hứ ba. 10 giờ đêm. Hai đứa con đã lên giường từ lúc 9 giờ. Hiền cũng sửa soạn để đi ngủ. Riêng Khánh vẫn còn online. Đó là thứ sinh hoạt tinh thần thường ngày của nàng. Đó cũng là sự khác biệt giữa hai vợ chồng. Hiền không thích do đó không có online, đồng thời cũng không bao giờ tò mò tìm hiểu vợ mình làm gì hay trò chuyện với ai. Thật ra Khánh cũng chẳng làm gì đặc biệt ngoài chuyện trò cùng bạn gái, đọc truyện hay tin tức, sưu tầm rồi đăng những bài viết hay các bản nhạc mà mình yêu thích cho mọi người nghe. Nếu không làm những việc đó nàng sẽ không biết làm gì cho hết thì giờ nhàn rỗi của mình. Đành rằng nàng cũng có thể làm những việc khác, nhưng đây là việc mà nàng thích thú đồng thời cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích. Thêm một lý do nữa và lý do này cũng quan trọng. Tham gia vào các sinh hoạt trên mạng cũng là hình thức giúp ích cộng đồng người Việt ở hải ngoại và trong nước có dịp trau dồi tiếng mẹ đẻ. Đêm nay nàng lên mạng với ý muốn tìm hiểu về một ông già viết văn mới quen. Gõ ba chữ Lê Quốc Phú vào khung Google Search rồi nhấn Enter, nàng mỉm cười khi thấy bút hiệu của Quân hiện ra trên các trang mạng. Tuy nhiên nàng hơi thất vọng vì không thấy điều mà nàng muốn thấy. Đó là tiểu sử của Quân. Duy nhất một nơi có ghi tiểu sử nhưng rất vắn tắt và không thỏa mãn cho sự tò mò của nàng. Tuy nhiên có còn hơn không. Nàng cũng tìm được điều mình muốn tìm là địa chỉ điện thư của Quân dù không hề có ý định liên lạc thư từ. Nửa tháng sau. Chiều thứ sáu. Đậu xe vào nhà chứa xe xong Vĩnh Khánh đi ra thùng thơ. Mở ra nàng thấy một phong thư màu vàng khá lớn và nặng. Trên góc trái có ba chữ '' lê quốc phú ''. Ông này thiệt dị. Mình phải yêu cầu ổng viết hoa cái bút hiệu của ổng mới được. Nhà văn gì mà viết sai chính tả. Kỳ quá… Cười hắc hắc vì ý nghĩ của mình nàng mở cửa hông vào nhà bếp. Rót ly nước lạnh, một tay cầm ly nước, một tay cầm phong thư, nàng đi vào phòng làm việc của mình. Đặt chiếc bao thư của Quân lên bàn, nàng ngần ngừ nửa muốn mở ra nửa muốn chờ tới khi ăn cơm xong. Cuối cùng nàng lẩm bẩm mấy lời rồi bước ra khỏi phòng. Nàng cần phải lo bữa cơm cho gia đình và vui vầy bên chồng con xong mới có thời giờ cho riêng mình. 7 giờ rưỡi. Rửa chén và lau chùi nhà bếp xong Vĩnh Khánh ra ngồi xem truyền hình với chồng và hai đứa con trai. 8 giờ. Nàng đứng dậy. - Em đi đâu vậy em? Hiền cười hỏi khi thấy vợ bỏ đi. - Em đi đọc sách… Anh với con xem truyền hình đi… Hiền không hỏi nữa. Tên của anh đúng với người. Dân lục tỉnh lại tên Hiền, thành ra anh rất hiền, thật thà và vui vẻ hơn cái tên của mình. Vĩnh Khánh đi thẳng vào phòng làm việc. Nhà có ba phòng. Cho hai đứa con trai còn nhỏ ngủ chung với nhau, nàng biến phòng ngủ thứ ba thành phòng làm việc của mình để khỏi làm phiền chồng con và họ cũng không quấy rầy nàng. Ngồi xuống chiếc ghế da quen thuộc nàng dùng kéo cắt bao thư lấy ra hai quyển sách, một mới và một hơi cũ. Nàng ngắm nghía quyển sách hơi cũ trước. Đây là quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Quân. Nó được đăng trên mạng và được đọc trên đài phát thanh nữa. Dù vậy nàng chưa có thời giờ để đọc. Phải nói nàng ngại đọc những quyển sách dài ba bốn trăm trang trên màn ảnh của máy điện toán. Lật trang trong nàng nhìn hai chữ '' Kính tặng '' và chữ ký của tác giả. Nét chữ gãy gọn nhất là chữ ký tên. Quan sát cuốn sách trong tay giây lát, nàng có vẻ đắn đo suy nghĩ rồi sau đó mới mở máy điện toán của mình viết thư cám ơn tác giả. " Thưa anh Quân. Thật là bất ngờ và vui mừng vì tôi đã nhận được hai cuốn sách anh gởi tặng. Có sách của anh trong tay vậy là tôi khỏi mắc công leo lên mạng đọc muốn mờ mắt luôn... Cầm sách đọc thích hơn với lại sách do anh Quân tặng còn mang một ý nghĩ đặc biệt… Tôi xin gởi thư ghi tạm vài dòng để cám ơn anh rất nhiều. Chúc anh cùng gia đình sức khỏe dồi dào và anh sáng tác ngày càng nhiều tác phẩm hay… Kính thư. Khánh…'' Viết thư xong Vĩnh Khánh tắt máy. Nàng có thói quen muốn mình sạch sẽ, tinh khiết và thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần khi đọc sách. Như thế nàng mới thưởng thức trọn vẹn một công trình chữ nghĩa mà người ta đã nặn óc viết ra. Tắm rửa và thay quần áo xong, ngồi trên chiếc ghế quen thuộc với ngọn đèn nhỏ vừa đủ sáng, nàng bắt đầu đọc từng trang quyển tiểu thuyết của Quân. Chừng mươi trang nàng ngừng lại, liếc nhanh ra ngoài phòng khách. Tiếng cười hắc hắc của chồng và hai đứa con trai vọng vào nghe rõ mồn một. - Ba… Má đang làm gì vậy ba? - Đọc sách… Mình đừng có nói chuyện lớn quá để cho má đọc sách… - Sao má thích đọc sách vậy ba? - Người ta nói đọc sách nhiều thì biết nhiều. Hai đứa con muốn học giỏi phải đọc sách nhiều như má… Nghe tiếng chồng cười trả lời nho nhỏ, Vĩnh Khánh mỉm cười trong lúc mắt không rời trang sách. Mải mê đọc được gần năm mươi trang, liếc đồng hồ trên tường thấy chỉ gần 10 giờ, dù tiếc vì không được đọc cho hết song nàng biết mình phải đi ngủ. Không như hồi còn nhỏ, khi cầm quyển sách lên thì đọc cho hết mới chịu thôi dù phải thức tới hai ba giờ sáng. Bây giờ có gia đình thành ra nàng không thể làm theo ý thích của mình được. Nhìn quyển sách trên bàn nàng lẩm bẩm. - Anh Quân thông cảm… Tôi đi khò đây… Bật cười nho nhỏ, Khánh tắt đèn phòng làm việc của mình. Căn phòng sáng mờ mờ. Quyển tiểu thuyết do Quân viết nằm im lìm trên bàn. Hai mươi lăm tết. Dù ở nơi xứ lạ quê người song Vĩnh Khánh vẫn chịu khó đón xuân bằng những gì mà nàng có thể làm được. Kho một nồi thịt kho cho cả nhà ăn trong ba ngày tết. Gói vài đòn bánh tét nhân chuối vì hai đứa con trai rất thích ăn. Làm dưa cải cho Hiền, vì anh rất thích ăn thịt kho với dưa cải. Thứ bảy tuần rồi cả gia đình đi xuống tận Atlanta để nàng tìm mua những bao thư màu đỏ đem về bỏ tiền lì xì cho con cái trong ngày mồng một tết. Liếc thấy đồng hồ chỉ gần ba giờ chiều nàng đi ra đường chờ xe buýt chở hai con đi học về. Trong lúc đứng chờ nàng mở thùng thơ và hơi ngạc nhiên khi thấy một bao thư màu vàng lớn nằng nặng. Nhìn bên trái nàng thấy tên '' lê quốc phú ". Không dằn được tò mò nàng mở ra thấy hai quyển sách mới tinh còn thơm mùi giấy mực. Mở tờ giấy kèm theo trong sách ra nàng đọc chậm dòng chữ. - Đây là quà Tết của Vĩnh Khánh. Hy vọng Khánh sẽ thưởng thức món quà tinh thần này để có chút thoải mái cho tâm hồn. Thân... lê quốc phú… Cầm quyển tiểu thuyết mới mang tên Cũng Đành, nóng lòng muốn biết ông già viết văn đã kết như thế nào nàng lật trang cuối cùng. Tuy nhiên nàng đâm ra thất vọng vì kết cục không giống như ý của nàng mong đợi. - Anh Quân xấu quá... Mai mốt tôi khẽ tay anh đó... Cười hắc hắc Khánh vừa cắm cúi đọc vừa quay trở vào nhà. Nàng quên mình phải đứng đón con. Cho tới khi nghe tiếng xe ngừng nàng mới chợt nhớ nên phải quay trở lại. Lấy bánh ngọt và trái cây cho hai con ăn đỡ đói xong nàng vào phòng làm việc của mình. Ngồi xuống chiếc ghế da quen thuộc, nàng mở quyển tiểu thuyết mới còn thơm mùi giấy mực. Trang trong có hai chữ '' Thân tặng Khánh '' và chữ ký của tác giả. Khánh nghĩ thầm trong trí " Ông này hà tiện chữ ghê… Viết được tên của mình mà ổng cũng không chịu viết thêm… ''. Tuy nghĩ như vậy nhưng Khánh lại thầm cám ơn Quân không viết nhiều hơn nữa. Nàng sợ bị hiểu lầm. Đang có gia đình êm ấm, nàng không muốn có chuyện rầy rà giữa mình với Hiền mặc dù biết chồng không hề để tâm tới chuyện nhỏ nhặt đó. Đang đọc chợt nhớ ra mình nên cám ơn tác giả, nàng mở máy tính gởi điện thư cho Quân rồi nghĩ sao nàng lại thôi. Nàng muốn gọi cám ơn anh mặc dù không biết số điện thoại. Định gọi An xin số điện thoại nhưng ngần ngừ giây lát nàng lại thôi. Nàng không muốn cho An biết mình liên lạc với Quân. Chỉ cần năm phút lên mạng nàng đã có số điện thoại của anh. Đang gõ lóc cóc, Quân hơi cau mày khi nghe có tiếng điện thoại reo vào giờ mà anh biết là các hãng quảng cáo thường hay gọi nhất. Nếu có nhà, Thi sẽ bắt máy, nhưng Thi lại đi làm, mà anh lại ghét nghe điện thoại trong lúc đang có hứng để viết. - Kệ… Chẳng có ai thèm gọi mình… Quân lẩm bẩm và tiếp tục gõ bằng hai ngón tay trõ. Điều này do thói quen mà cũng do ở chỗ viết văn chứ không phải thư ký đánh máy. Động tác cò mổ này không gây trở ngại lắm, vì viết văn cần có thì giờ suy nghĩ do đó không thể gõ liên tục hoặc gõ ào ào được. Viết nhiều, gõ nhiều chừng nào, anh càng nghiệm ra nhiều điều buồn cười và ngộ nghĩnh. Không giống như làm việc hay các môn thể thao, càng viết nhiều chừng nào anh càng gõ sai nhiều chừng đó nhất là lúc cái hứng nổi lên. Gõ sai văn phạm, chính tả, dấu hỏi ngã… Gõ loạn cào cào cốt ghi lại hết ý nghĩ của mình trong lúc hứng rồi tính sau. Bởi vậy anh thường ước ao mình trúng số độc đắc để có tiền mướn thư ký ngồi sửa lại lỗi lầm sau khi mình đã gõ. Tiếng chuông reo lần thứ tư khiến cho Quân bực mình. Đặt cái laptop xuống, anh bước nhanh sang phòng của Thi vừa đúng lúc chuông réo lần thứ năm. - Hello… Xin lỗi ai ở đầu dây… Đoán là các hãng quảng cáo gọi, anh cố tình nói bằng tiếng mẹ đẻ để cho họ cúp máy. Tuy nhiên đầu dây bên kia lại vang lên giọng nói thanh tao mà anh ngờ ngợ mình đã nghe giọng nói của người này một hai lần. Người này cũng nói bằng tiếng mẹ đẻ của anh, rất lịch sự và lễ phép. - Dạ tôi mạn phép hỏi, tôi đang hầu chuyện với ai đây? Quân cau mày vì cách xử dụng ngôn ngữ cổ xưa của người bên kia đầu dây. Nghe giọng nói anh biết người này là đàn bà. - Dạ bà đang hầu chuyện với Quân, ông chủ nhà này… Trả lời xong Quân nghe giọng cười vang lên đầu dây bên kia. Giọng cười quen quen nhưng vì mãi suy nghĩ chuyện gì nên anh không nhớ ra người cười là ai. - Dạ thưa ông Quân có phải là nhà văn Lê Quốc Phú? Quân cau mày vì bực bội. Nếu gặp đàn ông chắc anh đã chỉnh cho mấy lời; nhưng người này lại là đàn bà do đó anh vẫn lịch sự trả lời. - Dạ đúng như vậy thưa bà. Tôi là người viết văn có tên Lê Quốc Phú… Quân nhấn mạnh ở câu cuối. Người đàn bà bên kia đầu dây điện thoại bật lên giọng cười thanh tao và câu nói. - Anh Quân không nhận ra Vĩnh Khánh sao… Tới lúc này Quân mới bật cười. - Vĩnh Khánh hả… Tôi nghe quen quen mà không nhớ là ai. Giọng của Khánh hơi lạ qua điện thoại… - Lạ là sao hả anh Quân? Do dự giây lát Quân mới trả lời một cách lơ lửng. - Thì lạ hơn ở ngoài… Nghe khác hơn… - Dạ tôi nhận được sách anh Quân gởi tặng nên gọi cám ơn anh… - Không có chi… Tôi… Quân ngừng lại như tìm ý để nói tiếp. Vốn tánh trầm lặng, ít nói, lại thêm từ lâu không có nói chuyện với đàn bà qua điện thoại, đồng thời cũng đang suy nghĩ về chương 3 của quyển tiểu thuyết đang viết nên anh khó tìm ra lời để nói. Cũng may Khánh lại mau mắn đỡ lời cho anh. - Khánh gọi cám ơn anh đã tặng sách, ngoài ra cũng nói cho anh biết là anh sẽ bị tôi khẽ tay năm cái vì đoạn kết... Vĩnh Khánh nghe Quân bật cười nhỏ và giọng nói trầm hơi khàn vang lên. - Xin lỗi cô Khánh... Lần sau tôi sẽ viết theo lời yêu cầu của một độc giả đặc biệt như cô Vĩnh Khánh… - Khánh cám ơn anh Quân về bốn tiếng '' độc giả đặc biệt ''. Nhưng xin hỏi anh đặc biệt như thế nào? Hỏi xong Vĩnh Khánh cười hắc hắc. Biết cô độc giả muốn hỏi khó, Quân tìm lời giải thích. - Độc giả đặc biệt là độc giả láng giềng gần, độc giả đã ngồi nói chuyện và phỏng vấn tác giả… Đó là độc giả được tôi gởi sách vì thích, vì muốn gởi chứ không phải vì tiền… - Anh lấy tên của Khánh ra khỏi danh sách đó được không? Cười bởi cái giọng không có vẻ nghiêm nghị mà lại hơi đùa giỡn của người ở bên kia đầu dây, Quân cũng nói đùa lại. - Hổng được… - Tại sao hổng được hả anh Quân? - Ghi vào rồi không xóa được. Thôi Khánh ráng chịu đi. Lâu lâu mới nhận được sách của tác giả gởi tặng thì đâu có gì phiền… Quân nghe giọng cười thánh thót của Khánh reo lên như âm thanh của một điệu nhạc. - Nếu anh Quân đã có lời năn nỉ như vậy thì Khánh cũng phải chịu thôi… Dạ Khánh chỉ gọi cám ơn anh Quân… Dạ xin phép anh Quân… - Không có chi… Đây là số điện thoại nhà của tôi. Tôi ít khi nói chuyện. Lần sau Khánh có gọi xin gọi số riêng của tôi thì dễ hơn… Hiểu ý Khánh đùa. - Dạ… Anh Quân cho Khánh xin số điện thoại của ông nhà văn láng giềng gần i… Quân bật cười vì mấy tiếng '' ông nhà văn láng giềng gần i…'' của Khánh. Nhất là tiếng '' i '' ngộ nghĩnh mà Khánh cố tình tạo ra. Anh chưa nghe có người nào nói như vậy. Đọc số điện thoại di động cho Khánh ghi xong, anh còn dặn thêm. - Khánh muốn gọi tôi bất cứ lúc nào cũng được... Nửa đêm, hai ba giờ sáng hay mưa tuyết bão bùng gì tôi cũng trả lời... - Dạ anh Quân đang làm gì. Xin lỗi anh, Khánh tò mò… - Tôi đang gõ một truyện mới… Quân nghe Khánh kêu lên với giọng ngạc nhiên cùng với câu hỏi dồn. - Truyện mới nữa? Tên gì vậy anh Quân? - Bí mật văn chương không thể tiết lộ… Quân cười nói đùa. Anh lại nghe bên kia đầu dây vang vang giọng nói vòi vĩnh và năn nỉ của Khánh. - Anh xấu nhen… Anh phải tiết lộ bí mật văn chương cho Khánh biết, hổng thôi… Quân cười nhỏ. - Tôi sẽ tiết lộ cho Khánh biết với một điều kiện… - Đâu anh nói ra coi… - Khi nào tôi đi thăm con gái ở Knoxville thì tôi sẽ gọi mời Khánh một ly kem. Đồng ý? Quân nghe đầu dây bên kia im lặng rồi phút sau mới có giọng nói vang lên chậm và nhỏ. - Khánh đồng ý… Mà anh Quân đi thăm con gái thường không? - Thỉnh thoảng thôi… Khi nào nhớ nó thì tôi đi thăm. Mà nhiều khi mình nhớ nó thì nó lại không nhớ mình, thành ra nó hổng cho mình đi thăm… Khánh cười hắc hắc. - Vậy khi nào lên đây anh Quân gọi Khánh nhen. Bây giờ tới phiên anh… Hiểu ý Quân cười xòa. - Tôi đang gõ một truyện tên Người Đi Gom Kỹ Niệm… Nội dung của câu chuyện là một người già… Quân nghe giọng cười và câu nói ngắt ngang lời của mình. - Già cỡ tuổi anh hả. Nhân vật chính là anh hả? - Không phải là tôi song chắc có dính líu tới tôi ít hay nhiều. Do ở hoàn cảnh đặc biệt nhân vật chính trong truyện trở thành kẻ bất bình thường… - Điên… Anh muốn nói như vậy? Khánh hỏi và Quân cười như nàng đang đứng trước mặt mình. Anh nhớ tới lần gặp gỡ sau cùng ở Border Bookstore trong Turkey Creek Mall. - Không hẳn điên, nhưng đôi khi không được bình thường… Nói một cách khác người này không giống Khánh hay bất cứ người thường nào đang sống… Cũng vì vậy mà ông ta phải đi gom, nhặt kỹ niệm của mình để hy vọng trở lại thành một kẻ bình thường. Ông ta là một người quên quá khứ, thiếu hiện tại và không có tương lai… - Khánh mong người đi gom nhặt kỹ niệm đó không phải anh Quân… Nghe giọng nói nhuốm buồn và chút quan hoài của người bên kia đầu dây, Quân chậm chạp lên tiếng. Giọng của anh rời rạc, mỏi mệt. - Tôi không nghĩ tôi như vậy; nhưng không ít thì nhiều tôi cũng là người đi nhặt kỹ niệm của chính mình… - Tại sao anh Quân phải đi nhặt kỹ niệm? - Tại vì nó rơi rớt, lạc mất trên các chặng đường mà một người tị nạn như tôi đã đi qua… Tại vì tôi quên… Trả lời xong Quân nghe tiếng Khánh cười thánh thót bên kia đầu dây ở Knoxville. - Dạ Khánh xin chào tạm biệt anh Quân để đi lượm kỹ niệm của mình không thôi người khác lượm mất... Quân cười đùa. - Chừng nào nhặt được Khánh nhớ gọi cho tôi biết nghen… - Chi vậy…? - Để tôi chỉ cho Khánh cách thức sắp xếp lại kỹ niệm của mình. Tôi có kinh nghiệm… Hiểu ý của Quân, Khánh cười hắc hắc. - Cám ơn anh Quân. Để Khánh thử trước. Nếu không được thì Khánh sẽ hỏi anh Quân. Dạ xin chào anh Quân… Dứt câu chuyện với Khánh, Quân còn đứng tại chỗ rất lâu. Anh tự hỏi mình có phải là kẻ đánh rơi kỹ niệm và quên mất quá khứ. Ba mươi lăm năm sống xa xứ sở, anh còn nhớ được gì ở nơi chôn nhau cắt rún. Ngay cả quãng đời mới ở đây anh cũng đã quên đi nhiều lắm. Thời gian thay đổi hết mọi chuyện. Đời sống chuyển dịch vô chừng mà mình cứ loay hoay phải trái, trước sau, trên dưới, để đi tìm một cái gì mình biết đã bị xóa nhòa. Đành rằng ai cũng có quá khứ, ai cũng cần quá khứ để đôi khi nhìn lại chính mình, nhưng quá khứ có đáng cho anh bỏ quên điều mà mình đang và sẽ có để đi tìm cái nhạt nhòa của mình. Quân giật mình thức giấc vì tiếng còi xe lửa hụ rền rền trong đêm vắng. Ngước nhìn anh thấy đồng hồ chỉ 5 giờ sáng. Hằng đêm, cứ vào giờ này anh bị đánh thức bởi tiếng còi xe lửa riết rồi thành thói quen. Đêm nào không có xe lửa chạy hay hú còi anh vẫn thức dậy. Tiếng còi xe lửa gợi cho anh nhớ về quê hương. Hai tiếng đó giờ nghe thật xa xăm. Xa chứ không lạ. Quê hương dù xa song vẫn còn đầy trong trí não, với những kỹ niệm vụn vặt, nhớ nửa chừng, quên nửa đoạn. Đôi khi quên đoạn đầu, nhớ khúc cuối. Đôi khi nhớ khúc giữa mà lại quên đoạn đầu, đoạn cuối. Một người nào đó đã nói với anh: '' Ở đâu có tự do thì nơi đó là quê hương ''. Xứ sở anh đang sống đây thừa mứa tự do mà sao anh vẫn xem nó không phải là quê hương và không yêu nó như yêu quê hương của mình. Có lẽ vì quê hương mình nghèo khổ, có lẽ vì đồng bào mình đói khát và không có tự do cho nên mình mới thương và nhớ nhung hoài. Quân trở mình khi nghe tiếng xe lửa chạy. Tiếng bánh xe lửa nghiến trên đường sắt ì ầm vang động. Trong cơn thức ngủ anh mơ hồ nghe có tiếng người thì thầm bên tai: '' Dậy đi anh… thức dậy đi anh… Dậy đi lượm kỹ niệm… '' rồi khuôn mặt hiện ra. Mái tóc cắt ngắn uốn cong cong vào. Chiếc áo thun trắng ngắn tay, trước ngực có những cánh hoa nổi lên. Đường nét mơ hồ, nhạt mờ, lung linh song cũng đủ cho anh nhận ra nét xinh xắn, thông minh và quyến rũ ngay lúc anh nhìn thấy lần đầu tiên trong tiệm sách Books A Million. Giọng nói thanh thoát, êm êm và ấm dịu. Hình ảnh người đàn bà tên Vĩnh Khánh đó lãng đãng hiện ra trong cơn thức ngủ lưng chừng. 5 giờ chiều. Vừa bước ra khỏi cửa của sở làm, Quân nghe tiếng chuông điện thoại reo trong túi quần của mình. Mở ra thấy số điện thoại hơi lạ, anh do dự song cuối cùng cũng trả lời. - Hello… Có tiếng cười và giọng nói thánh thót vang lên. - Anh Quân có nhận ra ai không? Quân bật cười. Nhất định anh nhận ra giọng nói của cô độc giả láng giềng. - Không nhận ra tiếng nói nhưng nhận ra người… Vĩnh Khánh cười hăng hắc bên kia đầu dây. - Anh Quân đang ở đâu vậy? - Vừa ra khỏi sở… - Khánh gọi anh hỏi địa chỉ để có món quà nhỏ tặng anh… Quân chưa kịp lên tiếng, Khánh đã hớt trước. - Anh Quân không được từ chối nghen. Anh mà hổng chịu nhận quà của Khánh thì Khánh cũng hổng nhận sách của anh Quân đâu… Có đi có lại mới toại lòng nhau mà… Quân cười. - Vậy thì tôi cám ơn trước. Khánh gởi vì vậy? - Hổng biết… Cái này thuộc về bí mật quà cáp nên hổng nói trước được… Nói xong Khánh bật cười ròn rã vì đã ăn miếng trả miếng lại Quân. Lần trước anh cũng nói bí mật văn chương thì bây giờ tới phiên nàng viện lý do bí mật quà cáp. Mở cửa xe, Quân đọc cho Khánh nghe địa chỉ hộp thư bưu điện của mình. - Cám ơn anh Quân. Thôi Khánh để anh đi về nhà nấu cơm hổng thôi bị chị Thi quính… Điện thoại dứt, Quân còn nghe tiếng cười của cô độc giả âm ỉ trong trí não của mình. Tuần lễ sau ra bưu điện lấy thơ và thấy gói quà nhỏ, anh gọi cho Khánh liền. - Dạ anh Quân nhận được quà rồi hả? - Đang xem thư và thấy đây… - Anh mở ra coi chưa… Mở gói quà ra Quân bật cười khi thấy một hộp mè xửng. Tò mò anh lấy một miếng ăn thử xong mới cười lên tiếng. - Ngon lắm. Điệu này chắc tôi bị sún răng vì ăn ngọt nhiều quá… Đầu dây bên kia vang lên tiếng cười và giọng nói thanh tao của Khánh. - Tại Khánh biết anh Quân hảo ngọt nên gởi cho một hộp kẹo gương làm tại Huế đó… - Sao Khánh biết tôi hảo ngọt? - Dạ Khánh đoán... Đọc truyện anh viết thấy anh bồ bịch, người yêu, người tình tùm lum nên đoán bậy anh phải hảo ngọt… Quân lắc đầu khi nghe cô độc giả láng giềng ré lên cười trong điện thoại. Tuy nhiên câu nói xỏ này không làm anh sùng vì giọng nói cợt đùa và cách dùng chữ của người nói. - Khánh còn viết mấy chữ cho anh Quân. Anh đọc đi… Cũng chẳng có gì đâu… Chỉ nhận xét nhỏ của Khánh về truyện của anh Quân… Dạ xin chào anh Quân… Cầm lấy phong thư không có dán lại, Quân chậm chạp mở ra và cắm cúi đọc. - Chào anh Quân, Tuần lễ nay Khánh cho ông xã ngủ một mình… Khánh nói thật đó dù biết anh hổng tin, vì bận trèo lên mạng tìm đọc hết mấy cuốn tiểu thuyết do anh viết. Eo ôi nhiều quá… Đọc muốn mờ con mắt và bị cận luôn. Bắt đền anh đó… Tuy nhiên nhờ vậy mà Khánh mới hiểu anh nhiều hơn, thông cảm với những gì anh thao thức và chia xẻ chút ít với buồn đau mà anh đang phải chịu đựng. Nói rằng phê bình về các sáng tác của anh thì Khánh không dám, vì tự nghĩ mình không có khả năng, đồng thời Khánh cũng không phải là một nhà phê bình văn học. Tuy nhiên nêu ra vài ý nghĩ và nhận xét nhỏ thì Khánh có thể làm được. Mỗi nhà văn, thi sĩ hay mọi người, đều có cách suy tưởng và cách viết riêng mà người ta thường hay gọi là văn phong. Anh Quân cũng không đi ra ngoài cái lệ đó. Dường như anh Quân có cái nhìn bi đát về tình yêu. Anh bị ám ảnh bởi sự tan vỡ của tình yêu và mất mát trong chiến tranh. Trong năm tác phẩm đầu tiên thì nhân vật chính đều chết. Hoặc không chết thì cũng phải bị mất mát một cái gì như trường hợp trong tác phẩm thứ sáu thì nhân vật chính bị tàn phế. Còn trong truyện thứ bảy thì hai nhân vật chính phải xa nhau. Khánh có một nhận xét là sự chết, hay tan vỡ đã làm nền cho nhiều tác phẩm của anh. Từ đó đưa Khánh tới một ý nghĩ là dường như anh không có hạnh phúc trong tình yêu, hay nói một cách khác là tình yêu của chính bản thân anh cũng là một tan vỡ… Quân ngưng đọc. Tựa lưng vào vách tường anh lẩm bẩm. '' Cô này kể ra cũng có óc nhận xét… Thử coi cô ta nói tiếp điều gì…'' - … Sự tan vỡ trong tình yêu của chính mình cộng với sự mất mát bởi chiến tranh, làm cho anh trở thành tác giả chuyên ám sát nhân vật của mình. Khánh tự hỏi phải chăng anh Quân ganh tị với những ai có hạnh phúc… Quân thở dài khi đọc tới dòng chữ cuối cùng mà Khánh viết. Anh tự hỏi mình có phải là người ganh tị hạnh phúc? Mình có phải là kẻ có cái nhìn bi đát về tình yêu chỉ vì mình không được may mắn như bao nhiêu người khác. Ngẫm nghĩ giây lát Quân chậm chạp đọc tiếp những dòng chữ ngộ nghĩnh mà Khánh viết theo cách hành văn lạ và thân mật như anh em trong nhà nói chuyện hoặc thư từ với nhau. - … Đang đọc 2 truyện của anh nhưng chưa hết. Nếu như nói đánh giá về chiều sâu của văn chương ở anh hay của tác giả khác thì Khánh không đủ khả năng để bình luận đâu. Tuy nhiên những nhận xét thuộc về cảm xúc của cá nhân Khánh sau khi đọc sách của bất cứ ai, thì có thể đưa ra để bàn tán xôn xao với nhau thì ok. Nhận xét đầu tiên là anh hay dùng chữ " thời ". Điều đó đã khiến cho người đọc khựng lại, phải đọc chậm lại để hiểu vì lạ, dù chữ đó rất dung dị không cầu kỳ nhưng lại không trơn tru như khi người ta đọc. Nếu thay thế bởi chữ " thì " lại dễ dàng đọc nhanh, hiểu nhanh hơn. Với những đọc giả khác thì Khánh không rõ, nhưng với Khánh thì chữ đó '' ngộ ''. Nó có gì đó quê mùa đặc trưng cho người VN vào những thời xa xưa... Anh Quân dùng chữ đó không đụng hàng với ai… đến giờ Khánh chưa thấy ai dùng chữ đó... anh lo xin tác quyền để độc quyền chữ đó đi nghen... ai mà mạo danh là biết hàng dõm liền... ủa... mà nếu Khánh cũng dùng chữ đó có sao hong... Truyện này anh viết cũng lâu quá rồi hen, thời đó viết tay cũng chăm lắm hả anh… Thì ra đàng sau bút hiệu là cả một trời kỹ niệm thơ mộng. Nó khiến cho Khánh ganh tỵ... Chắc nay mai Khánh cũng đi kiếm cái bút hiệu để đem ra cạnh trạnh với anh Quân chơi... Rinh thêm mấy bịch bắp rang và mấy bịch nước mía ngồi chờ anh Quân viết tiếp truyện khác nè... Khánh biết anh vừa đi làm vừa viết văn nên rất bận bịu, do đó xin tạm ngưng ở đây chờ khi nào anh có dịp đi thăm con thì anh gọi cho Khánh để Khánh tiếp tục cuộc phỏng vấn của mình. Cuối thư Khánh chúc anh được vui vẻ, khỏe mạnh để còn viết hăng hơn nữa. Kính thư. Khánh… Gấp lá thư lại bỏ vào hộp giấy Quân lửng thững đi ra xe. Trời mùa hè nóng hừng hực và nắng chói chang.