hạm Linh bóp kèn inh ỏi để tránh đoàn xe bò chở đầy đất từ Khâm Thiên về Bẩy Mẫu. Hắn rú lên một tiếng tục tằn khi cái vè trước suýt đụng cây càng của chiếc xe bò dẫn đầu. Đoàn xe này của học sinh trường Nguyễn Trãi mang đất từ ngoại ô về lấp hồ. Chiếc xe đầu đeo hai cây cờ đỏ, tức là cờ thi đua được thưởng.
Hai hanh niên kéo xe bò, bồ hôi nhễ nhại, dưới trời đông rét lạnh, nhanh mắt kéo càng vào sát lề, miệng la lớn:
-Lái ẩu !
Đoàn xe đi sau ê ê, phụ họa với lời phản đối của xe bò đi trước. Phạm Linh định dừng xe tặng cho bọn thanh niên đi lao động một bài học, nhưng nghĩ đến việc cần trước mắt hắn mắm môi, đạp lút ga, phóng thẳng. Lao động, đồng ý, nhưng cái bọn học trò đi lao động kia mù mắt hay sao mà không biết người lái chiếc Pobieda mới tinh kia là đồng chí Phạm Linh, nhân vật số một của cơ quan Phản Gián Hà Nội?
Vừa quặt sang đường Hàng Cỏ, vượt qua khách sạn Hòa Bình, Phạm Linh vừa nghĩ đến cuộc kiểm thảo lát nữa với những chuyên viên của tổ chức R.U. ( Trung Ương Tình Báo Sô Viết ). XiLốp và BêRếp là hai nhân viên cao cấp trong sứ quán Liên Xô ở Hà Nội phụ trách điệp báo. Từ lâu Phạm Linh hoạt động dưới sự hướng dẫn của XiLốp và BêRếp nhưng chỉ khi nào xảy ra điệp vụ quan hệ hắn mới được dịp đối diện, bàn bạc và nhận chỉ thị.
Tuy lệnh trình diện không nói rõ là việc gì, hắn đã biết là chuyện liên quan đến Nguyễn Đoàn và tổ chức gián điệp của Phong trào Yêu nước. Sáng nay, vừa tới sở, hắn đã nhận được điện thoại hạ lệnh bỏ dở mọi việc, và đến trình diện cấp tốc với ty biệt phái R.U. Thành ra chưa kịp giải quyết công việc trong ngày, mới 9 giờ sáng Phạm Linh đã hối hả lái xe đến gặp XiLốp và BêRếp.
Xe Phạm Linh dừng trước một biệt thự ba từng đồ sộ, góc đường Cột Cờ. Biệt thự này có lính và chó bẹc-giê được huấn luyện thuần thục, canh gác ngày đêm, tường cao lút đầu, phía trên dăng dây thép gai truyền điện, là trụ sở của cơ quan R.U. ở Bắc Việt.
Xuống xe, hắn bị một quân nhân Nga cao lớn vẻ mặt lạnh lùng cản lại. Xuất trình giấy tờ. Người gác gọi điện thoại vào trong. Ba phút sau, hai quân nhân khác, lăm lăm súng máy, nện gót bước ra, ra hiệu cho Phạm Linh. Tuy đã vào ra biệt thự R.U. nhiều lần Phạm Linh vẫn rờn rợn ở gáy.
Rợn gáy vì hệ thống canh phòng. Tuy hắn là võ sĩ nhu đạo đệ tam đẳng đai đen, mỗi khi nhìn thấy hơn chục con chó Nga, con nào cũng lớn bằng con hổ nằm phục từ sân vào đến cửa chính, là trong lòng hắn lại nôn nao.
Biệt thự kiên cố thật. Chỉ có một cửa chính ra vào gồm đủ thiết bị đề phòng kẻ lạ xâm nhập. Cửa sổ trong biệt thự đều có chấn song sắt cỡ lớn, và bao lưới thép dầy. Đó là chưa kể một lớp kính dầy không vỡ. Cửa chính và cửa phụ được đóng im ỉm suốt ngày đêm, vì bên trong toàn là máy điều hòa không khí. Đến hành lang, Phạm Linh còn phải đợi thêm 5 phút mới được hai người lính khác, cũng võ trang súng máy dẫn vào phòng trực. Ở phòng này, người ta trình báo lên lầu cho phòng bí thư của XiLốp và BêRếp, chánh và phó ty R.U.
Tính từ khi Phạm Linh dừng xe trước ty đến khi được đưa lên gác hai gặp phó trưởng ty BêRếp mất đúng 40 phút đồng hồ. Hắn đã được hẹn trước, nếu không chưa biết đợi đến bao lâu mói được hội kiến. Qua giãy phòng có cửa sắt đóng mở bằng điện hắn tới một cánh cửa lớn, sơn xanh đậm, gắn tấm biển đồng ghi số 1 bằng tiếng Nga. Văn phòng của BêRếp.
Cửa mở. Bên trong là một căn phòng rộng chừng 8 thước, ngang 6 thước, xung quanh kê tủ sắt cao gần đụng trần. Giữa phòng là cái bàn rộng. Tất cả đều sơn mầu xanh đậm như mầu cửa. Ngồi sau bàn là BêRếp. Đứng bên, thái độ hách dịch kẻ cả là trưởng ty XiLốp.
Không đợi Phạm Linh bắt tay chào và ngồi xuống ghế, XiLốp đã nói:
-Đồng chí đã biết chuyện gì chưa?
Phạm Linh đáp lại bằng tiếng Nga:
-Thưa chưa. Vụ gián điệp địch Nguyễn Đoàn đang được tôi tiếp tục khai thác.
Giọng XiLốp có vẻ thiếu bình tĩnh:
-Tôi vừa gặp đồng chí phó thủ tướng xong. Bắt đầu từ phút này chúng tôi sẽ đích thân phụ trách vụ Nguyễn Đoàn.
Phạm Linh đáp ‘’vâng‘’ một tiếng nhỏ. XiLốp lại hỏi:
-Đồng chí đã biết tung tích tên điệp viên nhảy dù hồi đêm xuống gần Hà Nội chưa?
-Là Z.28.
-Tên thật là gì ?
-Thưa không biết.
XiLốp cười khẩy nhìn BêRếp. BêRếp rút trong ngăn kéo ra một xấp hồ sơ màu xanh nhạt, trên dán miêng giấy đen, viết mấy chữ trắng : ‘’Hồ sơ điệp viên của địch’’. BêRếp lấy ra tờ giấy đánh máy, đóng dấu ‘’tối mật’’ bằng mực đỏ ở góc đưa cho Phạm Linh.
-Đồng chí đọc đi.
Phạm Linh đọc như sau :
Phúc trình về tướng mạo Z.28
Số 00.789.
-Tên Tống Văn Bình, người Bắc. Khoảng 30 tuổi. Tốt nghiệp nhiều trường điệp báo quốc tế, từng phục vụ dưới thời đại chiến thứ nhì trong tổ chức quân báo O.S.S. dưới sự điều khiển của Donovan. Sau khi O.S.S. giải tán, về nước gia nhập Sở Mật Vụ của ông Hoàng ở Sàigòn.
-Là điệp viên số một của địch. Võ nghệ cao cường. Đệ tam đẳng huyền đai nhu đạo. Đã đoạt nhiều giải vô địch về quyền Anh ở Âu Châu và Nam Mỹ.
-Hình tích diện mạo …
Phạm Linh giật mình như ngồi chạm phải mũi kim :
-A, ra hắn là Văn Bình. Văn Bình. Vậy thì …
XiLốp hỏi gặng :
-Thì đồng chí tính sao ?
Phạm Linh, giọng cương quyết :
-Tôi sẽ đích thân giết hắn.
BêRếp xua tay, cười hềnh hệch :
-Đồng chí ngây thơ như con gái còn trinh … Giết chết một kẻ như Văn Bình chẳng phải dễ. Tuy hắn chỉ thắt lưng đai đen đệ tam đẳng, hắn có thể làm thịt võ sĩ đệ tứ, hoặc đệ ngũ nữa.Về quyền Anh, hắn đủ sức đương đầu với quán quân hạng nặng. Hắn còn giỏi nhiều môn khác như karatê, Thiếu Lâm quyền, võ Sămbô, Không thủ đạo, nội ngoại công, bắn súng, phóng dao, đấu kiếm, thôi thì đủ cả …Trước ngày hòa bình lập lại, tôi đã chạm trán với hắn tại Bu-ca-rét và đã biết tài nghệ của hắn. Muốn giết hắn, phải dùng số đông. Và nhất là dùng mưu kế. Vả lại, trong vụ này, vấn đề giết hắn chưa phải là nhiệm vụ ưu tiên. Quan hệ hơn cả là vấn đề tài liệu, tin tức về tổ chức của địch. Chúng ta cần biết Z.28 ra Hà Nội làm gì ? Cái được gọi là Phong trào Yêu nước gồm những cơ sở nào, những nhân viên nào, và họ hoạt động ra sao ? Sau đó, ta làm một mẻ lớn cũng chưa muộn.
-Thế nghĩa là ?
Vẫn tiếng XiLốp :
-Nghĩa là tối nay dầu có hoàn cảnh, đồng chí cũng chưa được phép giết Văn Bình khi hắn tiếp xúc với Nguyễn Đoàn.
Phạm Linh hỏi, giọng kinh ngạc :
-Tức là đồng chí muốn dùng hắn làm mồi ?
BêRếp gật đầu. Đến lượt Phạm Linh hỏi :
-Thưa, còn thái độ của ta đối với K.4 ?
XiLốp hỏi lại :
-K.4 mật báo viên của ta trà trộn vào tổ chức Phong trào Yêu nước phải không ?
-Phài.
-Hắn cho ta cái tin Văn Bình nhảy dù ?
-Thưa phải.
-Thưởng công cho hắn.
Phạm Linh đứng dậy. BêRếp gọi giật:
-Thong thả. Còn một chuyện nữa. Yêu cầu đồng chí tăng cường bảo vệ an ninh cho phái đoàn Liên Sô hiện đang tham quan ở đây.
-Thưa, phái đoàn chuyên viên tên lửa Bilatốp?
-Phải. Tôi muốn đồng chí đích thân bản đảm an ninh cho trưởng đoàn Bilatốp.
-Đồng chí đề phòng địch đến Hà Nội vì phái đoàn Bilatốp?
XiLốp cười khinh mạn:
-Sự thật đã rõ như 2 với 2 là 4. Tháng trước, phái đoàn ghé Đông Đức, bọn điệp viên ngu ngốc của Phòng Nhì và Intelligence Service toan bắt cóc Bilatốp. Chúng đã thất bại, tất chúng sẽ tìm cách bắt cóc lần nữa ở đây. Tính mạng Bilatốp còn quý hơn tính mạng 10 sư đoàn binh sĩ thiện chiến. Không lẽ địch cử một nhân viên hữu hạng ra đây để ăn cắp một bản mật mã hoặc giao chỉ thị cho một vài cơ sở gián điệp. Tất phải nhằm một vụ vô cùng quan trọng. Vụ này không thể ngoài vụ Bilatốp.
BêRếp cắt đầu một điếu xì gà to tướng, bật lửa hút khoái trá rồi cười lớn để lộ hai cái răng nanh bịt vàng:
-Hừ, chúng tưởng mình ngu? Chúng sẽ biết chuyến này là chuyến đi cuối cùng của thằng bé Z.28. Và cả lão chủ của hắn nữa. Phen này chúng sẽ được chôn cùng một huyệt hết.
XiLốp cũng cười. Lây niềm vui của hai đồng chí lãnh đạo, Phạm Linh phá lên cười như nắc nẻ.
Đột nhiên, như nhớ ra chuyện gì, Phạm Linh ngừng cười, rồi hỏi XiLốp:
-Liệu hắn dám vác mặt tới chỗ hẹn không?
XiLốp đáp:
-Chắc chắn sẽ đến. Nguyễn Đoàn là khâu liên lạc duy nhất của hắn ở đây. Dầu nguy hiểm đến mấy hắn cũng phải đến, vả lại tôi không lạ gì tính gan lì của hắn. Ví phỏng hắn không dám đến cũng chẳng sao. Trước hay sau, hắn cũng phải dẫn xác đến phái đoàn Bilatốp. Khi ấy, ta phóng tay cũng chưa muộn.
Phạm Linh gật đầu khâm phục:
-Đồng chí tiên đoán như thần.
XiLốp nghiêm nét mặt một cách kiêu hãnh:
-Cơ quan của ta vẫn được tiếng là giỏi nhất thế giới. Rồi phen này đồng chí nghiệm xem sai hay đúng?
Cánh cửa mở hé. Phạm Linh bắt tay XiLốp, BêRếp và trở ra đường, trèo lên xe Pobieda phóng thẳng, lòng vui như mở hội. Phen này Z.28 sẽ lọt vào cái bẫy do hắn trương ra. Rồi XiLốp, BêRếp sẽ không chê hắn là tập sự nữa.
*
-Ồ, không lẽ Phản gián ở đây gồm toàn nhân viên tập sự? Vô lý.
Vừa soi gương, chải lại mớ tóc cán bộ ngắn ngủn, Văn Bình vừa lẩm bẩm một mình.
Đêm qua chàng ngủ một giấc đến sáng, như một cán bộ thực sự, sau phiên họp mệt mỏi với cấp trên ở Bộ. Ánh nắng buổi sáng mùa đông hình như không đủ sức đánh tan những đám mây đen đè nặng lên thành phố, nên Văn Bình có cảm tưởng Hà Nội không có mặt trời. Tiếng xe cộ từ dưới đường vẳng lên. Còi xe lửa từ ga Hàng Cỏ thét lớn báo hiệu chuyến tầu Nam vừa tới. Hôm qua cũng vào giờ này, chuyến tầu Nam nhả chàng xuống giữa thủ đô Hà Nội. 24 giờ vừa trôi qua.
Chàng mở hộp bánh khô mua hôm qua tại cửa hàng Mậu Dịch ở phố Tôn Đản ra ăn cho đỡ đói. Ăn xong, chàng chiêu một ngụm ‘’bia‘’ quốc doanh rồi rút thuốc lá Thăng Long ra hút. Cuộc gặp gỡ hôm qua bị hỏng, nhưng còn cuộc gặp gỡ phòng hờ tối nay nữa. Hồi nãy đọc báo Thời Mới chàng được tin Đoàn đã trốn thoát. Thật may cho chàng và cả cho Đoàn vì hơn một lần chàng đã bị công an cộng sản tóm bắt và tra khảo. Lần nào thoát chết chàng cũng mang một kỷ niệm sâu xa và nhiều vết thẹo không bao giờ lành lại như cũ.
Đồng hồ tay chàng chỉ đúng 12 giờ rưỡi trưa. Chàng đọc cuốn sách hồng mà nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản riêng bán cho trẻ em, cho đỡ buồn. Ở cái đất cộng sản này đọc truyện nào cũng khô khan, may ra có truyện nhi đồng là còn vui vui đôi chút. Kinh nghiệm này chàng đã thu nhập được sau nhiều phen hoạt động trên đất Nga và trong các nước cộng sản Đông Âu.
Đọc mãi cũng chán, chàng lại trèo lên giường ngủ. Ngủ không được chàng lại đọc sách. Thời khắc chờ đợi trong lòng địch bao giờ cũng như dừng lại một chỗ.
4 giờ chiều. Chàng thay bộ quần áo mới bằng vải ka ki Tiệp Khắc, vứt cái mũ bất hủ lại trên giường cùng chiếc xà cột da, nhưng không quên khẩu Mannlicher 9 ly thân mến đầy đạn. Một phút đứng trước gương để xem đã hoàn toàn là đồng chí cán bộ tỉnh ủy chưa, sau đó Văn Bình mới yên tâm, mở cửa phòng, khóa lại, xuống cầu thang.
Ổ khóa phòng trọ chỉ là trò cười, nhất là ở trong vùng cộng sản, nhưng Văn Bình không còn cách nào khác hơn. Trong khi chàng đi vắng, cán bộ quản lý đến xét phòng và khám phá ra cái điện đài nhỏ xíu dấu trong tủ áo thì nguy to. Nhưng Văn Bình chắt lưỡi một cái nhẹ, cố xua đuổi ý nghĩ không hay ấy.
Phòng tiếp tân vắng như chùa Bà Đanh. Không một bóng phụ nữ, dẫu là thứ phụ nữ gầy nhẳng hay béo thù lu, thứ phụ nữ mà Văn Bình không bao giờ thèm để mắt, khiến chàng bất giác thở dài. Vẫn cái lão đồng chí già nua ngồi sau quầy tiếp tân, giọng nói đàng trong không thèm ngẩng mặt lên nhìn chàng. Vẫn mấy công an viên đội mũ lưới ngồi chụm ở góc nhà đánh bài tu-lơ-khơ.
Chàng giơ tay vẫy chào bọn công an viên đáng điệu thân mật rồi khoan thai ra cửa. Một chiếc xích lô đạp qua, chàng ra hiệu cho dừng lại, trèo lên, bảo chạy xuống phố Huế. Còn thời giờ rộng rãi, Văn Bình định xuống rạp chiếu bóng Đại Nam ngồi đến tối. Rạp Đại Nam hôm ấy chiếu một phim Nga, tựa đề ‘’Câu chuyện một người thủy thủ‘’. Chàng chọn cái ghế khuất trong góc vì rạp vắng bóng khán giả rồi đánh một giấc ngủ bù. Đêm nay chắc chàng có rất nhiều việc làm.
7 giờ, khi trời tối hẳn, thành phố lên đèn đỏ rực, Văn Bình rời rạp chiếu bóng ngược đường Chợ Hôm lên Hàng Khay, Bờ Hồ. Một giờ nữa trước cửa sở Bưu điện chàng sẽ gặp Đoàn, hoặc một đảng viên thay thế Đoàn.
Quang cảnh Hồ Gươm không có gì khác, ngoại trừ một bầu không khí rộn rịp. Buổi tối có mét tinh lớn tại quãng trường Nhà Hát Nhân Dân gần Bờ Hồ nên con đường vòng quanh Hồ, tuy mùa đông rét buốt, vẫn đông đặc đồng bào qua lại. Tuy không chạm trán công an viên nào, hoặc kẻ nào có bộ dạng khả nghi, Văn Bình cũng thấy ơn ớn trong lòng. Tối qua ở thư quán Tiến Bộ, chàng cũng nhắm mắt chui đầu vào thòng lọng. Biết đâu, hôm nay đây thòng lọng lại xiết thêm nút nữa?
Chàng nghĩ nhanh như máy tính điện tử. Đông người có cái lợi là giúp chàng lẩn tránh dễ dàng nhưng có cái hại nếu đối phương cho nhiều nhân viên chuyên môn trà trộn, chàng chỉ còn nước giơ tay lên hàng. Đi qua khỏi đền Ngọc Sơn, chàng băng ngang vườn hoa Ba Đình, tiến về phía Hàng Thùng, chàng ghé ngang Lò Sũ rồi đâm sâu vào một ngõ hẻm. Gặp một người xích lô gác càng trong hẻm, đột nhiên chàng nảy ra sáng kiến ghê gớm? Trông trước trông sau chẳng có ai, Văn Bình tiến sát lại, và không đợi người xa phu lên tiếng, bàn tay chàng đã chẹt cuống họng. Người xích lô bị bất tỉnh và ngã khuỵu xuống. Tứ phía vẫn vắng ngắt.
Hẻm này ở sau lưng phố Hàng Sũ vừa hẹp vừa không có đèn nên không ai biết. Nhanh như cắt, Văn Bình lột cái áo nâu của người xa phu mặc vào, và mặc cái áo cán bộ của chàng cho nạn nhân. Ít nhất nạn nhân sẽ mê man một tiếng đồng hồ. Đã 8 giờ kém 15. Khi nạn nhân tỉnh dậy, kế hoạch của Văn Bình đã được thực hiện xong. Văn Bình dựng nạn nhân lên xe, đạp từ từ đến cuối hẻm. Trong đó có giãy nhà kho được dùng chứa hàng sành. Chàng mở khóa, đẩy cửa rồi vác người xích lô vào, đặt trên nền nhà.
5 phút sau, cán bộ Văn Bình Đặng Thái Trinh biến thành bác xích lô, đội nón xùm xụp, đạp xe ra phố Lò Sũ, Hàng Dầu rồi tiến về sở Bưu điện.
8 giờ kém 6 phút.
Chiếc xe hòm kín mít chở Nguyễn Đoàn đến Bờ Hồ, đậu gần ga xe điện xế Hàng Đào từ nãy. Phạm Linh ngồi trong xe với Nguyễn Đoàn, và chiếc walkie talkie. Nhân viên Phản gián được lệnh bố trí xung quanh Bờ Hồ từ chập tối đề phòng Văn Bình tới thám thính trước. Gần công viên Ba Đình là cái xe bán cháo của một Hoa kìều. Đầu kia, xế nhà Gô Đa cũ là một toán gác khác. Trên sân thượng nhà Địa Ốc, Ngân hàng cũ những tay bắn giỏi của Sở Phản gián đang gián mắt vào kính ngắm của khẩu súng nòng dài, tiểu liên kiểu Đức Hammarli Walther. Loai súng này bắn rất nhạy, dầu trong khoảng cách một cây số. Mọi tốp công an đều liên lạc thường trực bằng máy walkie talkie với bộ chỉ huy lưu động của Phạm Linh.
Phạm Linh đã huy động gần năm chục nhân viên để vây bắt và theo dõi Văn Bình, với chỉ thị bắt sống nếu không thì giết tại trận.
Ngồi trong xe, một lần nữa, Phạm Linh ra lệnh bằng vô tuyến cho toán công an trên đường Bờ Hồ. toàn thể đều túc trực đầy đủ ở vị trí định trước, một con muỗi cũng khó thoát vòng vây.
Phạm Linh coi đồng hồ. Còn 5 phút nữa mới đúng 8 giờ. Hắn ra lệnh cho Nguyễn Đoàn xuống xe. Theo lệnh Phạm Linh, Đoàn sẽ bách bộ từ xe hơi đến ghế xi măng trước sở Bưu điện trong vòng 4 phút. Trong khi Đoàn cất bước đến Bờ Hồ, tất cả những cặp mắt công an theo dõi từng li. Trong truờng hợp gặp Văn Bình, Đoàn sẽ đứng lại nói chuyện một, hai phút rồi đi thẳng xuống Chợ Hôm, và qua dãy hàng bán hoa ngày trước đã có một cái xe hòm khác sơn đen đợi chàng đưa về Công an Hàng Cỏ.
Khi ấy Văn Bình đang lấy cớ đậu xe ăn cháo gà gần Trấn Ba đình. Đuôi mắt chàng không bỏ sót tác động nào chung quanh, nhất là bóng dáng quen thuộc của Nguyễn Đoàn dưới ánh điện sáng quắc mà chàng đã nhớ kỹ trước khi nhảy dù xuống Văn Điển. Đoàn đã y hẹn.
Nuốt xong bụm cháo cuối cùng, Văn Bình trả tiền và rềnh rang lấy tăm xỉa răng. Nhìn bàn tay của người Tàu trả tiền lẻ lại, chàng rợn mình. Bàn tay này không của người lao động quen nấu cháo gà mà là bàn tay gân guốc, với cái sống dầy cộm của kẻ từng luyện võ Nhật. Bàn tay của kẻ quen đánh lộn. Bàn tay của đứa giết người. Trong một tích tắc đồng hồ, chàng thoáng thấy cái nguy đang chờ chàng bên kia đường. Có thể chàng bị vây bốn mặt. Nhưng chàng cứ xuất đầu lộ diện.
Văn Bình nhún vai, trèo lên yên xe, đạp về phía sở Bưu điện.
Tiếng giầy của Nguyễn Đoàn vẫn nện lộp cộp trên vỉa hè tráng xi măng. Đường quanh Hồ bắt đầu thưa người. Tiếng quần chúng họp mét tinh và hoan hô rầm rĩ ở sân Nhà Hát Lớn đập vào tai chàng. Không hiểu sao lòng chàng lại thanh tịnh lạ thường. Bất giác chàng nhớ lại những khuôn mặt thân yêu trong đời. Khuôn mặt quả cảm của hai anh bị giết ở Lục An Châu, khuôn mặt quắc thước của mẹ mà chàng biết là gần đất xa trời. Và nhất là khuôn mặt trang nghiêm, khắc khổ nhưng chứa chan thiện cảm của ông Hoàng.
Đêm ấy, một đêm không trăng sao, trên vịnh Hạ Long hiểm trở, Nguyễn Đoàn bắt tay ông tổng giám đốc Mật Vụ lần cuối cùng trong phòng thuyền trưởng tầu ngầm trước khi tiềm vọng kính được kéo xuống và chiếc tiềm thủy đĩnh nhỏ bé hình xì gà tắt máy ngoi lên mặt biển, giữa hai rặng núi đá đen ngòm. Ông Hoàng không quản ngại nguy hiểm đích thân tiễn chàng lên boong, lặng lẽ nhìn chiếc ca nô cao su bập bềnh chở chàng vào bờ gặp Z.30, điệp viên lãnh đạo thường trực của Sở ở miền Bắc vĩ tuyến.
Ông Hoàng lặng lẽ nắm bàn tay chàng, giọng thân mật:
-Tôi muốn hỏi anh lần nữa. Hoạt động ở hậu địch là công tác vô cùng nguy hiểm, có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào. Anh có toàn quyền từ chối nếu anh muốn. Bổn phận cũng như lương tâm của tôi không cho phép tôi đưa người cộng sự vào chỗ chết.
Trong bóng tối đen ngòm, một vài ngọn sóng nhô lên lóe sáng như phết lân tinh. Nguyễn Đoàn nghiêm giọng:
-Thưa ông, được đi thế này là vinh dự lớn cho tôi. Lúc ký đơn gia nhập, tôi đã cân nhắc nhiều sự sống và sự chết.
Đoàn không nói gì thêm nữa. Chàng phục vụ dưới quyền ông Hoàng từ trước hiệp định Giơ neo. Sau ngày đất nước chia đôi chàng ở lại Hà Nội theo lệnh của Sở. Một thời gian sau, chàng bí mật vào Sàigòn học khóa huấn luyện đặc biệt. Chàng lưu lại miền Nam một năm trước khi trở về Hà Nội. Rồi chàng bị bắt.
Nguyễn Đoàn biết chàng không còn sống trên cõi đời này bao lâu nữa. Vì chàng không thể phản bội. Trước khi vĩnh biệt chàng quyết lưu lại một cái gì cho anh em trong Phong trào. Chuỗi hạt gắn hình Thiên chúa chàng đeo trên cổ từ thuở bé, từ thuở còn là cậu học trò nghịch ngợm ở trường Hàng Bột, đã bị cai tù tước đoạt đêm trước. Bức tượng không còn trên ngực chàng nữa nhưng hình ảnh hiền từ vạn năng của Chúa Giê su lại gần chàng hơn bao giờ hết. Chàng nâng tay ngang ngực, miệng lẩm bẩm:
-Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con.
Nguyễn Đoàn ngồi bệt xuống ghế xi măng trước công thự Bưu Điện. Chung quanh rất thưa người nhưng Đoàn biết rõ hàng chục tay súng ẩn núp đâu đây đang hướng về ghế đá.
Đúng 8 giờ tối. Nguyễn Đoàn nhớn nhác nhìn quanh. Không lẽ Văn Bình lại bỏ hẹn không đến.
Chiếc xích lô của Văn Bình còn cách ghế đá độ 20 thước, đôi mắt Văn Bình dán chặt vào hai bên đường. Chàng đánh hơi thấy một biến cố ghê gớm. Cảm giác này giống cảm giác phát xuất từ giác quan thứ sáu của con mãnh thú trong rừng rậm đối diện người thợ săn đang tiến vào bóng tối.
Tacata, tacata, tacata … Tiếng tiểu liên nổ ròn một loạt làm Văn Bình kinh hoàng. Tấn thảm kịch diễn ra trong khoảng thời gian độ 5 giây đồng hồ. Một chiếc xe hơi Skôđa sơn đen đột ngột từ đền Ngọc Sơn hiện ra phóng như bay về phía nhà Bưu điện. Tài xế suýt đâm vào chàng, và khi qua ghế xi măng Nguyễn Đoàn ngồi, cửa kính phía trước khạc ra những tia lửa đỏ ối.
Văn Bình thoáng thấy Nguyễn Đoàn ngã gục về đằng trước.
Không kể nguy hiểm, Văn Bình tung càng xích lô, chạy lại chỗ Nguyễn Đoàn bị bắn, giữa lúc hàng trăm tiếng súng lớn nhỏ nổ tiếp nhau như xé toang nhĩ tai của chàng. Một nhóm người ở đâu không biết chạy tới phụ lực đỡ Nguyễn Đoàn dậy. Ánh điện chiếu rõ nét mặt mệt nhọc mất máu của Đoàn. Tuy vậy chàng vẫn còn tỉnh. Giữa đám đông hỗn độn ấy, Văn Bình nhìn mắt Nguyễn Đoàn, thốt nhanh:
-Z.28 đây, muốn nói gì không? Nói đi.
Như thể một sức mạnh vô hình vừa mới báo hiệu cho Đoàn biết kẻ hỏi chàng là người đồng chí mà chàng sẽ gặp nên chàng cố rướn mình lên, thều thào:
-Der Polizei ! Das ist fur du.
Văn Bình đứng phắt dậy. Phạm Linh từ xe hòm đen nhảy xuống. Thừa lúc nhốn nháo, Văn Bình đi lùi ra rặng liễu sát Hồ, chen giữa đám người vừa đi biểu tình về, lần về phía nhà Ga xe điện. Chiếc Skôđa vừa bắn Đoàn ngã vẫn chạy loạng choạng như say rượu. Tài xế bị trúng đạn tử thương nên chiếc xe không người lái đâm bổ vào cây cổ thụ bên đường, lộn ngược mấy vòng trước khi bốc cháy đùng đùng. Người xử dụng khẩu tiểu liên bị văng khỏi xe, quần áo đầy máu, giãy đành đạch vài cái rồi tắt thở.
Văn Bình cố nén tiếng thở dài. Trước mắt chàng hai nhân viên cảm tử của ông Hoàng vừa hy sinh trong vùng địch.
Nguyễn Đoàn được khiêng lên cáng chở vào bệnh viện Phụ Doãn. 5 phút sau khi bị bắn, Đoàn được chuyển sang phòng lạnh, tại đó một toán bác sĩ và y tá đợi sẵn với các dụng cụ hồi sinh.
Phạm Linh, mặt tái như gà cắt tiết, tần ngần ngoài cửa phòng lạnh, tai không rời ống điện thoại. Tiếng nói gắt gỏng của phó trưởng ty biệt phái R.U. BêRếp vang rền trong ống nghe:
-Đồ ăn hại! Tóm cổ được thằng Z.28 chưa?
Phạm Linh đáp nhỏ như sợ bị nghe trộm:
-Thưa hắn không đến.
Tiếng BêRếp cười ghê rợn:
-Hừ, hắn không đến, vậy ai đỡ Nguyễn Đoàn dậy, và ai là người đầu tiên nói chuyện với hắn?
Phạm Linh bịt ống nói, quay sang hỏi viên phụ tá Phản gián, giọng hơi run:
-Anh có mặt ngay sau khi Đoàn bị bắt hả?
-Vâng.
-Ai nói chuyện với Đoàn trước?
-Tôi không nhìn rõ mặt hắn, chắc là nhân viên của Sở.
-Đoàn trối trăng gì không?
-Có, nói được một câu tiếng Đức. Dường như tiếng Der Polizei.
- Der Polizei nghĩa là công an?
-Phải.
Phạm Linh báo cáo với BêRếp :
-Thưa, một nhân viên của tôi đã trò chuyện với Đoàn. Đoàn chỉ thốt được một tiếng, hình như là Der Polizei.
BêRếp cười rít lên, giọng tức giận :
-Hừ, vẫn là đồ ăn hại! Phải đâu hắn chỉ nói được mỗi tiếng Der Polizei? Còn tiếng Das ist fur du vứt đi đâu?
-Thưa, tại sao đồng chí cố vấn ở văn phòng mà lại nghe rõ như vậy?
-Hà, hà, tôi ở nhà nhưng tai tôi khắp nơi, nghe chưa ? Anh đừng bao giờ quên trong số nhân viên làm với anh, bọn trung thành với tôi và ăn lương của Liên sô không phải là ít. Họ còn trung thành hơn anh nhiều. Biết anh bất lực nên tôi cho người theo sát nút thằng Z.28. Hắn không thoát khỏi tay ta đâu? Này, alô, anh có ý nghĩ gì về câu trối trăng của Nguyễn Đoàn?
-Dạ, không. Đó là tiếng Đức.
-Phải. Nghĩa là : Công an tới. Tới bắt mày đấy. Theo tôi, có thể là ám hiệu. Anh phải tìm ra ý nghĩa của ám hiệu ấy. Alô, cố cứu thằng Đoàn khỏi chết. Khi hắn tỉnh lại thì dỗ dành, hoặc dỗ dành không được thì cắt xẻo hắn ra từng miếng thịt để hỏi ý nghĩa.
-Thưa, vâng.
BêRếp dằn ống nói kêu rầm. Phạm Linh bàng hoàng như tỉnh mộng. Thì ra người nghe câu trối trăng của Nguyễn Đoàn là Văn Bình.Văn Bình. Văn Bình mi quyết không thoát khỏi tay ta. Phạm Linh lớn tiếng hỏi viên phụ tá :
-Anh biết tên người nhân viên ấy không ?
-Không.
-Tại sao anh quả quyết không phải là ?
- Địch nào dám chường mặt đến đó.
-Biện luận như anh không có nghĩa gì hết. Nếu là địch thì bọn mình chết cả nút.
Viên y sĩ trưởng mặc áo choàng trắng vẻ mặt nghiêm trang, rời phòng hồi sinh. Phạm Linh băn khoăn :
-Nạn nhân thoát chết được không ?
Viên bác sĩ gật đầu. Phạm Linh, giọng xun xoe :
-Nếu bác sĩ không phản đối, tôi sẽ hỏi chuyện nạn nhân ngay bây giờ.
Bác sĩ lắc đầu :
-Đồng chí muốn giết hắn thì cứ hỏi, nhược bằng muốn hắn khai những điều bổ ích thì hãy dằn lòng đến nửa đêm. Khi ấy đồng chí muốn đem hắn ra chặt tay, chặt chân tôi cũng không dám ngăn cản.
-Nghĩa là hắn đang mệt lắm ?
-Mệt lắm và mất khá nhiều máu. Cũng may chỉ bị ba viên đạn vào vai mà thôi. Đồng chí ráng chờ hai giờ đồng hồ nữa. Đúng nửa đêm lấy cung mới được.
Phạm Linh gật đầu. dáng điệu bực bội. Cửa phòng lạnh đóng chặt, mọi người đều ra hết, bên trong chỉ còn lại Nguyễn Đoàn và cô y tá.
*
Văn Bình dừng trước ga xe điện, lấy vé đi Hàng Than. Sở dĩ chàng đi ngược lên phía Bắc thành phố vi thấy chuyến đi xuôi có ít người sợ bị nhận diện dễ dàng. Chàng chen vào tận trong cùng giữa khi con tầu kêu chuông reng reng và chuyển bánh.
Đột nhiên chàng để ý đến một người mặc lối cán bộ đứng vơ vẩn dưới đường rầy, đợi xe điện chạy mới bám nhảy lên. Đã sống nhiều năm trong những trường hợp tương tự, chàng có cảm giác là bị theo dõi.
Người lạ mặt không lên toa chàng. Chàng tiến lại bực cấp, ngoái cổ nhìn phía sau. Một chiếc xe Pobieda sơn đen, chạy từ từ, dưòng như không muốn vượt xe điện. Tuy nhiên chàng cũng chưa dám chắc có bị theo dõi hay không.
Tàu ngừng ở trạm Hàng Đường. Chiếc xe hồi nãy biến dạng. Từ phố Hàng Bạc tiến ra một chiếc xe Tatra cũng sơn đen, và cũng chạy từ từ bám đít xe điện. Đến trạm chợ Đồng xuân, chiếc Tatra lại biến dạng, và một chiếc xe Meduza nhỏ xíu của Ba Lan hiện ra. Chàng chợt hiểu. Đó là nguyên tắc theo dõi khoa học được mọi sở mật vụ quốc tế áp dụng. Mỗi chặng tàu dừng, có ngã tư đông đúc, lại đổi phương tiện theo dõi. Tất mỗi khi tàu dừng, địch lại cho thêm một nhân viên nữa trèo lên tàu xiết chặt vòng vây quanh chàng.
Đợi xe điện kêu reng reng và chuyển bánh, Văn Bình mới thót xuống bám vào chuyến xe điện đi xuôi xuống Bờ Hồ vừa chạy qua. Chàng cần thử lại bài toán : thử xem địch muốn bắt sống hay chỉ muốn theo chàng mà chưa bắt. Chàng đoán không sai, chỉ một phút sau, một hành khách nhảy từ xe điện Hàng Than sang xe điện xuôi Chợ Hôm. Đoàn xe điện tiến về Bờ Hồ. Chàng lại gặp chiếc Pobieda sơn đen quen thuộc, nhưng lần này nó lại chạy trước tàu điện.
Vẫn những nguyên tắc theo dõi khoa học mà bất cứ nhân viên điệp báo khôn ngoan nào cũng học nằm lòng. Nhưng kể từ phút này, điều chàng có thể tin chắc là địch chỉ muốn theo sát chứ chưa bắt, ngoại trừ trường hợp … Trường hợp chàng ra tay trước.
Gần đến Bờ Hồ, chàng lại bám xe điện Hàng Bông trở lên ô Cầu Giấy. Phen này chàng khó có hy vọng đổi tàu nữa. Chàng phải tìm cách thoát thân dọc đường. Xe điện qua vườn hoa Cửa Nam. Đến một con hẻm tối om, le lói một ngọn đèn điện ở đầu đường. Thản nhiên như không biết bị theo Văn Bình bước xuống, thản nhiên bước vào hẻm.
Văn Bình rảo bước đến một ngôi biệt thự cũ ; Nhanh như cắt chàng nhảy tréo sang bên, núp dưới cánh cổng lớn. Chân chàng dận xăng đan lốp ô tô nên không gây ra tiếng động. Hai phút sau, một bóng đen mặc đồ cán bộ lặng lẽ bước qua. Tới chỗ chàng núp, hắn tốp lại như đánh hơi thấy cạm bẫy nhưng Văn Bình không cho hắn một tích tắc đồng hồ nào nghĩ ngợi nữa. Bàn tay sắt của chàng đã kẹp cổ họng hắn như trong gọng kềm. Hắn đờ người không kịp chống cự. Văn Bình kéo cây thịt cứng đờ vào trong cổng, rồi móc túi quần hắn, tịch thu ví da, bỏ vào túi chàng.