Chương 32
Người Cầm Đầu Lại Là Đằng Tuấn

    
ướng Viễn cười nói: "Em đâu phải là Triệu Mẫn, em cũng đâu có cắn anh. Nếu thực sự khiến em hận đến ngứa cả răng thì em không chỉ cắn anh đơn giản vậy thôi đâu".
Lúc Hướng Viễn về đến nhà Diệp gia đã hơn chín giờ tối. Công ty vừa tiếp nhện một công trình ở Vân Nam, lợi nhuận rất cao, gần đến ngày giao hàng, bộ phận kỹ thuật và sản xuất đều phải tăng ca, những xưởng máy càng phải ngày đêm không ngừng nghỉ. Cô cũng thường xuyên như thế, yêu cầu mọi người tăng ca và chính bản thân cô cũng không nghỉ ngơi.
Chiếc xe dừng trước cánh cổng sắt, Hướng Viễn nháy đèn nhưng không thấy dì Dương ra mở cổng. Cô đành tự mình xuống xe, lấy chìa khoá trong túi ra, tra vào ổ khoá đã hơi gỉ sét.
Lúc cô cho xe vào, nhìn từ kính chiếu hậu, toà nhà nhỏ dưới ánh đèn điện chiếu sáng càng trở nên cũ kĩ. Ngôi nhà đã cũ, đến bà giúp việc cũng thế. Hướng Viễn không chỉ một lần kiến nghị Diệp Khiên Trạch dọn ra ngoài ở. Hiện tại, hai người già đều không có nhà, Diệp Quân nghỉ hè cũng kiếm cớ làm thêm không về mà thuê nhà ở với bạn, Diệp Linh cũng bị đưa đến một viện điều dưỡng tư nhân ở thành phố khác sau khi Diệp Khiên Trạch và Hướng Viễn kết hôn không lâu. Ở đó, cô có thể tránh xa những việc và những người cô không muốn gặp, lại nhận được sự chăm sóc chu đáo nên tình trạng sức khoẻ ngày càng tốt hơn. Và như thế, một ngôi nhà mênh mông, thực ra chỉ có vợ chồng Hướng Viễn và dì Dương ở.
Diệp gia cũng không phải là không có đất đai, nhà cửa khác ở bên ngoài. Hướng Viễn cũng tự mua một căn hộ chung cư bốn phòng ở khu trung tâm thương mại sau khi kết hôn, cho dù già trẻ, lớn bé cùng tập trung ở đó cũng đủ. Ở đó cũng được trang bị tốt hơn, giao thông thuận tiện, hoàn cảnh sống cũng lý tưởng hơn nhiều so với khu phố cũ nhà họ Diệp toạ lạc - một nơi cũ kĩ, hoang vu vắng vẻ, điện nước, không khí, đường ống chứa nước… tất cả mọi thứ đều cũ kĩ, cứ hai ba ngày lại gặp sự cố. Bất tiện còn ở chỗ, số tiền chi ra cho những khoản lặt vặt thường ngày còn vượt quá mức hợp lý. Cả dì Dương, bây giờ bà ấy sống còn nhàn rỗi hơn bất kì ai trong nhà, chỉ cần dùng một phần ba số lương của bà thôi cũng đủ tìm được một người giúp việc theo giờ tốt, dọn dẹp và quản lý ngôi nhà này đâu ra đó, Hướng Viễn nghĩ, để bà về nhà an dưỡng tuổi già với con cháu còn hơn.
Những việc đó, Diệp Khiên Trạch thực ra cũng hiểu nhưng đối diện với những phân tích và kiến nghị có lý lẽ có bằng chứng của Hướng Viễn, anh thường cười cười cho qua chuyện. Anh không muốn phản đối vợ, song lại kiên trì theo cách của mình. Có lúc Hướng Viễn nổi giận, anh mới ôm lấy cô hạ giọng khuyên nhủ: "Nhà cũ cũng có lợi của nó, chúng ta vẫn ở đây, những người trong nhà rời đi đã lâu, nếu muốn quay về chí ít vẫn thấy đèn còn sáng".
Hướng Viễn lắc đầu nhưng không cố chấp để anh phải khó xử nữa. Thực ra cô biết, điều đáng trân trọng của tất cả những thứ cũ kỹ không phải ở chính nó mà là những hồi ức và linh hồn nó mang theo. Cô không thích nơi này, cả Diệp Quân cũng không thích nơi này, chẳng phải vì nó lưu giữ những hồi ức mà họ không mong muốn đó sao? Không phải thứ mà cô nhung nhớ mãi không quên cũng chỉ là ánh trăng mơ hồ đó thôi sao? Chỉ có điều cô có thói quen tiến về phía trước, Khiên Trạch lại thích quay đầu nhìn lại phía sau. Con người quá hoài cổ chung quy cũng là thói quen xấu nhưng nếu cô đã trân trọng ký ức của mình thì cũng nên trân trọng ký ức của anh.
Hướng Viễn đi qua bãi cỏ đã lâu không được cắt tỉa, mở cửa bước vào. Quả nhiên bà đang ngồi xem phim truyền hình với vẻ thích thú, nhìn thấy bóng Hướng Viễn mới miễn cưỡng đứng lên hỏi một câu: "Về rồi à? Đã ăn gì chưa?".
Sau khi Hướng Viễn được gả vào nhà họ Diệp, bà có vẻ khó xử với sự thay đổi cách xưng hô với cô. Bà muốn gọi là "bà Diệp" nhưng trong bệnh viện cũng có một bà Diệp rồi. Gọi là "thiếu phu nhân" ư? Có phải đóng phim đâu, huống hồ bây giờ chẳng còn mấy ai gọi như thế, người ta nghe thấy cũng rất kỳ cục. Một thời gian bà gọi cô là "bà Diệp nhỏ" nhưng không được bao lâu đã bị Hướng Viễn ngăn lại. "Cái gì mà bà Diệp nhỏ, sau này Diệp Quân kết hôn rồi, chẳng nhẽ dì phải gọi người kia là bà Diệp nhỏ nhỏ sao? Từ trước đến giờ dì gọi tôi thế nào thì cứ gọi như thế, mọi người đều thấy thoải mái hơn."
Nhưng tiếng gọi "Hướng Viễn" của bà vẫn không dám thốt ra. Tuy bà đã quen gọi thẳng tên với anh em Diệp Khiên Trạch, Diệp Linh và Diệp Quân và Hướng Viễn hiếm khi sai bảo bà làm việc nhưng trong lòng bà vẫn thấy e ngại cô nên đa phần là bỏ luôn phần xưng hô đi.
Ngay cả Diệp Khiên Trạch cũng đùa với cô: "Trong nhà này dì Dương sợ em nhất. Có một lần anh thấy dì đang ăn bánh trong bếp, lúc em đi ngang qua, dì sợ đến độ không nghĩ ngợi gì mà nhét luôn miếng bánh còn lại vào túi áo. Anh bèn hỏi, Hướng Viễn có bảo là không được ăn bánh à? Dì ấy bảo không có nhưng hễ thấy em là hoảng lên. Em nói xem nên nói thế nào đây?". Hướng Viễn bèn cười đáp lại: "Em xem dì ấy như Bồ Tát ấy, sợ em để làm gì? Rồi sao nào, chẳng lẽ anh cũng sợ em?". Anh thì thầm vào tai cô: "Anh sợ em bỏ mặc anh".
Lúc này, Hướng Viễn "ừ" một tiếng, thay giày rồi lên lầu, đến nửa đường bỗng dừng lại, nói với bà giúp việc đang tiếp tục đắm chìm trong tình tiết của phim truyền hình: "Phải rồi, dì Dương, cỏ trong vườn mọc cao quá rồi, nếu dì không cắt tỉa được thì gọi điện bảo người ta đến làm, đừng để mọi người đi ngang qua nhìn thấy lại tưởng đây là di sản văn vật."
Nói xong, cô tiếp tục bước nhanh lên cầu thang, không hơi đâu đoán xem người dưới lầu có bất mãn gì hay không. Trước kia, Diệp Quân từng vô tình nghe thấy bà nói Hướng Viễn là người nhà quê nên tỏ ra rất không vui, song Hướng Viễn cũng phớt lờ. Cô vốn là người nhà quê đấy, có sao đâu! Hà tất phải so đo với người hồ đồ làm gì.
Diệp Khiên Trạch phải đi họp ba ngày, hôm nay mới ngày thứ hai. Trước kia người bận rộn là Hướng Viễn, bây giờ về nhà, thấy căn phòng trống rỗng khiến cơ có chút không quen. Tắm rửa xong, tóc vẫn chưa khô hẳn cô đã nằm bò ra giường không muốn nhúc nhích, chỉ mấy phút sau, cô đã chìm vào giấc ngủ. Không rõ tại sao lại có người mất ngủ, đối với Hướng Viễn mà nói, bận rộn chính là thứ thuốc ngủ hữu hiệu nhất.
Lúc này Hướng Viễn cảm thấy giường hơi rung lên, sau đó cô nhận ra có một đôi tay đang vén gọi mái tóc ẩm ướt của mình sang một bên. Cô giật mình, chưa kịp phản ứng gì thì đôi tay e dè gạt tóc cô ra đã bắt đầu nhẹ nhàng di chuyển lên vai và cổ cô, hơi nóng của bàn tay ấy quen thuộc đến nỗi không cần quay lại cô cũng biết nó thuộc về ai.
"Về từ khi nào thế, sao em không biết?", Hướng Viễn nhắm mắt hỏi.
Diệp Khiên Trạch nói từ phía sau: "Được một lúc rồi. Lúc nãy trong thư phòng, anh nghe thấy tiếng xe của em. Sao thế, dì Dương không bảo em biết à?"
"Dì ấy còn bận xem phim truyền hình".
Lực tay anh luôn vừa đủ, giống như những khát vọng của cô luôn sinh ra đúng lúc. Phần vai căng cứng của Hướng Viễn dần thả lỏng, cô thở ra một hơi dài thoả mãn, cảm thấy như vậy thật tốt, cô đã quên hết những mệt nhọc trước đó là vì điều gì.
"Anh nói đi họp mà sao về sớm vậy? Suýt nữa làm em giật mình", cô vừa nói vừa đưa tay đặt lên bàn tay đang vuốt ve người mình của Diệp Khiên Trạch.
"Về sớm không được sao?" Lúc Diệp Khiên Trạch nói, anh khẽ nhích lại gần Hướng Viễn, hơi thở ấm áp phả vào gáy cô. Hướng Viễn khẽ trở mình, quay lại nhìn anh. Anh đã tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo ở nhà, tinh thần sảng khoái, chỉ có quầng mắt hơi thâm. Hướng Viễn đưa ngón tay cái vuốt ve quầng mắt anh. Đây là người đàn ông khiến cô ngày đêm mong nhớ, bất chấp tất cả để lấy anh, vẫn lương thiện dịu dàng như trước, nhưng rốt cuộc từ bao giờ, ánh mắt dịu dàng của anh đã không che dấu được những tâm sự của mình.
Ngón tay Hướng Viễn hơi lạnh, Diệp Khiên Trạch cười tránh né, nắm lấy bàn tay không an phận của cô. Hướng Viễn nhìn thấy vị trí giữa ngón cái và ngón trỏ của anh có một vết thương hình lưỡi liềm, giống như vết răng cắn, có phần đáng sợ.
"Gì thế này?", Hướng Viễn tỏ ra kinh ngạc, lật người lại, nhấc tay anh lên nhìn kỹ. Ngón tay cô ấn vào vết thương: "Đau không?".
Diệp Khiên Trạch khẽ run lên nhưng giọng nói lại bình thản vô cùng: "Không sao! Lúc nghỉ ngơi giữa cuộc họp, anh nhìn thấy một đứa bé trong khách sạn rất đáng yêu nên muốn chọc nó một chút, ai ngờ cậu nhóc đó hung dữ quá, cắn anh một cái thật mạnh. Vết thương nhìn thì đáng sợ nhưng thực ra chẳng có gì. Anh cũng đã gọi bác sĩ trong khách sạn sát trùng rồi". Anh vừa nói vừa dùng bàn tay kia vuốt tóc Hướng Viễn như đang than thở: "Xem ra anh và trẻ con tạm thời chưa có duyên với nhau".
Diệp Khiên Trạch yêu trẻ con, Hướng Viễn luôn biết điều đó nhưng Giang Nguyên đang ở giai đoạn phát triển quan trọng nhất, cô không có thời gian cũng như công sức để mang thai chín tháng mười ngày rồi tạo ra một sinh mệnh mới. Cũng may Diệp Khiên Trạch thông cảm nên không hề làm khó cô nhưng trong lòng vẫn cảm thấy tiếc nuối.
Hướng Viễn cười cười nhìn vào mắt anh, nói: "Đứa bé này thật đáng sợ. Nếu anh không nói, em còn tưởng anh bị một đứa điên nào đó cắn chứ!". Thấy anh không nói gì, một lúc sau, cô cười "phì" một tiếng, nói: "Trên tay Trương Vô Kỵ hình như cũng có một vết răng như vậy thì phải?".
"Anh là Trương Vô Kỵ thì em cũng thành Triệu Mẫn rồi?" Diệp Khiên Trạch chọc lại cô.
"Lại sai rồi!" Hướng Viễn nghiêm mặt, khẽ đặt bàn tay bị thương của anh xuống, ánh mắt như đang tức giận song vẫn cười: "Em đâu phải là Triệu Mẫn, em cũng đâu có cắn anh. Nếu anh khiến em hận đến ngứa cả răng thì em không chỉ cắn anh đơn giản vậy thôi đâu".
Diệp Khiên Trạch nghe vậy thì mỉn cười. Một lúc sau, cô nghe thấy một giọng nói mơ hồ bên tai: "Vậy em ăn anh đi, Chỉ Nhược".
Hướng Viễn nhắm nghiền mắt. Đang lúc "căng thẳng" thì di động của cô để đầu giường rung lên từng đợt, quét sạch cảm hứng. Diệp Khiên Trạch và cô tựa đầu vào nhau, anh nói: "Phải nghe à? Tạm thời coi như không nghe thấy được không?".
Hướng Viễn khẽ cười, ánh mắt đong đưa nhưng cuộc gọi ấy không chịu buông tha cô, cứ rung lên bần bật như có một linh hồn kinh khủng nào đó đang nấp trong đó rồi gào thét đòi thoát ra ngoài.
"Nghe đi, muộn thế này rồi, em nghe xem có việc gì không?", Diệp Khiên trạch cười đau khổ, bất lực buông cô ra. Hướng Viễn khẽ hôn lên môi anh như chuồn chuồn đậu trên mặt nước: "Đợi em, nhanh mà".
Cô quay người lấy điện thoại, mặt vẫn ửng đỏ. Cô nghe máy, giọng nói vẫn mang nét cười: "Phó tổng Lý, có chuyện gì thế?".
Diệp Khiên Trạch cũng ngồi dậy, chăm chú nhìn vợ nghe điện thoại. Huớng Viễn không lên tiếng gì, một lúc sau nụ cười trên gương mặt tắt lịm, sắc mặt trở nên nặng nề.
"Chú cố ngăn họ lại, đừng để ai gây sự thêm, cũng đừng để người ngoài trà trộn vào, tôi sẽ đến ngay."
Nói xong, cô nhảy ngay xuống giường, không nói năng gì đã bắt đầu thay quần áo.
"Sao vậy?" Diệp Khiên Trạch cũng nhận ra vẻ lo lắng trên mặt cô.
Hướng Viễn vừa cài khuy áo vừa giải thích: "Phó tổng Lý nói, đám công nhân trực đêm đánh nhau. Một bên là người bản địa của Giang Nguyên, bên kia là người Hồ Nam, đánh nhau giữ dội lắm. Hơn trăm người liều mạng với nhau trong xưởng, đã gục mấy người rồi, khuyên can không được."
"Sao lại thế được?" Diệp Khiên Trạch nhíu mày, vội vã đứng dậy thay quần áo rồi nói: "Anh đi với em, Phó tổng Lý cũng không can được thì một phụ nữ như em lỡ không may bị thương thì sao?".
"Không, Khiên Trạch, anh mau đi tìm mấy người bạn làm ở toà án đi. Phó tổng Lý nói ở đó có người cầm máy ảnh chụp rồi. Chuyện này mà truyền ra ngoài thì gay lắm. Chúng ta chia ra hành động".
Nói xong, cô tiện tay buộc tóc lại, khẽ ôm Diệp Khiên Trạch rồi vội vả cầm điện thoại và chìa khoá chạy xuống dưới.
Lúc Hướng Viễn đến công ty, xe của Diệp Bỉnh Văn đã đỗ ở đó. Hướng Viễn khẽ thở dài, lúc có chuyện cần giúp thì không trông chờ gì được ở ông ta nhưng khi gặp phiền phức thì ông ta nhanh hơn bất kỳ ai. Cô không dám xin Diệp Bỉnh Văn giúp cứu hoả, chỉ mong ông ta đửng đổ thêm dầu vào lửa là tốt lắm rồi.
Lúc xuống xe, đội trưởng đội bảo vệ và quản lý phòng xưởng đã đợi ở đó. Hướng Viễn cầm lấy mũ bảo hiểm họ đưa, không phí thêm lời, lập tức chạy ngay đến hiện trường.
Quản lý phòng xưởng là một người đàn ông trung niên, cuống quýt chạy theo sau cô, báo cáo nguyên nhân xảy ra sự cố và tình hình hiện tại. Họ cũng nhận được điện thoại từ người phụ trách ca đó trong xưởng. Nguyên nhân là do một người trưởng máy là nhân viên chính thức và một công nhân hợp đồng người Hồ Nam không hiểu cãi nhau từ khi nào, sau đó người quen của họ cũng lần lượt đế n tham gia. Cuối cùng cũng không biết vì cái gì, chẳng những mọi người khuyên nhủ không có tác dụng mà ngược lại đôi bên còn tụ tập thành hai phe, bắt đầu xông vào đánh nhau. Sau khi Phó tổng Lý đến, dựa vào uy tín của ông ở xưởng nên cuộc ẩu đả tạm thời dừng lại nhưng hai bên vẫn chửi rủa nhau, không ai chịu nhường ai, tình hình rất căng thẳng.
Trong lúc báo cáo tình hình, xưởng sản xuất khung thép đã hiện ra trước mắt, không cần ai chỉ đướng, Hướng Viễn biết chỉ cần đến nơi ầm ĩ tiếng người kia, chắc chắn đó là trung tâm bão.
Lúc cô đến gần, những người đang vây thành vòng tự động dãn ra một lối nhỏ chỉ cho phép một người đi qua, Hướng Viễn bước vào trung tâm vòng tròn với vẻ mặt lãnh đạm. Phó tổng Lý, Diệp Bỉnh Văn, và cả những nhân viên quản lý của ca trực đều có mặt ở đó. Những người bị thương nằm la liệt trên mặt đất, không bị đánh toạc đầu thì tay chân cũng bê bết máu, bác sĩ của xưởng bị dựng dậy lúc đang sau ngủ cũng bận đến nỗi toát cả mồ hôi.
Thấy Hướng Viễn xuất hiện, Phó tổng Lý thở phào nhưng hai nhóm vẫn trừng mắt giận dữ, thậm chí không khí vừa yên tĩnh trở lại, giờ bắt đầu căng thẳng hơn cùng sự có mặt của những người đương quyền.
Diệp Bỉnh Văn phủi phủi ống tay áo không biết đã bị dính gỉ sắt từ lúc nào, nhìn quanh rồi chỉ vào Hướng Viễn nói với mọi người: "Người có quyền đến rồi, các người đánh nhau vỡ đầu cũng vô ích, ai đúng ai sai thì hỏi cô ấy cho công bằng". Diệp Bỉnh Văn quay sang nhìn Hướng Viễn nói tiếp: "Gọi cô đến thật khó quá. Tôi về công ty lấy chút đồ, không ngờ lại đúng lúc có chuyện. Tuy nó không thuộc phận sự của tôi nhưng ai bảo tôi cũng mang họ Diệp làm gì! Bác sĩ của xưởng tôi đã gọi đến giúp cô, những người nằm kia đều bị thương khá nặng, may mà chưa ai mất mạng, phóng viên cũng thấy cả rồi. Có lẽ với tình hình này thì ngày mai Giang Nguyên chắc chắn sẽ có cơ hội xuất hiện trên tin tức buổi tối rồi".
Hướng Viễn liếc nhìn người đàn ông đeo kính đang tức tối vì bị thương, phó phòng bảo vệ khống chế gần đó rồi nói với Diệp Bỉnh Văn: "Vất vả quá, có điều phòng viên này đến cũng hơi bị nhanh đấy".
Nói xong, cô gọi quản lý phòng xưởng đến, thì thầm vào tai ông ta vài câu rồi đích thân đến gần tay phóng viên kia, ra hiệu cho trưởng, phó phòng bảo vệ buông tay, trách móc: "Người đến là khách, quy tắc này cũng không hiểu à? Tự dưng lại để người khác chê cười!".
Cô vừa nói vừa lấy máy ảnh trên tay trưởng phòng bảo vệ đang hối lỗi, kiễm tra kỹ lại một lúc rồi cười cười quay về hướng người đàn ông đeo kính đang xoa xoa cánh tay: "Những người này không hiểu chuyện xin anh đừng trách. Anh không bị thương chứ? Thật ngại quá". Cô vén một sợi tóc ra sau tai, đưa trả máy ảnh cho đối phương rồi tiện thể gửi luôn một tấm danh thiếp. Người đàn ông đeo kính đó giận dữ kiểm tra cần câu cơm của mình rồi nhìn qua danh thiếp, có phần ngạc nhiên: "Cô chính là Hướng Viễn, người phụ trách mà họ nói đó à? Cô… cô là phụ nữ à? Có điều phải nói thật là cách tiếp đãi khách của Giang Nguyên các cô quả thực không biết điều chút nào. Nếu máy ảnh mà có hư hại gì thì chuyện này không bỏ qua như vậy đâu."
Hướng Viễn cười tươi hơn: "Cách xử lý của họ không thoả đáng, xin anh đừng trách nhưng công ty cũng có chế độ của công ty, đều phải nghĩ đến trị an và an toàn cho mọi người. Bình thường ra vào xưởng máy, nhất là đên khuya bắt buộc phải có thẻ công tác, đồng thời ai đến cũng phải đăng ký. Thực ra những phóng viên lớn như anh, bình thường rất khó mời đến, có điều bọn họ chưa hiểu chuyện, tưởng có người rảnh rỗi đến đây gây loạn nên mới làm thái quá. Vả lại, bên trong xảy ra chuyện, việc quản lý người ra vào không còn nghiêm ngặt, anh chưa sử dụng các đồ bảo vệ an toàn tính mạng mà vào trong xưởng, nếu lơ đãng một chút thôi nhưng có chuyện gì xảy ra thì Giang Nguyên làm sao đền được đây?".
Người đàn ông đeo kính cười một tiếng, đáp: "Tôi cũng nhận điện thoại bảo mời đến. Bao nhiêu người ẩu đả thến này không phải là chuyện nhỏ, các người tưởng giữ máy ảnh của tôi là không sao à?".
"Đám công nhân này đùa giởn quá nên xảy ra chuyện, quả là không nên nhưng muộn thế này anh còn đến đây cũng rất vất vả rồi. Bây giờ ảnh cũng đã chụp, tình hình cũng ổn định rồi. Hay là thế này, thời tiết đang lạnh, hãy để quản lý Trương của chúng tôi đưa anh đến văn phòng ngồi uống cốc trà, tiện thể xem xét máy ảnh có chỗ nào xảy ra hỏng hóc hư hại gì không, nếu có thì chúng tôi sẽ đền bù".
Không cần Hướng Viễn đưa mắt ra hiệu, quản lý phòng xưởng thấy thế bèn vội vả chạt đến, nịnh nọt dỗ dành để mời thay phóng viên kia rời khỏi hiện trường. Hướng Viễn đợi anh ta đi xa, vẻ chán ghét trên gương mặt vẫn được che dấu rất kỹ. Mọi người đều biết rõ, chỉ cần anh ta chịu rời khỏi đây, sao không có thứ gì bịt miệng được chứ.
Xử lý xong chuyện bên này, Hướng Viễn mới lại gần Phó tổng Lý, hạ giọng hỏi: "Rốt cuộc là chuyện gì? Ai gây ra?"
Phó tổng Lý cau mày, cũng hạ giọng bảo lại: "Chỉ biết lúc đầu có người tranh chấp nhưng lúc sau những người không trực ca này đều đến cả, chắc là đôi bên đều có người cầm đầu, có điều dò hỏi thế nào cũng không chịu khai".
Hướng Viễn cúi xuống xem xét vết thương của những người bị đánh toạc da đầu, trao đổi ý kiến với bác sĩ rồi nói: "Vẫn phải đưa đi bệnh viện thôi. Bác sĩ Phùng, nhờ quản lý Trương phái một chiếc xe tới chở những người bị thương nặng đến bệnh viện kiểm tra. Chỉ cần họ đừng gây sự, đừng nói bậy ở bệnh viện, phí tổn để công ty trả trước, có gì để sau hãy nói. Vết thương này khá nguy hiểm, nếu tàn tật cả đời thì tệ lắm".
Nói xong, cô đứng dậy, vẻ mặt lạnh lùng quan sát hai nhóm người vẻ mặt đằng đằng sát khí. Những người đứng đầu đều là những gương mặt quen thuộc, có mấy người trên tay vẫn chưa buông vũ khí là ống sắt xuống.
"Các anh muốn làm gì?" Hướng Viễn chậm rãi chỉ quy định công ty dán trên tường xưởng máy nói tiếp: "Xem ra bình thường học chế độ và quy định cũng phí công nhỉ. Mấy thứ treo trên tường kia đều là vật trang trí à? Muốn đánh nhau cũng được, cởi bỏ đồng phục trên người, ra khỏi cổng Giang Nguyên rồi đánh nhau đến long trời lở đất cũng chẳng sao. Giang Nguyên không có loại nhân viên hở chút là ẩu đả thế này, những người chưa buông vũ khí xuống thì rời khỏi đây ngay lập tức".
Bốn bề tĩnh lặng, một lúc, sau đó "đinh đinh" mấy tiếng. Những người bỏ vũ khí xuống trước là những nhân viên chính thức dẫn đầu một nhóm, họ tự biết khả năng bị đuổi việc nhỏ hơn nhiều so với đám công nhân hợp đồng kia, áp lức không lớn, đương nhiên cũng không muốn đánh nhau nữa. Một kẻ đứng đầu còn gào: "Giám đốc Hướng, là do bọn họ động thủ trước, đánh bị thương mấy người bên chúng tôi".
Diệp Bỉnh Văn cũng chen vào: "Hướng Viễn, tôi đã muốn nói với cô từ lâu là bình thường cô dung túng cho đám người Hồ Nam quá. Bây giờ thì hay rồi, chưa gì đã đánh nhau, đúng là quá thô lỗ cộc cằn. Cái xưởng này còn quy định hay không?".
Hướng Viễn chưa kịp mở miệng thì đám công nhân Hồ Nam đã bừng bừng tức giận, mấy người cùng gầm lên: "Cùng lắm là không làm nữa nhưng cũng phải nói cho công bằng chứ".
Hướng Viễn tiến lên phía trước vài bước, đưa tay ra ngăn mấy người vẫn cầm ống sắt, bình tĩnh nói: "Đưa cho tôi… Đưa hết đây! Mấy thứ này không cần tiền để mua à? Xếp ở đây để các anh dùng nó đánh vỡ đầu người ta chắc? Các anh đánh họ chết, ngày mai sống sẽ yên ổn hơn hả? Ai chẳng có cha mẹ vợ con, cái ống này mà đậy xuống, cả nhà người đánh và bị đánh đều ngồi trơ miệng ra ăn không khí hết…Nghe tôi đi, bỏ mọi thứ xuống đã. Gây sự cả một buổi tối đã đủ rồi, cho dù các anh có lý mà giờ không buông vũ khí xuống thì cũng thành vô lý".
"Giám đốc Hướng cẩn thận!" Phó tổng Lý toát mồ hôi lạnh khi thấy Hướng Viễn đoạt ống sắt trên tay người cầm đầu xuống. Không ngờ ông ta cầm không chắc như cô nghĩ, Hướng Viễn chậm rãi đặt xuống đất, lạnh lùng nhìn những người khác đặt vũ khí xuống chân một cách cảnh giác.
"Ai đúng, ai sai thì công ty sẽ làm rõ, sẽ không để ai oan uổng, cũng không tha cho những người có lỗi, tóm lại sẽ nói rõ ràng với mọi người. Tối nay ca trực đêm tạm dừng, mọi người về nhà hết đi nhưng những người cầm đầu gây sự phải ở lại".
"Không có ai cầm đầu, là do tất cả chúng tôi cùng gây ra", có người trong đám công nhân Hồ Nam lên tiếng. Họ vẫn gườm gườm nhìn bên kia đầy thù địch. Hướng Viễn mỉn cười, nhìn đám người bản địa nói: "Tôi đoán các anh cũng đoàn kết như vậy, đúng không?".
Cô cười vẻ bất lực với Phó tổng Lý rồi quay sang nhìn mọi người, nói: "Quy tắc của Giang Nguyên có giấy trắng mực đen rành rành, mọi người đều rõ cả. Đánh nhau là vi phạm nghiêm trọng luật lệ công ty, chuyện này tuyệt đối không thể bỏ qua. Nhưng tôi biết đa số các anh đều không có lỗi, ai lại khoanh tay đứng nhìn đồng hương mình bị bắt nạt chứ, nhất thời xúc động rồi mất lý trí theo cũng là chuyện bình thường. Như tình hình hiện tại, tôi không trách mọi người, công ty cũng có thể thông cảm. Song chuyện gì cũng có kẻ cầm đầu châm lửa, đó mới là nguyên nhân dẫn đến mọi vụ lộn xộn. Các anh chỉ vì một số ít người mà muốn cùng nhau thất nghiệp sao?" Hơn nữa, các anh không nói thì chẳng lẽ đối phương không nói ra sao? Bao nhiêu cặp mắt nhìn thấy, các anh nghị là không ai nói à? Đừng nói tôi không cho các anh cơ hội tìm ra người cầm đầu, nếu sau này chúng tôi tìm ra người gây chuyện thì các anh đừng mong thoát tội".
Phó tổng Lý nói với đám người bản địa đang xầm xì to nhỏ: "Đừng nghĩ công ty không dám làm gì các anh. Có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra thì cho dù ký hợp đồng rồi cũng cuốn xéo hết cho tôi!".
Đám người đó im lặng một hồi vẫn không ai lên tiếng nhưng xem ra bước chân mỗi người đều dần dần tản đi. Cuối cùng, còn lại một người đứng lại, đó là một người đàn ông vẻ mặt ngượng ngập gần năm chúc tuổi.
Hướng Viễn làm ra vẻ như đột ngột vỡ lẽ: "Bác Phùng, thì ra là bác".
Mặt ông Phùng đỏ bừng một cách kỳ lạ, có vẻ như trước khi làm việc ông ta đã uống khá nhiều rượu. Lúc này, tuy ông ta giận giữ song cũng không dám làm gì, chỉ tiến lên một bước rồi nói: "Tôi muốn dạy dỗ cái đám ngoại tỉnh đó thì sao nào? Nếu không thì sớm muộn gì bọn đấy cũng trèo lên đầu chúng tôi. Bọn đấy là gì chứ? Năm ấy, khi tôi theo Chủ tịch Diệp thì mới chỉ có mười mấy người chúng tôi đứng máy tạo nghiệp, khi đó bọn đấy còn chưa biết đang lang thang ở đâu. Tiểu Lý, cậu có dám nói cậu không phải đệ tử do một tay tôi đào tạo ra không?".
Phó tổng Lý đột nhiên thấy khó xử. Hướng Viễn biết những điều ông Phùng này nói chắc chắn không phải giả dối, cô gật gật đầu nói: "Bác Phùng, mấy năm nay quả thực công lao rất lớn nhưng Giang Nguyên đã bao giờ đối xử tệ với bác chưa? Nếu không phải Chủ tịch Diệp nể tình cảm cũ thì làm sao bác có thể mỗi ngày uống ba chén rượu, khoanh tay nhìn đám công nhân hợp đồng làm việc vất vả còn mình thì an nhàn hưởng tuổi già? Phó tổng Lý là đệ tử của bác? Đúng, nhưng cũng may bác Phùng vẫn giữ lại bí quyết, công phu đánh nhau này vẫn chưa kịp truyền lại cho đệ tử".
Cô không muốn nhìn gương mặt già cỗi đang biến sắc đó nữa liền quay sang đám công nhân Hồ Nam, đổng phục rách rưới tệ hại hơn đám bản địa, thở dài bảo: "Các anh thì do ai cầm đầu? Không chịu nói à? Đến đây mưu sinh, tìm được công việc rất khó khăn, muốn cùng nhau thu dọn tay nải về quê hương thật à?".
Không ai nhúc nhích nhưng họ đều cúi gầm mặt xuống.
"Trong đám các anh, ai đã có gan ra mặt cho đồng hương thì sao phải để bạn bè chịu phạt thay mình?".
Cô đợi mấy giây trong sự tĩnh lặng, cuối cùng cũng nghe thấy một giọng nói vang lên:
"Là tôi, do tôi cầm đầu".
Hướng Viễn nhìn chằm chằm vào anh chàng bước ra từ đám người, trong lòng bỗng cảm thấy rất phức tạp, "Thì ra là cậu, Đằng Tuấn", cô nói.