CHƯƠNG MỘT

Khả năng vô hạn trong đời người
“Cuộc đời con người không bao giờ chỉ toàn vận đen. Cuộc đời con người là quá trình xen kẽ giữa cái tốt và cái xấu. Vì thế, các bạn - những người đang gánh vác xã hội trên vai – dù gặp bất cứ cảnh ngộ nào cũng đừng nản chí, Những nỗ lực trong khó khăn gian khổ của bạn sau này nhất định sẽ đơm hoa, kết quả. Những nỗ lực đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn ngập tràn hạnh phúc.Và nhất là chúng sẽ nâng cao phẩm chất con người trong bản thân bạn.”
- INAMORI KAZUO-
Công ty Kyocera và KDDI
Sau khi tốt nghiệp đại học Kagoshima, tôi vào làm việc cho một công ty chuyên sản xuất gốm sứ cách điện cao áp ở Kyoto. Năm 27 tuổi, tôi ra thành lập một công ty riêng, đặt tên là Kyocera. Công ty Kyocera của tôi được lập ra thực sự là dựa vào kỹ thuật gốm sứ công nghệ cao.
Ngày nay, các loại sản phẩm điện tử như computer, tivi, video đều sử dụng những loại linh kiện do Kyocera sản xuất. Ngoài ra, nhờ ứng dụng kỹ thuật gốm sứ công nghệ cao, công ty còn chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh như đá quý emerald (một dạng đá tái kết tủa), xương nhân tạo, pin mặt trời, điện thoại di động, máy in, máy ảnh kỹ thuật số...
Sau khi công ty Kyocera đã đi vào hoạt động ổn định, tôi lại lập thêm công ty viễn thông DDI (hiện nay là KDDI). Thời đó, trên thị trường Nhật Bản chỉ có một công ty viễn thông độc quyền khổng lồ: Công ty điện thoại điện tín Nhật Bản (NTT). Cũng vì vậy mà tiền cước điện thoại điện tín khá đắt so với hiện nay. Trong bụng tôi chỉ muốn làm sao giảm được giá cước xuống chút nào hay chút ấy. Vì thế, vào năm 1984, khi làn sóng “tự do hóa thị trường thông tin” ập tới, tôi liền chấp nhận thách thức trong lĩnh vực này, bằng cách lập ra một công ty viễn thông mới lấy tên là Dainidenden.
NTT lúc đó, với mạng lưới thông tin trải rộng khắp lãnh thổ Nhật Bản và các hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông, có thế lực và ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi toàn quốc.
Mặc dù đang trong thời buổi “tự do hóa thị trường”, nhưng việc lập ra một công ty viễn thông mới đối đầu với công ty NTT khổng lồ là một việc làm hết sức mạo hiểm. Nhưng nếu công ty viễn thông mới đứng vững được trước NTT thì cũng có nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông, và như thế sẽ dẫn tới việc giá cước điện thoại cơ bản trên thị trường Nhật Bản giảm xuống.
Tôi lập ra công ty Dainidenden với một tâm trạng sự thực là “người mở đường”. Tiếp đến, tôi len chân vào lĩnh vực điện thoại di động. Công ty điện thoại di động của tôi hiện nay được mọi người Nhật Bản biết tới với thương hiệu au. Dainidenden liên doanh với công ty thông tin di động IOD của hãng Toyota và công ty điện thoại quốc tế KDD và đổi tên thành KDDI.
Như trong lời mở đầu của cuốn sách này đã kể, tính tới thời điểm năm 2004, tổng số cán bộ công nhân viên của tập đoàn Kyocera (kể cả trong và ngoài Nhật Bản) đã vượt quá 50 ngàn người. Doanh số của tập đoàn trong một năm (từ tháng 3-2003 đến tháng 3-2004) là 1.140 tỷ yên. Còn doanh số của tập đoàn KDDI là 2.850 tỷ yên. Nếu tính gộp doanh số của cả hai tập đoàn thì con số xấp xỉ 4.000 tỷ yên. Các sản phẩm và dịch vụ do hai tập đoàn Kyocera và KDDI cung cấp có mặt trên mọi lĩnh vực đời sống và kinh tế, giúp ích cho sự phát triển chung của cả xã hội. Tiền đóng thuế của chúng tôi góp phần nâng cao phúc lợi công cộng.
Có thể nói cả hai tập đoàn Kyocera và KDDI do tôi lập ra giờ đây đã trở thành hai tập đoàn kinh tế khổng lồ. Nhưng các bạn hãy cùng tôi nhớ lại lúc mới ra đời: chúng chẳng là cái gì cả. Tôi bắt đầu sự nghiệp từ con số không. Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng những nỗ lực của mình chắc chắn sẽ có ngày đơm hoa kết quả. Niềm tin đó động viên tôi trong những lúc bất an, những lúc gặp khó khăn, và nó càng thúc giục tôi phải nỗ lực không ngừng. Nhưng nếu không có những người xung quanh giúp sức thì cũng không thể có được Tập đoàn Kyocera và KDDI như ngày hôm nay.
THỜI NIÊN THIẾU ĐA CẢM
Khả năng của con người trong suốt cuộc đời là vô hạn.
Mong sao các bạn trẻ sẽ nhận ra điều đó qua cuộc đời của tôi.
Tôi sinh ngày 21 tháng 1 năm 1932, tại quận Yakushi, thành phố Kagoshima(1). Nhưng trong sổ hộ khẩu ghi ngày sinh của tôi là ngày 30 tháng 1. Sở dĩ như vậy là vì cha mẹ tôi phải lo chạy bữa ăn quá bận bịu nên không thể ra ủy ban phường đăng ký khai sinh cho đúng ngày được. Nhà tôi có bảy anh chị em. Tôi là con trai thứ trong gia đình.
1. Thành phố Kagoshima là thủ phủ tỉnh Kagoshima, ở phía nam Nhật Bản, thuộc đảo Kyushu.
Quận Yakushi nằm cạnh sông Kotsuki – dòng sông này chảy ngay dưới chân tường thành Shiroyama ở trung tâm thành phố Kagoshima. Gia đình tôi làm nghề thủ công. Cha tôi lúc đầu làm thợ cho một xưởng in. Sau được ông chủ xưởng nhượng lại cho một cái máy in cũ, cha tôi mới ra làm riêng và lập xưởng ở cách nhà máy không xa. Tôi sinh ra chính trong cái xưởng in đó.
Tiếng máy in quen thuộc từ tuổi thơ ấu, giờ đây vẫn như còn văng vẳng bên tai tôi.
Cha tôi làm việc rất cần mẫn. Không quản sáng sớm đêm khuya, bao giờ ông cũng giao hàng đúng hẹn. Khách hàng tin tưởng nên công việc mỗi ngày một nhiều. Thế nhưng, trong một lần máy bay Mỹ oanh kích, xưởng in của cha tôi bị trúng bom. Gia đình tôi thế là trắng tay. Cha tôi là người cẩn thận, suy tính thận trọng, ông không chịu nghe theo lời cầu khẩn của mẹ tôi đi mua máy mở lại xưởng in. Vấn đề là ở chỗ để mua máy thì phải vay nợ khá nhiều. Với một người thận trọng hết mức như cha tôi thì dù mẹ tôi có van nài ông cũng không “gật”. Tôi cũng thế. Tôi ghét nợ nần. Trong châm ngôn kinh doanh của công ty tôi có câu: “Giữ chữ tín. Không vay nợ.” Có lẽ tôi giống cha tôi ở điểm này.
Các bà hàng xóm thường đến xưởng nhà tôi làm giúp. Nhiều khi công việc làm tới tận khuya cũng chưa xong. Những ngày đó, cả nhà tôi cùng với những người làm đều quây quần bên mâm cơm tối. Mẹ tôi là một người phụ nữ không chỉ giỏi nội trợ, mà cả việc phân công, sắp đặt việc làm cho mọi người và cũng lo đâu vào đấy. Mẹ tôi luôn vui vẻ và không bao giờ tỏ ra yếu đuối trước nghịch cảnh. Tính cách yêu đời và lạc quan của tôi có lẽ do được thừa hưởng “gien” của bà. Mẹ tôi cũng có nhược điểm, đó là bà rất hiếu thắng, chẳng chịu thua kém người khác. Có lần tôi cãi nhau với lũ bạn ở ngoài đường, bị thua chạy về nhà. Mẹ tôi liền cầm cái chổi đuổi tôi ra khỏi nhà, bà không muốn thấy con mình lại chịu thua bạn kém bè.
Các ông chồng ở tỉnh Kagoshima vốn nổi tiếng gia trưởng, thường hay kẻ cả lên mặt dạy dỗ vợ con. Nhưng thực ra ở trong gia đình thì khác hẳn. Đa số các bà vợ mới là bà chủ thực sự trong nhà, dù khi ra ngoài họ vẫn giữ ra vẻ khúm núm nghe chồng một phép trước mặt người lạ. Mẹ tôi cũng là một người phụ nữ như vậy.
Tuổi thơ của tôi có rất nhiều kỷ niệm thú vị. Tôi nhớ nhất là cái thú trèo cây hái trái mận biwa (1). Các bạn trẻ ngày nay hầu như chẳng ai phải tự hái lấy trái biwa để ăn nữa. Còn ngày trước, trẻ con nhà quê không đứa nào lại không biết trèo cây hái biwa. Thi thoảng có bữa nghỉ việc, cả nhà tôi kéo nhau ra đảo Sakurajima để hái biwa. Thời đó, những vườn biwa rộng bạt ngàn còn phủ kín chân núi Sakurajima. Lũ trẻ chúng tôi chạy ào vào vườn, đứa nào đứa nấy trèo tót lên cây, hái biwa ăn cho no căng bụng rồi mới nhét đầy balô đem về làm quà.
1. Biwa là một loại quả vị ngọt, màu vàng sẫm, nhủ như quả mơ ở ta.
Bình thường tôi chỉ có anh tôi là bạn. Anh tôi bắt tôm, bắt cá rất giỏi. Tôi thường mang xô chậu tháp tùng anh. Tôi hồi hộp theo dõi anh lấy vợt lùa bắt tôm, cá rồi đổ vào trong xô chậu. Có khi anh còn bắt được con cá chép to bằng bắp tay người lớn nữa. Tôi thì chẳng bao giờ bắt được con tôm con cá nào cả. Thế nhưng thấy lũ trẻ con hàng xóm xì xào ghen tỵ khi chúng tôi xách xô chậu đầy ắp tôm cá đi ngang thì mũi tôi lại phổng lên vì hãnh diện. Tôi vẫn còn nhớ như in món tôm rang cả vỏ của mẹ tôi.
Tôi có nhiều kỷ niệm về mẹ. Tỉnh Kagoshima có tập quán là vào tháng 12 hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm “Bốn mươi bảy nghĩa sĩ thành Akou”(1), học sinh lớp năm ở tất cả các trường tiểu học đều phải tập trung ngồi thiền tại hội trường từ chập tối đến tận mười giờ đêm. Suốt thời gian đó, thầy hiệu trưởng đứng trên bục đọc Truyền thuyết về bốn bảy nghĩa sĩ thành Akou cho học trò nghe. Kagoshima ở phía nam Nhật Bản, nên mùa đông ấm hơn nhiều so với các tỉnh khác. Nhưng vào tháng 12, ban đêm trời vẫn lạnh buốt. Thời tiết như vậy mà bọn trẻ chúng tôi phải ngồi thiền, đứa nào cũng rét run cầm cập, hai cẳng chân tê cóng, chẳng còn lòng dạ nào mà nghe chuyện các nghĩa sĩ cả. Hết buổi, cơ thể chúng tôi gần như đông cứng. Vừa lê thân hình lạnh giá về tới nhà đã thấy mẹ tôi ngồi đợi sẵn cùng nồi chè đậu đỏ nóng hổi. Tôi chẳng bao giờ quên được vị chè dịu ngọt chứa đầy tình thương của mẹ. Và cũng không bao giờ quên được cảnh mẹ tôi với khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt yêu thương nhìn đứa con vục đầu vào bát chè ăn lấy ăn để chẳng kịp nói một lời nào. Đến tận bây giờ, mỗi lần ngồi trước bát chè thì hình ảnh mẹ lại như hiện ra trước mắt.
1. Truyền thuyết về bốn bảy nghĩ sĩ thành Akou: theo sách sử Nhật Bản ghi lại thì năm 1701, triều đình Kyoto cử sứ thần Kozukennosuke mang chiếu chỉ đến thành Edo. Nghênh tiếp sứ thần Kira là Asano, lãnh chúa vùng Akou. Trong bữa tiệc, không hiểu sao sứ thần Kira vô cớ mạt sát lãnh chúa Asano. Tức mình, lãnh chúa Asano rút gươm ra doạ chém sứ thần Kira. Sau đó, sự kiện đến tai Shogun (Tướng quân). Lãnh chúa Asano bị khép tôi làm nhục triều đình và chịu hình phạt tự rạch bụng tự vẫn. Để rửa hận cho chủ, bốn bảy võ sĩ thuộc hạ của Asano đã tổ chức hạ sát và đem thủ cấp của Kira đến dân trước mộ Asano. Kết cục là cả bốn bảy võ sĩ đều bị triều đình khép tội chết.
Trước khi vào lớp một, tôi là một đứa trẻ hay khóc nhè. Mỗi lần khóc thì phải hai ba tiếng đồng hồ sau mới nín. Khi khóc mà không có người đến dỗ tôi lại càng làm già, lăn lộn trên nền nhà mà gào. Tính hay hờn dỗi từ thuở thơ ấu không sao sửa hết ngay được. Đi đến trường cũng phải có người dắt. Tôi không thể đi một mình như các bạn cùng lớp. Ở nhà thì làm mình làm mẩy, nhưng ra ngoài đường tôi lại nhát như cáy. Ngày khai giảng, mẹ dẫn tôi tới trường nên không sao cả. Nhưng sang ngày hôm sau, khi biết phải đi học một mình, tôi vùng vằng khóc: “Không đi học đâu, không đi học đâu”. Thế là mẹ phải dẫn tôi đến trường suốt cả tuần lễ đầu tiên.
Đến trường được một thời gian, tôi có bạn nên đi học vui hẳn lên. Nói đúng ra là do được vui chơi nghịch ngợm với bạn bè nên tôi thích đến trường. Thời đó làm gì có đồ chơi như bây giờ. Chúng tôi thường là rủ nhau ra con sông gần nhà nghịch nước, bắt cá, hoặc chơi trận giả...
Lúc mới vào lớp một, tôi học rất khá. Như mẹ tôi kể lại, kết quả học tập ghi trong sổ liên lạc của tôi bao giờ cũng đạt loại giỏi. Nhưng dần dần, do mải chơi nên đến lúc tốt nghiệp tiểu học hầu như tôi chẳng để tâm vào bài vở nữa. Cũng không thấy cha mẹ tôi la mắng gì hết. Vì thế hầu như suốt ngày tôi chỉ chơi và nghịch ngợm.
BỊ LAO
Giờ đây nhìn lại, có thể nói trong suốt thời gian học tiểu học, tôi được sống những ngày hạnh phúc với thiên nhiên, được thiên nhiên ôm ấp. Vào mùa hè, với cái khố quấn quanh hông, tôi lao mình xuống dòng sông trong xanh tung tăng bơi lội. Nhô đầu lên khỏi mặt nước thì trước mắt là toà thành Shiroyama sừng sững với rừng cây rậm rạp bao quanh. Thật khó tưởng tượng được cả một thiên nhiên trù phú lại tồn tại ngay giữa lòng thành phố như vậy. Và tình yêu thiên nhiên đã dần hình thành trong tôi.
Vào mùa xuân năm 1944, sau khi tốt nghiệp !!!7825_23.htm!!! Đã xem 43105 lần.

---~~~mucluc~~~---