-- I --


-- IV--

     iên Dung quận chúa hôm nào cũng dậy sớm ngồi ở gác Hoa Thanh xem cảnh mặt trời mọc trên vườn ngự uyển.
Nàng là con gái một của Nguyễn Thị vương phi và rất được chúa Minh Đô vương thương quý. Tuy vậy, nàng không hề cậy mình sang cả mà học thói đài các, hợm mình như phần nhiều thiếu nữ khác ở cùng địa vị với nàng.
Quận chúa năm ấy mới mười tám tuổi, xuân xanh đương độ nên nhan sắc của nàng thực là mười phần rực rỡ như bông hải đường một sớm xuân đầm ấm.
Nàng, từ sáng sớm, đã trang điểm xong và nhân chưa đến giờ hầu trà vương phụ, mới ra ngồi tựa bao lan Thanh Hoa các, mơ màng ngắm những khóm huệ trắng nở san sát dưới vườn, đương mềm mại đu mình trong từng trận gió mai thơm mát.
Một tia nắng chiếu qua khe lá cây ngọc lan soi vào gương mặt trái xoan làm cho nước da Quận chúa trở nên mọng hồng như da một viên ngọc quý. Mái tóc nàng búi kiểu cánh phượng, do một cành thoa vàng nhẫn ngọc giữ ngả về một bên đầu, nom có vẻ tình tứ đặc biệt. Cái mình thanh thanh và tròn trặn hiện thấp thoáng bên trong những lớp sóng mềm của chiếc áo lụa màu ráng chiều. Chiếc xiêm màu lá huyết dụ buông lòa xòa xuống mũi đôi hài thêu kiểu phượng múa. Một dải lụa hồng vắt quanh sau vai và hai đầu luồn qua hai bên cạnh sườn, làm cho những lúc Quận chúa đi lại, cử động, dáng điệu có vẻ thướt tha như một con bướm rờn trong muôn hoa.
Trước cảnh chiêu dương đầy ánh nắng, đầy hương thơm, màu thắm và tiếng chim chóc líu lo, Quận chúa cảm thấy tâm hồn phơi phới, man mác... Nàng không thể không nghĩ đến Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ. Sự ấy cũng rất tự nhiên. Là vì, theo lệnh vương phụ và vương mẫu, nàng đã hứa hôn cùng Thái tử. Bề ngoài tuy còn xa lạ mà bên trong, hai người thực đã có cái nghĩa vợ chồng. Thái tử lại là bậc anh tuấn thanh niên, dung mạo khôi ngô như một vị thiên thần, Quận chúa không yêu say sao được! Nàng mơ màng cái hạnh phúc tương lai nó đương chờ đợi hai người. Nhịp lòng nàng mỗi lúc một dồn dập. Nàng lẩm bẩm nhắc lại bài thơ mà trước ngày sinh nhật Minh Đô vương mấy hôm, Thái tử đã phụng vương mệnh đề vào bức tranh do Quận chúa vẽ. Quận chúa vốn cũng là tay thơ giỏi nên càng ngâm nga bài của Thái tử, Quận chúa càng phục tài.
- Để rồi ta sẽ họa lại bài ấy dâng Thiên tuế nhàn lãm.
Quận chúa vừa nói dứt câu, một tên thị nữ bỗng từ phía trong tiến ra. Tiên Dung ngoảnh lại hỏi:
- Vương thượng trỗi chưa?
- Bẩm Quận chúa, Vương thượng se mình từ bữa qua nên ngài chưa dậy...
Quận chúa ngạc nhiên:
- Ô hay, chiều qua ta còn vào hầu mừng Chúa thượng về ngày sinh nhật của ngài kia mà!
- Ấy, từ sau lúc Quận chúa lui về Hoa Thanh các, Chúa thượng tự nhiên thấy ngọc thể khiếm an nên ngài không ra chủ tịch bữa yến đêm qua được.
- Ô, thế ra bệnh tình Chúa thượng có chỗ đáng lo chăng!...
- Bẩm Quận chúa, ngài chỉ hơi mệt mỏi xoàng, do những buổi đi chinh phạt ngoài xa.
- Dù sao ta cũng phải vào thỉnh an Vương thượng mới được.
- Ngài hiện đương giấc. Chính Vương phi cũng không dám kinh động.
Quận chúa đành ngồi xuống ghế, nhưng trên gương mặt ngọc vẫn chưa hết vẻ lo âu...
Thị nữ im lặng, rụt rè như muốn hỏi điều gì khiến Quận chúa phải chú ý:
- Chi thế, Ấu Mai?
- Bẩm Quận chúa, một câu chuyện vô cùng quan trọng vừa xảy ra...
- Chuyện gì?
- Chuyện xung đột giữa đức ông Hoàng trừ và Thế tử.
Tiên Dung quận chúa biến hẳn sắc mặt:
- Sao? Thế tử và Thái tử lại có việc xung đột nhau à?
- Bẩm, vâng!
- Do làm sao, mày có biết không?
- Bẩm do một chỗ ngồi...
Tiên Dung quận chúa cau lông mày:
- Do một chỗ ngồi? Vô lý! Thái tử là người phong nhã, hào sảng, có lẽ nào vì một chỗ ngồi mà để xảy ra sự xung đột với Thế tử được!
- Bẩm Quận chúa, việc này xảy ra quả thực không tự Thái tử.
- Tại Thế tử?
- Cũng không phải tại Tĩnh Quốc công.
- Vậy thì tại ai?
Con thị nữ có vẻ sợ hãi, khẽ thấp giọng và đáp:
- Tại Vương phi!
- Tại Vương phi?
- Bẩm, vâng!
- Mày nói ta chẳng hiểu ra sao cả! Sao lại tại Vương phi? Và nếu do tự Vương phi, Thế tử sao còn dám gây sự với Thái tử?
- Bẩm, nguyên lúc ấy, con được theo hầu loan giá Vương phi ra Nghị Chính đường...
- Sao nữa?
- Vương phi ra thay Chúa thượng mời bách quan nhập yến. Nhân thấy Thế tử ngồi cùng một sập với Thái tử, Vương phi liền gọi Thế tử mà trách sao dám cùng đấng Trừ quân đồng tịch. Đoạn, ngài thỉnh đức Điện hạ sang ngồi ở sập giữa, nơi bảo tọa của Vương thượng.
- Tĩnh Quốc công lấy thế làm mích lòng phải chăng?
- Bẩm chính thế!
- Nhưng còn vương mẫu ta ở đấy?
- Lúc Vương phi còn ở đấy, Thế tử không nói gì hết. Nhưng, sau một tuần rượu, Vương phi xa giá hồi loan, Thế tử lập tức tỏ rõ cho trăm quan biết sự bất bình của ngài.
- Bằng cách nào?
- Thế tử không ăn uống, nói năng gì cả. Ngài chống đũa ngồi lặng cho đến khi tan yến, chờ đức ông Hoàng trừ ra về liền theo ra.
- Chết chửa!
- Ngài bẻ một đôi đũa ngà, thề sẽ không cùng Thái tử cùng đứng trong trời đất, đoạn ngài giao đôi đũa gãy cho Thái giám Phạm Huy Định, dặn đến ngày nào ngài nhập thừa vương thống, Thái giám phải đem ra trình.
Da mặt Tiên Dung quận chúa trắng bệch ra như một bông huệ. Nàng gieo mình xuống ghế, miệng lẩm bẩm:
- Một chuyện cỏn con như vậy mà nỡ cam tâm cùng nhau ư?
Quận chúa biết rõ tâm tính ông anh Tĩnh Quốc công của nàng lắm! Và càng thế, Quận chúa càng lo sợ cho Thái tử. Một khi mà Trịnh Sâm đã cất miệng thề độc, kẻ hữu sự với chàng phải liệu hồn. Kẻ ấy lại là Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ, một thanh niên mà tài mạo, học vấn, địa vị cùng hơn chàng. Đã đành hiện nay, Thái tử chưa có chi đáng sợ, nhưng mai đây, khi người che chở duy nhất của Thái tử là Minh Đô vương đã thăng hà rồi, và Trịnh Sâm đã nắm quyền chúa tể trong tay, lúc ấy thì đời sống của ông Hoàng trừ nhà Hậu Lê chỉ còn là một vật nặng ngàn cân treo ở đầu sợi tóc.
Tiên Dung quận chúa càng nghĩ, lòng càng hoang mang kinh sợ, và trước mặt nàng, cái cảm tưởng một ông Thái tử, mặt tái như tàu lá, đang trù trừ giữa một chén thuốc độc, một dải lụa đào và một thanh đoản đao sáng loáng càng hiện rõ rệt và hãi hùng. Những tấm gương của vua Kính Tông và vua Duy Phương còn nóng hổi ở tai mắt thiên hạ đấy!
Quận chúa rùng mình, nhắm mắt lại. Nàng cảm thấy lòng thương Thái tử không biết chừng nào. Một lời vương phụ, vương mẫu đã truyền ra, tức thì nàng cùng Thái tử đã có cái nghĩa phu thê cùng sướng khổ và cùng sống chết. Anh nàng đã thù Thái tử, sự an nguy của Thái tử chỉ nom qua đã rõ ràng. Vậy từ nay, Quận chúa có thể nào lại ung dung ngồi hưởng sự thanh nhàn phú quý cho được. Nàng phải cứu Thái tử, nàng phải cứu chồng nàng, dù làm thế, thân nàng có phải mang lụy, nàng cũng vui lòng không tiếc, sự quyết tâm ấy làm nảy ra trong óc Quận chúa một ý định. Nàng đứng phắt dậy và bảo thị nữ:
- Ấu Mai, truyền sắp kiệu để ta sang hầu Tĩnh Quốc công, nghe!...
Một cảnh tượng ghê gớm đương đợi Tiên Dung quận chúa trong đài giảng vũ Lượng Quốc phủ.
Nguyên lúc kiệu hoa đưa nàng vào đến cửa phủ, quân canh báo cho nàng biết rằng Thế tử đang tập phóng đao ở giảng vũ trường.
Tiên Dung quận chúa lập tức xuống kiệu, đi bộ thẳng vào tận nơi.
Trên bãi tập lúc ấy chỉ có một mình Thế tử Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm đương thao luyện với hai tên Tiểu hoàng môn đứng hầu.
Thế tử cầm một nắm dao nhọn trong tay, vừa quát tháo dữ tợn vừa phóng dao vào một tấm hình nhân dựng cách xa đấy chừng trăm bộ. Hình nhân có một đặc điểm là đội mũ thất long tranh châu, mặc triều phục màu gián hoàng, đúng như Thái tử Lê Duy Vỹ.
Quận chúa vừa nhác trông đã hiểu ngay, càng lạnh người, hai chân mềm hẳn ra, cơ hồ không thể đứng vững được nữa. Về phần Thế tử, chẳng rõ có thấy Quận chúa vào hay không, Thế tử cứ cắm cúi tập luyện. Thành thử, mỗi ngọn dao chàng phóng trúng hình nhân, Quận chúa lại cảm thấy tim nàng đau nhói một cái, y như chính nàng bị những mũi thép lạnh buốt kia đâm trúng. Đến nỗi Quận chúa phải kêu lên:
- Xin Thế tử hãy dừng tay cho em được kêu một đôi lời!
Trịnh Sâm ngoảnh nhìn Quận chúa. Chàng ném mấy con dao xuống đất, vội vàng chạy lại:
- Kìa, Quận chúa sang đây tự lúc nào?
- Bẩm Quốc công, em vừa sang.
- Em sang có việc chi?
- Em sang hầu Quốc công có một việc rất quan trọng đến hạnh phúc của đời em, và mong rằng máu chảy ruột mềm, Quốc công sẽ vì tình anh em mà chước cho...
Thế tử cười khanh khách:
- Chi mà em tôi phải mở đầu một cách dài dòng và nghiêm trọng thế?
- Nghiêm trọng thực!... Ấy chính là cái việc xung đột giữa Quốc công... và Lê Duy Vỹ...
- Ô, làm gì có chuyện ấy!...
Tiên Dung quận chúa nhìn thẳng vào mặt anh trai và nói:
- Em đã rõ đầu đuôi cả rồi, và cúi xin hiền huynh thương em mà thương đến Lê Duy Vỹ.
Thế tử nghiêm sắc mặt lại:
- Lê Duy Vỹ nó xúc phạm ta nhiều lần, tội nó không thể tha được, em đừng nhiều lời, vô ích!
- Xin hiền huynh mở lượng hải hà mà thương đến em. Cái việc hôm qua thực hoàn toàn do tự Vương mẫu cả, Lê Duy Vỹ có tội gì đâu!
- Tội của nó, em biết sao được!
- Xin hiền huynh dạy cho em nghe!
- Tội của nó là âm mưu khuynh đảo nhà Trịnh, em hiểu chưa?
- Bẩm đại huynh, em dám chắc không có sự ấy. Đông cung vốn người thuần cẩn, phúc hậu, đời nào lại manh tâm những sự bạo động. Vả, ngày thường, chính Vương phi cũng đã ngờ vực và cho người dò xét hành vi của chàng, nhưng kết cục chỉ thấy chàng là một văn nhân hiếu tĩnh mà thôi.
- Hiếu tĩnh!... Nó làm ra bộ ngù ngờ thế đấy. Kỳ thực nó vẫn ngấm ngầm kết giao với những quân phản tặc, định mưu toan nọ kia...
- Hiền huynh có chứng cứ gì không?
Trịnh Sâm lúng túng đáp:
- Hiện nhiều người như Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Thái giám Phạm Huy Định đều biết...
- Đại huynh tin làm gì cái thằng hoạn quan họ Phạm chỉ quen ton hót cầu lợi ấy. Còn Hoàng Ngũ Phúc thì chỉ làm ra bộ ta trung thành với họ Trịnh đây. Những kẻ ấy, đại huynh không nên gần. Chúng chỉ nghĩ đến lợi riêng, cố tình làm cho đại huynh phải mang tiếng hẹp hòi và tàn nhẫn với thiên hạ, với sử xanh vậy...
- Hiền muội sang đây phải chăng là để dạy ta?
Tiên Dung quận chúa hoảng kinh như nghe tiếng sét:
- Trăm lạy đại huynh, nghìn lạy đại huynh, em có điều chi sơ suất, xin đại huynh bỏ quá đi cho. Em sở dĩ múa mép nhiều lời trước huynh trưởng, ấy chỉ vì em chắc chắn Vương phụ không nhầm. Vương phụ là bậc thần minh thánh triết, lại đã xem đi xét lại nhiều lần, vậy mà người đã đem lòng thương Đông cung cho chàng làm rể, như vậy thì không còn có cái tang chứng nào rõ rệt và chắc chắn hơn nữa. Huynh trưởng nên nghĩ lại, trên thuận ý Vương phụ, dưới rủ lòng thương em là phận gái, hy vọng một đời chỉ trông nhờ vào chồng, mà tha thứ cho Đông cung...
Vừa nói, Quận chúa vừa phục xuống ôm lấy chân Tĩnh Quốc công:
- Huynh trưởng hứa đi, hứa sẽ tha cho tính mệnh của Đông cung. Em xin cam đoan với huynh trưởng rằng chàng sẽ thoái vị Trừ quân lui ra khỏi chốn điện đình, và sẽ chỉ sống cái đời một người học trò nghèo...
Tĩnh Quốc công vốn người lòng lim dạ sắt nên mặc dầu Quận chúa van xin khóc lóc, chàng vẫn cứ trơ trơ.
Thấy anh như vậy, Quận chúa càng kêu van tha thiết. Tĩnh Quốc công lấy làm sốt ruột, giơ tay gạt ngã Quận chúa sang một bên rồi đi thẳng.
Trước thái độ ấy, Tiên Dung quận chúa hoàn toàn tuyệt vọng cho tính mệnh của Thái tử. Nàng đau lòng như cắt, gào to lên một tiếng:
- Điện hạ ơi, thương thay cho Điện hạ đã chẳng may sinh làm một đấng Trừ quân!
Dứt lời, nàng gục xuống cỏ, ngất đi, không biết gì nữa...