Bản dịch: BÙI GIÁNG
Chương 6

Từ ngày nhận được lá thư của Tuyết Mai, tôi mới rõ lẽ rằng nường ấy đã tin yêu tôi một cách khôn hàn gay cấn thâm hậu vô song. Lúc bấy giờ linh hồn thể phách tâm đầu tôi dào dạt bừng sôi sục sục, tôi chẳng còn có thể định đoạt đường đi lối bước ra cái gì gì cả. Cũng chẳng nhận định ra đâu là vòi või bích lạc, đâu là âm y đen đủi hoàng tuyền. Trừ em Tuyết Mai ra, thì còn cái chi chi đáng kể nữa đối với tôi? Còn vật đồ gì là tại lập lưu tồn thị hiện hữu nữa đối với tôi? Bà vú nuôi tôi, tuổi tác đã ngoại năm mươi rồi, bà già nua như thế, nhưng vừa một phen nhìn thấy lá thư Tuyết Mai, đã cảm động như chính bà tự thân cảm thụ đoạn trường, nước mắt bà tuôn ra như mưa. Trong cảnh huống đó, tình trạng thần kinh tôi như thế nào độc giả có thể đoán ra được rồi vậy. Hẳn rằng mọi sự thế gian thiên hạ, do tình ái mà nảy sinh ra thì không sự nào mà chẳng éo le gây cấn. Vô luận sinh từ thấp, hóa, noãn, thai, bốn mặt. Nếu đã vì duyên do kia mà nhập vào cõi nhà ma sinh sinh diệt diệt, thật đó là một trạng huống bi thương.
Bốn ngày sau lễ Thanh minh. Lúc tinh sương, ánh rạng đông chiếu vào cây cối, mùi hương hoa lá bốc lan tràn. Tôi từ biệt Triều Nhi và bà vú nuôi, bà vú vốn hối thúc tôi gấp gáp lên đường. Còn về phía Tuyết Mai, bà hứa sẽ dốc hết tâm lực mà phò trợ cô nàng. Tôi không biết nói lời chi để báo đền ân đức vú nuôi. Tôi chỉ giàn dụa nhìn bà. Rồi trích ra hai chục đồng vàng trong số bạc Tuyết Mai tặng tôi trao cho Triều Nhi để nó mua áo lông cừu cho mẹ. Cảm tình tôi đối với Triều Nhi thật sâu xa quá, đứa bé ấy tuy còn nhỏ tuổi, mà lòng hiếu thảo thật phi phàm. Đứng nhìn nhau thật lâu, lòng tôi chẳng nỡ chia tay cùng. Chợt quay đầu nhìn hoa cỏ trong vườn vạn vật cũng như mang đầy màu thương cảm… Bà vú nuôi chợt tới bên tôi nói:
- Tam Lang, phải lo liệu lên đường! Kẻo trễ chiếc tàu thì khổ.
Tôi ngậm ngùi từ biệt vú nuôi và Triều Nhi.
Hai ngày sau tới Quảng Châu. Tôi bước lên bờ, thong dong cửa bộ. Tôi có ý định tìm thăm ông thầy cũ và từ biệt ông. Tôi nghĩ rằng chùa Thường Tú đã bị lớp người tân học bạo đồ đạo bỏ và lập đường xá phố thị.
Chẳng còn chút gì lưu lại nữa. Pháp khí pháp cụ, thảy thảy tiêu ma hết cả rồi. Tôi nghĩ rằng thầy tôi lúc bấy giờ đã quay về tĩnh thất, tôi bèn đáp tàu đi Hương Giang ngay buổi xế nọ.
Sáng hôm sau, tôi mặc y phục chỉnh tề, bước lên bờ liền hướng chân về phía nhà mục sư Robert. Vì mục sư ấy vốn người Tây Ban Nha. Mấy năm trước đã đưa vợ và cô con gái tới lưu trú tại Hương Giang. Ông vốn ít ra ngoài giao thiệp. Chỉ thích sưu tầm những đồ vật cổ kích và những kỳ hoa dị thảo mà thôi. Tôi vốn đặc biệt hâm mộ vị mục sư ấy: Thanh u tuyệt dục, ông ấy quả thật là một giáo sĩ cao đạo, lòng ông chẳng hề nuôi cái ý gì tai hại, ông không hề nghĩ tới việc chinh phục đất đai xứ sở của người ta.
Do đó, tôi từng đã hân hoan theo ông về nhà học tập Âu văn trong hai năm trời, và vị mục sư đối với tôi thật là nhiều tình nghĩa.
Đến nhà mục sư, cô gái ông Robert niềm nở tươi cười bắt tay tôi, kéo tôi vào phòng văn hỏi chuyện… Phòng văn hơi giá như đồng… Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan. Cô tiểu thư dạo nhạc Tây phương cho tôi nghe. Ngày nay tôi còn ghi tạc kỷ niệm lưa thưa cái mùi hương dị dị ấy. Tiểu thư ngồi bên dương cầm, hai bàn tay búp măng thoăn thoắt, đầu tóc hồng vàng tụ, nghiêng nghiêng ngả ngả. Ôi! Tôi bỗng biến làm thi nhân mà nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình: “Hồng vàng tụ bữa kia em có thấy? Nước xuôi dòng là cổ độ đăm đăm. Tuổi mười tám bây giờ lên gấy gảy. Mộng miên man vân mấn phủ dương cầm …”
Vợ chồng ông mục sư mừng rỡ bước vào giữa lúc tôi miên man ra như thế. Ông bà cao hứng quá, chạy lại nắm tay tôi. Ông nắm hai tay. Bà đưa ngón búp măng xoa mãi cái đầu thầy tu cạo trọc của tôi. Bà mừng rỡ như cầm một viên ngọc kim cương ở trong mấy ngón tay bà vậy.
Bà tưng bừng hàn huyên không ngớt! Tôi đi đâu? Mà mất dạng bao nhiêu ngày? Tôi gặp những ai ai trên bước đường xuôi ngược? Tại sao trông tôi bần thần ra như thế? Tại sao càng ngày trông tôi càng gầy ốm? Vì lẽ chi? Nhà sư nhỏ tuổi ôi! Nhà Sư nhỏ ôi! Nhà sư có thầm yêu trộm dấu một cô sơn nữ ở sườn non nào chăng? Cô sơn nữ ấy tên gì? Tên tuổi của nàng có hằng ngày rập rình về “tập kích” (!) thầy ở ngay giữa hào lũy trong cõi thanh tu? Thầy đọc kinh ngâm kệ, hay là Thầy lẩm nhẩm tên tuổi của ai? Nếu sơn nữ không kết duyên với thầy, thì thầy tính sao? Thầy tính sao? Có thể nào tìm kiếm một giai nhân thôn nữ ở thôn làng ra thay thế cho thầy được chăng?
Hỡi ôi! Màu lan nam diện! Hỡi ôi! Tuyết Mai! Bà mục sư đâu có rõ ngọn ngành? Bà cao hứng quá hỏi dồn dập âm thanh liên miên trào ra không ngớt. Đang giữa cơn bần thần cảm động, nghe bà trút một trận ngôn ngữ Âu châu tràn lan ra như thế, tôi bỗng buột miệng bật cười ra một tiếng. Bà hỏi:
- Thầy cười sự chi? Thầy cười sự chi?
Tôi đáp:
- Tiểu sinh cười, vì thấy phu nhân vui vẻ quá. Mặc dầu…
Bà hỏi dồn:
- Mặc dầu làm sao? Mặc dầu làm sao?
Tôi đáp:
- Mặc dầu quả thật hiện giờ lòng tiểu sinh tan nát.
Bà hỏi dồn dập:
- Tại sao tan nát? Ai làm cho tan nát?
Tôi đáp:
- Nhưng không hề gì! Bây giờ sắp chấm dứt cơn tan nát rồi.
Bà hỏi:
- Tại sao sắp chấm dứt?
Tôi đáp:
- Tại vì cơn tan nát đang chậm rãi tiêu tan từ từ.
Cô tiểu thư nãy giờ dừng tay nhạc, ngồi im không nói, lúc đó cô mới xen vào:
- Có phải vì em đánh dương cầm rất hay, nên hàn gắn được phần nào cho anh?
Tôi đáp:
- Cũng có thể là ra như thế?
Cô hỏi:
- Thế thì tại sao mối sầu làm cho lòng anh tan nát, nó không chịu lành hẳn, mà chỉ “chậm rãi tiêu tán từ từ” - theo lời anh nói?
Tôi đáp:
- Chuyện gì trong nhân gian đều phải chậm rãi từ từ mới được. Mê gái cũng từ từ. Tụng kinh cũng phải từ từ. Mò cua bắt ốc cũng phải từ từ. Tiếc thương cũng phải từ từ. Lành vết thương cũng phải từ từ.
Tôi nói tới đó, cả ba người cùng cười ầm lên một trận. Bà mục sư vội bảo cô gái đem bánh và trà ra cho tôi dùng tạm. Trong lúc nhấm trà, tôi đem sự tình ra kể hết ngành ngọn: chuyện thân mẫu, chuyện Tuyết Mai, chuyện Triều Nhi và bà vú nuôi. Chuyện lên đường bây giờ sang Nhật Bản…
Ba người ngồi âm thầm nghe tôi thuật, lặng lẽ ràn rụa nước mắt. Những người tha hương khách địa ấy cũng bâng khuâng vạn cảm trong lòng. Tôi ngậm ngùi tin yêu bày tỏ hết nỗi niềm với người tuy không họ hàng thân thích đồng quận, đồng hương nhưng họ có tâm hồn cảm thông rất mực.