Về đến nhà, đặt tập sách trên bàn học, Hạ ngồi thừ người nhìn ra cửa sổ. Ngày nào cũng vậy, má Hạ đi bán từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Từ lúc Thảo Vy, đứa em độc nhất của Hạ phải vào ở với bác Tư của Hạ tại Sài Gòn, Hạ lủi thủi một mình trong nhà. Sự cô đơn gây cho Hạ lười biếng ăn cơm trưa. Khu vườn của nhà nội lúc này vắng ngắt. Mọi người trong căn nhà lớn chắc hẳn đang ăn trưa cùng nhau. Hạ thường quen nhịn ăn trưa, nhưng lúc này thật sự là Hạ không đói. Những lời đối thoại với Anh vào giờ ra chơi làm Hạ suy nghĩ vẩn vơ. Nhớ đến từ “bạn trai” của Anh, Hạ thấy lo lo khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Trái ngược lời khẳng định với Anh trong giờ chơi, chuyện có bạn trai là vấn đề lớn đối với Hạ. Trong khu vườn của nội có hai căn nhà với hai sự tương phản cực kỳ: ngôi nhà nội dành cho bác cả thì to lớn với cấu trúc thật sang trọng, trái lại, căn nhà mà ba Hạ để lại cho mẹ con Hạ sau khi ba qua đời vừa nhỏ, vừa thiếu tiện nghi. Đa số những người trong gia đình nội đều giàu, nổi tiếng và có địa vị cao, trái lại, mẹ Hạ chỉ là một người đàn bà góa chồng, nghèo khổ, và ít chữ. Từ nhà đi ra cổng, Hạ phải đi qua khu vườn đầy cây ăn trái của nội rồi đến cái biệt thự lộng lẫy của bác. Khi gài cái cổng gỗ của bức tường thành mà sau lưng nó là ngôi nhà to lớn, Hạ hiểu rõ là không ai đoán được Hạ đang sống trong căn nhà hết sức nhỏ bé và nghèo nàn. Hạ nghĩ đến má, thương má và nhất quyết không để một ai khinh rẻ má. Hạ không muốn quen bất cứ người nào trong gia đình quá sang trọng, Hạ cũng không muốn đối tượng mình hoặc gia đình anh ta coi rẻ má. Chưa bao giờ Hạ suy nghĩ đến việc có bạn trai cũng như không bao giờ tìm hiểu đối tượng của mình sẽ là mẫu người như thế nào, và tình yêu của cả hai sẽ dựa trên những tiêu chuẩn ra sao. Hạ tự đặt cho mình một luật lệ: Cho dù đối tượng có phù hợp với Hạ ra sao mà gia đình anh ta không phù hợp với hoàn cảnh mẹ con Hạ đang sống thì Hạ cũng sẽ hy sinh để đánh mất tình cảm của mình đi. Vì hoàn cảnh gia đình, Hạ chỉ muốn thu mình vào một góc cố định với má và căn nhà nghèo nàn. Hạ cầu nguyện là sẽ không có ai quấy nhiễu tâm trí để Hạ theo đuổi được tham vọng học thành tài, được vào đại học Sài Gòn và nhất là được một việc làm ổn định. Hạ luôn luôn mơ mộng kiếm được tiền bằng chính mồ hôi và khả năng của mình. Có tiền thì Hạ mới có cơ hội nuôi má và đưa Thảo Vy về ở cùng một nhà. Sau niên khóa này là Hạ thi tú tài vì vậy Hạ phải cố gắng học giỏi để đạt ước mơ độc nhất của mình. Buổi chiều Hạ đến trường Hưng Đạo để học thêm lớp pháp văn của cha Phương. Trường nằm ngay trên góc đường Gia Long và Phước Hải, dưới chân nhà thờ núi. Một số con gái trường Hạ rất thích đến trường này để học thêm lớp pháp văn của cha Phương vì cha rất hiền và giảng bài hết sức tận tình, tỉ mỉ. Thỉnh thoảng có vài phút nghỉ giữa giờ, đám con gái rủ nhau đi bộ, lần theo từng bậc tam cấp đá, lên tới đỉnh núi nơi mà ngôi nhà thờ cổ kính uy nguy ngự trị. Từ trên nhà thờ nhìn xuống, bọn Hạ có thể nhìn thấy Nha Trang vào buổi chiều nhộn nhịp với những chiếc xe đi qua lại dưới chân. Không ai hiểu vì sao đây là cái thú của bọn con gái? Nhưng mà, dù có thích ngôi trường dưới chân nhà thờ núi bao nhiêu thì bọn con gái Huyền Trân luôn nơm nớp lo ngại khi đi vào cổng trường Hưng Đạo. Ngoài trường nữ Thánh Tâm và Vinh Sơn, đa số các trường tư thục Nha Trang đều có nam và nữ học sinh. Những nữ sinh như bọn Hạ quen học với trường chỉ có toàn con gái nên cảm thấy ngượng ngập khi đi vào cổng trường có con trai như trường Hưng Đạo này. Đáng sợ nhất là đến trường trễ hơn bọn con trai. Tụi nó thường tụ năm, tụ bảy trước lớp tán gẫu và nhìn những người đi vào trường. Vì trường Hưng Đạo chỉ có một dãy lớp học mà trước dãy lớp học này là một dãy để xe, cho nên, khi đi vào trường thì không khác gì đi trình diễn thời trang trước mặt bọn con trai. Hạ thường cảm thấy bối rối khi dắt xe vào trường vì cảm thấy như thiên hạ đang nhìn mình, hay thì thầm to nhỏ điều gì đó. Hôm ấy không ngoại lệ, vừa đi qua cái cổng để vào trường, Hạ nhìn thẳng về phía trước và tiến nhanh đến khu để xe. Dựng vội chiếc xe đạp vào cái cột trống, Hạ lại nhìn trừng trừng về phía lớp học của mình và bước nhanh như chạy. Đoan Hạnh có mặt trong lớp đâu từ lâu đời. Có lẽ nhỏ này cũng sợ ánh nhìn của lũ con trai nên đến trường sớm. Hạnh ra hiệu cho Hạ đến gần và chìa tay cho Hạ mấy viên kẹo dừa. Kẹo dừa là món hảo của Hạ cho nên Hạ nhất định phải lấy cho bằng hết. Như mọi lần, Hạnh cố tình thụt tay lại, rồi giơ viên kẹo ra chờn vờn trước mặt để chọc Hạ. Hạ không vừa, với tay liên tục để chụp cho bằng được viên kẹo cuối cùng ấy. Không tránh được bàn tay tấn công tới tấp của Hạ, Đoan Hạnh đánh rơi viên kẹo ra khỏi nắm tay. Viên kẹo vuông, nhỏ bé, đáng thương, lăn xuống dưới đất mà Hạ vẫn không tha. Chụp vội lấy nó, Hạ chạy đến cuối lớp cười khanh khách. Đột nhiên, tiếng động sau lưng làm Hạ khựng lại. Một người con trai “bốn mắt” đang ngồi ở góc cuối lớp chăm chú nhìn hai đứa. Nín cười, Hạ vội vàng lấy tay che miệng, và bước nhanh về bàn học. Đoan Hạnh ngồi cạnh cười khúc khích, thúc cùi trỏ vào khủy tay Hạ. Giả mặt giận, Hạ im lặng. Vài ba phút sau, con nhỏ rút một tấm thiệp từ một cuốn sách ra và đặt nó trước mặt Hạ. Tò mò, Hạ mở ra xem. Bên trong tấm thiệp là một đóa hoa bướm khô nằm dưới mảnh giấy lụa trắng với hàng chữ nắn nót “Mến tặng Đoan Hạnh. Vân” Hạ há miệng thật lớn, toan reo lên vì cái “bật mí” này thì cha Phương đã bước vào lớp. Vội vã lấy lại tấm thiệp, Đoan Hạnh đút nó vào trong tập vở rồi cùng cả lớp đứng dậy chào cha. Đứng bên cạnh Hạnh, Hạ hết nhìn cha rồi quay sang nhìn con nhỏ. Mỉm cười kín đáo, Hạ nhủ thầm: “Hôm nay không hiểu cha sẽ cho học động từ nào và bắt cả lớp chia động từ ở thể nào nhưng chắc chắn Đoan Hạnh đang mơ tưởng đến động từ suy nghĩ, động từ “penser”.