Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương ba tư

Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương...
Cành Hoa Trắng
Một hôm Phạm Đình Viêm đang ngồi ở trong Quán Thăng Long thì có một cán bộ đi xe đạp từ đàng xa tới, đậu xe lại, bước vào quán và nói:
-- Tôi có gặp một ông già cùng đi với một cô con gái ở cách đây bẩy tám cây số gì đó. Họ biết tôi sẽ qua Chợ Neo nên nhờ tôi nói dùm với ông bà chủ quán Thăng Long là họ đang trên con đường về.
Thế là Phạm Đình Viêm bôn bả cưỡi xe đạp đi đón chúng tôi. Nhưng không gặp. Chúng tôi về tới Quán Thăng Long thì chỉ thấy có một mình bà Thăng Long đang ngẩn ngơ đứng đó. Hai mẹ con ôm nhau khóc oà. Tôi ngạc nhiên vì không thấy ông Thăng Long đâu cả. Trong sáu tháng vừa qua, ở nhà ra đi lên sống ở Việt Bắc rồi là chúng tôi không có một tí liên lạc nào với gia đình ở Chợ Neo cả. Xin được thưa với tất cả các dân tộc ở trên thế giới rằng: trong những năm kháng chiến, 90 phần trăm người dân Việt thoát ly gia đình để đi làm nhiệm vụ công dân. Dù trong quân đội và các cơ quan dân chính có những tổ chức bưu điện được gọi là "hòm thư" (sau này mới có cái tên "khu bưu chính", viết tắt là KBC) nhưng thư đi thư lại ở trong nước thật là ít ỏi. Tôi nhớ rất rõ ràng là trong bẩy năm kháng chiến, tôi không hề gửi đi hay nhận được một lá thư nào cả. Và tôi không phải là người độc nhất ở trong hoàn cảnh đó. Dân tộc này phải can đảm đến độ nào mới có thể chấp nhận một sự "biệt vô âm tín" lạ lùng giữa những người thân trong gia đình như vậy. Ông Thăng Long vào Hà Nội từ mấy tháng nay rồi. Chúng tôi đâu có biết? Gia đình này đã khánh kiệt. Bố vợ tôi phải vào thành phố để vay mượn tiền nơi bạn bè, đem ra vùng kháng chiến tiếp tế cho gia đình.
Phạm Đình Viêm phóng xe đi tìm vợ chồng tôi không thấy, quay xe trở về quán. Chúng tôi nhìn nhau cười như nắc nẻ. Anh cán bộ nói không sai: Tôi mới có 30 tuổi mà trông đúng là một ông già rồi. Sau khi cất ba lô, rửa mặt, thay quần áo, Thái Hằng chui ngay vào giường nằm. Tôi ra ngồi uống một ly cà phê, ăn một tô phở và hàn huyên, tâm sự cùng mẹ vợ và anh vợ...
"... Con đường về vất vả hơn con đường đi nhiều. Vượt khỏi được con dốc Tam Đảo là gặp những cơn mưa tầm tã. Hai vợ chồng ôm nhau đi trên những con đường bùn ngập tới cổ chân. Có những lúc Thái Hằng mệt quá, ngồi bệt xuống đường khóc. Tôi đi trước vài bước, thấy thế tôi quay gót lại, nâng vợ dậy, dìu đi và vừa đi vừa kể cho nghe những chuyện tiếu lâm của bố tôi là Thọ An, Phạm Duy Tốn. Chuyện rất tục và cái tục làm cho người nghe quên khổ, quên mệt trên đường dài. Tuy vậy, Thái Hằng vẫn còn lo lắng vì được ai đó nói cho biết rằng: có nhiều người mang thai đi công tác, vì đeo ba lô quá nặng và đi bộ quá nhiều cho nên đã đẻ non ở dọc đường. Nếu chuyện đó xẩy ra cho vợ tôi thì nguy to. Thấy vợ lo ngại nhiều quá, tôi lại phải luôn luôn nâng tinh thần vợ lên. Xách đỡ ba lô, vẽ ra niềm hạnh phúc khi đứa bé ra đời và... tiếp tục kể cho vợ nghe thêm những chuyện tiếu lâm khác. Có một hôm chúng tôi tới một nơi không có nhà trọ, tối đến phải ra nằm ngủ trên bờ suối, nửa đêm có mưa đổ xuống như trút nước, nước suối dâng cao, tôi phải đặt vợ với cái bụng chửa nằm lên trên ngực tôi để cho người đang có thai không bị dầm mình trong nước lạnh. Lại có một hôm tình cờ gặp một đoàn tù binh Pháp đang được dẫn đi ở giữa rừng, nằm ngủ cách đám tù binh Pháp không xa, suốt đêm phải nghe tiếng ho xù xụ của những tù binh -- có lẽ đang mắc phải bệnh lao -- chúng tôi mất ngủ luôn... "
Đó là câu chuyện "phiêu lưu" rất vắn tắt mà tôi kể cho mẹ vợ và anh vợ nghe trong ngày đầu tiên về tới Chợ Neo, với kết luận là chỉ có phép lạ mới cứu cho vợ tôi không bị xẩy thai mà thôi. Tôi nấn ná ở nhà vài hôm rồi mới đi gặp Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh. Lúc này tôi không còn là cán bộ văn nghệ của Trung Ương hay của Trung Đoàn hay Sư Đoàn nào cả mà chỉ là một "thường dân hạng nhì" đi thăm các người bạn bực đàn anh. Tôi tránh né không nói gì tới chuyện đã qua ở trên Việt Bắc. Rồi tôi về nhà, trong một tuần trăng, không làm gì cả, ngồi chờ vợ đẻ. Thái Hằng có mang đã tới tháng thứ tám. Được mẹ săn sóc kỹ lưỡng, có ngày được ăn tới ba bát phở (của thùng phở ế khách), vợ tôi đã béo tốt ra, cái bụng đã to phềnh lên. Chúng tôi lại được sống những ngày rất êm ả dưới mái nhà tranh bên dòng sông máng.
Ông Thăng Long từ Hà Nội trở ra Chợ Neo. Mừng mừng tủi tủi khi gặp lại bố vợ nhưng tôi buồn vô hạn khi ông Thăng Long cho biết mẹ tôi vừa qua đời trên một tháng nay tại Hà Nội và ông có đi dự đám tang. Mẹ tôi vĩnh biệt cuộc đời vào lúc chúng tôi đang sửa soạn từ giã khu rừng Yên Giã để về suôi. Bây giờ thì tôi nhớ lại rồi. Có một đêm, tôi đang đứng chơi ở trước ngôi nhà nứa trong khu rừng vắng thì nghe tiếng cú kêu. Bấm đốt ngón tay thì thấy đó là ngày mẹ tôi giã từ cuộc đời. Cái chết của mẹ tôi có thể làm cho tôi đau khổ rất lâu nếu chúng tôi không có một sự sống là đứa con đang sắp sửa ra đời. Vừa mất mẹ thì có con ngay. Nỗi buồn đang nằm đó được niềm vui bước tới che đi. Đời tôi quả là may mắn vì gặp được những sự bù đắp không ngừng. Ngày tôi lấy vợ, cách đây hơn một năm, tôi chỉ mong sao mẹ tôi biết được tin mừng nhưng tôi không có cách nào để đưa tin cho mẹ được.
Nay ông bố vợ về Hà Nội và gặp mẹ tôi trước khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi đã biết tin tôi lấy vợ. Mẹ tôi nói: "Nó lấy được con gái ông bà là tốt lắm đấy." Trong kháng chiến có biết bao nhiêu gia đình bặt tin nhau, cha mẹ chết đi, vài ba năm sau con cháu mới biết. Con cái thành vợ thành chồng, có cháu đầu lòng mà có khi cha mẹ không biết. Tôi tự an ủi là mình có phúc. Bố vợ còn đem ra cho tôi thêm một niềm an ủi khác nữa: một số bài hát kháng chiến của tôi được ấn hành ở trong thành. Một nhà xuất bản trao tiền tác giả cho mẹ tôi. Tôi coi đó là một sự báo hiếu của tôi, rất nhỏ nhoi nhưng rất cần thiết.
Mừng hơn nữa là bố vợ cũng mang ra cho tôi một số tiền tác giả của một nhà xuất bản khác. Tôi có đủ tiền để chi phí cho việc hộ sinh và việc nuôi đứa con đầu lòng nay mai, khỏi cần phải vay mượn hay nhờ vả chính quyền. Vả tới mãi bây giờ mới có thể sắm một cái nhẫn cưới cho vợ.
Mùa Đông năm 1950, vợ tôi đẻ. Nhà hộ sinh ở ngay bên kia bờ sông máng. Người đỡ đẻ là bà đỡ Ninh, từ Hà Nội tản cư ra đây, mang theo đầy đủ đồ nghề. Từ Việt Bắc, vợ tôi mang được cái bụng chửa về tới Chợ Neo để đẻ, đó là phúc bẩy mươi đời cho gia đình tôi vậy. Vì sao? Vì đẻ con so cho nên đẻ khó, phải có hai người dùng "forcep" mới gắp được đứa bé ra. Nếu đẻ ở dọc đường thì làm gì có bà đỡ Ninh và dụng cụ đỡ đẻ như bây giờ? Đứa bé không ra khỏi bụng mẹ được sẽ bị nghẹt thở, chết cả con lẫn mẹ. Và chắc gì tôi có thể sống nổi nếu chuyện đó xẩy ra? Đứa bé ra đời nặng 3 ký, được đặt tên là Quảng. Trong cái tên của vợ tôi, Phạm Thị Quang Thái, có chữ đệm là "Quang". Ông bố vợ đề nghị nên lấy tên đệm của mẹ mà đặt tên cho con. Nhưng một trong các vị tổ tiên của tôi đã mang cái tên là Quang rồi. Cần phải "kiêng tên", chúng tôi bèn cho thêm dấu hỏi vào tên đứa bé. Nhưng khi di cư vào miền Nam, phải làm lại giấy khai sinh cho đứa bé thì không hiểu tại sao cái dấu hỏi đó lại bị mất đi?
Tôi và Thái Hằng không còn là nhân viên của đoàn văn nghệ quân đội nữa. Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Băng Thanh (tức Thái Thanh) tuy vẫn còn là nghệ sĩ ở trong quân đội nhưng không phải đi công tác luôn luôn như ngày trước. Họ ở nhà nhiều hơn là ở trong cơ quan. Cũng như bất cứ một người cha nào, tôi vui thú với đứa con trai đầu lòng, ngày đêm ôm ấp nó. Cả gia đình cũng đều vui vì đây là lần đầu tiên có trẻ thơ ở trong nhà. Mọi người tranh nhau bế thằng nhỏ. Đứa bé vừa ra chào đời là nhận được đầy đủ mọi thứ tình yêu đến từ ông bà, cha mẹ, bác, cậu và gì... Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh, biết bao nhiêu gia đình bị lâm vào cảnh ly tán, được sống như chúng tôi vào những ngày tháng này cũng là điều may mắn. Nghĩ như vậy cũng là để luôn luôn tự an ủi trong thời gian có sự dằn vặt trong lòng.
Trong một năm vừa qua, vì quá bận bịu trong hai chuyến đi đi về về giữa Việt Bắc và Thanh Hoá, tôi không có một tí ti sáng tác nào cả. Vả lại, tôi cũng không gặp một đề tài hay ho nào, chỉ gặp toàn những chuyện chính trị thuần túy mà tôi không thích.
Tình hình chiến tranh sôi sục hơn trước. Pháp mở nhiều chiến dịch ở vùng trung du. Nhưng dù có gửi danh tướng De Tassigny qua Đông Dương để đưa ra những chiến lược, chiến thuật mới thì Pháp cũng không thể chuyển bại thành thắng được.
Bây giờ đang có một phong trào lớn là "dân công", một chế độ lao công bắt buộc mà toàn thể dân chúng phải theo. Những chiến dịch lớn đòi hỏi sự tiếp tế thường xuyên về vũ khí cũng như về lương thực. Một mặt, tất cả đường xá ở trong nước đã bị phá hủy, mặt khác Việt Minh không có những đoàn xe vận tải, bây giờ phải dùng tới nhân lực. Ngoài những người làm việc ở trong các cơ quan, chính phủ ra lệnh xung công tất cả nhân dân để làm công việc chuyên chở lương thực và vũ khí này. Ai cũng phải làm nhiệm vụ dân công hết, chỉ trừ người già và em bé. Lúc đó vợ chồng tôi là "phó thường dân", không còn làm việc cho bất cứ một cơ quan công quyền nào cả, trên nguyên tắc chúng tôi phải đi dân công. Nhưng chúng tôi xin được đóng tiền để cho ban dân công địa phương thuê người khác đi thay thế. Đó là chuyện hợp pháp chứ không phải tham nhũng, hối lộ gì đâu. Đi dân công như vậy, mỗi người dân phải chuyên chở 15 ký gạo, mỗi đêm đi từ 15 tới 30 cây số. Hoặc là gánh gồng, hoặc là thồ bằng xe đạp. Có những vùng, các đoàn dân công đi ban ngày. Có những vùng, để tránh nạn máy bay tới bắn phá, ban ngày nằm nghỉ, tối đến là đoàn dân công ríu rít lên đường. Hàng vạn dân công ra đi, cứ cách 5 hay 10 người lại có một người cầm đèn để soi đường, ở xa trông như một con rồng vĩ đại đang uốn khúc.
Ngồi bế con ở trong Quán Thăng Long, tôi thấy hàng ngàn, hàng vạn dân công kĩu kịt gánh thóc đi qua. Dù lúc này tôi không còn là một cán bộ văn nghệ nữa và dù cả đại gia đình này đang trong tình trạng thiếu hụt gạo ăn, nhưng trước cảnh hi sinh vô cùng lớn lao của người dân quê Việt Nam, tôi cũng có đủ cảm hứng để hát lên cảnh say thóc, giã gạo, gánh lúa nuôi dân... qua một bài "dân ca mới" có nhịp điệu rất vui:
Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông.
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh ư nặng vai...
............
Đêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi.
Có nàng gánh lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng mà dãi nắng dầm mưa.
Đêm qua trăng mơ thức suốt canh khuya
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi.
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Đi nuôi dân gánh một thành hai.
..........
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh thóc về. Gánh thóc về.
Gánh về. Gánh về
Gánh về. Gánh về...
.........
Đầu óc đang bị trói vào ưu tư phiền muộn nhưng trong lòng thì lại phơi phới hân hoan vì thấy mình vẫn tìm ra cái đep trong kháng chiến và vẫn có thể hát cái đẹp đó lên được. Tôi lại muốn tung cánh ra đi. Nhưng vào thời điểm cuối Đông Xuân 1950-51 và tại địa điểm Chợ Neo này, tôi không còn là một người hoàn toàn tự do như trước nữa. Con chuồn chuồn rụng mất đôi cánh rồi. Nó đâu còn có thể: khi vui nó đậu khi buồn nó bay được nữa? Tôi vừa có một gia đình nhỏ nhưng lại có thêm một bổn phận lớn. Lúc còn ở Việt Bắc, vào "giây phút của sự thực", với quyết định ưu ái của cái mà anh Nguyễn Xuân Khoát gọi là Đoàn Thể, tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thấy mình đứng giữa hai trách nhiệm. Trách nhiệm nào cũng xứng đáng để mình ôm chặt lấy.
-- Trách nhiệm đối với dân tộc ư?
Tôi tự thấy không cần phải gia nhập một đảng phái nào dù đó là một đảng đang nắm chính quyền, không cần phải đi ngoại quU³ốc, không cần được tuyên dương công trạng mà tôi vẫn có thể làm việc cho quê hương, dân tộc. Lúc nào, ở đâu và trong mọi trạng huống, tôi vẫn có thể soạn ra những bài hát tỏ tình với người dân hay viết ra những bài hát xưng tụng quê hương, đất nước.
-- Trách nhiệm đối với vợ con à?
Tôi đã có dịp cho thấy tôi không coi chuyện chính trị hơn vợ con. Tôi đã từ chối không đi ngoại quốc để ở lại với người vợ đang có thai, rồi cũng từ chối luôn một địa vị nào đó ở Trung Ương để đưa vợ về Chợ Neo sinh con đẻ cái, mẹ tròn con vuông. Cũng như đối với mọi người trên thế gian này, trách nhiệm đó chỉ chấm dứt khi tôi chết. Tôi đã từng quan niệm sự tự do của con người quan trọng như sự tự do của đất nước. Bây giờ, tôi có thêm quan niệm về trách niệm đối với gia đình và quốc gia: Trách nhiệm ngang nhau. Giản dị là như vậy.
Đã nói qua tới những vấn đề rất lý tưởng, xin quay về với chuyện la đà trên mặt đất là cuộc sống hằng ngày. Tôi không còn làm việc với bất cứ một cơ quan nào nữa rồi, có nghĩa là tôi "ngồi chơi sơi nước" trong gần một năm. Tướng Nguyễn Sơn ra đi là tôi trở thành một người bị bỏ quên ở Chợ Neo. Vị Tư Lệnh hiện nay ở Liên Khu IV này là Hoàng Minh Thảo và U±y viên chính trị Trần Văn Quang không phải là những người biết dùng văn nghệ sĩ. Ông Đặng Thái Mai là người hiểu biết thì ông không có được sự cởi mở dễ dàng như Nguyễn Sơn để thu hút văn nghệ sĩ. Tất cả như đã bỏ rơi tôi. Hoặc chờ tôi tới với họ. Khốn nỗi tôi thuộc vào hạng "quân tử Tầu" nên không bao giờ tôi xin ân huệ ở ai hết.
Có thể nước Việt Nam kháng chiến vào lúc này không còn là của "toàn dân" như trong những khẩu hiệu nữa, mà vào nằm gọn trong tay của một tổ chức, của một nhóm người rồi. Cũng cần phải nói ngay ra ở đây là tôi không có gì là phiền hà vì điều đó cả, bởi chưng trên quả điạ cầu bé nhỏ này, có nước nào mà không nằm trong một tổ chức đâu? Hoặc trong 4 năm, hoặc trong 10 năm, hoặc trong cả 100 năm. Tôi chỉ muốn nói rằng vào lúc tôi từ khước mọi ràng buộc với "tổ chức" để sống với gia đình thì tôi cảm thấy có sự lạnh nhạt của tổ chức đó trong lối đối xử với tôi. Lại còn có sự phao tin tôi bất mãn vì "không được đi ngoại quốc" (!) và Nguyễn Đình Thi đã được chọn để nhân danh Hội Nhạc Sĩ đi dự Hội Nghị Thanh Niên ở Berlin. Lúc tôi còn ở Yên Giã ai cũng tin rằng tôi là người có đủ tư cách để đi dự hội nghị này. Thực ra thì tôi đâu có màng tới chuyện đó? Cho tôi đi Moscou mà tôi còn không ham, huống gì Berlin?
Vào đầu mùa Hạ năm 1951 này, đời tôi đã rẽ qua một nẻo khác rồi. Trước đây, sống một thân một mình, tôi chẳng bao giờ quan tâm tới tiền nong hay lương lậu, hũ gạo hay lọ nước mắm. Cũng như mọi người độc thân khác, tôi chỉ sống với một cái ba lô ở trên lưng. Nay thì khác, không phải là hai cái ba lô ở trên lưng mà là hai mạng sống. Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tự lập thân, đổ mồ hôi ra để sinh sống, lúc nào tôi cũng rất phong lưu dù đời sống của tôi chỉ là của một cậu giáo viên, một anh nông dân hay một chú công nhân tối tăm và vô danh. Đến khi tôi trở thành ca sĩ hát rong và nổi danh ở tiền trường thì tôi phong lưu hơn nhiều. Bây giờ thì sao? Chẳng gì mình cũng là người đã có thành tích công tác -- tuy thành tích cũng chẳng có gì là ghê gớm cả -- nhưng đáng lẽ ra tôi không nên bị lâm vào cảnh khó khăn như thế này.
Bước vào tuổi 30, tôi vẫn chưa mất đi cái tính "bất cần đời" của thời niên thiếu. Kháng chiến còn giúp tôi hiên ngang hơn trước là đàng khác. Do đó, ở vào cái tuổi "tam thập nhi lập" này, trong khi đại đa số các bạn bè của tôi, vì hoàn cảnh riêng của từng người, có thể họ không dám phản ứng mạnh trước những trói buộc của tình thế thì trái lại, tôi không bao giờ chịu thua hoàn cảnh cả. Tôi đã có đủ nghị lực để từ chối những ân huệ thì tôi cũng có đủ can đảm để tung hê, để quẳng đi những hư danh hay hư lợi nào đó. Không có gì trói buộc được tôi, dù là ân sủng, dù là lạnh nhạt, dù là tình yêu hay hận thù. Tôi là một nghệ sĩ. Tôi yêu chuộng tự do. Tôi đòi hỏi một sự đãi ngộ xứng đáng đối với một nghệ sĩ độc lập.
Sống với một tâm trạng có phảng phất hoài nghi và buồn bã, nhưng cũng với quá nhiều mệt mỏi vì đời sống vật chất hằng ngày, đã có những lúc tôi cần phải "siêu hoá" đời mình. Tôi ngồi soạn lời ca tiếng Việt cho rất nhiều bài nhạc cổ điển trong đó có bài Rêverie của Schumann mà tôi rất thích. Khi soạn lời Việt cho bài này, tôi mường tưởng nhạc sĩ người Đức kia đã nhìn những chòm sao để mà mơ mộng. Tôi bèn chơi chữ: vòm sao - vì sao - dù sao - mà sao:
Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ
Bóng đêm về đó, trời sầu tưởng nhớ
Và lòng nặng mong chờ.
Ngồi im nhìn lên vườn sao lấp ló
Có muôn ngàn sao lững lờ
Có ai run trong xa mờ.
.................
Vì sao lìa nhau để theo kiếp số?
Cách xa nhiều quá
Nhờ đêm chiếu cho thêm mịt mù.
Dù sao người trên trời cao vẫn nhớ
Biết duyên bạc số
Mà sao vẫn chưa quên tình hờ?
Đột nhiên hạt sao rụng như cánh lá
Thấy tinh cầu ngã
Tưởng là người cũ, là người của mong chờ.
Tình ta hoà theo vệt sao bỡ ngỡ
Tới nơi mơ hồ có một trời hoa
Suốt một đời mơ ước thành tình ta...
Siêu hoá bằng cách nhìn lên trời sao để soạn lời cho bài hát Mơ Mòng... Từ đó, tôi liên tưởng tới ngôi sao trên lá cờ Việt Minh. Tháng sau là tháng 5 và sắp tới cái ngày được coi là sinh nhật của ông Hồ. Để nhớ lại những huyền thoại khi tôi nghĩ về những người như ông lúc tôi còn thơ ấu, nhớ lại những rung động lúc tôi gặp ông một lần ở Hà Nội và một lần ở Việt Bắc -- nhớ lại một lần cuối cùng chăng? -- tôi soạn ra một bài hát nhan đề A³nh Sáng Hồ Chí Minh:
Ngày mười chín tháng năm, sáng tưng bừng
Trời Việt... (quên)
A³nh Sáng Hồ Chí Minh
Đôi mắt người dìu dắt dân mình.
A³nh sáng bừng khắp nơi
Tôi định hát bài này vào ngày 19 tháng 5 nhưng tôi và cả đại gia đình "dinh tê" vào ngày mùng 1 tháng 5 năm mất rồi.
Thời gian cứ trôi dần. Số tiền tác quyền mà bố vợ đem từ Hà Nội ra cho tôi nay đã gần cạn. Quán Thăng Long đã êm đềm đóng cửa vì vắng khách hoàn toàn. Cũng như tiểu gia đình của tôi, đại gia đình của bố mẹ vợ tôi cũng ăn gần hết số tiền ông Thăng Long vay được ở những bạn bè trong thành phố. Từ một nơi nào đó ở Việt Bắc, hai vợ chồng Phạm Đình Sỹ, Kiều Hạnh cùng với hai con gái là Mai Hương, Bạch Tuyết và một con trai tên là Lan Sơn cũng đã lặn lội về tới Chợ Neo. Phạm Đình Sỹ là con trai thứ hai của bố vợ tôi, trước đây là một công chức của Sở Quan Thuế Đà Nẵng, ra với kháng chiến thì phục vụ tại một cơ quan nào đó ở Việt Bắc. Chị Kiều Hạnh lúc còn ở Hà Nội là một nữ diễn điêu luyện của ngành Kịch Nói trong đoàn kịch Hoa Lan. Khi chị chạy ra với kháng chiến, có lần chị đã định gia nhập Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn, nhưng chị không nỡ bỏ chồng con ở một chỗ để đi công tác xa. Sống ở Việt Bắc, với số lương không đủ ăn của anh Sỹ, chị Kiều Hạnh phải làm thêm cái nghề bán quà vặt như bánh chưng,sôi, mía, khoai lang, sắn luộc... cho nhân viên của cơ quan. Ca sĩ Mai Hương lúc đó mới có 9 tuổi mà phải vào rừng, dù trời mưa hay nắng, để hái lá rong cho mẹ gói bánh. Anh chị Sỹ cũng ở trong tình cảnh của đại đa số các gia đình thị dân khác, sau 5 năm rời bỏ Hà Nội để đi theo kháng chiến, bây giờ gia đình này đã kiệt quệ về kinh tế rồi. Và khi bố vợ tôi nhắn tin thì gia đình này bò về Thanh Hoá.
Đại gia đình gồm gia đình bố, mẹ, anh em nhà vợ, gia đình anh chị Sỹ và gia đình tôi bây giờ ngồi nói chuyện với nhau thì tất cả mọi người chỉ còn có một ý nghĩ: "dinh tê". Y³ nghĩ buồn rầu đó đã xâm nhập tâm hồn tôi. Tôi đã soạn ra một bài hát kể chuyện một nàng tiên nữ có cái tên là Giáng Hương bị Trời đầy xuống trần gian. Bài hát nhan đề Cành Hoa Trắng:
Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương.
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi...
Chúng tôi có khoảng một tháng trời để nhìn thấy chung quanh mình có khá nhiều gia đình đã "dinh tê". Gặp được những gia đình bạn như gia đình Nguyễn Giao (bố vợ Hoàng Thi Thơ), gia đình Đỗ Xuân Hợp, gia đình Đoàn Châu Mậu... là có ngay những vụ bàn bạc về việc "rentrer": vào thành? hay "rester": ở lại?
Ơ± lại --"rét tê" -- thì không còn tiền để mua gạo mà ăn. Chưa dám nói tới thịt, cá đâu. Nhất là không có tiền mua thuốc men để chống đỡ với các Thần Bệnh Tật. Riêng hoàn cảnh của gia đình tôi thì y hệt hoàn cảnh của người vợ lính trong bài thơ của Hoàng Cầm. Quán Thăng Long ế khách quá nên đóng cửa từ lâu, làm gì còn có dăm ba bát phở thừa để cho Thái Hằng ăn hằng ngày nữa. Thiếu sữa cho đứa bé ăn là cái chắc. Chẳng lẽ lại nuôi một con dê sữa như bà Đào Duy Kỳ ở Việt Bắc? Tôi nhìn lũ con của anh chị Sỹ là Mai Hương, Bạch Tuyết, thấy cháu nào cũng thiếu dinh dưỡng -- nhất là cháu Sơn sinh ra ở Lạng Sơn -- cháu nào cũng xanh xao gầy gò không thua gì cậu em vợ của tôi cả.
Vào thành -- "rinh tê" -- thì tiếc công đóng góp vào kháng chiến của mình. Cũng cần phải nói ngay rằng nếu trong lòng tôi lúc đó có một sự hoài nghi nào đối với lối cư sử của một tổ chức đang nắm vận mệnh của toàn dân thì tôi lại không có một chút hoài nghi nào về sự thắng lợi của kháng chiến cả. Sớm muộn thì Pháp cũng sẽ phải thua trong trận chiến này. Những người như tôi cũng có ích lợi cho một giai đoạn của cuộc kháng chiến rồi đấy. Đó là giai đoạn của Mặt Trận Việt Minh-- trên danh nghĩa -- bao gồm đủ mọi thành phần đảng phái. Nhưng bây giờ bộ mặt chính trị của Việt Minh đã đổi khác. Đảng Lao Động đã xuất hiện. Giai đoạn phản đế đã xong. Giai đoạn phản phong đã khởi sự. Bàn tay sắt đã giơ ra. Không một ai có thể đứng ngoài tổ chức được nữa. Tôi là một trường hợp muốn vượt ra ngoài tổ chức. Tôi bị bỏ quên là phải. Tôi không làm gì được cho kháng chiến nữa rồi, nhưng kháng chiến nhất định sẽ thành công. "Kháng Chiến Nhất Định Thành Công" không phải vì ông Hồ đã bảo như vậy, cơ quan tuyên truyền đã làm thành khẩu hiệu như vậy. Kháng chiến phải thành công vì Quân Đội của Việt Minh đã lớn mạnh, hậu phương của Việt Minh bây giờ không phải chỉ là vùng quê Việt Nam mà thôi, nó còn là cái nước khổng lồ Trung Cộng kia nữa, đa số dân chúng vẫn còn ủng hộ cuộc kháng chiến. Một số dân chúng bất mãn hay bị kiệt quệ về kinh tế mà phải bỏ kháng chiến về thành thì kháng chiến vẫn cứ nhất định thành công cho mà coi.
Bàn tán về việc "dinh tê", chúng tôi có thêm nỗi sợ cả hai bên Công An Việt Minh và quân đội Pháp.
-- Làm sao để đi thoát Công An Việt Minh?
Tôi bàn:
-- Chia nhau ra mà đi, đừng đi chung cả ba gia đình.
-- Tới vùng Pháp chiếm thì có bị Pháp giết như người ta đồn hay không? Ai sẽ đảm bảo cho mình khi mình tới vùng "địch"?
Bố vợ bảo:
-- Đừng lo, miễn là về được tới Phát Diệm. Đã có anh Chung (Phạm Đình Chung, người con cả) đang làm việc trong Bảo An Đoàn ở Hà Nội đảm bảo cho mình.
Trong thời gian này, có một người biết tôi sẽ "dinh tê". Đó là Nguyễn Đức Quỳnh. Một đêm, từ làng Quần Tín không xa Chợ Neo là mấy, anh đi bộ qua nhà tôi chơi. Hai anh em kéo nhau ra bờ đê sông máng, đứng nhìn về phía xa, thấy có một khoảng chân trời sáng hơn chỗ khác. Đó là một thành phố nào đó, có những đèn đường đêm đang phản ánh sáng lên trời, khiến cho dân thành phố như tôi và anh Quỳnh bỗng thấy nổi lên trong lòng một sự nhớ thương hè phố mà người Pháp đã gọi là "la nostalgie du pavé". Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi đã hẹn thầm là sẽ gặp nhau ở Hà Nội.