Mặt đất mọc đầy những cây lạ, hoa quả màu xanh biếc trong suốt như ngọc. Sự chói ngời của nó sẽ làm cho nhiều kẻ phải mù mắt. Cơ hội là phần thưởng cho người khôn ngoan và là hình phạt cho người công chính. Nhưng kẻ dơ bẩn chạm vào, hoa quả ấy sẽ tan thành nước và bốc mùi hôi thối. Chỉ có những người thanh sạch mới biết được đó là linh khí hội tụ và kẻ nào ăn phải nó sẽ mất trí khôn vĩnh viễn. Nhờ lý lịch gia đình cách mạng, Tâm được vào làm trong trạm y tế vốn trước là nhà bảo sanh của tôi. Thư trông coi tiệm thuốc cũng vốn trước là của tôi. Lương cả hai đứa cộng lại không đủ xài một tuần lễ. Thôi thì mọi người cùng khổ, mình cũng khổ như mọi người, tất cả vì chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi ăn độn ngày ba bữa vì độc lập tự do. Trên đường phố bắt đầu xuất hiện những người đàn bà giấu mình trong sự mộc mạc, họ nhuộm đen quần áo để khẳng định tính giai cấp và bán những thứ quí giá của gia đình. Chợ trời tự phát mọc lên như những mụn ghẻ. Cái xấu dứt khoát là hiện tượng. Một hôm, Tâm về nói: - Bà Ty Nông Tín bị bắt rồi má ạ. - Sao lại bị bắt con? - Con nghe đâu bà ấy bán cái máy đánh chữ. - Bán máy đánh chữ mà bị bắt à? - Dạ, ai sử dụng máy đánh chữ phải đăng ký. Nó được xếp vào loại an ninh chính trị. Một thứ như vậy mà phơi ra giữa chợ trời thì bị bắt là phải rồi. Tôi lại quan tâm tới một vấn đề khác: - Con bà ấy sao nhỉ? - Thì cả lũ ôm nhau khóc chứ biết làm sao. Lòng tôi bứt rứt, như thể tôi cũng là người có lỗi. Ông Nông Tín đã đi cải tạo. Bà ta chạy chợ nuôi con bằng cách bán đồ trong nhà. Tôi nói: - Con đưa má tới ủy ban. - Má tới đó làm gì? - Để xin cho bà ấy về. Tâm cười: - Làm sao má có thể xin cho bà ấy về? - Thì cũng phải có lẽ phải chứ. Đưa má đi. Má không chịu nổi khi nghĩ tới những đứa con của bà ấy phải sợ hãi và đói khổ. Tôi ít khi ra đường nhưng cũng cảm nhận được sự vắng lặng thanh bình của một thành phố đã từng chết mà chưa kịp hồi sinh. Văn phòng ủy ban chỉ có một người mặc đồ bộ đội. Anh ta còn trẻ, hỏi tôi tới làm gì. Tôi nói xin bảo lãnh cho người đàn bà vừa bị bắt vì chiếc máy chữ. Anh ta nói: - Việc này nghiêm trọng lắm. Bác không bảo lãnh được đâu. Tôi nghĩ anh ta chưa bao giờ trông thấy cái máy đánh chữ. Tôi giải thích nó là một thứ gia dụng, nhiều gia đình có và rằng tôi là một bà mẹ cách mạng, nếu thấy cần phải tịch thu cái máy thì cứ lấy nhưng phải thả bà ấy ra vì bà ta không có tội, hơn nữa bà ấy còn có những đứa con nhỏ. Anh bộ đội đưa tôi tờ giấy và lạnh lùng nói viết vào đấy. Một tuần sau, bà Nông Tín mới được thả ra. Tôi không nghĩ rằng tờ bảo lãnh của tôi có giá trị. Trong những ngày bà Nông Tín bị bắt, tôi sai Tâm tới trấn an bọn nhỏ. Dịch ghẻ lan tràn như một lời nguyền rủa. Kẻ sạch sẽ cũng như bọn dơ bẩn đều ngứa. Những mụn ghẻ mọc đầy ở các kẽ tay, kẽ chân và lan dần lên tới các khe kẽ khác của cơ thể. Người ta đứng gãi ở khắp mọi nơi. Thuốc xức ghẻ chỉ toàn lưu huỳnh và dầu dừa. Mùi lưu huỳnh thì khét lẹt. Dầu dừa thì trơn nhẫy. Xà bông cô Ba lên ngôi quí tộc. Bà Nông Tín đến cám ơn tôi và chửi bọn ngu xuẩn đã bắt bà. Tôi nói đừng trách họ. Cuộc chiến chưa thực sự chấm dứt. Một phương tiện có thể phục vụ cho cách mạng được thì nó cũng có thể phục vụ cho bọn phản động chống phá cách mạng. Ít ngày sau, bà Nông Tín lại đến tìm tôi. Bà ấy nói bị ép đi kinh tế mới. “Tôi làm gì sống được, nuôi con được thì thôi chứ”. Tôi nhớ tới lời dặn dò của chồng tôi rằng bất cứ giá nào cũng ở lại thành phố, nhưng tôi nói thành thật theo sự hiểu biết của mình: - Bây giờ hòa bình rồi, nhà nước khuyến khích đồng bào đi sản xuất thì cũng hợp lý chứ có sao đâu. - Nếu nói khuyến khích thì đâu đến nỗi. Tụi nó hăm dọa sẽ không cho chồng tôi về, cấm tôi buôn bán và ra hạn định cho gia đình tôi phải đi. Tôi ngắc ngứ: - Họ cũng là người thừa hành. Có lẽ bà Nông Tín chợt nhớ ra tôi là gia đình cách mạng nên bỏ về. Không lâu sau, tôi nghe nói bà đã mang cả gia đình trốn vào Sài Gòn, rồi vượt biên, không biết sống chết ra sao. Tôi nghĩ tới ông Nông Tín đang ở trong trại cải tạo một mình. Tôi cũng nghĩ tới Châu và Tính, họ đã lầm lũi làm những công việc không quen làm dưới họng súng. Tôi biết, sự vất vả không phải là điều đáng nói nhưng chính việc phải thành thật khai báo về tội lỗi của họ trong chiến tranh như những kẻ phản dân tộc, làm tay sai là một nỗi đau đớn, nhục nhã và quá cay đắng. Mọi loại thú hiền lành cũng như hung dữ đều phải hành động. Thượng đế cũng đã hành động và ngài gọi hành động là sáng tạo. Nhưng cớ sao việc làm của các ngươi lại bị lên án khi thượng đế chẳng hề quở phạt loài thú hung dữ đã ăn thịt những chiên con của ngài? Bí ẩn này chỉ các thiền sư ở Ấn Độ mới minh giải được cho nỗi cay đắng của các ngươi.