Nghiêm trọng hơn, những hậu quả của trận nắng nóng vừa qua lại dường như gắn liền với mức độ y tế kém cỏi của các cơ sở cả tư nhân lẫn nhà nước. ‘Bây giờ, có phòng chống trong nhiều nhà dưỡng lão, đặc biệt là vùng Paris... ấy vậy mà mùa hè vừa qua, không có trường hợp tử vong nào được xác nhận tại đây. Thật là lạ đúng không? Tôi cho rằng rất nhiều người đã ở trong tình trạng sốt cao khi rời nhà dưỡng lão để đến bệnh viện và qua đời ở đấy’, Christophe Fernandez - chủ tịch hội Bảo vệ và Giúp đỡ người cao tuổi (AFPAP) lên tiếng. Cựu nhân viên cảnh sát, ông từng nổi tiếng với những cuộc điều tra tố giác cung cách làm việc tồi tệ của các nhà dưỡng lão. ‘Thực hành y tế bất hợp pháp, không có mặt trong phút nguy kịch, lạm dụng chuyên trở tới bệnh viện... phần lớn những chuyện này xuất phát từ sức ép quá mạnh của lợi nhuận, ông nói tiếp. Một trên năm lời ca thán dính dáng đến các cơ sở nhà nước và bốn trên năm giành cho các cơ sở tư nhân’. Theo sự đánh giá của ông: trong 600 000 phòng thì 200 000 sẽ bị xếp hạng kém (Báo Le Figaro, 07/11/2003) Nửa năm tiếp theo, Liên không có việc làm. Hàng tháng phải cắp cặp đến gặp văn phòng quản lý người thất nghiệp, gọi tắt là ANPE. Hồ sơ của Liên gồm mỗi cái bằng đại học Mỏ-Địa Chất, cũng chưa được dịch công chứng. Cô thư kí bảo cố mà học thêm tiếng Pháp, sau đó đi thi lại, trường Mỏ là một trong ba trường danh giá nhất Paris, dân Việt Nam nổi tiếng có chí, có vị năm mươi lăm tuổi mới thành bác sĩ, mở phòng mạch tư được mươi năm, khi chết, đăng cáo phó trên báo Le Monde, thêm chữ docteur cạnh họ tên, con cháu cũng mát mặt. Lần nào Liên cũng im lặng, không hiểu tán thành hay từ chối. Liên chưa bao giờ thích địa chất. Liên đã thi vào đấy chỉ vì biết là thế nào cũng đỗ. Liên đã lên tận sở Giáo Dục để tham khảo danh sách học sinh dự thi. Bảy mươi chín Nguyễn Văn, Trần Đình, Phạm Hữu, Lê Khắc, Bùi Huy, Đỗ Quốc. Mỗi khoá cũng cần một người để thỉnh thoảng vo gạo, nấu cơm, rửa bát. Nữ sinh dù sao cũng đỡ nghịch hơn nam sinh, con gái không đẹp càng không lo làm mất đoàn kết. Các thầy trong ban giám khảo đều công nhận như vậy nên Liên thiếu hai điểm mà vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Rồi cứ thế tự động lên lớp, tự động ra trường. Năm năm trôi qua không mấy khó khăn. Cái bằng rơi vào tay như chiếc lá tháng mười là đà đậu xuống chậu nước giữa sân. Kiến thức thu được chẳng đáng kể ra. Bây giờ có nhớ lại thì chỉ nhớ những ngày mồng 8 tháng 3 nằm nhà, những buổi nghỉ học đi khám mụn, những viên vi-ta-min C ngậm thì ngọt, cắn làm đôi mới thấy chua, những đợt thực tập đeo cuốc chim và búa tạ ở vùng Hòa Bình, cả ngày leo núi gẫy chân, gặp gì lạ là gõ, phần đông chỉ thấy ổ mối với mồ mả, mồ mả sao mà lắm, toàn vô danh, đi mãi mới tìm được vài cái còn dấu chân hương, đi mãi cũng chẳng bao giờ hết. Tháng sau, văn phòng ANPE gửi Liên đi học vi tính, món ấy bây giờ nghề nào cũng cần, không biết không xong. Cô thư kí bảo tháng nào cũng tổ chức hai lớp thế mà không còn chỗ, ai cũng tranh thủ, mấy khi có thời gian, lại không phải trả tiền. Liên đến lớp, ba chục khuôn mặt vô cảm, gặp nhau chẳng buồn chào. Phòng học hình chữ nhật, trang bị toàn đèn tuýp. Tường quét màu be. Trần xốp đồng màu kẻ ô vuông. Ba mươi máy vi tính xếp thành ba hàng. Chồng ghế nhựa xanh lá cây đặt một góc. Ai đến tự lấy ra mà ngồi. Thầy giáo đưa cho một danh sách, bảo học viên nào có mặt thì kí vào bên cạnh. Cả lớp truyền tay nhau, có đứa chẳng thấy tên đâu, có đứa đúng tên lại sai họ, hay đúng họ lại sai tên, Liên đánh thành Leng, Roxana thành Rosona, Than thành Tang, Mohamet thành Ahmet, Pavlovitch thành Polonov, Martinez thành Marlinès. Ba mươi tên chỉ có ba là hoàn chỉnh. Cả lớp cáu rinh. Có đứa văng bậy. Tên người ta chứ có phải chuyện đùa đâu. Nay mai giấy chứng nhận tốt nghiệp vi tính mà ghi thế này thì toi mấy tháng đèn sách. Thầy giáo cũng cáu, bảo ANPE làm ăn ẩu thật, càng ngày càng tệ, ba trên ba mươi là tỉ lệ có mười phần trăm. Bọn kia vẫn chưa hết tức, một đứa bảo thư kí ANPE chép tên cũng không xong. Một đứa khác bảo không biết đã học vi tính chưa. Một đứa khác nữa bảo thế mà bắt người ta đi học. Rầm rĩ. Thầy giáo phải hứa sẽ phản ảnh lên ban giám hiệu. Không khí lớp học thế mới dịu đi. Hai tiếng sau thì chữa xong danh sách, viết đè lên trên, hàng này chập hàng kia, gạch xóa nhằng nhịt. Thầy giáo bảo sẽ mang lên văn phòng nhờ thư kí đánh máy lại. Cả bọn thở dài ngán ngẩm, thư kí trường dạy nghề khéo kém cả thư kí ANPE. Đến giờ cơm trưa cũng chẳng học được gì. Chuông reo, thầy giáo đứng dậy bảo: ăn ngon nhé, rồi cầm cặp biến thẳng. Thầy giáo tóc hói, mặc quần bò, áo vét ca-rô đen trắng, cà vạt chấm đỏ, giày thể thao, rất khó đoán tuổi nhưng có vẻ thoáng. Ba mươi học viên lục tục bỏ đồ ăn lên bàn. Chủ yếu là bánh mì và Coca Cola. Liên mang nửa bánh mì đũa và hai lát thịt hun khói. Thằng bên cạnh lôi từ túi du lịch ra một gói bánh mì gối nửa cân, một cây xúc xích còn bọc ni-lông, dưa chuột, cà chua đều còn nguyên quả. Liên vẫn chưa kẹp xong thịt vào bánh mì thì thằng kia đã ngốn sạch đống đồ ăn. Không hiểu gọt vỏ bằng cách nào. Có cắt bánh mì hay không. Một lúc sau Liên quay sang, thấy trước mặt nó lăn lóc hai hộp bánh bích qui rỗng. Cả lớp im lặng. Chẳng ai nói với ai câu nào, cặm cụi nhai và xem họa báo. Chốc chốc có tiếng tu nước ừng ực. Năm phút, thằng bên cạnh đã dựa đầu vào ghế, mắt nhắm nghiền, ngáy oang oang, lỗ mũi phập phồng, giống hệt một con hà mã. Một bà tóc quăn bỏ bộ bài ra xem bói, vừa xem vừa thở dài thườn thượt. Ba chị xồn xồn mặc váy ngắn rủ nhau ra toa lét rửa mặt và khoe đồ lót. Một ông đeo kính dựa tường đọc báo. Những người còn lại chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, nhạc bật rất to, giật liên hồi. Hà mã bật dậy bảo: để im cho người ta nghỉ. Chẳng ai trả lời. Nhạc vẫn không giảm. Liên ăn xong cuối cùng. Đang buồn ngủ thì một con bé tiến lại gần. Nó bảo: cà phê nhé. Rồi chẳng đợi Liên trả lời, chạy vụt !!!8914_7.htm!!!
Đã xem 54376 lần.
http://eTruyen.com