Người + thú tính = người Tây… Tất nhiên không cần nhắc lại thú tính ấy không thấy trên bộ mặt người Trung Quốc, nó vốn không có hay đã biến mất. Vậy dần chỉ còn lại nhân tính, hay chẳng qua là chỉ biết vâng lời. Bò rừng trở thành bò nhà, lợn rừng thành lợn nhà, sói trở thành chó, mất đi tính hoang dã, nhưng chỉ đủ cho người thích, bản thân không tốt đẹp gì. Người là người, đừng kèm thêm cái gì khác, đương nhiên là quá tốt. Nếu như bất đắc dĩ, tôi cho rằng nên có chút thú tính, nếu hợp với công thức dưới đây thì không vui lắm: Người + tính gia súc = loại người nào đó. Lỗ Tấn “Nhi kỷ tập. Lược luận Trung Quốc nhân chi kiểm” Bữa ăn dã ngoại đã kết thúc, Bao Thuận Quý rỉ tai Tham mưu Từ mấy câu, hai chiếc xe gíp chạy về phía đông. Trần Trận nói: Sai hướng rồi! Trở lại đường cũ, đường tốt hơn. Bao Thuận Quý nói: Về đội bộ đường dài 140 cây số chẳng lẽ về tay không. Tham mưu Từ nói: Ta phải tránh ba địa điểm nổ súng hồi nãy, chạy đường vòng, biết đâu lại gặp sói. Mà dù không gặp sói, gặp cáo cũng không tồi. Nên phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội ta, liên tục tác chiến, khuyếch trương chiến quả. Rất nhanh, xe chạy vào đồng cỏ mùa đông rộng lớn, trước mắt Trần Trận, cỏ trâm mao hút tầm mắt. Trâm mao là loại cỏ nhiều dinh dưỡng hơn các loại cỏ khác, thức ăn rất tốt trong mùa đông, lá dài hơn hai thước, thân cao hơn nửa thước. Về mùa đông, bình thường cỏ không bị tuyết lấp kín, tuyết tó mấy cũng chỉ lấp một nửa, đồng thời là thức ăn tốt cho gia súc, đàn cừu thuận theo ngọn cỏ phía trên mà bới tuyết để ăn lá cỏ phía dưới. Mùa đông ở thảo nguyên Ơlôn dài bảy tháng, đàn gia súc của đại đội tồn tại được qua mùa đông là nhờ đồng cỏ này. Sóng cỏ dập dờn trước gió thu, lượn từ đường biên phòng tới trước xe gíp. Cỏ lút cả bốn bánh xe. Hai xe như hai ca nô lướt trên biển cỏ. Trần Trận thở ra khoan khoái: Cỏ rậm thế này đừng hòng gặp sói, có dùng kính viễn vọng cũng vô ích. Trần Trận một lần nữa trào lên tình cảm thân thiết đối với sói thảo nguyên và các mã quan. Cái đẹp tưởng như thuần nguyên thủy, thuần tự nhiên của thảo nguyên, thực tế là do sói thảo nguyên và các mã quan năm này sang năm khác bảo vệ bằng mồ hôi và máu. Vẻ đẹp nguyện thủy của thiên nhiên chứa đựng bao nhiêu sức người sức sói trong đó. Mỗi khi tuyết xuống, mỗi khi mục dân lùa đàn gia súc vào đồng cỏ mùa đông, đều cảm thấy đây là ân trạch của sói ban cho con người. Họ thường hát bài ca thảo nguyên, giọng run rẩy và dài lê thê như tiếng tru của sói. Hai xe chạy như bay, các xạ thủ có vẻ say nhưng họ vẫn giương ống nhòm tìm kiếm da sói và thịt sói. Trần Trận vẫn suy nghĩ miên man. Cậu ung dung chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên thủy của thảo nguyên trước khi người và gia súc đặt chân tới. Lúc này trên đồng cỏ mênh mông không một sợi khói lẻ loi, một con ngựa, một con bò, một con cừu. Đồng cỏ mùa đông được nghỉ ngơi đã hơn nửa năm, tuy xanh tốt bời bời nhưng vắng hơn cả đồng cỏ mùa xuân cho cừu đẻ. Đồng cỏ mùa xuân có rất nhiều chuồng cừu xây bằng đá, chuồng đất, nhà kho, và cần giếng cao cao, vết tích của con người chỗ nào cũng thấy. Còn như đồng cỏ mùa đông, người và gia súc ăn tuyết, không cần nước giếng; đến mùa đông gia súc đã lớn, không cần chuồng trại, chỉ cần xe bò, hàng rào cơ động và những tấm thảm lớn quây hình bán nguyệt che gió cho đàn cừu thay chuồng. Do vậy lúc vào thu, đồng cỏ mùa đông tĩnh tại, không vết chân người, khôg vết chân gia súc, không một công trình xây dựng, chỉ có cỏ trâm mao bạt ngàn nhấp nhô như sóng. Nếu như xuất hiện Gơrigôri với chiếc mũ lông Cadắc màu đen trên đầu thì cậu không nghi ngờ sau lưng anh là thảo nguyên sông Đông đẹp đến mê mẩn. Từ hồi học sơ trung, Trần Trận đã xem ba lần truyện và phim “Sông Đông êm đềm”. Sau đó, khi rời Bắc Kinh, cậu đem theo tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” và những thứ liên quan lên thảo nguyên Ơlôn. “Sông Đông êm đềm” là một trong những động lực thúc đẩy Trần Trận lên thảo nguyên Ơlôn. Trần Trận mê thảo nguyên Mông Cổ là do sói và người thảo nguyên Mông Cổ tha thiết yêu tự do, chiến đấu vì tự do. Vì đâu thảo nguyên có sức hút mạnh mẽ đến như thế, khiến la bàn tình cảm của cậu luôn chỉ về phương ấy? Trần Trận thường cảm thấy thảo nguyên đang run rẩy kêu cứu, khiến tự nơi sâu thẳm của tâm hồn cậu vang lên cộng hưởng, thần bí hơn, sâu đậm hơn sự cộng hưởng tâm linh giữa mẹ và con. Đó là sự cảm ứng tâm linh với tổ mẫu, tằng tổ, thái tổ và thủy tổ xa hơn xưa hơn, từ đáy lòng, sự vị cảm tri bỗng bật lên thành tình cảm đối với tổ tiên xa lắc. Trần Trận nhìn thảo nguyên thanh vắng như kẻ mộng du, cậu như trông thấy tổ tiên nhân loại thời tiền sử mông muội. Các bậc thầy thường dạy: Đứng thẳng và lao động sáng tạo ra loài người. Vậy người vượn đứng thẳng trong rừng hay trên thảo nguyên? Đây là một câu hỏi liên quan rất sâu đến “đất tổ”. Trần Trận đã hai năm “kết bạn” với thú dữ trên thảo nguyên. Theo cậu, người vượn không thể đứng thẳng trong rừng, vì rằng ở rừng, hai chi trước càng quan trọng, càng phải phát triển. Trong rừng, muốn nhìn xa, phải trèo lên cao; muốn tránh mãnh thú, càng lên cao nữa; muốn hái lượm cũng phải dựa vào chi trước; quan trọng hơn nữa, muốn giải quyết vấn đề tốc độ trong rừng, phải dựa vào hai chi trước để “đi”. Công dụng của chi trước và vai người vượn lớn như thế, nên chi sau không thể phát triển, chi sau chỉ là cơ quan bổ trợ cho chi trước, nó đảm nhiệm công việc nặng nề đi đứng dưới đất. Vì vậy ở trong rừng, người vượn không thể và không cần thiết phải đứng thẳng. Sau đó, do động vật sinh sôi nảy nở, rừng chật, thức ăn ngày càng ít, hoàn cảnh khốc liệt đẩy một bộ phận người vượn ra khỏi rừng, buộc phải sống trên đồng cỏ, hoàn cảnh sinh sống mới bắt đầu cải tạo công dụng chi trước chi sau của người vượn. Một mặt thảo nguyên đầy nguy hiểm, sói phục hổ rình, mà lại không có điểm cao để trèo lên, người vượn muốn có tầm cao trong bụi cỏ để quan sát kẻ thù và con mồi, buộc phải đứng lên; mặt khác, thảo nguyên không có cây cối để leo trèo, chi trước của người vượn dùng để “đi” nhanh trở nên vô dụng, thảo nguyên buộc chi sau của người vượn phải khỏe, to, rắn chắc lên. Trải qua vài chục vạn năm liên tục sử dụng chi sau, từng tí một, xương sống và xương đùi thẳng ra, bộ ngực và chi sau người vượn thẳng góc so với mặt đất. Đứng thẳng, người vượn mới có chân mang ý nghĩa chân người, mới giải phóng chi trước trở thành “tay” khiến tất cả động vật nể sợ, càng thúc đẩy sự tiến bộ về trí lực, do đó đánh bại tất cả mãnh thú, thành vua của muôn loài, cuối cùng trở thành người. Người nguyên thủy tay cầm rìu đá, tay cầm đuốc, đứng thắng trong tư thế chiến đấu. Rìu đá trước hết là vũ khí chiến đấu với mãnh thú, sau đó mới là công cụ sản xuất tìm kiếm cái ăn. Chiến đấu để sinh tồn, sinh tồn và sau đó là lao động, không chỉ đứng thẳng và lao động sáng tạo ra con người, hơn nữa, vô số những cuộc chiến thúc đẩy phải đứng thẳng mới thật sự sáng tạo ra con người. Người vượn nào không chấp nhận đứng thẳng, tiếp tục chạy bằng bốn chân, rốt cuộc không chạy nhanh bằng hổ báo sư tử sói, nên bị đào thải. Sau nhiều năm quan sát suy ngẫm, và cả bằng trực giác, Trần Trận rút ra kết luận: Người vượn đứng thẳng trên thảo nguyên, mà sói thảo nguyên là một trong những nhân tố quan trọng buộc người vượn đứng thẳng. Do vậy, thảo nguyên tàn khốc và đẹp đẽ không chỉ là đất tổ của dân tộc Hoa Hạ, mà còn là đất tổ và là cái nôi của toàn nhân loại. Thảo nguyên là điểm xuất phát của nhân loại đứng thẳng “đi tới” toàn cầu. Thảo nguyên rộng lớn là thủy tổ xa xưa nhất của nhân loại. Trần Trận cảm thấy cậu được bao bọc trong một tình cảm dịu dàng thân thiết từ mỗi lá cỏ, mỗi hạt cát trên thảo nguyên. Đồng thời là nỗi căm giận không nguôi bám riết trái tim cậu. Cậu cho rằng đám người nông canh phóng hỏa khẩn hoang tàn hại thảo nguyên, là những tên tội phạm ngu xuẩn và tàn nhẫn. Xe chạy theo con đường cổ xưa về phía đông. Mặt đường rắn, nhưng có khá nhiều phân và nước tiểu gia súc để lại khi di chuyển bãi chăn, vì vậy cỏ mặt đường tuy thấp nhưng khỏe, màu xanh sẫm, nhìn từ xa, giống một con hào xanh chọc thẳng vào vùng sâu thảo nguyên. Trần Trận bỗng nhìn thấy ba chấm đen trong búi cỏ phía bên phải không xa. Cậu biết đó là một con cáo lớn, hai chân trước buông xuôi, nó đứng trên hai chân sau, nửa người nhô lên khỏi bụi cỏ nhìn xe gíp từ xa. Quá trưa nắng màu vàng chanh chiếu trên đầu trên cổ và trên ức con cáo, đám lông trắng như tuyết trên cổ cáo biến thành màu vàng nhạt, cùng màu với cỏ trâm mao, còn ba chấm đen trên cổ thì rất nổi bật, đó là hai con mắt và cái chóp mũi của con cáo. Mỗi lần Trần Trận cùng ông già Pilich đi săn cáo, nhất là săn vào mùa đông, ông già bao giờ cũng chỉ cho cậu xem thợ săn có kinh nghiệm bắn phía dưới ba điểm đen. Cáo thảo nguyên ranh ma đến mấy cũng không đánh lừa được thợ săn thảo nguyên, nhưng lại khiến cho xạ thủ tinh như chim ưng có mắt như mù. Trần Trận không hé răng để khỏi nhìn thấy máu, vả lại, cáo thảo nguyên vốn là kiện tướng bắt chuột thảo nguyên. Xe gíp tiến dần tới “ba chấm đen”, “chấm đen” thụt xuống, mất biến trong cỏ rậm. Chạy thêm đoạn nữa, một con thỏ đồng từ trong bụi rậm đứng lên nhìn xe, nhưng cặp tai đã làm hỏng kế hoạch ngụy trang của nó. Trần Trận nói: Trước mặt có một con thỏ, kẻ phá hoại thảo nguyên lớn nhất đấy, có bắn không? Bao Thuận Quý tỏ ra thất vọng, nói: Không bắn vội. Đợi hết sói hãy bắn thỏ. Con thỏ rướn cao mấy tấc nữa, nó không sợ ô tô, chỉ khi còn cách hơn chục mét, nó rụt cổ biến mất. Hương cỏ ngày càng đậm, cánh đồng mênh mông như biển, các xạ thủ cũng nhận thấy không thể phát hiện con mồi trong đồng cỏ mùa đông bèn cho xe chạy vè phương Nam, rời đồng cỏ trâm mao, rẽ sang đồng cỏ mùa thu mọc thấp, lô nhô gò đống. Hàng ngàn năm nay mục dân chọn nơi này làm đồng cỏ mùa thu, chủ yếu do bông cỏ nhiều hạt như lúa mạch, chứa chất béo và anbuymin, sang thu tất cả đều chín tới, cừu dùng miệng tuốt hạt, nhai ngon lành như ăn đậu đen. Sang thu, đàn cừu tích mỡ dày ba đốt ngón tay ở khu đuôi, là nhờ những hạt cỏ này. Những hộ ngụ cư, do không biết môn khoa học kỹ thuật nguyên thủy này nên thiếu mỡ không qua nổi mùa đông, mà nếu sống sót, sang xuân cũng không có sữa, cừu con chết hàng loạt. Qua hai năm thụ giáo ông già Pilich, Trần Trận đã có thể độc lập tác chiến. Cậu giơ tay tuốt một nắm hạt cỏ rồi miết trong lòng bàn tay, sắp chín, đai đội chuẩn bị chuyển vào đồng cỏ thu là vừa. Đồng cỏ thu thấp xuống còn một nửa, tầm nhìn xa hơn nhiều, xe tăng tốc. Bao Thuận Quý phát hiện có phân sói mới trên đường đất, các xạ thủ phấn khởi, Trần Trận lại lo. Nơi này cách nơi nổ súng chừng sáu bảy chục cây số, nếu như có sói, chắc không đề phòng hai xe từ phía bắc không có người, lặng lẽ trườn tới. Xe vừa chạy qua một cái dốc ngắn, bỗng ba người trên xe khẽ kêu: Sói! Sói! Trần Trận dụi mắt, thấy một con sói lớn chỉ cách mũi xe hơn ba trăm mét, to như con báo đốm. Sói lớn ở Ơlôn dựa vào cơ thể to lớn thường đi kiếm mồi một mình, coi như giang sơn một cõi mặc sức tung hoành, thực tế đó là lính đặc công của đàn sói, tìm cơ hội cho đàn. Con sói hình như vừa ngủ dậy, hoảng hốt thực sự khi nghe tiếng xe, chuồn nhanh về phía khe cỏ rậm. Tài Lưu tăng ga, phấn khởi hét to: Gần thế này, chạy đâu cho thoát! Ô tô cắt đường chạy, sói vội chạy trở lại lên đỉnh dốc với tốc độ dê vàng, nhưng nó đã bị Tham mưu Bathơ bám riết. Hai chiếc xe gíp hung dữ như mãnh thú xông thẳng vào. Sói đã chạy hết tốc lực, nhưng xe thì chưa nhấn hết ga. Hai vị xạ thủ ngoại hạng nhường lẫn nhau. Tham mưu Từ nói: Anh ở vị trí tốt, bắn đi! Tham mưu Bathơ nói: Anh bắn chuẩn hơn, anh bắn đi! Bao Thuận Quý khoát tay: Đừng bắn, không ai nổ súng hết. Bắt sống, kiếm bộ da không vết đạn! Lột da khi sói còn sống, lông sáng và mịn, bán đắt nhất. Đúng rồi, hai vị xạ thủ đồng thanh kêu lên. Tài Lưu còn giơ tay về phía Bao Thuận Quý, nói: Tôi bảo đảm sẽ đuổi nó chạy hộc máu! Cỏ thấp, dốc thoai thoải là địa hình lý tưởng cho xe gíp, khoảng cách lại rất gần, hai xe kẹp hai bên, sói khó bề chạy thoát. Sói đã chạy sùi bọt mép, hai xe vẫn ung dung như đùa. Trần Trận không nghĩ rằng, con người lại có ưu thế rõ rệt đến thế đối với sói. Sói thảo nguyên Mông Cổ xưng hùng xưng bá hàng vạn năm, lúc này còn đáng thương hơn con thỏ. Trần Trận thoáng nghĩ, “lạc hậu bị đánh, tiên tiến đánh người”, chẳng lẽ Tăngcơli lại tàn nhẫn đến thế? Hai chiếc xe gíp do hai cao thủ điều khiển bám dính con sói, sói nhanh xe nhanh, sói chậm xe chậm, dùng tiếng còi chối tai buộc sói tăng tốc, luôn giữ khoảng cách năm sáu chục mét, sói tuy có tốc độ lớn, nhưng to xác tốn năng lượng, chạy hơn 20 dặm đã thở dốc, miệng há hết cỡ mà vẫn không thở được. Trần Trận chưa bao giờ chạy theo con sói lâu đến thế. Con sói cũng chưa bao giờ bị đuổi tới mức thở không ra hơi như thế. Trần Trận có lúc nhắm tịt mắt không nỡ nhìn nhưng vẫn phải mở mắt nhìn. Cậu rất mong con sói chạy nhanh hơn nữa hoặc độn thổ, hoặc bay lên trời như trong truyền thuyết. Nhưng con sói không bay được lên trời, không chui được vào hang, vậy là lên trời xuống đất đều không thể. Sói thảo nguyên trong thần thoại hoàn toàn không thể bay khi gặp khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nhưng con sói trước mặt vẫn ráng sức chạy như thế. Trần Trận mong sao trước mặt xuất hiện hố sâu, rãnh lớn hoặc bộ xương bò gì đấy, thì dù bị văng khỏi xe, cậu cũng vui lòng… Gặp con sói dũng mãnh và đẹp như mơ, các thợ săn phấn khích vô cùng, mặt đỏ hơn uống rượu. Bao Thuận Quý nói rất to: Con sói này to hơn bất cứ con nào ta bắn được hồi nãy. Bộ da nó có thể làm chăn đắp, không cần ghép thêm mảnh nào khác. Tham mưu Từ nói: Bộ này đừng bán, để biếu thủ trưởng binh đoàn. Tham mưu Bathơ nói: Đúng đấy! Để thủ trưởng binh đoàn biết sói ở đây lớn như thế nào,nạo sói ở đây khùng khiếp như thế nào. Tài Lưu vỗ tay lái, nói: Đại thảo nguyên Mông Cổ giàu có thật đấy! Chỉ một năm chúng mình sẽ giàu hơn thành phố. Nắm tay Trần Trận rỉ mồ hôi, cậu muốn quại thằng cha họ Lưu một cú vào sau gáy, nhưng chợt nghĩ đến sói con ở nhà, con sói đang mong cậu như mong mẹ về chợ, vậy là cậu bỏ tay xuống, cảm thấy toàn thân bải hoải, đầu óc mụ đi. Hai chiếc xe đã dồn được con soi lên một dải đất bằng phẳng, không khe suối, không mương rảnh, không núi non, con sói không thể lợi dụng địa hình địa mạo. Hai xe cùng bóp còi ầm ĩ, con sói chạy vãi linh hồn, tai ù đặc. Bốn chân loạng choạng, hồn vía lên mây, cuối cùng không chạy nhanh được nữa, trái lại giảm tốc nhanh chóng, bọt mép cũng không còn. Hai lái xe tha hồ bóp còi, con sói không muốn chạy nữa. Bao Thuận Quý giằng lấy khẩu súng trong tay Tham mưu Từ, nhằm nửa trên con sói nổ liền hai phát nhưng chỉ là gãi ngứa, đạn sượt qua lông. Nhưng âm thanh mà sói sợ nhất này khiến con sói mất nốt chút hơi sức cuối cùng, nó chạy thêm được nửa dặm, thở như xé phổi rồi dừng lại đột ngột, quay lại ngồi xổm trên mặt đất, phô diễn tư thế cuối cùng của loài sói. Hai xe gíp phanh lại cách con sói ba bốn mét. Bao Thuận Quý xách súng nhảy xuống đứng yên trong vài phút, thấy con sói bất động bèn bật lưỡi lê, mạnh dạn tiến lại gần. Con sói run bần bật, ánh mắt hoảng loạn, đồng tử nở to. Bao Thuận Quý lại gần hơn nữa thấy nó vẫn bất động liền chọc lưỡi lê vào miệng, nó vẫn ngồi im. Bao Thuận Quý cười lớn: Nó bị ta đuổi đến mất trí. Nói xong ông ta giơ tay xoa đầu con sói khổng lồ như xoa đầu chó. Có lẽ ngàn vạn năm nay trên thảo nguyên Mông Cổ mới có một người xoa đầu con sói khổng lồ trong tư thế ngồi mà con sói không có phản ứng. Thế nhưng khi ông ta vuốt tai thì con sói đổ chổng kềnh như pho tượng bằng đá… Trần Trận đi về nhà như một kẻ phạm tội, thậm chí cậu không dám bước vào trong lều bạt. Bần thần một lúc, cậu lại phải bước vào. Trương Kế Nguyên đang kể cho Dương Khắc và Cao Kiện Trung về chuyện toàn thể sư đoàn ra quân diệt sói. Cậu càng kể càng tức: Hiện giờ toàn sư đoàn đỏ mắt lên về chuyện diệt sói lấy da. Xe lớn, xe con, xạ thủ, dân quân xuất kích tuốt. Xăng dầu đạn dược cung cấp đủ, bác sĩ sư đoàn cũng ra trận. Họ bơm vào xác cừu thuốc cực độc không mùi vị đem từ Bắc Kinh về, rồi quẳng cừu ra đồng cỏ, giết bao nhiêu là sói. Dã man hơn, số công nhân làm đường về cùng binh đoàn giở hết các loại vũ khí ra. Họ nhét kíp mìn vào xương ống cừu, bôi mỡ cừu lên rồi đặt ở những nơi sói qua lại, sói gặm xương ấy là bay nửa mặt. Dân công đánh bẫy bằng bộc phá dùng xương cừu làm vỏ, chết vô số chó của mục đàn. Đàn sói sa vào biển cả chiến tranh nhân dân, khắp nơi cất tiếng hát: Đời con đời cháu ta đánh tiếp, chưa hết sói là ta chưa về. Nghe nói mục dân đã có đơn kiện lên quân khu. Cao Kiện Trung nói: Dân công đội ta cũng rất hăng, hạ sát một lúc năm sáu con sói lớn. Loại người từ mục dân biến thành nông dân, giết sói rất mả. Mình mất hai chai rượu trắng mới mò ra cách họ giết sói. Họ cũng đánh bẫy nhưng ranh ma hơn nhiều. Thợ săn ở đây cài bẫy bên cạnh con cừu chết, lâu dần lũ sói cũng mò ra quy luật, chúng thấy cừu chết ngoài trời thì rất cảnh giác, không vội đụng ngay, thường là đợi sói đầu đàn vốn rất thính mũi dò bằng được bẫy lôi lên, chúng mới ăn con cừu. Đám dân công không dùng cách này. Chúng đặt bẫy ở những nơi có nhiều sói, bên cạnh bẫy chẳng có gì hết, không xác cừu, không xương cốt, mặt đất bằng phẳng. Các cậu đoán xem họ lấy gì làm mồi nhử? Đánh chết các cậu cũng không đoán ra…Họ trộn phân ngựa với mỡ cừu nấu chảy, vớt ra phơi khô, rồi tán nhỏ cục phân ngựa sặc mùi mỡ cừu đó rắc nơi đặt bẫy, rắc nhiều lượt, lượt nào cũng dẫn đến bẫy. Mồi nhử đấy! Khi sói đi qua ngửi thấy mùi cừu, lại không thấy con cừu chết nào, xương xẩu cũng không thì rất dễ mất cảnh giác, ngửi trước ngửi sau, ngửi đi ngửi lại, cuối cùng sập bẫy. Các cậu bảo chiêu này độc đấy chứ, ăn trộm gà mà một nhúm gạo cũng không mất! Lão Vương bảo, quê lão dùng cách này, sói không còn một mống. Trần Trận không nghe tiếp được nữa. Cậu đẩy cửa, bước ra chuồng sói con. Cả ngày không gặp, sói con cũng nhớ cậu. Từ lâu sói con đã hân hoan đứng tận mép chuồng vẫy đuôi đón cậu bước vào chuồng. Trần Trận ngồi xuống ôm cổ con sói, áp mặt vào đầu nó rất lâu không nỡ rời. Đêm thu trên thảo nguyên, trăng lạnh, bãi chăn mới rộng mênh mông, tiếng sói tru ảo não đã rất xa. Trần Trận không còn lo sói mẹ về cướp con, nhưng lúc này cậu rất mong sói mẹ về đem con đi, lên mãi vùng biên giới phía bắc… Có tiếng chân dừng phía sau, câu nghe thấy tiếng nói của Dương Khắc: Nghe Lanmutrăc nói, anh ấy trông thấy sói chúa dẫn đàn sói vượt đường biên phòng, chiếc xe Gát của Đoàn bộ không đuổi kịp. Mình nghĩ, chắc sói chúa không bao giờ trở lại Ơlôn nữa. Trần Trận trằn trọc thâu đêm.