Dịch giả : Tâm Như
Chương 2
NHỮNG SỰ KIỆN CHÂN THỰC

Tình trạng những sự việc thật sự tồn tại tỏ ra hợp lý hơn nhiều so với hầu hết các thuyết hiện hành. Người ta không phát hiện thấy rằng có bất cứ sự thay đổi đột ngột nào diễn ra nơi con người vào lúc y chết, hoặc y biến đi tới một cõi trời nào đó xa tít mù vượt khỏi các vì sao. Ngược lại, con người sau khi chết vẫn giống y hệt như trước khi chết: cũng như vậy về trí năng, về những phẩm tính và quyền năng; và tình huống mà y thấy mình ở trong đó chính là tình huống mà những tư tưởng và dục vọng của riêng mình đã tạo ra cho mình rồi. Không có sự thưởng phạt nào từ bên ngoài, mà chỉ có kết quả thực sự của điều mà chính con người đã tạo ra, đã nói năng và suy nghĩ trong khi còn ở đây trên trần thế. Thật vậy, trong khi sống ở cõi trần con người đã dọn giường và sau đó y phải nằm lên trên đó. Đây là sự kiện đầu tiên nổi bật nhất: ở đây chúng ta không hề có một sinh hoạt mới mẻ kỳ lạ mà chỉ là một sự nối tiếp sinh hoạt hiện nay. Chúng ta không tách rời khỏi người chết vì lúc nào họ cũng ở đây, xung quanh chúng ta. Sự chia cách duy nhất đó chính là sự hạn chế của ý thức chúng ta sao cho chúng ta đã không đánh mất những người thân thương của mình mà chỉ mất đi khả năng thấy được họ thôi. Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao tâm thức lên sao cho ta có thể thấy được họ và nói chuyện với họ giống như trước kia; tất cả chúng ta đều thường xuyên làm như thế mặc dù chúng ta hiếm khi nhớ được trọn vẹn điều đó. Một người có thể học cách tập trung ý thức vào thể vía trong khi thể xác của y vẫn còn thức tỉnh, nhưng điều đó cần có sự phát triển đặc biệt, và trong trường hợp của kẻ phàm phu thì điều này ắt phải mất nhiều thời giờ. Nhưng trong khi thể xác đang yên ngủ, thì mọi người đều sử dụng thể vía đến một chừng mực nào đó, và bằng cách này hằng ngày chúng ta đã gần gũi với những người bạn đã quá cố của mình. Đôi khi chúng ta cũng nhớ lại được phần nào việc gặp gỡ họ, lúc bấy giờ ta bảo rằng mình nằm mơ thấy họ; thường ra thì chúng ta không nhớ tới những sự gặp gỡ đó và vẫn không biết rằng những sự gặp gỡ đó đã xảy ra. Thế nhưng có một sự kiện dứt khoát là những mối ràng buộc tình cảm vẫn còn mạnh mẽ như thuở nào, và như vậy lúc mà con người được giải thoát khỏi những xiềng xích trong xác phàm của mình thì tự nhiên là lại được đoàn tụ với những người mà mình yêu mến. Thật vậy, điều đó chỉ có một sự thay đổi duy nhất là y sinh hoạt ban đêm với họ thay vì sinh hoạt vào ban ngày, và y có ý thức về họ trên cõi trung giới thay vì trên cõi trần.
Việc chuyển giao trí nhớ từ cõi trung giới xuống cõi hồng trần là một chuyện khác mà ta cần phải xem xét hoàn toàn riêng biệt, nó tuyệt nhiên không ảnh hưởng tới ý thức của ta trên cõi đó cũng như khả năng của ta hoạt động một cách hoàn toàn thoải mái và tự do trên cõi này. Cho dù bạn có nhớ hay chăng, thì họ vẫn còn sống cuộc đời của mình gần kề bạn và sự khác biệt duy nhất là họ đã cởi bỏ cái bộ áo bằng xác thịt mà bạn gọi là thể xác. Điều này không làm cho bạn thay đổi chút nào, cũng giống như nó không làm cho nhân cách của bạn thay đổi khi bạn cởi chiếc áo khoác ngoài ra. Thật ra bạn hơi được tự do hơn vì bạn ít phải mang theo một gánh nặng, và trường hợp của họ cũng giống y hệt như thế. Những đam mê, tình cảm, xúc động và trí năng của con người tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng khi y chết đi, vì không có một thứ nào thuộc về xác phàm mà y đã dẹp qua một bên. Y đã bỏ đi bộ áo này và đang sống trong một bộ áo khác, nhưng y vẫn còn có thể suy nghĩ và cảm xúc giống như trước kia.
Tôi thấy một đầu óc trung bình khó lòng mà có thể lĩnh hội được thực tại của điều mà chúng ta có thể thấy được bằng mắt phàm. Chúng ta thật khó nhận ra được việc thị giác của chúng ta có tính chất riêng phần biết chừng nào, chúng ta khó lòng mà hiểu được rằng mình đang sống trong một thế giới rộng lớn mà mình chỉ thấy được một phần nhỏ bé. Thế nhưng khoa học vẫn nói với chúng ta một cách chắc như đinh đóng cột là vậy, vì nó mô tả cho chúng ta trọn cả thế giới các sinh vật nhỏ bé (vi trùng); chúng ta hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại của vi trùng khi chỉ dùng giác quan của mình mà thôi. Những tạo vật thuộc thế giới này đâu phải là không quan trọng vì quá nhỏ bé, ngược lại khả năng của chúng ta nhằm bảo tồn sức khỏe (và trong nhiều trường hợp bảo tồn sinh mệnh nữa) vốn tùy thuộc vào việc hiểu biết tình trạng và thói quen của một số vi trùng này. Nhưng các giác quan của ta vốn bị hạn chế theo một chiều hướng khác. Chúng ta không thể thấy được chính không khí bao xung quanh mình; các giác quan của ta không biểu thị cho ta sự tồn tại của không khí, ngoại trừ khi nó đang chuyển động thì chúng ta mới biết được nó qua xúc giác. Thế nhưng trong đó cũng có một lực vốn có thể làm đắm những chiếc tàu vững chắc nhất của ta và quật đổ những tòa nhà kiên cố nhất của ta. Bạn thấy xung quanh ta có những mãnh lực vẫn còn ẩn khuất được so với những giác quan tồi tàn và riêng phần của ta; vì vậy rõ ràng là ta phải cảnh giác đừng để mình rơi vào cái sai lầm thông thường chết người khi giả sử rằng điều mà chúng ta thấy được là tất cả những gì cần phải thấy.
Có thể nói là chúng ta bị nhốt lại trong một ngôi tháp và giác quan của ta là những cửa sổ mở ra theo một vài hướng. Chúng ta hoàn toàn bị che kín về nhiều hướng khác, nhưng thần nhãn tức thị giác trên cõi trung giới mở ra cho chúng ta một hay hai cửa sổ thêm nữa, và như vậy mở rộng viễn cảnh của ta, trải ra trước mắt ta một thế giới mới mở rộng lớn hơn vốn vẫn còn là một phần của thế giới cũ mặc dù trước đó chúng ta không hề biết tới.
Khi nhìn vào thế giới mới mẻ này liệu chúng ta thấy điều gì trước tiên? Giả sử rằng một người trong chúng ta chuyển dời tâm thức của mình sang cõi trung giới thì có sự thay đổi nào làm cho y phải chú ý trước hết? Thoạt nhìn thì có lẽ có rất ít sự khác nhau và y ắt giả sử rằng mình đang nhìn vào cũng thế giới trước kia. Tôi xin giải thích cho bạn hiểu tại sao lại như thế, ít ra là một phần nào, vì muốn được giải thích rốt ráo thì ta cần có trọn cả một bộ khảo luận về khoa vật lý thuộc cõi trung giới. Cũng giống như ở đây, chúng ta có các trạng thái vật chất khác nhau, thể đặc, thể lỏng và thể hơi, thì cũng vậy, vật chất cõi trung giới cũng có các tình trạng hoặc mức độ thô trược khác nhau, mỗi mức độ này là đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu với mức độ tương tự như nó trên cõi hồng trần. Vì thế cho nên bạn của ta vẫn còn thấy những bức tường và đồ đạc mà y đã từng quen thuộc, vì mặc dù y không còn thấy được vật chất thuộc cõi hồng trần vốn cấu tạo nên những thứ nêu trên song loại vật chất trung giới thô trược nhất vẫn còn phác họa chúng cho bản thân y rõ rệt như bao giờ. Thật ra nếu y khảo sát tỉ mỉ vật đó, thì y ắt nhận thức được rằng mọi hạt (particles) nhìn thấy bằng cách đó đều chuyển  động nhanh chóng thay vì chỉ không thấy được như trường hợp trên cõi trần; nhưng có rất ít người quan sát tỉ mỉ như thế cho nên thoạt tiên kẻ nào chết đi thường không biết rằng đã có một sự thay đổi nào đó đối với mình.
Y nhìn xung quanh và vẫn thấy những căn phòng mà mình quen thuộc, trong đó vẫn có những người mà y đã từng biết và yêu mến, vì họ cũng có những thể  vía vốn ở trong phạm vi tầm nhìn mới mẻ của y. Chỉ dần dần thì y mới nhận thức được rằng về một số phương diện nào đó thì quả là có sự khác nhau. Chẳng hạn như không bao lâu sau, y phát hiện ra rằng mọi cơn đau và mệt mỏi đều biến mất đối với mình. Nếu bạn chỉ cần ý thức được điều này có nghĩa là gì, thì bạn ắt bắt đầu có được một ý niệm nào đó về việc đời sống ở cõi cao thực sự là gì. Bạn hãy nghĩ tới nó, bạn hiếm khi nào có được một phút giây thoải mái, bạn cứ bị căng thẳng với cuộc sống bận rộn cho nên khó lòng mà nhớ ra nỗi lần cuối cùng bạn cảm thấy không mệt mỏi là vào lúc nào; liệu có bao giờ bạn biết trở lại cái ý nghĩa của cụm từ mệt mỏi và đau đớn hay chăng? Chúng ta đã vận dụng sai lạc giáo huấn về đề tài bất tử ở các xứ sở Tây phương đến nỗi mà người chết thường thấy rằng thật khó mà tin được mình đã chết, chỉ vì y vẫn còn nhìn thấy, nghe thấy, suy nghĩ và cảm xúc. Y thường tự nhủ rằng “Tôi đâu có chết, tôi vẫn sống nhăn như thuở nào và còn khỏe khoắn hơn bao giờ hết”. Dĩ nhiên là như vậy, nhưng đó chính là điều mà y phải trông mong nếu y đã được dạy dỗ đúng đắn. Có lẽ sự thực chứng sẽ đến với y theo phương cách này.
tỉnh lại vì có những lúc khác (khi bạn của y đang ở vào tình trạng mà chúng ta gọi là ngủ) thì bạn của y lại hoàn toàn có ý thức về y và nói chuyện với y giống như xưa. Nhưng dần dần y khám phá ra sự thật là xét cho cùng thì y đã chết rồi. Thê là y thường bắt đầu đâm ra bức rức. Tại sao vậy? Cũng lại chỉ vì cái giáo huấn què quặt mà y đã tiếp thu. Y chẳng hiểu mình đang ở đâu hoặc chuyện gì đã xảy ra, vì tình thế của y chẳng giống như điều mà y trông mong theo quan điểm chính thống. Một vị tướng người Anh có lần phát biểu về cơ hội này như sau: “Nhưng nếu tôi chết rồi thì tôi đang ở đâu? Nếu đây là thiên đường thì tôi cũng chẳng nghĩ nhiều tới nó; còn nếu đây là địa ngục thì nó lại tốt hơn mức mà tôi mong đợi”.