Lần đầu tôi gặp Catherine, cô mặc một bộ đồ đỏ tươi và bồn chồn giở trang tạp chí để tại phòng đợi của tôi. Rõ ràng là cô thở hổn hển. Hai mươi phút trước đó, cô đi tới đi lui trong hành lang bên ngoài Khoa Tâm Thần, cố gắng thuyết phục mình giữ đúng hẹn gặp tôi mà không bỏ đi. Tôi ra phòng đợi và chào cô, và chúng tôi bắt tay nhau. Tôi nhận thấy tay cô lạnh và ẩm ướt, xác nhận có sự lo âu. Thực ra sau hai tháng trời thu thập can đảm để làm hẹn gặp tôi mặc dù hai thầy thuốc tư vấn mà cô tin tưởng khuyên cô tìm sự giúp đỡ nơi tôi. Cuối cùng cô đã ở đây. Catherine là một phụ nữ quyến rũ lạ thường, với mái tóc vàng hoe dài vừa phải và cặp mắt màu nâu nhạt. Lúc đó, cô là một chuyên viên phòng thí nghiệm tại bệnh viện mà tôi là Trưởng Khoa Tâm Thần, và cô kiếm thêm tiền bằng cách làm nghề mặc áo tắm. Tôi bảo cô vào phòng tôi, đi qua chiếc đi văng tới chiếc ghế da lớn.Chúng tôi ngồi đối diện nhau, cái bàn bán nguyệt của tôi ngăn cách chúng tôi. Catherine ngả lưng trên ghế, im lặng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chờ đợi, muốn để cho cô khởi đầu, nhưng sau vài phút, tôi bắt đầu hỏi về quá khứ của cô. Trong lần khám bệnh đầu, chúng tôi bắt đầu làm sáng tỏ cô là ai và tại sao cô đến tìm gặp tôi. Trả lời câu hỏi của tôi, Catherine cho biết câu chuyện về đời sống của cô. Cô là một đứa trẻ trung bình, sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc Giáo ôn hòa tại một thành phố nhỏ ở Massachussetts. Người anh cô, sinh ra trước cô ba năm, rất khỏe mạnh, được hoàn toàn tự do mà cô thì không được phép. Em gái của cô là đứa con được cưng chìu nhất của cả bố mẹ.Khi cô bắt đầu nói về những triệu chứng của cô, cô trở nên căng thẳng và dao động nhiều. Cô nói thật nhanh và ngã người về phía trước, tựa khuỷu tay lên bàn. Đời cô luôn luôn bị đè nặng bởi sợ hãi. Cô sợ nước, sợ bị nghẹn đến mức không thể nuốt nổi viên thuốc, sợ máy bay, sợ bóng tối, và cô rất hãi hùng về cái chết. Trong thời gian vừa qua, sự sợ hãi của cô bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Để cảm thấy an toàn, cô thường ở phòng nhỏ có lối đi trong căn hộ của cô. Cô phải mất hai hay ba giờ mới ngủ được. Khi ngủ, cô ngủ chập chờn không ngon giấc, chốc chốc lại thức. Những cơn ác mộng và những tình tiết mộng du gây tệ hai cho cô lúc còn nhỏ bắt đầu trở lại. Khi sợ hãi và những triệu chứng ngày càng làm cô tê liệt, cô càng trở nên phiền muộn. Trong khi Catherine nói chuyện, tôi có thể cảm thấy cô đau khổ sâu xa đến nhường nào. Nhiều năm qua tôi đã giúp nhiều bệnh nhân như Catherine thoát khỏi những thống khổ của sợ hãi, và tôi cảm thấy tin tưởng cũng có thể giúp cô. Chúng tôi quyết định đào sâu thời ấu thơ của cô tìm ra căn nguyên phát sinh các khó khăn của cô. Thường thường kiểu nhìn vào bên trong giúp làm nhẹ đi lo âu. Nếu cần thiết, và nếu cô có thể uống thuốc, tôi sẽ cho cô một số thuốc chống lo âu loại nhẹ để cô được thoải mái hơn. Đó là cách chữa trị theo tiêu chuẩn sách vở cho các triệu chứng của Catherine, và tôi không bao giờ ngần ngại dùng thuốc an thần, hay thuốc chống suy nhược thần kinh, để chữa trị những chứng sợ hãi và lo âu nghiêm trọng và kinh niên. Bây giờ tôi ít khi dùng những thứ thuốc đó và chỉ dùng chúng tạm thời hay là không dùng nữa. Không có thứ thuốc nào có thể trừ được tuyệt căn những triệu chứng ấy. Những kinh nghiệm của tôi với Catherine và với những người khác như cô đã chứng minh điều đó với tôi. Bây giờ tôi biết có thể có những phương thuốc không chỉ ngăn chặn hay bao trùm những triệu chứng. Trong buổi chữa bệnh đầu tiên, tôi cố gắng đánh nhẹ vào thời thơ ấu của cô. Vì lạ lùng là Catherine chỉ nhớ được một số ít biến cố hồi thơ ấu, để tiến nhanh đến việc khắc phục sự ức chế nầy, tôi đã để tâm xem xét đến cách chữa trị bằng thôi miên. Cô không thể nhớ tí gì đến những lần chấn thương đặc biệt nào trong lúc thơ ấu có thể giải thích được sự sợ hãi lan tràn trong đời cô. Vì cô gắng sức căng tâm trí ra để mà nhớ lại, những mảng ký ức riêng biệt đã xuất hiện. Khi cô năm tuổi, cô đã kinh sợ khi một người nào đó đẩy cô từ cái cầu nhảy xuống hồ bơi. Cô nói là ngay cả đến trước khi việc xảy ra nầy, cô không bao giờ thấy thoải mái ở dưới nước. Khi Catherine mười một tuổi, mẹ cô bị suy nhược trầm trọng. Mẹ cô bỏ nhà một cách kỳ cục, đòi hỏi phải được khám bệnh bởi một bác sĩ tâm thần với sự điều trị bằng sốc điện. Cuộc điều trị nầy đã khiến cho mẹ cô rất khó nhớ lại các sự việc. Kinh qua việc nầy với mẹ cô làm Catherine sợ hãi, nhưng, vì mẹ cô đã đỡ nhiều và trở lại như xưa, Catherine nói, những nỗi sợ hãi của cô tiêu tan. Cha cô là một người rượu chè và đôi khi người anh Catherine phải tìm đến quán rượu địa phương để đưa ông về. Cha cô càng ngày càng uống nhiều rượu dẫn đến đánh lộn thường xuyên. Mẹ cô, bà trở nên ủ rũ và thu mình lại. Tuy nhiên Catherine thấy đó là mẫu hình gia đình đã được chấp nhận. Mọi sự tốt hơn bên ngoài gia đình. Cô có hò hẹn ở trường trung học và hòa đồng dễ dàng với bạn bè, đa số bạn cô, cô biết họ đã nhiều năm. Tuy nhiên cô thấy thật khó mà tin người, nhất là những người ở ngoài nhóm bè bạn nhỏ nhoi của cô. Tôn giáo của cô thì bình dị và không có vấn đề gì. Cô được nuôi dưỡng để tin vào hệ tư tưởng cách tu tập của Cơ Đốc Giáo truyền thống, và thực sự là chẳng bao giờ cô hoài nghi về tính đứng đắn và giá trị của Cơ Đốc Giáo. Cô tin rằng nếu bạn là một người Cơ Đốc ngoan đạo và sống đúng bằng cách tuân theo niềm tin và nghi thức, sẽ được lên thiên đàng, nếu không bạn sẽ phải chuộc tội hay địa ngục. Thượng Đế Cha và Con Ngài ban ra những quyết định cuối cùng. Sau nầy tôi được biết Catherine không tin luân hồi; thật ra cô biết rất ít về khái niệm nầy, tuy thỉnh thoảng cô có đọc về những người Ấn Giáo. Luân hồi là một ý niệm trái ngược với sự dạy dỗ và hiểu biết của cô. Cô không bao giờ đọc sách về siêu hình hay huyền bí, vì chẳng bao giờ để ý đến chuyện ấy. Cô vững tin vào tín ngưỡng của mình. Sau trung học, cô hoàn tất hai năm kỹ thuật, trở thành một chuyên viên phòng thí nghiệm. Có một nghề nghiệp và được khuyến khích bởi người anh, cô chuyển về Tampa, dành được chỗ làm ở Miami tại một bệnh viện huấn nghiệp lớn liên kết với Trường Đại Học Y Khoa Miami. Cô dọn về Miami vào mùa xuân năm 1974 lúc 21 tuổi. Hóa ra là đời sống của Catherine ở Miami lại khó khăn hơn ở một thành phố nhỏ, tuy nhiên cô thấy sung sướng là đã thoát khỏi những vấn đề gia đình. Trong năm đầu tại Miami, Catherine gặp Stuart. Là người Do Thái hai con, Stuart khác hẳn với những người mà cô từng hò hẹn. Anh là một thầy thuốc thành công, mạnh mẽ và năng động. Có một quá trình bí mật không cưỡng nổi giữa hai người, nhưng cuộc ngoại tình của họ không vững chắc và đầy bão tố. Một cái gì đó ở anh đã lôi cuốn tình cảm mạnh mẽ của cô và đã tỉnh thức cô, như thể cô bị anh mê hoặc. Vào lúc Catherine bắt đầu chữa bệnh, cuộc tình với Stuart đã được sáu năm, vẫn còn rất mặn nồng nếu không phải là sâu đậm. Catherine không thể cưỡng lại nổi Stuart tuy anh đối xử với cô không đẹp, và cô tức giận về những dối trá, không giữ lời hứa và những mánh khóe của anh. Một vài tháng trước khi gặp tôi để khám bệnh, Catherine cần phải giải phẫu dây thanh vì một khối u lành. Cô đã rất lo lắng trước khi giải phẫu và hết sức kinh hoàng lúc tỉnh lại tại phòng hồi sức. Phải mất nhiều giờ ban trợ y mới làm cho cô bình tĩnh lại được. Sau khi bình phục ở bênh viện, cô bèn tìm đến Bác Sĩ Edward Poole. Bác sĩ Edward là một bác sĩ nhi khoa rất tốt bụng mà Catherine đã gặp trong khi làm việc tại bệnh viện. Hai người đều cảm thấy có ngay mối quan hệ và nảy nở tình bạn hữu thân thiết. Catherine bày tỏ hết với Bác sĩ Edward, cho biết về những sợ hãi, quan hệ với Stuart, và cô cảm thấy mất tự chủ trong cuộc sống. Bác Sĩ Edward khăng khăng bảo cô gặp tôi, chỉ tôi chứ không bác sĩ tâm thần đồng nghiệp nào khác để chữa bệnh. Khi Edward điện thoại cho tôi để giới thiệu, ông giải thích, vì lý do nào đó, ông nghĩ rằng chỉ có tôi mới có thể hiểu tường tận Catherine, dù cho các bác sĩ tâm thần khác cũng rất có tín nhiệm và là những bác sĩ chuyên khoa lành nghề. Tuy nhiên Catherine không gọi tôi. Tám tuần lễ trôi qua. Là Viện Trưởng Khoa tâm thần, tôi rất bận với công việc nên đã quên bẵng cuộc điện đàm với Bác sĩ Edward. Sợ hãi và ám ảnh sợ hãi của Catherine trở nên tồi tệ. Bác Sĩ Frank Acker, trưởng Khu phẫu thuật, tình cờ biết Catherine từ nhiều năm, thường đùa vui với Catherine khi ông đến thăm phòng thí nghiệm nơi Catherine làm việc. Ông cảm thấy cô không vui và bị căng thẳng. Mấy lần ông muốn nói với cô song lại lưỡng lự. Một buổi chiều, Frank lái xe trên một con đường nhỏ để ra khỏi bệnh viện để tới nơi thuyết trình. Trên đường đi, ông thấy Catherine lái xe về nhà ở gần bệnh viện, ông vội vẫy cô vào lề đường, rồi nói to với Catherine, " Tôi muốn Catherine gặp ngay Bác Sĩ Weiss", ông la lên qua kính xe "Không được chậm trễ". Mặc dầu các bác sĩ giải phẫu thường thôi thúc hành động, nhưng ngay cả Frank cũng ngạc nhiên là làm sao ông đã nhấn mạnh đến nhường nào. Những cơn sợ hãi và lo âu ngày càng hay xảy ra và kéo dài dài. Cô bắt đầu bị hai cơn ác mộng tái phát. Một ác mộng về một cây cầu sập khi cô đang lái xe qua cầu. Xe cô đâm xuống nước, cô bị mắc kẹt và chết đuối. Trong ác mộng thứ hai, cô bị kẹt ở trong căn phòng quét hắc ín đen, trượt chân và vấp vào mọi thứ, không thể tìm thấy lối ra. Cuối cùng cô đã đến gặp tôi.Lần chữa trị đầu tiên, tôi không hình dung là cuộc sống của tôi sắp đảo ngược mà người thiếu nữ sợ sệt bối rối ngồi bên kia bàn tôi, là chất xúc tác, và tôi không bao giờ còn như trước nữa.