Chương 3

Tối, Nhạn về, tôi khoe ngay:
- Hồi sáng tao gặp bà La Sát.
- Gặp ở đâu?
- Gặp ở ngoài đường.
- Tình cờ hả?
- Ừ, tình cờ.
- Nó có nhận ra anh không?
- Có, vừa nhìn thấy tao, nó hỏi ngay.
Nhạn hồi hộp:
- Nó hỏi sao?
Tôi tằng hắng:
- Nó hỏi có phải bữa trước anh cùng với thằng Nhạn lẻn vào nhà tôi hái trộm trái cây không?
Nhạn rụt cổ:
- Anh trả lời sao?
- Tao "ừ".
Nhạn nhăn mặt:
- Sao anh lại "ừ"! Mình đâu có hái trộm trái cây! Mình đi bắn chim mà!
Tôi nhún vai:
- Thì vậy! Nhưng tao cứ "ừ" đại, xem thử nó làm gì!
Nhạn càng thấp thỏm:
- Nó có làm gì không?
Tôi thản nhiên:
- Có. Nó bước lại gây sự. Nó định vật tao xuống đất...
Tới đây, tôi cố ý ngập ngừng. Mặt thằng Nhạn căng thẳng:
- Rồi sao nữa?
Tôi cười toe:
- Thì vật nhau chứ sao! Nhưng nó chưa kịp đụng đến người tao thì tao đã ngáng ngã nó rồi. Tao ném nó xuống đất một cái "uỵch", hệt như mít rụng.
Trước chiến công vĩ đại của tôi, thằng Nhạn bán tín bán nghi. Nó nhìn lom lom hai cánh tay "trói gà không chặt" của tôi, liếm môi hỏi:
- Anh vật ngã nó, có ai thấy không?
Chà, thằng Nhạn khôn lỏi này nó định tìm nhân chứng đây! Nhưng nó là em tôi, làm sao nó khôn hơn tôi được! Tôi lắc đầu, giọng "cha chú":
- Không! Nếu có người nhìn thấy thì tao đâu có vật nó! Con trai vật ngã con gái đâu có hay hớm gì!
Nhưng lập luận của tôi không thuyết phục được Nhạn. Nó đã từng nếm mùi cay đắng khi đụng độ với bà La Sát, do đó nó không thể nào tin được "hung thần" của nó lại bị tôi đánh ngã dễ dàng. Tuy nhiên, do phận làm em, Nhạn không dám cà khịa tôi. Nó chỉ chép miệng, vẻ hoài nghi:
- Chậc, ngộ quá hén!
- Có gì đâu mà ngộ! - Tôi hừ mũi - Không tin thì chiều nay mày đi với tao!
- Đi đâu?
- Lên nhà nó!
- Lên nhà bà La Sát?
- Chứ sao!
- Chi vậy?
- Thì chui vô vườn hái xoài ăn chơi chứ chi!
Nhạn thè lưỡi:
- Bị chó rượt một lần anh chưa sợ hả?
Tôi vung tay:
- Tao chấp bọn chó! Sao, mày đi không?
Nhạn giương mắt ếch dòm tôi một hồi như để đánh giá mức độ thành thật của lời mời rồi khẽ chép miệng:
- Đi thì đi!
Thế là chiều hôm sau, tôi và Nhạn lại lò dò đi men theo lũy tre lần lên xóm trên. Tôi không dám rủ Dế đi cùng, vì Dế chơi thân với nhỏ Thơm, tôi không gạt nó được.
Hai đứa tôi đến ngay chỗ lối đi bí mật dẫn vào vườn nhà ông Thiết. Lúc này, tôi mới biết Nhạn chẳng "anh hùng" như tôi tưởng... Nó đứng thập thò một hồi rồi đẩy vai tôi:
- Anh vào trước đi!
Tôi nhìn nó, cười khi dể:
- Mày sợ hả?
- Ừ.
- Vậy thì để tao!
Vừa nói tôi vừa xăn tay áo hăng hái chui qua hàng rào trước vẻ mặt thán phục của Nhạn. Nhưng tôi vừa đặt chân vào phía trong vườn, Nhạn đã suỵt khẽ:
- Coi chừng, anh Chương!
Tôi ngoái đầu lại:
- Gì vậy?
Giọng Nhạn căng thẳng:
- Bà La Sát!
- Đâu?
Nhạn chỉ tay:
- Nó đứng dưới gốc xoài kìa!
Tôi nhìn theo tay chỉ của Nhạn. Quả thật nhỏ Thơm đang đứng dưới gốc xoài đợi tôi. Mắt nó đang lơ đãng nhìn lên vòm lá đong đưa trên cao nên không trông thấy tôi.
Nhạn lại giục:
- Anh chui trở ra đi!
Tôi nhếch mép:
- Tao cứ vào!
Nhạn tái mặt:
- Không được! Anh vào nó suỵt chó cắn chết!
Tôi tiếp tục giở giọng người hùng:
- Nó không dám đâu! Nó mà suỵt chó,lần sau nó sẽ nhừ đòn với tao!
Rồi mặc cho Nhạn thấp thỏm bên ngoài hàng rào, tôi thong thả tiến về phía nhỏ Thơm.
Nghe tiếng chân lạo xạo, nhỏ thơm quay lại. Nhìn thấy tôi, nó nhoẻn miệng cười:
- Anh chui vào khi nào vậy?
- Mới tức thì. Tui chui sè sẹ.
Nhỏ Thơm lại cười khúc khích:
- Trông anh giống như tên trộm.
Thơm nói đùa. Nhưng những con chó của Thơm không biết đùa. Chúng tưởng tôi là ăn trộm thật, liền xổ ra sủa ăng ẳng. Thấy tôi cuống cuồng, Thơm vội nạt lui bọn chó. Đến khi con Đụp và con Hắc-Ín cụp đuôi lảng vào nhà rồi, trống ngực tôi vẫn còn đập thình thịch. Nhạn nấp ngoài hàng rào, chắc hồn vía lên mây.
Nhỏ Thơm nhìn bộ mặt xanh mét của tôi, cười hỏi:
- Anh sợ hả?
Tôi ngượng nghịu:
- Ừ, nhưng chỉ sợ sơ sơ thôi!
- Có Thơm đứng đây, mấy con chó chẳng dám cắn anh đâu!
Nhỏ Thơm trấn an tôi. Rồi như thấy tôi vẫn chưa hết hoảng hốt, nó nói lảng xang chuyện khác:
- Cuốn sách của anh hay ghê!
Tôi chớp mắt:
- Thơm đọc xong rồi hả?
- Ừ. Thơm mới đọc xong hồi trưa.
Tôi buột miệng quảng cáo:
- Những cuốn ở nhà còn hay hơn nhiều!
Nhỏ Thơm sáng mắt lên. Nó nhanh nhẩu:
- Ngày mai Thơm đem sách xuống đổi nghen!
- Ừ. Nhưng Thơm nhớ xuống buổi sáng. Buổi chiều tôi không có ở nhà.
Thực ra tôi ở nhà suốt ngày, chẳng đi đâu sất. Nhưng tôi không muốn nhỏ Thơm ghé đổi sách vào buổi chiều. Buổi chiều, Nhạn và Dế hay về nhà bất ngờ. Chúng mà gặp nhỏ Thơm ở đó, bí mật của tôi sẽ bật mí ngay. Nhỏ Thơm đâu có biết mưu mẹo của tôi. Nó hiền lành đáp:
- Ừ. Sáng mai Thơm ghé!
Nhìn vẻ mặt thật thà của nhỏ Thơm, tôi cười thầm trong bụng. Nó khờ khạo không kém gì thằng Nhạn. Tôi phịa đến đâu, nó tin đến đó, không thắc mắc lôi thôi. Dường như dân quê ai cũng chất phác và cả tin, không ranh mãnh và tinh quái như người thành thị. Ví dụ như lúc này, người thành thị lại ngước cổ nhìn lên tán xoài xanh um, giả bộ xuýt xoa:
- Ôi, trái xoài vàng ghê!
Không đợi tôi gợi ý đến lần thứ hai, nhỏ Thơm sốt sắng nói:
- Để Thơm hái xuống cho!
Vừa nói, nhỏ Thơm vừa quày quả chạy lại lấy cây cù móc dựng sau hè. Sau một hồi khều khều, thọc thọc, nó hái xuống không chỉ một mà tới năm trái xoài chín mọng. Rồi nó giúi tất cả vào tay tôi:
- Cho anh đó!
Tôi sướng rơn trong bụng, nhưng vẫn làm bộ hỏi:
- Tôi lấy làm gì nhiều vậy?
- Thì đem về nhà ăn!
- Trời đất!
Sau khi kêu trời một tiếng cho ra vẻ, tôi vội vã nhét xoài vào túi. Hai túi quần hai trái. Túi áo một trái. Còn hai trái cầm tay. "Bố trí" đâu vào đó, tôi nhìn nhỏ Thơm, cười ruồi:
- Tôi về nghen!
Nhỏ Thơm có vẻ sững sờ trước sự giã từ đột ngột của tôi. Chắc nó tưởng tôi lên đây là để chơi với nó. Nó đinh ninh tôi sẽ ở lại lâu lâu. Nào ngờ bỏ túi xong mấy trái xoài, tôi vội vã kiếu từ.
Ánh mắt nhỏ Thơm lộ vẻ buồn bã. Nhưng nó chẳng nói gì. Nó chỉ gật đầu:
- Ừ, anh về.
Nhỏ Thơm còn tỏ ý đưa tôi tới chỗ hàng rào. Nhưng tôi lật đật từ chối:
- Thôi, Thơm vào nhà đi!
Rồi thấy nó cứ đứng chôn chân tại chỗ nhìn theo, tôi làm mặt giận:
- Thơm mà không quay vào, ngày mai tôi không cho mượn sách nữa đâu!
"Đuổi" được nó rồi, tôi mới yên tâm và thong thả quay ra. Nhạn đang lấp ló ngoài hàng raòm nhỏ Thơm đi theo, rủi bắt gặp thì khốn.
Dĩ nhiên, Nhạn đón tôi bằng vẻ mặt của người vừa từ cung trăng rớt xuống. Nó nhìn những cái túi căng phồng và hai trái xoài to tướng trên tay tôi bằng đôi mắt tròn xoe:
- Anh nói sao mà bà La Sát hái xuống cho anh vậy?
Tôi nhún vai:
- Tao có nói gì đâu! Tao chỉ bảo tao khoái ăn xoài, thế là nó vội vàng hái xuống nộp cho tao!
Nhạn chớp mắt:
- Chỉ vậy thôi?
- Ừ, vậy thôi!
Chiến công của tôi đơn giản đến mức Nhạn đâm ra ngẩn ngơ. Nó chép miệng:
- Thế còn khi nãy anh nói gì với nó vậy?
- Khi nào?
- Lúc anh mới chui vào đó!
- À, à, - Tôi khịt mũi - Tao bảo là lần trước mày suỵt chó cắn tao, lần này tao lại chui vào xem mày có dám suỵt chó nữa không! Nghe tao đe, nó sợ xanh măt. Lúc con Đụp và con Hắc-Ín xồ ra, nó vội vã đuổi vào ngay!
Tới đây, Nhạn không thắc mắc nữa, mà trầm trồ:
- Anh chiến ghê!
Thấy Nhạn thắc thỏm khen, tự dưng tôi nổi hứng ba hoa:
- Tao có võ mà lại!
Nhạn nghệt mặt ra:
- Anh có võ?
- Chứ sao!
- Võ anh là võ gì vậy?
- Võ của tao hả? Võ tao là võ... Thiếu Lâm!
- Anh có võ sao hôm trước để tụi thằng Dư ném đất mù mắt?
Tự nhiên thằng Nhạn hỏi một câu trật búa khiến tôi nổi cáu. Tôi đâm xẳng giọng:
- Mày ngốc quá! Học võ là để đánh giáp lá cà chứ đâu phải để chơi trò ném đất! Tụi nó lại ném từ phía sau, có trời mà tránh!
Thấy tôi đỏ mặt như gà chọi, Nhạn không dám hỏi tới hỏi lui nữa. Nó cầm lấy trái xoài tôi đưa, vừa đi vừa tung hứng như tụi con gái chơi chuyền. Mãi tới tận nhà.

*

Tôi nói tôi có võ là để hù thằng Nhạn chơi. Không ngờ nó đi khoe tùm lum. Thằng Thể con ông Hai Đởm qua nhà dì tôi chơi cũng cốt để coi giò coi cẳng tôi. Sau khi quan sát bộ xương cách trí của tôi một hồi, nó nói nhỏ với Nhạn:
- Anh mày có võ sao tay chân giống cẳng gà quá vậy?
Nhạn bênh tôi:
- Võ nghệ ăn thua ở "miếng" chứ đâu phải ở chỗ mập ốm!
Trong chuyện đánh nhau, thằng Thể nổi tiếng là vua lì. "Tiếng tăm" của tôi chẳng hề khiến nó khiếp sợ. Nó bảo Nhạn:
- Rủ anh mày đánh nhau với tao đi! Xem thử ai thắng!
Nhạn nheo mắt:
- Mày không biết võ, làm sao đánh lại!
Thể hừ mũi:
- Tao cần quái gì võ! Không có võ, tao cũng đã cho khối đứa nhừ đòn!
Khi nghe Nhạn nhắn lại lời thách đấu của Thể, tôi muốn rởn da gà. Thằng Thể nổi tiếng đánh nhau, tụi thằng Dư còn ngán, gầy nhom như tôi, nó thụi một phát, chắc gãy be sườn. Nhưng đã lỡ mang tiếng là đệ tử nhà Thiếu Lâm, chẳng lẽ mở miệng xin thua. Tôi đành nói vòng vo:
- Bữa nay tao mệt lắm, không đánh nhau được đâu!
- Thì mai.
- Mai tao cũng còn mệt.
Nhạn ngu như bò. Nó chẳng hiểu tâm trạng của tôi lấy một tí ti. Nên lại nói một cách hồn nhiên:
- Mai mệt thì mốt đánh!
Biết không thể lùi hoài được, tôi nêu lý do mới:
- Dì Sáu mà biết tao đánh nhau, dì Sáu la chết!
- Mẹ không biết đâu. Mình đừng đánh nhau ở nhà. Mình kéo qua nhà anh Thoảng.
Anh Thoảng là cháu họ xa của dượng Sáu. Anh kêu dượng tôi bằng cậu, kêu dì tôi bằng mợ. Không anh em, mẹ mất sớm, phải nuôi ông bố già thường xuyên đau yếu, anh đi làm thuê cho những nhà khá giả trong làng.
Anh Thoảng công việc tất bật nhưng chiều nào tôi cũng thấy anh có mặt ở bãi đất trống bên kia suối, chơi đá bóng với bọn trai làng. Giữa tôi, Nhạn và Dế, xem ra anh Thoảng mến tôi nhất. Tình yêu mến của anh có xen lẫn sự nể trọng. Dưới mắt một anh nông dân làm thuê như anh Thoảng thì một cậu học trò chuẩn bị vào lớp Mười như tôi quả là một bậc trí thức không thể xem thường. Chính vì vậy mà vào những buổi chiều tôi theo Nhạn chạy xuống bãi đá bóng và đứng nhìn một cách thèm thuồng những cẳng chân đang huỳnh huỵch đuổi theo trái bóng được quấn bằng lá dứa kia, bao giờ anh Thoảng cũng tìm cách thỏa mãn niềm khao khát của tôi. Thường thì anh "đặc cách" cho tôi vào thay anh trong mười, mười lăm phút, bất chấp sự phản đối quyết liệt của đội nhà. Chỉ đến khi do mải mê tranh bóng, cái cẳng gà tong teo của tôi chạm vào một cái chân bằng sắt nào đó của phe đối phương, mà các cầu thủ trên sân đều trạc lứa tuổi hai mươi của anh Thoảng, xương cốt họ cứng cáp biết bao, thì tôi mới thất thểu quay ra ngoài rìa cỏ ngồi ôm chân xuýt xoa cho anh Thoảng vào thay.
Do mối giao tình của tôi và anh Thoảng như vậy nên thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà anh.
Phía bên kia ngõ trúc, đối diện với cổng nhà ông Hai Đởm là đường dẫn vào nhà anh Thoảng. Con đường hẹp, sâu hút, chạy dọc theo cái mương đầy cá lòng tong, hai bên toàn là dứa dại xen lẫn với những bụi chuối nước và đám mào gà lúc nào cũng lắc lư những bông hoa đỏ thẫm.
Nhà anh Thoảng nhỏ hơn nhà dì tôi, nhưng quạnh quẽ hơn. Anh suốt ngày đi làm, ông bố suốt ngày nằm chèo queo trên bộ ván bằng gỗ mít đã lên màu đen kịt, nhà cửa vắng tanh. Chỉ đến buổi tối, nhất là vào những đêm sáng trăng, lũ trẻ trong xóm kéo đến nhà anh và ùa ra vườn chuối phía sau chơi trò trốn tìm, trò bịt mắt bắt dê hoặc đánh trận giả thì không khí mới sinh động hẳn lên.
Khi Nhạn bảo tôi kéo qua nhà anh Thoảng, chính là nó nghĩ đến cái vườn chuối thân thuộc đó. Quả thật, địa điểm đó mà dùng làm chỗ đánh nhau thì không đâu hơn được nữa. Vì vậy, khi cái đầu óc đần độn của thằng Nhạn chết tiệt kia đã kịp nhớ tới cái vườn chuối sau nhà anh Thoảng thì tôi buồn bã hiểu rằng tôi chẳng còn cách nào để từ chối việc so tài với thẳng Thể.
Nhạn là chúa nhanh nhẩu. Tôi vừa gật đầu là nó vội chạy đi tìm thằng Thể háo hức báo tin. Trong khi đó, tôi lo sốt vó. Nhưng đã lỡ leo lên lưng cọp, tôi chẳng mong leo xuống được nữa. Tôi chỉ cầu cho thời gian kéo dài vô tận để cái ngày mốt tai ác kia chẳng bao giờ đến. Nhưng rồi ngày qua, đêm tới. Rồi lại một ngày một đêm nữa. Rồi thằng Nhạn thình lình xuất hiện bên cạnh tôi, hăm hở giục:
- Anh đi đi chứ!
Tôi rùng mình:
- Đi đâu?
- Đi qua nhà anh Thoảng chứ đi đâu! Sao anh mau quên quá vậy? Thằng Thể nãy giờ đợi anh bên đó!
- À, vậy mà tao quên béng đi mất!
Tôi giả vờ chép miệng và lồm cồm bò xuống khỏi phản, loay hoay xỏ dép rồi uể oải đi theo Nhạn.
Nhà anh Thoảng buổi trưa vắng tanh. Hẳn giờ này, lũ trẻ trong lành đang lẻn bố mẹ đi tắm suối hoặc xách ná thun rảo dọc các bờ tre. Trong vườn anh Thoảng, chỉ có tiếng chim rúc rích trên những buồng chuối sắp chín và thỉnh thoảng, mỗi khi có một làn gió nhẹ thổi qua, những tàu lá chuối lại quét lên không trung những nhát xào xạc.
Đúng như đề nghị của tôi, trận so tài diễn ra một cách lặng lẽ. Ngoài Nhạn, tôi chỉ đồng ý có thêm anh Thoảng. Anh Thoảng sẽ làm trọng tài. Tôi nói với Nhạn tôi không muốn bọn trẻ con trong làng đến xem tôi trổ tài, sợ bọn chúng học lóm những ngón nghề bí truyền của tôi. Nhạn tin ngay. Nó không biết là tôi sợ mất mặt trước đám đông.
Khi Nhạn dẫn tôi đến, anh Thoảng và thằng Thể đã đợi sẵn ngoài vườn chuối. Thằng Thể ngày thường nom đã to con, bây giờ nó cởi trần trùng trục, trông càng phát sốt. Nó vạm vỡ cứ như ông hộ pháp. Không dám nhìn nó, sợ mất tinh thần, tôi bèn ngó bâng quơ lên những tàu lá xanh.
Nhưng Thể chẳng tha tôi. Nó liếc tôi, giục:
- Đánh nhau bây giờ chứ?
Tôi liếm môi:
- Ừ thì bây giờ.
- Vậy anh cởi áo ra đi!
- Khỏi cần! Tao mặc áo đánh nhau cũng được!
Tôi nói cứng nhưng bụng đã run lắm. Tôi không dám cởi áo vì sợ đối thủ chế giễu lồng ngực xẹp lép của tôi. Tôi đứng trước mặt Thể, xăn tay áo múa vài đường quyền bắt chước trong phim võ hiệp. Thể nhìn lom lom, mặt không giấu vẻ hoang mang. Tôi càng khoái, lại múa may tợn.
Anh Thoảng dặn:
- Không được đánh vào đầu và hạ bộ nghe chưa! Đứa nào phạm luật kể như thua!
Nói xong, anh bước lui một bước và hô to:
- Rồi! Bắt đầu!
Tôi càng ra sức hoa tay múa chân. Tôi hy vọng trước những trò lếu láo của tôi, Thể sẽ không dám xông vô.
Thể chần chừ thật. Nó thu hai nắm tay lại nhưng vẫn đứng yên tò mò quan sát.
Tôi liếc nó và co chân lên, hai cánh tay xuôi ra sau lưng.
- Thế gì vậy? - Thể chớp mắt hỏi.
Tôi đáp, vẫn không đặt chân xuống:
- Thế na`y hả? Đây là thế "đại bàng quá hải"! Địch thủ nhào vô là bị vồ liền!
Rồi như thấy thế "đại bàng quá hải" vẫn chưa đủ sức làm cho đối thủ khiếp sợ, tôi liền chụm năm ngón tay lại chĩa ra phía trước, cánh tay cong gập lại như cổ cò. Lần này, không để cho Thể kịp hỏi, tôi hùng hổ thuyết minh liền:
Đây là đòn "nhất dương chỉ"! Mày nhào vô là tao "mổ" mù mắt!
Nghe vậy, Thể vội vàng nheo mắt lại. Nhưng rồi thấy tôi cứ đứng tại chỗ khoe mẽ, chẳng tỏ vẻ gì sắp sửa tấn công, nó khẽ liếm môi và bắt đầu di động. Nó đi vòng vòng quanh tôi, mắt láo liên lựa thế.
Vẻ mặt lì lợm của Thể khiến tôi phát hoảng. Nhưng chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải thấp thỏm quay người theo hướng di chuyển của nó.
Sự lặng lẽ giữ miếng và ánh mắt gườm gườm của hai đối thủ khiến bầu không khí mỗi lúc một căng thẳng, nặng nề. Vừa chậm chạp quay người, tôi vừa đảo mắt nhìn ra ngoài. Anh Thoảng khoanh tay đứng dựa gốc chuối, môi nở một nụ cười kín đáo. Thằng Nhạn thì mắt căng tròn, môi mím chặt, hệt như những người đứng xem đá gà.
Thể chẳng buồn trông ngang liếc ngửa như tôi. Ánh mắt nó dán chặt vào người tôi như thể một cây kim bị hút bởi nam châm.
Rồi đang lừ lừ tiến về bên phải, bất thần nó quay ngoắt người lại phía trái khiến tôi hốt hoảng quay theo. Nhưng Thể ranh như chồn tinh. Tôi vừa đảo người, chưa kịp đứng vững, nó đã ngoặt về bên phải một lần nữa và nhảy bổ vào tôi từ bên hông.
Trong nháy mắt, Thể đã tóm chặt hai chân tôi, kéo mạnh. Tôi chưa kịp tung đòn "nhất dương chỉ" đã buột miệng kêu "oái" một tiếng, đầu đập xuống đất một cú như trời giáng. May mà vườn chuối nhà anh Thoảng nhiều đất cát, nếu không tôi đã bị u đầu chảy máu rồi.
Nhưng Thể vẫn chưa chịu thôi. Nó nhảy lại tính nằm đè lên cái thân hình còm nhom của tôi khiến anh Thoảng phải lên tiếng can thiệp:
- Thôi, đủ rồi!
Nghe vậy, Thể lật đật lui ra. Trong khi đó, tôi lồm cồm ngồi dậy, áo quần nhem nhuốc, mặt đỏ như gấc chín.
- Đánh nữa chứ? - Thể hào hứng hỏi, nó đã hết ngán những trò múa may của tôi.
Tôi phủi bụi trên áo rồi lắc đầu:
- Thôi, tao không đánh nhau nữa đâu!
Cuộc so tài giữa con nhà Thiếu Lâm với một người không biết võ đã diễn ra ngắn ngủi và kết thúc chóng vánh như thế, trong nỗi sượng sùng của tôi.
Trên đường về, tôi lầm lũi đi bên cạnh Nhạn, không nói một câu. Nhạn cũng chẳng buồn mở miệng. Nó buồn lây nỗi buồn của tôi.
Mãi đến khi về gần tới nhà, Nhạn mới rụt rè lên tiếng:
- Sao khi nãy anh thua lẹ quá vậy?
- Sáng nay tao trúng gió sổ mũi quá trời, mày không thấy sao?
Tôi vừa đáp vừa liếc Nhạn. Dòm ánh mắt nó, tôi biết lần này nó chẳng tin lời tôi lấy một mảy may.

*

Sau lần đó, anh Thoảng tìm gặp riêng tôi.
- Chương không biết võ sao còn đánh nhau với thằng Thể làm chi? - Anh mỉm cười hỏi.
Thoạt đầu tôi lúng túng định chối quanh. Nhưng rồi thấy nói dối coi bộ không êm, tôi đành phải ngượng nghịu khai thật mọi chuyện.
Nghe xong, anh Thoảng gật gù:
- Ra là vậy!
Rồi anh nhẹ nhàng cầm lấy cánh tay gầy guộc của tôi, dịu dàng nói:
- Nếu Chương muốn học võ, anh sẽ chỉ cho Chương.
Tôi trố mắt:
- Anh chỉ?
- Ừ.
- Anh biết võ?
Anh Thoảng cười hiền lành:
- Không biết làm sao chỉ cho Chương được!
Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Anh học võ ở đâu vậy? Ở thôn quê đâu có võ đường?
- Anh học ở ba anh.
Tôi liếm môi:
- Võ thiếu lâm hả?
Anh Thoảng lắc đầu:
- Không! Võ ta!
Rồi anh nói, giọng buồn buồn:
- Ba anh là một người rất giỏi võ. Những năm trước đây, ông rất khỏe mạnh, nhưng từ ngày mẹ anh mất, ông buồn, sinh ra tật uống rượu. Uống riết, bây giờ bị sưng gan.
Kể từ hôm đó, tôi lén lút học võ với anh Thoảng. Bọn trẻ trong làng lắm đứa đến năn nỉ anh nhưng anh không dạy. Anh sợ bọn trẻ biết võ càng sính đánh nhau. Anh chỉ dạy riêng tôi. Một phần do anh mến tôi, phần khác thấy tôi ốm yếu, anh muốn tôi học vài bài quyền để rèn luyện thân thể.
Tôi học võ với anh Thoảng vào những buổi trưa. Đợi cho Nhạn và Dế ngủ say hoặc đi đâu vắng là tôi tót qua nhà anh.
Anh dẫn tôi ra vườn chuối, bắt tôi tập hít đất. Rồi anh bắt tôi ngồi xếp bằng, luyện độ dẻo của cổ tay. Tôi phải vặn vẹo cổ tay hằng trăm cái trước sự theo dõi của anh. Rồi tôi phải hì hục tập các thế tay.
Mấy ngày sau, anh ráp các thế lại thành một bài tập liên hoàn. Đó là bài tập luyện gân. Anh bảo đi xong một bài luyện gân thì đứng giữa trời rét cũng không thấy lạnh.
Muốn tập bài luyện gân, phải đứng theo thế trung bình tấn. Anh Thoảng bảo tôi xoạc chân bằng hai vai, rùn đầu gối xuống và giữ lưng cho thật thẳng. Anh Thoảng làm ngó dễ ợt nhưng không hiểu sao tôi tập hoài không được. Tôi "trung bình tấn" một hồi, thế nào đầu gối cũng run run và từ từ sụm xuống. Lúc giữ được cặp chân thì cái đầu lại chúi về phía trước.
Thoạt đầu, anh Thoảng còn giữ thăng bằng giùm tôi. Sau một hồi, thấy vất vả quá, anh bảo tôi dựa lưng vô gốc chuối mà tập.
Khi tôi "đi" thuần thục bài luyện gân, anh Thoảng bắt đầu dạy tôi các bài quyền bao gồm các thế đánh đỡ. Trưa này qua trưa khác, tôi say sưa quần thảo với các đối thủ tưởng tượng trong vườn chuối sau hè nhà anh Thoảng. Tôi mường tượng các thân chuối là địch thủ, đấm nhói cả tay.
Chuyện tôi học võ với anh Thoảng không giấu giếm lâu được. Một hôm, Dế níu tay tôi, gặng hỏi:
- Trưa nào anh cũng đi học võ phải không?
Tôi giật thót và vội vàng chối biến:
- Đâu có!
Dế cười:
- Anh đừng chối! Em biết hết! Anh học võ với anh Thoảng!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao mày biết?
- Trưa hôm qua, lúc anh lẻn ra khỏi nhà, em len lén chạy theo. Em rình em thấy hết.
Tôi đặt tay lên vai Dế:
- Em đừng kể với ai nghen!
- Ừ.
Dế ngoan ngoãn gật đầu. Rồi nó vụt hỏi:
- Anh biết võ rồi, còn học võ chi nữa?
Hóa ra Dế chưa biết chuyện tôi bị thằng Thể cho "nằm đất". Câu hỏi bất ngờ của nó khiến tôi lúng túng mất mấy giây mới trả lời được:
- Tao hả? Tao chỉ biết võ Thiếu Lâm thôi! Bây giờ tao học thêm võ ta!
Dế chẳng để ý đến vẻ bối rối của tôi. Nó lại hỏi:
- Võ ta "chiến" hơn võ Thiếu Lâm không?
- "Chiến" hơn! Mà mày hỏi chi vậy?
Dế không đáp mà lại hỏi:
- Anh học tới đâu rồi?
Tôi không hiểu:
- Tới đâu là sao?
Dế khịt mũi:
- Là đánh nhau ngon lành chưa?
Tôi cung tay lại, vênh mặt:
- Khỏi hỏi! Bây giờ mình tao dư sức chấp mười thằng Thể!
Nói xong tôi bỗng giật nảy người. Tôi nhận ra mình vừa nói hớ. Từ hôm đó đến nay, trận so tài với Thể vẫn không ngớt ám ảnh tôi. Nhưng Dế chẳng khám phá ra tâm sự u uẩn của tôi. Nó nhún vai:
- Anh Thể phe mình, đánh nhau với ảnh làm chi! Anh có ngon thì "đụng" với tụi xóm Miễu kìa!
Tôi liếm môi:
- Tụi thằng Dư hả?
- Ừ. Hôm trước tụi nó ném anh suýt mù mắt, anh phải phục thù!
Dế chơi đòn khích tướng. Tôi nóng máu ngay:
- "Đụng" thì "đụng", sợ gì!