Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
Chương XXX
GIẢNG VỀ KIẾM THUẬT
(Thuyết kiếm)

1

 
Xưa, vua Văn vương nước Triệu thích kiếm thuật, kiếm sĩ đầy cung đình, có tới ba ngàn người, ngày đêm đấu kiếm trước mặt vua, mỗi năm trên trăm người chết hay bị thương, mà nhà vua không chán. Như vậy ba năm, nước suy, chư hầu tính chuyện xâm chiếm. Thái tử là Khôi lấy làm lo, vời bọn tả hữu lại bảo:
 
- Ai thuyết phục vua cha bỏ trò đấu kiếm đó đi thì sẽ được thưởng ngàn vàng.
 
Họ đáp:
 
- Chỉ Trang tử là thuyết phục nổi.
 
Thái tử bèn sai người đem ngàn vàng tặng Trang tử. Trang tử không nhận, nhưng cũng theo sứ giả yết kiến thái tử, bảo:
 
- Thái tử có điều gì dạy bảo Chu tôi mà cho tôi ngàn vàng?
 
Thái tử đáp:
 
- Tôi nghe nói tiên sinh là bậc thánh trí nên kính cẩn dâng ngàn vàng để tiên sinh chu cấp cho các người tuỳ tòng, nay tiên sinh không nhận thì Khôi tôi đâu dám thưa.
 
- Tôi nghe nói thái tử muốn cậy Chu tôi để trừ một cái tật đam mê của đại vương. Nếu lời tôi thuyết trên thì trái với ý đại vương, dưới thì không làm tròn được điều thái tử uỷ thác, tất tôi sẽ bị tử hình mà ngàn vàng đó có ích gì cho tôi đâu? Trái lại tôi thuyết phục được, thực hiện được ý muốn của thái tử thì trong nước Triệu này, tôi muốn gì mà chẳng được, [kể chi tới ngàn vàng]?
 
- Vâng. Nhưng vua chúng tôi chỉ tiếp các kiếm sĩ thôi.
 
- Dạ, tôi đánh kiếm cũng giỏi lắm.
 
- Hạng kiếm sĩ mà vua chúng tôi tiếp đều đầu tóc bù xù, tóc mai bồng lên, mũ chụp xuống mắt, dải mũ thô xấu, áo vạt sau ngắn hơn vạt trước, mắt trợn trừng, ăn nói ấp úng, có vậy vua chúng tôi mới vui lòng. Nay tiên sinh bận áo nhà Nho[1] mà vô thì e việc không êm đâu.
 
Trang tử bảo:
 
- Vậy tôi xin bận y phục của các kiếm sĩ ấy.
 
Ba ngày sau, Trang tử bận y phục kiếm sĩ, vô yết kiến thái tử, thái tử dẫn vô bái kiến vua Triệu. Vua Triệu tuốt gươm ra, đợi. Trang tử ung dung bước vô điện, thấy vua cũng không cuối đầu. Vua Triệu bảo:
 
- Thầy có gì chỉ giáo quả nhân mà cậy thái tử dẫn vô?
 
Trang tử đáp:
 
- Thần nghe nói đại vương thích kiếm thuật, nên xin yết kiến đại vương để nói về kiếm thuật.
 
- Kiếm thuật của thầy có gì đặc biệt để chế phục kẻ khác?
 
- Kiếm thuật của thần, cứ mười bước giết được một người, như vật suốt ngàn dặm không ai cản được thần.
 
Vua Triệu mừng lắm, bảo:
 
- Vậy là vô địch trong thiên hạ.
 
- Cái Đạo đánh kiếm của thần như vầy: cố ý để lộ nhược điểm của mình cho địch thủ thấy, địch thủ sẽ thừa cơ mà tấn công, thần tấn công sau mà đâm trúng trước. Thần xin thử cho đại vương coi.
 
Vua Triệu bảo:
 
- Thầy hãy về nghỉ ở quán xá, để quả nhân chuẩn bị xong cuộc đấu kiếm rồi mời thầy tới.
 
Rồi vua Triệu cho các kiếm sĩ tỉ thí với nhau bảy ngày, số tử vong trên sáu chục người, sau cùng lựa được năm, sáu người giỏi nhất, bảo họ cầm kiếm ở dưới điện, và cho vời Trang tử tới, bảo:
 
- Hôm nay thầy sẽ tỉ thí với các kiếm sĩ của quả nhân.
 
- Thần đã mỏi mắt trông chờ ngày nay.
 
- Kiếm thầy dùng dài ngắn ra sao?
 
Trang tử đáp:
 
- Kiếm nào thần dùng cũng được. Nhưng thần có ba cây kiếm để đại vương lựa. Và thần xin giảng về ba cây kiếm đó trước rồi sau sẽ dùng thử.
 
- Xin thầy cho nghe.
 
- Ba thứ kiếm đó là kiếm của thiên tử, kiếm của chư hầu và kiếm của người thường.
 
- Thế nào là kiếm của thiên tử?
 
- Kiếm của thiên tử thì mũi nhọn là Yên Khê, Thạch Thành, lưỡi là nước Tề, nước Đại, sống [lưng] là nước Tấn, nước Nguỵ, cán là nước Chu và nước Tống, chuôi là nước Hàn và nước Nguỵ; có bốn rợ bao bọc, có bốn mùa làm bao (túi), có Bột Hải bao quanh, có Thường Sơn làm đai, nó khống chế bằng ngũ hành [tức kim mộc thuỷ hoả thổ], dùng thưởng phạt để quyết đoán, dùng âm dương để đóng mở, mùa xuân, mùa hạ thì phù trì, mùa thu, mùa đông thì túc sái. Thứ kiếm ấy một khi đâm tới thì không ai chống nổi, vung lên cao thì không ai đỡ nổi, hạ xuống thì không ai chạy thoát, múa chung quanh thì không ai lại gần được. Ở trên cao nó chém những đám mây nổi, ở dưới thấp nó chặt đứt những địa mạch. Dùng cây kiếm đó có thể điều khiển được chư hầu, thống phục được thiên hạ. Kiếm của thiên tử như vậy.
 
Vua Triệu hoang mang, bối rối, hỏi:
 
- Thế nào là kiếm của chư hầu?
 
- Kiếm của chư hầu mũi nhọn là kẻ sĩ trí dũng, lưỡi là kẻ sĩ thanh liêm, sống là kẻ sĩ hiền lương, cán là kẻ sĩ trung tín, chuôi là kẻ sĩ hào kiệt. Thứ kiếm ấy, một khi đâm tới thì cũng không ai chống nổi, vung lên cao thì cũng không ai đỡ nổi, hạ xuống thì cũng không ai chạy thoát, múa chúng chung quang thì cũng không ai lại gần được. Ở trên cao nó giống mặt trời tròn, tuỳ theo mặt trời, mặt trăng và các tinh tú mà chiếu sáng; ở dưới thấp nó giống mặt đất vuông, theo bốn mùa mà vận hành; ở giữa nó hợp tâm lí của dân chúng, đem lại thái bình cho bốn phương. Dùng cây kiếm ấy thì làm cho chấn động như sấm sét, trong bốn cõi không ai không qui phục, tuân theo mệnh lệnh của vua. Kiếm của chư hầu như vậy.
 
- Còn thế nào là kiếm của người thường?
 
- Kiếm của người thường thì đầu tóc bù xù, tóc mai bồng lên, mũ chụp xuống mắt, mắt trợn trừng, ăn nói ấp úng. Khi đấu kiếm trước mặt mọi người, trên nó chặt đầu của đối phương, dưới nó đâm thủng gan phổi của đối phương. Kiếm của người thường như vậy, không khác gì đá gà, sớm mượn gì cũng toi mạng, không ích gì cho quốc gia cả. Hiện nay đại vương ở ngôi thiên tử chí tôn, mà lại thích kiếm thuật của người thường, tôi trộm nghĩ không nên.
 
Vua Triệu bèn kéo Trang tử lên điện, tại đó người trông coi về ngự thiện đã dọn tiệc sẳn. Vua Triệu [xấu hổ] ba lần chạy chung quanh chiếu tiệc.
 
Trang tử bảo:
 
- Xin đại vương bình tĩnh ngồi xuống. Lời giảng về kiếm thuật của tôi hết rồi.
 
Sau đó, ba tháng vua Triệu không ra khỏi cung. Các kiếm sĩ không được trọng đãi nữa đều tự sát hết.
 
 

NHẬN ĐỊNH

 
Chương này ngắn, chỉ có một bài. Tác giả muốn dùng thuật đánh kiếm để giảng về đạo trị thiên hạ, tư tưởng không có chỗ nào hợp với Trang tử mà lại đặt vào miệng Trang tử. Lời lẽ thô lậu, có cái giọng của bọn tung hoành gia tầm thường (kém xa Tô Tần, Trương Nghi) của thời Chiến Quốc.
Chú thích:
[1] Trang Chu sao lại bận áo nhà Nho?