Chương I ( B)
Liếc Nhìn Biện Chứng

3. Liếc nhìn biện chứng
Hégel có thể gọi được là một triết học gia rất xuất sắc nhưng chia trí: lúc đầu chủ trương động theo Héraclite đến cuối lại chủ trương tĩnh theo Parménide.
Quả thế, khởi đầu Hegel đã đưa ra nhận xét chân xác về danh lý bị ứ đọng vì nó là danh lý của những vật cố thể (logique des solides) nên bất động và không đủ khả năng nhậnđịnh được thực tại vốn uyển chuyển linh động do yếu tố mâu thuẫn nội tại của sự vật. Chính mâu thuẫn nội đó mới là động cơ cho sức sống động, cho sự biến hóa. Vì thế Hégel đưa mâu thuẫn nội tại vào triết học để thế chân nguyên lý cấm mâu thuẫn. Nguyên lý cấm mâu thuẫn có tính cách triệt tam, nhưng cùng với đối lập nương nhau mà lớn mạnh, như câu của Héraclite: mâu thuẫn là cha đẻ ra mọi tiến bộ (la contradiction est le père des progrès).
Do đó so với lý luận cổ điển thì biện chứng Hégel khác khá nhiều, khác đến chỗ chống đối tiêu diệt luận lý. Nhưng xét đến cứu cánh thì biện chứng cũng vẫn còn nằm trên một bình diện thường nghiệm. Không phải Hégel không nói đến bình diện khác như "tổng đề" chẳng hạn, nhưng giống ở chỗ biện chứng làm bằng ý niệm, nghĩa là cùng một chất liệu với khoa luận lý, tức cũng dùng những sản phẩm của lý trí để trùm lên sự vật. Sự vật chẳng bao giờ là đơn thuần, nhưng luôn luôn có lưỡng nghi tính: có lưỡng cực trong hết mọi đợt tiến trình của nó, và thực ra có lưỡng nghi nó mới diễn biến, mới là sự vật theo nghĩa căn cơ… Đấy là chân lý Truyền thống nhưng đã bị triết học cổ điển quên đi. Ngày nay được Hégel khám phá trở lại, nhưng vì ông nhìn chưa sâu đủ nên thay vì lưỡng cực ông lại gọi là mâu thuẫn nội tại. Nhưng gọi là mâu thuẫn thì không đúng vì mâu thuẫn là vật đã thành hình tích khách quan cá biệt nên mâu chống thuẫn, thuẫn chống mâu, không thể khác được, và ai cũng nhận ra được chuyện đó, có cần chi phải là triết gia mới nhìn được. Đem mâu thuẫn lên bậc nguyên lý là vô tình hạ triết lý xuống bằng tri thức thường nghiệm. Muốn chống hỏa tai phải dùng thần thủy, ai chả biết. Vậy chỉ nên coi đó như luật tắc cần theo trong thế giới hiện tượng khách quan, không được coi thường, nhưng cũng không được nâng lên bậc nguyên lý triết học. Hégel không thấy sự phân biệt đó, nên đem nguyên lý chống mâu thuẫan vào triết là tổ gây nên lộn xộng. Trong bản chất sự vật chỉ có lưỡng cực. Lưỡng cực thuộc số sinh, mâu thuẫn thuộc số thành. Nói khác lưỡng cực chỉ là hai hạn từ của một thể đồng: nóng và lạnh không khác nhau như hai vật biệt cách mà chỉ là hai đầu trên và dưới của một nhiệt trường. Những vật khác nhau, chống đối nhau giác quan ta thâu nhận được cũng chỉ là giới hạn cùng cực của một thể đồng vi tế vượt tầm tai mắt. Nếu dùng có lý trí phân tích, lựa chọn thì chỉ thấy có sự dị biệt, tương khắc mà không nhìn ra mối tương sinh, tương tức (corrélet) của hai hạn từ. Vì lý trí cũng như giác quan có hạn nên chỉ có thể thấy một vật trong một lúc mà không thể nhìn bao quát toàn thể và trong một trật. Thế mà có nhìn được tổng quát mới nhìn ra được mối tương sinh tương tức. Vậy nói cấm mâu thuẫn, hay sự vật thành bởi mâu thuẫn nội tại là bởi chưa phân biệt nổi lưỡng cực với mâu thuẫn, chưa phân biệt vì còn dính sát bình diện lý trí, chưa đạt bình diện tâm, hay tạm nói theo nay là Hégel chưa biết tới tiềm thức.
Biện chứng nhịp ba của Hégel chẳng qua là một thứ biến dịch tiền nghiệm do lý trí tạo tác ra rồi đem lồng lên sự vật cách giả tạo, nên sự biến dịch đó cũng mang tính chất giả tạo, và không thoát khỏi cương vị danh lý. Ở Aristote, chữ "dialectique" có nghĩa là một lối lý luận cái nhiên, một lối suy tư bằng những lý lẽ đạc chừng (probable). Hégel đã muốn duy trì danh từ đó nhưng đưa vào một nội dung mới, nội dung hữu thể, nghĩa là thực sự vạn vật diễn biến theo nhịp ba. Nhưng khảo sát lại mới thấy biện chứng đó không có chi hữu thực (ontologique) mà chỉ là giả tạo, do lý trí bày biện chứng lý. Điều đó người dịch sang tiếng Việt mặc dầu chưa biết (vì nếu biết đâu còn hoan nghênh), nhưng cứ dịch là biện chứng, nên tôi nói là vô tình mà dịch đúng danh từ của Aristote, cũng như đúng với nội dung của Hegel, chữ không đúng với ý hướng Hégel, vì ý hướng đó là muốn cho "dialectique" có nội dung hữu thực mà trong thực thể thì nó chỉ là một lối liệu biện chứng lý bên ngoài sự thực, cho nên dialectique vẫn giữ bản chất và nội dung xưa của danh lý, chưa biết chi tới tiềm thức,vô thức. Heidegger cũng nhận xét thế khi ông viết:
"On voit facilement que tout dialectique est logique dans son essence même si elle se développe comme dialectique de la conscience ou comme dialectique réalise et finalement comme dialectique que matérialiste" (W.D.159).
"Người ta dễ nhận ra rằng tất cả mọi thứ biện chứng vẫn là danh lý từ trong yếu tính, mặc dầu được trình bày như biện chứng của ý thức hay biện chứng của thực tại, hoặc cuối cùng như duy vật biện chứng".
Nói khác đi danh lý không những chỉ có một danh hiệu và một kiểu sắp xếp ý niệm, nhưng có nhiều kiểu sắp xếp khác dưới nhãn hiệu khác mà trong đó có danh hiệu biện chứng. Tên tuy khác nhưng bản chất là một, nghĩa là chưa rút chân ra khỏi vòm trời duy lý. Vẫn còn "tout réel est rationel" nên cũng mới chỉ là bản đồ vẽ cung trăng mà chưa là phi thuyền để lên cung Quảng. Và vẫn sa đọa trong vong thân, tức là khoác lên cho ý niệm trừu tượng một danh từ mới để nó dễ quay lại đàn áp con người như chủ trương chính quyền lấn át cá nhân của Hegel (etatisme). Chủ trương đó coi con người như cá vật không đủ túc lý tự thân, nên có thể hy sinh cho cuộc tiến hóa chung, quen gọi là bánh xe lịch sử mà chính quyền là tiêu biểu cụ thể. Khỏi nói thì ai cũng thấy ý hệ này được Mácxít tuântheo một cách thành khẩn.
Điều chứng tỏ tính chất danh lý ý niệm của biện chứng là sự ứ đọng của nó. Hégel tin rằng ý hệ của ông sẽ là giai đoạn cuối cùng của lịch sử và quả đã được các triết học gia công nhận là một hệ thống đồ sộ nhất, nhiều người ví với núi Himalaya, và có người gọi ông là "Giáo sư trên hết các giáo sư" (professeur des professeurs) nghĩa là khó có thể kiến tạo một hệ thống đồ sộ hơn, và chỉ có tính cách trường ốc hơn, nghĩa là rất xa thực tại. Bởi vì cái tổng đề cuối cùng dù có tuyên xưng là Tinh thần cũng chỉ là do lý trì bày biện, không dẫn vào phổ biến trung thực. Biện chứng chính tông phải như là ngọn kim tự tháp, càng đi lên càng mở ra, càng tiến vào vô biên, càng không thấy chỗ ngừng nghỉ. Nho triết nói là "đại hóa lưu hành". Vậy nếu có ngừng thì không phải là đích điểm, nhưng chính là ứ đọng của những cái lý lẽ do hạ trí bày biện để trình bày tiên kiến tư riêng dầu cho phải bóp méo thực tại. Sự biến dịch đi theo lối hủy bỏ, duy trì, thăng hóa. Hégel dùng danh từ Aufhebung, hay động từ Aufheben có cả ba nghĩa trên, nhưng trong thực tế thì chỉ là hủy bỏ mà thôi (xem La Phénoménologie de l'Esprit, bản dịch Pháp ngữ của Jean Hippolite tr.19). Nói theo Kinh Dịch thì Hégel mới biết có tương khắc mà chưa thấu đến tương sinh, tương hòa. Heidegger viết:
"Ý niệm và phạm trù đã trở thành hai tiêu mục để xếp hạng các sản phẩm của tư duy, động tác và những thẩm định của Tây phương, tất cả ở đó. Đấy là một sự sa đọa: triết lý Hi Lạp đã không ngự trị trên Âu Châu được ở lúc nguyên sơ nhưng chỉ ở những lúc mãn chạp vừa khởi đầu đã được đẩy lui đến chỗ hoàn thành cách đồ sộ và tất định nơi Hegel. Lịch sử nểu là chính tông thì không tận cùng bằng ngừng lại, hay băng hoại kiểu con vật như thế, nhưng nó phải tới đích theo lối quy căn của sử mệnh" (F.203). Nói khác đi, dầu có đưa biện chứng vào thay danh lý cũng vẫn chưa có suy tư. "Vị chi tư dã". Lý do tại đâu? Thưa, tại nhị nguyên thuyết.
4. Bản chất Nhị nguyên
Bản chất đó là nhận một hạn từ và tuyên dương lên bậc độc hữu. Độc hữu có nghĩa là đẩy lui hạn từ kia. Duy tâm của Hégel đẩy lui hạn từ duy vật của Karl Marx và ngược lại. Quan trọng không nằm trong chỗ đẩy lui, hủy diệt đối phương. Như vậy là hạn từ được tuyết đối hóa và bị quan niệm như một đối tượng khách thể, ngoại tại, phân trương, nên cần phải chiếm một chỗ, càng quan niệm to bao nhiêu càng cần chiếm chỗ bấy nhiêu, và khi khuếch đại ra đến vô biên thì cũng cần phải có một lô đất vô biên do đó phải đuổi nhà dành đất, nói vắn tắt là độc hữu (excusif).
Độc hữu thì không phải là Thần, dầu có gán cho tên là Tinh thần, nhưng không thay đổi được bản chất. Vì "thần vô phương". Không cần nơi chốn, nhưng đâu đâu cũng "ở" được, cần chi phải hủy diệt để độc chiếm. Cho nên hễ có đối tượng, đối thủ là dấu chưa phải là Thần và chưa phải là cái vô cùng chân thực. Vô cùng chân thực không đâu là không ở, đến nỗi không còn gì khác phải bỏ, và không còn nơi nào để chứ cái bỏ ra. Nếu có chỗ để chứa, có vật bỏ được thì lập tức đã đủ để hạn cục cái vô cùng. Cho nên ngay một việc quan niệm có cái khác biệt bên ngoài cái vô cùng, cái tuyệt đối, là đã hạ cái tuyệt đối xuống hàng tương đối, nghĩa là đối với cái bị tuyệt đối bỏ ra vì không hợp với tuyệt đối. Cũng bởi lẽ đó tuyệt đối không thể gọi tên, vì bất cứ tên nào cũng bị giới hạn bởi tên đối lập hoặc đối kháng: sáng bị hạn chế bởi tối, lửa bởi nước, có bởi không… luôn luôn đi đôi như vậy. Và đó là biểu lộ của nhị nguyên thuyết.
Đã là nhị nguyên thì cả hai hạn chế nhau và cả hai đều có cùng, và không còn mối liên hệ căn bản liên kết nhau nữa, ngoài những liên hệ ngoại tại, nghĩa là như sự vật khách quan bên ngoài kiểu cơ khí máy móc, mà không phải là kiểu cơ thể tự nội. Để được như vậy phải có cái nhìn Nhất thể. Nhìn như nhị nguyên thì có thêm bất cứ cái chi như thần lực hay siêu ngã để nối kết hai bờ lại cũng vẫn là sự nối tự ngoại. Đó là nguyên lý phổ biến và chúng ta thử áp dụng vào con người thực sự để xem hậu quả.
Khi đã nhận nguyên lý nhị nguyên, dầu một cách vô thức cũng vậy thì mọi sự vật đều bị coi như những cái chi rời rạc, nên phải tuân theo định đề nhị nguyên, và theo đó con người chỉ còn có xác và hồn mà thiếu thần. Nhưng sự thiếu này khó nhận ra vì người ta hay xu xoạn dùng danh từ tâm linh mà dịch chữ psychologie là khoa học về hồn, mà lẽ ra chỉ được phép dịch là tâm lý, và cả hai nghĩa đều phải hiểu theo nghĩa thông thường. Chứ như dùng chữ tâm linh mà dịch là đánh lộn sòng một cách nguy hại. Vì chữ Linh đồng nghĩa với chữ Thần, cả hai đều vô phương nên không thể nói ra được, có dùng một hai danh từ như Thần linh, Linh tánh, hay Nhân tánh… chẳng qua là một ẩn số tạm viết ra đây để còn chờ đáp số thật mà không thể nói gì được hết. Ngược lại với Linh hồn thi nói được, suy luận được, "đo lường" được, nên người ta đã viết hàng trăm ngàn sách nói về linh hồn. Cho nên Linh hồn cũng là vật ngoại tại khách quan, chiếm một không gian là thân xác, nên có cùng tận, tức có thể định nghĩa, phân tích. Vậy chỉ khác thân xác là giác quan không thấy được trực tiếp, nhưng thấy được gián tiếp qua những tác động, những quan năng như lý trí, trí nhớ, ý chí, cảm xúc, cảm tình v.v… Cho nên chữ Linh đi với chữ Hồn chỉ có nghĩa là Supre-Sensible, "Siêu giác quan trực thị" mà không có nghĩa là Tâm linh khi Linh đi với Thần. Vì Thần vô phương nên Linh cũng vô phương, không phải "ở trong" như linh hồn, nhưng "ở" như kiểu thần, nghĩa là "không ở" mà vẫn linh hơn là "ở trong", vì "ở trong" là không "ở ngoài" nên còn hạn cục, chưa phải là Toàn thể Viên Dung. Cái linh hồn đã là "vật thể" có cùng, có giới hạn như thế, lại chỉ tách ra có một phần là lý trí thì còn hạn hẹp hơn nữa, vì mỗi lúc lý trí chỉ thấy được một khía cạnh riêng rẽ. Nếu có cộng lại bao nhiêu những cái riêng tư, li cách đó cũng vẫn còn cộng thêm được mãi, nghĩa là không sao đạt được Toàn thể Viên Dung, và như vậy là bị trói buộc trong hai gọng kìm của nhị nguyên. Khi áp dụng vào lý luận thì gọi là nhị giá, và nếu có cộng thêm để làm ra các lý luận tam giá, thì cũng vẫn nằm trong giới hạn và không đuổi kịp Thần Kim Quy là cái vô giá vô biên.
Các vấn đề đặt ra trong cương vị các luận lý nhị giá hay đa giá là những vấn đề giả tạo và không có lối thóat, nếu không quá lộ liễu như nhưng vấn đề "trứng có trước hay gà có trước" thì cũng đều không có lối thoát, và dẫu sao cũng là vô tích sự. Vì xoay quanh sự vật ngoại tại chỉ nghĩ đến rùa, đến quãng cách tự rùa tới Achille mà không nghĩ đến Achille là con người là chủ thể, là nguồn suối sinh ra nguyên lý hòa hợp. Hòa hợp các khoa học để phụng sự người, hòa hợp người với người để tiến về nhân tính.
Triết học hàn lâm hiện đại với các hành ngơi đồ sộ, nào là luận lý các phương pháp khoa học, nào là siêu hình đạo đức, và vân vân chỉ khoản, đều bất lực đưa lại cho con người, cho thế giới một nguyên lý thống nhất. Không thiếu sinh viên rất chân thành, những học giả tài ba hết mức, nhưng khó lòng tìm đâu được nhóm người mang tâm trạng lộn xộn và lưỡng lự cho bằng, nhu ông Alan W.Watts nhận xét trong quyển The Supremeidentity: "Modern academic philosophy, the discipline of logic, epistemology, ontology, and the like, is about as far as it could be from providing modern society with any principle of unity. Sincere and brilliant as its disciples may be, it would be difficult to find a group more uncertain and counfused in its collective mind".
Thế giới đang tan rã và cần tìm ra một nguyên lý gây dựng lại hòa hợp nhưng triết học đã không cung cấp nổi còn gây tan rã thêm là khác, bởi vì để toàn lực vào những vấn đề cỏn con, mụn mảnh không thiết yếu, vì thế bị xã hội vất vào một xó tối của đại học như một món đồ tiêu khiển của hàn lâm, vô thưởng vô phạt. Absorbed in contingences modern philosophy has the disunity of mere contingences. So far from looking to it for a principle of unity, society tucks philosophy away it obscure conrners of its universities, retaining it only as an academic hobby (Watts id.22). Lý do thảm trạng của thế giới hiện đại là ở đó, và sở dĩ có như vậy vì triết học đã tỏ ra quá tôi mọi với những định đề nhỏ hẹp do chính mình đã đạt ra rồi quên bẵng đi, nên tưởng đó là những định đề tự trời rơi xuống bất khả xâm phạm rồi dựa theo đó đặt ra đủ lọai danh lý mà ta có thể kê khai tóm lược tại đây:
Danh lý của Aristote là một thứ ngữ luật tổng quát giữa có và không.
Danh lý thứ tự của Descartes truyền phân chia những vấn đề khó khăn ra rồi tổng hợp lại theo thứ tự của tư tưởng.
Danh lý siêu việt của Kant lên sổ những hình thái tiên thiên làm như một cuộc giải phẫu lý trí.
Danh lý thực nghiệm của Bacon bám sát vào sự kiện.
Tất cả mấy thứ sau đều tuân theo danh lý của Aristote giữa có với không nghĩa là hoàn toàn nhị nguyên của lý trí, chưa biết chi tới tiềm thức là đầu con đường dẫn tới nguồn sốngvũ trụ, và do đó chỉ dựa trên những định đề què quặt. Một định đề chân thực phải có 2 yếu tố và về lý thuyết lẫn thực hành. Về lý thuyết cần phải là nguyên lý tối hậu, mà tối hậu thực là không còn có chứng minh. Không còn dựa vào lý lẽ nào hết nhưng tự nhiên con người buộc phải chấp nhận. Còn về thực hành thì định đề phải dẫn tới hiện thực một nguyên lý suông không tác động tâm hồn dẫn tới hiện thực không là một định đề. Rất nhiều định đề vì thế chỉ là nguyên tắc. Một lời truyền lệnh mà thiếu phần lý thuyết thì chỉ là giới răn, là lệnh truyền (impératif) không phải định đề cần chân nhận như thế để khỏi kéo dài cuộc nô lệ hóa con người, một cách rất tệ hại. Vậy muốn tìm lối thóat chỉ còn một cách là đổi lại toàn bộ định đề, toàn bộ nguyên lý cũ và không phải chỉ ở cấp lý luận, ở đợt nhị giá, tam giá, vô số giá, vì vẫn còn là giá cũ ngoại tại, nhưng phải đổi lại tự nền, tự đợt nhị nguyên. Và do đó là điểm chúng ta sẽ bàn tới trong chương sau.