Những năm 90 hắn đã có bạn đọc ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tờ báo lớn yêu cầu hắn gửi truyện ngắn, bút ký, tạp văn cho trang văn hoá văn nghệ của báo. Cứ mỗi tờ nuôi hắn một dạo, thoạt đầu là báo Tuổi trẻ, rồi báo Lao động, rồi báo Công an thành phố, khi Tạp chí Văn hoá Văn nghệ của Bộ Công an ra mắt bạn đọc hắn lại được mời viết bài thường xuyên. Ðó là những tờ báo có nhiều bạn đọc, ban biên tập biết lấy con mắt xanh đối đãi với người cầm bút nên trả tiền nhuận bút rất hậu. Hắn đến với các tờ báo ấy như một thành viên của toà soạn, ấm áp, tin cậy, cười nói thoả thích như thời đang sống ở tạp chí Văn nghệ Quân đội của những năm 60 và nửa đầu những năm 70. Cái không khí bạn bè trong nghề trọng nhau, tin nhau đã giúp hắn giữ được ngọn lửa của tuổi trẻ, của người trong cuộc, tham gia vào cuộc tranh luận âm thầm về sự lựa chọn những cách sống về những giá trị mãi mãi còn nguyên vẹn đã làm nên tính cách Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và các báo của thành phố đã nuôi hắn cả phần xác phần hồn để hắn có thể bước vào một thời kỳ sáng tác mới hào hứng, sôi nổi như những năm hắn mới có ba mươi tuổi. Có Tết hắn có truyện ngắn đăng trên bốn tờ báo của Hà Nội và của thành phố, còn trong kia thì hầu như tháng nào hắn cũng có bài không của báo này thì báo kia. Mãi mãi hắn biết ơn những người bạn mới quen biết của thành phố, bạn trong nghề và bạn khác nghề bằng những chăm sóc rất thiết thực, rất chân tình đã giúp hắn giữ được niềm tin, niềm vui và rất nhiều hy vọng để hắn có được những năm tháng đầy ắp những ý tưởng mới mẻ, chủ đề mới mẻ, cách viết mới mẻ, để có thể ngày nào cũng được viết những trang văn mới, đã sang tuổi 60 lại được tái sinh thành một cây bút trẻ, càng viết càng tự khám phá những vỉa mạch còn nguyên sơ chưa có thì giờ đụng chạm đến. Về già hắn vẫn được sống trong hồi hộp, trong hy vọng của người đang tiếp tục cuộc chiến với chữ nghĩa khi thắng khi thua, khi vui khi buồn, không ngồi không ngày nào, không để đầu óc rảnh rỗi ngày nào, sống vội hơn, viết cũng vội hơn vì hắn có thể sai khiến cái đầu nhưng không thể sai khiến trái tim của hắn, xem chừng mỗi ngày một mệt mỏi hơn, uể oải hơn và hình như đã muốn xin được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu như hắn có trái tim của người ba mươi tuổi nhỉ, không chừng hắn sẽ tìm ra nhiều bí mật của cái nghề cầm bút cũng nên. Sau ngày về Tó, được trò chuyện với Ngô Thì Trác thuộc con cháu dòng đích của Ngô Thì Nhậm, hắn thay đổi hẳn lãnh vực quan tâm, không phải là trái cây, thân cây mà là bộ rễ cây, vùng đất ươm trồng của cây, là cái đống nhờ nhờ, hỗn mang, chưa có hình thù mầu sắc gì cả. Là một Ngô Thì Trác, đã bốn chục tuổi đầu mà chả có một ham mê gì, một khuynh hướng gì về chính trị, văn chương ngoài việc mưu sinh, việc kiếm tiền, sáng lo việc sáng, tối lo việc tối, với những mong ước gần, những hy vọng gần, môt người bình thường với những công việc bình thường, là cái cõi nhân gian bé tí, nhờ nhờ mà hắn đang sống, vợ con hắn đang sống, lại không đáng để hắn viết sao, lại không có một nghĩa lý gì sao? Ở thành phố Hồ Chí Minh lắm lúc hắn rất nhớ Hà Nội, nhớ các mùa của Hà Nội, các đường phố của Hà Nội, nhớ bãi Phúc Xá và những mùa lụt lên ở nhờ cơ quan, nhớ lúc lấy vợ, lúc sinh con, nhớ cái năm con đã lớn mở khoá dây lưng kêu lách cách và dựng xe đạp ở một góc sân cùng với bạn bè. Mỗi ngày nhớ một tí, lúc rảnh rỗi lại nhớ, đêm nằm khó ngủ cũng nhớ. Nhớ cả những tiếng rao quà lúc hắn còn nhỏ ở Hà Nội, tiếng rao xôi lúa lúc tờ mờ sáng ở phố Hàng Bún, tiếng rao phở đêm ở ngõ Hăm Bốn Gian, tiếng rao cháo đỗ xanh chè đỗ đen các trưa hè dọc phố Huế. Hắn còn nhớ cả cái xe thùng có vòm mui sơn vàng, ngựa kéo, bán bánh mì nóng với miếng chả trâu rắc muối tiêu kẹp giữa mỗi sáng mùa đông ở phố Sinh Từ năm hắn mới sáu, bảy tuổi. Bạn bè, người thân, những kỷ niệm của một thời ấu thơ, một thời thanh niên, của mọi sự bắt đầu của một đời người, trong xa cách, trong nhớ nhung bỗng hiển hiện hết sức rõ ràng trong một vùng sáng nhạt hơi mờ ảo của hoàng hôn, gần như đã tãi hết lên trang giấy, chân dung, ngôn ngữ, hình ảnh còn đọng lại, chi tiết đã được năm tháng lưu giữ, tất cả đã sẵn sàng chỉ còn đợi hắn cầm bút tô lại, viết lại... Hắn mở đầu các truyện viết về Hà Nội bằng Một người Hà Nội rồi Tiền, rồi Danh phận, rồi đến Ðã từng có những ngày vui, Chị Mai... đội ngũ những gương mặt thân quen đồi được viết, đòi được nói cứ dài dần mãi ra nhốn nháo, chen chúc. Một nữ luật sư kiêm nghệ sĩ dương cầm, một cặp vợ chồng tài tử giai nhân chồng đạo diễn vợ diễn viên là kỷ niệm về một Hà Nội vừa được giải phóng. Viết về ông Kim Lân đã thấy thấp thoáng bóng ông Trọng Hứa đứng phía sau, hai ông có gương mặt và vóc dáng nhìn xa rất giống nhau, và cũng vì sự nhầm lẫn tai hại ấy mà ông Trọng Hứa giận hắn cho tới ngày mất. Viết về người Hà Nội hôm nay lại nhớ đến người Hà Nội của ngày xưa, tất nhiên người của hôm nay quyến rũ hắn hơn nhưng khi họ trò chuyện với hắn, thậm chí còn chửi hắn một cách oan uổng thì hắn lại sợ cái hôm nay quá, cái hôm nay trơ tráo, trắng trợn, có thể nói bất cứ câu gì, làm bất cứ chuyện gì nếu không có những ràng buộc của một Hà Nội kinh kỳ ngày xưa ngăn giữ lại. Hắn đã trải lòng ra gần hai năm trời, lúc nghỉ lúc viết, ngoài những chuyến ra Hà Nội để "nạp thêm năng lượng" mới, hắn không đi đâu cả, không nghĩ gì khác để khỏi làm loãng những mơ mộng của hắn đang dồn về một vùng kỷ niệm, về những con người đang lùi dần vào quá khứ mỗi năm mỗi xa hơn, một mờ dần. Chính hắn cũng đang lùi dần vào quá khứ bằng cái thái độ dửng dưng như đã tách ra, đã thoát ra những tin tức, những trao đổi của bạn bè, của con cái về những thay đổi này khác trong giới quan chức nhà nước, về nền kinh tế thị trường với vô vàn chuyện hay và chuyện không hay của nó, về đầu tư và hội nhập, về những triệu phú đô la mới của Hà Nội và những cuộc phá sản hết sức thương tâm ở các thành phố lớn... Tất cả những chuyện lớn chuyện nhỏ cứ rì rầm như mỗi lúc một xa dần đi, nhỏ dần đi, chả còn một chút quan trọng nào nữa. Tức là hắn sắp trở về với hư vô rồi, để hoà nhập vào cái khối hỗn mang không hình, không sắc của trời đất. Nếu tính từ truyện ngắn đầu tay Ra ngoài được in trên tạp chí Lúa mới của Chi hội Văn nghệ liên khu 3 năm 1950 thì hắn đã có trên năm chục năm trong nghề gấp gần năm lần tuổi nghề của Vũ Trọng Phụng, gấp hai lần tuổi nghề của Nam Cao, cái gì cũng hơn hai ông anh cả, thời thế tiểu thuyết hơn, bạn bè đông đảo hơn, đi nhiều hơn, biết nhiều hơn, thời gian để viết cũng nhiều hơn, lại được nhà nước cho nhà, chữa bệnh và nuôi ăn cả đời mà những đứa con tinh thần lại yếu đuối còi cọc, đi mới được nửa cuốn sách đã chân nọ đá chân kia, mặt mũi méo mó, ăn nói chẳng đâu vào đâu, không còn ra cái giống người, cái ngữ ấy có chết non chết yểu cũng là đáng. Là làm sao thế nhỉ? Còn sao giăng gì nữa! Là do hắn kém tài so với các bậc đàn anh, chứ nếu có được cái tài như hắn mong muốn thì thiếu gì cách để tạo ra những hình tượng nghệ thuật có thể chuyển tải toàn bộ tư tưởng của hắn tới bạn đọc. Kém tài là cái chính nhưng cũng còn có những quan niệm chưa chuẩn xác về các chức năng của nghệ thuật một thời; về sự thiếu niềm tin của bạn đọc vào lòng yêu nước và khuynh hướng cách mạng bẩm sinh của các nghệ sĩ nên hay nghi ngờ, hay bắt bẻ; về tính ganh ghét giữa các tài năng nhỏ với các tài năng lớn nên hay bày ra những chuyện ngoài nghệ thuật để hãm hại nhau; có cả sự thiếu bao dung, thiếu thông cảm của những người làm công tác quản lý nghệ thuật với những cá tính bất tuân, ngang tàng của một vài tên tuổi lớn, mà theo hắn, họ làm thế chẳng qua để trêu chọc cho vui, để làm giai thoại trong giới, chứ bản chất các nghệ sĩ có tài lớn là hết sức hiền lành, hết sức chất phác, họ là một với tiến bộ, phát triển chứ chưa bao giờ là vật cản. Và còn một điều này nữa, mỗi lần nghĩ đến hắn lại bật cười với chính mình, vì cái lỗi này phải chia đôi, nhà nước chịu một nửa, các nghệ sĩ chịu một nửa. Ấy là, chế độ mới với tấm lòng ưu ái hơi quá mức đã biến các nghệ sĩ của mình thành một tầng lớp viên chức với tham vọng viên chức, ganh ghét viên chức, tính toán viên chức, là các viên chức nhà nước lúc thâm nhập thực tế, lúc sáng tác, lúc quan hệ với nhau, chả giống tí nào với cách sống cách viết của các bậc tiền bối trong nghề những chục năm đầu của thế kỷ. Và những vui buồn, lo lắng của giới viên chức càng không giống với các nhân vật văn học của họ. Các nhân vật đều phải tự nuôi mình còn các nghệ sĩ đều được nhà nước nuôi. Giữa những người tự nuôi và những người được nuôi có một khoảng cách xa lắm, chả lẽ thương vay khóc mướn mà làm được tác phẩm nghệ thuật lớn sao? Chuyện văn chương của hắn tới đây cũng nên chấm dứt. Hắn phải trở lại câu chuyện gia đình của hắn, chuyện vợ chồng hắn, vì những oan ức đó mà hắn có nhu cầu tự nhìn lại mình và viết nên cuốn sách này. Từ năm hắn được một lúc hai giải thưởng văn học lớn đã nghĩ vợ con sẽ rất vui vì được làm vợ làm con một người nổi tiếng, nào ngờ lại là điểm bắt đầu của một tấn bi kịch gia đình hết sức vô lý và buồn cười. Trong sự nghiệp của hắn có tới một nửa là của vợ, vậy mà trong lời phát biểu với báo chí hắn chỉ nói tới thời thế và bạn bè, chả đả động một tí gì tới người bạn đường, người cộng tác, người chịu phần vất vả nhất của một gia đình để hắn có một nơi trú ngụ ấm áp, êm ái, yên tâm ngồi viết. Xưa nay nhiều nhà văn chả được bất kỳ giải thưởng nào vẫn nghĩ được ra vô vàn cách để tưởng thưởng công lao cho vợ mình. Lẽ ra khi đi nước ngoài nhận giải thưởng hắn phải dành hẳn một số tiền, cũng chả nhiều lắm, mua một món quà có giá trị tặng vợ. Ðằng này hắn chả mua gì cả, đưa phong bì tiền cho vợ, nói một câu: "Bà xem có đứa nào cần tiền thì cho nó một ít". Vợ hắn nín thinh, mặt lạnh ngắt, lúc nào cũng nghĩ đến con, không có vợ mà có được con sao? Có lần đi họp ở nước ngoài với ông anh Tô Hoài thấy ông chọn lựa mua sắm rất nhiều thứ cho vợ hắn đã cười thầm: "Ông này sống cũng Tây nhỉ?" Tây là thế, còn Ta thì sao? Người đàn bà sống với mình là vật sở hữu của mình việc gì phải chiều chuộng nịnh bợ. Ngẫm cho cùng bố hắn bỏ mẹ hắn như vứt cái áo cũ cũng có cái lý của nó, dòng họ hắn chưa bao giờ tôn trọng thật sự người đàn bà trong gia đình cả. Xưa nay đi họp ở nuớc ngoài về hắn chưa hề mua một món quà nào đáng giá để tặng vợ, thuở trẻ có thể bỏ qua, về già đối xử với nhau thế ắt hẳn muốn ruỗi nhau ra chứ gì. Nên vợ hắn phải tỏ cho hắn biết hắn muốn bỏ vợ cũng không dễ đâu. Tất nhiên ở thời buổi này người đàn ông bỏ vợ cũng nhiều mà chả có điều tiếng gì, là quyền tự do cá nhân, luật pháp nào can thiệp được. Miễn là được các con bằng lòng, miễn là người bố không được đụng chạm đến tài sản đang có của gia đình. Từ nay ông có ốm đau, đi nằm bệnh viện, rồi chết, rồi ma chay đã có bà vợ mới lo, các con bà vợ mới lo, còn bọn chúng sẽ đứng ngoài, vừa bớt được một người già phải chăm sóc, lại vừa được tiếng sống rất tân tiến, rất hiện đại. Cho nên vợ hắn phải ngăn chặn hắn từ lúc chỉ mới có ý định, mới bắt đầu chán gia đình, chán vợ con. Những tháng đầu hắn phản ứng rất quyết liệt những lời buộc tội vô lý đó, hắn không thế tại sao lại dám nói thế. Tiếng gầm thét của hắn bộc lộ sự tức giận của một ông chủ, ông chủ đã hy sinh một đời cho gia đình thì vợ con (một thứ tôi tớ tự nguyện) phải biết ơn ông chủ, không được phép nghĩ sai, hiểu lầm. Hiểu lầm là có tội. Ðã thế vợ hắn cũng chứng tỏ cô ta ngờ vực chồng là có chứng cớ. Chứng cớ nào, tôi không làm những chuyện vớ vẩn đó làm sao có chứng cớ! Vợ hắn nói thủng thẳng là có, có nhiều. Ví như mỗi lần có chuông điện thoại, vợ chưa kịp cầm thì chồng đã nhao lại cầm vội lấy không có ý gian làm sao phải vội vã thế? Nói điện thoại thì nói thầm thì, rồi cười khùng khục đầy khoan khoái, trai gái nói với nhau mới có vẻ mặt ấy, giọng cười ấy, đừng có chối, tôi sống với anh gần năm chục năm tôi lại không biết! Ðứng ở cửa nhà mà nhìn ra ngoài đường vợ hắn cũng cằn nhằn, rồi nói rất thiểu não: "Anh đừng nhìn đàn bà con gái đi ngoài đường đắm đuối như thế, tôi khổ tâm lắm". Hắn có tật nhìn hiếng, xem tivi mắt cứ như nhìn ra đường, vợ hắn cũng nói buồn bã: "Anh đợi ai mà nhìn ra ngoài nhiều thế?" Mỗi lần có bạn đọc, bạn viết là đàn bà con gái tới nhà là hắn chết khiếp, nếu lại vớ phải một bà bạn có tính hay đùa thì địa ngục nứt ngay dưới chân liền. Thậm chí hắn đi ăn sáng, uống cà phê sáng, vợ hắn cũng đứng ở cửa chờ, lại hỏi: "Anh đi những đâu mà lâu thế?" Có lúc lại căn dặn: "Bây giờ bệnh Siđa đầy rẫy, anh phải cẩn thận". Rồi lục tìm ví tiền: "Tiền bữa nọ còn nhiều thế tiêu những gì mà đã hết rồi, tôi bảo, có ra ngoài cũng chỉ nên cầm năm chục, một trăm, chứ cầm nhiều là bọn gái điếm có lột hết". Cứ như hắn đã biến thành một kẻ cuồng dâm, thấy đàn bà là lao lại, bất kể sáng tối, vắng người hay đông người, cứ như mọi ngõ ngách đều có nhà chứa, có thể chui vào đó làm mọi chuyện bậy bạ trong vòng dăm mười phút ai biết đấy là đâu. Hắn quát: "Sao lại không ai biết, hàng xóm láng giềng biết, các con biết, tôi biết. Tôi sống đốn mạt thế còn dám nhìn mặt con cái à?" Trong hai năm trời gần như ngày nào hắn cũng phải nổi điên vài lần, da mặt lúc đỏ lúc tím, huyết áp lên một cách khủng khiếp, sáng tối đều uống thuốc hạ huyết áp mà mặt vẫn nóng phừng phừng, đầu nhức như búa gõ. Hắn đã nghĩ đến chuyện bị tai biến mạch máu não, sẽ là một đống thịt nằm vài năm rồi mới được chết, chả lẽ đến lúc đó vợ hắn mới chịu buông tha hắn sao? Chả lẽ hắn phải uống một liều thuốc ngủ rồi tợp thêm một ly rượu mạnh để kết thúc cho nhanh những ngày khốn khổ cuối đời này. Hắn tâm sự với các con về cái cảnh ngộ không thể lường trước và cả ý định sẽ tự kết thúc sự sống của mình, thì đứa lớn cười, đứa nhỏ cũng cười như chúng vừa được nghe một chuyện hết sức kỳ quái, hết sức buồn cười. Thằng lớn nói: "Bố nghĩ là đã chuẩn bị mọi chuyện chu đáo để được sống mấy năm yên ổn lúc cuối đời nhưng lại quên mất mẹ, đúng không nào? Một người như mẹ làm sao có thể gây phiền cho bố đuợc, phải không?" Nó đã bốn mươi tuổi, cũng là đứa chịu đọc, chịu nghĩ, chắc nhận xét của nó cũng không đến nỗi vô cớ. Thằng nhỏ ăn nói bỗ bã hơn: "Trường hợp của bố cũng là hiếm đấy, ra ngoài bố được đẩy lên tận mây xanh, về nhà lại bị bà vợ kéo xuống tận đáy vực". Con gái cũng cười: "Chả ai ở đời được hoàn toàn mãn nguyện cả, được cái này thì mất cái nọ, cũng là lẽ công bằng". Thằng lớn lại nói tiếp: "Thà để mẹ kéo bố xuống bùn còn hơn để người khác kéo. Mẹ kéo thì còn gỡ được, chứ người khác kéo thì hết gỡ". Thằng nhỏ nói: "Ðã lên cao thì phải chuẩn bị có ngày xuống thấp, xuống thấp trong nhà chả hơn à? Câu trên là bố vẫn nói, còn câu sau là của con". Ðúng, chính hắn đã từng nói như thế, chuẩn bị như thế, chỉ không ngờ cái người kéo hắn xuống lại chính là "kẻ nô lệ một đời" của mình. Cũng là sự trừng phạt xứng đáng thôi, ở đời chả có sự ngông cuồng nào lại không bị trừng phạt, chả có sự mãn nguyện nào lại không phải trả giá, chỉ có điều cách trả giá và cái lúc phải trả giá thì luôn luôn bất ngờ, một người luôn canh chừng bản thân như hắn cũng phải bàng hoàng mất gần hai năm vì những sự việc không thể tính trước. Và hắn bắt đầu viết, do một như cầu tự giải thoát mà hắn viết.Viết lại một truyện dài cũng là một bất ngờ nữa, vì đã mười năm nay hắn không nghĩ là hắn còn viết được truyện dài. Nay hắn cần viết một truyện dài là để có thì giờ ngẫm nghĩ về tất cả, có công việc phải bận bịu, phải lo lắng sẽ bớt đi những bực bội của một tuổi già thiếu may mắn. Và càng ngẫm nghĩ về mình hắn càng nhận ra những lầm lỗi trong cách ăn ở với bạn bè, với vợ con. Thì đã có lúc nào hắn thật quan tâm tới cái phần máu thịt đã cùng lo lắng, buồn vui suốt mấy chục năm. Không để ý tới họ thì họ chỉ như những thực tế đơn giản, vô tri, chỉ biết làm theo sự chỉ huy của một người chồng, một ông bố rất có trách nhiệm với vợ con nhưng lại buộc họ phải hoàn toàn phụ thuộc vào những quyết định lớn nhỏ của mình. Họ không có cuộc sống riêng sao, không có những yêu ghét tính toán và những hy vọng của riêng họ sao? Trách nhiệm của chính nhà văn là phục vụ con người, là bằng tài năng của mình tháo bỏ mọi tín điều, mọi trói buộc để con người được nghĩ ngợi tự do hơn, hành động tự do hơn, để họ có thể huy động toàn bộ ý chí và năng lực của họ vào cái sự nghiệp mà họ đang ấp ủ. Cái đó gọi là nghệ thuật phục vụ nhân sinh. Cho nên người cầm bút do chức trách của nó bao giờ cũng là một chiến binh tình nguyện của cuộc đấu tranh cho quyền tự do và dân chủ của con người, từ gia đình mình trở đi. Chứ ai có thể ngờ người chiến sĩ của dân chủ lại là tên độc tài trong gia đình. Và hắn đã bị những tên "nô lệ về tinh thần" trừng phạt lại một cách đích đáng cũng là điều dễ hiểu. Càng viết hắn càng thấy nhẹ nhõm, càng thấy buồn cười vì cái cảnh ngộ trớ trêu của mình. Hắn đã biết tội và vui vẻ nhận sự trừng phạt, dầu rằng sự trừng phạt ở ngay nơi trú nấp cuối cùng là hết sức khó chịu, là rất khó chấp nhận. Có thể nhận tội với xã hội rồi chạy về trú nấp ở gia đình. Xã hội nhiều người lắm việc, không ai có thì giờ nhìn chăm chú mãi một người, chỉ quan tâm có lầm lỗi của một người, cộng đồng vốn mau quên cả công lẫn tội. Nhưng trong một gia đình mọi người nhìn nhau chằm chằm từ sáng đến tối, chả quên cái gì, và có thể nhớ từ đời này qua đời nọ nên rất khó chịu. Khó chịu ở gia đình lại không thể tìm ra nơi trú nấp nào khác ngoài nhà nhân tình, tiệm hút, sòng bạc, đó là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ có một số ông chồng trong giới viết văn từng chạy trốn gia đình bằng các cuộc phiêu lưu vặt, gọi là đi thực tế và các trại viết dài ngắn, đi mãi cũng phải về, chả giải quyết được gì. Còn hắn, hắn chạy trốn vào trang giấy, hắn đã trốn vào đó nhiều lần, mỗi dòng viết phảng phất như một lời thú tội, vừa viết vừa điều chỉnh lại cách sống của bản thân bằng những cách sống dũng mãnh hơn, phóng khoáng hơn, nhiều nghị lực hơn của các nhân vật hắn ngưỡng mộ. Hắn sống tốt hơn, thông minh hơn, có thêm nhiều người thương, bớt đi những người ghét hoàn toàn là nhờ vào những trang viết từ trẻ đến già. Một đời người đi rồi viết, năm này qua tháng khác, chả chơi bời gì, chả có lúc nào thử quên đi cái nghề của mình, cái nghiệp của mình, làm người hoàn toàn tự do với những nhu cầu bẩm sinh của con người, hồn nhiên, ngu muội, mắc lầm lỗi giống như mọi người, nhiều lần thất bại như mọi người, có nghĩa là được chìm nổi cùng với thiên hạ chứ không chỉ biết vui buồn trên trang giấy, phiêu lưu, thành bại trên trang giấy. Sống thông qua số phận các nhân vật của mình đâu phải là đã sống, không sống đến triệt để, đến tận cùng làm sao viết được những câu văn đời người, mãi mãi còn gây thắc mắc cho nhiều thế hệ bạn đọc. Một nhà văn thành công một đời chưa hẳn đã là thành công, chỉ là một viên chức nhà nước với những thành công vặt vãnh trong cái nghề của anh ta, trong phòng giấy của anh ta, một thứ văn chương giống như đời người mà chưa hẳn là đời người, một đời người chỉ cần một trăm trang sách, là máu, là nước mắt một đời trút vào đó, chứ máu đã bôi lên vài ngàn trang sách lại là máu loãng rồi, máu pha nước lã rồi, máu nhân tạo rồi. Thành công của hắn có thể chỉ là thành công giả, còn những khốn khó của vợ để gìn giữ sự yên ấm của một mái nhà lại là những khốn khó có thật, khốn khó sinh con, nuôi con với bao nhiêu vất vả lo lắng, chạy vạy của nhiều năm trong chiến tranh, lại nhiều năm tháng trong một thứ hoà bình phấp phỏng, trong vô vàn thiếu thốn, thiếu gạo, thiếu thịt, thiếu sữa, thiết bột ngọt, thiếu vải, vải đen may quần cho vợ, vải đẹp và mềm cho các con, thiếu cả kim chỉ, mỗi lần mua được một thứ thiếu sau bao nhiêu mưu mẹo, nhờ vả, giành giựt, vợ hắn đạp xe về, ôm hàng về, mặt tươi rói từ ngoài cửa: "Mua được rồi, vừa vặn đến mình là hết!" Ðó cũng là thành công, thành công trong cuộc sống khó khăn của mỗi ngày, thành công đó chả có bằng khen, phần thưởng, huân chương, huy chương nào ngoài vẻ mặt rạng rỡ của chồng, cái cười rất tươi của chồng, và một câu nói dịu dàng, hàm ơn: "Vất vả cho em quá thôi, thế là anh đỡ lo hẳn rồi... các con đang thiếu, nhà mình đang thiếu..." Hắn hãy nhìn kỹ lại vợ đi, nhìn chăm chút một lần thử coi, sau hơn bốn chục năm phục vụ cho sự nghiệp của chồng được xem là thành công vào lúc này nhưng ai mà biết được những bạn đọc chục năm tới sẽ đánh giá như thế nào! Còn vợ hắn từ một cô gái nông thôn hơi ngây ngô nhưng mà đẹp, cái đẹp khoẻ mạnh của đồng ruộng đã sinh cho hắn những đứa con thông minh, tháo vát và ngoan, thích ứng được với cuộc sống hôm nay, đã là một bà già đi lại lom khom, tóc bạc quá nửa, cái nhìn bạc phếch ngơ ngác trên một gương mặt đã nhỏ đi rất nhiều, đã héo lại, đã khô lại với màu da vàng nhạt, với nhiều vệt xám ở má ở thái dương, chỉ có hàm răng là vẫn đều như xưa, vẫn trắng như xưa, vẫn nhận ăn phần xương của gà của cá, nói thì thào với chồng: "Ðể tôi ăn xương cho, ông ăn phí lắm!" Vậy còn muốn dành lại cho ai nữa mà vẫn sợ ăn tiêu phí phạm, con cái đã có nơi có chốn cả rồi. Nghĩ tới đó nước mắt hắn tự nhiên ứa ra. Vợ hắn nói: "Mấy tháng nay ông thay tâm đổi tính làm tôi cũng lo". Hắn cười: "Làm người chồng tốt hơn cũng lo à?" - "Lo chứ, lúc sắp xuôi tay là hay đổi tính lắm" - "Năm nay tôi đã bảy mươi ba rồi, có chết cũng là tận số, không còn chết non chết yểu gì đâu!" - "Cả đời mãi đến lúc này mới được an nhàn một chút, ai muốn chết sớm!" Hắn đùa: "Bà giam tôi như giam tù cả mấy năm tôi còn muốn sống thêm làm gì". Vợ hắn nhìn hắn bằng cặp mắt nhăn nhúm, mờ đục: "Ông cứ sống như ý ông thích, ông đừng có bỏ tôi là được". Hắn lắm lấy bàn tay chỉ còn da với xương của vợ, ngồi nhìn lặng một lúc lâu, rồi bảo: "Những thứ bà giúp tôi đều là những thứ giá trị thật, mãi mãi không thay đổi, còn những gì tôi cống hiến cho đời như tôi thường nghĩ, đến lúc này tôi lại phân vân không rõ nó có là giá trị thật như những gì bà đã cho bố con tôi không?"
Hết