Bước vào tòa cao ốc, Nguyên Du chỉ ước cả đời đừng bao giờ đặt chân đến những nơi ngất ngưởng thế này. Độ cao luôn làm cô sợ hãi. Sáng nay mẹ có buổi hội thảo và hẹn cô đến. Dù không nói rõ nhưng Nguyên Du đoán sẽ được bạn hoặc người quen của mẹ phỏng vấn trong giờ giải lao của hội nghị. Chỉ mang tính thủ tục trước khi nhận mình vào làm việc, cô nghĩ thầm. Nó sẽ không giống với những cuộc phỏng vấn mà Nguyên Du trải qua và có kinh nghiệm vì đồng nghiệp, bạn bè của mẹ đều là những người dễ mến. Với họ sự thiếu vắng đàn ông trong gia đình cô luôn là yếu tố khiến những việc bình thường được nâng lên như những thành tựu đáng kinh ngạc. Không ít lần họ tấm tắc khen ngợi những ưu điểm mà Nguyên Du thấy nhỏ bé thậm chí xa lạ với mình. Lợi thế ban đầu không làm cô thích thú nhưng nếu không tận dụng nó cô lại tiếp tục mòn gót cho các buổi phỏng vấn. Nguyên Du sốt ruột nhìn đồng hồ, đã trễ mười lăm phút. Thang máy đủng đỉnh đi lên, tầng mười tám, cô vọt ra ngoài. Một quán bar? Không, với diện tích rộng và đủ các loại hình giải trí dành cho giới thượng lưu, nó giống câu lạc bộ hơn. Chà, đại khái đến thế này là cùng. Tốt, không khí ăn chơi sẽ làm cho buổi phỏng vấn nhẹ nhàng hơn. Đẩy cửa bước vào, Nguyên Du nhẹ nhõm vì bên trong vắng hoe, chỉ dăm người đàn ông túm tụm quanh bàn Billard ở cuối phòng. Bên kia ngăn cách bởi lớp kính dày là sàn bowling, ở ngoài là sân tập golf. Nguyên Du chọn chiếc bàn cạnh cửa sổ. Sau khi ngồi xuống và quan sát khắp lượt, cô nghĩ ở cuối phòng thì tốt hơn vì từ vị trí này có thể trông thấy tất cả những ai bước vào. Vài ánh mắt ngẩng lên khi Nguyên Du đến gần. Đặt bộ hồ sơ lên bàn, bày biện một chút, tạo cho mình dáng ngồi như đã đến từ lâu. Yên tâm, Nguyên Du gọi tách cà phê và thong thả nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Ở đây chẳng có gì gợi sự chú ý của cô ngoài những người đàn ông đang vây quanh chiếc bàn Billard. Họ chơi hào hứng, điệu nghệ, nặng tính trình diễn hơn là ăn thua. Trông cũng thú vị, vừa cầm cơ đi loanh quanh vừa bàn bạc công việc. Chỉ nghe nội dung câu chuyện tưởng như họ ngồi trong phòng họp đang thảo luận, cân nhắc từng từ của bản hợp đồng vậy. Lơ đãng nhìn mấy viên bi, Nguyên Du lại thấy chúng giống mình, chỉ lăn tròn khi có viên khác chạm vào. Thái độ sống như vậy có được xem là tích cực không nhỉ? Kể từ ngày ấy, như một thỏa thuận ngầm, mẹ và cô không nhắc đến cha, ngày sinh nhật và cả người đàn ông hôm nọ nhưng cả hai đều biết vấn đề chỉ xếp lại khi được giải quyết rạch ròi chứ không phải bỏ lơ lửng theo kiểu đó. Hớp một ngụm cà phê, cô bồn chồn nhìn ra cửa. Hơn 40 phút rồi, người gì mà... Nguyên Du chợt giật thót... hay họ bỏ đi trong khoảng thời gian cô đến muộn. Nghĩ ngợi một lúc, Nguyên Du quay sang trách móc mình đủ điều. Có phải là lần đầu tiên đi phỏng vấn đâu, những lần trước cô đều đến sớm, ngồi đợi hàng giờ, cân nhắc từng câu trả lời, lo lắng vì cái nhíu mày hay lắc đầu vu vơ của người đối diện. Lần này... tệ thật, cô đánh giá mình quá cao hay chủ quan vì những mối quan hệ của mẹ. Vốn là người nghiêm túc bà sẽ giận lắm đây. Cánh cửa mở ra, Nguyên Du nhổm lên rồi thất vọng ngồi phịch xuống. Cô vẫy tay ra hiệu người phục vụ đến gần. - Xin lỗi, tôi có cuộc hẹn cách đây gần một giờ. Anh có trông thấy một phụ nữ, à không, có thể là một người đàn ông... anh ta, à người này - Nguyên Du lúng túng, ngay cả tên cô cũng không biết vì nghĩ rằng có ai đó đang chờ sẵn để trao công việc cho mình bằng hai tay. Nguyên Du lắc đầu - Xin lỗi anh, tôi nghĩ không cần... - Anh ấy bảo chị chờ một chút. - Dạ? Người phục vụ kiên nhẫn lặp lại: - Anh ấy bảo chị vui lòng chờ một chút. Nguyên Du ngơ ngác. Cô nhìn quanh quất. Người phục vụ hất đầu về phía mấy gã đàn ông. Một người trong số họ mỉm cười với Nguyên Du. Cô vội vã hưởng ứng ngay. Nụ cười nở ra trong hoàn cảnh này không khác cái kiểu hề hề của mấy "gã nô tài" với hàm râu mọc ngược và cái lưng cong vòng. Nguyên Du ghét mình thậm tệ. Cô thường căng thẳng, hồi hộp trong các buổi phỏng vấn nhưng ngớ ngẩn thế này thì chưa. Cái kiểu vừa rồi chứng tỏ người này đã trông thấy mấy cái trò trẻ con của cô. Nguyên Du ngồi thẳng lên. Họ ngừng chơi, đứng rải rác tại quầy gọi thức uống sau đó lần lượt ra cửa. Cô đoán họ làm việc quanh đây. Đi về phía Nguyên Du là một người khác, không phải người mỉm cười ban nãy. Vừa rửa tay xong, anh ta đang cẩn thận dùng khăn lau từng ngón một rồi dừng lại trước bàn nhưng không nhìn cô. Nguyên Du đứng dậy: - Chào anh, tôi tên là Nguyên Du. Xin lỗi vì đã đến trễ. Đút chiếc khăn vào túi, phải đến vài chục giây sau anh ta mới ngẩng lên, chậm rãi: - Tôi nghĩ cô có lý do khi làm việc này. Không phải lối nói thông thường, người này đang ám chỉ mẹ cô. Nguyên Du bình tĩnh trả lời. Anh ta sẽ thất vọng khi không nhìn thấy những điều mà anh ta đoan chắc sẽ nhìn thấy. - Vì không biết nơi này có tầng hầm nên tôi loanh quanh bên ngoài tìm chỗ gởi xe. Nói thế nào thì đây cũng không phải là lý do để được thông cảm. Tôi đành nhận điểm trừ và nói lời xin lỗi vậy. Thái độ nhún nhường của cô là thái độ của người đến trễ mười lăm phút chứ không phải là người đã sốt ruột chờ hơn nửa giờ. Nắm lấy bàn tay đang chìa ra trước mặt, khác với suy nghĩ của anh, những cái bắt tay kiểu này thường hờ hững, lỏng lẻo hoặc kiểu cách, đởm dáng rặt mùi xã giao vì thế anh bất ngờ khi nhận được cái bắt tay chặt, dứt khoát như của một người đàn ông nhưng những gì tỏa ra lại rất phụ nữ. Cái nhìn thẳng, tự tin, kiêu ngạo hấp dẫn anh hơn dáng vẻ khiêm tốn bên ngoài. Chà, một chú ngựa non háu đá, để xem nó tung vó thế nào đây. - Mời cô ngồi. - Cám ơn anh. Nguyên Du vờ không nhận ra người này chẳng buồn thực hiện nghi thức xã giao ở mức tối thiểu là giới thiệu tên mình. Có vẻ như anh cố ý làm thế. - Tôi đã xem qua hồ sơ của cô. Hiện nay chúng tôi đang tìm ứng viên phù hợp cho các vị trí còn trống. Cô không nói rõ mình dự tuyển vào vị trí nào nên khó khăn của chúng tôi là phải tìm ra điểm tương thích giữa cô và công việc nào đó. Hồ sơ tạo được ấn tượng tốt nhưng kinh nghiệm của tôi là đừng vội tin vào thành tích ghi trong đó vì thường chúng không phản ảnh đúng thực tế. Tôi nói như vậy có làm cô có phật ý không? Mắt người này nhỏ quá, bằng một phần ba mắt của Bin. Lúc anh ta nhìn xuống nó chỉ là một vệt đen nhánh nằm vắt ngang gương mặt. Lúc này đôi mắt ấy đang nhìn thẳng vào Nguyên Du thoáng vẻ cười cợt trong khi gương mặt anh ta hoàn toàn nghiêm túc. - Không đâu. Sự dè dặt của anh rất hữu lý nhưng cái thực tế mà anh vừa nói không thể bó hẹp trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn, dù tôi chắc chắn mình sẽ thể hiện được điều gì đó để thuyết phục anh tin rằng thành tích ấy chính là thực lực của tôi. Anh ta gật gù. Nếu ở người khác hành động này là tín hiệu khả quan còn ở anh ta thì Nguyên Du không dám chắc. - Đúng là cô đã thể hiện được điều gì đó khi tỏ ra kiên nhẫn và thẳng thắn thế này. Cũng khá thú vị, vì từ trước đến giờ theo hiểu biết của tôi thì thế giới này tràn ngập những người phụ nữ thích nói quanh co. Nguyên Du nheo mắt, không giống một buổi phỏng vấn càng không giống những gì cô tưởng tượng. Có vẻ như anh ta bị ép buộc nên đang tìm mọi cách đánh rớt ứng viên bất đắc dĩ này. Nguyên Du đeo găng vào và quyết không thua. - Anh đừng lo, vòng vo vốn không phải là sở trường của tôi. Tôi có thể bỏ qua lời nói đầu và cả nội dung bên trong để đi ngay đến trang cuối cùng hay nói chính xác là dòng cuối cùng. - Tốt lắm. Tôi muốn xem lại hồ sơ - - Anh cầm lấy nhưng không mở ra - Cô có thể nêu một vài lý do để chứng tỏ việc chúng tôi chọn cô là quyết định đúng và hợp lý không? - Tôi sẽ làm theo yêu cầu này bằng cách chứng minh việc anh không tuyển dụng tôi là hoàn toàn sai lầm. Với người này, lời giới thiệu của mẹ cô không phải là lợi thế nếu không muốn nói là yếu tố bất lợi. Nguyên Du đã học được cách mỉm cười ra vẻ tự tin. Còn anh, sau cái bắt tay bỗng có cảm giác mình mới là người đi xin việc và cố làm mọi cách để không bị từ chối. Anh đã đánh đu với may rủi khi sử dụng cách này, may mà cô không quay ngoắt đi. Nguyên Du đang nhấn mạnh những ý cuối: -... tôi không rõ anh đánh giá thế nào về những lý do mà tôi đã nêu ở trên. Có thể với anh tất cả những điều này cộng lại không quan trọng bằng cái lý do mà tôi sắp nói ra đây. Đó là, tôi rất cảm kích khi được anh nhận lời gặp với tư cách là một ứng viên dù không phải vì những thành tích mà tôi đã ghi trong hồ sơ mà vì một mối quan hệ nào đó. Sai lầm lớn nhất của anh khi không tuyển dụng tôi chính là làm hỏng đi mối quan hệ này. Tôi nói thế có làm anh phật ý không? Đôi mắt người này trong trẻo quá cứ như tấm gương phản chiếu trung thực những gì cô nghĩ vậy. Nét trong trẻo mà người khác có thể dánh đồng với sự non nớt nhưng anh biết rõ đó không phải là dấu hiệu Nguyên Du chỉ trông thấy bề mặt của vấn đề. Cô hiểu tường tận những thứ ngoắt ngoéo bên trong mà người ta đặt tên là sự tế nhị. Anh thích nét rạch ròi trong tính cách ấy. Nguyên Du hạ giọng: - Nói thật với anh, tôi chẳng thấy thú vị chút nào. Nguyên tắc của tôi là luôn cho người khác một chỗ để lùi lại. Trong mọi việc tôi đều giữ và tôn trọng nguyên tắc này. - Có nhiều cách giải quyết cũng như duy trì một mối quan hệ vì thế tôi sẽ chọn giải pháp nào mà tôi thấy thoải mái nhất. Tôi không quen lùi lại nên chẳng quan tâm đến khoảng trống phía sau lưng - Anh mỉm cười nhưng nét thân mật hiếm hoi ấy cũng tắt ngay như thể cơ mặt anh không quen với hành động này - Cô nghĩ thế nào về công việc của một thư ký. Không phải gò lưng gõ những gì người khác soạn sẵn đâu, tôi đang nói đến vị trí của một thư ký điều hành. Ở vị trí này, tầm hoạt động của cô rất rộng vì phải đảm trách các công việc lớn, nhỏ khác nhau. Thư ký điều hành được xem là người phát ngôn, người giúp việc thân cận cho cấp quản lý cao nhất đồng thời là gạch nối giữa họ với nhân viên trong công ty. Vì chưa có kinh nghiệm nên để làm tốt công việc này cô cần được hướng dẫn từng bước và phải thực tập ở vị trí thấp hơn trong khoảng thời gian nhất định. Cô có vấn đề gì không? Nguyên Du lắc đầu: - Không, có lẽ đã trải qua nhiều lần phỏng vấn nên tôi dị ứng với một thứ có tên là kinh nghiệm, cứ loanh quanh như câu chuyện con gà và quả trứng vậy. Anh không hưởng ứng chỉ lắng nghe sau đó nói tiếp như mạch chuyện không hề bị cắt ngang. Cô thấy ngượng vì câu nói gần như chỉ trích của mình. Thật vô duyên. - Nếu được tiếp nhận, trưởng phòng nhân sự sẽ cho cô biết cụ thể hơn về công việc của mình. Tất nhiên những điều tôi vừa nói chưa phải là quyết định chính thức. - Tôi hiểu. Nếu được tuyển dụng, tôi sẽ xem đây là kết quả việc anh đánh giá đúng năng lực của tôi chứ không phải vì một lý do nào khác - Nguyên Du nhìn thẳng vào mắt anh - Có phải vậy không? Anh gật gù với vẻ hài hước: - Dĩ nhiên rồi. Tôi sẽ báo ngay với bà Quỳnh Thy khi có quyết định chính thức. Nguyên Du lắc đầu và nhẫn nại giải thích như trước mặt cô là một đứa trẻ bướng bỉnh không chịu hiểu vậy: - Không. Anh vui lòng thông báo đến tôi theo địa chỉ và số điện thoại ghi trong hồ sơ. Cảm ơn. Nét mặt của Nguyên Du khiến anh buồn cười. Có thể chỉ là vẻ bề ngoài nhưng cách thể hiện của cô khá thuyết phục. Nguyên Du kiên quyết phủ nhận sức ảnh hưởng từ mẹ cô trong khi anh lại vì điều này mà đến đây và đã nghĩ rằng nếu anh đồng ý tuyển cô thì hơn phân nửa cũng vì nó. Đẩy tập hồ sơ về phía Nguyên Du, theo thói quen anh nói vài lời khép lại buổi phỏng vấn mà quên khuấy đây không phải phòng làm việc của mình. - Chúng tôi sẽ thông báo với cô ngay khi có thể. Cảm ơn vì cô đã đến. Trước dấu hiệu kết thúc đó Nguyên Du vẫn ngồi yên. Đây là quán bar, tách cà phê trên bàn là do cô gọi, không phải anh mời. Dù nghiêng người rất lễ phép nhưng thái độ Nguyên Du ngầm nhắc nhở người đứng lên lúc này không thể là cô. - Vâng, cảm ơn anh. Đằng sau tách cà phê che nửa gương mặt là đôi mắt ranh mãnh đang chờ xem anh sẽ phản ứng thế nào. Nguyên Du thấy tiếc vì đúng lúc này điện thoại reo. Chớp lấy cơ hội, anh ta nhanh nhẹn đứng lên kèm theo cái nhún vai đắc ý. Nán lại một lúc chờ người đàn ông đi khỏi Nguyên Du mới lững thững xuống tầng dưới. Cô mỉm cười khi nhân viên tiếp tân lịch sự cúi chào. - Hội thảo sắp kết thúc chưa ạ? - Dạ, nếu chương trình không thay đổi thì bảy phút nữa đến giờ giải lao. Tôi có thể giúp gì cho chị? - Không, cảm ơn - Nguyên Du chỉ vào căn phòng có treo nhiều tranh ảnh như một gallery thu nhỏ - Tôi có thể vào xem được không? - Dạ, mời vào. Không có bóng dáng của ngôn ngữ đời thường, suốt ngày cứ phải cẩn thận đến từng lời thế này chắc là mệt lắm. Nguyên Du nghĩ vẩn vơ khi ngắm nghía nụ cười tươi tắn của nhân viên tiếp tân. Trong phòng trưng bày khá nhiều tranh hầu hết là tranh chép từ những kiệt tác của các danh họa xen kẽ với các bức thư pháp. Ở các góc nhà đặt những chiếc bình lớn, họa tiết đẹp, tinh xảo đầy chất phương Đông, Nguyên Du bâng khuâng nhớ đến một người. Cô trôi theo chiều dài của căn phòng, mắt vẫn chăm chú dán vào những bức tranh treo trên tường nhưng tâm trí ở tận đâu đâu nên không nghe thấy tiếng ồn từ bên ngoài. Vài người bước vào phòng lơ đãng nhìn quanh như một cách giết thời gian. Sự hiện diện của họ khiến Nguyên Du sực tỉnh. Bà Quỳnh Thy trông thấy con gái từ xa. Nhiều người ngoái lại nhìn nhưng không chú ý, nó đi thẳng đến bà và không giấu được vẻ ngạc nhiên khi trông thấy ông Vĩnh Triết và cả người đàn ông ban nãy. Cô chưa chuẩn bị cho cuộc hội ngộ sớm thế này. Anh ta đang nhướng mày nhưng không phải vì ngạc nhiên. Bà kéo tay Nguyên Du, cô đứng thừ ra quên cả chào. Hai người đàn ông này có nét gì đó rất giống nhau. - Con chờ mẹ có lâu không? - Dạ không ạ. Cúi chào cả hai, cô không rời mắt khỏi họ. Bà Thy mỉm cười: - Để mẹ giới thiệu với con, đây là con trai của bác Triết, Lâm Tường. Hai người đã làm quen với nhau phải không? Lúc này người của ban tổ chức đến gần cắt ngang câu chuyện nên ngoài Lâm Tường không ai trông thấy sau lời giới thiệu mắt Nguyên Du tối lại. Cô nhếch môi, phỏng vấn chỉ là trò trẻ con, với mối quan hệ này dù là một con ngốc cô cũng được tuyển vào kia mà. Anh Lâm Tường gì đó đang nhìn cô với vẻ vô can. Xem ra anh ta cũng miễn cưỡng tham gia cái trò này. Cùng hội cùng thuyền, à không, cùng cảnh ngộ chứ, lẽ ra anh ta phải đồng cảm hơn là không ưa cô ra mặt thế kia. Dù sao Nguyên Du cũng có lý do để thông cảm với anh ta nhưng Lâm Tường khước từ bằng cách phớt lờ ánh mắt cô. Nguyên Du nhún vai quay đi. Lâm Tường ngạc nhiên vì trong một thoáng nét sinh động trên gương mặt ấy biến mất thay vào đó là vẻ trầm tư, chịu đựng và cả nét buồn phảng phất. Anh đoán đây là kết quả của cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt và thấy tội nghiệp cho cái tính ích kỷ rất đàn bà. Họ thường như vậy khi bị buộc phải chia sẻ người mình yêu quý với ai đó. Lần này Lâm Tường giành quyền chủ động, anh đến gần chìa tay ra: - Ở vai trò này tôi nghĩ chúng ta cần làm quen lại với nhau. Nguyên Du hờ hững: - Tôi lại nghĩ với mối quan hệ này anh đã quá dè dặt khi nói với tôi những lời hứa hẹn ban nãy trong khi đúng như kịch bản anh phải đồng ý ngay. Liệu anh có rạch ròi và khách quan như cách anh thể hiện không? Lâm Tường bật cười, người này cố chấp thật. Nhìn thẳng vào cô, anh không rút tay về: - Em mong tôi rạch ròi và khách quan hả? Điều này đâu có lợi gì cho em? Nguyên Du cười nhạt: - Đây là lời đánh giá trung thực nhất về năng lực của tôi phải không? Xem ra chẳng cần chờ đến quyết định của anh tôi đã nhận được câu trả lời. Còn nữa, tên tôi là Nguyên Du, anh gọi thế nào cũng được nhưng tốt nhất là cứ giữ nguyên như lúc nãy. Đừng gọi bằng em vì tôi không thích cảm giác bị trói vào cái mối quan hệ bùng nhùng này. Lâm Tường trố mắt. Thật khó tưởng tượng một người dịu dàng, tinh tế như bà Quỳnh Thy lại có cô con gái quá quắt khó ưa đến vậy. Và bất ngờ hơn khi cô ngắm nghía bàn tay đang chìa ra của anh. Lâm Tường cười cợt: - Đó không phải là hình thức xã giao thông thường, nó là lời hứa dành cho cô: tôi sẽ đứng bên ngoài và làm một quan sát viên. Thú thật tôi cũng không thích bùng nhùng những thứ không cần thiết bùng nhùng thế này. Vẫn chưa tin à? Để chứng minh cho sự thành thật và vô tư của mình, tôi có thể bỏ qua những yếu tố cần phải cân nhắc để quyết định nhận cô vào làm việc ngay. Sở dĩ tôi không làm điều này sớm hơn không phải vì năng lực của cô có vấn đề mà nói thật tôi sợ cái tính nhập nhằng của phụ nữ. Để xem nào... vì không thích mối quan hệ giữa những người lớn với nhau nên cô không ưa cha tôi, ánh mắt của cô đang chứng tỏ cô cũng chẳng ưa gì tôi trong khi tôi... - Anh tắc lưỡi - Đây mới chính là lý do mà tôi thấy dè dặt. Đúng là trước khi Lâm Tường nói những lời này Nguyên Du đã nhìn anh bằng cái nhìn chẳng chút thiện cảm thậm chí tức giận trong khi cô biết rõ anh là người vô can. Đáng sợ hơn là những tia nhìn này lại được phóng ra từ đôi mắt rất to có cái đuôi dài và xếch ấy. Có vẻ như cô biết rõ tác dụng của nó nhưng với Lâm Tường chỉ những gã đàn ông nhát gan hoặc yếu bóng vía mới sợ bóng gió cái nhìn ấy. Căn cứ vào diễn biến câu chuyện anh nghĩ lúc này nó sẽ long lên nhưng thật bất ngờ Nguyên Du cúi xuống. Một cái chớp nhẹ làm hàng mi dày lay động như cánh bướm. Lâm Tường chìa tay trước mặt Nguyên Du, gần đến nỗi không thể phớt lờ hay giả vờ không nhìn thấy được: - Tôi đã thành thật đến vậy liệu chúng ta có cần đấu kiếm với nhau nữa không? Cô đang đo lường sự thành thật ở anh và hình như anh cũng đã chứng minh được điều gì đó. Nguyên Du nhìn rất lâu như thể tương lai của cô sẽ tùy thuộc vào sự đánh giá này. Lâm Tường không bực bội, anh chịu đựng cái nhìn của cô khá tốt. Việc cô không thèm hạ mình che giấu khuyết điểm khi giao tiếp, anh cho đó là ưu điểm. Vẻ ung dung của anh đã thuyết phục được cô. - Hy vọng anh là một quan sát viên vô tư - Nguyên Du nắm lấy bàn tay đang chìa ra - Tôi cho rằng vấn đề của chúng ta thường quá lớn không thể ôm hết trong hai cánh tay nhưng giải pháp lại quá nhỏ như lòng bàn tay mà ta chìa ra cho đối phương vậy. Lâm Tường rút tay về cho ngay vào túi: - Tôi không cho cô giải pháp nào cả. Vấn đề xuất phát từ thành kiến vì thế giải pháp hữu hiệu nhất là cô nên xem lại cách đánh giá của mình. Thật ra ông ấy không khó ưa như cô tưởng đâu. Cha tôi dễ mến, tốt bụng và có sức thu hút. Tôi chưa từng thấy người nào ghét ông ấy, nhất là phụ nữ. - Tôi không thích đàn ông tốt hay hoàn hảo, tôi chỉ thích những người đàn ông có những khuyết điểm mà tôi thích. Lâm Tường nhăn mặt: - Liệu cô có hiểu những gì mình nói không nhỉ? Vì theo tôi lối diễn đạt vừa rồi chỉ là một kiểu đánh đố người khác bằng ngôn ngữ. Nó giống như việc trộn chung một mớ chữ nghĩa rồi ghép lại những thứ rơi ra bất kỳ vậy. Nguyên Du thản nhiên: - Và anh nghĩ rằng chắc chắn đầu óc tôi có vấn đề nên mới đẻ ra cái kiểu ngôn ngữ mập mờ đến thế phải không? Để tôi... - Sao lại đứng cả ra vậy? Đến đây và ngồi xuống nào... Ông Triết ân cần kéo ghế cho hai người phụ nữ. Lần đầu tiên Nguyên Du để mình ngắm nghía người này một cách vô tư. Ông có ánh mắt sáng, cái nhìn thẳng và cử động nhẹ nhàng, linh hoạt của một con báo. Có vẻ như sức mạnh và khả năng chi phối người khác tỏa ra từ ông thuộc về thiên bẩm. Lúc này đây ông đang chăm chú lắng nghe mẹ cô. Cái kiểu nghiêng người và ánh mắt là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra với ông mẹ cô quan trọng đến thế nào. Thật ngớ ngẩn khi đặt mình vào vị trí đối thủ vì ở người này trở ngại trên đường đi có tác dụng tốt như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình phản ứng vậy. Ông ấy thích hợp với mẹ hơn, Nguyên Du chua xót nghĩ. Bà Quỳnh Thy hướng về con gái. Chiếc túi xách đặt trên đùi và giữ lại bằng hai tay như một kiểu phòng thủ. Nguyên Du không nhìn một ai, ánh mắt ấy dường như lơ đãng nhưng bà biết con bé đang cố bảo vệ những điều mà nó cho là luân lý. - Buổi phỏng vấn thế nào hở con? - Con chưa thể nói được gì vì dường như nó vẫn chưa kết thúc mẹ ạ. Không ngẩng lên nhưng Nguyên Du biết rõ ông ấy và mẹ cô đang đưa mắt nhìn nhau sau đó nhìn sang Lâm Tường. Anh ta nhún vai đầy ngụ ý. Làm như không trông thấy tất cả những điều này, Nguyên Du cười vu vơ: - Dù sao cũng có vài tín hiệu mà con cho rằng có hy vọng. Lâm Tường nheo mắt: - Chẳng phải tôi đã nói rõ quyết định của mình rồi sao? Nguyên Du lắc đầu: - Nhưng nó sẽ thay đổi nếu anh trông thấy bất cứ biểu hiện nào mà anh cho là khó ưa ở tôi. Anh vẫn đang dò xét đấy thôi. - Nếu tôi có làm điều này thì cũng chẳng phải là điều khó giải thích. Tôi đang giữ vai trò một quan sát viên vô tư mà. Đó chẳng phải là điều cô mong muốn sao? Ông Vĩnh Triết kín đáo quan sát con trai. Không biết ông có nhạy cảm quá không nhưng với những biểu hiện này rõ ràng nó thích con bé. Lâm Tường đang tựa vào ghế và nhìn Nguyên.Ông Vĩnh Triết kín đáo quan sát con trai. Không biết ông có nhạy cảm quá không nhưng với những biểu hiện này rõ ràng nó thích con bé. Lâm Tường đang tựa vào ghế và nhìn Nguyên Du bằng vẻ thú vị. Dáng điệu thoải mái, tự tin của con trai khiến ông nghĩ, nếu tình cảm này có thật thì chỉ là trong vô thức, nó vẫn chưa phát hiện ra, cũng giống như lần đầu tiên ông gặp Quỳnh Thy vậy. Dù không hiểu rõ nội dung mẫu đối thoại nhưng bà xem đó là tín hiệu lạc quan thể hiện sự hợp tác của Nguyên Dụ Sau lần sinh nhật ấy, giữa bà và con gái tồn tại một khoảng cách rõ rệt dù cố gắng mấy vẫn chưa thể thu ngắn được. Không giống bà cũng không phải là không quan tâm nhưng Nguyên Du vẫn bình thản trước nó. - Con có muốn về cùng mẹ không? Sau giờ giải lao là phần nói chuyện của mẹ, chỉ khoảng ba mươi phút thôi. - Dạ con... Nguyên Du bỏ lửng câu nói, nhân vật khiến cô phân tâm đang lách qua đám đông tiến đến gần. Tín hiệu phát ra từ người này đến Lâm Tường và ngược lại như ánh chớp sáng lóa làm bừng gương mặt cả hai. Không chỉ Nguyên Du nhận ra. Lâm Tường đứng lên, lúc này cô mới nhìn thấy nụ cười thật sự của anh tạ Nụ cười làm đuôi mắt dài ra thêm, đôi môi không còn nhếch lên mà nở rộng để lộ hàm răng sáng bóng. Trông cũng không tệ. - Em vừa đến à? Cô gái cúi chào. Nguyên Du lắng nghe nhưng không có lời giới thiệu nào cả. Không phải phớt lờ, không phải cố tình, rất dễ hiểu anh ta không làm thế vì qua thái độ tự nhiên của mọi người, Nguyên Du nhận ra họ đã từng gặpnhau. Nỗi buồn không giải thích được làm lòng cô trĩu xuống, nặng nề. Người mới đến lướt mắt qua Nguyên Du. - Xong rồi hở anh? Không trả lời, Lâm Tường lập lại câu hỏi: - Em vừa đến à? Cô gái lắc đầu. Cử động duyên dáng này làm mái tóc uốn lọn màu hạt dè đong đưa trên đôi vai thon thả. Không thể phủ nhận cô là một trong số ít những phụ nữ mà vẻ quyến rũ tỏa ra như vầng hào quang: - Dạ, chỉ vừa đến ạ. Em lên trên ấy nhưng mọi người bảo anh đi rồi. Em đoán là anh xuống đây. - Cô quay sang bà Quỳnh Thy - Cô ơi, Nguyên Du đẹp quá. Trông cô trẻ thế này cháu không nghĩ cô có con gái lớn như vậy đâu. Bà Quỳnh Thy mỉm cười: - Cảm ơn cháu. Chuyến đi của cháu thế nào? - Dạ tốt ạ. Nguyên Du tò mò, biết cả tên cô nhưng không ai kể cả... đương sự nghĩ đến việc tự giới thiệu mình với cộ Họ giống nhau thật, Nguyên Du nhún vai và ngồi sâu vào trong ghế. Bị đặt ngoài lề thế này, với cô không phải là việc đáng phàn nàn. Ông Vĩnh Triết ngắm nét đặc trưng của ba người phụ nữ đang ngồi cạnh nhau. Không hề ngoa ngôn nếu nói rằng họ đều tỏa ra sức hút rất đặc biệt dù chẳng có điểm tương đồng. Sự khác biệt ở đây không phải ấn định bởi tuổi tác, nếu ở Quỳnh Thy là nét thông minh, sang trọng, tinh tế, thì ở con bé đang thu người lại là vẻ lạnh nhạt, hờ hững như từ trong vô thức nó chẳng ưa việc người khác đến gần mình. Nghịch lý là hành động này lại hấp dẫn đàn ông chính vì nguồn gốc xuất phát không tự giác và ngoài ý thức ấy. Còn Vân Nghi, ông chợt buồn cười, hình như tính thích nghi là điều kém cỏi nhất ở nó. Về nước đã lâu nhưng Vân Nghi vẫn còn giữ lối sống phóng khoáng, sôi nổi, tự dọ Kiểu sống ấy thách thức mọi thứ có tên là nề nếp, lề lối mà các bậc phụ huynh vẫn đặt ra và xem đó là điều kiện đầu tiên để lọt qua vòng sơ tuyển của các nàng dâu. Điều duy nhất nó giữ được là nước da màu vàng còn tất cả đã bị Tây hóa hoàn toàn. Nhưng xét một mặt nào đó nó vẫn hay ở nét mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán, một tính cách khá xa lạ với phụ nữ phương Đông vốn dịu dàng, kín đáo. Ông quay sang Lâm Tường, lúc nãy cũng ánh mắt này khiến ông nghĩ nó thích Nguyên Du nhưng bây giờ ông lại thấy không phải thế. - Con và Nghi có chương trình gì vậy? - Chúng con ra ngoại ô thư giãn. Vân Nghi muốn đi câu cá. Vân Nghi hào hứng: - Hay chúng ta cùng đi? Nguyên Du vẫn ngồi yên như mọi người đang nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà cô không hiểu cho đến khi Vân Nghi đặt ly nước xuống bàn và hướng về phía cô. - Em cùng đi với chúng tôi nhé? Nguyên Du lúng túng nhìn sang nơi khác. Chiếc áo thun cổ rộng chỉ che được điểm nhỏ xíu cần thiết, cả vòm ngực căng tròn, trắng muốt của Vân Nghi lộ hết ra ngoài. Khi Vân Nghi nghiêng người, ở trạng thái tự do nó gần như rơi phịch xuống bàn. Và lúc này đột nhiên ông Triết tập trung vào tách cà phê như lần đầu tiên trông thấy nó vậy. Mẹ cô nhìn xuống cổ tay chăm chú đếm từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, chỉ Lâm Tường là thú vị soi vào gương mặt đỏ bừng đến tận chân tóc của Nguyên Dụ Anh phát hiện cô ngụy trang mình bằng lớp vỏ cứng rắn, lạnh nhạt nhưng thật tệ hại, chỉ với tình huống thế này mà nó đã rơi ngay xuống đất. Ngơ ngác trước dáng vẻ của mọi người nhưng chỉ một thoáng Vân Nghi đã nhận ra không phải cô làm họ ngượng mà nét bối rối của Nguyên Du làm họ ngượng. Thật tự nhiên cô ngồi thẳng dậy, sửa lại chiếc áo vest thể thao bên ngoài: - Xin lỗi. Nguyên Du quay sang mẹ, lắc đầu: - Con không đi đâu ạ. Con về đây. Bà Quỳnh Thy vừa giơ tay ngăn con gái thì chuông reo một hồi ngắn kết thúc giờ giải lao. Mọi người lục tục trở vộ Ông Vĩnh Triết nhặt tập hồ sơ trên bàn và nhanh nhẹn kéo ghế cho mẹ cộ Nguyên Du cắn môi, hành động ấy không đơn giản là nét gallant bình thường dành cho phái yếu. Khi làm điều này có vẻ như việc chăm sóc, quan tân đến mẹ cô thuộc về bản năng của ông vậy. Hai người đứng cạnh nhau tạo nên hình ảnh đẹp về sức mạnh của người đàn ông trước vẻ yếu đuối hiếm hoi rất phụ nữ mà cô chưa từng nhìn thấy ở mẹ. Nguyên Du vuốt mặt, bức tranh ghép gần như hoàn chỉnh, công việc cuối cùng thuộc về cô, đặt vào đấy mảnh duy nhất đang giữ trong tay để hoàn thành nó. Hành động này vượt quá sức Nguyên Du, còn khó hơn cả việc tháo nó ra từng mảnh. Nghĩ đến cha, cô khép bàn tay lại, từng ngón nặng nề. o 0 o Nhìn Nguyên Du, bà biết không đơn giản khi nó quyết định đến đây. Gương mặt căng thẳng, chờ đợi của Nguyên Du khiến bà chạnh lòng. Thật đau xót khi quá khứ của cha mẹ trở thành vấn đề của con cái. Trông con bé nhỏ nhoi đến tội nghiệp nhưng đề nghị thẳng thắn vừa rồi khiến một người thận trọng và dè dặt như bà cảm thấy ngần ngại. Để giấu đi điều này, bà Hồng Ân hắng giọng: - Trong câu chuyện của mẹ con, là phụ nữ và là một người bạn thân nên hơn ai hết thím hiểu rất rõ và có mối đồng cảm sâu sắc tuy nhiên tất cả những điều này vẫn không thể thay thế hay tường tận như người trong cuộc được. Nhưng vì con tin tưởng nên thím bỏ qua mọi chính kiến, mọi suy diễn mang tính cá nhân để có thể nói sự thật một cách khách quan. Dù sao thím vẫn mong với đề nghị này mục đích của con là mở ra chứ không phải thắt vào. Nguyên Du liếm vành môi khô rang: - Dạ. Bà Hồng Ân chậm rại như cân nhắc từng lời: - Ngày ấy ba mẹ con rất yêu nhau. Quỳnh Thy bỏ dở việc học để kết hôn và sinh con ở độ tuổi chưa đầy hai mươi. Thời gian này gia đình nội chuyện sang kinh doanh nên việc nhà, việc đồng án giao lại cho mẹ con vì ruộng vườn dù thuê người làm nhưng vẫn phải có ai đó đứng ra trông nom, quản lý. Mẹ con thích ứng nhanh lắm đến thím còn bất ngờ. Cha con ra trường được phân công về bệnh viện tỉnh. Lúc ấy việc đi lại còn khó khăn nên mỗi tuần cha con chỉ về nha một lần. Nguyên Du nuốt nước bọt, nếu giao thông thuận lợi thì giờ cô có đủ cả cha lẫn mẹ ư? Lý do sao đơn giản đến cay nghiệt. Nhưng bà Hồng Ân đã rẽ sang hướng khác. - Thời gian sau cha con chuyển về gần nhà và mở phòng mạch. Phòng mạch đông khác lắm, mọi người kháo nhau cha con hưởng được cái thần từ ông nội nên chữa bệnh rất mát taỵ Giúp việc cho ông ấy là một cô gái trẻ, trẻ lắm, trẻ hơn cả con bây giờ. Mẹ của cô gái này là bạn thân của bà nội. Thím chưa nhìn thấy nhưng nghe đâu cô ấy rất đẹp lại thông minh, khéo léo nên được mọi người quý mến. - Bà HA uống cạn ly nước nhưng vẫn nghe giọng mình khàn đục. - Cô ấy có người yêu và đã có lần giới thiệu với gia đình mình. Quan hệ giữa họ rất tốt. Lúc này bà nội cho thuê đất canh tác nên mẹ con khá rãnh rỗi chỉ quanh quẩn việc nhà. Thỉnh thoảng Quỳnh Thy dắt con lên thành phố thăm thím và thằng Bin. Đó là khoảng thời gian mẹ con sống rất hạnh phúc và đã có ý định sinh thêm. - Nguyên Du nghĩ đến nụ cười của mẹ và thấy lòng đau nhói. - Với thím, chuyện xảy ra rất bất ngờ. Lần ấy mẹ con đến một mình, không mang theo con, trông Quỳnh Thy như vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh vậy. Ốm quắt queo, người xanh mướt rũ rượi chỉ ánh mắt là còn tỉnh táo và có thần sắc. Mẹ con chỉ nói vài lời. Thái độ rất lạ, không phải của người vừa bị phản bội hay của một quan tòa mà là thái độ của người đang cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. - Bà Hồng Ân thở dài - Điều trớ trêu là lúc gia đình phát hiện ra mối quan hệ vụng trộm ấy, thím xin lỗi phải nói như thế, thì mọi người chung quanh đều đã biết cả và trong gia đình ấy mẹ con lại là người biết sau cùng. Không phải mẹ con thiếu tinh tế đâu chỉ vì quá tin tưởng cha con vả lại người dân quê vốn hiền lành, tốt bụng lại yêu quý mẹ con nên chẳng ngồi lê đôi mách. Thím không bao giờ quên được hình ảnh của Quỳnh Thy lúc ấy. Không khóc lóc, rên rỉ, hay oán trách chỉ vẻ chịu đựng hằn sâu trên gương mặt và sức tàn phá của nó mới khủng khiếp. Thím chẳng biết phải an ủi mẹ con thế nào vì Quỳnh Thy không cần điều này nữa, lúc đó mẹ con đã quyết định rồi. - Bà chép miệng- nếu yêu chồng ít hơn chắc chắn Quỳnh Thy đã tha thứ. Gương mặt Nguyên Du khiến bà giật mình như thấy lại hình ảnh Quỳnh Thy vào cái ngày đáng nhớ ấy. Bà hiểu khi đến đây và thẳng thắn nói lời đề nghị ấy, nó đã quyết định uống cạn chén đắng từ bi kịch của cha mẹ. Những lời an ủi suông vào lúc này không có giá trị. Nó cũng chẳng mong đợi điều này. - Rất vất vả khi làm lại từ đầu lúc Quỳnh Thy rời nhà chồng vừa nuôi con vừa đi học lại. Có lúc thím nghĩ mẹ con không vượt qua nổi. Quỳnh Thy cũng dằn vặt vì quyết định của mình. Nó đồng nghĩa với việc bứt con ra khỏi gia đình dù không còn là tổ ấm nhưng vẫn có đầy đủ cha mẹ. Mẹ con day dứt khi con không được gần gũi và thiếu đi sự chăm sóc từ cha vì thế bà ấy luôn cảm thấy có lỗi với con. Điều này đã làm mẹ con bỏ lỡ biết bao cơ hội. Tuổi xuân của mẹ con đã trôi qua như thế đấy. - Còn người phụ nữ ấy? Bà Hồng Ân lắc đầu: - Thím không rõ nhưng chuyện với cha con thì kết thúc. Có thể chỉ là một phút bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ cũng có thể là tình yêu thật sự nhưng cái giá đổi được nó đắt quá làm cha con và cô ấy sợ hãi. Dù sao thím cũng nghĩ... - Bà nhấn mạnh - Đây là suy nghĩ cá nhân, thím cho rằng ông ấy rất yêu mẹ con và sai lầm đó là nhất thời. Nguyên Du thì thầm: - Sao hai người không quay lại với nhau hở thím? Bà Hồng Ân vuốt tóc cô thương xót: - Không đơn giản đâu con khi họ đều là những người tự trọng và kiêu ngạo. Thím biết con rất thương cha và cho rằng trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến việc quay lại của hai người lạ Ở mẹ con. Nhưng con thử nghĩ xem liệu cha con với mặc cảm nặng nề có chấp nhận sự quay lại đầy gượng ép khi lòng tin và tình cảm của mẹ con bị tổn thương đến thế không? Rồi cuộc sống sẽ như thế nào trong sự ngột ngạt không hòa hợp được ấy? - Tất cả chỉ là suy đoán thôi, sao cha mẹ không vì con mà thử một lần hở thím? Bà Hồng Ân kiên nhẫn: - Con nói đúng. Cha mẹ có thể vì con mà làm mọi thứ nhưng con cái thì không như vậy. Liệu con có sống vui vẻ, thanh thản và tôn trọng cha mẹ không khi biết họ gắng gượng sống với nhau, hay nói cách khác là bị buộc đóng chung 2 vợ kịch hạnh phúc chỉ vì mình. Chưa kể đến việc duy trì cuộc sống giả dối như vậy sẽ làm con tổn thương rồi đâm ra oán hận cha mẹ. Thím nghĩ cha mẹ con đã cân nhắc đến điều này. - Biết đâu cha mẹ con sẽ quên đi tất cả và lại yêu nhau như ngày xưa hở thím? Bà gật đầu: - Đúng, hoàn toàn có thể xảy ra và giờ đây không ai ngăn cản họ làm điều này cả. Cha mẹ con sẽ làm như thế nếu họ muốn nhưng rất tiếc, họ không muốn con ạ. Và chúng ta chẳng thể làm được gì ngoài việc chấp nhận nó. Bà đứng lên như để kết thúc câu chuyện: - Con ở lại ăn cơm nhé. Thím đón mấy đứa nhỏ tranh thủ ghé qua siêu thị mua thêm thức ăn. Con muốn ăn gì? Nguyên Du khẩn khoản: - Con có biết người phụ nữ này không? Bà Hồng Ân nhìn sang nơi khác, lắc đầu: - Con không biết đâu. - Con... - Con không biết đâu. - Con... Có tiếng Bin từ ngoài cửa: - Mẹ Ơi, xe ai đâu ngoài sân thế mẹ? Ôi... Nguyên Du. cô gượng cười: - Bin... Bà Hồng Ân có vẻ lẩn tránh: - Con ở nhà chơi với Du nhé. Ba gọi điện về thì nói mẹ đi đón các em. Chờ cho mẹ đi khỏi, Bin cúi xuống nhìn sát vào mặt Nguyên Du: - Có chuyện gì vậy? - Không. Nguyên Du ngó nơi khác để tránh cái nhìn dò xét của Bin. Mắt cô chạm phải tấm ảnh gia đình phóng to treo trên vách. Trông họ thật hạnh phúc với nụ cười rạng rỡ. Nguyên Du buột miệng: - Bin có yêu quý chú... chú Giang không? Lắc đầu chầm chậm, Bin không rời mắt khỏi cô: - Không phải là chú Giang, ông ấy là cha của Bin. Nguyên Du mím môi: - Có gì khác đâu? - Bin không tin là Du chẳng nhận ra sự khác biệt đó. Nhưng... thôi được, chút Giang... Bin rất quý chú ấy. - Tại sao? - Vì ba... à không... vì chú ấy yêu mẹ Bin. - Chỉ thế thôi à? - Với Bin, đó là lý do quan trọng nhất. Lần này Nguyên Du nhìn thẳng vào mắt Bin. Anh bình thản chịu đựng. Một lúc lâu sau, Nguyên Du gật đầu: - Có thể Bin nói đúng. - Sao lại có thể. - Vì chúngta không giống nhau. - Cô buông thõng với vẻ chán chường - Xét cho cùng Bin có rơi vào hoàn cảnh như Du đâu. Anh nhíu mày: - Không giống nhau? Rơi vào hoàn cảnh? Theo cách nói như thế có nghĩa Du rơi vào hoàn cảnh tệ hại hơn cả Bin, đúng không? Có phải Du muốn nói là cha Bin đã qua đời không? Tại sao Du lại xoay vấn đề theo kiểu này? Du không thấy nó rất nhẫn tâm và ích kỷ sao? Nguyên Du lấp bấp: - Bin hiểu gì mà nói như vậy? Du... Anh cắt ngang: - Để Bin nói hết, chẳng lẽ Du nghĩ rằng thà mất cha như Bin thì tốt hơn và dễ chấp nhận hơn? Có thể Bin không hiểu nhưng Bin muốn mẹ được hạnh phúc. Và nếu được lựa chọn, Bin vẫn mong là cha còn sống - Anh nhất mạnh - Dù cha mẹ có ly dị nhau hay kết hôn với người khác nhưng Bin mong cha vẫn sống. Thật độc ác khi nghĩ rằng cái chết cúa ai đó sẽ làm vấn đề trở nên hợp lý hơn, dễ chấp nhận hơn.