Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười tám

Em ơi, buồn làm chi?
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa bãi cát phẳng lì...
Hoàng Cầm
Trong khi Hoàng Cầm viết bài thơ để nhớ tới vợ con vào năm 1948 như vậy thì vợ con của nó ra sao?
Tuyết Khanh (mà tôi xin gọi là "Kiều Loan Mẹ", vì đứa bé khi ra đời thì được đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan tức là "Kiều Loan Con") không được gặp lại chồng mình sau cái ngày chia tay tại Phố Nỉ với sự chứng kiến của tôi. Suốt trong thời gian từ 1948 cho tới 1954, từ trong vùng địch chiếm, Kiều Loan Mẹ viết thư cho Hoàng Cầm nhiều lần và chẳng bao giờ được trả lời. Sau khi Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, Kiều Loan Mẹ đành phải bế đứa con lên sáu di cư vào Nam, trong khi Hoàng Cầm hãy còn ở một nơi nào đó trong vùng quê miền Bắc.
Về phần tôi thì sau khi vào sinh sống tại Saigon, trong suốt trong gần 20 năm trời, tôi chỉ có một lần nhận được tấm thiệp báo hỉ của Kiều Loan Con. Đứa bé nằm trong bụng mẹ trong thời kháng chiến xa xưa, hôm nay, trong một ngày lành tháng tốt của năm 1968, đã lấy chồng. Qua tới Mỹ, trong năm1975, tôi biết tin Kiều Loan Mẹ cũng đi tị nạn và đang sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Vào năm 1982 thì tôi lại nghe tin Kiều Loan Con cũng vượt biên qua tới nước Mỹ và về sống với Kiều Loan Mẹ tại Los Angeles. Ngày đầu năm 1983, trong buổi đi chơi tình cờ, tôi được một người bạn đưa lại gặp hai mẹ con Kiều Loan tại căn nhà nhỏ ở downtown Los Angeles. Trong đời tôi đã xẩy ra nhiều chuyện thật là kỳ lạ. Nước Việt Nam đâu có phải là một nước bé nếu ta đi bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây và từ Tây sang Đông... như tôi đã làm cái cuộc cũng được gọi là "vạn lý trường chinh" trong thời tao loạn này. Vậy mà đi tới đâu thì cũng lại gặp lại những người mà mình đã gặp ở một nẻo đường xa lắc xa lơ. Có lẽ cũng tại cái biến cố "cả nước lên đường" vậy. Người nào cũng lên đường cả, thành thử ai cũng gặp nhau. Chẳng hạn Phạm Thanh Liêm. Chẳng hạn Ngọc Bích, Văn Chung, Đoàn Bính v.v... Đi tới đâu thì tôi cũng gặp lại họ. Giống như đã có hẹn hò với nhau từ tiền kiếp xa xôi nào đó, xa nhau rồi cũng lại phải gặp nhau. Qua tới Hoa Kỳ rồi mà vẫn còn gặp lại Hoàng Cầm qua hai mẹ con Kiều Loan. Sau bốn mươi năm. Đừng hỏi tại làm sao mà tôi cứ bị ám ảnh bởi thi sĩ Hoàng Cầm. Và soạn Hoàng Cầm Ca.
Đi lưu diễn với Hoàng Cầm tại vùng Cao-Bắc-Lạng này, ngoài cái vui được đem thơ, đem nhạc, đem kịch (do vợ chồng Văn Chung đóng) để nâng cao tinh thần kháng chiến của quân đội, của nhân dân, chúng tôi còn có những cái vui riêng. Chẳng hạn sau khi công tác, dù ở trong nhà dân chúng hoặc đóng trại trên bìa rừng hay trong hang đá, chúng tôi thường hay bày trò hát ả đào. Hoàng Cầm có giọng ngâm, giọng hát rất hay. Nó thuộc hết các điệu hát nhà tơ, đóng vai ca kỹ, còn chúng tôi đóng vai quan viên, đánh trống chầu "tom tom chát chát", hoặc lấy đàn guitare ra thay thế đàn đáy, gẩy ra những tiếng "tình tình, tình tình, tang, tang" (chúng thường nói đùa cái lối gẩy đàn này là: "thằng nào? thằng nào? tao, tao"). Mấy thằng đóng trò quan viên và ả đào này thích uống rượu lắm cho nên trong mâm cơm có bao nhiêu thịt gà là bị tôi là kẻ không uống rượu, đớp hết. Hoàng Cầm còn nhớ tới chuyện tôi ăn nhanh -- và ăn tham -- này và kể cho một người có cơ hội đi tị nạn ở Hoa Kỳ nghe, người này có nhắc lại chuyện đó khi gặp tôi.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm rất nên thơ trên một nẻo đường kháng chiến cùng với Hoàng Cầm. Là những thanh niên quen sống ở đô thị, khi đi kháng chiến, chúng tôi phải khó nhọc lắm mới khắc phục được cái khổ chung của toàn dân là: đi bộ. Vai đeo ba lô, tay xách đàn, cổ quàng sắc- cốt, đi từ chỗ đóng quân này tới nơi đóng quân khác, toàn bằng "lô ca chân" thôi. Trèo đèo, vượt suối, băng rừng, trung bình mỗi ngày đi từ 30 tới 40 cây số. Khi đi lưu diễn tại Khu XII này, lại toàn đi trên đường đá, trong sương mù. Cảnh thì thật là đẹp, người miền núi thật là đáng yêu, nhưng có khi nửa ngày mới gặp một cái bản, một cái thôn. gặp một cái chợ thì như gặp được thiên đàng. Vì nhân viên trong đội toàn là văn nghệ sĩ cho nên chúng tôi bầy đặt chuyện vừa đi vừa làm thơ cho đỡ buồn, cho đỡ mệt. Nhưng phải là thơ đặc biệt, chẳng hạn như khi đang đi thì thấy một đội viên bực mình thốt lên:
Đường đá đưa đoàn đến đếch đâu?
Tụi tôi tìm thấy cái thú làm thêm những câu thơ tiếp tục, những câu thơ hợp tình, hợp cảnh và theo một vần chữ. Một câu thơ như vậy, cần phải đi dăm bẩy cây số mới có được một câu mà toàn đội đồng ý. Tôi không nhớ ai đã tung ra câu thứ hai và câu thứ ba:
Xa xa xam xám xuống sương sầu
Mịt mù mê mải mưa mưa mãi
Câu thứ tư chắc chắn phải là của một thằng nhạc sĩ, vì ngoài ba lô ra, nó phải đeo thêm cây đàn:
Đàn địch đem đi đến đớn đau.
Nhưng chính trong cái trò chơi giải trí, giải lao, giải buồn và giải "đói" này tôi mới thấy rõ chân tướng của một nhà thơ lớn là Hoàng Cầm.