Dịch giả: Nguyễn Nam Trân
Phần 2
Núi Vợ Chồng

Vì Tsumura cho biết đến ngày hẹn anh ta sẽ lên đường từ Ôsaka, tới Nara thì trọ ở lữ quán Musashino dưới chân núi Wakakusa...nên phần mình, tôi cũng đáp tàu đêm từ Tôkyô và sau một đêm ngủ trọ ở Kyôto, sáng hôm sau đã đặt chân lên Nara. Lữ quán Musashino bây giờ hãy còn nhưng chủ thì hình như không phải là người cũ thời đó. Hai mươi năm về trước, lữ quán đã cũ kỹ rồi nhưng tôi nhớ nó có vẻ thanh nhã. Sau đó ít lâu Tổng Cục Đường Sắt mới xây khách sạn của họ chứ thời đó thì những nhà trọ như Musashino và Kikusui đã là sang nhất đám. Phần vì Tsumura có vẻ nôn nóng không muốn nán lại thêm, phần vì tôi đã đi chơi ở đây hoài, không còn lạ gì cảnh vật của Nara, nên trong khi trời còn đang tốt, hai chúng tôi chỉ ngồi trong phòng trọ một hai tiếng đồng hồ đủ ngắm ngọn Wakakusa, xong là lên đường.
Đổi xe ở Yoshinoguchi, chúng tôi đáp chuyến tàu xọc xạch trên tuyến đường phụ đến ga Yoshino rồi từ đó bắt đầu đi bộ trên đường cái dọc theo dòng sông Yoshino. Gần Vũng Sáu Khoanh Ruộng (Mutsuda no Yodo) và Bến Đò Liễu (Yanagi no Watashi), hai địa danh được nhắc đến trong tập thơ cổ Vạn Diệp Tập (Manyô-shuu), con đường rẽ làm hai. Nhánh bên hữu đưa về ngọn núi Yoshino, nổi tiếng vì hoa anh đào. Qua khỏi cầu đã đến thẳng được Nghìn Cội Đào Dưới Núi ( Shimo no Senbon), rồi rặng đào Sekiya, đền Zaô Gongen, đền Yoshimizu, Nghìn Cội Đào Lưng Núi (Naka no Senbon), những nơi mà mỗi mùa xuân khách thưởng hoa dạo chơi đông đảo. Thật ra tôi đã đến Yoshino xem hoa hai lần rồi, một lần hồi nhỏ theo mẹ đi thăm Kyôto, và lần thứ hai lúc đang học cấp ba. Tôi nhớ mấy lần trước đều cùng đám đông leo lên núi bằng con đường bên tay mặt, nhưng đấy là lần đầu, tôi đi thử con đường tay trái.
Dạo sau nầy, vì xe hơi và đường dây cáp có thể lên tới Nghìn Cội Đào Lưng Núi (Naka no Senbon) nên nơi đây không còn những người lững thững tản bộ xem hoa chứ hồi xưa, khách thưởng ngoạn khi lấy con đường rẽ tay mặt để lên núi, thường dừng chân trên cầu quãng Mutsuda no Yodo để ngắm cảnh sắc cánh đồng ven sông Yoshino.
"Xem kìa! Xem đằng kia kìa!  Núi Vợ Chồng (Imoseyama) đấy nhé!. Bên trái là ngọn  Hòn Vợ (Imoyama), bên phái là  Hòn Chồng (Seyama) "
Anh phu xe kéo dẫn đường từ trên lan can thành cầu đưa tay chỉ về phía thượng nguồn, làm người lữ khách ngừng cây gậy trúc. Ngày xưa, mẹ tôi cũng thường bảo ngừng xe ở giữa cầu, ôm tôi, lúc đó còn chửa biết gì, vào lòng:
" Nầy, còn nhớ tuồng hát Núi Vợ Chồng không hở con? Đây là Núi Vợ Chồng thật đấy, con ạ! "
Mẹ thỏ thẻ bên tai tôi như thế. Lúc đó tôi còn bé quá nên không giữ lại ấn tượng nào rõ rệt, chỉ còn nhớ lại cái lạnh se da giữa tháng tư còn phủ lên vùng núi non, trong một buổi chiều mà vòm hoa giăng giăng trông giống những đám mây dưới một khung trời sương dâng nhòa nhạt. Dòng sông Yoshino mà mặt nước ở trên đường gió lướt, lăn tăn gợn sóng trông như tấm vóc, đang từ hẻm xa nơi núi xếp nếp mấy từng, trăng trắng trôi về phía chúng tôi. Trong vùng núi non trùng điệp mờ ảo bỗng thấy hai quả núi nhỏ, đúng hơn là hai ngọn đồi dễ thương, hiện ra trong sương chiều.Tôi không nhận ra có một dòng sông xen giữa hai quả núi vì thấy chúng nó như đâu mặt với nhau nhưng theo vở tuồng tôi biết thì chúng bị ngăn cách bởi một con sông. Trên sân khấu kabuki, chàng Koganosuke, con trai quan Chánh Án Kiyozumi và người vợ hứa hôn của chàng là tiểu thư Hinadori, hai người sống trên hai cái điện cao nhìn xuống thung lũng, một người bên Seyama, Hòn Chồng, một người bên Imoyama, Hòn Vợ. Trong cả vở tuồng Imoseyama, cảnh tượng đó đối với tôi là đậm đà màu sắc thần tiên hơn cả nên nó đã ghi dấu hết sức sâu đậm trong bộ óc non nớt của tôi. Khi nghe mẹ nói, tôi nghỉ thầm " Ra thế, ngọn Imoseyama đấy à! " và mơ tưởng nếu bây giờ đi tới ngay núi đó thì tôi có thể gặp Koganosuke và người đẹp của chàng. Kể từ ngày ấy, tôi không bao giờ quên cảnh vật được nhìn từ trên cầu và nhiều khi bất chợt nghĩ về nó với niềm luyến tiếc. Thế rồi mùa xuân năm hăm mốt hăm hai tuổi, khi về thăm Yoshino lần thứ hai, tôi lại có lần tựa thành cầu, vừa ôn kỷ niệm về người mẹ đã quá cố vừa nhìn đăm đăm phía nguồn sông. Con sông Yoshino từ chỗ dưới chân hòn núi cùng tên bắt đầu nới rộng ra rồi vào đến bình nguyên cho nên nước không còn chảy xiết mà có dáng dấp thoải mái của " dòng nước trôi giữa đồng bằng ". Phía tả ngạn thượng nguồn, tôi có thể thấy những cái mái thấp và dãy tường lốm đốm trắng của khóm nhà đơn sơ, cổ kính. Đó là thị trấn  Chợ Trên (Kamiichi), dính làm một với đường cái quan, lưng đâu vào sườn núi và mặt nhìn xuống dòng sông.
Lần nầy, qua khỏi chân cầu Mutsuda và khi đến ngã ba thì tôi chọn con đường bên trái, lấy hướng Núi Vợ Chồng (Imoseyama), nơi mà tôi đã đứng ngắm từ phía hạ lưu. Đường cái quan viền theo bờ sông và chạy thẳng tới trước, mới nhìn thì tưởng là bằng phẳng, dễ đi, nhưng tôi nghe nói khỏi Kamiichi, đến khúc ngang qua Miyataki, Kuzu, Ôtaki, Sako, Kashiwagi, nó sẽ dần dần chui vào vùng núi non thâm sâu của Yoshino, sau đó lên tới nguồn sông Yoshino, vượt qua ngọn núi làm ranh giới giữa hai vùng Yamato và Kii rồi cuối cùng thoát ra ngoài bãi biển Kumano.
Chúng tôi khởi hành từ Nara sớm sủa nên vừa quá ngọ chút xíu đã vào thị trấn Kamiichi. Như ấn tượng tôi đã có khi nhìn từ trên cầu, những ngôi nhà ở Kamiichi cất hai bên đường cái quan có vẻ thô sơ, cổ kính.Về phía bờ sông, dãy nhà đôi khi có chỗ bị cắt quãng thành ra chỉ còn một bên phố nhưng nói chung, khu nhà vẫn đủ ngáng tầm mắt không cho thấy dòng nước. Hai bên đường, những căn nhà với những chấn song ám khói và gác thấp sát dưới mái, trông như chụm lại bên nhau.Vừa bước đi vừa chõ mắt nhìn vào nhà qua các chấn song, tôi thấy chúng được cất theo kiểu thông thường của các nhà dân, nghĩa là có lối đi thông trên nền ra đến cửa bên kia. Phần nhiều trên cửa vào của những lối đi này có treo một tấm rèm màu xanh thẫm, có tên cửa hiệu hay tên dòng họ, kẻ bằng màu trắng. Không riêng các cửa hiệu, dường như nhà thường dân cũng có tục lệ treo rèm kẻ tên. Mái hiên nhà nào cũng thấp xuống, trông thiếu điều mặt tiền sắp sập tới nơi. Cửa vào hẹp nhưng ở đằng sau rèm, thấp thoáng bóng cây cối trong sân giữa và cả những căn nhà phụ nữa. Nhà cửa ở vùng nầy xem ra cất đã trên năm mươi năm, có cái từ một trăm, ngay cả hai trăm năm trước. Tuy nhà cửa thì cũ thật nhưng giấy hồ phết cửa nom hãy còn mới, không bị vết ố như thể vừa mới thay. Ngay dăm vết rách tí tẹo cũng được che cẩn thận bằng những tờ giấy hình cánh hoa dán đè lên. Cái màu của giấy dán cửa, trong bầu không khí trong ngăn ngắt của ngày thu càng trắng đến lạnh lùng. Một phần vì ở đây không bụi bặm nên mới giữ được thanh khiết như thế, một phần vì dân cư không lắp cửa kính nên họ thường lưu tâm giữ gìn sự sạch sẽ của cửa giấy hơn người thành phố. Nếu có thêm một lớp cửa kính bên ngoài như nhà ở Tôkyô thì không nói làm gì chứ nếu chỉ có độc một lớp giấy và không chịu ngó ngàng tới, lúc giấy bẩn đi, nhà sẽ tối, còn khi giấy bị thủng, gió sẽ lùa vào. Cửa giấy mới toanh như thế thì cho dù chấn song hàng hiên và đồ vật trong nhà có đen điu, vẫn thấy thanh cảnh ngăn nắp, chẳng khác nàng con gái đẹp, tuy nghèo nhưng biết trau chuốt dáng dấp của mình. Khi nhìn màu nắng chiều le lói trên cánh cửa giấy, tôi mới cảm thấy thấm thía cái hương vị của mùa thu.
Thực ra, tuy trời tạnh và trong vắt nhưng những tia nắng phản chiếu chỉ làm cảnh vật sáng sủa ra và giúp cho cái đẹp thấm nhẹ vào châu thân chứ không đến nỗi chóa mắt. Mặt trời đang chiếu trên mặt nước sông, ánh lên tận những tấm giấy phết trên cửa của dãy nhà nằm phía tay mặt. Những quả hồng bày trước tiệm hoa quả trông đẹp một cách lạ lùng, nào là hồng chín cây, hồng tiến, hồng vùng Mino, tất cả những loại hồng nầy khoe trước hiên lớp vỏ màu san hô già láng bóng của quả chín đang bắt lấy ánh nắng và nhấp nháy như những con ngươi. Ngay cả những lọn bánh canh bột mì udon để trong hộp kính trước cửa tiệm bán udon cũng có vẽ tươi hơn. Trên đường, trước hiên nhà, người ta trải chiếu rơm và đặt những cái nia để phơi tro. Đâu đây vẳng lại tiếng đập sắt ở lò rèn và tiếng sàn sạt của máy xay lúa.
Chúng tôi đi bộ ra mãi bìa thị trấn, đến một cái quán bán thức ăn cất ở ven sông và ăn trưa.Khi nhìn từ phía cầu, tôi có cảm tưởng Inoseyama phải nằm tít mãi phía thượng nguồn nhưng đến đây mới thấy hai quả đồi đó đã hiện ra trước mắt.Con sông tách chúng ra, phía bờ bên nầy là Imoyama, Hòn Vợ, còn bờ bên kia mới là Seyama, Hòn Chồng. Tác giả của vở tuồng Đem Sự Tích Núi Vợ Chồng Dạy Đàn Bà ( Imoseyama Onna Teikin)[xviii]  có lẽ nhân đến viếng vùng này mà cấu tứ viết nên vở đó chăng? Tuy nhiên, bề ngang của dòng sông nơi đây có vẽ rộng rãi hơn và không đến nổi chảy xiết như trong vở kịch. Cho dầu lâu đài của Koganosuke và Hinadori trên hai ngọn đồi có thực đi nữa, hai bên không thể nào gọi nhau để nói chuyện như trên sân khấu được. Hòn Chồng dính liền với một giồng đất ở phía sau nó nên hình thù không được cân đối nhưng Hòn Vợ là một quả đồi tròn trịa, đứng một mình, bao phủ cây cối xanh um và thị trấn Kamiichi kéo dài tận đến dưới chân nó. Nếu từ phía sông mà quét một cái nhìn thì sẽ thấy đằng sau lưng mỗi ngôi nhà như có thêm một tầng gác.Nhà trệt thành ra hai tầng, hai tầng thì xem như ba. Trong số đó, nhiều nhà có bắt đường dây cáp từ tầng gác xuống tận mặt sông. Người ta mắc một cái thùng gỗ vào đó và thòng nó xuống sông để lấy nước.
-Nầy cậu! Hết Imoseyama hãy còn có Nghìn Cội Đào Yoshitsune (Yoshitsune Senbonzakura ) đấy nhé!
Tsumura bất đồ quay sang nói với tôi như thế.
-Nghìn Cội Đào thì phải xuống Chợ Dưới ( Shimoichi) chứ nhỉ! Tôi nghe ở đó có cửa hiệu tên là Tsurubezushi [xix] cơ mà.
Quan tướng Koremori [xx] hồi chạy loạn, để tránh địch lùng bắt, có lần làm con nuôi nhà bán cơm nắm cá giấm (tsurubezushi). Đó là lời chi tiết người ta bày vẽ ra trong tuồng múa rối jôruri, thế mà ở Shimoichi, có những kẻ dựa vào chuyện đó để tự xưng là con cháu của ngài. Tôi chưa tìm hiểu việc ấy bao giờ nhưng có nghe lời người ta đồn đại. Họ bảo nhà Tsurubezushi không có một ai mang tên Igami no Gonta [xxi] như anh con trai lêu lổng ngày xưa, nhưng con gái họ hãy còn được gọi là Osato giống sự tích trong tuồng hát và vẫn bán cơm nắm cá giấm bày trong hộp gỗ hình chiếc gàu múc nước. Khi đề cập đến tên vở tuồng, Tsumura không có ý định nhắc đến hồi này mà chỉ muốn nói về đoạn có cái trống Tiếng Đầu Tiên (Hatsune) [xxii] của phu nhân Shizuka [xxiii] mà thôi. Ở Hái Rau (Natsumi ), một ngôi làng phía thượng lưu dòng sông, nghe nói có một gia đình còn giữ lại chiếc trống đó làm vật gia bảo nên Tsumura đề nghị tôi ghé lại đó kiếm xem.
Tôi nghĩ làng Natsumi phải nằm trên bờ sông Natsumi như nói đến trong vở tuồng Nô nhan đề Hai Nàng Shizuka ( Futari Shizuka ) [xxiv]. " Có nàng con gái hay thơ thẩn. Đến bên dòng sông Natsumi.." và sau tiếng hát đó, hồn ma của phu nhân Shizuka sẽ hiện ra: " Để lòng ta vơi bao tội lỗi. Người chép trang kinh giùm ta đi ", và sau đó kèm theo điệu vũ với lời ca như thế này nữa:
"Thân mang nhiều tủi thẹn
Chuyện xưa nào dám quên...
Giữa đồng Yoshino
Người ơi, ta đâu chỉ
Là cô gái hái rau
Trên sông Natsumi"
Những điều đó giúp suy ra rằng đất Natsumi phải có duyên nợ gì với phu nhân Shizuka và truyền thuyết về người không phải là điều bịa đặt thôi đâu. Trong sách Yamato Meisho Zue minh họa những thắng cảnh của đất Yamato còn chú thích: " Làng Natsumi có nước ngon nổi tiếng, gọi là Hoa Lung Thủy hay Nước Trong Lồng Hoa, lại có dấu tích phủ đệ mà phu nhân Shizuka tá túc một thời gian ". Nhìn đó khắc biết những chuyện người ta còn truyền tụng có lẽ đã bắt nguồn từ lâu rồi.Gia đình còn giữ chiếc trống đó bây giờ mang họ Ôtani nhưng ngày xưa gốc gác là trại chủ trang trại Murakuni. Theo lời thuật lại của những nhà cố cựu, trong năm Bunji (1185-1190) khi tướng Yoshitsune và người ái thiếp Shizuka lưu lạc xuống vùng Yoshino, có ở lại làng ấy. Khu vực phụ cận hãy còn mang các địa danh nổi tiếng như Lạch Voi (Kisano Ogawa), Cầu Chợp Mắt (Utatane no Hashi), Cầu Củi (Shibahashi). Khách vãng cảnh có nhiều người muốn tìm xem cái trống Hatsune nhưng nhà chủ coi như là vật gia bảo nên hễ không có kẻ giới thiệu cho trước vài hôm thì không bao giờ bạ ai cũng cho xem. Tsumura đã phòng sẳn chuyện đó nên đã cậy thân quyến ở Kuzu nói lót trước rồi. Có lẽ hôm nay họ đang đợi chúng tôi.
-Thế có phải đó là cái trống căng bằng da chồn mẹ mà mỗi lần bà ái thiếp Shizuka vỗ kêu cái boong thì chồn con giả làm Tadanobu lại hiện ra đấy phỏng?
-Ừ, đúng rồi. Trong tuồng hát thì như thế đấy!
-Có gia đình giữ được trống ấy à?
-Thiên hạ bảo thế!
-Căng da chồn làm trống thực sao?
-Tớ chưa thấy tận mắt cái trống nên không dám nói liều.Tuy nhiên, chuyện gia đình đó có gốc gác lâu đời là sự thật.
-Tớ chỉ e chuyện này lại giống như chuyện tiệm bán cơm nắm cá giấm bày trong gàu gỗ. Chắc có bố nào tinh nghịch đi xem tuồng Futari Shizuka về nghiễn ra thôi!
-Có thể lắm! Nhưng tớ lại có chút lý do muốn xem cái trống đó một chút. Thế nào mình cũng nên tìm đến thăm gia đình Ôtani để được nhìn cái trống Hatsune. Tớ đã định bụng như vậy từ lâu và cũng vì mục đích đó mà tớ cất công đi chuyến nầy.
Nghe Tsumura bảo thế tôi nghĩ chắc có duyên do gì rồi nhưng chỉ nghe anh ta nói vỏn vẹn: " Rồi tôi sẽ cho cậu biết sau! "