Chương IV
MẮT BÃO

Cụ Cudia nhận thấy là thời gian gần đây Giamin, con trai thím Samsura, hay ra trại ngựa và lảng vảng cạnh chuồng ngựa. Trước kia Giamin và các bạn thỉnh thoảng cũng đến đây, có việc vẫn thường sẵn lòng giúp cụ: quay tời kéo nước từ dưới giếng lên, mang cỏ tới máng ngựa ăn, rửa chuồng ngựa. Vì thế các cậu được cụ cho chơi với bầy ngựa con, cưỡi dạo trong sân trên con ngựa đốm Dorica hiền lành. Một lúc bốn cậu có thể ngồi gọn trên cái lưng rộng của nó. Các cậu chỉ thích cưỡi con ngựa này vì tin chắc nó là ngựa rạp xiếc. Sau một lần xem phim về xiếc, các cậu đã đi đến kết luận như vậy. Cái kết luận này được hoàn toàn xác định hẳn khi Vichia một lần đã khám phá ra điều mới này:
- Các cậu ạ, đuôi con Dorica cũng rậm lông như đuôi ngựa rạp xiếc ấy! Nhìn xem!
Các cậu khác cũng cho là như thế, mặc dù thừa biết là Côlia đã làm được nhiều dây câu từ đuôi của Dorica.
Các cậu cứ bám chặt lấy ông cụ như ruồi bâu mật, mặc dù ông cụ bao giờ cũng nghiêm khắc, và không bao giờ bỏ qua cho các cậu một lỗi lầm nhỏ nào. Chỉ cần có cậu nào treo vòng cổ ngựa không đúng chỗ, hay để quên bộ cương ngoài đường là y như cụ đặt một chân lên thành giường, nhấp nháy đôi mắt xanh lam như hoa lý dưới đôi mi đã trắng bạc vì thời gian, rồi cất giọng trẻ trung một cách lạ lùng, nói:
- Cậu nào làm sai thế? Đi lại đây!
Nghe cụ nói thế, người có lỗi vội vàng chạy đi chữa lại việc đã làm sai.
- Được! - Đôi mắt xanh của cụ lại ánh lên, và cụ lại vân vê bộ ria trắng vốn đã vểnh ra ngoài của mình.
Các cậu nhận thấy là cụ giống Sapaép - cùng một tầm vóc, cũng nhanh nhẹn như thế, bộ ria cũng thế, có điều là ria của cụ trắng mà thôi...
Không hiểu sao gần đây cụ tiếp các cậu không được niềm nở như trước.
- Các cháu láng cháng nghịch ngợm ở đây, mà lão thì phải chịu trách nhiệm - cụ Cudia lúng búng trong miệng mỗi lần thấy Giamin đến trại.
Cố lấy giọng nghiêm khắc, cụ nói tiếp:
- Có chuyện gì xảy ra là người ta lại rầy rà lão. Có lẽ nên tránh xa thì hơn, các cháu ạ.
- Sẽ không có chuyện gì xẩy ra đâu, cụ ạ. Cháu chỉ lại chỗ con Taiphun thôi mà.
- Đúng, đúng. Chính vì nó mà lão đang phải khổ đấy. Cháu xem, con dê thì thích thế nào làm thế đấy, mà lão thì phải chịu trách nhiệm về nó. Có đời thuở nào như thế không? - Cụ Cudia ngồi xuống khúc gỗ cạnh chuồng ngựa, lấy tay phủi phủi các bụi cỏ khỏi hai ống áo bông. Vào những giờ rỗi rãi này, cụ thích ngồi ở đấy, chỗ mà cụ vẫn gọi là "trên boong tàu", thong thả hút thuốc và bàn luận về nhân tình thế thái.
Hôm nay tuy không vui lắm nhưng cụ vẫn nói chuyện với Giamin:
- Lại chỗ con Taiphun đấy à? Nó có gì mà quyến rũ cháu thế? Cháu định thắng cương cho nó chắc? - Giọng cụ có vẻ hiền lành hơn - Cậu bé ạ, lão phải vất vả nhiều lắm vì nó đấy. Bao giờ cũng phải để mắt trông nó. Mà lão thì lúc nào cũng bận túi bụi. Cháu hiểu chứ? Sao đứng thế, ngồi xuống đi.
"Cụ nguôi giận rồi". Giamin mừng thầm, ngồi xuống khúc gỗ. Từ người ông lão coi ngựa, mùi cỏ và mùi mồ hôi ngựa bay ra. Cậu không thể giải thích được tại sao cậu thích cái mùi này như vậy.
- Nhưng tại sao cháu bỗng chú ý đến con Taiphun thế mới được chứ? - cụ Cudia đưa tay ôm vai Giamin.
"Nếu mình nói thật, cụ có cười không nhỉ? Biết đâu cụ lại chẳng trách cho"
- Thế nào, sao lại ngồi lặng thinh?
Giamin thở dài, cúi nhặt từ đất lên cọng bồ công anh đã bay hết hạt.
- Cụ ạ, cháu cãi nhau với các bạn. Với Gôga. Nó bảo là cả Taiset sợ con Taiphun, và chỉ mình bà nó là không sợ. Nó còn nói là bà nó đã nắm râu con dê mà lôi đi như lôi một thằng say rượu..
Ông lão coi ngựa chú ý lắng nghe, thậm chí còn ngừng cả hút thuốc. Tuy biết là cụ Cudia vẫn lắng nghe các cậu hơn ai hết, dù sao, cậu vẫn đưa mắt liếc nhanh nhìn cụ.
- Cụ biết thế nào không, cháu bảo là từ nay cháu sẽ không sợ con Tai phun nữa, thậm chí còn nói là... - Giamin ngập ngừng: - Còn nói là cháu sẽ cưỡi lên nó...Chứ không thì thằng Gôga sẽ bảo là bao giờ Chúa cũng giúp bà nó…
- À, ra thế, cháu đến đây là vì chuyện đó. Lão nói thật với cháu là gay đấy. Nhưng kể ra cháu đã nói đúng. Đúng lắm, cháu ạ. Cần phải thế. Kẻo không hóa ra con dê chỉ sợ độc có một mụ già chỉ biết cầu chúa, còn lão và cháu nó không sợ à? Có điều, cháu xem, làm thế nào mà cưỡi nó được - Ông lão coi ngựa đứng dậy, đi lại chỗ con Taiphun đang bị nhốt trong chuồng.
Thấy có người, con dê nhỏm dậy, thở phì phì và lắc đầu, có vẻ bực dọc.
- Sao lại giận dữ thế, ông bạn? - Cụ Cudia đứng ngoài chuồng ngắm nó, hỏi - Có người muốn làm bạn với mày đấy - ông lão gật đầu chỉ về phía Giamin.
Taiphun thong thả dạo quanh chuồng rồi bỗng nhiên húc mạnh vào thành chuồng phía đối diện với cụ Cudia, thanh gỗ chắn rung lên, cong lại. Sau đó nó lùi lại một tí và cúi đầu xuống, như thể lắng nghe ông cụ nói gì.
- Tất nhiên là nó hung dữ. Nhưng làm sao mà không hung dữ được? Cháu nghĩ xem: ai cũng muốn trêu nó, đánh nó, ai thấy nó cũng chạy như chạy kẻ bị dịch hạch… Cháu tưởng nó không hiểu à? Cháu nhìn xem, nó đang nghe đấy. Hỏi đã mấy người định đối xử tốt, vuốt ve nó và làm bạn với nó? Chưa ai hết. Bao giờ nó cũng nghe nói: con quỷ, con trời đánh, đồ hung dữ. Sau những lời như thế thì làm sao nó có thể trở thành thiên thần được! Mà nó cũng chỉ là con vật mà thôi.
Taiphun thích nghe giọng nói của người hàng ngày vẫn cho nó ăn cỏ. Nó hoàn toàn bình tĩnh trở lại, đưa cặp môi mỏng chọn ở bó cỏ những ngọn non rồi oai vệ dạo quanh chuồng. "Nó cũng chẳng hung dữ lắm" - Giamin nghĩ bụng.
- Cháu có hiểu thế nào là "Taiphun" không? - Cụ Cudia bỗng hỏi và tinh nghịch nhìn Giamin.
- Gió to, bão lớn.
- Đúng thế. Rất nguy hiểm. Nó ập đến bất ngờ, bất ngờ như quỷ sứ từ lò sưởi ra vậy. Lúc ấy thì không thể phân biệt nổi đâu là trời đâu là đất nữa. Tất cả đều bị đảo lộn hết. Nhưng cháu ạ, trong mỗi cơn bão đều có một chỗ yên tĩnh. Người ta gọi đó là "mắt bão". Thành ra, nếu tàu bè mà tìm được cái "mắt bão" ấy cũng không có gì đáng sợ nữa. Trời lặng, nước yên. Thì con Taiphun của ta cũng phải có một cái mắt như thế. Cháu mà tìm thấy thì cưỡi nó tất được.
- Cụ ơi, để cháu đưa cỏ cho nó ăn nhé, được không? - Giamin hỏi.
- Vội vàng sẽ làm hỏng việc đấy cháu ạ. Phải thận trọng với nó mới được.
- Cháu đưa cỏ cho nó, cụ nhé - Giamin lại hỏi, trong đầu đã tưởng tượng cảnh cậu sẽ nói với Gôga: "Còn mình thì đã dùng tay đưa cỏ cho con Taiphun đấy nhé" khi có mặt của cả lớp.
- Đây - cụ Cudia rút trong túi ra một miếng bánh mì đã khô cứng. Nhưng suy nghĩ một lúc, cụ lại bẻ đôi miếng bánh - Để phần con Tô đích một nửa. Nó thích ăn bánh mì với muối lắm - cụ giải thích.
Giamin cầm nửa miếng bánh mì kia đi lại gần con Taiphun. Ông lão coi ngựa mỉm cười, tuy thế, vẫn để cửa chuồng nửa đóng nửa mở. Con dê ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn Giamin. Nó không hiểu tại sao con nguời bé nhỏ kia, đáng lẽ phải sợ bỏ chạy mà lại tự mình đi lại gần nó thế.
- Bánh mì, chìa bánh mì cho nó xem! - Giamin nghe có giọng nói ở đằng sau. Ông lão chăn ngựa đứng ở bên cậu.
- Này, lại đây, lại đây, Taiphun! - Giamin thì thầm.
Ngoài chuồng, mọi việc có vẻ như đơn giản hơn nhiều, và không có gì đáng sợ lắm. Bây giờ, khi mắt con Taiphun đổi sắc và đôi môi ướt như nhung của nó cong lên, thì lại là chuyện khác. Giamin nhận thấy nó có một cặp mắt đen rất đẹp, còn hai sừng thì hầu như dính vào nhau ở gốc, lông ở đấy lốm đốm như đã bắt đầu bạc.
- Lại đây, lại đây - Giamin gọi Taiphun, giọng run run.
Con dê đưa mắt quan sát nhanh người khách không mời mà đến một lần nữa rồi cong mình lấy thế, rướn cổ thành vòng cung, sẵn sàng nhảy bổ vào húc Giamin. Giamin tái mặt, đang nói giữa chừng bỗng dừng lại. Những tưởng không còn gì có thể ngăn Taiphun được nữa.
- Taiphun, làm gì thế? Không thấy người ta mang bánh lại cho mày đấy à? - cụ Cudia quát.
Con Tai phun hạ chân xuống, quay người, kêu be be mấy tiếng rồi thong thả đi vào góc chuồng. Cụ Cudia lẩm bẩm nói theo:
- Thật chẳng biết điều một tý nào! - rồi cụ cầm lấy mẩu bánh mì từ tay Giamin đang đứng lặng người, đi lại gần con Taiphun - Này, ăn đi. Cậu ta mang cho mày đấy.
Con dê thận trọng ngoạm mẩu bánh khô trong tay người chăn ngựa. Còn ông cụ thì vẫn tiếp tục nhỏ nhẹ trách móc, đưa tay gãi mang tai cho nó.
Giamin nhìn mà không tin vào mắt mình. Con Taiphun cả Taiset phải sợ, bây giờ đang đứng trước cụ Cudia như một con bê hiền lành nhất.
Khi hai người ra khỏi chuồng, Giamin đã hoàn toàn bình tĩnh trở lại, cậu buồn rầu nói:
- Đáng lẽ cháu không nên nói khoác với Gôga như thế, cụ Cudia ạ. Cháu không làm bạn với con Taiphun được - Cậu thở dài và liền hỏi - Sao nó sợ cụ nhỉ? Giá nó sợ cháu như thế!
- Thì lão đã bảo là bất kỳ con vật nào cũng thích được đối xử tốt, thích được vuốt ve. Nhưng cũng cần nghiêm khắc nữa, cháu ạ - cụ Cudia ngồi xuống nói.
Giamin biết cụ Cudia từ ngày cậu bắt đầu biết nhớ. Và cậu tin chắc là ông lão coi ngựa bao giờ cũng tốt bụng và luôn có mặt quanh bầy ngựa như bây giờ. Nhưng hôm nay cậu còn biết thêm là cụ Cudia từng làm lính thủy pháo binh trên chiếc tàu tuần tiễu lừng danh "Người Triều Tiên" và đã tham gia các trận thủy chiến năm 1905.
- Năm ấy bọn Nhật làm quân ta điêu đứng - cụ Cudia nhớ lại - Đại bác của chúng bắn xa hơn, còn tàu thì nhiều hơn ta những ba lần, và lại chạy nhanh hơn. Còn Nga hoàng ấy à? Quỷ tha ma bắt hắn đi. Hắn chỉ biết suốt ngày nốc rượu và dạo chơi bơi, không đếm xỉa gì đến xương máu của thủy thủ. Ấy thế mà người thủy thủ Nga vẫn đứng vững, cháu ạ. Bọn Nhật muốn bắt quân ta làm tù binh, muốn lắm. Nhưng chúng chẳng được quái gì cả. Chúng quên là chúng đang đánh nhau với ai. Sau này, người ta có kể lại là thằng cha đô đốc Nhật bực mình hai ngày liền không ăn, không uống, không muốn nhìn ai hết. Quân ta đã biết tay thế đấy! Tinh thần anh hùng của người thủy thủ Nga thời ấy được sử sách chép lại cho đời sau.
Cụ Cudia thong thả kể chuyện. Giọng cụ như trẻ lại, thậm chí các nếp nhăn trên trán cũng biến mất, toàn người cụ như tỏa sáng từ phía trong. Có lúc Giamin nghĩ bụng: bây giờ mà bỏ bộ ria trắng đi, khoác lên người bộ đồng phục hải quân thì lập tức cụ lại thành một chàng thủy thủ trẻ và khỏe mạnh.
Hôm ấy ông cụ đã kể cho Giamin nghe nhiều điều hay và bổ ích. Kể ra, phần lớn câu chuyện của cụ là nói về cuộc đời mình, và chức vụ không lấy gì làm vinh quang, như cụ vẫn hay nói, nhưng cũng không thuộc loại tồi nhất trong xã hội. Giamin hiểu được điều chủ yếu: cần phải sống trung thực. Cụ Cudia giải thích điều này như sau: phải kính trọng người khác, phải có tâm hồn cao thượng, phải biết quý và bảo vệ tình bạn, biết yêu ngôi nhà của mình, Tổ quốc của mình ngay cả trong những giờ phút thử thách gay go nhất. Tổ quốc cũng như người mẹ, thương yêu một cách nghiêm khắc, quở trách, nhưng không ruồng bỏ. Bao giờ cũng chân tình...Về nhà, Giamin kể hết với mẹ những gì cậu nghe từ miệng cụ Cudia. Các từ ngữ thủy thủ mà cụ Cudia vẫn thích dùng, thậm chí một số người lớn cho là kỳ quặc, hóa ra chúng ở ngay tâm hồn cụ. Thế đấy!
- Thế con có biết ông cụ từng là du kích không? - Mẹ cậu hỏi - Cùng một đội với chính ông Bisơ đấy, và hoạt động trong vùng ta. Người ta nói ông cụ kiên quyết lắm. Cả nhà cụ bị bọn Cônsác giết - chúng treo cổ ở chỗ cầu nổi, bây giờ các tàu chở than vẫn tới đổ ở đấy. Ông cụ sống một mình là thế. Và ông cụ từng là một người thợ nguội tài giỏi! Vì sức khỏe yếu mà phải tới trại ngựa thôi. Ông cụ cần không khí tốt. Phổi đau nặng, trước bị nhiễm hơi ga trong cuộc đại chiến thứ nhất. Ông cụ đã gặp nhiều điều không may. Được thưởng huân chương Ghêoocghi. Còn bây giờ con đã lớn gần bằng ông - Phải biết nhận ra người tốt, con ạ. Con lớn rồi, phải hiểu điều đó. Người tốt không bao giờ tự phô trương mình cho người khác thấy đâu... Bao giờ họ cũng khiêm tốn.
Sáng sớm hôm sau, Giamin vớ vội miếng bánh mì trên bàn rồi chạy thẳng ra trại ngựa. Chưa có người đánh xe nào đến. Những chiếc xe ngựa đứng thẳng dọc theo bờ giậu, càng xe trần trụi chĩa lên trời. Chú gà trống cổ trụi lông đang oai vệ đi lại giữa bầy gà mái. Mỗi lần tìm được hạt gạo trong bụi đất, nó lại kêu cục cục trong miệng, đạp đạp đôi chân có cựa sắt như giẫm phải lửa.
Đang quét cạnh chuồng ngựa, miệng lẩm bẩm hát lạc điệu bài "Trên núi đồi Mãn Châu Lý" cụ Cudia nhìn thấy Giamin
- À, đã đến rồi cơ à? - ông cụ mừng rỡ nói - Vậy mà lão cứ nghĩ là sau lần hôm qua, cháu không còn nghĩ tới việc cưỡi con Taiphun nữa. Thế nhưng hôm nay vẫn đến. Tốt lắm. Thôi đi lại với nó đi. Bây giờ nó vừa ngủ dậy, không hung dữ. Mà chớ vào chuồng nó đấy nhé!
- Này, Taiphun - Giamin gọi con dê và chìa mẩu bánh mì cho nó xem. Tai phun bước từng bước ngắn lại gần. Giamin nghe rõ cả tiếng móng chân tách làm đôi giống như cặp sừng cụt.
Tại sao con người nhỏ bé này lại cứ bám lấy mình thế nhỉ? Hắn không kêu như người khác mà nói khe khẽ, tay cầm mẩu bánh thơm phức, làm người cứ như ngứa ngáy. Muốn ăn quá. Còn ông lão bé nhỏ kia đâu rồi, cái ông già suốt ngày chỉ quẩn quanh với mấy con ngựa, và bao giờ cũng tốt với mình ấy.
Tai phun đi lại mép chuồng, chìa mõm qua khe hở thè lưỡi đỡ lấy mẩu bánh. Hai sừng mắc giữa các thanh chắn.
Giamin bẻ nhỏ mẩu bánh để lên lưỡi nó. Con dê lắc lắc đầu rồi chậm rãi nhai bánh.
Chẳng mấy chốc bánh hết. Đưa mẩu cuối cùng xong, Giamin lấy bàn tay vuốt nhanh cái bờm đầy lông cứng của nó.
Ở trường bây giờ ai cũng biết là Giamin đã làm bạn được với con Taiphun: có thể vào chuồng nó mà không sợ gì, dùng tay cho nó ăn, chải lông cho nó. Một số cậu công khai ghen tị với Giamin và xin được ra trại để xem Taiphun đón bạn mình như thế nào.
Được sự đồng ý của cụ Cudia, Giamin dẫn cả một đoàn ra trại. Nghe tiếng ầm ĩ, Taiphun lập tức đề phòng.
- Không được làm ầm lên thế, nó giận đấy - Giamin lấy từ chiếc túi vải sơn một chiếc bánh mì rồi bước vào chuồng.
Taiphun đón cậu một cách dè dặt, có lẽ nó cho là thổ lộ tình cảm bây giờ, trước mặt mọi người là quá sỗ sàng. Nó chỉ cà hông vào đầu gối Giamin, khép đôi mi cứng che mắt.
- Xem kìa, như chơi với mèo con của cậu ấy, nhé - các cậu bé ngạc nhiên kêu lên.
Tiếng ồn ào lại làm Taiphun cảnh giác.
- Nhưng cưỡi lên nó thì có thuê cậu ta cũng chẳng dám - Gôga nói chọc
"Một liều ba bảy cũng liều, mình sẽ thử" - Giamin quyết định rồi ném chiếc túi ra ngoài chuồng:
- Cầm hộ mình!
- Đừng, nó sẽ hất cậu ngã! Nó sẽ húc - các bạn khuyên Giamin
- Sợ rồi, mày sợ rồi! - Gô-ga kêu lên. Cậu ta chạy lăng xăng giữa đám trẻ và thì thầm điều gì với chúng.
Không ai hiểu thật rõ ràng cái gì đã xảy ra. Các cậu chỉ thấy Giamin bỗng nhảy tót lên lưng con dê rổi lập tức cậu bị hất bay qua sừng nó, rơi xuống đống phân trong góc chuồng. Con dê giận dữ lao vào nạn nhân của mình, kẻ đã dám làm cái điều hỗn xược kia.
Gô-ga là người đầu tiên kêu ré lên và chạy bổ tới chuồng ngựa
- Cụ Cudia ơi, con Taiphun húc Giamin
Ông lão hết sức ngạc nhiên khi chạy tới thì thấy bọn trẻ đứng lặng người, còn Giamin thì ngồi tái mặt trong chuồng, bên cạnh là Tai phun đang đứng cúi đầu, cái đuôi khe khẽ vẫy.
- Cháu làm lão sợ quá Gô-ga ạ. Lão cứ nghĩ thôi chết rồi, cậu thủy thủ tý hon của lão bị bão tố thật rồi. Hóa ra không sao - ông cụ thật thà trách Gô ga.
- Tại vì cậu ấy cứ nói chọc Giamin là "đồ hèn, đồ hèn" mãi đấy - các cậu kia tranh nhau nói.
Cụ Cudia giấu nụ cười trong bộ ria của mình, rồi quay lại với công việc bị ngắt quãng, miệng lẩm bẩm hát bài: “Trên núi đồi Mãn Châu Lý”