Tôi chào hỏi người vú nuôi, lòng đầy bi thương và hoan hỉ. Bao nhiêu ân tình mừng mừng tủi tủi. Bà vú bảo tôi ngồi xuống, bắt tôi đem hết sự tình kể lại đầu đuôi. Tôi đã làm gì, tôi đã trải qua những gì, nhất nhất đem gót đầu ra thuật lại tỉ mỉ. Bà đăm đăm nhìn tôi. Bà chống tay vào gò má nhăn nheo, suy nghĩ lâu lắm, rồi ảo não thở dài nói: - Tội quá! Tam Lang! Nếu ngày nay tôi còn ở với gia đình cậu, thì đâu đến nỗi cậu phải cạo đầu đi tu như thế! Tôi đã hầu hạ phu nhân không quá ba năm trời. Thời gian ấy kể cũng không dài chi lắm, nhưng phu nhân đã đối đãi với tôi hết lòng hiền từ thân ái. Một phen từ biệt phu nhân, đến nay đã ròng rã mười năm trời, nhưng cứ mỗi lần cầm đũa, bưng cơm, tôi chẳng thể nào quên được tấm lòng phu nhân đối với tôi. Lúc phu nhân rời gót ra đi, tôi liền bị người trong gia đình cậu ghét bỏ, đối xử tàn ác, nhưng tôi vẫn ẩn nhẫn chịu đựng. Ấy bởi vì tôi cảm ân đức của phu nhân, nên tôi chẳng thể nào bỏ cậu mà ra đi. Cho tới lúc nghĩa phụ của cậu lìa đời, lòng tôi bời bời bối rối, đau buồn khôn tả. Tôi thầm nghĩ: “Tam Lang thế là từ nay cô hàn, không nơi nương tựa”. Tôi muốn viết thư cho phu nhân, báo bạch hết mọi sự cho phu nhân rõ, để phu nhân sớm liệu xếp đặt cho cậu về gấp bên quê mẹ (bên Nhật Bản) rời hẳn cái con mẹ ghẻ chèng đét hung dữ kia! Dè đâu con mẹ đàn bà đa đoan ác độc nọ lại dò la manh mối, đánh hơi thế nào mà đoán đước cái nguyện vọng của tôi, mụ ta nộ khí xung thiên, lôi cổ tôi ra, lấy roi tre đánh tôi một trận bầm mình dập mẩy. Lúc bấy giờ tôi cũng chẳng thiết chi cái chuyện phân giải thị phi, lời hơn lẽ thiệt gì về nhân đạo với mụ ấy! Mụ tha hồ đánh tôi sướng tay thỏa dạ xong, thì đuổi tôi đi về quê, không cho tôi nấn ná một ngày nào nữa. Bà vú kể tới đó, thì nước mắt giàn giụa, không tiếp được lời nào nữa. Lòng tôi đau đớn cùng cực, chẳng còn biết lựa lời gì để an ủi bà. Chỉ biết để nước mắt trào ra như suối, nhìn bà không nói được một lời nào cả. Rồi tôi chợt nghĩ rằng cái ngày phải chịu đựng trận bạc đãi bạo ngược kia, bà vú nuôi tôi đã quá bốn mươi tuổi, thì làm sao kham! Tôi cố gắng hết sức làm ra vẻ trấn định, an ủi bà ta: “Vú đừng đau xót nữa! Vú đã nuôi nấng tôi, ngày nay tôi đã thành lập, ân ấy đức ấy, làm sao tìm ra lời mà bày giãi. Ngày nay mặc dù tôi đã quy y cửa Phật, lòng tôi đã nguội lạnh với sự đời, nhưng may được gặp vú nuôi tại đây, vú hãy chậm rãi cho tôi biết tin tức mẫu thân. Nếu không ắt là đi khắp bích lạc hoàng tuyền cũng không mong được một ngày gặp gỡ. Gẫm ra trời xanh dường cũng linh thiêng lắm. Từ ngày còn nhỏ dại, tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng mẹ tôi còn sống. Nhưng suy gẫm trăm lần, vẫn không biết hiện giờ thân mẫu sống tại đâu, mà cũng chẳng biết tên họ của mẹ là gì! Bữa nay, nghe vú nuôi nói về “phu nhân”, thì đó có thật là bà mẹ đã sinh tôi ra đời hay không? Thì vì lẽ gì thân mẫu lại bỏ tôi bơ vơ khốn khổ, chẳng tìm kiếm hỏi han gì hết? Xin vú nuôi hãy đem thân thế tôi nói cho tôi rõ một lần. Bà vú nuôi gạt lệ, nhìn tôi mà rằng: - Tam Lang hãy yên dạ! Tôi đem mọi sự kể hết cho Tam Lang nghe. Tôi vốn ngày xưa là con gái người nông dân cư lưu tại vùng này, năm năm tháng tháng chỉ biết chăn nuôi súc vật. Sau khi lấy chồng, tôi theo chồng làm ăn, ban ngày ra làm ngoài đồng, tối đến thì về nhà nghỉ ngơi. Vợ chồng sống hạnh phúc hết sức. Tôi đâu biết rằng trong nhân gian có đủ thứ đen trắng thị phi, rủi may may rủi. Vợ chồng nông dân, sống hồn nhiên như nước chảy, năm qua. Tới lúc tôi ba mươi tuổi, chồng tôi chẳng may đoản mệnh chết mất. Chẳng để lại chút gia sản nào, ngoài đứa bé con là Triều Nhi. Từ đó về sau, càng ngày sinh hoạt càng quẫn bách. Những bạn bè thân thích xa gần coi mẹ con tôi như kẻ qua đường, không còn tình nghĩa gì hết. Lúc đó tôi mới bắt đầu hiểu nỗi đời éo le, trong lòng buồn rầu khôn tả. Nhìn bốn bề chẳng còn ai thân thích, tình cảnh khốn cùng chẳng biết nói với ai. Một ngày kia, tôi mang giỏ đi mót những bông lúa rơi ngoài ruộng, bỗng thấy một phu nhân y phục theo lối cổ kính, thong dong bước tới bên tôi cất tiếng hỏi: - Trông thím có vẻ ưu khổ lắm phải không? Rồi bà ấy hỏi thăm cảnh huống tôi. Tôi đem hết gót đầu ra kể cho bà ấy nghe, thì phu nhân lân cảm tình cảnh tôi. Tôi đội ơn phu nhân. Phu nhân cho tôi về làm vú nuôi săn sóc Tam Lang đó. Phu nhân y phục cắt theo lối cổ đại Trung Hoa chúng ta. Những sự này, tôi được nghe ra là từ lúc về ở với phu nhân. “Tam Lang” tức là tên gọi cậu do phu nhân đặt cho đấy. Được nghe phu nhân nói rằng lúc sinh cậu ra chưa được mấy tháng thì thân phụ cậu qua đời. Thân phụ cậu là Tông Lang, vốn thuộc danh tộc ở Giang Hộ. Bình sinh thân phụ cậu can đảm cương trực lắm, nên mọi người mến chuộng. Thân phụ cậu qua đời, mẹ cậu càng ngày càng nhận thấy phong hóa Nhật Bản suy đồi, dần dà phong tục càng trở nên kiêu ly bạc bẽo, trong lòng bà suy gẫm muốn đưa cậu về cội gốc thượng quốc Trung Hoa, bèn dắt cậu về quê nội, đem ủy thác cậu cho một người bạn thân thiết nhất của cha cậu. Người ấy nhận cậu làm nghĩa tử. Cậu thành con nuôi của người ấy. Ý của phu nhân là làm sao cho cậu dứt tuyệt hết mọi liên hệ với căn tính cư dân hải đảo (người Nhật) hy vọng rằng sự giáo hóa ở quê cha sẽ rèn luyện cậu mai sau trở thành một con rồng ở trong nhân gian. Phu nhân vốn biết rằng hành động đó là đắc tội với quốc luật Nhật Bản, quê cha đất tổ của bà, nhưng tình mẹ thương con, có sự gì mà chẳng dám làm được! Phu nhân thân hành ẵm cậu đi, lén trốn sang Trung Hoa chúng ta, cư ngụ ba năm trời. Chợt một hôm phu nhân gọi tôi tới bên bà và bảo tôi như thế này: - Ngày nay tôi sắp quay trỏ về Nhật Bản! Thím ở lại mạnh giỏi nhé! Rồi phu nhân đưa tay chỉ Tam Lang, nuốt lệ nghẹn ngào bảo tôi: “Đứa con tôi sinh ra đời không may mắn! Thím hãy chịu khó săn sóc nuôi dưỡng nó, tôi sẽ chẳng quên công lao khó nhọc của thím đâu!” Nói xong, phu nhân viết địa chỉ mình ra giấy giao cho tôi, căn dặn tôi đừng có để thất lạc. Tới ngày nay, tôi vẫn cẩn thận giữ gìn kỹ càng trong cái hộp tre kia. Lúc bây giờ, tôi khóc tầm tã như mưa. Phu nhân giao cho tôi một trăm đồng vàng. Ngày nay số bạc ấy tuy nhiên không còn đồng nào, nhưng lòng tôi cảm kích phu nhân thật không hề giảm một chút. Nhất là tôi nhớ lại cái đêm trước ngày phu nhân ra đi. Phu nhân gài một tấm ảnh nho nhỏ của mình vào cái lon dẹp đặt vào trong cái rương áo quần của cậu, bà mong rằng ngày sau cậu lớn lên, cậu sẽ không quên được dung nghi từ mẫu. Dụng ý đó của phu nhân thật là cảm động. Đâu có ai ngờ rằng phu nhân ra đi chưa bao lâu, thì người trong gia đình đã tìm kiếm mọi vật đó và hủy khử đi mất hết. Sau đó phu nhân từ bên Nhật Bản còn viết thư cho tôi ba lần, lần nào cũng gửi tiền bạc cho tôi, nhưng lần nào cũng bị con mẹ tàn nhẫn kia thu đoạt mất cả. Rồi nhân vì tôi hiểu rõ thân thế phu nhân, lại yêu quý Tam Lang, thì con mẹ kia càng căm hận tôi hơn nữa, vì mụ nghĩ rằng tôi cố ý làm ra vẻ như thế, tôi cố tỏ thái độ ra như thế là cốt để càng thể hiện rõ cái phẩm cách tàn ngược của mụ ta! Do đó, cái niềm oán độc của mụ ta càng sâu cay hơn nữa. Quả thật con người ta và con mãnh thú, chỉ cách nhau có một đường chỉ mỏng mà thôi! Lúc tôi đã bị đuổi đi rồi, thì con mẹ kia lại phao tin lên rằng phu nhân đã gặp bão tố ngoài khơi, đã chết trong bụng cá mập cá voi rồi. Do đó, bà con thân thích láng giềng, ai ai cũng coi cậu như là một đứa con không mẹ, chẳng ai thèm để ý chi tới cậu nữa. Xét ra như thế, thì trong gan phổi con mẹ kia, mụ ta quả có ý muốn phòng ngừa ngày sau cậu lớn lên khỏi có ý nghĩ tìm về thăm viếng phu nhân! Hỡi ôi! Mụ ta là cái giống người gì như thế! Đã giữ lấy con của kẻ khác lại còn đối xử tàn bạo như vậy! Tôi suy gẫm hoài mà chẳng thể nào hiểu được mụ ta, chẳng rõ kiếp trước mụ ta là cái giống độc vật gì gì! Trời Phật ôi! Tôi há đâu chỉ vì oán độc kẻ khác mà thốt cái lời ra như thế. Bữa nay tôi nói ra như thế, chẳng qua là để cho cậu rõ cái người đàn bà kia ác nghiệt như thế nào đó thôi. Nghĩa phụ của cậu vốn là người thành thực, thường vẫn thể niệm cái ân nghĩa của thân phụ cậu đối với ông ta, nên nghĩa phụ của cậu thuở sinh thời vốn đối xử với cậu như con ruột. Ai có ngờ đâu được rằng ông ta vừa qua đời thì con mẹ kia đã lập tức trở mặt đối với cậu như thế. Một đứa bé chưa ráo máu đầu, còn thuần nhiên thơ dại, đã chịu dày vò khắc nghiệt như vậy, quả thật không có gì so sánh được. Nhưng ngày nay cậu đã lớn ra như thế, phong tư độc lập như thế, cũng coi như là bấy nay không gặp rủi ro chi nhiều; tôi thì già nua rồi, đáng lẽ chẳng nên đem những chuyện oái ăm quá khứ ra làm phiền muộn cậu, chẳng nên thốt những lời cay đắng, mà nên giữ chút lòng trung hậu thì phải hơn. Tuy nhiên trong thời buổi đa đoan kỳ quặc này, dẫu tôi có nhất mực giữ lòng trung hậu của mình, mà người ta thì cứ nhất mực muốn hãm hại tôi. Theo cái lẽ bi đát như thế, thế tình thế thái đã ra như thế nghĩ thật cũng đáng ngậm ngùi. Bà vú nói xong, thì cúi đầu thở dài. Một lát sau, bà định nói tiếp nữa. Lúc bấy giờ lòng tôi tràn đầy sầu khổ, lớp lớp liên miên (như vân quỷ ba quyệt). Nhưng nhân vì tôi đã dò ra tin tức mẫu thân, chẳng còn mong muốn hỏi thêm chi nhiều nữa về những sự việc đã qua, và cũng chẳng còn thì giờ đâu để tự cảm thương thân thế, tôi bèn chậm rãi nói với bà vú nuôi: - Đêm đã khuya rồi, vú hãy đi nghỉ ngơi. Tôi sẽ đơn thân ra đi tìm mẹ, mong rằng vú đừng bi thương quá độ. Sự đời ai biết đâu mà liệu định, vú hãy thử nhìn tôi và Triều Nhi xem, chúng tôi biết đâu lại chẳng làm nên danh phận? Chẳng lẽ mòn đời mỏi kiếp vẫn chẳng ra cái dạng gì gì cả hay sao? Bà vú bỗng ngẩng đầu lên, đưa tay vỗ vào vai tôi nói: - Tội thay! Vú thật chẳng thể ngờ rằng Tam Lang lớn lên lại mảnh khảnh đến thế! Hãy gắng ngủ cho ngon giấc đêm nay, lưu trú tại đây mà liệu tính công việc đi sang Nhật Bản thăm viếng phu nhân. Tôi thường mộng thấy phu nhân vận y phục cổ kính ngày xưa đứng bàng hoàng trên bờ Đông Hải, đưa mắt mong ngóng Tam Lang về. Tam Lang ạ, cậu còn có một người chị và một người em gái nuôi (nghĩa muội), hai chị em vẫn ở bên phu nhân săn sóc mẹ. Cậu rồi cũng sẽ được nghe âm thanh phu nhân gọi cậu. Còn tôi thân thể đã già nua, chỉ còn chờ ngày vào quan tài, chẳng còn mong chi tái hội phu nhân. Chỉ cầu nguyện trời xanh phù hộ cho phu nhân mà thôi! Sáng hôm sau, ánh trời rực rỡ. Tôi nghĩ tới những sự việc đã qua, còn in rành rành trong tâm khảm. Độc giả thử nghĩ xem, làm sao tôi có thể ngủ được trong đêm vừa rồi? Lúc bấy giờ nỗi niềm bời bời cùng độ, tôi đứng dậy khoác áo vào mình, bước ra ngoài nhìn bốn phía. Dương liễu gầy khô, núi non tiêu điều. Từ đó về sau, tôi lưu trú tại nhà vú nuôi, mỗi ngày cùng Triều Nhi chèo ghe hoặc thả cần câu cá tại một vùng khói mưa mờ tỏa bên sông tịch mịch hoang liêu. Cũng có lúc cưỡi trâu ra bên ngoài thôn ở. Những u hận vạn ngàn, chẳng rõ ra sao, đã dần dà tiêu tán giữa những trận gió mưa vi vu thổi vào chiều hôm.