Khi gương mặt trắng bệch của Từ Vinh dựng ngược lên từ mặt sông, ập vào mặt Diên Thành hầu khiến ông ta cất tiếng rú hoảng loạn, Từ Vinh phu nhân đang mê man bất tỉnh trên giường bỗng bật dậy. Bà vươn cánh tay trái ra khoảng không, cặp mắt hoang dại dõi phía cửa chính, gọi thảm thiết: " Từ công!...Từ công...!". Vẫn vươn tay, bà đi thẳng ra cửa, mắt vẫn hướng xa xăm.Đám ngưòi hầu sợ mất vía mà không dám gọi. Từ Vinh phu nhân lùi lũi đi. Cho đến khi trán vập vào cánh cổng gỗ lim, máu chảy loang mặt, bà quay nhìn ngơ ngác như sực tỉnh cơn mơ. Bất chợt, bà trở vào nhà, đĩnh đạc vấn tóc, đòi gia nhân đưa cơm nước tới. Bà lặng lẽ ăn một mạch hết ba bát canh sâm. Rửa tay bằng nước thơm, bà đứng dậy mở tủ chọn bộ xiêm áo đẹp nhất đã mặc trong ngày cưới, vận vào người. Đánh phấn thoa son xong, cẩn thận cất chiếc tráp khảm trai vào tủ, ngắm mình giây lâu trong mặt gương đồng, khẽ bật lên một tiếng cười sắc lạnh, bà thoăn thoắt đi lại trong mấy gian nhà rộng, như chưa hề hôn mê bất tỉnh ba ngày trên giường.Từ Lộ không biết mình đã về đến nhà bằng cách nào. Toàn thân tê dại, bê bết bùn đất, mắt nhợt ra vì nhọc mệt, chất chứa uất hận. Chàng đi vào nhà nửa mê nửa tỉnh. Mãi đến lúc chạm mặt cô hầu gái của Từ phu nhân đang rối rít chạy ra, Từ mới sực nhớ rằng mẹ chàng còn đang hôn mê trên giường. Trong lòng chàng nhói lên nỗi xót xa ân hận rằng mình vô tình, bất hiếu, đã không chầu chực bên gối mẹ trong cơn nguy kịch. Từ hoảng hốt chạy tới vén bức trướng che giường mẹ. Giừơng trống không. Mẹ đã có mệnh hệ gì rồi ư? Hay bà đã bị bắt đi bởi quỷ kế của Diên Thành hầu?Từ cuống cuồng cất tiếng gọi mẹ. Tiếng gọi tuyệt vọng của chàng vang lên, đập vào những bức tường hoang lạnh, dội lại. Chàng hối hả chạy trong ngôi nhà hun hút sâu, tìm khắp cả ngoài sảnh và mấy gian từ đường, cả dưới những khóm trúc, vẫn không thấy. Kiệt sức, tuyệt vọng, Từ ngã ngồi xuống nền nhà, hai tay ôm mặt, bỗng nghe tiếng gọi lanh lảnh "Từ con...". Giật mình ngẩng mặt lên, thì thấy một ngươì đàn bà gầy guộc, gương mặt quý phái hốc hác, vận bộ xiêm áo ngày cưới may bằng vóc màu hồng có đính kim tuyến, dáng đi như lướt trong cảnh tranh tối tranh sáng đang tiến về phía chàng. Theo sau bà, đám gia nhân rối rít lo lắng. Từ thất kinh khi nhìn thấy gương mặt của mẹ dưới vành khăn cưới. Đau khổ quá, mẹ đã phát điên rồi chăng? Chàng rợn cả tóc gáy, không rõ mơ hay thực. Mẹ chàng cũng đã đi theo cha và oan hồn của bà đang hiện về kia? Từ Lộ đang ngơ ngác thì mẹ chàng nhoẻn cười nói tiếp: -...Từ...con!...Cha con đang đứng bên cửa điện thứ ba của Diêm vương.Ông đợi ngày mẹ con ta trả được oán này. Hồn oan ức đói rét ở ngoài cửa điện. Đêm ngày chầu chực... Từ nức nở:- Vâng, thưa mẹ, cha con chết oan bởi Đại Điên và Diên Thành hầu...Mẹ chàng giơ một ngón tay lên trời:- Ta biết. Hồn cha con về dẫn ta đi. Ta vừa trôi trên sông cùng với cha con. Nước sông Tô lạnh lắm. Đêm nay cha con không ngủ.Từ chắp hai tay:- Con xin mẹ! Mời mẹ vào nằm nghỉ. Đã có con lo chu toàn mọi việc.Phu nhân vẫn tiếp tục:- Cha con đêm nay mắt không nhắm, chồn chân mỏi gối chầu bên cửa điện Diêm vương. Mỗi canh giờ lại nghe một trăm hai mươi ba lần tiếng kêu rú của những người bị tra tấn dưới A tỳ ngục. Ngắm bảy lần rừng đao, bảy lần rừng kiếm ánh lạnh như rắn mà đau cả ruột gan. Nhìn thấy mười tám cái vạc đồng nấu người mà như chịu dầu sôi rót vào ngực...Từ quỳ xuống, đưa hai tay đỡ mẹ:- Mẹ!...Xin mẹ hãy tỉnh lại. Con đau ruột lắm rồi!Mắt phu nhân vẫn hướng vào khoảng không. Những ngọn lửa cuồng dại nhảy nhót trong mắt bà:- Kìa là cha con đang đếm, mắt sắp vuột ra khỏi mí. Này địa ngục Hàn băng. Này địa ngục Hắc ám. Địa ngục Kiếm luân. Địa ngục Tiêu nhiệt. Địa ngục Hoả xa. Địa ngục Phí sì. Địa ngục Lạm thang...Kìa địa ngục Hôi hà. Địa ngục Kiếm lâm. Địa ngục Thiết sàng. Kìa Đồng Trụ, này Thiết luân, Thiết quật, Thiết hoàn, Tiêm Thạch, ẩm đồng... Cha con đợi ngày những kẻ giết cha con bị đày vào đó tám trăm năm...Bà bất chợt quay phắt lại, đổ vào người Từ Lộ, những ngón tay bấu chặt vai con, hổn hển:- Đến khi oan khuất được minh bạch thì mới lên cõi Phật. Nếu không, phải xuống địa ngục làm mồi cho ngạ quỷ...Hai bàn tay gầy mảnh của Từ Vinh phu nhân nghiến vào vai đau nhói. Sức mạnh mù quáng nào đó đã nhập vào tay bà. Từ đau đến chảy cả nước mắt, cố sức gỡ tay mẹ:- Mẹ! Con lo việc trả thù cho cha. Xin hãy bình tâm lại!Phu nhân bỗng ghé sát mặt cậu con trai, đăm đăm nhìn xói vào mắt, rồi phá lên cười, vồ lấy vạt áo cưới, lau lên mặt Từ:- Con trai ta! Con trai của ta và Từ công.Từ van vỉ:- Mẹ! Cha đã mất rồi. Con chỉ còn có mẹ. Xin mẹ bình tâm, giữ gìn ngọc thể, con mới được phận nhờ...Phu nhân oà khóc. Nước mắt bà rơi từng giọt nóng bỏng xuống vai Từ Lộ:- Từ Lộ con! Người ta đi đầy đường kia! Người ta không đi xem đèn. Mà xem thi thể cha con trôi ngược trên sông. Ông lìa bỏ mẹ, đi rồi! Mẹ giữ lại không được. Hồn ông còn bận chầu chực bên cửa địa ngục. Người ta đi xem cha con chết. Nhưng mẹ không đi xem. Mẹ mặc áo cưới. Mẹ đứng ra đây cho cha con tỏ, để ông biết dù âm dương cách trở, ta và cha con vẫn sắt son. Ta sẽ làm lại đám cưới cùng ông trước cửa điện Diêm vương. Từ vén tay áo lau nước mắt cho mẹ:- Được rồi, được rồi, mẹ! Cha con dù mất đi, vong hồn của người vẫn không xa lìa chúng ta...Mặt Từ Vinh phu nhân tươi lên. Đã thấy có chút sinh khí:- Vong hồn cha con phải được an ủi... Từ Lộ! Thân mệnh của ta và con không phải của riêng chúng ta, mà của cha con.. Nay thân xác ở lại mà nửa hồn ta đã đi cùng cha con...!Từ Lộ lại quỳ sụp xuống:- Xin mẹ bình tâm. Giữ gìn ngọc thể. Thân này từ nay có sống trên đời cũng chỉ là để trả thù cha và đền bồi ơn sinh thành của mẹ mà thôi. Ngay ngày mai con sẽ tìm diệt Diên Thành hầu và Đại Điên....Từ Vinh phu nhân đau đớn nhìn lướt từ đầu xuống chân con trai. Bà giơ một bàn tay trắng muốt nổi đầy gân xanh tím, mười móng tay dài cong vút mấy ngày không được chải chuốt đã trở nên khô xác, nghiêm sắc mặt:- Cạn nghĩ rồi. Nước còn có minh quân, còn có triều chính. Đức hoàng đế chí tôn đã đặt ra chín bậc phẩm quan tước. U tối ở chỗ này nhưng sáng láng ở chỗ khác. Lại còn đèn trời soi tỏ ở trên. - Thưa mẹ, đèn trời không phải lúc nào cũng sáng. Nếu sáng, những kẻ như Diên Thành hầu đã không còn có ở trên đời này.Giọng Từ phu nhân bỗng dưng sang sảng:- Bình thường con quen đọc sách, chơi cờ, thổi sáo, sức vóc học trò sao địch nổi thủ đoạn của lũ ác tặc. Để tỏ nỗi oan cho cha, trừng trị lũ mặt người dạ thú, không gì bằng mẹ con ta kiện lên Đô hộ phủ ngục tụng, nhờ quan Đô hộ tra xét rõ sự việc, buộc kẻ gieo ác phải bị trừng trị dưới lưỡi gươm công lý của đức hoàng đế. Như vậy mới giải được tận gốc nỗi oán thù này...Từ Lộ ngập ngừng:- Thưa mẹ, Diên Thành hầu thế lực chất ngất trùm thiên hạ....- Con thật hồ đồ..! Đức hoàng đế là bậc minh quân. Người từng phá Tống bình Chiêm, định ra thi thư lễ nhạc, mở Quốc tử giám...Cớ chi một chuyện này người lại có thể không tra xét tỏ tường?...! " Thựơng bất chính hạ tắc loạn ". Hẳn Đức hoàng đế chí tôn hiêủ hơn ai hết!Nghe mẹ nói, Từ Lộ chợt cất được gánh nặng. Phải rồi, nước Nam ta từ thời Âu Lạc, qua ngàn năm Bắc thuộc, trải nhiều đời vua phải chịu hẩm hiu trong tước Giao Chỉ Quận vương mà các Hoàng đế Trung Hoa gia ân. Nay đương kim hoàng thượng lập nhiều võ công hiển hách. Nam, bắt vua Chiêm Chế Củ, thu phục Chiêm Thành, mở mang bờ cõi. Bắc, đem mười vạn quân phá Tống khiến triều đình bắc phương phải khiếp hãi, cắn răng ngậm nhục mà tấn phong Người tước Nam Bình Vương. Việc nông tang trong nước lựa bề sửa sang, dạy dân đắp đê Cơ Xá giữ cho đất kinh thành khỏi nạn ngập lụt. Bề trí đạo dùng lối khuyến dụ, mở khoa thi năm Â’t Mão chọn kẻ hiền tài đặt lên ngôi vị chăn dân. Năm Bính thìn xuống chiếu cầu lời nói thẳng, chọn người vào Quốc tử Giám. Năm Bính dần chọn người vào Hàn lâm viện, khởi sự Nho học để giáo hoá chúng dân. Năm Kỷ tỵ định quan chế, chia phẩm bậc ngăn nắp, dẫu rằng mô phỏng theo lối triều đình nhà Tống, nhưng có công lớn trong việc khai hoá văn hiến nước nhà. Lại biết dùng những bậc siêu quần như Thái sư Lý Đạo Thành, Thái uý Lý Thường Kiệt...làm rỡ ràng nghiệp nước. Một nhà vô đạo như Diên Thành hầu nay còn được dung dưỡng chẳng qua là bởi đức hoàng thượng chưa tường tận, chưa rảnh tay cứu xét, trừng trị kẻ ác mà thôi... Từ Lộ vội vào thư phòng của cha, lấy nghiên mực ngọc thạch có khắc sâu hai chữ " Quần sư " để lại từ thời ông nội chàng, một vị túc nho uyên bác, từng có hàng trăm học trò đến quỳ gối trước ngưỡng cửa thỉnh giáo. Chàng vén tay áo cầm cây bút lông " Cảo di ". Và cái chết oan khuất đau đớn của cha chàng trào ra theo ngọn bút, phủ kín tấm lụa bạch. Khi treo lên miếng lụa lên trước gió đợi ráo mực, Từ Lộ giật mình. Trước ánh sáng nhập nhoạng buổi chiều, trông nghiêng nét mực hăng hăng đỏ như màu máu khô.
°
*
Đô hộ phủ ngục tụng Trần Dĩnh ra công đường.Ngài vừa nhậm chức thay người tiền nhiệm tên là Phụ Quốc, người Aí châu, vừa bị biếm. Phụ Quốc vốn xuất thân con nhà nghèo, thuở thiếu thời làm nghề chài lưới trên sông Mã, từng dũng mãnh bắt được kẻ cướp cá ở chợ giao nộp nhà chức trách. Lớn lên sung quân, nổi tiếng gan dạ. Đóng khố cởi trần bôi nhựa cây vào người, cầm đục lặn xuống sông đục thủng thuyền giặc. Lập võ công hiển hách trong cuộc chiến phá Tống trên sông Như Nguyệt, Phụ Quốc được vua yêu vì. Đến khi ông ta bị thương hỏng một mắt, không thể tham gia chiến trận, vua bèn cất nhắc vào chức Đô hộ phủ ngục tụng, mong ông ta lấy cái dũng khí trong chiến trận ngày trước, đem vào việc minh định rõ những vụ oan án, ngõ hầu yên dân.Ngày đầu tiên nhậm chức, trông thấy công đường với chiếc án thư sơn son thiếp vàng sáng chói, hàng đống giấy tờ sách vở chất ngất, quân lính cầm giáo đứng canh hàng lối nghiêm ngặt, Phụ Quốc hoảng sợ, quỳ xuống lạy như tế sao:- Tâu bệ hạ, con vốn người ít chữ, chỉ quen nghề chài lưới trên sông. Hỏi khúc sông nào có cá thì con biết, chứ hỏi ở đâu có oan án thì con làm sao biết? Nay bệ hạ muốn thưởng công con, xin người cứ cho cấm hẳn một khúc sông cho con, kẻ khác không được chài lưới ở đoạn sông đó, thế là may phúc cho con lắm!Vua nghe, cả cười, mà rằng:- Cái thằng Phụ Quốc này mới thật thà làm sao! Ta yêu chính cái ngây ngô của nhà ngươi đó. Cứ vững dạ làm Đô hộ phủ ngục tụng. Chuyên tra xét các án đã có bọn tay chân giúp rập. Lũ mọt sách đó học hành bao nhiêu năm là để cho ngươi sai phái đó. Ta cần một kẻ thật thà dũng mãnh như ngươi, để bọn cường hào ác bá, bọn quý tộc trong triều không thể cậy quyền cậy thế lo lót làm loạn phép nước. Phép nước đã loạn, ta làm sao giữ được sự nghiệp của tiên đế?Phụ Quốc càng hoảng sợ:- Tâu hoàng thượng, con chỉ mê thích những khúc sông lắm cá. Thường nhật, nhìn qua màu nước sông hồ cũng có thể nói ngay nơi nào nông nơi nào sâu, lắm cá ngão hay cá chép. Nay hoàng thượng buộc con phải kề cận bọn mọt sách, hai bên vốn chẳng ưa nhau, chẳng qua chỉ làm cho con thêm khó xử trước chúng mà thôi.Vua càng cả cười, càng lúc càng tỏ ra vui thích: - Ngươi nên nhớ, khi ngươi là kẻ bề trên, lệnh của ngươi là tối thượng. Kẻ nào bất tuân thượng mệnh, nhẹ thì roi gậy, nặng có thể chém đầu, cứ theo hình luật mà giữ phép nước. Đã thế, làm gì có kẻ mọt sách nào dám lấy vài bồ chữ mà giỡn cợt ngươi. Ta cất nhắc ngươi không phải chỉ do yêu vì ngươi. Đã có hai tên quan tiền nhiệm trước ngươi bị biếm truất làm thứ dân do nhận vàng của một gã phú hào để chuyển từ án giết người sang tha bổng rồi đổ tội cho kẻ khác. Than ôi! Trị nước khó thay. Ta có vô số những chiến binh dũng mãnh, sẵn sàng xông pha nơi mũi tên hòn đạn, đứng trước hiểm họa da ngựa bọc thây chẳng từ nan. Vậy mà tìm được một kẻ làm chức Đô hộ phủ ngục tụng sao khó đến vậy! Thế là Phụ Quốc nhậm chức Đô hộ phủ ngục tụng. Những ngày đầu, ông ta buồn chán, thường trốn ra bờ sông Cái, ngắm những ngư dân buông chèo thả lưới trên sông cho đỡ nhớ nghề, lắm khi nước mắt chảy ròng ròng trên má. Bọn thư lại thường phải đi tìm, lựa lời khuyên giải.Được ba tháng, Phụ Quốc không ra sông nữa, dần quen công việc, quen với chiếc án thư sơn son thiếp vàng và biết sai bảo lính tráng, kẻ hầu người hạ. Tại chức được hai năm, Phụ Quốc có thêm ba trăm mẫu ruộng tốt. Được bốn năm, ông ta thay ngôi nhà đang ở bằng một biệt lâu lộng lẫy, có hào nước cắm chông bao quanh, có quân lính cung nỏ tua tủa đứng gác. Lối dẫn vào biệt lâu là một chiếc cầu ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Trong nhà, tầng trên nuôi con hát, tầng hầm nhốt những kẻ tội đồ. Trong đám lính canh có đứa nhẹ miệng kể rằng, ban ngày, trước cửa công đường của quan Đô hộ phủ nườm nượp người nghèo hèn áo vá đến kêu oan. Kêu thì có kêu nhưng oan thì không thấy giải được. Quan Đô hộ chưa nghe tâu bày đã quát tháo. Có kẻ yếu bóng vía sợ vỡ mật mà chết. Kẻ nào khôn ngoan hơn muốn mau được xét đơn, phải ngầm đút lót cho lũ thư lại. Những kẻ có máu mặt thì không đến ban ngày. Đêm đêm, ngựa xe nườm nượp đến viếng thăm biệt lâu. Chủ nhà ngồi xổm, mười ngón chân như móng chân con gà đang đậu trên cành, quặp lấy mép chiếc đệm da cáo trên chiếc kỷ cẩn vàng trong nhà, nghe tiếng chân bước trên cầu đá mà định lễ đón khách. Khách, trước khi đến, đã tìm biết tường tận sở thích của chủ. Trong nhiều món lễ vật, nhất thiết phải có con gà chọi thiện chiến. Một đôi gà chọi thiện chiến có thể ân giảm được một năm tù cho người thân của khách. Trong ba năm Phụ Quốc làm Đô hộ phủ ngục tụng, giá gà chọi trong kinh thành tăng vọt. Ông ta kén tới mười kẻ thạo việc chuyên chăm sóc và luyện gà chọi sao cho mỗi trận chọi nhau là một cuộc huyết chiến. Khách đến nhờ cậy thường lấy cớ muốn đến xem chọi gà, ở lại với gia chủ, lặng lẽ đặt vào chiếc đĩa vàng của ông ta một hạt trân châu hoặc một vài thoi vàng. Hôm nào gà chọi hay, chủ cao hứng bày tiệc thết khách, cho con hát múa may uốn lượn làm trò vui. Khách cao hứng, có thể chọn con hát mà ngủ lại, miễn là biết điều lặng lẽ để thêm lễ vật vào chiếc đĩa vàng. Nhưng hôm nào gà chọi dở, Phụ Quốc tức giận gầm thét, hồng hộc lao xuống tầng hầm nhốt những kẻ bị tội, trở ngược cán giáo đánh đến nát lưng cho hả giận. Đôi khi, xác những kẻ xấu số được ngầm đưa ra quẳng xuống sông Cái vào lúc nửa đêm để phi tang.Việc Phụ Quốc có nhà nuôi con hát, chuồng lớn nuôi gà chọi, tự tiện giết người, cả thiên hạ đồn thổi, nhiều quan lại trong triều biết, trong lòng tức giận nhưng biết vua yêu vì Phụ Quốn nên không dám tố giác. Phụ Quốc thả sức ăn chơi, giàu có ức vạn, mỗi khi tra xét một vụ oan án thì lại gieo tiếp những oan án khác. Nếu không vì một kẻ thuộc hạ, vốn được Phụ Quốc giao trông coi hầm nhốt người, do bị chủ phạt đánh đòn mà chạy ra tố cáo với Thái sư Lý Đạo Thành, Phụ Quốc sẽ vẫn còn được yên lành. Lý Đạo Thành nghe, thất kinh mà nói" Ta đã đoan chắc rằng gã đánh cá này không đảm đương nổi. Nhưng lại đổ đốn đến mức này ư?". Lý Đạo Thành cải trang đi dò biết thực hư, rồi cấp cấp vào triều tâu vua: - Bệ hạ! Đánh trận có thể chỉ cần dũng mãnh. Nhưng việc tra xét án đồ, định danh tội trạng thì phải là những kẻ có học, có liêm có chính. Viên tướng lập công trong trận mạc năm xưa, bây giờ tối tăm mặt mũi với uy quyền, đã trở thành yêu quái. Nếu bệ hạ không mau mau ra tay trừng phạt, e rằng nghiệp lớn của nhà Lý ta sẽ bị lung lay vì những kẻ càn rỡ như Phụ Quốc...Vua cau mày, tỏ vẻ không thích, nhưng biết nghe lời phải của Thái sư. Sáng hôm sau liền dẫn một đoàn tuỳ tùng đến biệt lâu tra xét, thấy cái lầu nuôi con hát và dãy chuồng chạm trổ bằng gỗ lim nhốt tới vài trăm con gà chọi thì đùng đùng nổi giận, cho đập phá biệt lâu, thả hết gà chọi, thích chữ trên mặt các con hát rồi trả về các lầu xanh. Phụ Quốc bị biếm truất đi làm lính canh áp giải những kẻ tội đồ bị đày lên châu Quảng Uyên.Cái hoạ bất ngờ của người tiền nhiệm lại khiến Trần Dĩnh được thăng trật trước niên hạn, được chuyển về nội kinh. Vốn dòng dõi thi thư nho nhã, Trần Dĩnh đã đọc nhiều sách, tốn nhiều bút mực viết những áng hùng văn nhiệt huyết bàn luận về cái đức và hành xử cuả một bậc chính nhân quân tử. Khi đương chức tại hạt Hải Dương, ông từng thẳng tay trừng trị nhiều kẻ cường hào ác bá cậy quyền cậy thế ức hiếp dân lành. Nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, Trần Dĩnh được bệ rồng biết đến và được vời về kinh nhậm chức Đô hộ phủ ngục tụng vừa khuyết. Trần Dĩnh nghĩ rằng đó là một cách đấng chí tôn tưởng thưởng cho sự trung chính của ông. Khi được vua vời vào triều để ban chức, Trần Dĩnh vô cùng phấn chấn, ngửa mặt lên trời xanh:- Thân này xin được trọn đời làm khuyển mã, mong lấy gan óc lầy đất để trả lại sự công bằng cho đám lê dân.Nghỉ ngơi vài ngày, thu xếp chỗ cư ngụ cho tư gia, Trần Dĩnh ra công đường.Trên chiếc án thư, một chồng đơn chất ngất phủ bụi, cao ngang mày đang náu mình chờ ngài tự bao giờ. Ngài cau trán. Chẳng lẽ ở chốn gần mặt trời mà cũng có nhiều nỗi uẩn khúc oan khiên thế này? Ngài lướt đôi mắt sắc sảo ra ngoài cửa quan. Một dẫy người đứng ngồi lổm ngổm, đa phần là quần nâu áo cộc tím tái trong tiết trời ẩm lạnh và cơn mưa phùn lay phay của độ lập xuân. Chỉ còn thấy cặp mắt quầng thâm tụt vào trong hốc mắt trên những gương mặt xanh xao má hóp đang khắc khoải nhìn vào chốn công đường.Quan Đô hộ phủ ngục tụng vươn người nhìn cho rõ hơn. Đứng đầu đám thứ dân kia lại là một thư sinh. Gương mặt tuấn tú của chàng trai khuất một phần dưới chiếc khăn ngang. Sợi dây chuối thắt ngang lưng áo sô gai. Tay chàng đỡ một người đàn bà. Nhưng kỳ lạ là người đàn bà này đầu đội khăn tang mà mình lại mặc áo cưới. Là kẻ điên hay người tỉnh? Đô hộ phủ ngục tụng Trần Dĩnh lật từng tờ đơn theo thứ tự từ trên xuống dưới, soi tên từng nguyên đơn. Ngài thở dài. Lại vẫn giống như ở hạt Hải Dương, chín phần mười số đơn là kiện cáo chuyện cường hào ác bá quan lại cậy quyền ỷ thế chiếm ruộng cướp trâu cưỡng đoạt con gái nhà lành. Trong vô số những lá đơn, ngài để ý đến một xấp mười hai lá đơn của cựu Tăng đô án Từ Vinh khiếu tố lên đấng cửu trùng về việc Diên Thành hầu cưỡng chiếm hơn hai trăm mẫu đất của nhà chùa và dân vỡ hoang phía bắc hồ Dâm Đàm, cận kề ngay cửa ngõ kinh thành. Ngài chú ý thấy ở góc mười hai lá đơn đó đều có dấu khuyên của cựu Đô hộ phủ ngục tụng Phụ Quốc với chữ đề " Hồi! ". Quan tân Đô hộ phủ ngục tụng sửng sốt quay hỏi người thư lại đứng hầu bên bàn:- Nhà ngươi có tường tận vụ này không?Viên thư lại ý tứ:- Dạ bẩm...Xin thượng quan tha tội..Chẳng lẽ ngài không hay biết gì về chuyện cái thây dựng đứng ba ngày đêm trước cửa lầu Diên Thành hầu?- A...ta có nghe. Tăng đô án Từ Vinh là thầy ta. Thầy ta chết tức tưởi...Nhưng có liên quan gì đến việc này?Trần Dĩnh đặt bàn tay lên chồng đơn tố giác mang tên cựu Tăng đô án Từ vinh. Ngài như cảm thấy những nét chữ cứng cỏi của người đã khuất xôn xao nhồn nhột dưới bàn tay.- Thưa...Người đã chết thì dẫu có minh oan cũng chỉ để cho giun dế dưới mồ nghe tiếng. Xin ngài cẩn trọng. Vợ con cựu Tăng đô án Từ Vinh đang đội đơn đứng chờ ngoài kia đã ba ngày nay.Trần Dĩnh giật nảy người:- Đâu? Tại sao nhà ngươi không nói trước. Mau cho mời vào! Viên thư lại thong thả bước đến trước mặt Từ Lộ và Từ Vinh phu nhân, khoát tay ra dấu mời vào.Từ Lộ dìu mẹ vào công đường, chắp tay thi lễ trước mặt tân quan Đô hộ phủ ngục tụng.Trần Dĩnh lật đật đứng dậy, bước tới đỡ Từ Vinh phu nhân:- Hạ quan từ hạt khác được thánh thượng gia ân cho chuyển về kinh thành nên không hay biết phu nhân và công tử hạ cố tới công đường. Xin thứ cho hạ quan tội thất lễ! Hạ quan xưa là học trò của cố quan Tăng đô án vừa sớm xa chơi nơi cực lạc. Nghĩa thầy trò thiêng liêng bền chặt, hạ quan không bao giờ quên...Trần Dĩnh đưa tay áo thụng gạt nước mắt. Từ Lộ nhìn quanh. Chàng không ngờ có ngày mình lại phải bước tới chốn này. Chồng đơn cao chất ngất trên chiếc án thư lầm lì giữa công đường và những lính hầu câm lặng mặt sắt lại cùng những đồ nghi vệ sáng choang đủ sức làm khiếp vía bất kỳ kẻ nào không may mắn đã đặt chân đến đây.Từ Lộ nhớ, tại phủ Tăng đô án của cha chàng trước đây, có lần vãn việc, hai cha con từng ngồi trò chuyện. Lúc cao hứng, cha còn bảo chàng tấu lên vài điệu sáo. Nghe tiếng sáo của chàng, có lần ông nói: " Được. Nhưng tiếc rằng thanh âm chưa tròn đầy. Còn chút uỷ mị. Phần âm quá dầy mà phần dương lại mỏng. Con ta còn cần gắng sức. Xưa nay phàm con người ta yêu thích điều gì thì lượng mạnh yếu, mỏng dầy của điều đó cũng thường vận vào số phận của kẻ đa đoan...". Chàng nhớ, lúc đó, khi lời cha vừa dứt, một cơn gió nửa nóng nửa lạnh bỗng từ đâu thổi tới, mang mùi hăng tanh của dòng nước tù đọng khiến chàng rùng mình. Chàng hỏi:- Thưa cha! Gần đây, cha có điều gì không vui chăng?Cha chàng cố nở một nụ cười, mép ông hằn những vết nhăn chua chát:- Con ta quả là tinh mắt. Trong những ngày này, ta thấy buồn nản rã rời!Từ ngạc nhiên:- Vì sao, thưa cha? Cha làm Tăng đô án, cai quản ngàn vạn tăng ni. Đức vua sùng Phật. Cả nước cũng sùng đạo. Cha được trọng vọng, phúc lộc vua ban đủ chi dùng dồi dào...Cha chàng ngắt lời:- Con nói phải. Ta làm Tăng đô án. Kể ra thì đắc thời. Mấy chục năm nay, các đế vương triều Lý ai cũng dốc lòng thờ Phật. đức Thái tổ xưa, mới lên ngôi hai năm đã cho dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, trùng tu chùa quán ở các lộ, riêng ở kinh sư đã độ cho làm tăng tới cả ngàn người. Tới thời vua Thái tông, Thánh tông và đương kim hoàng thượng ta, chùa quán càng được xây đắp bồi bổ nhiều khôn xiết. Mắt sáng rực, Từ hớn hở tiếp lời:- Vâng, thưa cha, sử sách ghi lại, từ thời đức Thái tổ mới lập nghiệp, đã có tới gần nửa dân đi làm sư sãi...Từ Vinh xua tay, lắc đầu chán ngán:- Phải. Đám dân chúng khoẻ mạnh còn lại không làm sư thì đi lính. Bao nhiêu tiền của sức dân đều được vét sạch để xây chùa quán, nuôi sư sãi, nuôi quân và chế tác khí giới đánh giặc. Ngay trong đám tăng đạo cũng có nhiều kẻ đục nước béo cò, lời dụng thời thế, tín ngưỡng của dân mà tranh thủ trục lợi," miệng Nam mô bụng bồ dao găm", lại chia bè phái, dùng tà đạo để ám hại lẫn nhau. Ta thấy nhục nhã vì không trừ diệt được tính tham ác ngay trong đám tăng lữ mà ta cai quản. Đã thế, mỗi lần bê bát cơm lên ăn, ta như nghe thấy tiếng nói vẳng lên từ đáy bát: " Chúng tôi đói! Chúng tôi đói!". Sao có thể không đắng miệng!Từ đăm đăm nhìn cha. Từ lúc mới sinh ra, được cha mẹ nâng niu chiều chuộng, mọi thứ đều có sẵn, chàng không bao giờ biết đến nỗi khổ sở của đám lê dân ngoaì kia và bầu tâm sự của cha. Cha chàng lại nói:- Càng ngày, ta càng thấy mình như kẻ sống thừa. Biết tất cả mà chẳng làm được gì cho thiên hạ. Chỉ một việc phải trái rõ như ban ngày mà viết đến mười hai lá đơn, gửi lên Đô hộ phủ ngục tụng và đức vua, những mong giúp vua phân định kẻ có tội, ngõ hầu yên dân, vỗ về xã tắc. Nào ngờ, những lá đơn rút từ máu huyết của ta lại gửi vào tay một kẻ chuyên lấy việc vét máu mỡ của dân làm trò tiêu khiển...Cha bước ra khép cửa, buông mành. Gáy ông trĩu xuống dưới búi tóc đốm bạc...Ngồi trước công đường, mà giờ đây trước mắt Từ Lộ như đang đung đưa búi tóc bạc xơ xác vì buồn nản của cha. Nhìn mẹ, người đàn bà quý phái chỉ mới ba ngày sau khi cha mất đã rộc rạc hẳn đi, chỉ còn da bọc xương, cũng phải đội đơn quỳ trước công đường, trước mặt một đứa học trò cũ của chồng, Từ Lộ càng bội phần xót xa. Cái phận tôi đòi đội đơn thưa kiện này trước đây không dành cho mẹ con chàng.Trần Dĩnh quát lính hầu pha trà nước mới, ân cần hỏi han sức khoẻ và gia cảnh mẹ con Từ Vinh phu nhân. Nhưng Từ Vinh phu nhân hầu như không nghe thấy gì. Đôi mắt bà nhìn về phía quan Đô hộ phủ ngụ tụng vừa sắc nhọn như ánh kim ánh thép, vừa xa vời, mờ ảo như có sương có khói. Giọng nói cũng như vẳng lên từ một cõi sâu thẳm xa xôi nào:- Thưa thượng quan...Thượng quan mới chuyển về ngồi tại phủ này, nhưng chắc người cũng đã nghe biết nỗi oan khuất của gia đình chúng tôi. Mẹ con tôi đợi trước cửa ngài đã ba ngày nay...°
*
Trần Dĩnh chong đèn ngồi trước án thư tới tận canh ba. Ngài đọc đi đọc lại mười hai lá đơn của Từ Vinh để lại trước đây và lá đơn mới viết ướt đẫm nước mắt mà mẹ con Từ Vinh phu nhân vừa đệ lên cách đây nửa tuần trăng. Cả hơn chục ngày nay, ngài đã cho sai nhân đi tra xét ngọn ngành mọi việc liên quan đến những điều được ghi rõ trong mười ba lá đơn. Lúc này, cái chết oan nghiệt của Từ Vinh đã hiện lên rành rõ trước mặt ngài giữa những dòng chữ. Và tất cả đều gắn với một cái tên Diên Thành hầu. Quan Đô hộ phủ ngục tụng tự hỏi mình có nên tâu lên đấng cửu trùng về những tội ác của cha con Diên Thành hầu? Mười hai lá đơn của Từ Vinh đã bị người tiền nhiệm ách lại dưới bốn chân lầm bụi của án thư này. Không rõ trước đây Phụ Quốc đã đệ lên đức hoàng thượng chưa? Diên Thành hầu lại là hoàng thân, nếu ta tâu trình vạch tội, không biết hoàng thượng có muốn nghe? Nếu có nghe, không chắc ta đã thoát những ngón đòn hiểm của Diên Thành hầu. Cái chết của Từ Vinh là một tấm gương tày liếp. Diên Thành hầu giết Từ Vinh mà vẫn vô can, bởi ông ta mượn tay pháp sư Đại Điên.Ba đêm liền, Trần Dĩnh băn khoăn tự hỏi. Nhìn thấy vợ và năm đứa con, ngài xót xa nghĩ, nếu ta có mệnh hệ gì, vợ con ta sống ra sao? Làm vợ, làm con của một ông quan thanh liêm đã là khổ, nếu làm vợ goá con côi của một ông quan dám vuốt râu hùm, dám đụng đến thanh danh của hoàng tộc, lại càng nguy nan. Trứng chọi đá. Liệu ta có nên đẩy vợ con vào cái khổ nạn đó?Nhưng đức hoàng thượng đưa ta từ hạt Hải Dương về đây, bổ ta giữ chức này, là bởi người biết ta xưa nay luôn giữ được lòng trung thành ngay thẳng. Ta không thể phụ lòng người. Diên Thành hầu là hoàng thân quyền thế, Nhưng Đức hoàng thượng là bậc minh quân ân đức đã trùm thiên hạ.Bây giờ, biết đâu với cái chết oan khốc của chính Tăng đô án Từ Vinh, lại là dịp những tấu thư này như một ánh chớp xé rách cái màn đen đặc sệt bao trùm, vượt qua tầng tầng phủ đệ mà lay động tới đấng cửu trùng? Trong lòng Trần Dĩnh bỗng ngùn ngụt cháy ngọn lửa chính trực. Hàng vạn dân đen con đỏ đang ngày đêm mòn con mắt trông đợi ngọn bút của ngài. Nếu phá được vụ án Diên Thành hầu, kỷ cương trong nước sẽ được lập lại. Những kẻ quan lại chuyên ức hiếp dân lành, toan dùng một bàn tay che khuất mặt trời sẽ lấy đó làm sự răn đe mà chùn tay. Rường mối quốc gia nhờ sự công bằng minh định thì mới được vững chãi. Trần Dĩnh như thấy trước mắt vong linh của người thầy đang ngậm oan đứng đỏ mắt chầu chực bên cổng địa ngục. Rưng rưng muốn khóc, lòng đầy cảm khái vì đất nước, Trần Dĩnh cả quyết với tay lên giá bút. Trống điểm canh ba vừa dứt thì tờ tấu của quan Đô hộ phủ ngục tụng cũng vừa ráo mực. Ngài tự tay cuộn tờ tấu lại, cẩn trọng cho vào ống quyển chờ sáng sớm mai sẽ giao cho thư lại chuyển lên Tam pháp ty để đệ trình đức vua Nhân tông. Trong lòng ngài nhẹ nhõm, khoan khoái, tưởng như cất được gánh nặng đè trĩu trên vai từ bấy lâu. Ngài tự hài lòng với mình, phóng bút viết một đại tự lớn, sai gia nhân lồng khung bạc, treo lên giữa công đường. Nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa. Đó là chữ " tâm".°