CHƯƠNG 2
NỀN VĂN MINH BẤT NGỜ

     rong một thời gian dài, người phương Tây tin rằng nền văn minh của họ là món quà đến từ La Mã và Hy Lạp. Nhưng các triết gia Hy Lạp nhiều lần viết rằng nền văn minh của mình phát triển từ các nguồn gốc còn sớm hơn. Sau đó, những người lữ hành trở về châu Âu đã báo cáo về sự tồn tại của một Ai Cập với những kim tự tháp hùng vĩ và các thành phố của những ngôi đền nửa chìm nửa nổi trên cát, được bảo vệ bởi những tượng thú bằng đá kỳ lạ có tên là nhân sư.
Khi Napoleon đặt chân đến Ai Cập vào năm 1799, ông đã mang theo các chuyên gia để nghiên cứu và lý giải những lăng mộ cổ đại này. Một sĩ quan của ông tìm thấy ở gần Rosetta một phiến đá trên đó có khắc một bản văn từ năm 196 TCN được viết bằng ngôn ngữ tượng hình Ai Cập cổ đại (hieroglyphic) cùng với hai loại chữ viết khác.
Sau khi giải mã chữ viết và ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, rồi sau đó là các nỗ lực khảo cổ, đã cho người phương Tây thấy được một nền văn minh phát triển cao từng tồn tại ở Ai Cập trước khi nền văn minh Hy Lạp ra đời. Các hồ sơ của người Ai Cập đề cập đến các triều đại hoàng gia bắt đầu từ khoảng năm 3100 TCN – tròn hai thiên niên kỷ trước khi nền văn minh Hy Lạp ra đời. Đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ thứ V và thứ IV TCN, Hy Lạp chỉ là kẻ đến sau chứ không phải là nơi khởi đầu nền văn minh.
Vậy có phải nền văn minh của chúng ta bắt nguồn từ Ai Cập?
Tuy điều này nghe có vẻ hợp logic, nhưng thực tế lại bác bỏ nó. Các học giả Hy Lạp đã từng kể về các chuyến đi tới Ai Cập, nhưng những cội nguồn của tri thức của họ lại được phát hiện ở nơi khác. Các nền văn hóa tiền Hy Lạp ở Biển Aegean – người Minoan trên đảo Crete và người Mycenae trên đất liền Hy Lạp – đã cho thấy nguồn gốc của nó xuất phát từ văn hóa vùng Cận Đông chứ không phải Ai Cập. Không phải Ai Cập mà Syria và Anatolia mới là những con đường chính để nền văn minh phát triển sớm đó đến với Hy Lạp.
Với nhận thức rằng cuộc xâm lược Hy Lạp của người Doris và cuộc xâm lược Canaan của người Do thái sau Cuộc di cư của người Do thái rời bỏ Ai Cập diễn ra gần như vào cùng thời điểm (khoảng thế kỷ thứ XIII TCN), các chuyên gia đã say mê với khám phá về những nét tương đồng ngày càng nhiều giữa nền văn minh Semite và Hy Lạp. Giáo sư Cyrus H. Gordon (Forgotten Scripts; Evidence for the Minoan Language – tạm dịch: Những chữ viết bị lãng quên; Bằng chứng về ngôn ngữ Minoa) đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới khi chỉ ra rằng một loại chữ viết cổ của người Minoan được gọi là Linear A rất giống với ngôn ngữ của người Semite. Ông đưa ra kết luận rằng “ở một mức độ đáng kể, chữ viết (tách biệt với nội dung) của nền văn minh Hebrew và Minoan là một”. Và ông cũng chỉ ra rằng tên gọi của hòn đảo, Crete, phát âm theo tiếng Minoan là Ke-re-ta, giống với từ Ke-re-et (thành phố có tường thành) trong tiếng Hebrew và có một phiên bản tương ứng trong câu chuyện của người Semite về vua xứ Keret.
Ngay cả bảng chữ cái Hy Lạp, nguồn gốc của bảng chữ cái La-tinh và của chúng ta, cũng đến từ vùng Cận Đông. Chính các sử gia Hy Lạp cổ đại đã viết rằng một người Phoenicia có tên là Kadmus (“cổ đại”) đã mang bảng chữ cái tới cho họ, gồm cùng số lượng chữ cái, theo cùng một trật tự như trong tiếng Hebrew; và nó chỉ trở thành bảng chữ cái Hy Lạp khi cuộc chiến Thành Troy nổ ra. Số lượng chữ cái đã được nhà thơ Simonides của Ceos tăng lên thành 26 chữ cái vào thế kỷ thứ V TCN.
Ta có thể dễ dàng minh họa cho khởi nguồn Cận Đông của chữ viết Hy Lạp và La-tinh, rồi sau đó là toàn bộ nền tảng văn hóa phương Tây bằng cách so sánh trật tự, tên gọi, ký hiệu và thậm chí là các giá trị số học của bảng chữ cái Cận Đông gốc với chữ cái Hy Lạp cổ xưa và chữ cái La-tinh gần đây. (Hình 4)
Dĩ nhiên các chuyên gia đều biết về những lần tiếp xúc giữa văn hóa Hy Lạp và Cận Đông trong thiên niên kỷ đầu tiên TCN và đạt đến đỉnh cao với chiến thắng của Alexander người Macedonia trước người Ba Tư vào năm 331 TCN. Các hồ sơ của Hy Lạp chứa đựng nhiều thông tin về người Ba Tư và vùng đất của họ (gần song song với Iran ngày nay). Khi xem xét tên các vị vua Ba Tư – Cyrus, Darius, Xerxes – và tên các vị thần của họ vốn có vẻ như thuộc về ngôn ngữ hệ Ấn – Âu, các chuyên gia rút ra kết luận rằng họ là một bộ phận của dân tộc Aryan (“cao quý”) xuất hiện ở đâu đó gần Biển Caspian tới cuối thiên niên kỷ 2 TCN và trải rộng về phía tây tới vùng Tiểu Á, phía đông tới Ấn Độ và phía nam tới nơi mà Kinh Cựu ước gọi là “vùng đất của người Mede và Parsee.”
Nhưng mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy. Bất chấp nguồn gốc được cho là ngoại lai của những kẻ xâm lược đó, Kinh Cựu ước vẫn coi họ là một bộ phận, một phần của của các sự kiện kinh thánh. Ví dụ như Cyrus được coi là một “Đấng cứu thế của Đức Giê-hô-va” – quả là một quan hệ lạ lùng giữa Đức Chúa của người Hebrew và không phải của người Hebrew. Theo cuốn Kinh của Ezra, Cyrus lãnh lấy nhiệm vụ xây dựng lại Đền thờ Jerusalem và khẳng định rằng ông ta hành động theo mệnh lệnh được ban ra bởi Đức Giê-hô-va, người mà ông ta gọi là “Chúa trên Thiên đường”.

Hình 4
  1. “H”, thường được chuyển chữ thành “H” cho đơn giản, trong ngôn ngữ của người Sumer và Semite được phát âm là “CH” như trong từ “loch” của tiếng Scotland hay Đức.
  2. “S”, thường được chuyển chữ thành “H” cho đơn giản, trong ngôn ngữ của người Sumer và Semite được phát âm là “TS”.
Cyrus và các vị vua khác trong triều đại đặt tên cho đế chế của mình là Achaemenid – theo vương hiệu mà người lập nên vương triều này đặt ra là Hacham-Anish. Vương hiệu này là một vương hiệu thuần Semite có nghĩa là “người thông thái” chứ không phải là một từ trong ngôn ngữ Aryan. Thông thường các chuyên gia thường không chú ý xem xét những định hướng tới những nét tương đồng giữa Đức Giê-hô-va của người Hebrew và vị thần mà người Achaemenid gọi là “Đức Chúa Thông thái”, vị thần được họ mô tả là bay lượn trên bầu trời trong một Quả cầu Có Cánh như hình ảnh trên ấn tín hoàng gia của Darius. (Hình 5)
Hiện nay chúng ta đã khẳng định rằng cội nguồn văn hóa, tôn giáo và lịch sử của người Ba Tư cổ xuất phát từ các đế chế Babylon và Assyria thời trước và Kinh Cựu ước có nhắc đến quy mô và sự sụp đổ của những đế chế đó. Ban đầu các ký hiệu tạo nên chữ viết xuất hiện trên các lăng mộ và ấn tín của người Achaemenid được coi là để trang trí. Engelbert Kampfer, người đã đặt chân tới thủ đô Persepolis của Ba Tư cổ vào năm 1686 đã miêu tả các ký hiệu đó là “các hình nêm”. Từ đó loại chữ viết này được biết đến với tên gọi chữ hình nêm.
Khi bắt đầu các nỗ lực giải mã câu chữ của người Achaemenid, người ta thấy rõ rằng chúng được viết bởi cùng một dạng chữ trên các đoạn văn tìm thấy trên đồ tạo tác và phiến đá cổ ở Mesopotamia, vùng đồng bằng và cao nguyên nằm giữa 2 con sông Tigris và Euphrates. Bị kích thích bởi các phát hiện phân tán này, vào năm 1843, Paul Emile Botta đã quyết định tiến hành nỗ lực khai quật có chủ đích lớn đầu tiên. Ông chọn địa điểm khai quật ở bắc Mesopotamia, nay được gọi là Khorsabad, gần Mosul ngày nay. Botta đã sớm có thể khẳng định rằng những đoạn chữ hình nêm đó chỉ địa danh Dur Sharru Kin. Đó là những đoạn chữ bằng tiếng Semite, loại ngôn ngữ họ hàng với tiếng Hebrew và cái địa danh đó có nghĩa là “thành phố có tường thành của vị vua chính nghĩa”. Các sách vở của chúng ta ngày nay gọi vị vua này là Sargon II.

Hình 5
Kinh thành của vị vua Assyria này có trung tâm là một cung điện tráng lệ với những tường thành và các hình điêu khắc chạm nổi mà nếu đặt sát cạnh nhau các phù điêu này sẽ trải dài trên một dặm. Ngự trị giữa thành phố và tổ hợp cung điện này là một kim tự tháp có bậc có tên là ziggurat (đền thờ kim tự tháp cổ) với vai trò là “đường lên Thiên đàng” cho các vị thần. (xem Hình 6)
Kiến trúc của thành phố và những hình điêu khắc thể hiện một phong cách đời sống trên quy mô lớn. Các cung điện, đền đài, nhà cửa, chuồng ngựa, nhà kho, tường thành, cổng thành, cột đá, các đồ trang trí, tượng, tác phẩm nghệ thuật, tháp, thành lũy, sân thượng, khu vườn – tất cả được hoàn thành chỉ trong 5 năm. Theo Georges Contenau trong cuốn La Vie Quotidienne à Babylone et en Assyrie (tạm dịch: Cuộc sống thường nhật ở Babylon và Assyria), đã cho rằng: “trí tưởng tượng vận động đến chóng mặt trước khi sức mạnh tiềm tàng của một đế chế có thể phát triển trọn vẹn nhiều đến vậy chỉ trong một quãng thời gian ngắn” vào khoảng 3.000 năm trước.

Hình 6
Không để người Pháp lấn lướt, đại diện của nước Anh xuất hiện tại khu vực này là Ngài Austen Henry Layard đã lựa chọn khu vực khai quật ở một nơi cách Khorsabad khoảng 15 km về phía sông Tigris. Người bản địa gọi nó là Kuyunjik; hóa ra đó là kinh đô Nineveh của người Assyria.
Các địa danh và sự kiện trong kinh thánh đã bắt đầu gần hơn với thực tế. Nineveh là kinh thành của Assyria dưới sự trị vì của 3 vị vua vĩ đại cuối cùng: Sennacherib, Esarhaddon và Ashurbanipal. Kinh Cựu ước (Sách các Vua II 18:13) viết rằng: “Nay vào năm thứ 14 vua Hezekiah, vua Sennacherib của Assyria trị vì tất cả các thành của Judah” và khi Thiên sứ của Chúa đánh bại quân đội của ông, “Sennacherib rời đi và quay trở lại, rồi ngụ ở Nineveh.”
Trên các ngọn đồi nơi Sennacherib và Ashurbanipal xây dựng Nineveh có các lâu đài, đền thờ và các công trình nghệ thuật vượt trội hơn hẳn thời Sargon. Khu vực nơi người ta tin rằng có di tích cung điện của Esarhaddon không thể tiến hành khai quật được, bởi hiện nay nơi đó có một nhà thờ Hồi giáo được dựng lên trên vị trí được cho là mộ của nhà tiên tri Jonah, người đã bị cá voi nuốt vì từ chối mang thông điệp của Đức Giê-hô-va tới Nineveh.
Layard đã đọc được trong các tư liệu cổ của Hy Lạp rằng một sĩ quan trong quân đội của Alexander đã nhìn thấy “vị trí của các kim tự tháp và dấu vết của một thành phố cổ” – một thành phố đã bị chôn vùi vào thời của Alexander Đại đế! Layard cũng đã tiến hành khai quật thành phố đó và tìm ra đó là Nimrud, trung tâm quân sự của Assyria. Nó được hình thành khi vua Shalmaneser II xây dựng một đài kỷ niệm để ghi dấu những cuộc viễn chinh quân sự và chinh phạt của mình. Hiện nay, tại khu trưng bày ở Bảo tàng Anh, trong danh sách các vị vua buộc phải cống nạp, được ghi danh trên đài tưởng niệm có “Jehu, con của Omri, vua của Israel.”
Các tư liệu của Mesopotamia và Kinh thánh lại một lần nữa hỗ trợ lẫn nhau!
Kinh ngạc trước sự chứng thực ngày càng nhiều của các phát hiện khảo cổ cho các câu chuyện trong Kinh thánh, các nhà Assyria học (cách gọi các chuyên gia đó) tìm đến chương 10 của cuốn Sáng Thế Ký. Trong đó Nimrod – “người thợ săn can đảm trước mặt Đức Giê-hô-va” – được mô tả là người sáng lập nên tất cả các vương quốc của Mesopotamia.
Và Người bắt đầu lập ra vương quốc của mình:
Babel, Erech, Akkad, tất cả đều ở tại xứ Si-nê-a (Shin’ar).
Từ xứ đó, Người đến xứ Ashur, nơi lập thành vùng đất Nineveh với những đường phố lớn;
và Khalah, thành Ressen, là thành rất lớn
ở giữa khoảng thành Nineveh và Khalah.
Trong thực tế có những ngọn đồi mà người bản địa gọi là Calah, nằm giữa Nineveh và Nimrud. Khi các nhóm khai quật dưới sự chỉ đạo của W. Andrae tiến hành khai quật khu vực này từ năm 1903 đến 1914, họ đã khám phá ra những phế tích của Ashur, trung tâm tôn giáo của người Assyria và kinh thành cổ xưa nhất của nó. Trong tất cả các thành của người Assyria được đề cập trong Kinh thánh thì chỉ còn thành Ressen là vẫn chưa phát lộ. Tên của thành này có nghĩa là “cương ngựa”; có lẽ đó là nơi xây dựng các chuồng ngựa hoàng gia của người Assyria.
Gần như cùng thời điểm Ashur được khai quật, các nhóm khai quật do R. Koldewey chỉ đạo cũng đang hoàn thành việc khai quật Babylon, trong Kinh thánh gọi là Babel – một khu vực rộng lớn gồm những cung điện, đền đài, vườn treo và kim tự tháp cổ thường thấy. Trong một thời gian ngắn, các đồ tạo tác và tư liệu đã vén lên bức màn lịch sử của 2 đế chế đối địch nhau ở Mesopotamia: Babylon và Assyria, một đế chế đóng đô ở phía nam, đế chế kia ở phía bắc.
Thịnh và suy, đấu tranh và chung sống, 2 đế chế này đã tạo nên một nền văn minh phát triển rực rỡ trong khoảng 1.500 năm, cả 2 đều nổi lên từ khoảng năm 1900 TCN. Cuối cùng Ashur và Nineveh cũng bị người Babylon chiếm và phá hủy lần lượt vào năm 614 và 612 TCN. Như tiên đoán của các nhà tiên tri trong Kinh thánh, đến lượt đế chế Babylon rơi vào một kết cục nhục nhã khi bị Cyrus, vua của Achaemenid chinh phạt vào năm 539 TCN.
Tuy 2 đế chế là kẻ thù của nhau trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng khó có thể tìm thấy điểm khác biệt đáng kể nào giữa Assyria và Babylon xét về mặt văn hóa hay tư liệu. Tuy người Assyria gọi vị Chủ thần của mình là Ashur (“thấu hiểu tất cả”) còn người Babylon khẩn nguyện Marduk (“con trai của ngọn đồi thanh khiết”) nhưng những đền thờ của họ lại gần như giống nhau.
Trong số các tác phẩm trưng bày quý giá của nhiều bảo tàng trên thế giới, có những chiếc cổng tưởng niệm, những con bò có cánh, những tác phẩm điêu khắc chạm nổi, những chiến mã xa, những công cụ, đồ dùng, đồ trang sức, tượng và các vật thể khác được làm bằng tất cả các vật liệu sẵn có khai quật từ những ngọn đồi của Assyria và Babylon. Nhưng kho báu thực sự của các vương quốc này lại nằm trong những bản ghi chép của họ: hàng ngàn hàng vạn những tài liệu viết bằng chữ hình nêm bao gồm những câu chuyện về vũ trụ, những bản sử thi, lịch sử về các vị vua, hồ sơ đền thờ, các hợp đồng thương mại, hồ sơ kết hôn và ly dị, lịch thiên văn, những lời chiêm tinh, các công thức toán học, danh sách địa lý, sách giáo khoa ngữ pháp và từ vựng, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là những bản ghi chép về tên, phả hệ, biệt danh, chiến công, quyền lực và nhiệm vụ của các vị thần.
Ngôn ngữ chung tạo nên sợi dây liên kết về văn hóa, lịch sử và tôn giáo giữa Assyria và Babylon chính là tiếng Akkad. Ban đầu nó được coi là ngôn ngữ Semite, xuất hiện trước và có liên quan tới ngôn ngữ Hebrew, Aramaic, Phonecia và Canaanite. Nhưng cả người Assyria lẫn người Babylon đều không hề tuyên bố phát minh ra loại ngôn ngữ này cùng chữ viết của nó; trong thực tế có nhiều cuốn lịch thiên văn của họ còn được tái bút rằng chúng được sao chép từ những nguồn có từ trước.
Vậy ai là người đã phát minh ra chữ hình nêm và phát triển loại ngôn ngữ với ngữ pháp chính xác và vốn từ vựng phong phú đó? Ai đã viết ra những “nguồn có từ trước” này? Và tại sao người Assyria và Babylon lại gọi ngôn ngữ đó là tiếng Akkad?
Lại một lần nữa chúng ta tập trung sự chú ý vào cuốn Sáng Thế Ký. “Và người bắt đầu lập ra vương quốc của mình: Babel, Erech, Akkad.” Akkad – liệu ở đây thực sự đã tồn tại một kinh thành trước cả Babylon và Nineveh?
Các phế tích ở Mesopotamia đã cung cấp bằng chứng quyết định rằng thời xa xưa ở đây đã thực sự tồn tại một vương quốc có tên là Akkad, được lập nên bởi một vị vua từ rất xưa có tên gọi là sharrukin (“đấng trị vì chính nghĩa”). Trong các văn tự của mình ông tuyên bố rằng nhờ ơn phước của thần Enlil, đế chế của ông trải dài từ vùng Biển Thấp (vịnh Ba Tư) tới vùng Biển Cao (được cho là Địa Trung Hải). Ông tự hào rằng “ở cảng Akkad, ngài bỏ neo những con tàu” từ nhiều vùng đất xa xôi.
Các chuyên gia cảm thấy kính sợ: Họ đã phát hiện ra một đế chế Mesopotamia tồn tại ở thiên niên kỷ 3 TCN! Từ thời Sargon người Assyria xứ Dur Sharrukin tới thời Sargon xứ Akkad là một bước nhảy lùi khoảng 2.000 năm. Thế nên những ngọn đồi được đào xới hé lộ một nền văn học và nghệ thuật, khoa học và chính trị, thương mại và giao lưu – một nền văn minh hoàn chỉnh – có từ lâu đời trước khi Babylon và Assyria xuất hiện. Hơn nữa, đây rõ ràng là tiền thân và là nguồn gốc của các nền văn minh Mesopotamia sau này; Assyria và Babylon chỉ là những nhánh của cây nguồn Akkad.
Thế nhưng bức màn bí ẩn về một nền văn minh Mesopotamia xuất hiện sớm đến vậy càng trở nên huyền bí hơn khi các văn tự ghi chép thành tựu và phả hệ của vua Sargon xứ Akkad được tìm thấy. Những văn tự này cho thấy tên hiệu đầy đủ của vị vua này là “Vua xứ Akkad, Vua của Kish”; chúng giải thích rằng trước khi lên ngôi, ông ta đã từng là cố vấn của “các đấng trị vì xứ Kish.” Các chuyên gia tự hỏi: Vậy có hay chăng một vương quốc còn lâu đời hơn của xứ Kish tồn tại trước cả Akkad?
Một lần nữa, những đoạn văn trong kinh thánh lại cho thấy tầm quan trọng của mình:
Kush sinh ra Nimrod;
Người là người đầu tiên trở thành Anh hùng trên Mặt đất…
Và Người bắt đầu lập ra vương quốc của mình:
Babel, Erech và Akkad.
Nhiều chuyên gia cho rằng vua Sargon xứ Akkad chính là Nimrod trong Kinh thánh. Nếu đọc “Kish” là “Kush” trong đoạn Kinh thánh trên thì có vẻ như Kish chính là tiền thân của Nimrod như tuyên bố của Sargon. Thế rồi các chuyên gia bắt đầu chấp nhận theo nghĩa đen những văn tự còn lại của ông: “Ngài đánh bại Uruk và phá hủy bức tường thành… Ngài giành chiến thắng trong trận chiến với dân Ur… Ngài chinh phục toàn bộ lãnh thổ từ Lagash đến tận bờ biển.”
Phải chăng địa danh Erech trong Kinh thánh chính là Uruk được nhắc tới trong các văn tự của Sargon? Khi khu vực mà nay có tên gọi là Warka được khai quật, người ta thấy rằng thực tế quả đúng như vậy. Và cái tên Ur mà Sargon nhắc đến không gì khác chính là Ur, quê hương của Abraham ở Mesopotamia trong Kinh thánh.
Các phát hiện khảo cổ không chỉ xác thực những điều được ghi trong Kinh thánh mà chúng còn có thể khẳng định rằng đã từng có những vương quốc, thành phố và nền văn minh tồn tại ở Mesopotamia trước cả thiên niên kỷ 3 TCN. Câu hỏi duy nhất được đặt ra là: chúng ta phải đi ngược thời gian bao lâu để có thể tìm ra vương quốc văn minh đầu tiên?

*

Các chuyên gia nhanh chóng nhận ra rằng những tên gọi kia không chỉ có nghĩa trong tiếng Hebrew và trong Kinh Cựu ước mà còn có nghĩa ở khắp vùng Cận Đông cổ đại. Tất cả tên người và địa danh ở Akkad, Babylon và Assyria đều có nghĩa. Nhưng tên của các vị vua trước thời Sargon xứ Akkad thì hoàn toàn vô nghĩa: Vị vua mà Sargon làm cố vấn có tên là Urzababa; vị vua trị vì xứ Erech có tên là Lugalzagesi; và tương tự như thế.
Khi thuyết trình trước Hội châu Á học Hoàng gia (Royal Asiatic Society) vào năm 1853, ngài Henry Rawlinson đã chỉ ra rằng những cái tên đó không thuộc ngôn ngữ Semite cũng không phải ngôn ngữ Ấn – Âu; trong thực tế “có vẻ như chúng thuộc về một nhóm ngôn ngữ hoặc dân tộc chưa được biết tới.” Nhưng nếu như những cái tên đó có nghĩa thì chúng có nghĩa trong loại ngôn ngữ bí ẩn nào?
Các chuyên gia lại có một cái nhìn khác về các văn tự của Akkad. Về cơ bản, loại chữ hình nêm của Akkad thuộc dạng chữ âm tiết: Mỗi ký hiệu tượng trưng cho một âm tiết hoàn chỉnh (ab, ba, bat,…). Thế nên chữ viết sử dụng rộng rãi các ký hiệu không phải là âm tiết ngữ âm mà chứa đựng nghĩa như “thần”, “thành phố”, “đất nước”, hay “sự sống”, “cao quý” và những thứ tương tự. Cách giải thích khả dĩ duy nhất cho hiện tượng này là các ký hiệu đó mang dấu tích của một cách viết sử dụng chữ tượng hình có từ trước. Bởi vậy trước tiếng Akkad chắc chắn phải tồn tại một loại ngôn ngữ khác sử dụng cách viết giống như chữ viết tượng hình của người Ai Cập.
Người ta nhanh chóng nhận ra rằng ở đây có sự liên quan của một loại ngôn ngữ có từ trước, không hẳn chỉ là một cách viết. Các chuyên gia phát hiện ra rằng các văn tự Akkad có sử dụng rộng rãi từ vay mượn – những từ được vay mượn nguyên xi từ ngôn ngữ khác (giống như cách mà người Pháp ngày nay vay mượn từ weekend của người Anh). Điều này đặc biệt đúng trong các trường hợp liên quan đến khoa học hay thuật ngữ kỹ thuật, cũng như trong các vấn đề liên quan đến thần thánh và thiên đường.
Một trong những khám phá lớn nhất về văn tự của người Akkad là di tích một thư viện được xây dựng ở Nineveh cạnh Ashurbanipal; Layard và các đồng sự đã thu được ở khu vực này 25.000 phiến đá, nhiều bản được người ghi chép mô tả là bản sao của “văn tự cổ”. Có một nhóm 23 phiến được kết thúc bằng câu sau: “bản thứ 23: ngôn ngữ của Shumer không thay đổi.” Một văn tự khác có ghi chép tuyên bố đầy bí ẩn của Ashurbanipal:
Thần của những người ghi chép đã ban cho ta món quà là tri thức về nghệ thuật ghi chép.
Ta đã bắt đầu tiếp nhận những bí mật của nghệ thuật ghi chép.
Ta thậm chí có thể đọc được những bản khắc phức tạp bằng tiếng Shumer;
Ta có thể hiểu được những từ ngữ bí ẩn khắc trên đá từ thời trước khi diễn ra trận Đại Hồng thủy.
Tuyên bố của Ashurbanipal rằng ông có thể đọc được những bản khắc phức tạp bằng tiếng “Shumer” và hiểu được những từ ngữ viết trên những phiến đá “từ thời trước khi diễn ra trận Hồng thủy” chỉ càng làm tăng thêm sự huyền bí. Nhưng đến tháng Một năm 1869, Jules Oppert đã đề nghị Hội Nghiên cứu Tiền đúc và Khảo cổ Pháp công nhận sự tồn tại của ngôn ngữ và dân tộc tiền Akkad. Ông chỉ ra rằng những vị vua đầu tiên của Mesopotamia đã khẳng định tính pháp lý của mình khi lấy tên hiệu là “Vua của Sumer và Akkad” và đề xuất gọi dân tộc này là “người Sumer” và vùng đất của họ là “Sumer”.
Ngoại trừ việc phát âm sai địa danh – phải là Shumer chứ không phải là Sumer – thì đề xuất của Oppert hoàn toàn đúng đắn. Sumer không phải là một miền đất xa xôi huyền bí, nó chính là địa danh trước đây của miền nam Mesopotamia, như trong cuốn Sáng Thế Ký đã nêu rõ: Các kinh thành Babylon, Akkad và Erech đều ở “tại xứ Shin’ar”. (Shinar là tên trong Kinh thánh của Sumer.)
Một khi các chuyên gia đã chấp nhận các kết luận này, thì cánh cửa đập tràn như được mở ra. Nguồn tham khảo “các tư liệu cổ” của người Akkad trở nên có ý nghĩa và các chuyên gia sớm nhận ra rằng những bản khắc với những cột chữ dài đó trong thực tế là các từ điển tiếng Akkad – Sumer được người Assyria và Babylon soạn nên để tự học thứ ngôn ngữ viết đầu tiên, tiếng Sumer.
Nếu không có những cuốn từ điển này từ trước, chúng ta còn lâu mới có thể đọc được chữ Sumer. Với sự trợ giúp của chúng, một kho tàng văn hóa và văn học dường như được mở ra trước mắt chúng ta. Chúng ta cũng biết rõ rằng chữ viết của người Sumer vốn là chữ tượng hình và được khắc trên các phiến đá theo dạng cột thẳng, rồi được đổi thành dạng nằm ngang và sau đó được biến thể thành chữ viết hình nêm trên các tấm đất sét mềm để trở thành chữ viết hình nêm được người Akkad, Babylon, Assyria và nhiều quốc gia khác ở vùng Cận Đông cổ đại sử dụng. (Hình 7)
Việc giải mã ngôn ngữ và chữ viết của người Sumer, cùng với nhận thức rằng người Sumer và văn hóa của họ là nền tảng cho các thành tựu của người Akkad – Babylon – Assyria đã khích lệ các nhà khảo cổ tìm kiếm các dấu tích ở miền nam Mesopotamia. Tất cả các bằng chứng hiện nay cho thấy sự khởi đầu chính là ở đó.
Cuộc khai quật lớn đầu tiên khu vực sinh sống của người Sumer được các nhà khảo cổ Pháp bắt đầu tiến hành năm 1877; và những phát hiện chỉ riêng ở khu vực này phong phú đến mức các nhà khảo cổ khác vẫn tiếp tục đào bới cho mãi tới năm 1933 mà vẫn chưa kết thúc.
Được người bản địa gọi là Telloh (“đồi”), khu vực này hóa ra là một thành phố cổ của người Sumer, vùng Lagash rộng lớn mà vua Sargon xứ Akkad tự hào là đã chinh phục được. Trong thực tế, đó là một kinh thành với những người trị vì có danh hiệu giống như của Sargon nhưng là theo tiếng Sumer: EN.SI (“Đấng Chính nghĩa”). Triều đại của họ bắt đầu khoảng từ năm 2900 TCN và kéo dài gần 650 năm. Trong thời gian này đã có 43 ensi trị vì liên tục ở Lagash: Tên, phả hệ và thời gian trị vì của họ đều được ghi chép lại một cách rõ ràng.
Những tư liệu này cho ta biết rất nhiều thông tin. Những lời khẩn cầu thần linh “làm cho hạt giống nảy mầm tươi tốt để gặt hái… ban cho nước tưới để cây trồng trổ bông” minh chứng cho sự tồn tại của nền nông nghiệp và thủy lợi. Trên một chiếc cốc có ghi dòng chữ vinh danh một vị nữ thần là “người cai quản kho thóc” cho thẩy rằng ngũ cốc đã được cất trữ, cân đo và trao đổi. (Hình 8)

 

Hình 7

Hình 8
Một ensi có tên là Eannatum đã để lại dòng chữ trên một miếng đất sét với nội dung rằng các vị vua Sumer chỉ có thể giành được ngôi báu khi nhận được sự ủng hộ của các vị thần. Ông cũng ghi lại cuộc chinh phạt một thành trì khác, chứng tỏ rằng vào đầu thiên niên kỷ 3 TCN, ở Sumer đã có sự tồn tại của các bang thành khác.
Người kế vị Eannatum là Entemena đã viết về quá trình xây dựng một ngôi đền và trang trí ngôi đền đó bằng vàng và bạc, xây các khu vườn, mở rộng những chiếc giếng ốp gạch. Ông tự hào khoe việc xây dựng một pháo đài với các tháp canh và các cơ sở đóng tàu.
Một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Lagash là Gudea. Ông có rất nhiều tượng chân dung, tất cả đều thể hiện vị vua này ở tư thế lạy tạ các vị thần. Tư thế này không có vẻ gì là giả tạo cả: thực tế Gudea đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc thờ phụng thần Ningirsu, vị thần tối cao của ông và việc xây dựng cũng như tái thiết các ngôi đền.
Nhiều văn tự của ông cho thấy rằng, trong quá trình tìm kiếm những vật liệu xây dựng đặc sắc nhất, ông đã lấy vàng từ châu Phi và Anatolia, bạc từ núi Taurus, cây tuyết tùng từ Lebanon, các loại gỗ quý khác từ Ararat, đồng từ dãy Zagros, điorit (một loại đá nham thạch màu đen) từ Ai Cập, đá đỏ từ Ethiopia và các vật liệu khác từ nhiều vùng đất mà các chuyên gia chưa xác định được.
Khi Moses xây dựng “Đền thánh” cho Đức Chúa trời trên sa mạc, ông đã tiến hành theo những chỉ dẫn rất chi tiết của Ngài. Vua Solomon đã tiến hành xây dựng Đền thờ đầu tiên ở Jerusalem sau khi Đức Chúa trời “ban cho ông sự thông thái”. Nhà tiên tri Ezekiel đã được một “nhân vật có ngoại hình bằng đồng và nắm trong tay một sợi dây lanh và thước đo” chỉ cho những kế hoạch chi tiết để xây dựng Đền thờ Thứ hai “trong một giấc mơ về Chúa”. Một thiên niên kỷ trước đó, Ur-Nammu, vua trị vì xứ Ur, đã mô tả cách thức thần linh ra lệnh cho ông xây cho thần một ngôi đền và trao cho ông những chỉ dẫn thích hợp, một cái thước đo và một cuộn dây để thực hiện công việc đó. (Hình 9)
1.200 năm trước thời của Moses, Gudea cũng đã có ghi chép tương tự. Trong một bản ghi chép rất dài của mình, ông viết rằng những hướng dẫn đó đã được trao cho mình trong một giấc mơ. “Một người đàn ông tỏa ra ánh sáng như trên thiên đường”, đứng bên cạnh là “một con chim thần”, “ra lệnh cho ta xây ngôi đền cho ngài”. “Người đàn ông” với “chiếc vương miện trên đầu chứng tỏ ngài là một vị thần” này sau đó được xác định là thần Ningirsu. Đi cùng với ông là một nữ thần “cầm một tấm bảng bằng ngôi sao của thiên đường”, tay kia “cầm một chiếc bút thiêng” để chỉ cho Gudea “hành tinh thuận lợi”. Người thứ ba cũng là một vị thần giữ một tấm bảng bằng đá quý “chứa đựng kế hoạch xây dựng ngôi đền.” Một trong những bức tượng của Gudea thể hiện ông ở tư thế ngồi với tấm bảng này trên đầu gối; trên tấm bảng đó. chúng ta có thể thấy rõ hình vẽ của thần. (Hình 10)
Là một người thông minh nhưng Gudea vẫn cảm thấy bối rối không thể hiểu được những chỉ dẫn kiến trúc này và ông phải nhờ đến một vị nữ thần khác giải thích những thông điệp thiêng liêng đó. Vị nữ thần đó đã giải thích ý nghĩa những lời chỉ dẫn cho nhà vua, về quy mô ngôi đền, kích thước và hình dạng của những viên gạch dùng để xây đền. Sau đó Gudea đã sai một người đàn ông “nhà tiên tri, người đưa ra các quyết định” và một phụ nữ “người tìm kiếm những bí mật” để xác định địa điểm xây dựng ở vùng ngoại vi thành, nơi vị thần mong muốn ông xây dựng ngôi đền. Sau đó ông đã sử dụng 216.000 người để tiến hành việc xây dựng.
Ta có thể hiểu được sự bối rối của Gudea vì tấm “sơ đồ xây dựng” trông có vẻ đơn giản này có thể cung cấp cho ông đủ thông tin để xây nên một ngôi đền thờ kim tự tháp cổ phức tạp cao 7 tầng. Trong tác phẩm Der Alte Orient viết năm 1900, A. Billerbeck đã có thể giải mã ít nhất một phần của những hướng dẫn kiến trúc thần thánh đó. Trên đỉnh bức tượng đã bị thời gian bào mòn một phần cùng với hình vẽ cổ xưa đó là những nhóm đường kẻ thẳng đứng có số lượng giảm dần khi khoảng cách giữa chúng tăng lên. Có vẻ như những kiến trúc sư thần thánh này có khả năng đưa ra những chỉ dẫn hoàn chỉnh cho việc xây dựng một ngôi đền cao 7 tầng chỉ với một bản thiết kế đơn giản đi kèm với 7 bảng tỉ lệ khác nhau. (Hình 11)
Người ta nói rằng chiến tranh thôi thúc Con người đến với khoa học và những đột phá về vật liệu. Còn ở đất nước Sumer cổ đại, có vẻ như việc xây dựng đền đài đã kích thích người dân và các đấng trị vì đạt được những thành tựu công nghệ lớn lao hơn. Khả năng tiến hành công trình xây dựng đồ sộ theo những bản thiết kế kiến trúc có sẵn, khả năng tổ chức và nuôi sống một lực lượng lao động khổng lồ, khả năng bạt đất đắp đồi, đóng gạch và vận chuyển đá, chuyên chở những vật liệu quý và các vật liệu khác từ những nơi rất xa, khả năng đúc kim loại và tạo hình các công cụ cùng đồ trang sức – tất cả đều thể hiện một nền văn minh phát triển đạt đến đỉnh cao huy hoàng nhất vào thiên niên kỷ 3 TCN.

*

Tuy việc xây dựng những ngôi đền Sumer từ cổ xưa nhất đã tỏ ra siêu việt như vậy nhưng xét về quy mô và mức độ phong phú thì chúng mới chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của những thành tựu vật chất của nền văn minh vĩ đại đầu tiên mà Con người biết tới.

Hình 9
Hình 10
Hình 11
Bên cạnh việc phát minh và phát triển chữ viết đóng vai trò là cơ sở sống còn cho một nền văn minh phát triển cao, người Sumer cũng đáng được coi là ông tổ của kỹ thuật in ấn. Nhiều thiên niên kỷ trước khi Johann Gutenberg “phát minh” ra kỹ thuật in ấn bằng đầu mô (loại chữ in di động), những văn tự của người Sumer đã sử dụng loại “chữ in” chế sẵn cho nhiều ký hiệu tượng hình khác nhau và họ dùng chúng như cách chúng ta dùng con dấu cao su ngày nay để in những chuỗi ký hiệu mong muốn lên tảng đất sét ướt.
Họ cũng đã phát minh ra sản phẩm tiền thân của máy in trục ngày nay – đó là dấu trục lăn. Được làm bằng loại đá cực kỳ cứng, nó là một trục lăn nhỏ được khắc ngược thông điệp hay hình mẫu; khi con dấu này được lăn trên đất sét ướt, nó sẽ tạo ra hình ảnh ngược lại trên tấm đất sét. Con dấu này cũng cho phép người ta đảm bảo tính xác thực của tài liệu; một dấu in mới có thể được tạo ra ngay lập tức để so sánh với dấu in cũ trên tài liệu. (Hình 12)
Nhiều tư liệu chữ viết của người Sumer và Mesopotania không chỉ đề cập đến các vấn đề về tôn giáo hay thần thánh mà còn đến các công việc hàng ngày như ghi chép mùa vụ, đo đạc đồng ruộng và tính toán giá cả. Thực tế, không có nền văn minh phát triển cao nào có thể tồn tại mà không có một hệ thống toán học tiến bộ song song.
Hệ thống toán học của người Sumer có tên gọi là hệ lục thập phân là sự kết hợp của số 10 “trần tục” với số 6 “thần thánh” để tạo ra con số cơ bản 60. Xét theo một số khía cạnh, thì hệ thống tính toán này ưu việt hơn hệ thống hiện tại của chúng ta; và theo mọi phương diện thì nó hiển nhiên là ưu việt hơn các hệ thống tính toán của người Hy Lạp và La Mã sau này. Nó cho phép người Sumer thực hiện phép chia đến mức phân số và phép nhân đến hàng triệu, tính toán căn hoặc lũy thừa các bậc cho các con số. Đây không chỉ là hệ thống toán học đầu tiên được biết đến mà còn đem lại cho ta một khái niệm về “dấu chữ số”: Tương tự như trong hệ thập phân, 2 có thể là 2 hay 20 hay 200, tùy thuộc vào vị trí dấu thập phân của con số, thế nên số 2 của người Sumer có thể là 2 hay 120 (2 x 60) và cứ thế, tùy thuộc vào “dấu chữ số”. (Hình 13)
Hình tròn 360 độ, đơn vị tính như foot, inch, tá là một vài ví dụ về dấu tích của các hệ thống tính toán của người Sumer vẫn còn tồn tại trong cuộc sống thường nhật của chúng ta ngày nay. Các thành tựu khác của họ trong lĩnh vực thiên văn, việc lập lịch và những thành tựu toán học thần kỳ của họ sẽ được nghiên cứu sâu hơn ở các chương sau.

Hình 12
Hình 13
Cũng giống như trong hệ thống kinh tế xã hội của chúng ta, sách vở, hồ sơ tòa án, thuế má, hợp đồng thương mại, giấy đăng ký kết hôn… phụ thuộc vào giấy thì người Sumer và người Mesopotamia phụ thuộc vào đất sét. Đền đài, tòa án và các nhà buôn đều có các văn tự ghi sẵn trên các tấm đất sét ướt để thể hiện các quyết định, thỏa thuận, thư từ, hay tính toán giá cả, lương bổng, diện tích đồng ruộng, hay lượng gạch cần thiết cho một công trình xây dựng.
Đất sét cũng là một vật liệu thô thiết yếu cho sản xuất công cụ sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như làm dụng cụ chứa đựng và vận chuyển hàng hóa. Nó cũng được dùng để đóng gạch, một phát minh “đầu tiên” nữa của người Sumer để xây dựng nhà ở cho người dân, cung điện cho các vị vua và đền đài cho các vị thần.
Người Sumer được cho là tác giả của 2 đột phá công nghệ để kết hợp được ưu điểm về trọng lượng nhẹ với khả năng co dãn cho tất cả các sản phẩm làm từ đất sét: đó là công nghệ làm cốt và nung. Các kiến trúc sư thời nay đã tạo ra bê tông cốt thép, loại vật liệu xây dựng cực kỳ bền chắc, bằng cách đổ xi măng vào khuôn có các sợi thép; còn người Sumer từ rất lâu đã biết tăng sức bền cho gạch bằng cách trộn đất sét ướt với thân cây sậy hoặc rơm. Họ cũng biết rằng có thể gia tăng độ co dãn và độ bền các sản phẩm làm từ đất sét bằng cách nung chúng trong lò. Những tòa nhà và mái vòm cao đầu tiên trên thế giới cũng như những đồ gốm bền chắc đều là kết quả của các đột phá công nghệ đó.

*

Việc phát minh ra lò nung – một loại lò có thể tạo được nhiệt độ cực cao và có thể kiểm soát được mà không làm sản phẩm bị nhiễm tạp tro bụi – đã mở đường cho một tiến bộ công nghệ còn lớn hơn: Thời đại Kim khí.
Người ta cho rằng vào khoảng năm 6000 TCN con người đã nhận thấy mình có thể đập mỏng những “hòn đá mềm” – những cục quặng vàng hay hợp chất đồng và bạc tự nhiên – thành những hình dạng hữu ích hoặc theo ý muốn. Công cụ rèn bằng kim loại được tìm thấy đầu tiên trên các cao nguyên vùng Zagros và dãy núi Taurus. Tuy nhiên, R. J. Forbes, tác giả của cuốn The Birthplace of Old World Metallurgy (tạm dịch: Nơi sản sinh kỹ thuật luyện kim của thế giới cổ đại) đã chỉ ra rằng: “ở vùng Cận Đông cổ đại, nguồn cung cấp đồng nguyên sinh nhanh chóng cạn kiệt và những người khai thác phải quay sang quặng đồng”. Thực tế này đòi hỏi tri thức, khả năng tìm kiếm và chiết xuất quặng, nghiền, sau đó nấu chảy và lọc quặng – những quy trình không thể tiến hành được nếu không có lò nung và một công nghệ tiến bộ về tổng thể.
Kỹ thuật luyện kim đã nhanh chóng hoàn thiện khả năng tạo hợp kim đồng với các kim loại khác, tạo ra một loại vật liệu đúc được, cứng nhưng dễ uốn mà chúng ta gọi là đồng thau. Thời kỳ Đồ đồng, kỷ nguyên luyện kim đầu tiên của chúng ta, cũng chính là một đóng góp của người Mesopotamia cho nền văn minh hiện đại. Phần lớn các hoạt động thương mại cổ đại gắn với việc buôn bán kim loại; nó cũng tạo nên nền tảng cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng và đồng tiền đầu tiên ở Mesopotamia – đồng bạc shekel (“thỏi cân”).
Các loại kim loại và hợp kim với những cái tên Sumer và Akkad khác nhau được tìm thấy cùng với các thuật ngữ kỹ thuật chuyên sâu đã cho thấy trình độ luyện kim phát triển cao ở Mesopotamia cổ đại. Đã có lúc điều này làm đau đầu các chuyên gia bởi ở Sumer không hề có quặng kim loại, vậy mà gần như chắc chắn là kỹ thuật luyện kim lại khởi phát từ nơi này.
Câu trả lời chính là năng lượng. Việc nấu chảy, tinh luyện và tạo hợp kim cũng như việc đúc kim loại không thể tiến hành được nếu không có nguồn cung cấp nhiên liệu dồi dào để đốt các lò sấy, chảo nấu kim loại và lò nung. Mesopotamia có thể thiếu quặng, nhưng ở đây lại dồi dào nhiên liệu. Thế nên quặng đã được mang tới nơi có nhiên liệu, điều này được thể hiện trong các ghi chép cổ mô tả quá trình mang quặng kim loại từ nơi xa tới.
Loại nhiên liệu khiến cho Sumer vượt trội về công nghệ là nhựa bitum và nhựa đường cùng các sản phẩm dầu mỏ phun lên trên mặt đất ở nhiều nơi tại Mesopotamia. R. J. Forbes (Bitumen and Petroleum in Antiquity (tạm dịch: Nhựa Bitum và dầu mỏ thời cổ đại)) chỉ ra rằng các mỏ lộ thiên của Mesopotamia chính là nguồn nhiên liệu chủ yếu của thế giới cổ đại từ thời sơ khai đến thời đại La Mã. Ông kết luận rằng người Sumer bắt đầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ vào mục đích công nghệ vào khoảng năm 3500 TCN; và ông cho rằng trong thực tế kiến thức về dầu mỏ và trữ lượng dầu ở thời kỳ Sumer còn cao hơn các nền văn minh sau này.
Người Sumer sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ không chỉ để làm nhiên liệu mà còn là vật liệu làm đường, chống thấm, trát tường, vẽ tranh, làm chất kết dính và đổ khuôn phổ biến đến mức khi các nhà khảo cổ tìm kiếm thành Ur cổ đại, họ đã phát hiện ra rằng nó bị chôn vùi dưới một ngọn đồi mà người A-rập bản địa gọi là “Đồi nhựa Bitum”. Forbes chỉ ra rằng trong ngôn ngữ Sumer có các thuật ngữ dành cho tất cả các loại sản phẩm bitum và các biến thể của nó tìm thấy ở Mesopotamia. Trong thực tế, các danh từ chỉ các vật liệu bitum và dầu mỏ trong nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Akkad, Hebrew, Ai Cập, Coptic, Hy Lạp, La-tinh và Saskrit đều có nguồn gốc rõ ràng từ tiếng Sumer; ví dụ như từ phổ biến nhất dùng cho dầu mỏ là naphta có nguồn gốc từ napatu (“đá cháy”).
Việc sử dụng các sản phẩm dầu mỏ của người Sumer cũng là cơ sở nền tảng của ngành hóa học tiên tiến. Chúng ta có thể đánh giá trình độ hiểu biết cao của người Sumer không chỉ qua việc sử dụng nhiều loại thuốc màu và thuốc nhuộm cùng các quá trình tráng men mà còn bởi khả năng chế tạo xuất sắc các loại đá bán quý nhân tạo, trong đó có sản phẩm thay thế đá xanh.

*

Bitum cũng được người Sumer sử dụng trong lĩnh vực y khoa, một lĩnh vực cũng đạt được những tiêu chuẩn cao ấn tượng. Người ta tìm thấy hàng trăm văn tự Akkad sử dụng rộng rãi các thuật ngữ và cụm từ y học của người Sumer, chứng tỏ Sumer là nơi khởi nguồn của toàn bộ nền y học Mesopotamia.
Trong thư viện của Ashurbanipal ở Nineveh có hẳn một gian về y học. Các văn tự ở gian này được chia thành 3 nhóm – bultitu (“phép chữa bệnh”), shipir bel imti (“phẫu thuật”) và urti mashmashshe (“câu lệnh và bùa chú”). Các bộ luật cổ có những phần đề cập đến chi phí trả cho các bác sỹ tiến hành phẫu thuật thành công, cũng như hình phạt áp dụng đối với họ nếu thất bại: Bác sỹ phẫu thuật mở thái dương người bệnh bằng dao sẽ bị chặt tay nếu vô tình làm hỏng mắt bệnh nhân.
Một số bộ xương được tìm thấy trong các ngôi mộ của người Mesopotamia có những dấu hiệu không thể nhầm lẫn được của các cuộc phẫu thuật não. Một văn tự không còn nguyên vẹn kể về cuộc phẫu thuật loại bỏ “bóng tối che phủ mắt một người đàn ông”, có lẽ đó là bệnh đục thủy tinh thể; một văn tự khác đề cập đến việc sử dụng một dụng cụ cắt rạch viết rằng “nếu căn bệnh đã chạy vào xương, bạn nên nạo và cắt bỏ.”
Người ốm ở Sumer có thể lựa chọn giữa một A.ZU (“thầy thuốc nước”) và một IA.ZU (“thầy thuốc dầu”). Một tấm đất sét có niên đại gần 5.000 năm được khai quật ở Ur có đề tên một thầy thuốc y khoa là “bác sỹ Lulu”. Họ cũng có những bác sỹ thú ý – hay còn được gọi là “thầy thuốc của những con bò” hoặc “thầy thuốc của những con lừa”.
Người ta tìm thấy một con dấu lăn cổ xưa ở Lagash có khắc hình một chiếc kìm phẫu thuật thuộc về “bác sỹ Urlugaledina”. Trên con dấu đó khắc hình một con rắn vắt mình trên một cái cây – biểu tượng của ngành y cho đến tận ngày nay. (Hình 14) Một dụng cụ được các bà mụ sử dụng để cắt dây rốn cũng thường được khắc họa.

Hình 14
Văn tự y học của người Sumer đề cập đến việc chẩn đoán và kê đơn. Điều này chứng tỏ rằng vị thầy thuốc Sumer này không cầu đến pháp thuật hay yêu thuật. Ông ta khuyến nghị việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ; ngâm mình trong nước nóng và chất khoáng hòa tan; sử dụng các dẫn xuất thực vật; kỳ cọ bằng các hợp chất dầu mỏ.
Thuốc được làm từ thảo dược và các khoáng chất trộn với chất lỏng hoặc dung môi phù hợp với phương pháp sử dụng. Nếu được dùng để uống, những loại bột trên sẽ được hòa với rượu, bia, hay mật ong; nếu “đổ qua trực tràng” – được tiến hành khi thụt rửa – thì chúng sẽ được trộn với dầu thực vật. Cồn, loại dược chất giữ vai trò rất quan trọng trong khử trùng phẫu thuật và là cơ sở chế tạo nhiều loại thuốc, được bắt nguồn từ chữ kohl trong tiếng A-rập và kuhlu trong tiếng Akkad.
Các mô hình về gan cho thấy rằng y học được dạy ở các trường y với sự trợ giúp của mô hình các bộ phận cơ thể người bằng đất sét. Ngành giải phẫu của họ hẳn phải đạt đến một trình độ khoa học tiên tiến vì các nghi lễ ở đền thờ đòi hỏi kỹ năng mổ xẻ chi tiết các con vật hiến sinh – một bước xuất phát từ nhận thức tương đương với giải phẫu người.
Một số bức họa trên các con dấu lăn hay tấm đất sét thể hiện hình người nằm trên một loại bàn phẫu thuật nào đó, vây quanh là các vị thần hay con người. Từ sử thi và các câu chuyện anh hùng chúng ta biết rằng người Sumer và hậu duệ của họ ở Mesopotamia rất quan tâm đến các vấn đề về sự sống, bệnh tật và cái chết. Nhiều người như Gilgamesh, vua xứ Erech, cất công tìm kiếm “Cây Sự sống” hay một số khoáng chất (một “hòn đá”) có thể giúp trường sinh bất tử. Điều này cũng thể hiện nỗ lực cải tử hoàn sinh, đặc biệt là khi điều đó xảy ra với các vị thần:
Được treo trên chiếc cột phía trên thi hài,
họ chiếu công cụ đo nhịp và công cụ phát xạ;
họ rải lên đó
60 Giọt Sự sống,
60 Thức ăn Sự sống;
Và Inanna hồi sinh.
Phải chăng trong những nỗ lực cải tử hoàn sinh này họ đã biết đến và sử dụng một số phương pháp vô cùng hiện đại mà chúng ta chỉ có thể suy đoán? Những vật liệu phóng xạ mà chúng ta biết và sử dụng để chữa trị một số bệnh nhất định đã được thể hiện trong một trường hợp chữa bệnh được khắc trên một con dấu lăn có từ thời kỳ đầu của nền văn minh Sumer. Trên con dấu đó rõ ràng có một người đàn ông nằm trên một chiếc giường đặc biệt; mặt ông ta được bảo vệ bằng một chiếc mặt nạ và đang được chiếu bằng một loại tia phóng xạ nào đó. (Hình 15)
Một trong những thành tựu vật chất lâu đời nhất của người Sumer là sự phát triển ngành dệt may.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp với sự xuất hiện của máy xe sợi và máy dệt ở Anh vào thập niên 1760 được coi là phát súng mở đầu cho thời đại công nghiệp ngày nay. Từ đó đa phần các quốc gia đang phát triển đều mong muốn phát triển ngành công nghiệp dệt làm bước đà tiến tới công nghiệp hóa. Các bằng chứng cho thấy quá trình này không phải chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVIII mà nó đã xuất hiện ngay từ nền văn minh lớn đầu tiên của Loài người. Con người chỉ có thể làm ra sợi dệt sau sự ra đời của nông nghiệp, ngành cung cấp sợi lanh và việc thuần hóa động vật để tạo ra nguồn cung về len. Grace M. Crowfoot (Textiles, Basketry and Mats in Antiquity – tạm dịch: Dệt, đan và bện thời cổ đại) bày tỏ sự đồng thuận trong giới học giả bằng cách khẳng định rằng sản phẩm dệt may đầu tiên xuất hiện ở Mesopotamia vào khoảng năm 3800 TCN.

Hình 15
Hơn thế nữa, người Sumer nổi tiếng trong thời kỳ cổ đại không chỉ với sợi dệt mà còn vì y phục của họ. Cuốn Book of Joshua – Sách của Joshua (ND) (7:21) viết rằng trong thời kỳ loạn lạc ở thành Jericho có một người không thể cưỡng lại được sức quyến rũ của việc sở hữu “một chiếc áo khoác tốt của Shin’ar”, rồi anh ta có được nó ở trong thành dù phải trả giá bằng cái chết. Sản phẩm may mặc của Shinar (Sumer) đắt giá đến nỗi con người sẵn sàng liều cả mạng sống của mình để sở hữu chúng.
Người Sumer có vốn ngôn ngữ phong phú để miêu tả cả về các sản phẩm may mặc lẫn người làm ra chúng. Loại y phục cơ bản được gọi là TUG – ắt hẳn đó là tiền thân của phong cách cũng như tên của loại áo choàng (toga) La Mã. Những loại y phục đó có tên là TUG.TU.SHE, theo tiếng Sumer có nghĩa là “y phục choàng quanh người”. (Hình 16)
Các bức họa cổ không chỉ thể hiện sự đa dạng và phong phú của các loại y phục mà còn thể hiện tính trang nhã, khiếu thẩm mỹ tốt với sự phối hợp giữa quần áo, kiểu tóc, mũ mão và trang sức được đề cao. (Hình 17, 18)

*

Thành tựu lớn khác nữa của người Sumer là nền nông nghiệp của họ. Ở vùng đất chỉ có mưa theo mùa, các dòng sông được huy động để cung cấp nước tưới quanh năm cho các vụ mùa thông qua một hệ thống kênh thủy lợi rộng lớn. Mesopotamia – Lưỡng Hà, Vùng Đất giữa hai Dòng sông – là một vựa lúa lớn của thời cổ đại. Cây mơ trong tiếng Tây Ban Nha là damasco (“cây Damascus”) có tên La-tinh là armeniaca, vay mượn từ từ armanu trong tiếng Akkad. Cây anh đào – kerasos trong tiếng Hy Lạp, Kirsche trong tiếng Đức – có nguồn gốc trong tiếng Akkad là karshu. Tất cả các bằng chứng trên cho thấy những loài cây này và nhiều loại rau quả khác đã du nhập vào châu Âu từ Mesopotamia. Tương tự với nhiều loại hạt giống và chủng loài đặc biệt khác: cây nghệ tây (saffron) có nguồn gốc trong tiếng Akkad là azupiranu, từ crocus (nghệ tây) có nguồn gốc từ kurkanu (qua từ krokos trong tiếng Hy Lạp), cây thì là (cumin) từ kamanu, cây hương bài (hyssop) từ zupu, nhựa thơm (myrrh) từ murru. Danh sách này rất dài; trong nhiều trường hợp, Hy Lạp trở thành chiếc cầu nối cả về địa lý lẫn từ vựng để những loài cây đó đến được với châu Âu. Hành, đậu lăng, đậu xanh, dưa chuột, cải bắp và rau diếp là những món phổ biến trong thực đơn hàng ngày của người Sumer.
Điều ấn tượng không kém chính là các phương pháp chế biến thực phẩm đa dạng và phong phú của người Mesopotamia cổ đại. Các văn tự và hình ảnh đã xác nhận hiểu biết của người Sumer về cách biến các loại ngũ cốc họ trồng được thành bột, từ đó làm ra rất nhiều loại bánh mỳ lên men và không lên men, cháo, bánh ngọt, bánh nướng và bánh bích quy. Lúa mạch cũng được lên men để làm bia; người ta tìm thấy “hướng dẫn kỹ thuật” làm bia trong các văn tự cổ đó. Rượu vang được làm từ nho và quả chà là. Sữa được lấy từ cừu, dê, bò và được sử dụng như một loại đồ uống, trong chế biến món ăn, sữa chua, bơ, kem và pho mát. Cá là một thực phẩm thông dụng trong bữa ăn. Thịt cừu rất sẵn có và những đàn lợn lớn mà người Sumer chăn nuôi được coi là một loại cao lương mỹ vị thực thụ. Ngỗng và vịt được chế biến để cúng các vị thần.

Các văn tự cổ cho thấy rõ rằng nghệ thuật chế biến món ăn đỉnh cao được người Mesopotamia phát triển trong các đền thờ và trong quá trình thờ cúng thần linh. Một văn tự cổ mô tả đồ cúng lễ dâng lên các vị thần gồm: “vài ổ bánh mỳ bột lúa mạch… vài ổ bánh mỳ bột emmer; một hũ mật ong và kem; quả chà là, bánh ngọt… bia, rượu vang, sữa… nhựa cây tuyết tùng, kem.” Thịt nướng được dâng lên cùng với nghi lễ vẩy “bia hảo hạng, rượu và sữa”. Một miếng thịt bò đực được chuẩn bị theo một công thức nghiêm ngặt, “bột mỳ mịn… được nhào với nước, bia hảo hạng và rượu” được trộn với mỡ động vật và “chất thơm lấy từ lõi cây”, quả hạch, mạch nha và gia vị. Các hướng dẫn cho “việc cúng tế các vị thần của thành Uruk hàng ngày” đòi hỏi phải có năm loại đồ uống khác nhau cùng với thực phẩm và chỉ rõ những gì mà “thợ xay bột trong bếp” và “bếp trưởng phụ trách việc nhào bột” nên làm.
Sự ngưỡng mộ của chúng ta dành cho nghệ thuật nấu nướng của người Sumer càng tăng lên khi đọc bài thơ ca ngợi những loại thực phẩm tuyệt hảo. Thật vậy, ta có thể nói gì hơn khi đọc công thức hàng ngàn năm tuổi cho món “gà nấu rượu vang” này:
Trong màu rượu sóng sánh
Trong nước dùng thơm lừng
Trong hương tinh dầu dịu ngọt
Là con gà mà tôi nấu,
và thưởng thức.
Một nền kinh tế thịnh vượng, một xã hội với những ngành sản xuất vật liệu phổ biến như vậy không thể phát triển được nếu thiếu một hệ thống vận tải hiệu quả. Người Sumer sử dụng 2 con sông lớn và hệ thống kênh đào để chuyên chở con người, hàng hóa và gia súc bằng đường thủy. Trong một số bức họa cổ xưa nhất mô tả những chiếc thuyền đầu tiên của thế giới.
Từ một số văn tự cổ chúng ta biết rằng người Sumer cũng đã tiến hành những chuyến đi biển bằng nhiều loại thuyền tới nhiều vùng đất xa xôi để tìm kiếm kim loại, các loại gỗ và đá quý, cùng các vật liệu khác không sẵn có ở Sumer. Trong một cuốn từ điển tiếng Sumer của người Akkad có một phần về tàu thuyền, liệt kê 105 thuật ngữ Sumer về nhiều loại thuyền theo kích thước, điểm đến hoặc mục đích (để chở hàng, chở người, hoặc dành riêng cho các vị thần nhất định). 69 thuật ngữ Sumer khác liên quan đến việc điều khiển và đóng thuyền đã được dịch sang tiếng Akkad. Chỉ có ngành đi biển có truyền thống lâu đời mới có thể sản sinh ra những loại thuyền chuyên dụng cùng các thuật ngữ kỹ thuật như vậy.
Đối với vận tải trên bộ, bánh xe được sử dụng đầu tiên ở Sumer. Việc phát minh ra bánh xe và ứng dụng vào đời sống hàng ngày cho phép tạo ra nhiều loại phương tiện, từ xe ngựa cho tới chiến mã xa và ta có thể chắc chắn rằng người Sumer là những người đầu tiên sử dụng “sức bò kéo” cũng như “sức ngựa” để di chuyển. (Hình 19)

*

Năm 1956, Giáo sư Samuel N. Kramer, một trong những nhà Sumer học lớn hiện nay, đã xem xét di sản văn học tìm thấy dưới những ngọn đồi ở Sumer. Chính bảng mục lục của cuốn From the Tablets of Sumer (tạm dịch : Từ những tấm đất sét của Sumer) – đã là một viên ngọc quý, bởi từng chương trong cuốn sách 25 chương này đều mô tả về những cái “đầu tiên” của người Sumer, bao gồm trường học đầu tiên, quốc hội lưỡng viện đầu tiên, sử gia đầu tiên, dược điển đầu tiên, “lịch nông vụ” đầu tiên, thuyết nguồn gốc vũ trụ và ngành vũ trụ học đầu tiên, “Job” (Người chịu nhiều đau khổ - ND) đầu tiên, tục ngữ và châm ngôn đầu tiên, những cuộc tranh luận văn chương đầu tiên, “chiếc thuyền Noah” đầu tiên, cuốn danh mục thư viện đầu tiên; và Thời đại Anh hùng đầu tiên của Nhân loại, các bộ luật và các cuộc cải cách xã hội đầu tiên, nền y học, nền nông nghiệp đầu tiên và nỗ lực tìm kiếm hòa bình và hòa hợp thế giới đầu tiên.

Hình 19
Điều này không có gì là khoa trương cả.
Những ngôi trường đầu tiên được thành lập ở Sumer là kết quả trực tiếp của việc phát minh và sử dụng chữ viết. Các bằng chứng (cả về khảo cổ, như dấu tích các trường học, lẫn tư liệu, như các tấm đất sét bài tập) cho thấy sự tồn tại của một hệ thống giáo dục chính thức vào đầu thiên niên kỷ 3 TCN. Có hàng ngàn người ghi chép ở Sumer, từ những người ghi chép cấp thấp đến cấp cao, người ghi chép của hoàng gia, của đền thờ và những người ghi chép nắm giữ cương vị cao. Một số người là giáo viên và chúng ta vẫn có thể đọc được các bài luận của họ về trường học, về mục tiêu và mục đích, về tiểu sử và các phương pháp dạy học của họ.
Những ngôi trường này không chỉ dạy ngôn ngữ và viết chữ mà còn có các môn khoa học thời đó – thực vật học, động vật học, địa lý, toán học và thần học. Các tác phẩm văn học của người xưa được học và chép lại và những tác phẩm mới liên tục được ra đời.
Những ngôi trường này được điều hành bởi ummia (“giáo sư chuyên môn”) và đội ngũ giáo viên luôn bao gồm một “thầy giáo phụ trách môn vẽ”, một “thầy giáo phụ trách tiếng Sumer” cùng với một “thầy giáo phụ trách kỹ thuật đánh xe”. Kỷ luật ở trường học rất nghiêm khắc; một học sinh đã mô tả trên một tấm đất sét về việc mình đã bị đánh như thế nào vì tội bỏ học, vì ăn mặc không gọn gàng, vì mải chơi, vì không giữ trật tự, vì cư xử không đúng và thậm chí là vì viết chữ không rõ ràng.
Một bản sử thi về lịch sử xứ Erech đã đề cập đến sự thù địch giữa Erech và thành bang Kish. Bản sử thi này thuật lại chuyện các phái viên của Kish đã tới Erech như thế nào, đề nghị giải quyết tranh chấp trong hòa bình ra sao. Nhưng Đấng Trị vì của Erech thời đó là Gilgamesh lại thích chiến tranh hơn đàm phán. Điều thú vị là ông phải đưa vấn đề này ra biểu quyết trước Hội đồng Bô lão, tương đương với “Thượng viện” ngày nay:
Chúa tể Gilgamesh,
Đưa vấn đề ra trước các vị bô lão của thành,
Để tìm kiếm quyết định:
“Hãy để chúng tôi không quy phục trước bọn Kish,
hãy để chúng tôi trừng phạt chúng bằng vũ khí.”
Tuy nhiên, Hội đồng Bô lão lại ủng hộ phương án đàm phán. Không cam chịu thất bại, Gilgamesh đã đưa vấn đề ra trước những người trẻ tuổi hơn, đó là Hội đồng Chiến binh, những người ủng hộ chiến tranh. Câu chuyện này đã cho chúng ta thấy rằng khoảng 5.000 năm trước, vua Sumer đã phải đệ trình vấn đề chiến tranh hay hòa bình lên Quốc hội Lưỡng viện Đầu tiên.
Danh hiệu Sử gia Đầu tiên được Kramer trao cho Entemena, vua xứ Lagash, người đã ghi chép lại cuộc chiến của mình với quốc gia láng giềng Umma trên các con lăn đất sét. Trong khi những văn tự khác là các tác phẩm văn chương hay các bản sử thi với chủ đề chính là các sự kiện lịch sử thì những bản khắc của Entemena lại là dạng văn xuôi được viết ra như một tư liệu lịch sử xác thực.
Vì các bản khắc của Assyria và Babylon đã được giải mã trước các tư liệu của người Sumer nên đã có thời gian dài trước đây người ta tin rằng bộ luật đầu tiên được vua Babylon, Hammurabi soạn thảo và ban hành khoảng vào năm 1900 TCN. Nhưng sau khi khám phá ra nền văn minh Sumer, người ta mới vỡ lẽ là những hệ thống luật pháp, những khái niệm về trật tự xã hội và việc thi hành công lý công bằng “đầu tiên” lại thuộc về người Sumer.
Ngay trước thời Hammurabi, một vị vua Sumer của bang thành Eshnunna (phía đông bắc Babylon) đã ghi lại những điều luật quy định mức tối đa đối với giá thực phẩm và giá thuê xe ngựa và thuyền để người nghèo không bị chèn ép. Vị vua này cũng ban hành những điều luật về các tội xâm phạm nhân thân và tài sản cũng như các quy định liên quan đến vấn đề gia đình và quan hệ chủ-tớ.
Thậm chí từ trước đó, một bộ luật đã được Lipit-Ishtar, vua xứ Isin ban hành. 38 điều luật này vẫn còn rất dễ đọc trên những tấm đất sét được bảo quản từng phần (một bản sao được khắc trên một cột đá) liên quan đến các vấn đề về bất động sản, nô lệ và người hầu, hôn nhân và thừa kế, việc thuê thuyền, việc cho thuê bò và các hành vi trốn thuế. Cũng như Hammurabi sau này, Lipit-Ishtar giải thích trong đoạn mở đầu của bộ luật rằng ông hành động theo những chỉ dẫn của “các vị thần vĩ đại”, những người đã ra lệnh cho ông “đem lại ấm no cho người Sumer và Akkad”.
Thế nhưng ngay cả Lipit-Ishtar cũng không phải là người viết ra bộ luật đầu tiên của người Sumer. Người ta đã tìm thấy những mảnh đất sét, bản sao của những điều luật được ghi chép bởi Urnammu, vua xứ Ur vào khoảng năm 2350 TCN – tức là hơn nửa thiên niên kỷ trước thời Hammurabi. Các điều luật được ban hành dưới sự ủy quyền của thần Nannar này nhắm tới việc đình chỉ và trừng phạt “những kẻ tước đoạt bò, cừu và khỉ của công dân” để “trẻ mồ côi không trở thành nạn nhân của sự giàu có, quả phụ không trở thành nạn nhân của quyền lực, người chỉ có 1 shekel1 không trở thành nạn nhân của kẻ có 60 shekel”. Urnammu cũng ban bố “các đơn vị đo lường trung thực và không thay đổi”.
Nhưng hệ thống pháp luật của người Sumer cũng như việc thực thi công lý có nguồn gốc còn xa xưa hơn thế.
Đến năm 2600 TCN, đã có quá nhiều biến động xảy ra với Sumer nên ensi Urukagina cảm thấy cần phải tiến hành cải cách. Một bản khắc dài của ông được các chuyên gia coi là hồ sơ quý báu về cuộc cải cách xã hội đầu tiên của loài người dựa trên nhận thức về tự do, bình đẳng và công bằng – một “Cuộc Cách mạng Pháp” được thực hiện bởi một vị vua diễn ra 4.400 năm trước sự kiện ngày 14 tháng Bảy năm 1789.
Sắc lệnh cải cách của Urukagina liệt kê những điều xấu xa thời đó trước tiên, sau đó mới đến các biện pháp cải cách. Những điều xấu xa này chủ yếu là việc các quan lại lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân; lạm dụng vị trí quan chức; việc các nhóm độc quyền bóp nặn tiền thông qua hình thức áp đặt mức giá cao.
Tất cả các hành vi bất bình đẳng đó và nhiều hành vi khác nữa đều bị cấm trong sắc lệnh cải cách này. Một viên quan không còn được tự định giá “cho một con khỉ tốt hay một ngôi nhà” nữa. Các nhân vật “tai to mặt lớn” không còn có thể ức hiếp dân thường được nữa. Quyền lợi của người mù, người nghèo, quả phụ, trẻ mồ côi được tái khẳng định. Gần 5.000 năm trước, phụ nữ ly hôn đã nhận được sự bảo hộ của pháp luật.
Xã hội văn minh Sumer đã tồn tại được bao lâu đến mức nó cần phải có một cuộc cải cách lớn? Rõ ràng là từ rất lâu, bởi Urukagina tuyên bố rằng chính thần Ningirsu đã yêu cầu ông: “khôi phục lại các sắc lệnh của thời trước”. Điều này chứng tỏ rằng ông đã được yêu cầu quay lại với các hệ thống xã hội và luật lệ còn cổ xưa hơn nữa.
Các điều luật của người Sumer được duy trì bởi một hệ thống tòa án trong đó các vụ kiện và các phán quyết cũng như các hợp đồng đều được ghi chép tỉ mỉ và lưu trữ cẩn thận. Các quan tòa đóng vai trò là bồi thẩm đoàn nhiều hơn là thẩm phán; một phiên tòa thường có 3 đến 4 thẩm phán, một người là “thẩm phán hoàng gia” chuyên nghiệp, còn những người khác được chọn từ một ban hội thẩm gồm 36 người.
Trong khi người Babylon đưa ra các quy tắc và quy định thì người Sumer lại quan tâm đến công bằng, vì họ tin rằng các vị thần đã chỉ định các vị vua đến để đảm bảo công bằng trên thế gian.
Ở đây ta có thể tìm thấy những khái niệm tương tự về công bằng và đạo đức trong Kinh Cựu ước. Ngay cả khi người Hebrew chưa có các vị vua, họ đã được trị vì bởi các quan tòa; các vị vua được phán xét không chỉ bởi các cuộc chinh phục hay sự giàu có mà còn bởi mức độ họ thể hiện tinh thần “trượng nghĩa” đến đâu. Trong tôn giáo của người Do Thái, Năm Mới được đánh dấu bằng quãng thời gian 10 ngày và người ta cho rằng những hành động của con người trong khoảng thời gian này sẽ quyết định vận mệnh của họ trong năm tới. Đây hẳn không phải là sự trùng hợp khi người Sumer tin rằng hàng năm có một vị thần tên là Nanshe tiếp đến là vị tộc trưởng đầu tiên của người Hebrew – Abraham – đến từ thành Ur của Sumer, thành phố nơi Ur-Nammu ban hành đạo luật của mình, cũng phán xét Nhân loại theo cách tương tự.
Sự quan tâm đến công bằng và bất công của người Sumer còn được thể hiện trong cái mà Kramer gọi là “‘Job’ đầu tiên”. Sau khi chắp ghép những mảnh đất sét tại Bảo tàng Cổ đại Istanbul, Kramer có thể đọc được một phần bài thơ của người Sumer, giống như phần Sách Job trong Kinh thánh, thuật lại những lời kêu than của một người đàn ông ngay thẳng đã phải chịu đựng tất cả những mất mát và khinh bạc thay vì ơn phước của các vị thần. Ông đã kêu lên trong nỗi thống khổ: “Những lời ngay thẳng của tôi đã bị biến thành lời dối trá”.
Trong phần thứ hai của bài thơ, người đàn ông đau khổ vô danh này khẩn cầu thần linh theo cách giống như trong một số đoạn của Thánh Vịnh Hebrew:
Hỡi thần linh, ngài là cha của con,
ngài sinh con ra – cho con ngẩng mặt với đời…
Ngài sẽ bỏ rơi con bao lâu nữa,
để con không người chở che…
để con không ai dìu dắt?
Sau đó là một cái kết có hậu. “Những lời ngay thẳng, những lời thánh khiết mà ông khẩn cầu đã được thần linh chấp nhận; thần linh đã rút tay khỏi tuyên bố quỷ dữ.”
Khoảng hai thiên niên kỷ trước Sách Giảng viên trong Kinh thánh, người Sumer đã có những cách ngôn truyền đạt những khái niệm và lời nhận xét tương tự:
Nếu chúng tôi bị tội phải chết – hãy để chúng tôi đền tội; Nếu chúng tôi được sống lâu – hãy để chúng tôi trường sinh.
Khi một kẻ tội nghiệp chết đi, đừng tìm cách hồi sinh kẻ đó.
Người có nhiều bạc, có thể được hạnh phúc; Người sở hữu nhiều lúa mạch, có thể được hạnh phúc; Nhưng người trắng tay thì có thể được yên nghỉ!
Con người: Vì dục vọng của mình: Kết hôn; Khi nghĩ rằng mọi thứ đã hết: Ly dị.
Không phải trái tim đem lại thù hận ; không phải miệng lưỡi đem lại thù hận.
Trong thành không có chó canh, con cáo làm kẻ giữ cửa.
Những thành tựu vật chất và tinh thần của nền văn minh Sumer còn gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật trình diễn. Tháng Ba năm 1974, một nhóm các chuyên gia đến từ Đại học California tuyên bố họ đã giải mã được bài hát cổ xưa nhất thế giới. Thành tích mà các giáo sư Richard L. Crocker, Anne D. Kilmer và Robert R. Brown đạt được chính là họ đã đọc và biết cách chơi những nốt nhạc viết trên một tấm đất sét có niên đại vào khoảng năm 1800 TCN được tìm thấy ở Ugarit trên bờ biển Địa Trung Hải (hiện nằm ở Syria).
Nhóm các nhà nghiên cứu này giải thích rằng: “Chúng tôi biết rằng nền văn minh Assyria - Babylon đã xuất hiện âm nhạc, nhưng chỉ sau lần giải mã này chúng tôi mới thấy rằng âm nhạc của họ có âm giai 7 âm tương tự như âm nhạc phương Tây hiện nay và âm nhạc của Hy Lạp ở thiên niên kỷ thứ nhất TCN.” Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng âm nhạc phương Tây có nguồn gốc từ Hy Lạp; nhưng đến giờ ta có thể khẳng định là âm nhạc của chúng ta – cũng như phần lớn nền văn minh phương Tây – bắt nguồn từ Mesopotamia. Đây là điều không có gì ngạc nhiên, bởi triết gia Hy Lạp, Philo đã từng khẳng định rằng người Mesopotamia được coi là “đã tìm kiếm sự hòa hợp và hài hòa trên khắp thế giới thông qua các nốt nhạc”.
Như vậy ta có thể khẳng định rằng âm nhạc và ca hát cũng chính là những kỹ nghệ “đầu tiên” của người Sumer. Quả thật, giáo sư Croker có thể chơi được âm điệu cổ chỉ bằng một chiếc đàn lia mà ông phục dựng giống như chiếc đàn được tìm thấy ở khu di tích thành Ur. Các văn tự có từ thiên niên kỷ 2 TCN đã cho thấy sự tồn tại của những “số hiệu phím” âm nhạc và một nguyên lý chặt chẽ về thanh âm; và trước đó giáo sư Kilmer tác giả cuốn The Strings of Musical Instruments: Their Names, Numbers and Significance (tạm dịch: Các loại dây nhạc cụ: Tên, số lượng và chức năng) đã viết rằng nhiều bản thánh ca của người Sumer thể hiện “các ký hiệu âm nhạc ở cạnh lề”. Bà kết luận rằng “người Sumer và hậu duệ của họ đã có một đời sống âm nhạc khá phong phú và đầy đủ”. Đó là lý do tại sao sau này chúng ta thấy nhiều loại nhạc cụ cùng các ca sỹ và vũ công biểu diễn được khắc họa trên các con dấu lăn và tấm đất sét. (Hình 20)

Hình 20
Cũng giống như nhiều thành tựu của người Sumer khác, âm nhạc và ca hát cũng bắt nguồn từ các đền thờ. Khởi đầu với mục đích thờ phụng các vị thần, sau đó các loại hình biểu diễn nghệ thuật này sớm được lưu hành bên ngoài đền thờ. Một câu nói phổ biến áp dụng cách chơi chữ của người Sumer về tiền vé trả cho ca sỹ là: “Một ca sỹ có giọng hát không ngọt ngào thực sự là một ca sỹ ‘nghèo’”. (trong tiếng Anh, ‘poor’ vừa có nghĩa là ‘tồi’, vừa có nghĩa là ‘nghèo’).
Người ta đã tìm thấy nhiều bài hát trữ tình của người Sumer; rõ ràng là chúng được hát cùng với nhạc đệm. Nhưng cảm động nhất là một bài hát ru mà một người mẹ đã viết và hát cho đứa con bị ốm nghe:
Ngủ ngoan, ngủ ngoan, ngủ đi con trai của mẹ.
Giấc ngủ hãy đến nhanh với con trai của mẹ;
Giấc ngủ đậu trên đôi mắt mỏi mệt của con…
Con đang đau đớn, con trai của mẹ;
Mẹ lo lắng không yên, mẹ không biết nói gì đây,
Mẹ đăm đăm ngước nhìn các vì sao.
Ánh trăng non chiếu trên khuôn mặt con;
Bóng trăng sẽ nhỏ lệ vì con.
Nằm xuống trong giấc ngủ của con…
Rồi đây nữ thần mùa màng sẽ bên cạnh con;
Rồi đây con sẽ có một người vệ sỹ hùng mạnh trên thiên đường;
Rồi đây con sẽ hưởng những ngày hạnh phúc…
Rồi đây vợ con sẽ là chỗ dựa của con;
Rồi đây con trai con sẽ là số mệnh tương lai của con.
Điều gây ấn tượng về âm nhạc và những bài hát như vậy không chỉ nằm ở kết luận rằng Sumer chính là cội nguồn về cấu trúc và cách hòa âm phối khí của âm nhạc phương Tây mà hơn thế nữa, khi chúng ta nghe bản nhạc và đọc những bài thơ đó, chúng ta không hề cảm nhận được sự lạ lẫm hay khác thường nào ngay cả trong chiều sâu cảm xúc và tình cảm. Quả thật, khi quan sát nền văn minh vĩ đại của người Sumer, chúng ta nhận thấy rằng không chỉ quan niệm về đạo đức và lẽ công bằng, luật pháp, kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ của chúng ta có nguồn gốc từ Sumer mà các thể chế của họ cũng rất quen thuộc và gần gũi với chúng ta. Xét cho cùng, dường như tất cả chúng ta đều có nguồn gốc Sumer.

*

Sau khi tiến hành khai quật Lagash (nằm ở phía nam Mesopotamia), các nhà khảo cổ tiếp tục khám phá Nippur, trung tâm tôn giáo một thời của người Sumer và Akkad. Ở đây họ đã tìm thấy 30.000 văn tự, trong đó nhiều văn tự đến ngày nay vẫn còn là một ẩn số. Ở Shuruppak, những lớp học có niên đại từ thiên niên kỷ 3 TCN đã được tìm thấy. Ở Ur, các chuyên gia đã tìm thấy những chiếc bình, đồ trang sức, vũ khí, chiến mã xa, mũ giáp tuyệt đẹp làm bằng vàng, bạc, đồng và đồng thau, di tích của một nhà máy dệt, các hồ sơ tòa án – và dấu tích của một ngọn tháp ziggurat vẫn còn nổi bật giữa khung cảnh nơi đây. Ở Eshnunna và Adab, các nhà khảo cổ đã phát hiện các ngôi đền và những bức tượng tinh xảo có từ thời tiền Sargon. Ở Umma có những văn tự mô tả về các đế chế cổ đại. Ở Kish còn có những công trình tưởng niệm và tháp ziggurat có niên đại ít nhất từ năm 3000 TCN vẫn chưa được khai quật.
Uruk (Erech) đã đưa các nhà khảo cổ về với thiên niên kỷ 4 TCN. Ở đây họ đã tìm thấy những đồ gốm màu đầu tiên được nung trong lò và bằng chứng về việc sử dụng mâm quay làm gốm đầu tiên. Một vỉa hè bằng các khối đá vôi là công trình bằng đá cổ nhất được phát hiện cho đến ngày nay. Ở Uruk, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy chiếc đền thời kim tự tháp cổ ziggurat đầu tiên – một quả đồi nhân tạo lớn, trên đỉnh có một ngôi đền màu trắng và một ngôi đền màu đỏ. Những văn tự khắc chữ cũng như những con dấu trục quay đầu tiên của thế giới cũng được tìm thấy ở đây. Sau này Jack Finegan (Light from the Ancient Past – tạm dịch : Ánh sáng từ quá khứ cổ đại) đã khẳng đinh, “sự tinh xảo của những con dấu đầu tiên xuất hiện trong thời kỳ Uruk quả đáng ngạc nhiên”. Các khu vực khai quật khác của thời Uruk cũng chứa đựng các bằng chứng về sự khởi đầu của Thời kỳ Kim khí.
Năm 1919, nhà khảo cổ H. R. Hall đã khám phá những phế tích cổ đại tại một ngôi làng hiện nay có tên là El-Ubaid. Khu vực này được đặt tên theo thời kỳ mà các chuyên gia cho là giai đoạn đầu tiên của nền văn minh Sumer vĩ đại. Các thành trì của người Sumer thời kỳ này trải dài từ phía bắc Mesopotamia tới những chân đồi phía nam Zagros chính là nơi đầu tiên cho ra đời loại gạch đất sét, các bức tường trát vữa, hình thức trang trí chạm khảm, các nghĩa trang với những ngôi mộ ốp gạch, đồ gốm có họa tiết trang trí với kiểu dáng hình học, gương đồng, những chuỗi hạt ngọc lam nhập khẩu, kỹ thuật kẻ mi mắt, những chiếc rìu bọc đồng, quần áo, nhà cửa và trên hết thảy là những công trình đền đài tưởng niệm.
Xa hơn về phía nam, các nhà khảo cổ tìm ra vùng đất Eridu – thành phố đầu tiên của người Sumer theo các văn tự cổ. Khi các nhà khảo cổ đào bới xuống sâu hơn, họ phát hiện một ngôi đền thờ thần Enki, Vị thần Tri thức của người Sumer và ngôi đền này dường như đã được xây đi xây lại nhiều lần. Lớp địa tầng đó rõ ràng đã đưa các chuyên gia trở về với những giai đoạn khởi đầu của nền văn minh Sumer: năm 2500 TCN, năm 2800 TCN, năm 3000 TCN, năm 3500 TCN.
Rồi những lưỡi xẻng tiếp tục đào sâu xuống nền móng của ngôi đền đầu tiên thờ thần Enki. Đó là tầng đất nguyên sinh, không có dấu hiệu tồn tại dấu vết sự tác động của bàn tay con người. Thời gian đó là vào khoảng năm 3800 TCN − thời điểm bắt đầu nền văn minh cổ đại.
Đây không chỉ là nền văn minh đầu tiên theo đúng nghĩa. Nó còn là nền văn minh bao trùm một khu vực rộng lớn nhất và xét trên nhiều phương diện, nó tiến bộ hơn nhiều so với các nền văn hóa khác tiếp sau. Rõ ràng đây chính là nền văn minh đóng vai trò nền tảng cho chính nền văn minh của chúng ta.
Bắt đầu sử dụng đồ đá làm công cụ vào khoảng 2.000.000 năm trước, Con người đã đạt tới nền văn minh chưa từng có này vào khoảng năm 3800 TCN ở Sumer. Và thực tế khiến các chuyên gia bối rối về nền văn minh này đó là cho tới ngày nay chính các chuyên gia vẫn không hề có chút nhận thức nào về người Sumer, họ là ai, họ từ đâu đến, tại sao và bằng cách nào nền văn minh của họ lại xuất hiện.
Bởi nền văn minh đó xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ như từ trên trời rơi xuống.
H. Frankfort, tác giả của Tell Uqair (tạm dịch: Kể chuyện Uqair) gọi đây là điều “lạ lùng”. Pierre Amiet (Elam) coi hiện tượng này là “khác thường”. A. Parrot (Sumer) mô tả nó là “một ngọn lửa bùng lên đột ngột”. Leo Oppenheim trong Ancient Mesopotamia (tạm dịch: Mesopotamia cổ đại) nhấn mạnh về “thời kỳ ngắn ngủi khác thường” mà nền văn minh này trỗi dậy. Joseph Campbell trong cuốn The Masks of God (tạm dịch: Những chiếc mặt nạ của thần linh) đã tổng kết như sau: “Trong khu vườn lầy lội nhỏ bé này của người Sumer…. đột ngột xuất hiện… cả một hiên tượng văn hóa, là nơi khởi nguồn cho tất cả các nền văn minh khác trên thế giới.”