Chương 33

Cuộc sống mới tuy thật hạnh phúc nhưng đầy âu lo. Chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối vì sống trong một chế độ thối nát. Vì kế mưu sinh, tôi phải trực diện hằng ngày với lũ "chó sói". Chúng tiến tôi tiến, chúng lùi tôi lùi, tánh tôi lúc nào cũng cương trực, không chịu cúi đầu nên bị chúng bắt nhốt nhiều lần. Những lần như thế, vợ con tôi phải tha phương cầu thực để có tiền thăm nuôi tôi. Tội nghiệp con tôi, một đứa bé chưa ráo máu đầu vì tôi đã phải ăn xin ngoài đường. Mỗi lần vào thăm, thấy mặt nó lem luốc, mũi chảy lòng thòng, lòng tôi quặn lại. Tôi chỉ biết nghẹn ngào nhìn vợ nhìn con lòng đầy hối hận. Thế là từ đó tôi quyết định đóng vai "câm điếc" trước đám công an "chó sói" khi có chiến dịch.
Ngày ra khỏi tù, mặc dù cơ thể tôi vì bệnh lao phổi, tôi phấn đấu tới cùng, hy sinh tất cả để cho vợ và con được bình yên. Tôi cố che giấu cơn đau để rồi đêm đêm khóc thầm cho số phận bi đát. Tôi muốn vượt thoát mặc cảm tàn phế để hòa mình vào cuộc sống, nhưng số phận cứ tiếp tục khắc khe với chính tôi. Thời gian này là thời gian tôi tranh đấu gian nan cho sự sống của bản thân vàcủa gia đình, nhưng làm sao có chỗ đứng khi chỉ biết trốn chạy. Mỗi ngày tôi cứ bày hàng ra và ôm hàng chạy trốn, cuộc sống như thế tiếp diễn đều đặn. Tôi chỉ mong được yên phận nhưng người ta không cho tôi cơ hội đó.
Ngày tháng cứ trôi qua, anh em chúng tôi sống triền miên trong cảnh đói khổ. Chính quyền cộng sản bố ráp một thời gian rồi lại buông thỏng, những người đói khổ như chúng tôi may mắn không bị bắt đưa vào các trại tập trung cải tạo lao động được dịp bày hàng ra hè phố buôn bán. Mãi lo làm ăn, không ai nghĩ tới chuyện đề phòng công an bố ráp. Khoảng thời gian này, tôi ngỡ như là cây khô được tưới nước mưa và cảm thấy yên tâm. Tôi hăng say công việc bơm vá ruột xe. Nhưng nỗi hạnh phúc nhỏ này không kéo dài lâu, độ một hai tháng sau chiến dịch dẹp lòng lề đường lại tái diễn, cuộc sống bất ổn trở lại.
Không thể hình dung được cuộc sống trong xã hội này, người dân là chuột, chính quyền là mèo, mèo muốn vờn chuột lúc nào cũng được. Khi no thì mèo nghỉ, khi đói mèo rình bắt chuột. Nhân phẩm con người không có trong xã hội này. Sự đau khổ là dấu ấn của "thời đại xã hội chủ nghĩa", nó in sâu vào tâm trạng người dân nghèo khó như giấy thông hành đi vào thiên đường cộng sản. Nhiều lúc tôi cố quên nỗi đau thương và tủi hận hôm nay để tìm về quá khứ, tiếc thương một thời vàng son trong xã hội cũ, nơi đó con người biết sống với luật "nhân quả", ăn lành ở hiền, tôn trọng nhân phẩm của nhau và cư xử như những con người.
Bản nhạc "Tình khúc thứ nhất" có một đoạn như sau: "có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai". Đúng Đức Phật đã nói: "Cuộc đời này quả là biển khổ", nhận thức được nó là đã giác ngộ, phải tìm cách thoát ra và quên đi nỗi khổ. Taylor nhận định: "Chẳng có hạnh phúc tột đỉnh nào trên trái đất này mà không trĩu nặng những thương đau. Chẳng có hạnh phúc nào lên đến tột đỉnh mà không bị đổ nhào vì những tai ương". Byron cho rằng: "Con người là cái quả lắc giữa nụ cười và nước mắt. Ai chưa biết khóc thì chưa hẳn là người.
Người ta chào đời bằng tiếng khóc và lìa đời cũng bằng nước mắt. Đời người tuy ngắn ngủi, nhưng cũng rất dài. Chúng ta không dừng ở một điểm nào vì không biết điểm nào là điểm cuối cùng. Đời sống là một cuộc chiến đấu liên tục, chiến đấu với ngoại cảnh và chiến đấu với bản thân, do đó cần phải vượt lên nỗi đau bằng cách chấp nhận nó để sống. Vấp ngã sẽ giúp chúng ta vững tiến trên đường đi tới, đừng vì nó mà thối chí và chùn chân trong vũng lầy tuyệt vọng vì không có gì tuyệt đối trong cuộc đời, con người phải đánh đổi mạng sống hằng ngày để tìm đường sống". La Rochefoucault nói: "Chưa bao giờ chúng ta hạnh phúc hay khổ đau như chúng ta tưởng", v.v...
Những nhà tư tưởng lớn đã nói như vậy sá gì cuộc sống hèn mọn của tôi. Hiểu được điều này, tôi cảm thấy bớt bị dằn vặt và an phận với số mạng của mình. Những khi buồn khổ, tôi thường ngồi tịnh tâm suy ngẫm triết lý của đạo Phật hay những câu triết lý của những bậc vĩ nhân, đó là những tia nắng sưỡi ấm hồn tôi. Từ đó tâm thần tôi được yên ổn, những hành hạ thể xác và tinh thần của những người cộng sản không còn làm tôi bận tâm. Hôm nay có ăn, tôi vui vẻ hưởng thụ, ngày mai bị đói tôi chấp nhận một cách khoang dung. Tôi tin vào luật nhân quả, ăn lành ở hiền sẽ có ngày gặp quả tốt. Tôi tha thứ cho những ai đã hành hạ tôi ngày hôm nay.
Nhưng đó không phải là tâm trạng của những người khác, họ vẫn còn căm hận lũ "chó săn". Đối với họ, những đám công an là một bầy "chó sói", trước kia chúng sống chui rút trong rừng chỉ biết cào bới những nấm mộ hoang để tìm mảnh xương vụn trong lòng đất lạnh, hôm nay chúng về thành phố, nắm giữ quyền uy và biết gậm nhấm những đĩa thịt cao sang, bản chất không hề thay đổi. Chúng được nằm ngủ trong những nhà cao tầng, những ngôi biệt thự, uống những thứ rượu ngon, đi chơi trên những chiếc xe lộng lẫy, ngủ với những thiếu nữ trẻ đẹp, nhưng vẫn không giã từ bản chất gian manh. Cho dù có mặc áo thụng, sửa đổi dáng đi, hình hài và bản chất của chúng vẫn là "chó sói". Nhưng tôi không muốn bận tâm những chuyện đó nữa, cuộc đời này đã đủ khổ đau để không còn nghĩ đến chuyện khác.
Bầu trời trở nên đen tối, những cơn gió ào ạt rít vang từng hồi. Mưa bắt đầu trút xuống, những giọt nước tung toé trên khắp nẻo đường, gây lụt lội sình lầy khắp nơi. Đài truyền thanh loan báo cơn bão cấp 9, cấp 10, đã tràn vào Việt Nam. Dân chúng lo âu tìm cách tránh né, nơi đâu cũng bị cơn bão hành hạ. Tội nghiệp nhất là đám dân lành, nhà cửa đã nghèo lại còn bị sụp. Mọi người trông ngóng ánh mặt trời trở lại.
Những ngày này cả nhà tôi phải nghỉ làm. Cái lạnh cứ ray rứt. Nhưng cái lạnh ngoài da có thấm gì cái lạnh trong tâm hồn. Chúng tôi đang chờ bàn tay nóng ấm tình người từ hải ngoại bay về kéo vực chúng tôi ra khỏi cảnh lầm than, giúp đỡ con cái chúng tôi đi về ánh nắng mặt trời.
"Mưa ơi, hãy trút xuống những cuộn sóng khổng lồ và những ngọn cuồng phong mãnh liệt xóa tan nỗi đau trên những thể xác không toàn vẹn. Nắng ơi, nắng hỡi, hãy chiếu những tia dịu hiền mang lại niềm vui cho khắp mọi nhà, xóa tan màu đen tối vây quanh. Xin ánh sáng tình thương soi sáng những tâm hồn mê muội chỉ biết hành hạ người đồng hương. Xin ánh sáng tình thương thay đổi tâm linh loài lang sói. Cầu mong sự tha thứ chiếm ngự con tim để cho thù hận chìm vào quên lãng".

*

May mắn đã đến với tôi khi được biết tại hải ngoại vẫn còn nhiều người nhớ đến chúng tôi. Tôi được bạn bè phế binh cho biết địa chỉ bác sĩ Phan Minh Hiển ở Pháp, người đang tích cực vận động giúp đỡ chúng tôi. Thế là tôi dẫn con đi chụp hình và làm giấy tờ xin bác sĩ Hiển trợ cấp nhân đạo. Con tôi may mắn được một ân nhân hải ngoại nhận làm con nuôi và giúp tôi tiền để điều trị bệnh lao.
Viết lại theo lời kể của Bất Hạnh,
một phế binh cụt chân trái hiện ở Khánh Hội, Sài Gòn.