° iêng tài liệu về Đạt Ma Sư Tổ sau đây phần lớn được phóng tác và trích dịch trong tài liệu của các tác giả: Sohaku Ogata ; D.T. Suzuki ; Léon Wieger ; Alan W.Watts ; Kurt Brasch ; Arthur Koestler ; Laurence G.Boldt ; Miyamoto Musashi... Cách đây khoảng 1500 năm ở miền nam Thiên Trúc xuất hiện một con người kỳ bí, cuộc sống khác thường, ngộ nghĩnh, có tâm hồn phơi phới của một nghệ sĩ vô cùng siêu việt, phóng khoáng ngang tàng, phá bỏ chủ nghĩa công lệ, khuôn mòn thước cũ, những nghi thức cầu kỳ của xã hội đương thời. Nhân vật kỳ bí đó là Bồ Đề Đạt Ma, tục danh Bồ Đề Đa La, con thứ ba vua Chí Vương nước Quốc Hương, Ấn Độ. Sách sử chép rằng vị tổ sư thứ 27 xứ Tây Thiên ( Ấn Độ ) Bát Nhã Đa La đến Quốc Hương thọ lễ cúng dường của nhà vua.Quốc Vương rất sùng bái đạo Phật, nên kính cẩn dâng một hạt ngọc vô giá " bảo châu " để làm kỷ niệm. Vua có ba hoàng tử: Người đầu là Nguyệt Tịnh Đa La, người kế là Công Đức Đa La, còn người thứ ba là Bồ Đề Đa La. Bát Nhã Đa La muốn thử coi sở đắc của ba vị như thế nào nên lấy hạt bảo châu mà vua vừa bố thí mà hỏi ba hoàng tử rằng: " Hạt châu sáng láng này có gì sánh kịp không? ". Nguyệt Tịnh và Công Đức đều thưa " Ngọc châu đó là quý nhất trong loài thất bảo, vốn không có vật gì quý hơn ". Bồ Đề Đa La thì nói rằng:" Ngọc châu ấy chẳng qua là món thế bảo, chưa đủ gì là báu! Thiệt trong các thứ báu, chỉ có Pháp bảo là báu hơn: vả lại cái sáng của nó chẳng qua là đồ thế quang, chưa đủ gì làm sáng ;thiệt trong các thứ sáng, chỉ có trí quang là sáng nhất mà thôi. Vì vậy nên lấy ánh quang minh của ngọc châu ấy chẳng tự soi lấy nó được, phải nhờ có trí quang biện bạch rồi mới biết nó là minh châu, rồi mới rõ nó là vật báu. Thế thì nhờ trí châu mà biện đặng thế châu, cũng như nhờ có trí bảo mới rõ đặng thế bảo. Vậy đủ chứng minh rằng nếu Tôn sư mà có đạo, thì cái báu đạo hiện ra ; còn chúng sinh có đạo, thì cái báu tâm cũng rõ bày. Bát Nhã Đa La hỏi tiếp: - " Ngươi có biết trong các vật giữa thế gian, vật gì là vô tướng hay không?" Đáp: - " Ở trong các vật mà mình chẳng khởi niệm tức là vô tướng ". Hỏi - " Trong các vật, thì vật chi tột cao hơn? " Đáp: - "Chỉ có Nhân ngã là tột cao ". Hỏi: - Trong các vật, thì vật gì là lớn nhất?" Đáp: - " Chỉ có Pháp tánh là lớn tột bực ". Bát Nhã Đa La thầm biết hoàng tử là người huệ biện, là bậc pháp khí, nên gọi lại nói: " Pháp gọi Đạt Ma là Quán -Tưởng, thấy hết, rõ hết,biết hết, mà hoàng tử thì đã thông đạt lớn rộng, vậy nên lấy tên là Bồ Đề Đạt Ma. Về sau, khi vua Chí Vương tới thời kỳ mãn phần, hoàng hậu, các hoàng tử và tất cả hoàng thân ai ai cũng khóc,duy chỉ có một mình Bồ Đề Đạt Ma đến trước linh cữu của phụ hoàng mà nhập định trong bảy ngày. Khi xuất định, hoàng tử cầu xin đức Bát Nhã Đa La cho xuất gia tu hành. Với tâm hồn phóng khoáng, và tuân theo di chúc của thầy, Bồ Đề xuống thuyền ra khơi Nam Hải ba năm, nắng mưa nóng lạnh mới đên Quảng Châu, vào ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý, nhằm triều nhà Lương.Khi nghe tin, vua Lương Võ Đế chiếu thỉnh về kinh đô Kim Lăng để hội kiến ( ngày 1 tháng 10 ). Sau khi nghe thuyết pháp xong, cả triều thần như ngơ ngác. Tư tưởng của ngài quá vĩ đại, vượt lên trên kiến giải thường tình, Lương Võ Đế làm sao lĩnh hội. Ngài buồn rầu chán nản bỏ về Giang Bắc, sau đến Lạc Dương. Đi đến đâu ngài thuyết pháp ở đó. Nhiều sách còn kể lại rằng vì Lương Võ Đế không thọ nhận được đạo pháp của ngài, nên ngài bỏ đi và vượt sông Dương Tử trên ngọn cỏ lau. Đến năm Thái Hòa thứ 10 ngài lên chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn. Suốt ngày im lặng, ngồi nhìn vách đá 9 năm trời đằng đẵng gọi là " cửu niên diện bích ". Trong thời gian 9 năm này có nhiều huyền thoại về ngài, như lần nọ trong lúc tham thiền, bị rơi vào hôn trầm mà ngủ gục, ngài liền cắt đứt mí mắt và những mí mắt này rơi xuống đất đó mọc thành cây trà. Sau này những thiền sư thường lấy lá cây này nấu nước uống để khỏi buồn ngủ và trí óc sáng suốt. Cũng chính vì những câu chuyện nho nhỏ trên, ngài đã được hết thảy mọi người ưa chuộng. Nhưng làm sao thu hút tuyệt đối những tâm hồn nhỏ nhặt riêng tây, trong thời gian đó nhiều kẻ âm mưu ám hại bậc thiên tài.Đến lần thứ sáu, Ngài biết rằng đạo pháp của mình đã truyền được thừa đầy đủ nên không tự chữa trị nữa.Ngài mất ngày 5 tháng 10 năm Thái Hòa 19 đời Hiếu Minh Hậu Ngụy, nhằm ngày 9 tháng 10 năm Bính tuất. Nhục thể Ngài được an trí tại chùa Định Lâm núi Hùng Nhi. Ba năm sau, Tống Vân đi sứ Tây Vực về gặp ngài tại ngọn Thông Lãnh, tay xách một chiếc dép, Tống Vân hỏi:" Ngài đi đâu?" Bồ Đề Đạt Ma đáp:" Ta về Tây phương " rồi ngài tiếp:" Chủ ngươi đã chán đời rồi ". Quả nhiên khi Tống Vân về, vua Minh Đế đã băng hà. Hiếu Trung kế vị, nghe thuật lại đầu đuôi. Không tin, vua sai khai cửa tháp và giở nắp quan tài. Qủa nhiên trong áo quan chỉ còn một chiếc dép. Vua cho thỉnh về chùa Thiếu Lâm lập am để thờ. Đến năm Đinh Mão đời nhà Đường, các thiện nam tín nữ dời về chùa Hoa Nghiêm thờ phượng. Cho đến bây giờ không biết rõ nhục thể ngài đang nằm tại đâu. Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ sư Thiền Tông thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ, cũng là Sơ Tổ Thiền Tông của Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...Trong thời gian và hoàn cảnh mà diệu pháp của Ngài tâm truyền chưa thể hội được với tâm cơ của chúng sinh thời ấy, ngài chọn núi Tung Sơn, quay mặt vào vách đá để Thiền định suốt 9 năm. Qua việc này, Ngài đã để lại cho đồ chúng và người đời thấy rõ: Một hành giả không chỉ dựa vào học thuyết và lý luận suông về Giáo Pháp, mà còn phải tinh cần tu tập bằng pháp môn Thiền định. Một đạo sư dù giỏi Pháp đến " Biện tài vô ngại " mà không tu chứng qua con đường Thiền định, thì cũng như cây Bồ đề mục rễ. Thiền định là một trong sáu Ba La Mật của Đại Thừa Phật Giáo - một cửa rất quan trọng để đạt tới trí tuệ tuyệt vời của Phật. Thiền định chân thực không chỉ là phương pháp tập trung tâm thức thuần túy, đó chỉ là sự đấu tranh với ảo tưởng theo quan điểm đạo đức. Hành giả đạt được điều này chỉ mới đặt chân đến ngoài cửa. Thiền định theo hạnh Bồ Tát là đại bi an lạc trong thân, khẩu, ý và nguyện. Từ bao nghiệp kiếp và hiện nghiệp đang tạo ra trong đời sống, hành giả tự chứng để điều phục tâm thức và chỉ trong một niệm đã tỏ ngộ suốt ba ngàn cảnh giới. Đại Thừa Phật Giáo không chỉ là một đại Minh Triết mà là một hướng sống tiến bộ, nhân bản và lý tưởng là vì vậy. Niềm tin vào Thiền định và sự giải thoát là rốt ráo để đạt đến an lạc tĩnh tại ngay trong đời sống. Đó là Niết Bàn, là ánh đạo vàng rực rỡ quán chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, đại bi và vô ngại đến muôn loài vô tình và hữu tình trong các cõi. Bồ Đề Đạt Ma thị hiện trong thế giới con người hồi đó, bằng sự chứng ngộ của mình ngài có thể vượt muôn trùng sóng gió trên một cọng cỏ lau, đội mồ sống dậy từ cái thân tứ đại để hiển lộ cho người thế tục thấy và có niềm tin tuyệt cùng đối với sự sinh động và mầu nhiệm của Phật đạo. Trong chín năm trời đối mặt với vách đá, ngoài trời tuyết rơi và gió thổi bạt ngàn, đông tàn xuân tới... đó chỉ là khoảnh khắc. Ngài đã để lại cho chúng ta Pháp Bảo Thiền Tông mà Đức Phật lịch sử đã tâm truyền từ hàng ngàn năm trước, và còn trao cho chúng ta một di sản rất quan trọng trong đời sống hiện nay, đó là Võ Đạo. Chúng tôi không hề khiên cưỡng trong vấn đề này, bởi vì đối với võ lâm Trung Hoa, Thiếu Lâm Tung Sơn vẫn là minh chủ tinh thần bao đời, vẫn là đệ nhất Chánh phái và là cội nguồn của bao môn võ học khác. Đến nay hiếm thấy võ phái nào từ chối vị tổ sư đầu tiên của mình là Bồ Đề Đạt Ma.Đó là sự thật hiển nhiên và minh nhiên mà chúng ta không thể nào quên, hơn nữa ngài đã để lại hai tác phẩm Tẩy Tủy Kinh và Dịch Cân Kinh, là hai kỳ thư gối đầu của võ học. Khi Thiền quán rơi vào trạng thái hôn trầm ( như chuyện cắt đứt mí mắt đã nói ở trên ), Ngài nghĩ rằng phải làm sao để thoát khỏi trạng thái này vĩnh viễn. Đó là thân và tâm phải điều hợp tự nhiên thông qua hít thở là sinh khí, đây là những nguyên lý chính của khí công và các công phu khác trong võ học thượng thừa. Nhằm tăng cường năng lực tu chứng, thoát khỏi hôn trầm, Ngài đã dạy môn đồ khí công, nội ngoại công... võ học cũng từ đó phát triển có hệ thống.Thiếu Lâm với " Thất thập nhị huyền công " vẫn còn để lại đến ngày nay. Tham quan chùa Thiếu Lâm, ta có thể tận mắt nhìn thấy nhiều nhà sư dùng đầu đập vỡ gạch đá, đao thương đâm vào mình không để lại thương tích... Nhiều người còn phóng ngoại khí ( chưởng lực ) để chữa bệnh có hiệu quả. Ba yếu tố quan trọng của Khí công nói riêng và võ học nói chung không ngoài Thân, Tâm và Khí. Đây cũng là những yếu tố quan trọng bậc nhất của Thiền quán ( theo nghĩa rộng ).Để rèn luyện tinh, khí, thần phải thông qua tư thế của Thân, điều Tâm tĩnh lặng loại trừ tạp niệm, khí huyết tự nhiên điều hòa, thần kinh thư giãn, tinh thần sảng khoái nhẹ nhàng, dùng hơi thở nhịp nhàng nhằm khơi nội khí truyền đi khắp kinh mạch để đạt được mục đích " Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư ". Võ đạo là con đường của người tập võ, và chúng ta hãy chú tâm, lắng lòng để nghe lời thuyết pháp từ hơn ngàn năm trước vẫn còn vang lừng bên tai như thác đổ ngang trời của Bích Nhãn Hồ Tăng ( Thầy tu người Hồ mắt xanh ).