Quả thật, con người nhờ ngôn ngữ để bày tỏ tình cảm, sự giao đàm giữa Thu Phàm và Nhược Lan chỉ hơn một tiếng đồng hồ thế mà hai người dường như đã thông cảm với nhau lắm. Họ bàn luận với nhau những tác phẩm làm chấn động dư luận hiện nay, họ nói đến những nhà thơ của Ấn Độ, của Nhật Bổn, và phong trào "Híp Pi" ở Hoa Kỳ, rồi họ cũng nói đến vấn đề hội họa của Trương Đại Thiên ở Đài Loan, họ cũng bàn đến trình độ quốc văn của Mộng Linh nữa. Nhược Lan cảm thấy trong người nhẹ nhõm, vì nàng tưởng rằng cái trách nhiệm giáo hóa con mình có thể giao cho Thu Phàm đảm nhiệm. Nàng nói: - Con bé thông minh thì có thông minh, nhưng lại ham chơi, không chịu học hành chi cả. Ông Phàm có thể dạy dỗ cháu dùm tôi, cháu hư có lẽ tại tôi cưng cháu quá mức. - Xin bà cứ yên tâm, tôi sẽ cố gắng hết mình giúp cháu tiến bộ. Nhược Lan nhìn đồng hồ rồi chau mày, trong cảm giác của Thu Phàm, chỉ một cái nhăn mày của Nhược Lan cũng dồi dào vần điệu, nó sống động như một bức tranh sơn dầu. - Tại sao giờ này con bé còn chưa về?Nhược lan đứng dậy định đi mở cửa phòng đọc sách, khi cánh cửa vừa mở ra ngoài thì đụng phải Mộng Linh, khiến cho cô ta thiếu điều ngã ngửa ra đằng sau, vì khi ấy Mộng Linh đang ghé mắt ở lỗ chìa khóa nhìn trộm vào trong. Nhược Lan reo lên: - Mộng Linh, con đó hả... Mộng Linh hơi luống cuống nhưng cười tỉnh bơ: - Con về lâu rồi má. - Vào trong chào giáo sư đi con. Nhược Lan nghiêm nghị nhìn con. Mộng Linh không dám nghịch ngợm nữa, nàng dưa mắt quan sát Thu Phàm một lượt, khiến cho Thu Phàm cũng lấy làm lúng túng. - Chào giáo sư ạ. - Chào em. - Giáo sư cứ gọi tên cháu là Linh được rồi. Nhược Lan cùng Mộng Linh ngồi chung ở chiếc ghế dựa, cô bé nhìn Thu Phàm hỏi: - Thưa giáo sư, nghe nói giáo sư biết viết tiểu thuyết, giáo sư dạy em nhé. Bên Pháp có một người tên là Sart gì đó mới 18 tuổi đã nổi tiếng, theo giáo sư đó có phải là thiên tài không?Bị Mộng Linh hỏi bất thần, Thu Phàm không biết trả lời sao. Nhược Lan rầy con: - Bài học của con còn lo không xong thế mà muốn học viết văn, chưa biết đi mà muốn chạy sao được, trên đời nầy đâu có chuyện gì là dễ. - Con nói chuyện với giao sư mà, trước kia má thường bảo con khi người khác đang nói chuyện thì mình đừng có xía miệng vào, không phải sao. - Con cái gì mà ngu ghê không, thôi chúng ta xuống dưới dùng cơm. Thu Phàm định từ giã ra về và hứa ngày mai sẽ bắt đầu dạy Mộng Linh học. Nhược Lan giữ lại không được nên hai mẹ con cùng đưa Thu Phàm ra cửa và chỉ cách cho Thu Phàm đón xe ra về thành phố. Ra khỏi cổng, Thu Phàm đi trên xa lộ tráng nhựa, một cơn gió thoảng lùa nhẹ qua mặt chàng. Thu Phàm thầm nghĩ, thế là mình đã tìm được một việc làm thật dễ dàng, lại có một chỗ ở vừa ý, đó là sự may mắn hay là một sự ngẫu nhiên?Là một sinh viên tốt ngiệp ở trường Đại Học Ngoại Giao, ra trường mấy năm nay Thu Phàm vẫn lặn ngụp trong trường đời, những lý tưởng mà chàng ôm ấp trong thời xa xưa nay đã phai mờ, tất cả hy vọng đều tan dần theo thời gian. Trong chuỗi ngày qua chàng đã được những gì? Trước kia chàng thích viết văn, rồi từ từ chàng đã bị người ta bắt buộc phải viết văn, và cũng nhờ viết nhiều bây giờ chàng đã chính thức trở thành nhà văn. Tuy đã trở nên một nhà văn, nhưng cái nghề viết văn đó không thể đưa chàng ra khỏi cảnh cô đơn, chàng vẫn thấy lẻ loi, vẫn bất đắc chí. Trong khi chàng mải miết suy nghĩ như vậy thì bỗng có tiếng gọi tên chàng: - Anh Phàm. Chàng chưng hửng, đó là một chiếc xe du lịch đậu bên cạnh chàng, trên xe ngồi một người đàn bà mập ú nhìn chàng cười hi hi. - Bộ quên tôi rồi sao? Nhớ kỹ lại coi. Quả thật Thu Phàm cảm thấy ngơ ngác, vì chàng không thể nhớ ra nàng là ai, chàng có quen với người phụ nữ mập mạp như thế bao giờ. Bây giờ chàng cũng cười hề hề trả lễ và lắc đầu. Người thiếu nữ ngồi bên cạnh người đàn bà mập một cái rồi nói: - Chắc má đã nhìn lộn người rồi đấy, ông ấy có quen với má đâu?Người phụ nữ mập hỏi: - Có phải anh tên là Thu Phàm không?- Có phải ông là người tỉnh Liêu Ninh?Thu Phàm thờ thẫn gật đầu, chàng cúi đầu suy nghĩ, dường như người nầy chàng có gặp qua một lần chẳng nhớ ở đâu đây, người phụ nữ mập kia cười hỏi: - Anh là Thu Phàm học ở trường Đại Học Ngoại giao phải không?Câu hỏi của người phụ nữ khiến cho Thu Phàm cảm thấy bối rối, trong trí nhớ của chàng dường như có một thiếu nữ nước da thật trắng, thân hình gầy gầy, từng thơ từ qua lại với chàng một thời gian khoảng một năm, nhưng tại sao người nầy lại mập thế? Người phụ nữ thấy Thu Phàm không nhận ra y, bà ta sa sầm nét mặt thở dài, rồi ngẩn ngơ nhìn xa xa, bà ta lắp bắp: - Gần hai mươi năm rồi, không trách chi anh nhận không ra tôi. - Cô là…Thu Hà phải không?Đột nhiên Thu Phàm đưa tay ra nắm lấy tay Thu Hà, cử chỉ của chàng là cử chỉ vô ý thức. chàng đã quên cả có dứa con gái của nàng đang ngồi bên cạnh. Thu Phàm mừng rỡ nói: - Thu hà, em thay đổi nhiều quá, anh không nhận ra em nữa. - Anh coi con nó 19 tuổi rồi đấy, thử hỏi sao em không già? Nhớ năm chúng ta quen nhau em mới 17 tuổi thôi. - Anh cũng già rồi, cũng may là em còn nhận ra anh. - Anh cũng vẫn như xưa, cách đi, cách đứng và cách ăn nói nữa…. Hai người dường như có muôn ngàn điều cần nói, đứa con gái của Thu hà nói với mẹ: - Tại sao má không mời bác đến nhà mình nói chuyện?- Nhà em ở trên núi, mời anh đến nhà chơi nhé. Thu Phàm chần chừ một lát rồi nói: - Em cho anh địa chỉ đi, bữa khác anh đến. - Nhưng tại sao anh đi lang thang ở đây?- Đi thăm một người bạn. - Gia đình ở Đài Bắc phải không?- Vâng, anh ở một mình. - Vợ anh đâu?- Anh chưa có vợ. - Thế sao?Thu Hà nhìn con gái rồi hỏi tiếp: - Hiện giờ anh đang làm việc ở bộ phải không?- Không, nói ra mắc cở lắm, hiện giờ anh viết bài cho một tờ báo. - Thế à?Hai người thờ thẫn một hồi lâu rồi Thu Hà kêu Thu Phàm bữa khác đến nhà chơi. Chàng gật đầu lia lịa, thế là họ chia tay nhau tại nơi nầy. Thu Phàm vẫn đi bộ từ từ trên lề đường, vừa đi vừa suy nghĩ, bỗng chàng nhớ lại khoảng thời gian yêu đương của chàng hồi còn đi học. Khi đó Thu Hà là một nàng con gái đa sầu thiện cảm, mà bây giờ nàng đã trở thành người phụ nữ mập mạp mới hồi nãy xuất hiện trước mắt chàng. Năm ấy, Thu Phàm đang rảo bước trong vườn hoa của trường thì có người bạn gọi chàng: - Thu Phàm ơi, có người đẹp tìm mầy nè, quen với cô ta hồi nào đó? Quả thật là chó cắn chó không sủa. Vừa gặp Thu Phàm thiếu nữ hỏi ngay: - Có phải anh tên Thu Phàm học chứng chỉ ngoại giao không? Tôi là Thu Hà đây. - Cô mới từ Đại Hàn trở về đó hả? Tại sao không cho biết trước để tôi đón rước?- Vì quyết định quá đột ngột cho nên không kịp thông báo. - Chúng ta không có trao đổi hình với nhau, nếu hồi nãy không phải tự cô giới thiệu thì tôi không nhận ra cô, cô trẻ quá, chỉ đọc thơ của cô tôi tưởng …... Thu Hà nói đùa: - Anh tưởng tôi là bà già bảy tám chục tuổi gì đó phải không?Thu Hà từ Hàn Quốc về Đài Loan, nàng ở tại nhà hàng lớn, ra vào đều có người mang xe nhà đến đưa rước nhưng Thu Phàm khi đó còn là cậu học sinh nghèo khổ. Hai người gần gũi nhau dược một tuần lễ thì tình cảm giữa họ càng thêm đậm đà hơn. Thu Phàm tự biết mình nghèo, không cân xứng với Thu Hà, đôi khi chàng cảm thấy chán nản, nhưng dường như Thu Hà thật lòng yêu chàng lắm, cho nên chàng đành phải lao đầu vào lưới của yêu đương. - Anh Phàm à, chuyến nầy em về đây học, chúng mình làm đám cưới rồi đấy. Thu Phàm nắm tay Thu Hà lo lắng nói: - Em không thấy anh rất nghèo, anh anh phải vừa đi dạy vừa đi học hay sao? Nếu chúng ta làm đám cưới thì làm sao anh có thể nuôi sống em. - Em có bắt anh phải nuôi em đâu? Chính em cũng phải tìm việc làm nữa chớ. Rồi một hôm Thu Phàm đưa Thu Hà đến phi trường về Hàn Quốc, trước giờ ly biệt Thu Hà nói: - Trễ lắm là mười ngày em sẽ trở lại, anh ráng lo coi thợ trang trí căn nhà của chúng ta, tấm ảnh chúng ta chụp chung anh phải mua khuôn treo lên cẩn thận, nhớ treo nó ở phòng khách nhé. - Anh sẽ làm theo ý em muốn. - Nhà ngoại giao tương lai của em nhớ mua cho em chiếc giường đôi nhé. Thu Hà về nước được ba hôm thì chiến tranh Nam Bắc Hàn bộc phát, hằng ngày Thu Phàm đều đọc báo xem tin tức về chiến tranh cuộc ở bên ấy, chàng chờ đợi một lá thơ từ Hàn Quốc gởi sang, hằng ngày chàng viết thơ gởi đi, nhưng những cánh thư đó giống như đá chìm xuống biển, chỉ có đi mà không có trở lại, chàng đọc báo thấy tin vùng Hán Giang bị chiến tranh tàn phá, dân chúng phải tản cư đi nơi khác. Phải chăng đó là một quà tặng của thời đại cho tuổi trẻ? Thu Phàm đã chờ trông mút mắt, tất cả những niềm hy vọng đã trở thàng bào ảnh. Mỗi độ đêm khuya canh vắng, mỗi khi trăng sáng treo trên đỉnh đầu thì chàng tưởng nhớ đến Thu Hà, nhớ đến cái cảnh trước kia hai người ở bên nhau…. Thu Phàm dở từng lá thư mà trước kia Thu Hà gởi cho chàng, giờ phút nầy chàng mới phát giác ra cái giá trị lâu dài của văn tự, giống như câu nói của một nhà văn nào đó: Những gì viết trên giấy mới là có giá trị nhất. ôi chiến tranh, chàng thù ghét chiến tranh, chiến tranh khiến chàng lầm lạc, khiến chàng thối chí, khiến chàng nhìn thấy bề trái của cuộc đời, khiến chàng chán ngán chánh trị và bỏ giấc mộng làm nhà ngoại giao. Ký ức như từng cơn sóng to đập mạnh vào cõi lòng của Thu Phàm. Cảnh từ biệt hai chục năm trước đây, cảnh thiếu nữ ngả người vào lòng chàng thủ thỉ, cái dĩ vãng đáng ghi nhớ đó đường như mới xẩy ra hồi hôm qua, nhưng nó đã bị chôn vùi hai chục năm nay bây giờ bỗng nhiên lại xuất hiện.