ó thể Lưu Bang không phải như thế. Con người Lưu Bang tuy chẳng có bản lĩnh gì nhưng là người dám nói dám làm. Khi còn là đinh trưởng, Lưu Bang đã từng giải phạm nhân lao dịch đến Ly Sơn, dọc đường, số người bỏ trốn không ít. Lưu Bang liền cho cởi trói tất cả phạm nhân và nói: Các ngươi đi hết đi, ta cũng sẽ đi, có gì là ghê gớm đâu! Rõ ràng, Lưu Bang chẳng coi chức hàm là gì cả, chẳng coi vương pháp là gì cả, càng không muốn giữ lại chức đinh trưởng, nên chẳng có việc gì đặc biệt mà không dám làm. Chỉ cần thấy cần làm là làm ngay, không đắn đo suy nghĩ, tính toán nhiều mà làm gì. Một người độ lượng như vậy, rõ ràng Hàn Tín không phải đối thủ. Trên thực tế, sai lầm của Hàn Tín là hoài nghi, “cái đáng dứt không dứt, sau này thành loạn”. Sự thực thì Hàn Tín cứ do dự phản hay không phản? Lúc này tình cảm của Lưu Bang đối với Hàn Tín đang rất phức tạp. Tình cảm của Hàn Tín đối với Lưu Bang cũng rất phức tạp, vừa cảm tình, vừa oán hận, vừa xem thường, vừa sợ hãi, vì vậy, không thể quyết định phản hay không phản. Đương nhiên, Hàn Tín làm phản là do bị bức ép, Lưu Bang không bức thì không phản. Nhưng nếu nói, Hàn Tín tạo phản hay mưu phản hoàn toàn là vu cáo hãm hại thì cũng không hẳn là đúng. Cứ nhìn vào việc Hàn Tín bán đứng Chung Ly Muội thì cũng rõ, Hàn Tín không phải là loại người đáng tin cậy. Hàn Tín có thể bội phản Chung Ly Muội, sao lại không thể bội phản Lưu Bang? Có điều, lúc có điều kiện phản bội, lại không phản bội? Khi đã là cá chậu chim lồng của người ta, còn muốn hành động một cách ngu xuẩn, thế là đã hồ đồ rồi! Thực ra, vì Hàn Tín là anh hùng, không phải kiêu hùng, là nhà quân sự không phải là nhà chính trị. Hàn Tín ác độc, ti tiện đến đâu, cũng không thể sánh được với Lưu Bang. Hàn Tín luôn luôn muốn có trái tim trung hậu và ôm ấp ảo tưởng, nghĩ rằng với công lao như vậy và tình cảm tốt đẹp giữa đôi bên, Lưu Bang sẽ chẳng làm gì, kết quả không kịp đề phòng, sớm trở thành quỷ dưới lưỡi đao người khác. Đúng vậy, trong cuộc đấu tranh chính trị tàn khốc, không cho phép do dự và hoài nghi. Ưu điểm lớn nhất của Lưu Bang là dám quyết đoán làm đến cùng, đến nơi đến chốn, không một chút hồ đồ. Lưu Bang tuy không có bản lĩnh gì, không có mưu kế gì, nhưng khả năng phán đoán lại rất tốt, dám quyết định, bất chấp tất cả. Chính nhờ có tư chất đó, nhiều lần Lưu Bang chuyển nguy thành an, cuối cùng thì chuyển yếu thành mạnh, từng bước từng bước đi tới thắng lợi. Cũng chính vì Lưu Bang là lưu manh, là anh hùng trong số lưu manh, vì thế mới dám đánh cược bằng cả sinh mạng của mình. Hàn Tín là lưu manh nhưng có khí chất quý tộc, kết quả là về mặt khí độ lại không thể sánh kịp với Lưu Bang. Quả thực, Lưu Bang xứng với câu: “Không rộng lượng không phải quân tử, không hiểm độc không phải trượng phu”, lúc dùng người có thể phóng tay mà dùng, chỉnh trị người khác phải mạnh tay. Thủ hạ của Lưu Bang có đủ mọi loại người, Trương Lương là quý tộc, Trần Bình là du sĩ, Tiêu Hà là huyện lại, Hàn Tín là thường dân, Phàn Khoái là đồ tể, Quán Anh bán vải, Lâu Kính phu xe, Bành Việt là trộm cướp, Chu Bột là tay đánh trống. Lưu Bang coi họ như nhau, dùng theo khả năng của từng người, không quan tâm tới việc người ta gọi mình là quân tạp nham, là vua của giặc cỏ. Nhưng khi đã giết thì bất kể thân sơ. Lưu Bang nghe lời sàm tấu, cho rằng Phàn Khoái có bụng không thần phục, liền sai Trần Bình đi giết Phàn Khoái. “Bình vào trong quân, cho chém ngay Khoái!”. Có thể nói Lưu Bang và Phàn Khoái là đôi bạn tin cậy nhất, xưa kia, lúc ở huyện Bái hai người là bè bạn. Lúc Trần Thắng khởi nghĩa, Tiêu Hà, Tào Tham cho Phàn Khoái nghênh đón Lưu Bang về, lập thành Bái công. Sau này Phàn Khoái theo chân Lưu Bang đánh nam dẹp bắc, chiến công hiển hách. Lúc mới vào Hàm Dương, chính Phàn Khoái đã khuyên Lưu Bang đừng tơ hào một thứ gì và đưa quân về Bá Thượng dựng nên kỳ vọng cho Lưu Bang. Tại Hồng Môn yến, Phàn Khoái xông lên định giết Hạng Vũ mới bảo toàn được tính mạng của Lưu Bang. Phàn Khoái lấy em gái Lã hậu, với Lưu Bang là anh em cọc chèo. Như vậy Phàn Khoái là người yêu thương, gần gũi biết chùng nào, nhưng nói giết là giết (cuối cùng thì Trần Bình vẫn chưa thi hành mệnh lệnh, Lưu Bang lúc này đang bị thương nặng, việc đó coi như kết thúc). Quả thực rất ác. Hạng Vũ không ác đến như vậy. Đương nhiên Hạng Vũ cũng giết người, hơn nữa còn giết lung tung. Chính vì giết lung tung mới là mù quáng. Mặt khác, có lúc lại không nỡ giết, đã mấy lần không giết nổi Lưu Bang. Vì vậy, chúng ta có thể đoán, nếu Hạng Vũ có được thiên hạ hẳn sẽ không bao giờ giết chết công thần, trừ những ai dám chọc giận mình. Xuất phát từ ý chí cá nhân có thể giết công thần, xuất phát từ nhu cầu chính trị, giết người một cách có kế hoạch, có mưu đồ, là không thể. Đối với Hạng Vũ, không tồn tại cái gọi là công cao hơn chủ. Liệu có ai công cao hơn Hạng Vũ đây? Liệu có ai trấn nổi Hạng Vũ một anh hùng cái thế trong thiên hạ? Không có. Ít ra, Hạng Vũ cũng cho là không có. Vì vậy, là công thần trong tay Hạng Vũ là an toàn, chỉ cần anh không chọc tức Hạng Vũ, nếu không, anh sẽ được coi là thứ cần loại bỏ để tránh bị uy hiếp sau này. Thậm chí Hạng Vũ còn không thừa nhận anh là công thần. Như vậy tuy có phần oan uổng, nhưng vẫn còn giữ được mạng sống. Dù có được coi là công thần cũng đừng lo, vì như vậy Hạng Vũ đã thừa nhận anh là anh hùng. Người anh hùng chân chính bao giờ cũng kính trọng các anh hùng khác, xuất phát từ tâm lý “anh hùng trọng anh hùng”, Hạng Vũ cũng sẽ tha cho anh một lần. Ở Hồng Môn yến, Hạng Vũ kiên quyết không giết Lưu Bang là vì có tâm lý đó. Đương nhiên, Hạng Vũ không giết Lưu Bang có thể còn vì nguyên nhân ngược lại: Cực kỳ khinh rẻ Lưu Bang. Hắn là cái thá gì chứ! Loại chó ngựa đó cũng đáng để ta phải giết sao? Đừng làm bẩn tay ta. Chúng ta đều biết, Hạng Vũ là chúa cao ngạo, ngay từ đầu đã xem thường Lưu Bang, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến Hạng Vũ thất bại. Hoài vương nói với chư hầu “người vào Quan Trung trước sẽ là vương”, lại phái Hạng Vũ bắc phạt, Lưu Bang nam chinh, dụng ý đã quá rõ. Tuy Hạng Vũ có đề đạt “nguyện cùng Bái công vào Quan”, là muốn báo thù cho Hạng Lương, chứ không vì sợ Lưu Bang vào Quan trước. Hội nghị liên minh chư hầu không đồng ý. Hạng Vũ đành phải thôi. Vì Hạng Vũ hoàn toàn tin rằng, gã thô kệch như Lưu Bang kia thì không đánh bại được quân Tần. Vì vậy khi nghe Lưu Bang vào Quan Trung trước, nơi “vàng bạc châu báu thứ gì cũng có”, Hạng Vũ từ chỗ ghen đã thành bực, làm ầm lên như sấm dậy. Bây giờ thì Hạng Vũ không thể không thừa nhận Lưu Bang, nhưng từ trong thâm tâm vẫn không chịu nhận Lưu Bang là anh hùng. Vì vậy Hạng Vũ không biết phải làm gì. Nếu thừa nhận Lưu Bang là anh hùng, tất phải kính yêu, không thể giết. Muốn giết, phải đường hoàng giết Lưu Bang ngoài chiến trường. Còn như bày tiệc rượu trong quân doanh rồi ngấm ngầm giết người ta thì thật mất mặt, xuống tay không nổi. Nếu Lưu Bang không phải anh hùng, thì cớ gì phải giết. Phạm Tăng đã mấy lần ra hiệu, Hạng Vũ ngồi yên không nói một lời nào; Phạm Tăng bối rối tỏ ý, Hạng Vũ “không hề phản ứng”, vì từ trong thâm tâm Hạng Vũ không thể nắm chắc nặng nhẹ. Nên cuối cùng Lưu Bang thoát khỏi miệng cọp và Hạng Vũ đã thả hổ về rừng, thật là một sai lầm lớn. Cũng chưa hẳn, Hạng Vũ xem thường Lưu Bang nên mới không giết. Đúng vậy, Lưu Bang là lưu manh, nhưng là anh hùng trong số lưu manh. Nói Lưu Bang là lưu manh là nói tới xuất thân của Lưu Bang, nói về sự giáo dưỡng của Lưu Bang, chưa phải là nói tới tư chất của Lưu Bang. Nói về tư chất, Lưu Bang không hổ với danh hiệu lãnh tụ. Những tố chất cần thiết của lãnh tụ, Lưu Bang đều có, căn bản không cần phải học, mà học cũng chẳng vào. Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín, Tiêu Hà luôn có nhiều chủ trương cho Lưu Bang, nhưng những chủ trương đó đều nhằm thẳng vào vấn đề hiện thực, hoặc là những thao tác cụ thể, là mưu lược chưa phải chiến lược. Những kiến nghị mang tính chiến lược cũng có và Lưu Bang luôn hiểu rất nhanh. Riêng óc quan sát, năng lực phán đoán, tính nhạy bén là trời ban cho Lưu Bang. Hàn Tín nói, Lưu Bang có tài “cầm tướng” là “do trời ban, không phải sức người”, nếu không trân trọng cũng đừng nên nhạo báng. Là lãnh tụ, ưu điểm lớn nhất của Lưu Bang là “biết người”. Nói tới biết người không phải là tôn trọng người tài, giỏi dùng người tài chung chung, mà là nắm được ưu điểm, nhược điểm trong tính cách của người đó, có như vậy mới đoàn kết được mọi lực lượng, mới có thể cô lập được kẻ thù, đánh phá từng người một, cuối cùng mới giành được thiên hạ. Thiên hạ là gì? Là người, không phải là đất đai. Vì vậy được thiên hạ, cũng chính là được người, được lòng người. Lưu Bang thấu hiểu điều này. Gần như tù lúc sinh ra Lưu Bang đã biết kết giao với con người. “Tư trị thông giám”(1) viết, Lưu Bang ghét đọc sách, nhưng tư chất thông minh, lòng dạ cởi mở, có thể tiếp nhận những mưu kế tốt nhất. Thậm chí, với một kẻ gác cửa, một tên lính hạng bét khi gặp mặt Lưu Bang cũng trở thành bè bạn thân thiết. Tôi nghĩ, ngoài tính cách rộng rãi khoáng đạt, không câu nệ, chan hoà, Lưu Bang còn thấu hiểu một điều: “Mọi vật trong thế gian, con người là báu vật số một”. Vì vậy Lưu Bang coi mọi người là của cải, là tài nguyên quý giá nhất, chỉ sợ thiếu chứ không lo thừa. Làm gì để có thể hiểu được lòng người? Cũng tức là hiểu được người khác đang muốn gì, và giúp họ thoả mãn. Hàn Tín không thể quên được mối ân tình “cởi áo khoác lên người, cho ăn cho uống” của Lưu Bang. Rõ ràng Lưu Bang đã được lòng Hàn Tín, Lưu Bang đã xử sự hết mình, lấy con tim sánh với con tim: Mình đói bụng muốn ăn, thấy người khác cũng muốn ăn, liền nhường cơm của mình; mình lạnh, biết người khác cũng lạnh, liền nhường luôn áo; mình muốn được thiên hạ muốn làm hoàng đế, biết người khác cũng muốn vợ con được vinh hoa, làm rạng danh tổ tông, liền khẳng khái phong thương luôn. Cách nghĩ và cách làm như “có cơm để mọi người ăn, có áo cho mọi người mặc, có tiền cho mọi người tiêu, cùng phát tài phát lộc” ở Trung Quốc rất được lòng người. Xưa nay Hạng Vũ thường không biết nghĩ cho người khác, nhiều lắm cũng chỉ là ban phát một chút ân huệ nhỏ, trong lúc tiến hành phân phối lại quyền lợi và lợi ích, chỉ hoàn toàn dựa vào yêu ghét của riêng mình, thích đem quyền uy ra doạ người. Hạng Vũ biếm trích Yên vương Hàn Quảng đến Liêu Đông, đuổi Triệu vương Triệu Yết đến nước Đại, đối với Hàn vương Hàn Thành, vì cớ để cho mưu sĩ Trương Lương giúp đỡ Lưu Bang, nên trước hết là không cho về nước (đến vùng đất phong), tiếp đến, giáng xuống tước hầu, cuối cùng là mưu sát (thật nhỏ nhen, hẹp hòi) cuối cùng buộc Trương Lương, túi khôn của Hàn Thành phải đến trại Hán, Hạng Vũ đối đầu đến cùng với Hàn Thành (sự thực thì Trương Lương đã cổ vũ Lưu Bang đông tiến phản Sở, quân đồng minh Kình Bố, Bành Việt phản Sở cũng phải nhờ Trương Lương liên lạc). Lưu Bang vào Quan Trung diệt Tần, công lao hàng đầu, nhưng đã không thể làm Quan Trung vương như lời hẹn, chí ít cũng phải đem quê cũ phong cho Lưu Bang, hoặc phong cho vùng đất gần đó một chút, để an ủi tình cảm nhớ quê của đội quân này. Bản thân Hạng Vũ thì áo gấm về quê, nên nhớ rằng người khác cũng có ý nghĩ như vậy (thực tế thì tướng sĩ của Lưu Bang “ngày đêm mong mỏi được quay về”). Nhưng Hạng Vũ đã không làm thế. Có thể vì ghen tức vì Lưu Bang vào Quan Trung trước, ghen tức vì Lưu Bang đã cướp mất ánh hào quang của mình, đương nhiên, Lưu Bang sẽ bị đẩy tới Hán Trung, vùng đất được coi là hoang vu hẻo lánh thời đó, Lưu Bang cũng không muốn ở lại nơi này dù chỉ một ngày (nói như lời Lưu Bang “sao có thể ủ ê sống mãi ở đây”), cuối cùng đã dẫn quân đánh về hướng đông. Xét từ việc Lưu Bang vừa vào cung Hàm Dương đã ngẩn ngơ không muốn đi thì Lưu Bang cũng không phải là người có nhiều dã tâm. Lúc đó chỉ cần Hạng Vũ cho Lưu Bang một miếng thịt béo, biết đâu sự việc đã khác. Thực là khó khăn khi có ai đó muốn khích lệ Lưu Bang phản Sở, dĩ nhiên, số binh sĩ đã về quê có thể sẽ không quay lại chiến trường (Trương Lương đã nhận ra điểm này: “Thiên hạ đã định, mọi người đều đã yên chỗ, không thể dùng tiếp”). Nhưng Hạng Vũ đã không cho Lưu Bang được ăn no, điều đó buộc Lưu Bang không thể không nuốt Hạng Vũ. Người không biết nghĩ cho người khác, thực ra cũng không biết nghĩ cho mình; còn người có thể lo liệu cho người khác thì phần lớn sẽ biết lo về mình. Lưu Bang tự biết mình, biết mình chẳng có gì cả, văn không thể an dân, võ không thể định nước, dùng kế không đủ mưu lược, đánh trận không có sức mạnh. Vì vậy Lưu Bang phóng tay giao mọi việc cho người khác làm. Bản thân chỉ làm có hai việc, một là dùng người, hai là quyết định. Như vậy không chỉ tránh được sở đoản của mình, còn có thể huỵ động được mặt tích cực của người khác, nhất cử lưỡng tiện. Thêm nữa, Lưu Bang còn biết rõ đúng sai, tốt xấu, chịu khó lắng nghe ý kiến người khác, dũng cảm sửa chữa sai sót của mình, lại có thể khoan dung với sai sót của người khác. Không câu nệ khi dùng người, có khả năng để người khác cam tâm tình nguyện giúp đỡ mình từ đó thu hút được bao nhiêu anh hùng hào kiệt đến bên cạnh, hình thành một cục diện bổ trợ từ bên ngoài rất chắc chắn. Ví như Phàn Khoái có dũng, Trương Lương có mưu, Hàn Tín biết cầm quân, Tiêu Hà biết trị nước, đúng là một tổ hợp rất tuyệt vời. Kết quả ông chủ Lưu Bang làm việc rất thoải mái và rất thành công. Hạng Vũ không hiểu được điều này, lại tự cho mình là anh hùng đệ nhất thiên hạ, việc gì cũng tự làm, ngược lại, đã mất sức mà chẳng hay ho gì, biến thành một kẻ đơn độc. Hạng Vũ không biết người và cũng không hiểu mình. Không biết đâu là sở trường, đâu là sở đoản của mình, đương nhiên cũng không bao giờ nhận sai. Tận lúc binh bại ở Cai Hạ, tự sát ở Ô Giang, vẫn còn nói trời muốn diệt ta, ta chẳng sai lầm gì, đúng là “chết cũng không nhận sai”. Lưu Bang thì khác, Lưu Bang cũng phạm sai lầm, sai lầm trong phán đoán, sai lầm trong chiến lược, nhưng Lưu Bang dám nhận sai, dám thay đổi. Năm 200 trước Công nguyên, Lưu Bang đã phán đoán sai về hình thế và tình hình quân địch (kế dụ binh Hung Nô), không nghe lời khuyên gay gắt của Lâu Kính, tự mình dẫn quân vào trận địa mai phục của quân địch, kết quả bị quân Hung Nô vây khốn ở Bạch Đăng (một thành nhỏ gần Bình Thành, Bình Thành là thị trấn Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay. Chiến dịch này được gọi là “vây ở Bạch Đăng” hoặc “vây ở Bình Thành”), may sao dùng mật kế của Trần Bình thoát khỏi nguy hiểm. Lưu Bang đưa quân về Quảng Vũ (thị trấn Dương Minh Bảo, phía tây nam huyện Đại, tỉnh Sơn Tây ngày nay), đến chỗ Lâu Kính, Lưu Bang đã cởi giáp, bái lạy Lâu Kính, thừa nhận sai lầm, ban cho Lâu Kính hai ngàn hộ, thăng quan Nội hầu. Điều đó không có ở Hạng Vũ. Xem ra, Lưu Bang đúng là anh hùng. Lưu Bang nhận sai, đó là biểu hiện tố chất anh hùng trong Lưu Bang. Trong lịch sử Trung Quốc, không có mấy vị đế vương, trương quan hoặc thủ lĩnh làm được điều đó. Chỉ cần làm được việc gì đó, họ liền cảm thấy tốt đẹp, rồi tự cho mình là “thiên tài”, “toàn tài”, hiểu hết, biết hết, cao kiến về mọi mặt, ra nhiều chỉ thị, câu nào cũng là chân lý, việc nào cũng chính xác; nếu có những ý kiến ngu xuẩn, thuộc hạ phê phán thì nổi giận đùng đùng hoặc ôm hận trong lòng. Nếu có ai phê phán quyết sách sai lầm, được thực tiễn chứng minh thì người đó sẽ càng đen đủi. Năm 200 có chiến dịch Quan Độ, Viên Thiệu không nghe lời khuyên của Điền Phong, nên mới bại trận ở miền bắc. Để cứu vãn sĩ diện của mình, Viên Thiệu cho giết Điền Phong (chương sau sẽ nói rõ). Tóm lại, họ chỉ biết lấy những sai lầm mới để che giấu những sai lầm cũ, quyết không nhận sai cũng không công khai nhận sai lầm. Lưu Bang bị vây ở Bạch Đăng vào năm 200 trước Công nguyên, Viên Thiện bại trận ở Quan Độ năm 200, hai sự kiện cách nhau tròn bốn trăm năm, kết cục hoàn toàn khác nhau, cũng không thể nói là do tinh thần cao hay thấp. Viên Thiệu là hào tộc, tư thế tam công, quý hết chỗ nói. Lưu Bang là lưu manh, không một xu dính túi, hèn hết chỗ nói, nhưng khí thế của Lưu Bang thì loại như Viên Thiệu không bao giờ sánh kịp. Lưu Bang không chỉ rộng lượng mà còn tỉ mỉ. Nhìn bề ngoài, Lưu Bang có phần đại khái, qua loa, kỳ thực lại tỉ mỉ, chi li. Buổi tối hôm trước Hồng Môn yến, Lưu Bang nghe nói, ngày hôm sau Hạng Vũ sẽ hội quân dưới thành, lại nghe nói Hạng Bá có thể đứng giữa hoà giải, lập tức quyết định quan hệ với Hạng Bá cho thêm gần gũi. Nhưng Lưu Bang không vội vàng đi gặp Hạng Bá ngay. Trước hết đi hỏi Trương Lương xem Trương Lương và Hạng Bá ai nhiều tuổi hơn. Nghe Trương Lương nói Hạng Bá nhiều tuổi hơn, lập tức Lưu Bang thay đổi cách xưng hô “em được anh tới thăm”. Như vậy, coi như đã nói mình là “anh em” với Trương Lương. Ngài là anh của Trương Lương, cũng tức là anh của Lưu Bang. Bình đẳng với Trương Lương, Trương Lương đẹp mặt, Hạng Bá càng đẹp mặt hơn. Hai bên đều vui vẻ, Lưu Bang thực thông minh. Ngược lại, Hạng Vũ rất hồ đồ. Hạng Vũ chẳng khác gì người mẹ chồng, lúc đưa cơm lúc đưa thuốc, kỳ thực là thô kệch, là thằng ngốc, cẩu thả, hoặc nói như người Vũ Hán, “sĩ diện hão” (người thì đẹp đẽ, nhưng không có đầu óc). Lưu Bang đến quân doanh tạ tội với Hạng Vũ, nói thần và tướng quân đồng tâm hiệp lực, trừ diệt bạo tàn. Tướng quân đánh Hà Bắc, thần đánh Hà Nam, thần không ngờ mình lại vào Quan Trung sớm (thực ra đã có mưu đồ từ lâu, có giao dịch với Triệu Cao), nay mới được gặp lại tướng quân (khẩu khí của bè bạn thân mật). Thực bất hạnh đã có lời của kẻ tiểu nhân, đến đoạn tướng quân đã hiểu sai về thần (không hề hiểu sai). Nghe xong, Hạng Vũ nói luôn, chẳng phải người anh em thân thiết, bộ hạ của ngươi - Tào Vô Thương nói sao? Nếu không Hạng Tịch ta đâu có thế? Kết quả, trong lúc mụ mẫm Hạng Vũ đã bán đứng kẻ đưa tin đó. Đúng là Hạng Vũ và Lưu Bang có nhiều điểm không giống nhau. Hạng Vũ bề ngoài tàn nhẫn, kỳ thực là mềm yếu, bề ngoài dũng mãnh, kỳ thực là yếu đuối. Lưu Bang bề ngoài ôn hoà, kỳ thực là ác độc, bề ngoài dễ dãi, kỳ thực là kiên cường. Hạng Vũ dễ bực dễ giận, hơi không vừa ý đã ầm lên như sấm dậy, lửa giận bốc lên hàng ba trượng, nhưng khi húp xong một vài bát canh, lại như người không có chuyện gì. Còn Lưu Bang, những ấm ức nhất thời có thể nhẫn nhịn, không xin lỗi, rồi đây sẽ tính sổ. Hãy xem Lưu Bang chỉnh trị Hàn Tín khác gì mèo vờn chuột. Hiển nhiên, Hạng Vũ tính tình bình thường còn Lưu Bang là người theo chủ nghĩa thực dụng. Vì thực dụng, Lưu Bang không ngại dùng cả tiểu nhân, không ngại cho giết công thần. Vì thực dụng nên cũng chẳng sợ công khai nhận sai. Chỉ cần đạt được mục đích, Lưu Bang không bận tâm về hình tượng của mình. Không giống như Hạng Vũ, việc gì cũng quan trọng hoá, dù chết cũng giữ sĩ diện, dù chết cũng không nhận sai. Có điều, người thực dụng như Lưu Bang cũng có chỗ giống Hạng Vũ, cả hai đều quý trọng anh hùng, tán thưởng người cao quý. Lưu Bang không coi ta và địch là chính nghĩa hay phi nghĩa một cách ngu xuẩn, nói phía địch đều là người xấu, bên ta đều là quân tử. Nếu nhìn thấy anh hùng, hảo hán chân chính, Lưu Bang luôn kính phục chân thành và tán thưởng, dù đối phương là địch hay là ta, là người tán thành hay phản đối mình. Sau khi giết Hàn Tín, Lưu Bang còn giết Bành Việt, tru di ba họ, tất cả bị hành quyết ở chợ ngoài thành Lạc Dương và bố cáo kẻ nào bạo gan đến lấy thi thể, đều giết không tha. Đúng lúc đó có đại phu Loan Bố người nước Lương đi sứ nước Tề về đến Lạc Dương, Loan Bố quỳ trước thi thể Bành Việt, báo cáo về quá trình đi sứ, còn phủ phục xuống đất, tế khóc Bành Việt. Lưu Bang thấy Loan Bố không coi cấm lệnh của mình ra gì, liền nổi giận hạ lệnh ném Loan Bố vào vạc dầu. Loan Bố thản nhiên bước tới chỗ đó, và quay đầu lại nói: “Xin nói một câu rồi sẽ chết”. Lưu Bang nói: “Cho phép nói!”. Loan Bố nói: “Năm đó, hoàng thượng bị vây ở Bành Thành, bại ở Huỳnh Dương, nguy ở Thành Cao, sở dĩ Hạng Vũ không thể tây tiến truy xét, vì Bành Việt đại vương đang trấn thủ Đại Lương, liên minh với Hán. Lúc đó chỉ cần Bành vương khẽ gật đầu, đã chẳng có ngày nay. Ngay như trận chiến Cai Hạ, nếu không có Bành vương, chắc Hạng vương cũng không thua. Nay thiên hạ đã định, lẽ nào Bành vương lại không được phong tước, an hưởng thái bình? Thực không ngờ, chỉ vì lâm bệnh phải nằm, một lần trưng binh không tới, hoàng thượng đã nghi ngờ Bành vương mưu phản. Chứng cứ mưu phản không có, hoàng thượng cho tìm mấy việc vụn vặt để xử Bành vương tội chết, còn giết cả ba họ, thần e công thần trong thiên hạ sẽ hết sức sợ hãi. Lúc này, Bành vương đã bị giết, thần sống phỏng có ích gì? Hãy để thần được nhảy vào vạc dầu!” Lưu Bang nghe xong, lấy làm kính nể, lập tức hạ lệnh phóng thích Loan Bố, còn phong làm đô uý. Lưu Bang phóng thích Loan Bố vì tự thấy hổ thẹn (đúng là Bành Việt vô tội), cũng vì kính trọng nhân cách và nhân phẩm của Loan Bố. Những việc tương tự khá nhiều, ví như phóng thích Khoái Thông, xá miễn Quán Cao. Quán Cao là tể tướng nước Triệu, vì lập mưu ám sát Lưu Bang nên bị bắt. Ở trong ngục, tuy bị tra tấn khốc liệt, nhưng Quán Cao vẫn không chịu bán đứng Triệu vương Trương Ngao. Lưu Bang kính trọng hảo hán Quán Cao, sau khi xét rõ chân tướng, không chỉ phóng thích Trương Ngao còn xá miễn cho Quán Cao. Khoái Thông phản lại Hàn Tín, Quán Cao ám sát Lưu Bang, sự việc đã rõ, bản thân họ cũng đã thừa nhận, nhưng Lưu Bang không giết họ, Lưu Bang không phải là kẻ giết người điên cuồng. Lưu Bang giết công thần, hoàn toàn vì nhu cầu chính trị hoặc vì nhu cầu của nền chính trị chuyên chế. Vì vậy nói, chủ nghĩa chuyên chế đã giết Hàn Tín, Bành Việt, Tang Trà, Trần Hy, Lư Quản, Kình Bố và cũng suýt nữa đã giết Phàn Khoái. Lưu Bang đã giết hàng loạt, bởi “nền chính trị chuyên chế luôn đòi hỏi như vậy”. Tuy là vậy, nhưng đối với những người không quân không quyền, bản thân trơ trọi thì Lưu Bang không giết. Bởi vì giết họ là vô nghĩa, không giết là thể hiện sự khoan dung, cải thiện được hình tượng, có lợi về mặt chính trị. Hơn nữa, Lưu Bang đã có lòng kính trọng những trượng phu ngang bướng này! Điều này có phần khác với Hạng Vũ. Hạng Vũ cung kính những trượng phu ngang bướng. Ở Hồng Môn yến, dù Phạm Tăng đã mấy lần ra hiệu, Hạng Vũ vẫn yên lặng, nhưng khi “Hạng Trang múa kiếm, nhằm vào Bái công”, Hạng Vũ cũng không ngăn. Rõ ràng lúc đó vẫn còn hai khả năng giết hay không giết Lưu Bang, giống như để theo mệnh trời. Nhưng sau khi Phàn Khoái bước vào, tình hình liền thay đổi. Phàn Khoái xông qua cửa, bước thẳng vào trướng, hai mắt giận dữ nhìn thẳng vào Hạng Vũ. Phàn Khoái tóc dựng ngược, mắt hằn học, Hạng Vũ thất kinh trước hình tượng đó. Nghe Trương Lương nói, đó là tham thừa của Bái công (gần như thị vệ) liền tán thưởng là u tráng sĩ”, khi Phàn Khoái uống hết đấu rượu, ăn sống chân sau của lợn, Hạng Vũ liền thấy thích thú, quỷ mến Phàn Khoái. Vì vậy khi Phàn Khoái trả lời Hạng Vũ “thần chết còn chẳng trách, sao có thể từ chối một nậm rượu”, còn dõng dạc chỉ trích Hạng Vũ “muốn giết người có công”, rõ ràng là “kế thừa Tần đã mất”, Hạng Vũ không chỉ nổi nóng, còn ra quyết định không giết Lưu Bang. Rõ ràng lúc này Hạng Vũ đã quên việc tranh giành thiên hạ, quên sĩ diện, lúc này trong lòng chỉ còn lại sự sùng kính và tán thưởng khí tiết người anh hùng, hảo hán bướng bỉnh đó. Đó chính là thái độ thẩm mỹ. Và đó cũng là phong thái thời đại của người anh hùng. Tôi cho rằng, trước Tần đến đầu Hán là thời đại vẻ vang nhất của dân tộc Trung Hoa, là thời đại anh hùng không thể quên trong lịch sử cổ đại dân tộc Trung Hoa, giống như Marx từng nói, cổ đại Hy Lạp là giai đoạn lịch sử đỉnh cao, không bao giờ lặp lại. Tán thưởng khí chất, khí khái người anh hùng cũng là một loại tinh thần của thời đại. Lúc Hàn Tín đến doanh trại Hán, mới chỉ là tên gác cửa hèn mọn. Vì xúc phạm quân pháp, theo luật là phải chém. Cùng phạm án có mười ba người nữa, họ đều đã bị giết. Đến lượt Hàn Tín thì vừa thấy thân tín của Lưu Bang là Đằng công Hạ Hầu Anh ngang qua, liền lớn tiếng gọi to: Chẳng phải Hán vương muốn thành thiên hạ đại nghiệp ư? Vì sao lại giết tráng sĩ? Kết quả Đằng công nghe xong, nghiêm mặt, tha không giết, trò chuyện, thật thú vị”. “Nghiêm mặt” ở đây không phải là nghiêm mặt doạ người. Đó là trực giác thẩm mỹ đặc biệt của người anh hùng trong thời đại này, là vừa nhìn đã nhận ra những cái đáng quý. Nếu không thế thì sao lại có nhiều người giỏi chỉ qua một đêm, đã từ áo vải trở thành khanh tướng, được đề bạt đặc biệt và đề bạt chính xác đến như vậy? Hạng Vũ, Lưu Bang đương nhiên đều là anh hùng. Khác nhau là, Lưu Bang là anh hùng lưu manh, Hạng Vũ là anh hùng bản sắc. Đúng như lời Tiễn Bá Tán bàn về Hạng Vũ “Hạng Vũ anh dũng, kiên cường, khẳng khái, thẳng thắn và giàu tình cảm, đó là anh hùng bản sắc(2). Đáng tiếc là, dũng tướng nhưng vô mưu, kiên cường mà thiếu nhẫn, khẳng khái nhưng không hào phóng, thẳng thắn lại có chút hẹp hòi. Giàu tình cảm nhưng làm việc theo cảm tính, nhìn không xa, nên mới thất bại bởi Lưu Bang - người thích dùng mưu trí, kiên mà nhẫn không thay đổi, hào phóng rộng rãi, bụng dạ sâu xa, lý trí thực dụng, mưu sâu kế hiểm, còn biết nhẫn nhịn kìm nén. Có thể nói, sự thành bại công tội của Hạng Vũ đều vì Hạng Vũ là anh hùng bản sắc. Là anh hùng có khí chất nên có giá trị thẩm mỹ, vì có bản sắc, nên không có khả năng thành công. Hạng Vũ đáng yêu và cũng đáng buồn. Hàn Tín thì vừa đáng kính vừa đáng thương. Hàn Tín đáng kính ở chỗ, tuy xuất thân bần hàn, nhưng tâm hồn lại cao quý, thân nơi hạ tiện chí ở thượng lưu, đây là điểm không giống với Lưu Bang. Tuy Lưu Bang có nói câu: “Đại trượng phu phải được như vậy” lúc nhìn thấy Tần Thuỷ Hoàng, nhưng nói chỉ để mà nói, không hề có động tĩnh gì, cũng không hề có chuẩn bị gì. Sở trường của Lưu Bang là biết học hỏi, vì vậy mới có thể trưởng thành trong chiến đấu, nhờ vào thiên phận cao xa và khả năng tuỳ cơ ứng biến của mình, cuối cùng mới thành nghiệp đế. Ngược lại, Hàn Tín đã có chuẩn bị, lúc ăn đậu ở nhờ người khác, lúc đói bụng ở bên sông, lúc là lang trung cầm kích đứng gác dưới quyền Hạng Vũ hoặc lúc là liên ngao lo việc tiếp khách ở chỗ Lưu Bang, lúc nào Hàn Tín cũng có chuẩn bị. Hàn Tín luôn tin tưởng “Trời sinh ta tất có chỗ dùng”, không tin rằng suốt đời lại không có một ngày được mở mày mở mặt, chính nhờ vào lòng tin đó, Hàn Tín nhẫn nhục chịu đựng, chính nhờ vào sự phấn đấu, Hàn Tín đã thoát ra được. Hàn Tín đáng buồn ở chỗ không triệt để. Bên trong tính cách của Hàn Tín có mâu thuẫn nên mới như vậy. Một kẻ ti tiện nếu có mưu đồ lớn (Lưu Bang lòng dạ không như vậy, chỉ biết theo thời thuận thế) sẽ không tránh khỏi ý muốn đầu cơ. Hàn Tín bị hớ, bị hớ vì tâm trí đầu cơ đó. Lúc có thể phản Hán, Hàn Tín cảm thấy không phản thì lờ lãi sẽ càng lớn; lúc không thể phản Hán, Hàn Tín lại có cảm giác không phản sẽ thiệt to. Hàn Tín dâng thủ cấp Chung Ly Muội, là muốn mua cổ phần chính trị, lại bị một người giỏi nắm bắt thời cơ như Lưu Bang xem thường. Bá Dương nói: “Bi kịch phát sinh ngay lúc Hàn Tín không hề muốn phản, nếu có, chắc sẽ hay hơn”. Nói như vậy chưa đúng lắm. Bá Dương nói, nhà Hán chưa nắm được bất cứ một chứng cớ làm phản nào của Hàn Tín, chỉ bằng vào lời người đến báo mà định tội, đúng là “vu cho mưu phản”. Nhưng theo tôi, việc mưu phản của Hàn Tín và Trần Hy chắc không phải là bịa đặt. Lời Hàn Tín nói trước khi chết rằng hối hận vì đã không nghe lời Khoái Thông, chắc cũng không phải là bịa đặt. Đương nhiên lời nói đó có thể giải thích Hàn Tín đã để mất thời cơ, cũng có thể giải thích Hàn Tín nếu có bụng làm phản thì chắc mọi chuyện đã xong. Nhưng bất kể là nói thế nào, Hàn Tín ít nhiều cũng có ý mưu phản. Sự việc xấu đi vì ở Hàn Tín có cả lòng trung lẫn ý gian, và cả hai đều không triệt để, không hết lòng trung và cũng không dám phản thật. Nếu như trung đến cùng, thì dù Lưu Bang, Lã hậu vu cáo hãm hại, chắc sẽ có những người chính phái như Loan Bố đứng ra kêu oan, can thiệp vào chuyện bất bình, hoặc về sau sẽ bình phản xoá tội. Nhưng tiếc là đều không có. Nếu như phản đến cùng, đương nhiên là rất tốt. Thành công thì khỏi phải nói, còn thất bại, thì cũng còn gì để phải hối hận. Khi đó, Hàn Tín sẽ có thể đường đường chính chính nói với Lưu Bang: Ta đây muốn giết ngươi, đồ mặt người dạ thú! Chẳng phải tốt hơn sao? Chưa hẳn Lưu Bang theo lệ của Quán Cao, không giết Hàn Tín. Quán Cao tội nặng, giết vua là phải lăng trì xử giảo nhưng Quán Cao trong ngoài như một, trước sau như một, một đời khẳng định Triệu vương không mưu mô, một lời khẳng định mình là muốn phản. Kết quả, trong con mắt mọi người Quán Cao luôn là anh hùng. Đâu có như Hàn Tín phải nuối tiếc: Nói là oan, nhưng cũng không thật oan; nói không oan, cũng chưa hẳn. Đã không là trung thần cũng không là phản tặc, vừa không thể lấy lòng, vừa không được đồng tình, nói xem, oan hay không? Tóm lại, Hạng Vũ là anh hùng bản sắc, cũng là anh hùng triệt để, Hàn Tín khó khăn lắm mới được là anh hùng, là anh hùng không triệt để. Vì vậy, Hạng Vũ chết oanh liệt, Hàn Tín ấm ức mà chết.