Dịch giả: Nguyễn Nam Trân
Phần 4
Tiếng Chồn Tru

-Cậu nầy, đọc sự tích của làng thì có nói chiếc trống Hatsune là do phu nhân Shizuka tặng nhưng không thấy chép về tấm da chồn?
-Ừ. Do đó, theo tớ nghĩ thì chiếc trống đó đã có trước bản tuồng. Nếu bản tuồng ra đời trước thì trống phải được chế sao cho ăn khớp với tình tiết vở tuồng. Cũng như soạn giả vở Imoseyama phải nhìn thấy quang cảnh hai hòn núi trước đã và soạn giả Nghìn Cội Anh Đào phải có lần đến hỏi thăm gia đình Ôtani hay nghe theo lời đồn đại rồi lấy cảm hứng dựng vở tuồng từ đó. Có cái, người viết Nghìn Cội Anh Đào là Takeda Izumo[xxxi] (1691-1756) nên vấn đề được đặt ra là vở tuồng phải được soạn ra trước niên hiệu Hôreki (1751-1764) thế mà cuốn sách chỉ mới được viết vào năm Ansei thứ hai (1855). Tuy thế, sự tích có lẽ còn bắt nguồn xa hơn nữa trong quá khứ vì theo quyển sách, nó được chép bởi ông lão Ôtani Genbei, năm 76 tuổi và cụ này lại nghe những chuyện truyền lại từ xưa nữa. Cho dù cái trống chỉ là đồ giả, tớ nghĩ rằng nó phải có trước năm Ansei thứ hai thì mới hợp lý. Cậu đồng ý chứ?
-Thế nhưng cái trống ấy trông mới quá!
-Không đâu! Cái trống ấy mới thật nhưng nó có thể được sơn đi sửa lại hai ba lần rồi ấy chứ. Trước khi cái trống ấy ra đời, tớ nghĩ cũng có thể đã có những cái trống khác nằm trong hộp gỗ ngô đồng kia.
Từ làng Natsumi trở về Miyataki phía bờ bên kia, phải đi ngang qua cái cầu Shibahashi, một trong những thắng cảnh của vùng.Hai đưa tôi ngồi lên trên mỏm đá bên cầu, nói chuyện như thế một đổi.
Kaibara Ekiken trong Hòa Châu Tuần Lễ Ký (Washuu Junrei-ki) [xxxii]
có viết:
" Ở vùng Thác Cung Điện (Mitataki) không có cái thác nào, hai bên chỉ là vách đá sừng sửng và sông Yoshino chảy len chính giữa. Ghềnh đá ấy cao khoảng 5 ken [xxxiii], đứng chắn như một tấm bình phong. Chỗ sông chảy qua rộng độ 3 ken. Cầu bắt qua nơi hẹp nhất. Bởi vì dòng sông thu hẹp lại ở chỗ này nên nước rất sâu và cảnh trí tuyệt đẹp ".
Nơi mô tả trong sách vừa vặn đúng ngay ở chỗ chúng tôi đang ngồi trò chuyện.
" Trong làng có người làm nghề iwatobi (nhảy ghềnh) nghĩa là nhảy từ ghềnh đá xuống đáy sông, bơi theo giòng rồi lại trồi lên phía hạ lưu. Họ kiếm tiền bằng cách diễn trò đó.Lúc buông người xuống, họ chụm tay chân sát bên thân, đến một độ sâu cở một jô ( 3 mét), nếu dang tay ra thì sẽ nổi lên ".
Trong sách Tranh Vẽ Các Thắng Cảnh (Meisho Zue) có một bức họa về cảnh iwatobi. Hình thế hai bên bờ và dòng nước của con sông thấy không khác gì trong bức họa đó. Khi con sông đển chỗ này, nó uốn khúc rất gắt rồi tung bọt đổ xuống giữa những ghềnh đá hiểm trở. Ông chủ gia đình Ôtani cho chúng tôi biết rằng hàng năm, không hiếm chi những chiệc bè đã lâm nạn khi đụng vào những phiến đá đó.
Những người làng làm nghề " nhảy ghềnh " ngày thường đi câu hay cày bừa dọc bờ sông, khi nào gặp du khách đi qua thì mới nhanh chân tới mời mọc họ xem mình biểu diễn ngón nghề. Nếu nhảy ùm xuống từ ghềnh đá thâm thấp ở phía bờ đối diện thì họ lấy một trăm tiền, còn nhảy từ ghềnh cao phía bờ bên nầy, họ lấy gấp đôi, cho nên cái ghềnh bên kia được gọi là Hyakumon-iwa (Ghềnh Trăm Tiền), còn ghềnh bên này được gọi là Ghềnh Hai Trăm Tiền (Nihyakumon-iwa ), đến nổi cho đến nay hai cái tên đó hãy còn. Ông chủ gia đình Ôtani thời trẻ cũng có dịp đi xem nhưng dạo sau này du khách không mấy ai muốn xem diễn trò nữa, cho nên nghề đó cũng trở thành tàn lụi không biết tự hồi nào.
-Nầy, ngày xưa đi thưởng hoa ở Yoshino làm gì đã có đường sá mở mang như bây giờ. Vì phải đi vòng từ huyện Uda mà lên, cho nên khách mượn con đường nầy đông lắm đấy. Hồi ngài Yoshitsune từ kinh đô bôn tẩu, chắc cũng theo cùng tuyến đường thôi nhỉ? Cho nên soạn giả Takeda Izumo bắt buộc phải đi ngang qua vùng và nhờ đó đã xem được cái trống Hatsune.
Tsumura ngồi trên mỏm đá đó và không hiểu vì cớ gì lại nhắc nhở về cái trống. Anh chàng không phải là con chồn Tadanobu nhưng tấm lòng tưởng nhớ đến tiếng trống Hatsune của anh thì chú chồn kia cũng không sánh kịp. Tsumura thổ lộ rằng không hiểu vì sao mà khi nhìn cái trống, anh đã tưởng như gặp gỡ mẹ mình.
Đến đoạn này thì tôi phải thưa với bạn đọc thêm một vài điều về chàng thanh niên tên gọi Tsumura. Thực tình cho đến lúc ngồi trên mỏm đá và được nghe tâm sự, tôi cũng chẳng biết chi nhiều về anh. Như đã nói, chúng tôi là bạn đồng song trường Dự Bị ở Tôkyô, hồi đó là chỗ thân tình, nhưng lúc vào Đại Học, vì gia cảnh, anh ta phải trở về quê mình là thành phố Ôsaka và bỏ ngang việc học. Tôi chỉ nghe nói gia đình anh đã nhiều đời làm nghề cầm đồ trong khu Shimano.uchi, ngoài ra, anh có hai chị em gái nhưng cha mẹ đều mất sớm, ba người đều được bà nội một tay nuôi dạy. Cô chị lấy chồng dã lâu còn cô em gái cũng sắp làm dâu nhà người ta. Bà nội cảm thấy đơn chiếc và cũng mong có người nối nghiệp nhà mới gọi thằng cháu về nên anh mới đột ngột bỏ học. Tôi có lần thử khuyên " Thế thì vào Đại Học Kyôto vậy! " thế nhưng hồi đó, Tsumura không muốn tiếp tục học mà thích viết lách. Trong bụng anh hình như đã tính bề gì việc buôn bán có thể giao tất cho người quản lý, có thể dùng thời giờ rảnh để từ từ viết một cuốn tiểu thuyết thì thích hơn.
Sau đó, chúng tôi có trao đổi thư tín với nhau nhưng tôi không thấy anh ta viết gì ngoài mấy bức thư. Nói là thích viết nhưng một khi đã sống một cuộc đời an định và không thiếu thốn của một ông chủ con thì cái mộng ước ấy cũng tàn đi.Hai năm sau đó, khi được đọc bên lề của một bức thư anh viết mới biết bà anh đã qua đời, tôi đã tưởng tượng ra cảnh anh sắp rước về một cô vợ đúng với cái tên "con nhà nền nếp " ở vùng Osaka và thực sự trở thành một " ông chủ " trong khu phố Shimanouchi.
Sự tình là như thế, tuy về sau Tsumura có lên Tôkyo đôi ba lần nhưng dịp được ngồi nói chuyện được thoải mái với nhau kể từ ngày rời ghế nhà trường thì hôm ấy là lần đầu. Tuy lâu ngày mới gặp bạn nhưng Tsumura vẫn là con người đúng như tôi đã tưởng tượng. Đàn ông hay đàn bà một khi ra trường để sống cuộc sống gia đình đều có sự thay đổi về thể chất: có lẽ vì ăn uống có thêm chất dinh dưỡng, da thịt họ trắng ra và người đẫy hơn.Trong trường hợp của Tsumura, tính tình của anh có thêm cái gì tròn trịa của một ông chủ trẻ vùng Ôsaka, tuy anh còn dùng ngữ vựng giới sinh viên nhưng giọng nói có pha dấu nhấn đặc biệt của ngôn ngữ địa phương miền Tây - trước kia đã thoáng thấy nhưng bây giờ rõ rệt hơn nhiều. Viết ra như thế để một độc giả bình thường nhất cũng có thể hình dung ra tướng mạo Tsumura như thế nào.
Bây giờ xin nói duyên do tại sao cái trống Hatsune lại ràng buộc anh, điều mà Tsumura đã bất chợt tiết lộ cho tôi nghe lúc hai đứa cùng ngồi trên mỏm đá. Sau đó tôi sẽ nói thêm động cơ nào đã xui khiến anh làm cuộc hành trình nầy cũng như mục đích thầm kín của chuyến đi mà anh cất giấu trong lòng. Nói cho rõ đầu đuôi thì bắt buộc dài dòng nên tôi xin cố gắng tóm lược càng gọn càng tốt về những điều anh ta thuật lại.
" Tâm tình của tớ, những ai không phải là dân Ôsaka hay mồ côi cha mẹ, từ nhỏ không biết mặt cha mặt mẹ (đây là lời kể của Tsumura) thì khó mà hiểu cho đến nơi đến chốn. Như cậu cũng từng biết, ở Ốsaka có ba loại âm nhạc, một là nhạc của sân khấu múa rối jôruri, hai là những điệu đàn koto trường phái Ikuta, ba là ca khúc Jiuta.Tớ không thực sự là người yêu nhạc nhưng đã sống trong bầu không khí của những thứ âm nhạc ấy. Nghe mãi thành quen và không ít thời nhiều thấy mình đã chịu ảnh hưởng của nó chẳng hiểu tự hồi nào. Đặc biệt còn nhớ đến bây giờ là lúc mới lên bốn lên năm, trong gian sau của ngôi nhà ở Shimanouchi, có bóng một người đàn bà thành thị dáng dấp thanh lịch với khuôn mặt trắng và đôi mắt mơ màng đang hòa tấu koto với một lão nghệ nhân mù chơi samisen. Tớ nghĩ hình ảnh của người đàn bà đánh đàn koto có lẽ là hình ảnh duy nhất về người mẹ còn đọng lại trong ký ức của tớ ; tuy thực ra tớ không dám đoan chắc người ấy là mẹ tớ. Về sau, bà nội tớ mới bảo cho biết có lẽ người ấy chính là bà chứ mẹ của tớ chắc chắn mất trước đó ít lâu rồi. Dù sao, tớ lấy làm lạ vì người đàn bà và lão nghệ nhân đã hòa tấu một điệu jiuta của phái Ikuta nhan đề là Konkai [xxxiv] (Tiếng Chồn Tru). Bởi vì từ bà đến chị và em gái tớ đều theo học ông thầy nầy nên sau đó tớ đã được nghe đi nghe lại bản " Tiếng Chồn Tru " nhiều lần và hãy còn giữ ấn tượng rõ ràng. Sau đây là lời ca của bài hát đó:
Mặt như hoa rười rượi,
Còn lại giữa sương khô.
Gương hồn mẹ mờ phủ
Dù tăng đến độ cho.
Mẹ ngoảnh đầu nhìn lại,
Con ra dấu bảo chờ.
Như nói lời vĩnh biệt.
Không khóc, biết sao giờ!
Vì ai mẹ vượt núi,
Vì ai mẹ qua làng.
Vì ai mẹ tìm đến,
Vì ai, vì vì ai!
Ta đến vì con đó,
Mẹ về, lòng con đau.
Về khu rừng ta ở,
Ta bắt buộc quay đi,
Hồn nhớ mong thổn thức,
Mặc cúc trắng sau ghềnh,
Mặc giây trường xuân rũ
Ta muốn vạch lối đi
Giữa những lùm trúc dại.
Côn trùng kêu bi ai,
Và trời mưa tuôn mãi
Trời còn mưa sáng nay
Mưa cả sáng hôm nay,
Đâu còn lại dấu vết
Trên cánh đồng bờ tây.
Đường trên ruộng nguy hiểm
Đi qua cẩn thận cùng
Lên đỉnh rồi xuống lũng
Hết đồi nọ đồi nầy,
Lòng buồn thương biết mấy!
Nay thì tớ đã nằm lòng điệu nhạc và những chỗ nghỉ chỗ ngắt của nhạc khí nhưng có một cái gì trong ca từ đã đi thẳng vào tấm lòng non nớt làm cho ký ức của tớ mới ghi nhận rõ ràng khúc hát của người đàn bà và lão nghệ nhân.
Nói chung, trong lời ca của jiuta lúc nào cũng có những đoạn bất nhất trí, văn phạm khó hiểu, như thể người ta cố ý làm cho nó tối nghĩa. Những bài dùng trong tuồng Nô và Jôruri đặc biệt khó hiểu nếu không biết điển cố. "Tiếng Chồn Khóc" được xếp vào loại nầy.Tuy vậy những câu như Mặt như hoa rười rượi, Còn lại giữa sương khô.Mẹ ngoảnh đầu nhìn lại, Con ra dấu bảo chờ. Như nói lời vĩnh biệt. là dấu ấn của sự xót xa xé lòng nơi một đứa con trước sự ra đi của người mẹ. Nó đã hằn sâu trong đầu óc thơ ngây của tớ. Vì ai mẹ vượt núi, Vì ai mẹ qua làng. Lên đỉnh rồi xuống lũng, Hết đồi nọ đồi nầy. nghe chẳng khác một khúc hát ru em.Lúc đó tớ chưa đủ trí khôn để hiểu ý nghĩa cái tựa Konkai nhưng nghe đi nghe lại mãi điệu nhạc, tớ có được cái cảm tưởng mơ hồ rằng bài hát phải liên quan đến một con chồn.
Có thể vì bà nội hay đưa tớ đi xem tuồng múa rối ở các rạp Bunraku và Horie; có cái xen trong Kuzu no Ha (Lá Sắn Giây) cho thấy cảnh người mẹ bỏ con ra đi đã để lại nơi tớ một ấn tượng sâu đậm từ tiếng cành lau xào xạc mà chồn mẹ vẫy trong buổi chiều thu, cho đến bài thơ chồn mẹ viết để lại trên cánh cửa giấy và cõi lòng nặng trĩu của nó khi phải đành tâm để đứa con thơ đang say ngủ lại đằng sau.
Khi nào con nhớ má
Tìm ở Izumi
Trong rừng Shinoda...
Cái sức mạnh của xen tuồng làm rúng động một đứa con nít không biết mặt mẹ mình thật ra hơi khó có thể làm cho một người không ở trong cùng một hoàn cảnh giống nó thông cảm được. Nghe những câu như Hồn nhớ mong thổn thức, Mặc cúc trắng sau ghềnh, Mặc giây trường xuân rũ, Ta muốn vạch lối đi, Giữa những lùm trúc dại. tôi hình dung được một đứa trẻ tuyệt vọng đuổi theo con chồn trắng, mẹ nó, đang chạy như biến trên những con đường đầy màu sắc mùa thu về phía hang ổ của mình. Đặt mình vào địa vị đứa trẻ, tớ càng cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn mất mẹ.
Có lẽ vì khu rừng Shinoda nằm ở gần Ốsaka cho nên bài hát nhắc đến mẹ chồn là một phần trong các trò chơi trong nhà của bọn trẻ con. Tớ còn nhớ một, hai câu kiểu như:
Bắt cho được nó,
Bắt cái con chồn,
Rừng Shinoda
Nào ta đi bắt....
Khi trẻ con chơi trò đó, một đứa đóng vai chồn, còn mấy đứa kia đóng vai người đi săn, chúng nắm chung một cái giây thòng lọng để đi bắt chồn.Có lần nghe nói ở Tôkyô cũng có trò chơi nầy, tớ mới nhờ mấy cô geisha ở một trà thất chơi thử cho xem, thế nhưng cả nhạc lẫn lời không giống những gì tớ nghe được ở Ôsaka.Trong khi ở vùng Tôkyo, lúc chơi trò nầy, người ta ngồi, ở Ôsaka, người ta lại đứng và người đóng vai chồn từ từ xáp tới bên cái thòng lòng, vừa vờ nhảy nhót giống như động tác của chồn sao cho ăn khớp với tiếng nhạc.Trò nầy đặc biệt đáng yêu khi " chồn " là một cô con gái đẹp hay là một người vợ trẻ.Tớ còn nhớ có một đêm tháng giêng khi được mời đến chơi trò nầy ở nhà một người bà con và tớ đã chứng kiến một người đàn bà vừa xinh vừa dòn giả làm chồn cực giỏi. Còn có một trò chơi khác nữa. Đám trẻ ngồi thành vòng tròn và " chồn " ngồi ở giữa vòng. Chúng nó vừa ca hát, vừa chuyền tay nhau một món đồ nhỏ như mấy hạt đậu chẳng hạn và làm sao để " chồn " không thấy được. Khi bài hát chấm dứt, tất cả bọn trẻ ngồi im phăng phắc và " chồn " phải đoán đồ vật đó hiện nằm trong tay đứa nào. Sau đây là đôi câu trong bài hát đó:
Nhặt hạt lúa mì,
Nhặt cành ngãi cứu.
Tay chín hạt đậu
Chín hạt thôi đâu
Còn thêm nỗi sầu
Nhớ nhà cha mẹ
Nếu con tìm má
Thì cứ vào rừng
Rừng Shinoda
Lá sắn trở mình
Đau lòng nát dạ
Tớ cảm thấy được trong lời ca nầy, dù chỉ thoáng gợn, nỗi nhớ nhà của một đứa trẻ con. Nhiều đứa trẻ gốc ở vùng thôn quê Kawachi hay Izumi lên Ôsaka làm công như người học việc hay đứa ở. Vào những tối mùa đông, trong những hiệu buôn ở các khu Senba hay Shimano.uchi, người ta thường thấy những kẻ giúp việc, sau khi khóa cổng, vào tụ họp với nhà chủ chung quanh lò than và hát bài nầy. Bây giờ tớ mới để ý là những đứa trẻ bỏ làng quê để lên tỉnh học nghề hay học cung cách làm ăn, khi hát những câu như Nhớ nhà cha mẹ, chúng đã phải nghĩ đến hình bóng cha mẹ mình đang nằm ngủ trong căn nhà kho leo lét ánh đèn dưới mái tranh. Về sau, tớ được nghe bài hát nầy dùng làm nhạc đệm trong hồi thứ sáu của vở tuồng Chuujingura (Bốn mươi bảy ngươi vũ sĩ trung thành với cố chủ). Khi tới chỗ hai người samurai, mặt dấu dưới cái nón mây đan chùm chụp, bước ra, thì tớ bất giác thấy bài hát nầy mới hợp làm sao với tình cảnh của mấy nhân vật như Yoichibei, O-Kaya hay O-Karu [xxxv].
Lúc đó, nhà ở Shimanouchi thường nuôi nhiều người làm.Khi tớ nhìn chúng chơi đùa và hát bài ca ấy, tớ vừa thấy dễ thương vừa thấy ganh tị với chúng. Bọn chúng phải bỏ cha bỏ nẹ để đi sống với người lạ, đấy là chuyện đáng buồn; thế nhưng hễ muốn gặp họ thì chúng chỉ cần về nhà mình là gặp. Tớ không được như thế. Việc đó gieo vào đầu tớ ý nghĩ là tớ có thể gặp mẹ tớ nếu chịu vào rừng Shinoda, và hồi năm thứ hai, thứ ba tiểu học, tớ có lần lén gia đình, đi đến đó cùng với đứa bạn cùng lớp. Ngay cả ngày nay nơi đó cũng chưa hẳn là một chỗ đến được dễ dàng, phải đi bộ mất một dặm rưỡi từ ga xe điện Nankai, nói chi cái thời chưa có cả xe lửa, bởi vì tớ nhớ đã đến nơi bằng một chiếc xe ngựa cà tàng và đi bộ một đỗi rất xa.Trong một cánh rừng long não cổ thụ, tớ thấy có ngôi miếu thần chồn Inari Lá Sắn Giây (Kuzu no Ha), ở đó còn có Cái Giếng Soi Mặt của Bà Chúa Kuzu no Ha. Tớ được an ủi phần nào khi được ngắm trong điện dành để treo tranh cúng, tấm tranh vẽ hình chồn mẹ chia tay với chồn con và bức chân dung của kép Jakuemon hay một người nào giống như thế. Lúc ra khỏi rừng, trên đường về, thỉnh thoảng tớ lại bùi ngùi khi nghe tiếng kêu lách ca lách cách của con thoi từ bên trong liếp cửa giấy của các nhà nông dân. Con đường đi dọc khu vực có lẽ ngang qua vùng sản xuất bông vải của miền Kawachi nên có nhiều nhà dệt cửi. Thế nhưng chỉ riêng âm thanh của máy dệt thôi cũng đã giúp tớ thỏa mãn biết là bao tấm lòng mong đợi.
Tớ lấy làm lạ khi thấy mình phần nhiều chỉ nhớ mẹ, chứ không hề nhớ cha. Hơn nữa cha của tớ đã chết trước cả mẹ, cho nên dù tớ còn giữ được đôi chút hình ảnh mơ hồ của bà mẹ thì đối với ông cha, tớ hoàn toàn không nhớ gì cả. Từ đó mà suy ra thì tình thương nhớ của tớ đối với mẹ mình chỉ là một mối hoài cảm bàng bạc về một "người đàn bà mình chưa hề gặp", nghĩa là có liên quan đến sự chớm nở của tình yêu trai gái vào tuổi dậy thì.Đối với tớ thì người đàn bà trong quá khứ hay người mẹ, người đàn bà trong tương lai hay người vợ, cả hai đều giống nhau ở chỗ họ là những "người đàn bà chưa hề gặp" và đều ràng buộc với tớ bằng sợi dây định mệnh.Trạng thái tâm hồn nầy, ở một chừng mực nào đó, có lẽ tiềm tàng ở mỗi cá nhân, ngay cả người ở vào những hoàn cảnh khác tớ. Có thể tìm thấy bằng chứng về điều đó trong một câu hát của bài Tiếng Chồn Khóc. Những câu như: Vì ai mẹ tìm đến, Vì ai, vì vì ai! Ta đến vì con đó, Mẹ về, lòng con đau. Ôi, nó nói lên sự đau đớn của đứa con mong mẹ nhưng lại giống như nỗi lo âu của đôi trai gái khi phải rời nhau. Có thể tác giả của bài ca cố ý đặt lời mù mờ để người ta có thể giải thích theo hai lối.Dù sao, kể từ khi tớ nghe bài hát ấy lần đầu tiên, tớ không tin rằng những lời ca đó đang nói về một người mẹ trong mộng tưởng. Tớ thấy qua hình ảnh huyễn hoặc đó, cả người mẹ lẫn người vợ của tớ nữa. Do đó hình ảnh của người mẹ mà tớ mãi ôm ấp trong cái lồng ngực nhỏ không phải một bà đứng tuổi mà là người con gái mãi mãi xinh đẹp trẻ trung. Người mẹ của tớ phải giống như bà vú Shigenoi tức mẹ của anh chàng mã phu Sankichi trên sân khấu, một nữ quí nhân trong tấm áo choàng sang trọng, đi theo hầu vị công nương, con gái của lãnh chúa. Trong giấc mơ của mình, tớ thấy mẹ tớ là mẹ Sankichi, còn tớ chính là chàng ta.
Có thể những nhà soạn kịch đời Tokugawa [xxxvi] đã nghĩ được ra phương pháp tinh xảo để khơi gợi được những tình cảm tế nhị nằm trong tiềm thức của khán giả. Trong vở kịch nói về Sankichi, một bên là nàng công nương, đứa con gái, một bên là chàng mã phu, đứa con trai, còn bà thị nữ, vừa làvú em vừa là người mẹ, đứng ở giữa hai người. Ngoài bề mặt, đề tài của vở kịch là tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái nhưng bên trong, nó hé cho ta thấy cái tình cảm lãng mạn chưa định nghĩa được của một chàng trai mới lớn. Ít nhất, từ góc độ cái nhìn của Sankichi thì mẹ của chàng và vị công nương, cả hai sống bên trong cung cấm của lâu đài lãnh chúa, đều có thể là đối tượng của sự nhớ mong. Trong vở Lá Sắn Dây (Kuzu no Ha), cả người cha và cậu con đều chung một lòng yêu người mẹ; nhưng trong trường hợp nầy, việc dựng lên nhân vật "mẹ chồn" đã thành công vì làm mủi lòng đám khán giả mơ mộng. Tớ luôn luôn ước muốn mẹ tớ phải là chồn và tớ ganh tị khủng khiếp với đứa bé trong tuồng hát. Cho dầu tớ không còn hy vọng gặp lại mẹ tôi trên đời vì mẹ tớ là một con người, nhưng ngộ nhỡ mẹ là chồn đội lốt người thì biết đâu có lúc mẹ chẳng lại hiện ra bên tớ? Chắc chắn là những đứa con mất mẹ sẽ cảm thấy như thế khi xem tuồng. Trong điệu vũ " đi đường  " ( michiyuki ) [xxxvii] của vở  Nghìn Cội Anh Đào (Senbonzakura) sự kết hợp giữa người mẹ, người con gái đẹp, chồn và người yêu lại còn gắn bó hơn thế nữa. Cả mẹ và con đều là chồn và, trong khi lệnh bà Shizuka và con chồn Tadanobu đóng vai nữ chủ nhân và người hầu cận thì trên sân khấu, xen diễn xuất lại được dựng ra giống cuộc hành trình của đôi nam nữ yêu nhau. Có lẽ vì thế mà tớ mê nhất cái màn vũ nầy. Tớ muốn mình được như con chồn Tadanobu và trong trí tưởng tượng của tớ, vì bị tiếng trống phát ra từ cái trống căng bằng da của mẹ tớ lôi cuốn nên tớ đã chạy theo phu nhân Shizuka dưới những rặng anh đào đẹp như mây trong núi Yoshino. Có lần tớ còn muốn đi học múa để có thể đóng được vai Tadanobu như trên sân khấu.
"Tuy nhiên, chuyện chưa hết đâu!" Tsumura thêm vào, vừa đưa mắt nhìn qua bóng thẫm của khu rừng trong thôn Natsumi, phía bên kia bờ. "Lần nầy, tớ có cảm tưởng rõ ràng mình đã bị cái trống Hatsune dụ dỗ tới đây". Thế rồi, đôi mắt hiền hòa đặc biệt "công tử Ôsaka" của anh ánh lên một nụ cười, nụ cười mà tôi không hiểu muốn nói lên điều gì.