mụ nhếch mép cười gằn:
- Hắn nghĩ, ngày mai Huyết Long sẽ tan tành, chẳng ngờ phơi xác là lũ chúng nó.
Hai năm nếm đủ mùi của thằng con và nhóm Ngũ Hành Kinh Thiên gieo rắc, hắn ớn và trở nên cẩn thận.
- Em chắc chưa, hay như vụ trong năm?
- Không! Tất cả trong lòng bàn tay em nè.
Mắt mụ rực lên ngọn lửa ma quái:
- Dương Mộc, Hắc Thổ đã chết, anh cho em nửa cơ hội thành công rồi. Không đủ Ngũ Hành, thằng lỏi làm gì kháng cự nổi nhóm Thần Sát.
Mụ đổi giọng nói:
- Người của ta đã điện về chưa?
- Rồi! Đích thân thủ lĩnh vùng Tam giác vàng giao hàng. Ông ta nói chuyện này vì em mà làm, nhưng hạn trong mười ngày, phải hoàn trả đủ tiền, nếu không cứ theo luật giang hồ mà xử.
Mụ đàn bà đứng lên:
- Thằng lỏi phục tại Mê Một, em giao nó cho anh, chuyến này em đón hàng giao thẳng tại Pôn Hia Crết, lúc quay lại cùng phối hợp diệt nó bằng những thùng hàng giả đầy thuốc nổ.
Gã đàn ông trố mắt, mụ đàn bà cười sặc:
- Đổi Ngũ Long Thần Sát lấy thằng lỏi và Ngũ Hành Kinh Thiên là rất lời. Anh yên tâm, em đã có nhóm khác, nếu không hy sinh, thằng lỏi sẽ không tin. Nó học hết nghề em rồi.
Điều mụ chẳng thể nào ngờ ở thằng lỏi là trong trận chiến cuối cùng, nó bỏ luật giang hồ. (cái mạng nó quyết bỏ thì có thứ gì là quan trọng hơn nữa?)
Đêm hôm sau, bầu trời trên rừng ven vùng biên Componcham rực lửa đạn, toàn băng nhóm Huyết Long và nhóm giao hàng Tam giác vàng lọt vào vòng vây của lực lượng chống ma tuý vùng ba biên giới, có cả lực lượng đặt nhiệm Việt Nam phối phợp.
Lệnh bắt không được thì bắn bỏ hoàn toàn có hiệu lực. Bọn chúng lớp bị thương, lớp chết như rạ. Mai Hồng Long không thẹn mặt đứng đầu nhóm Thần Sát, đã cùng Bạch Long và hai vệ sĩ mưu trí đưa hai thủ lĩnh thoát trùng vây chạy về tới vùng giáp với ĐamRen, Pôn Hia Crết.
Nơi đó nhóm Voi Trắng Nông Pênh đã chờ, chúng xáp lá cà bằng mã tấu, dao rừng. Voi Trắng vốn là người Campuchia lai Pháp lâu đời, nó có sức mạnh như voi, vậy mà với mụ đàn bà nó cầm cự ngang ngửa, cho tới khi nhóm Đông “bác học” tới, mình mẩy chúng tả tơi, bê bết máu.
Lúc ấy trời đã hoàng hôn, khu rừng trở lại yên tĩnh trong màn sương trắng đục. Thằng Đông chỉ nói với Voi Trắng mấy chữ ngắn gọn:
- Xong hết rồi, cản dùm người nhà nước.
Nhóm Voi Trắng biến mất, trong cánh rừng rậm còn lại khoảng mười hai con người. Bên Đông bốn người.
Mụ đàn bà áo thấm máu nhìn trừng vào nó nghiến răng nói từng chữ:
- Mày giỏi thật, dám bỏ luật giang hồ…
- Cái mạng đã bỏ thì thứ gì cũng bỏ.
Gả đàn ông gầm lên:
- Tao giết mày!
Thằng Đông cười thê lương:
- Ngay mới lúc chào đời ông đã giết tôi rồi và không chỉ giết một lần. Trước lúc cùng chết, tôi chỉ muốn ông nói thật một câu thôi. Mẹ ruột của tôi là ai?
Mụ đàn bà giật nẩy mình gào lên:
- Thằng con bất hiếu, sao mày dám nói vậy trước mặt người đã “mang nặng đẻ đau” mày ra chứ?
Mặt thằng Đông nhợt nhạt lảo đảo:
- Không! Bà không là mẹ tôi.
Phía sau, Quảng Kim đưa tay bóp chặt vai nó.
- Đại ca! Bình tĩnh, mụ nói láo đấy!
Bóng tối sụp xuống. Từ góc rừng có bóng người đi ra. Gã đàn ông tái mặt, mụ đàn bà trừng mắt lùi lại:
- Mày! Mày!...
Đó là ông Bình, ông điềm tĩnh nhìn mụ:
- Chồng bà không nở giết tôi, đó là lý do khiến tôi tin bà không là mẹ thằng Tình. Anh Thái!..
Ông Bình không kịp nói lên tiếng nào, mụ đàn bà lẹ như bóng ma xoay người, vung tay. Người đàn ông rú lên, gục xuống.
Mụ đàn bà biến mất sau lưng bốn gã vệ sĩ trong một tích tắc. Thằng Đông và thủ hạ hắn nhào tới. Trong bóng đêm, đám người quần nhau, tiếng thở hồng hộc, tiếng hét tiếng vũ khí chạm nhau rồi im bặt.
Đêm tối đen ở vùng biên giới.
Trông căn nhà tranh giữa rừng Mê Một (căn nhà mà thằng Đông cứu vợ con Hắc Thổ đưa về), thằng Đông ngồi lặng trước xác ba nó, kế bên là xác Nam Thuỷ, gương mặt nó trơ ra, không một cảm xúc. Ông Bình tập tễnh đi vào đến bên nó.
- Ông chết vậy là yên, cháu đừng buồn nữa. Thôi ta lo chôn cất rồi về Tân Long cho kịp.
- Tân Long có Hắc Thổ, Đà Hoả và “người ấy” đủ sức khống chế mụ ta.
- Sợ mụ dùng người uy hiếp.
Thằng Đông giật mình đứng lên, nó sực nhớ - bạn bè nó đang ở trong tay mụ.
- Chú Bình…
Nó khựng lại lắng nghe, Hắc Thổ bò từ cửa sau ra, hào hển đến líu cả lưỡi:
- Đi… mau…
Quảng Kim đang băng vết thương ở tay, nghi ngờ đứng lên. Hắc Thổ nhào tới kéo thằng Đông:
- Chất… nổ, mau!
Thằng Đông vùng ra, Quảng Kim, Hắc Thổ níu chặt hét:
- Chú Bình! Không kịp…
Ông Bình bương theo, cả ba lôi thằng Đông chạy vào vùng cây rậm rạp, chạy mãi, chạy mãi…
Ầm! Một tiếng nổ long trời, hất cả bốn ngã chúi. Máu từ mũi bốn người chảy ròng trước sức ép kinh khủng của chất nổ.
Tất cả ngồi bệch, còn mỗi thằng Đông, nó đứng sững nhìn về phía quầng lửa bốc cao lên trời và, giọng nó bỗng lắng xuống, nó nói thật khẽ:
- Về Tân Long…
Đêm! Xí nghiệp gỗ Tân Long lửa rực một góc trời. Dân chúng đứng chật cả mọi con đường hướng về khu xưởng gỗ đang cháy. Những xe chữa cháy đậu đầy đặc, nước phun mù trời nhưng lửa vẫn cháy không gì dập tất được, toà nhà cao tầng chìm trong biển lửa.
Bốn người đàn ông nép mình trong một góc nhìn rất lâu về nơi ấy. Người đàn ông khập khiểng nói:
- Đà Hoả đốt sạch rồi!
Gã nhỏ tuổi nhất lắc đầu vẻ bồn chồn:
- Không phải, nó nguy rồi.
- Nó… chết… rồi…
Tiếng nói ngắt quãng, lạ hoắc khiến cả bọn giật mình quay lại, người vừa nói đã gục xuống. Quảng Kim quỳ xuống xốc nó lên, trời không lạnh mà hắn khoác áo da bên ngoài, chiếc áo đẫm máu, miệng hắn cũng sùi bọt máu. Thằng Đông quỳ xuống:
- Xuân!
Hắn - gã vệ sĩ một, người nội gián của Đông “bác học”. Hắn cười méo mó, bàn tay đẫm máu nắm tay Đông:
- Mụ ấy đã biết, chú Thìn, Đà Hoả… chết cháy… trong… đó, Mụ đưa … vợ… con Hắc thổ đi… rồi…
- Xuân!
- Mụ … ấy… không… phải… má… của đại… ca…
Hắn không còn hơi sức, chỉ kịp đưa tay lên ngực như muốn nói điều gì rồi tắt thở. Trên khuôn mặt còn vương lại nụ cười, một dòng máu ứa ra từ miệng.
Tất cả im lặng gục đầu, ông Bình sực tỉnh táo trước tiên, ông cho tay vào ngực hắn, lấy ra cuốn sổ có mạ chữ vàng. Cuốn sổ bị một vết dao đâm xước, ông Bình thở ra.
- Nhờ vậy mà nó còn sống đợi mình về. Đông! Đi thôi.
Cả bốn cõng xác Xuân vệ sĩ đi vào đêm tối.

*

Thằng Đông ngồi đó, mà hồn phách như bay bổng tận nơi nào, trên tay nó là cuốn sổ thằng Xuân lấy được. Cuốn sổ của mụ đàn bà ấy dùng để ghi chép lý lịch những thằng được mụ đem về nuôi lớn lên.
Ông Bình đứng sau cháu từ lâu, rồi ông choàng tay ôm ghì lấy nó:
- Dù cháu không phải đứa con được cha mẹ mong muốn sinh ra đời, nhưng ơn chín tháng cưu mang cháu phải nhớ, vả lại vì cháu mà mụ ấy giết chết mẹ cháu… Chẳng rõ xác mẹ cháu được chôn vùi nơi nào?
Thằng Đông thẫn thờ xếp cuốn sổ đứng lên, nó đi ra ngồi ở tấm ván nhìn dòng nước trải rộng của con sông Sài Gòn lờ đờ chảy trong đêm.
Mảnh ván rung lên, nó quay lại, Hắc Thổ, Quảng Kim đang đến gần:
- Tìm ra rồi đại ca! Mụ không nhốt chung với Hoà “Bắc”. Theo như tôi biết, mụ đang chờ bán vợ con tôi cho nhóm buôn người bên Trung Quốc.
Ông Bình nhíu mày tỏ ra không hiểu, thằng Đông cười nhạt:
- Mụ không thiếu tiền, mụ chỉ muốn nhìn người ta đau khổ. Hắc Thổ! Vậy là mụ biết chúng ta còn sống và có kế hoạch đối phó rồi. Quang Kim! Mụ có bao nhiêu người?
- Sáu thằng, kể cả Hồng Long, chúng không kém thằng Hắc Thổ này chút nào.
- Mày là Quảng Kim trong Ngũ Hành mà không mua được thằng nào sao?
- Có rồi! Giờ đại ca lên kế hoạch giải thoát đi, sơ đồ đây.
Thằng Đông không buồn cầm, nó giao cuốn sổ có chữ vàng cho Hắc Thổ:
- Không cần, đây là lúc mày làm lại cuộc đời và có mái ấm gia đình. Đem cái này đến nơi cần nó…
Hắc Thổ, Quảng Kim ngẩn người nhìn nó. Ông Bình gật đầu:
- Cảnh sát có hồ sơ này, lập tức tung lực lượng giải cứu vợ con mày và tụi bay có thể sống cuộc sống bình yên của những ngày còn lại.
- Còn đại ca?
Thằng Đông đứng lên:
- Tao phải đem Hoà “Bắc” về trường, sau đó…
Nó nhìn ông Bình, tia mắt dịu dàng:
- Tao về Bắc nuôi lại chuồng bồ câu mới, con người phải nhớ đất tổ quê cha, cũng như con chim bồ câu, nếu không vì hoàn cảnh, đừng rời xa chuồng cũ.
Đôi mắt thằng Đông long lanh cười, hai giọt nước mắt trong veo lăn trên gò má co giật của nó.
Chú Bình ôm chầm lấy thằng Đông, mặt chú rạng rỡ không dấu nổi xúc động: nó không còn là đại ca, nó là thằng Bồ câu mà chú từng hy sinh cả quảng đời để có. Thằng bé mười bảy tuổi của chú.
Thằng Hoà trố mắt nhìn anh Đông như từ trên trời rơi xuống, lẹ tay “chơi” mấy chưởng vào chị Liên, rồi trói gô chân tay, bịt miệng kéo chị vứt xó buồng.
- Anh Đông! Vợ anh Long đó!
- Em có sao không?
Thằng Hoà ngơ ngác lắc đầu:
- Anh Long nói ảnh với anh huề nhau rồi. Chị Liên tử tế lắm, cho em ăn sướng hết biết. Lúc đầu em sợ ảnh lắm, giờ hết rồi.
Đông “bác học” nhăn mặt nhưng nó cười ngay. Nó cần gì cho thằng Hoà biết, cái anh Long ấy rất thích những thằng nhóc ngộ nghĩnh, để làm những trò đốn mạt mà có thể chỉ qua lần đầu, thằng nhóc ấy chết một cách khủng khiếp. Hừ! Nhờ vậy nên Hoà “Bắc” còn sống, thằng Đông thong thả nói:
- Mình về trường thôi, đôi năm nữa anh có thể làm ra tiền sẽ xin cho em về bắc với anh.
Thằng Hào ngẩn ngơ. Giời đất! Sao bỗng dưng anh Đông thương nó vậy, nó chỉ mới đôi ba lần nói chuyện với anh thôi mà. Hoà “Bắc” đi với anh Đông ra khỏi ngõ hẻm chằng chịt mà ngờ như đi trên mây.
Trên chuyến xe lam về trường, Hoà “Bắc” nói huyên thuyên, nào chuyện nhớ trường, nhớ mấy bạn chung phòng, nhớ thầy Cang và cô Nguyệt. Nào chuyện anh Long cũng thương nó lắm, hôm đem nó về cứ ôm ấp suốt, còn sờ nó, hôn hít, khiến nó nhột đến gai người, rồi anh Long đi đâu mất biệt.
Chiếc xe ngừng ngay bến, thằng Đông trả tiền dắt Hoà “Bắc” xuống. Đi ba bước chân, linh tính của kẻ sống giang hồ cho biết nó có nguy hiểm. Nó quay lại, “con rồng chết” và mụ đàn bà đang lù lù đi tới. Trong đầu thằng Đông thoáng nhanh ý nghĩ:
- Họ để xổng con rồng cái rồi.
Thằng Đông đẩy mạnh Hoà “Bắc” hét:
- Chạy về trường nhanh!
Hoà “Bắc” như thằng ngáo, nó chẳng hiểu gì, lại reo lên:
- Anh Long đi với dì tốt bụng kìa anh Đông!
Con đường buổi chiều tan sở ngập người, xe, lại thêm khu chợ đông đúc khiến chẳng ai quan tâm đến ai. Thằng Đông lùi dần dọc bức tường, kéo theo Hoà “Bắc” sau lưng, quát:
- Chạy đi! Chạy đi!
Không kịp nữa, trong tay thằng “mắt cá chết” là nắm lưỡi dao không cán, trên tay mụ áo khoác. Những mũi dao thằng “mắt cá chết” bay thẳng vào Hoà “Bắc” vừa chạy được mấy bước chân, những mũi dao chưa bao giờ phóng trật. Đông “bác học” không suy nghĩ, nó bay mình tới chụp Hoà “Bắc” lăn xuống đường. Có hai mũi doa cắm vào tay và lưng nó, Hoà “Bắc” ré lên. Biển người nghe tiếng ré quay đầu lại. Đông nghiến răng rút mũi dao ở tay lăn thêm vòng nữa phóng trả. “Con rồng chết” ngã xuống cùng lúc khẩu súng trên tay mụ đàn bà nổ ngay vào Đông. Nó đang phủ mình trên lưng Hoà “Bắc”. Nhiều tiếng nổ tiếp theo, tiếng la ré, những âm thanh khủng khiếp hỗn độn. Thằng Đông không có cảm giác đau đớn, nó chỉ thấy trước mắt nó mọi hình ảnh đều mờ ảo, lung linh.
Nó nghe tiếng khóc của Hoà “Bắc” và chợt mỉm cười hỏi:
- Em có sao không?
Nó không biết tiếng mình rất nhỏ bị át bởi tiếng còi xe cấp cứu đang lao tới. Một người bồng xốc nó lên, nước mắt người ấy lăn dài xuống mặt nó. “Chú Bình, hay ai nhỉ”? Nó không hỏi được nữa.
Nó tỉnh lại sau một ngày đêm mê man ở phòng hồi sức giải phẫu, câu đầu tiên nó hỏi là:
- Hoà “Bắc” có sao không?
Thằng lỏi khóc oà từ cuối chân giường chạy ào tới, bị ông Bình chặn lại quát khẽ:
- Cháu không được khóc!
Thằng Đông cười, lạ thay nó bỗng thấy khoẻ vô cùng và nói rất to với thằng Hoà:
- Con trai ai lại khóc!
Rồi nó nói với người bác sĩ đang theo dõi điện tâm đồ của nó:
- Cháu muốn gặp người thân, bạn bè.
Người bác sĩ đi ra phòng ngoài, anh đặt tập hồ sơ bệnh án xuống bàn. Tất cả bác sĩ khu hồi sức ngồi lại. Họ đang hội chẩn trưởng hợp thằng Đông, một vài ánh mắt thoáng buồn. Tất cả đi vào đứng quanh nó, họ cùng khám, nghe tim mạch rất kỹ rồi trở ra xem xét các phiếu xét nghiệm, siêu âm. Người bác sĩ lớn tuổi nói chậm rãi:
- Còn nước, còn tát.
Thằng Đông yêu cầu gặp người nhà lần thứ hai, nó được chấp nhận. Người ta nhìn nó qua phòng nhỏ kế bên, chỉ có cấp cứu. Chẳng thiếu một ai ở trường từng là bạn nó mà không đến thăm viếng, riêng thằng Độ vắng mặt. Nó hỏi ngay:
- Độ đâu?
- Nó trốn rồi! Con Hoa buồn thiu nói.
Thằng Đông mắng khẽ:
- Cái thằng ngu thiệt, nhưng Hoa đừng lo, mình sẽ đem nó về trường.
Nó nhìn quanh, hầu như đủ mặt những người nó muốn gặp, kể cả người công an bận thường phục nó gặp ở trường hôm nào. Anh nắm tay nó:
- Anh xin lỗi đã chậm một bước, vì phối hợp với bạn nên có nhiều điều luật phải theo. Thật ra với em, anh luôn chậm một bước vì…
Thằng Đông toét miệng cười không lộ vẻ gì đau đớn:
- Vì Hắc Thổ rất giỏi tài theo dấu vết và xoá dấu vết.
Người thanh niên gật đầu, đồng đội anh cũng nhận xét vậy. Thằng Đông tán thêm (thật trái với tính ít nói của nó):
- Hắc Thổ đứng hàng thứ năm trong ngũ hành nhưng nó ngon nhất, chiến công của Đông “bác học” nhờ nó hết một nửa.
Quảng Kim và ông Bình tỏ vẻ công nhận, riêng Hắc Thổ mặt vẫn lầm lì, lên tiếng:
- Đại ca! Mạng tôi là của…
Thằng Đông rất tỉnh táo, lừ mắt:
- Của vợ con mày, từ nay không còn ngũ hành nữa, tất cả là công dân chân chính.
Lại một lần nữa ông Bình và Quảng Kim gật đầu. Thằng Đông mặt hớn hở, đưa cặp mắt nhìn đám bạn bè ở trường rồi dừng lại ở thầy Dũng.
- Em còn nợ thầy một câu chuyện nữa.
- Trường và thầy nợ em nhiều hơn, bởi không có gì quý hơn sinh mạn con người. Em chẳng kể gì sống chết để cứu em Hoà, thầy và cả trường biết lấy gì đền đáp được?
Thằng Đông chợt rất văn hoa:
- Chỉ cần thầy và mọi người làm cánh rừng nhiều cây xanh trái ngọt, cho những cánh chim không tổ bay về dừng chân là đủ rồi.
Vết thẹo trên mặt nó chợt rúm ró lại, bờ môi nó chợt tái nhợt. Cô Nguyệt chạy ra khỏi phòng, bác sĩ vào xem mạch, ra lệnh chích thuốc và nhắc:
- Bệnh nhân không được nói nhiều!
Nó dấu vẻ mệt mỏi vừa ập đến trong cơ thể, hướng mắt vào ông Bình:
- Cháu có linh cảm ngày mai không hề có. Chú ơi! Cháu muốn tất cả ở lại đây đêm nay và chú hãy thay cháu trả món nợ về câu chuyện kể nửa chừng.
Ông Bình nhắm nghiền mắt một lúc rồi gật đầu một cách khó nhọc, nói:
- Được!