Để đi từ Kamiichi đến Miyataki, chúng tôi vẫn tiến bước dọc bờ bên phải của con sông Yoshino. Càng đi vào sâu trong núi, vẻ thu dường như tăng thêm. Đôi khi chúng tôi đi vào giữa những lùm cây sồi, bước trên lá khô nghe xào xạc. Chung quanh chốn này, cây phong tương đối ít, và hơn nữa, chúng không mọc tụ vào một chỗ. Tuy vậy, lá cây đã đỏ ối: nào là trường xuân, thù du, sơn...điểm xuyết đó đây trong rặng tuyết tùng bao trùm đỉnh núi, khoe những đám lá màu đỏ đậm đến màu vàng nhạt. Tuy cùng gọi là lá đỏ nhưng ngắm cảnh ở đây mới thấy dù vàng, đỏ hay nâu, màu sắc có đủ loại và hết sức phức tạp. Cùng là lá vàng mà có đến mươi thứ màu vàng khác nhau. Người ta bảo khi mùa thu đến, người trong vùng Shiohara thuộc Shimotsuke (tỉnh Tochigi gần Tôkyô) mặt ai cũng đỏ. Nếu phong cảnh trông đẹp ra khi có lá đỏ bao trùm khắp nơi nhưng nếu chỉ lác đác như ở chỗ này thì cũng chẳng kém chi. Những kiểu nói "đua khoe sắc thắm " hay "muôn hồng nghìn tía" là để tả cảnh hoa nở trên cánh đồng xuân nhưng ở đây nào khác, có chăng là màu vàng mới là màu cơ bản. Sự biến hóa của màu sắc cũng phong phú chẳng kém vào mùa xuân. Ngoài ra, lá vàng rơi xen giữa mấy kẽ núi xuống khe suối trong ánh nắng ngập tràn đôi khi lấp lánh không khác chi lớp bụi vàng trên mặt nước. Ly cung của thiên hoàng Tenmu ở Yoshino trong câu thơ "Thiên hoàng ngự đến Cung Yoshino", cái dinh thự mà thi nhân Kasano Kanamura [xxv] gọi là "ngự sở lớn xây bên bờ thác Miyoshino", cánh đồng Akizu thấy trong thơ Hitomaru [xxvi], cũng như ngọn núi Mifune...được tập cổ thi Man.yôshuu nhắc đến, tất cả những nơi đó nghe nói đều nằm gần làng Thác Cung Điện (Miyataki) ngày nay. Chưa vào sâu trong làng, chúng tôi đã rời con đường cái mà vượt qua bờ bên kia. Ở đây, hẻm núi hẹp dần, bờ đá dựng đứng, nước trên cao đập mạnh xuống những tảng đá lớn nằm lót dưới lòng sông hay đổngập đầy những vực thẳm xanh ngắt. Cầu Utatane bắt ngang qua một cái vực, nơi mà dòng suối từ trong lùm cây cối rậm rạp của trũng Kisatani chảy rì rầm rồi đổ vào lạch Kisa. Chuyện tướng Yoshitsune ngủ đỡ giấc trên cầu có lẽ bắt nguồn từ trí tưởng tượng của người đời sau. Cái cầu mong manh đến sợ, bắc qua dòng nước suối trong hầu như ẩn dưới những chòm lá xanh um, có một mái che tựa mái thuyền, nom dễ thương, không phải để che mưa mà chắc là để che lá rụng. Nếu không như thế thì vào mùa thu lá rụng như bây giờ, chẳng mấy lúc cầu bị lá cây lấp cả. Cạnh bên cầu, có hai túp nhà nông dân. Ở dưới mái cầu, hết phân nửa diện tích dường như bị họ dùng để chứa đồ như nhà mình Vì họ chất đầy củi nên trên cầu chỉ còn đủ chỗ cho một người đi qua. Chỗ này tên gọi Cửa Thông Nước (Higuchi). Từ đây con đường chẻ ra hai nhánh, một dọc theo bờ sông đi xuống làng Natsumi, còn đường kia thì sau khi vượt khỏi cầu Utatane, đi ngang qua đền Sakuragi và làng Kisatani, lên đến Nghìn Cội Đào Trên Cao (Kami no Sempon) hướng về Nước Trong Bám Rêu (Kokeno Shimizu) và thảo am của nhà thơ Saigyô [xxvii]. Nghe nói cái người "đạp tuyết trắng rẽ sườn non " [xxviii] thấy trong thơ của phu nhân Shizuka đã qua chiếc cầu này để đi từ vùng thâm sơn Yoshino xuống thung lũng Nakano In. Khi chúng tôi nhận ra nó thì ngọn núi không biết tự lúc nào đã đến sát bên và cao sừng sững trên đường đi.Khung trời thu hẹp lại, tưởng chừng cả dòng sông Yoshino lẫn nhà cửa cũng như con đường đều như phải nghẽn lại ở hẻm núi nầy. Thế nhưng làng mạc là thứ mà hể có kẻ hở xen vào được thì nó sẽ vươn ra mãi bất cứ đến đâu. Ba bên bị núi bao vây chỉ còn một chỗ trũng giống như cái đảy, bên bờ một con sông ứ nước, đã thấy những mảnh đất hình bậc thang người ta càn ra, trên ấy có nhà tranh và ruộng rẫy. Chính là làng Natsumi. Thế ra chốn có nước chảy, núi giăng, là địa hình nơi người sa cơ đến "ở tạm". Chúng tôi hỏi thăm nhà của gia đình Ôtani thì được biết ngay. Nó nằm ngoài bờ sông, trong một bãi dâu, cách lối vào làng chừng một cây số.Đó là một ngôi nhà có mái thật đẹp. Thân cây dâu đã lên khá cao nên từ xa nhìn tới, cái mái tranh của căn nhà chính ra vẻ nhà xưa và mái căn nhà phụ với hàng hiên lợp ngói, nổi lên trên những rặng dâu như đảo nằm giữa biển và có vẻ mời mọc khách. Tuy nhiên, được mỗi cái mái chứ ngôi nhà chỉ là một cái nhà nông dân bình thường, có cất thêm hai căn phòng nhìn ra đám ruộng dâu. Cửa giấy mở toang ra phía trước, và trong gian tiếp giáp với phòng khách, một người đàn ông trạc bốn mươi, tướng như chủ nhà đang ngồi. Khi thấy bóng chúng tôi, chưa kịp tự giới thiệu thì ông đã ra chào đón. Mặt ông rám nắng, xương xẩu, mắt hiền lành nhưng mệt mỏi, bờ vai rộng, hoàn toàn là hình ảnh của một nông dân đơn sơ, chất phác. -Nghe ông Konbu trên Kuzu nói chuyện hai ông nên từ nãy giờ tôi có ý mong. Ông ta chào hỏi với một giọng địa phương quê mùa khó hiểu và để trả lời câu hỏi thăm của chúng tôi, ông ta cũng chẳng nói chi cho được rõ ràng mà chỉ biết lễ phép cúi đầu. Tôi nghĩ đây là một gia đình đã sa sút, không còn giữ được tư thế của ngày xưa nhưng những người như ông ta có vẻ dễ tiếp xúc hơn. -Chúng tôi xin lỗi đã quấy quả trong lúc ông bận rộn và biết rằng chẳng mấy khi ông để vật gia bảo quí giá lọt vào mắt người ngoài nhưng chúng tôi cũng mạo muội lặn lội đến xin phép ông cho xem. -Không, đâu phải chúng tôi muốn dấu diếm gì.... Ông tỏ ra thẹn thùng và hơi bối rối cho biết tổ tiên căn dặn phải chay tịnh một tuần trước khi đem báu vật ra nhưng gia đình ông cũng không giữ được qui tắc phiền hà ấy. Ông nói sẳn sàng đưa cho những ai ngõ ý muốn xem nhưng ngày ngày còn bận chuyện đồng áng nên không có thời giờ đón tiếp người đến thăm bất chợt.Nhất là gần đây vì vụ tằm mùa thu chưa xong xuôi nên chiếu lót nhà hãy còn bị gỡ lên, khách lạ tới cũng chẳng có phòng khách để tiếp.Chính vì lẽ đó nên có thông báo trước thì mới thu xếp để được rảnh rỗi.Ông ta vừa đặt hai bàn tay móng đen cáu ghét lên đùi, vừa trả lời một cách ngượng ngập. Như thế mới biết rõ ràng là vì hai đưa tôi mà ông đặc biệt cho lót chiếu hai gian buồng trở lại và ngồi đợi. Từ trong phòng nhìn qua khe cửa ra phía nhà kho còn trơ sàn ván, tôi thấy nông cụ hãy còn bày ra ngỗn ngang như có ai mới vội vã dọn vào tạm.Phút chốc, nhà chủ đã đem bảo vật bày ra trên bệ, cung kính đặt từng thứ một trước mặt chúng tôi. Một cuộn sách nhan đề "Gốc tích thôn Natsumi", vài thanh đoản đao và trường kiếm bái lĩnh từ ngài Yoshitsune, danh sách những vật ấy cũng như các thứ ổ kiếm, bao kiếm, ấm chén bằng sứ, và rồi cái trống Hatsune do lệnh bà Shizuka ban cho. Ở cuối cuốn sách mang tên "Gốc tích thôn Natsumi" trong số mấy món đồ đó, có chép: "Vào dịp ngài Naitô Mokuzaemon là chức quan trông coi việc hành chính của Gojô [xxix] đến viếng, Ôtani Genbei, lúc đó 76 tuổi, có cơ hội được đón tiếp, đã ghi lại trên mặt giấy y nguyên những điều sau đây mà ông ta được nghe, để truyền lại con cháu trong nhà" với ngày tháng "Mùa hè năm Ansei thứ hai, Ất Mão". Tương truyền chính năm Ansei thứ hai (1855) đó, khi quan hành chính địa phương Naitô Mokuzaemon đến làng này, thì cụ tổ mấy đời của chủ nhà, ông lão Ôtani Genbei, đã dập đầu xuống đất để thưa chuyện nhưng khi viên quan đọc được những điều ghi chép trong sách đã phải nhường cụ ta chỗ chiếu trên mà quì dưới đất. Có cái là cuốn sách này có chỗ đã cháy sém thành than, đen điu bẩn thỉu, đọc được cũng bở hơi tai cho nên sách có đính kèm một bản sao chép. Chả hiểu nguyên bản nói những gì nhưng bản chép lại đầy lỗi chính tả, không tài nào phân biệt chữ nọ với chữ kia, khó lòng tin rằng người lảnh nhiệm vụ chép lại là kẻ ăn học đàng hoàng. Tuy nhiên, nếu tin vào văn bản thì tổ tiên gia đình nầy đã từng sinh sống tại đây từ trước thời Nara (710-794), trong cuộc biến loạn năm Nhâm Thân (672), chủ trang trại Murakuni là Oyori đã theo phò thiên hoàng Tenmu để chống lại hoàng tử Ôtomo (tức thiên hoàng Kôbun). Lúc ấy, đất đai họ quản lĩnh kéo dài từ làng nầy mãi đến tận Kamiichi, dài những năm cây số và cái tên "sông Natsumi" đã được đem đặt cho năm cây số của khúc sông Yoshino. Đoạn chép về ngài Yoshitsune như sau: "Lại nói sau khi ngài Yoshitsune đã ăn tết Đoan Ngọ ở vùng núi Shiroya trên thượng nguồn xong mới xuống và trú chân khoảng ba bốn mươi hôm trong trang trại Murakuni này. Khi đi xem cầu Shibahashi ở Miyataki, ngài có vịnh hai bài thơ" và hai bài waka ấy còn được ghi trong sách". Cho đến nay tôi chưa hề nghe nói Yoshitsune làm thơ bao giờ và hai bài thơ còn chép lại, dù là dưới mắt một tay mơ, cũng không thấy chút giai điệu nào có hơi hướm của giai đoạn cuối thời văn chương cung đình, lời lẽ còn có vẻ quê mùa nữa. Sau đó đến phần nói về lệnh bà Shizuka: "Lúc ấy, phu nhân Shizuka, thiếp yêu của ngài Yoshitsune, có tạm trú trong nhà trang chủ Murakuni, nhân vì ngài Yoshitsune thất thế phải trốn lên Mutsu trên miền Bắc, bà cô thân tuyệt vọng đành gieo mình xuống giếng. Giếng ấy mang tên Giếng Shizuka". Theo cuốn sách, lệnh bà đã chết ở đó. Sách còn chép thêm: "Tuy nhiên, lòng quá đau thương vì phải chia ly với ngài Yoshitsune mà từ đó suốt ba trăm năm, hồn của phu nhân đêm đêm vẫn hiện ra từ miệng giếng dưới dạng một quả cầu lửa ma trơi. Cho đến khi vị cao tăng Rennyo (Liên Như) đi qua làng Iigai để cứu độ mọi người, dân sở tại đã van xin nhà sư ra tay cứu độ cả cho vong hồn của phu nhân. Nhà sư không chút do dự đã tiếp dẫn linh hồn phu nhân và ông đã thảo lên ống tay áo bà Shizuka một bài thơ mà nay gia đình Ôtani vẫn còn cất giữ chu đáo". Bài thơ cũng có ghi trong sách. Trong khi chúng tôi đang đọc cuốn sách, chủ nhà ngồi một bên im lặng, không chen vào một lời giải thích nào cả. Thế nhưng qua nét mặt, thấy ông ta có vẻ chắc mẫm về nội dung tổ tiên ghi lại mà không cần đặt vấn đề. Khi chúng tôi hỏi: "Thế thì ống tay áo ngài Rennyo chép bài thơ lên bây giờ ra sao rồi?" thì ông cho biết từ đời tổ tiên, để cầu siêu cho vong linh phu nhân, họ đã tiến cúng nó vào chùa Saijô trong làng nhưng nay không biết nó đã vào tay ai vì không thấy trên chùa nữa.Chúng tôi thử nhấc trường kiếm, ổ kiếm và vỏ kiếm lên xem thì thấy nó quả là đồ cổ, nhất là vỏ kiếm đã bục rách nhưng không có chi tiết nào giúp chúng tôi đánh giá được. Còn cái trống Hatsune đáng chú ý kia thì chẳng có da bọc mà chỉ còn mỗi thân trống được giữ lại trong cái hộp bằng gỗ ngô đồng. Vật này cũng chẳng biết thế nào, chỉ thấy lớp sơn mài còn khá mới, không có tranh trang trí bên trên; nhìn chung, nó chỉ là cái thân trống màu đen chẳng có gì đặc biệt. Gỗ của nó có vẻ cũ và chắc vì thế, vào một thời điểm nào đó, người ta đã đem nó đi sơn lại. "Thì chắc là thế!". Chủ nhà trả lời một cách dửng dưng.. Ngoài ra còn hai tấm bài vị uy nghiêm, có kèm cả cả mái và cửa.Trên cánh cửa một tấm có trổ hoa văn hoa quì, trong đó khắc hàng chữ " Chính Nhất Vị Đại Tướng Quốc Chi Linh Vị ", còn trên cửa tâm kia có hoa văn hoa mơ, ở giửa khắc " Quy Y Trinh Ngọc Tín Nữ Linh Vị ", bên mặt đề " Niên hiệu Genbun thứ hai [xxxi], năm Tỵ ", bên trái " Ngày 10 tháng 11, Nhâm ".Thế nhưng đối với hai tấm bài vị này, chủ nhà hình như cũng chẳng biết điều gì về chúng cả. Chỉ nghe nói lại nó có liên quan đến các bậc chủ quân của gia đình Ôtani và mỗi năm đến ngày mồng một tháng giêng, họ có lệ đem hai tấm bài vị ấy ra cúng tế. Còn về tấm bài vị có ghi niên hiệu Genbun thì chủ nhà nghiêm trang bảo rằng nó chắc là của phu nhân Shizuka. Nhìn cặp mắt hiền lành nhút nhát và pha chút mệt mỏi của ông, chúng tôi không biết phải nói gì bây giờ. Chẳng lẽ lại giải thích niên hiệu Genbun thuộc vào thời nào hay dẫn ra những chi tiết về cuộc đời của phu nhân Shizuka như thấy chép trong bộ sử truyện Azuma kagami hay Truyện Heike. Tóm lại, ông chủ nhà nầy thành thực tin tưởng vào điều mình nói và vị phu nhân trong trí tưởng tượng của ông không cần phải đúng là nàng Shizuka đã múa trước mặt Yoritomo ở đền Tsurugaoka.Đối với ông, đó chỉ là một người đàn bà cao quí tượng trưng cho cái quá khứ xa xưa khi tổ tiên ông ta còn sống mà ông ta hãy còn tiếc nuối. Hình ảnh mông lung của người đàn bà quí tộc có cái tên là phu nhân Shizuka cô đọng lại tất cả tình cảm tôn thờ và tận tụy của ông đối với tổ tiên, đối với quân vương và quá khứ cổ kính Không cần phải đặt câu hỏi xem người đàn bà tôn quí ấy có thật tìm chổ trọ và sống những ngày cô đơn dưới mái nhà nầy hay không. Nếu ông đã tin như thế thì tốt nhất hãy để ông ta sống yên vui với niềm tin đó. Còn như muốn đồng tình với ông thì có thể giải thích là đã có một sự kiện giông giống như thế xãy ra vào thời toàn thịnh của gia đình ông ta. Dù người đàn bà tôn quí đó chẳng phải chính phu nhân Shizuka thì cũng có thể là một cô công chúa Nam Triều đến đây lánh nạn đao binh vào thời Chiến Quốc (Sengoku, 1467-1568) và câu chuyện nầy đã hòa quyện làm một với sự tích của lệnh bà Shizuka. Giữa lúc chúng tôi chực kiếu từ thì chủ nhà bảo: -Nhà chẳng có chi, các ông dùng tí zukushi lấy thảo! Ông ta châm trà rồi đem ra một mâm quả hồng và một cái gạt tàn thuốc lá sạch, không có tí tàn. Có lẽ zukushi mà ông nói có nghĩa là jukushi tức quả hồng chín. Cái gạt tàn ông ta đem ra không phải là để gạt tàn thuốc lá vào đó mà để chúng tôi dùng làm đĩa ăn thứ hồng chín nhũn nầy.Thấy ông mời mọc chí tình, tôi e dè lấy một quả tưởng chừng sắp vỡ đến nơi đặt trên lòng bàn tay. Quả hồng to, hình viên trụ, đáy nhọn, chín rục, đỏ tươi và hơi trong, phình ra như một cái bong bóng nhựa, trông đẹp như hòn ngọc khi đưa ra trước ánh sáng. Những quả hồng ngâm rượu thấy bán ngoài chợ không thể nào đạt được cái màu tuyệt đẹp như thế và chưa chín tới độ này thì đã vữa ra cả.Theo lời ông chủ nhà, muốn làm mứt hồng kiểu nầy, chỉ được dùng loại hồng vùng Mino vỏ thật dày. Hái lúc nó hãy còn xanh và chua, rồi bỏ vào trong hộp hay lồng ủ ở một nơi không có gió. Không cần làm gì cả, mười hôm sau, bên trong ruột sẽ tự động nhão ra và ngọt như mật. Các loại hồng khác sẽ hóa lỏng chứ không keo lại như giống hồng Mino. Cách ăn thì giống như ăn trứng luộc nửa chín nửa sống, nghĩa là gỡ cái cuống bên trên rồi cho thìa vào lỗ hổng mà múc. Có thể theo một cách khác là bỏ vào đĩa, bóc vỏ ra cầm lên mà ăn. Tuy có bẩn tay nhưng ăn kiểu này ngon hơn.Vừa vặn khoảng mười hôm thì nhìn vừa đẹp, ăn lại ngon. Quá thời hạn đó, ruột hồng dễ thành nước. Đang khi nghe lời giải thích, tôi đăm đăm quả hồng như hòn ngọc bằng sương trời nằm trong lòng bàn tay mình. Tôi có cảm tưởng tất cả khí thiêng của núi rừng và ánh nắng như thể đang ngưng đọng lại trong một lòng bàn tay. Nghe nói ngày xưa người nhà quê mỗi khi lên kinh đô thường bọc đất trên đó trong giấy đem về nhà làm quà kỹ niệm, riêng phần tôi, nếu có ai hỏi màu sắc mùa thu ở Yoshino như thế nào thì tôi sẽ gói cẩn thận mấy quả hồng nầy để đưa cho họ thấy. Rốt cuộc, cái gây ấn tượng cho tôi nhiều hơn cả lúc ghé nhà ông Ôtani không phải là cái trống, cũng không phải mớ văn thư cũ mà chỉ là mấy quả mứt hồng. Tsumura và tôi, mỗi đứa tham lam ngốn ngáo hai quả hồng zukushi, sung sướng để cho chất keo ngọt ngào mát mát đi từ răng lợi ngấm vào tận con tì con vị. Miệng tôi, cổ họng tôi căng phồng, đầy ắp mùa thu Yoshino. Ngay cả những quả xoài tên gọi Anmoraka được nhắc đến trong kinh Phật có lẽ cũng chẳng ngon bằng.