Bản dịch: BÙI GIÁNG
Chương 4

Một ngày kia, vào lúc hoàng hôn, giữa cảnh hoang liêu gió tuyết thổi lạnh thấu xương, tôi cùng Triều Nhi đang lẽo đẽo từ phía sau núi gang củi quay về nhà. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy vú nuôi đang tựa lưng bên lò bếp, ngồi im lìm. Bà đang chăm chỉ khâu vá lại một chiếc áo cũ. Nghe tiếng chân tôi bước vào, bà ngẩng đầu nhìn tôi nói:
- Khổ nhọc cho cậu quá! Thấy cậu yên vui sống ở đây, lòng tôi cũng thư thái an ủi được nhiều. Cậu và Triều Nhi hãy ngồi nghỉ ngơi một chặp, để tôi thắp đèn và đem cơm cá ra dùng. Nhà chúng ta ở đây cách hồ nước không bao xa, cá tôm chẳng những tươi ngon lắm, mà giá mua cũng chẳng cao gì đó. Sống ở làng thôn, thật nhiều điều tiện lợi hơn thành thị.
Tôi và Triều Nhi liền cởi tơi nón ra, cùng vú nuôi ngồi vào dùng bữa tối. Thật là hoan lạc vô cùng. Dùng cơm xong, vú nuôi quay nhìn tôi bảo:
- Hôm nay nhìn Tam Lang gánh củi, lòng tôi thấy bất nhẫn quá. Thân thể cậu ốm yếu như thế! Bữa sau chớ nên  gánh củi nữa. Công việc vất vả nặng nhọc kia, Triều Nhi đủ sức giúp được rồi. Bữa nay, tôi đã nghĩ ra một cách cho cậu. Cậu hãy nghe tôi khuyên bảo đây: Vườn hoa chúng ta, trong ba tháng xuân ấm áp, bao nhiêu hoa nở tươi tốt lắm.. Ngày nay chúng ta đang ở giữa mùa đông, chẳng còn bao ngày tháng nữa, thì năm mới về, cậu mang hoa ra chợ bán mỗi buổi sáng sớm. Ban ngày cậu cũng có thể coi sóc nhà cửa vườn tược cho tôi. Lợi lãi do hoa cỏ đem lại, tuy chẳng là bao, nhưng tôi vẫn gom góp dành dụm đủ tiền cho cậu. Sau hai năm hoặc ba năm, ắt là có đủ tiền lộ phí cho cậu đi qua Nhật Bản một chuyến thăm phu nhân. Ngoài cách ấy ra chẳng còn cách gì khác. Tam Lang, ý cậu nghĩ như thế nào?
Tôi đáp:
- Mọi sự xin y theo lời vú nuôi hết thảy.
Vú nuôi bảo:
- Tam Lang! Cha ông của Tam Lang tại Giang Hộ vốn xưa kia là những vị công tử (con cái của những bậc công hầu). Ra ngoài thì ngựa béo hào hoa, áo khinh cầu phong nhã. Mà ngày nay cậu phải làm một kẻ bán hoa cỏ, thật là sự việc quái gở. Tuy nhiên, ngày sau cậu về Nhật Bản, cậu vẫn là một vị công tử ngàn vàng, thì ai còn dám kêu cậu là kẻ bán cỏ lá hoa?
Tôi chăm chỉ lắng nghe, đưa mắt nhìn vú nuôi. Thấy bà nói tới đó thì tươi cười ấm áp như xuân.
Ngày tháng thoi đưa. Bỗng chốc đã thấy xuân về. Từ đó tôi tuân theo lời vú nuôi, ngày ngày mỗi sáng sớm tôi vận y phục lai rai vào, nham nhở như đứa chăn bò, mang hoa đi bán. Mỗi buổi sáng, tôi dạo qua ba bốn hàng thôn, tay trái xách giỏ hoa, tay phải cầm cây gậy trúc, đầu đội nón chài cá - cốt để không ai nhận ra cái đầu trọc của tôi và biết tôi là một tỳ kheo vậy. Tôi lẽo đẽo bước đi, trong lòng lấy làm xấu hổ cho thân phận. Thấy phần đông những kẻ mua hoa là những thiếu nữ. Rồi đến những đàn bà trong làng xóm. Mỗi ngày tính ra tôi thâu được vài ba trăm xu. Suốt một tháng trời đều đặn như thế.
Một ngày kia, tôi đang một mình bước đi sang thôn làng nọ, thì trời bỗng nhiên u ám, mưa phùn lất phất rớt hột miên man, thấm ướt hết áo quần. Đó là ngày trước tiết thanh minh hai hôm, và nhà nào nhà nấy đang sửa soạn lễ Tảo mộ, nên đường đi vắng ngắt chẳng thấy bóng người nào. Chỉ nghe liên miên âm thanh dằng dặc của mưa phùn rớt hột li ti tí tách sầu não sát nhân mà thôi. Tôi len lỏi lần mò bước đi trên con đường mòn mỏi, tới một góc nhà nọ, dừng chân tạm nghỉ ngơi giây lát dưới một cây liễu nhỏ.
Chợt thoáng thấy trên bờ tường trước mặt phía sau tấm màn lụa bích một song cửa sổ, có một nữ lang ăn vận mới mẻ đang đứng đăm chiêu nhìn ra đường. Thật là một nữ lang dung hoa tuyệt diễm. Nhưng mặt ngọc của giai nhân mang vẻ trang nghiêm biểu hiện một mối sầu khôn tả. Lúc tôi đưa mắt nhìn kỹ, thì bóng hồng chợt lẩn mất.
Cơn mưa chợt tạnh hẳn, trời bỗng sáng sủa xanh lơ. Màu cỏ cây  biêng biếc trước nhãn quan. Tôi đang định cất bước, chợt thấy cánh cửa bên vách nhà kia bỗng mở ra. Lại thấy một cô gái vội vã bước ra ngoài, nghiêng thân chào tôi một cái. Thẹn thuồng mà rằng:
- Xin tha thứ tội thất lễ của nô tỳ! Dám xin hỏi công tử từ đâu tới đây? Con cái dòng dõi nào? Tuổi niên hoa như thế, vì lẽ chi phải chịu làm cái nghề hèn mọn đó? Công tử há chẳng biết rằng thiều quang trôi qua, hối hận không kịp nữa? Xin hãy đáp cặn kẽ cho nô tỳ rõ.
Nghe cô gái nói mấy lời kia, tôi biết rằng cô ấy thật là người thông minh rất mực, chẳng có chi giống người quê mùa cục mịch. Nhưng vì lẽ gì mà đường đột bàn vấn như thế, nghe ra y hệt như lời một  tướng sĩ đoán vận mệnh nhà ma! Cô chỉ có ý thăm dò hành vi của tôi, hay là còn có duyên do gì khác nữa? Tôi chỉ còn biết đứng lỳ ra đó, đăm  đăm nhìn cô gái, lòng rất bối rối, chẳng rõ phải đối đáp thế nào ra câu.
Sau một lúc khá lâu, cô gái nói tiếp:
- Em sở dĩ đường đột hỏi như thế, ấy chẳng qua là tuân lệnh cô chủ ở trong nhà. Cô chủ bảo em ra hỏi công tử mấy lời đó. Cô chủ của em vốn bản chất tính tình u nhã tĩnh mịch vô cùng, chẳng hề có bao giờ mở miệng ăn nói gì với người ngoài. Nhưng hôm nay, lại sai em bàn vấn đề này, ấy bởi vì cô chủ em nghe thấy cái tiếng rao bán hoa cỏ của công tử chứa chất dư âm cay đắng xót xa thế nào đó. Hôm nay cô chủ em đứng ở phía sau màn the song cửa nhìn thấy công tử, thì suy ra thân thế công tử quyết nhiên chẳng phải là kẻ bán hàng rong tầm thường. Mong rằng công tử đừng lấy làm quái lạ về ngôn ngữ đường đột của em, công tử có phải thuộc  dòng dõi “Hà Hợp” và tên là “Tam Lang” đó chăng?
Bất thình lình nghe cô gái nói câu đó, tôi kinh hoàng tưởng như muốn co giò chạy trốn. Nhưng chợt nghĩ rằng cô gái kia chẳng hề có ý làm tổn hại tổn thương tôi gì cả, tôi bèn chậm  rãi bình tĩnh đáp rằng:
- Thật đúng là tên của tôi đó. Tôi cần kiếm tiền đi gấp sang Nhật Bản tìm thăm viếng mẹ, nên bất đắc dĩ phải làm bừa công việc  này. Dám mong cô nương đừng tiết lộ sự đó với ai, thì tôi đội ơn cô không phải là ít!
Cô gái nghiêng thân xá tôi một cái, nói tiếp:
- Xin tuân lời dạy bảo! Công tử hãy trân trọng giữ mình! Và xin công tử sáng mai trở lại chỗ này. Bây giờ em xin quay vào báo với cô chủ của em.
Lúc quay về nhà, lòng tôi ngổn ngang trăm mối tâm sự, rầu rĩ cắm cúi bước đi.