Vùng Tây Bắc - Việt Bắc
HỘI ĐOỌC MOONG CỦA NGƯỜI MƯỜNG XÃ PHONG PHÚ

Trước đây rừng còn nhiều, sau tuần vui tết, người Mường ở xóm Lý, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình lại chính thức bước vào một mùa làm ăn mới. Ngày ấy người Việt gọi là ngày hạ nêu.
Nếu người Việt tổ chức nêu vào mồng 7 tháng giêng thì hạ nêu của người Mường Tân Lạc là ngày 6 tháng giêng, bởi quan niệm trong dân gian cách tính ngày của người Mường xưa lùi một ngày so với người Việt. Ngày mồng 1 tết của người Việt coi là ngày 30 của người Mường, thế nên, ngày hạ nêu của người Việt cũng là ngày hạ nêu của người Mường mà chỉ khác nhau về cách gọi.
Ngày hạ nêu có lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng). Sau lễ khai sơn mọi người bắt đầu vào rừng hái lượm và săn bắt thú. Trong ngày này, một trong những sinh hoạt cộng đồng rất vui, nhiều nơi tổ chức, đó là Hội Đoọc Moong. Tiêu biểu là hội Đoọc Moong của người Mường xóm Lý.
Đoọc nghĩa đen là đâm, mở rộng nghĩa là săn. Ngôn ngữ Tày - Thái cổ có một âm tương tự là toọc nghĩa là đóng, mở rộng nghĩa là trồng. Moong còn gọi là Muông, là từ chỉ các loài thú 4 chân. Hội Đọc Moong là hội đi săn các loài thú rừng.
Buổi sáng đó, người trong Mường hay Quềl (đơn vị cư trú) ở Mường Lồ (xã Phong Phú ) không phân biệt trẻ giở trai gái, ai có thể trèo đồi, leo núi được cùng kéo nhau đi. Một người săn giỏi (trùm săn) của mường cùng các cụ già có kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát làm ăn và chọn điểm săn. Sau đó, mọi người tưng bừng reo hò cùng ông trùm săn theo hướng đã định đến một quả đồi hay một khu rừng. Mọi người toả ra vây quanh khu rừng đó. Những thợ săn giỏi có súng kíp hoặc nỏ cứng, nhanh chân tìm chỗ đón lõng ở các khe, các lối mòn thú hay đi. Những người khác khép kín dần vòng vây, họ hò, reo, hú đuổi thú, tay cầm cây lao hoặc cầm một cây gậy nhỏ. Nhiều người cầm cồng (chiêng), loài cồng nhỏ (chiêng boòng beeng) đánh theo điệu đi săn. Những chú chó săn của mường theo hiệu lệnh của cồng săn vượt lên sục sạo các bụi rậm đánh hơi thú.
Tiếng cồng săn dập dồn, tiếng hò reo vang rộn, tiếng chó sủa chói tai cuốn hút bước chân người, tất cả tạo thành một âm hưởng sôi động của cuộc sống cộng đồng bước vào mùa làm ăn mới. Thú rừng bị vòng vây khép kín dồn dần vào một nơi. Trước là bị chó tấn công sau là người ùa đến dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh. Cũng có khi không đợi đến lúc bị dồn vào một chỗ những con thú ranh mãnh phóng ngược lại hướng tiến của con người. Lúc ấy, mọi người không bỏ vây mà chỉ số ít người tách ra đuổi theo con thú. Thường chỗ con thú thoát được lại là chỗ đã có người nấp đón chỉ đợi thú chạy vào tầm ngắm là nổ súng tiêu diệt.
Hội Đoọc Moong rất vui, thu hút nhiều người tham gia. Nếu buổi săn hôm đó được thú, làng Mường vui mừng đánh cồng, gõ phách. Họ khiêng con thú đến một miếu lớn bằng gỗ, dựng ở xóm Lý, thờ Đức Tản Viên. Hậu cung có tượng người (Thánh Tản Viên) bằng đá. Mọi người mổ con thú săn được dâng lễ tế Thánh Tản. Ông mo thay mặt dân xã mặc áo thụng, đội mũ tai én làm lễ khấn Thánh Tản phù trợ mùa màng tươi tốt. Nhỡ không được thú gì, dân Mường tỏ ý buồn cho việc xuất hành đầu năm mới không may. Dân làng đành phải chọn một con bò hay thú rừng tế Thánh Tản. ở miếu thờ Thánh Tản có tục không giết trâu để tế thần. Có điều khi chọn nơi săn, các cụ đã tấu trình kỹ lưỡng, một khi đã kéo dân chúng đi Đoọc Moong thì thế nào cũng phải săn bắn được thú. Thế nên, khu rừng được chọn thường là nơi cấm săn bắt trong năm để nhiều thú về ở. Sau lễ tế Thánh Tản, mọi người tự mang cơm và rượu cần đến vui mừng suốt ngày tới tận đêm khuya.
Ngoài con thú được dâng lễ Thánh Tản, hễ phường săn có bắt thêm được con thú nào khác, làng có lệ chia phần như sau: Người nào giết chết con thú sẽ được hưởng một đùi sau cùng đầu con vật, vị trí cắt lấy đầu tính bằng cách tóm cái tai con vật vít xuống phía cổ, đầu nhọn tai đến đâu thì cắt phần cổ đến đó.
Sau đấy, họ mổ con vật ra lấy thịt chia đều cho tổng số người và chó. Mọi người quan niệm phần của một đầu người tương đương với phần của một đầu chó.
Cũng có khi trong cuộc săn một con thú như lợn rừng, hoẵng, cheo cheo v.v... chạy ra liền bị mấy người đuổi đánh và đâm chết. Khi con vật chết hẳn, một người hô to không đâm nữa, mọi người tự nguyện giơ cây lao của mình ra phía trước, căn cứ vào đầu con thú và đùi sau chia đều cho những người đó. Nếu ai đó, dù rằng anh đánh con vật ngã quị xuống, hiềm vì ngọn lao của anh không có máu thì vẫn coi là anh không trực tiếp giết con vật đó. Lệ Mường quy định thế nên nhiều người chạy tới sau, tiếc công sức đuổi thú, cho dù con thú đã bị đâm chết, anh ta cũng cố lao tới chấm đầu nhọn của mình cho có máu con vật để hưởng vinh quang và phần thịt chia. Lệ này giúp chúng ta hiểu thêm cơ sở ra đời câu phương ngôn của người đi săn là "Rây máu ăn phần".
Người giết được con thú cốt yếu là nhận về sự vinh quang, cảm phục của người trong mường chứ lợi lộc chẳng là mấy, bởi lẽ khi nhận phần đem về nhà, người giết được thú phải tốn kém nhiều rượu thịt để khoản đãi dân mường đến chúc mừng anh ta. Có điều: sống ở làng sang ở nước, dù là tốn kém nhưng người giết được thú lấy làm vui mừng lắm, cho là gia đình có phúc lớn, tin trong năm
làm ăn gặp nhiều may mắn.... Cuộc săn chấm dứt bằng hiệu lệnh cồng. Đã thành thói quen, hễ nghe điệu cồng đó thì người và chó bỏ vị trí trở về mường. Càng gần làng mường họ càng reo hò, chào đón thắng lợi đã giành được.
Hội Đoọc Mong ngàn đầu năm mới không thuần tuý chỉ là ngày Hội đi săn mở mở rộng ý nghĩa thành ngày hội văn hoá chứa đựng nhiều yếu tố sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn như đánh chiêng, leo núi, vui hò, uống rượu cần, thi tài bắn nỏ, bắn súng, đâm lao... giúp con người Mường hiểu biết lẫn nhau và sống gắn bó với nhau hơn trong một cộng đồng làng xóm chan chứa nghĩa tình.