Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Chương mười sáu

Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ?
Hoàng Cầm - Kiều Loan
Cuối năm 1947 đó, tôi và Ngọc Bích từ tỉnh lỵ bị tiêu hủy hoàn toàn là Thái Nguyên đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế. Tôi rảo bước đi trên con đường rất quen thuộc được xây trên mặt đê của con sông đào Tôi nhớ lại câu hát quan họ mà tôi hát lên trong thời tôi làm nghề nông và sống ở vùng này:
Ngồi rằng, ngồi tựa a a a a cái con sông đào,
Hỏi rằng là người tri kỷ y y y y
"y mấy có ra vào, ra vào có mấy vấn vương...
Từ xa đi tới, tôi nhận ra cái ấp nhỏ vẫn đang nằm êm ả trên một ngọn đồi thấp. Tôi sắp tới một nơi chứa đựng không biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đẹp của tôi khi tôi mới hai mươi tuổi. Tới nơi thì biết rằng mấy ngôi nhà ở trong ấp và mấy trăm mẫu ruộng của ông bà Tuần Phủ Lê Đình Trân đã bị tịch thu. Một ủy ban nào đó đang quản trị cái ấp và những mẫu ruộng này. Như đã nói trong Hồi Ký Tập II, có lần tôi là con nuôi của ông bà Tuần Phủ Trân và được cha mẹ nuôi tin cậy gửi lên Nhã Nam để phụ giúp cho người em của bà Trân, trông coi cái đồn điền rất xinh xắn nhất ở nơi đây. Tôi biết cầy ruộng, gặt lúa, xay thóc, giã gạo không thua một anh nông dân nào.
Xin nhắc lại là khi đó tôi có hai người tình là gái quê một trăm phần trăm, mà lại là gái quê vùng Yên Thế. Trong lần trở về vùng quê cũ này, tôi chỉ gặp lại một người mà xưa kia tôi có ý định lấy làm vợ. Nàng tên là Hạ và là con gái lớn của một ông Chánh Tổng. Cảnh làng mạc có đôi phần đổi thay, tôi hỏi thăm đường về nhà ông bố vợ hụt. Gặp ông, thấy ông "kách mệnh" quá trời. Mẹ kiếp, ngày ông còn trẻ, ban ngày ông là dân lành, ban đêm ông nổi lửa đi ăn cướp, ông bị tù gần mọt gông, tôi biết chuyện này mà.
Gặp lại cô gái quê, thấy nàng vẫn chưa lấy chồng, vẫn còn đẹp, vẫn quần quật lao động và còn lao động "vinh quang" hơn trước nhiều. Cho mọi người coi giấy công tác của Cục Chính Trị, chúng tôi bèn được hậu đãi ngay. Trong mấy ngày ở lại đây, tôi được hưởng những đêm ái ân nồng cháy trên ổ rơm thơm phưng phức bên người đẹp nhà nông có thân hình cứng như... gỗ lim này. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc đó tôi không ở lại Nhã Nam, lấy phứt cô gái quê này làm vợ, trở thành một anh nông dân không tên tuổi? Âu cũng là số kiếp... và rồi tôi cũng đã nhanh chóng chia tay với tình yêu để đi "nàm việc nước" (!)
Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ơ± đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung, đôi uyên ương này cũng đã bỏ Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn và lò mò sang đây. Có thêm vài ba mầm non mới gia nhập đoàn văn nghệ như Hiền thổi saxo chẳng hạn. Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh, nữ kịch sĩ của một đoàn kịch do nó và Hoàng Tích Linh thành lập vào khoảng đầu thập niên 40 là đoàn "Đông Phương". Tuyết Khanh là người thủ vai chính trong vở kịch thơ Người Điên của Hoàng Cầm. Vở kịch còn mang thêm cái tên Kiều Loan này, đáng lẽ được ra mắt công chúng tại nhà Hát Lớn Hà Nội vào trung tuần tháng chạp 1946 nhưng cuộc toàn dân kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19 khiến vở kịch đó chỉ được xuất hiện trước ánh sáng tiền trường có một hay hai đêm mà thôi. Do đó, rất ít người biết tới vở kịch thơ này.
Vở này có câu chuyện khá ly kỳ, đưa ra một nhân vật là Kiều Loan, người đã khuyến khích chồng ra đi với mưu đồ đánh đổ Nguyễn A³nh để phục hồi nhà Tây Sơn. Nhưng chồng nàng đã bỏ ý đồ phục quốc, đầu hàng nhà Nguyễn và được tuyển dụng làm quan trong triều đình. Kiều Loan vào thành Phú Xuân để tìm chồng thì gặp một người cùng chí hướng là ông già. Cả hai người này đã giả điên, giả say tạo ra sự huyên náo trước cửa Thành để được bắt đem vào dinh, nơi đó Kiều Loan có thể gặp được người chồng phản bội, nhắc nhở cho chồng nhớ tới lời hứa phục quốc khi xưa. Trong dinh, trước mặt bá quan, Kiều Loan giả điên, giơ tay chỉ hết người này tới người nọ, nhận ai cũng là chồng của mình và rốt cuộc, cùng với ông già giả say, nàng bị bắt giam. Trong ngục, hai người gặp thêm một người tù đồng chí là người què. Trong khi ba người: người điên, người say và người què bị giam trong ngục thì, sau khi súc động vì gặp lại vợ xưa với lời thề ước, người chồng tỉnh ngộ, cầm quân vào phá ngục để cứu vợ nhưng Kiều Loan đã tự vẫn chết cùng với các đồng chí của Nàng. Với vở kịch thơ Kiều Loan này, ta thấy Hoàng Cầm cũng ca tụng cái đẹp của sự thất bại -- la beauté des causes perdues -- giống như Khái Hưng với Tiêu Sơn Tráng Sĩ.
Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay nhau giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây nó sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi...