Chương 39

Một lần nữa, số phận không may lại đến với gia đình bà. Thuyền đột nhiên chết máy, ba người đàn ông trên thuyền tích cực sửa máy nhưng vẫn không nổ. Sau một đêm hai ngày, con thuyền cứ nhấp nhô trên sóng nước trôi dần vào bờ. Mọi người lo âu khấn vái cho máy nổ trở lại, nhưng không. Máy tàu đã phản bội, nó im lìm không lên tiếng. Tuyệt vọng quá, bà Tuyết Nhung muốn xô các con xuống biển rồi nhảy theo luôn, nhưng không biết nghĩ sao bà đành phó mặc. Thuyền cứ trôi dạt vào đất liền, dãy núi xuất hiện mỗi lúc một rõ. Mọi người thấy từ trong bờ xuất hiện hai chấm trắng, càng lúc càng rõ dần. Đoàn người cầu mong đó là thuyền của ngư dân ra cứu, đàn bà con nít bị đuổi xuống hầm tàu. Ai cũng tháo vàng và lấy tiền ra sẵn sàng đưa cho người cứu để được dẫn vào bờ an toàn. Nhưng hỡi ơi, đó là hai thuyền của công an biên phòng chạy ra bắt, thế là tiêu tan hy vọng. Hai chiếc thuyền công an chạy đảo quanh thuyền vượt biên hai ba vòng, bắn mấy loạt súng thị uy. Thấy thuyền vượt biên không phản ứng, thuyền công an cặp vào hai bên hông. Hai toán công an nhảy lên tàu chỉa súng bắt mọi người trong buồng lái giơ cao hai tay, hỏi ai là chủ thuyền và tài công rồi bắt trói lại.
Tội nghiệp anh chủ thuyền và chú tài công, hai người bị công an tống cho mấy báng súng vào bụng và đầu, máu chảy đầm đìa. Trói xong chúng kêu đàn bà con nít dưới khoang tàu lên bong xếp hàng, trói từng người một, con nít thì được miễn. Công an cột dây thừng vào đầu mũi thuyền vượt biên kéo vào bờ. Chủ thuyền và tài công bị đưa qua thuyền công an, chỉ để lại trên tàu vượt biên hai công an đứng canh chừng đám đàn bà con nít.
Sự hành hạ những người tổ chức vượt biên thật khủng khiếp, tội "phản quốc" là tội nặng nhất trong lúc này. Đàn bà con nít còn đỡ, riêng chú Thuận, anh Chín và chủ thuyền bị công an chấp pháp và cán bộ trại giam đánh đến thừa chết thiếu sống. Ngồi ngoài nghe tiếng huỳnh huỵch, rồi tiếng rên xiết của người bị tra tấn trong phòng chấp pháp vọng ra ai cũng đau lòng. Họ hăm dọa bắn bỏ những người tổ chức, họ muốn biết thêm những ai dính líu đến đường dây để bắt. Tội nghiệp cho anh Chín, chú Thuận và chủ thuyền, vì muốn tìm tự do mà phải chịu bao nỗi trầm kha.
Khi vào bờ, đồng bào hay tin có thuyền vượt biên bị bắt đã kéo ra xem đông đảo, có người tràn vào giữa đám người bị bắt cố ý cản trở sự kiểm soát của cộng sản để ai muốn trốn thì trốn, nhưng đoàn người chỉ toàn là đàn bà, trẻ con. Mấy người đàn ông bị bắt trói ngồi một góc nên không ai nghĩ đến chuyện trốn tránh, tất cả đều chán nản, lo sợ. Mãi suy nghĩ và bàn luận những điều ấy với người trong cuộc, bà Tuyết Nhung cảm thấy được an ủi vì ít ra dân chúng cũng còn tình người. Đối với bà, vượt biên đưa con cái trốn ra nước ngoài không phải là kẻ phản quốc như cán bộ cộng sản gán cho bà.
Tàu bị tịch thu, nhà cửa những người trong cuộc đều bị niêm phong. Sau mấy ngày bị hành hạ tại đồn, họ đưa cả đoàn đi cải tạo ở trại Z30C Bình Tuy. Trong thời gian tập trung cải tạo, bà Tuyết Nhung ôn lại những gì đã trải qua và chuẩn bị những việc sẽ làm trong thời gian tới. Tại sao mình đi mấy chuyến không thành? Tại sao thuyền chết máy? Đó là những câu hỏi thường đặt ra giữa những người cùng chung số phận tại trại giam Bình Tuy này. Được biết ngư dân trên thuyền bị công an biên phòng trưng dụng để ra bắt tàu vượt biên cố ý trùng trình, họ cho thuyền chạy chầm chậm cố ý để thuyền vượt biên chạy thoát nhưng vì chết máy nên mới bị bắt. Sau gần một năm trời cải tạo, lao động nặng nhọc, mẹ con bà được tha về. Nhờ Trời Phật con cái bà vẫn được bình yên.
Về lại nhà cũ thì than ôi, gia đình một cán bộ cộng sản đang ở. Người ta đã tịch thu nhà của bà. Mất nhà mất cửa, mối lái làm ăn cũng không còn, điều kiện sinh sống tại địa phương quá khó, mẹ con bà đi về Sài Gòn tá túc nhà người em gái, sống lây lất qua ngày nhờ sự tiếp trợ của gia đình gần xa. Sau một thời gian ăn nhờ ở đậu, bà đánh liều dẫn sáu đứa con nhỏ vào Long Hải sinh sống. Nhờ người chị thứ hai thương tình thuê giùm bà một căn nhà ở cạnh một ngôi chùa để ở và thường lui tới chăm sóc mấy cháu nhỏ, bà rảnh rang buôn bán. Chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái, cuộc sống rất là gian truân, chỉ được cái là ở địa phương không ai biết bà đã bị bắt vì tội "vượt biên", ngoại trừ những người thân thích. Công việc làm ăn, buôn bán của bà dần dần phục hồi, có phần phát đạt.
Đến giữa năm 1981, anh Chín mãn hạn tù được tha về. Nhờ dò hỏi bà con lối xóm, anh về Sài Gìn rồi ra Long Hải thăm mẹ con bà Tuyết Nhung. Nói sao hết được sự mừng vui trong lúc ấy, bà nhìn anh nghẹn ngào không thốt được nên lời. Anh ở lại với mẹ con bà, phụ giúp mẹ con bà kiếm một căn nhà rộng hơn để ở và tham gia buôn bán. Anh Chín sau mấy chuyến đi không thành cũng rất chán nản, quyết định ở lại. Mộng ra đi nước ngoài của bà Tuyết Nhung cũng không còn, khả năng tiền bạc không cho phép.
Con cái cứ lớn dần theo thời gian. Đứa con gái đầu lòng đã qui y cửa Phật, nếu gia đình có đi chắc nó cũng không đi. Ngày nó xuống tóc đi tu, lúc đó vừa 17 tuổi, bà không cầm được nước mắt. Tâm con đã quyết, bà đành chìu theo. Sau 18 năm trau dồi Phật pháp, con gái bà hiện đang trụ trì tịnh thất Linh Quang, bà con Phật tử đến chùa cầu nguyện rất đông. Dòng đời cứ trôi chảy, các con bà lần lượt cưới vợ, lấy chồng. Tuy không khá giả hơn ai, nhưng được cái chúng rất hiếu hạnh. Biết bà suốt đời hy sinh cho con cái nên chúng đối xử với bà hết mực lễ phép, ít khi làm bà phiền lòng. Những đứa có gia đình ở xa vẫn thường xuyên tới lui, thăm viếng bà, những đứa có gia đình ở gần thường giúp đỡ, săn sóc bà mỗi khi đau yếu.
Giờ đây tâm hồn bà đã yên tịnh. Suốt gần 35 năm lăn lộn với đời, có chồng rồi mất chồng, vượt biên thất bại, ở tù, biết bao đau thương, bao cảnh xé lòng diễn ra trước mắt, bà đều xem là hư ảo, mọi tị hiềm trên đời đều quên. Giờ đây sớm khuya kinh kệ, vui trong tiếng mõ hồi chuông, mong cầu sao cho quốc thái dân an, cảnh bất công không còn nữa để nhân loại chúng sinh cùng nhau toại hưởng. Thỉnh thoảng bà cùng với mấy chị em Phật tử thuê xe đến những đình chùa linh hiển cầu nguyện. Ước vọng cuối cùng của đời bà là các hội đoàn thiện nguyện ở khắp nơi trên thế giới mở lòng từ bi, bác ái và nhân ái, mở rộng vòng tay cứu vớt những nạn nhân đã chịu nhiều thương đau, mất mát trong cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước Việt Nam, và những trẻ em bất hạnh đang sống lang thang khắp đầu đường xó chợ được có nơi nương tựa và có được bàn tay chăm sóc.

*

Bà Tuyết Nhung với tôi tuy không cùng tôn giáo nhưng đã chia sẻ với nhau niềm vui chung là lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi trong các chùa và nhà thờ. Hai chúng tôi quen nhau tại bắc Mỹ Thuận, qua trung gian anh Xích. Chúng tôi đã ngồi ăn với nhau những bữa ăn đầm ấm tình người. Anh Xích, bà Tuyết Nhung và tôi đã lập danh sách những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi cần được cứu giúp gởi ra hải ngoại nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển cùng các hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ.
Xin gởi đến quí vị ân nhân nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi, những người bất hạnh trong cuộc chiến vừa qua và cầu chúc Ơn Trên phù hộ cho gia đình cùng cá nhân quí vị.
Viết lại theo lời thuật của chị Xuân Lan,
một góa phụ hiện cư ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.