Một hôm, có ba tín đồ gặp sư Vô Đức hỏi: “Người ta nói Phật giáo có thể giải trừ đau khổ của con người, nhưng chúng tôi theo đạo Phật đã nhiều năm mà chẳng thấy vui vẻ gì cả, như vậy là sao? Sư Vô Đức nói: “Muốn vui vẻ thì có khó gì! Nhưng trước tiên các ông thử nói cho ta biết xem, rằng vì sao các ông phải sống?”. Người thứ nhất nói: “Con người ai cũng phải chết, cho nên tôi phải sống”. Người thứ hai nói: “Tôi phải sống và ra sức làm việc để khi già cả có cái mà hưởng thụ và cho con cháu được nhờ”. Người thứ ba nói: “Tôi phải sống, nếu không thì ai nuôi cả nhà tôi?”. Sư Vô Đức nói: “Như vậy chẳng trách các ông không thấy niềm vui trong cuộc sống. Các ông chỉ nghĩ đến cái chết, già cả và lao động khổ nhọc mà không có lý tưởng, không có niềm tin, không có trách nhiệm. Cuộc sống mà thiếu lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm thì mệt mỏi và đáng chán là phải rồi!”. Ba tín đồ nói: “Ba điều ấy nói thì có vẻ rất hay, nhưng đâu có dễ như ăn cơm được!”. Sư Vô Đức nói: “Vậy thì theo các ông, cuộc sống như thế nào mới vui sướng?”. Người thứ nhất: “Phải có Danh vọng!”. Người thứ hai: “Phải có Tình yêu!”. Người thứ ba: “Phải có Tiền bạc!”. Sư Vô Đức nói: “Vậy ta hỏi các ông: Tại sao người có danh vọng nhưng vẫn rất buồn chán? Có người có tình yêu sao vẫn đau khổ? Có người có tiền bạc sao vẫn lo âu?”. Ba tín đồ không biết trả lời sao. Sư Vô Đức tiếp: “Lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm không phải là những lời nói suông, mà chúng phải được thể hiện ngay trong cuộc sống mỗi ngày từng giờ từng phút. Các ông phải thay đổi quan niệm, thái độ về cuộc sống thì cuộc sống của các ông mới thay đổi được. Danh vọng phải phục vụ cho mọi người, vậy mới vui; tình yêu phải hiến dâng cho kẻ khác, vậy mới có ý nghĩa; tiền bạc phải giúp đỡ người nghèo khó, vậy mới có giá trị. Đó là niềm vui chân chính của cuộc sống con người”. (Theo Chan Gushi)