Dịch giả: Phan Văn Các
Hồi 44
THÂN GIA KẾT CHẶT THÂN TÌNH

T ây Môn Khánh về tới nhà thì đã canh ba, Nguyệt nương chưa ngủ, còn đang cùng mọi người uống trà nói chuyện. Ngô Đại cữu mẫu thấy Tây Môn Khánh về thì lui vào phòng trong. Nguyệt nương thấy chồng ngà ngà say thì bảo chồng cởi áo ngoài, ngồi uống trà cho tỉnh. Ngọc Tiêu đem trà lên, Tây Môn Khánh hỏi về bữa tiệc ở nhà, sau đó muốn nghỉ đêm với Nguyệt nương nhưng Ngô Đại cữu mẫu nằm trong phòng Nguyệt nương, do đó tôi nghỉ đêm tại phòng Ngọc Lâu.
Hôm sau Tây Môn Khánh ra viện làm việc, Hạ Đề hình cảm tạ về bữa tiệc hôm qua dành cho vợ mình. Tây Môn Khánh nói:
- Hôm qua chỉ là tiệc mọn, còn nhiều điều sơ suất, chỉ sợ quý phu nhân phiền trách.
Tới gần trưa Tây Môn Khánh về nhà đã thấy họ Kiều nhờ Khổng tẩu và Kiều ngũ thái đem lễ vật tới. Nguyệt nương thâu nhận và mời vào phòng trong uống rượu chuyện trò.
Lát sau thì Bôn Tứ dẫn hai khách thương là Lý Trí và Hoàng Tứ đến trả tiền, hai người này trước đây nhờ Bá Tước vay Tây Môn Khánh một ngàn năm trăm lạng về vụ sáp ong. Bá Tước cũng tới để chứng kiến việc trả tiền, vì Bá Tước là người bảo lãnh. Tây Môn Khánh mời tất cả vào thư phòng, sai Kính Tế đếm lại, thấy trả đủ một trăm năm chục lạng tiền lời, nhưng tiền vốn chỉ mới trả một ngàn lạng còn thiếu năm trăm lạng nữa. Lý, Hoàng hai người năn nỉ xin khất lại. Tây Môn Khánh bảo:
- Được rồi cứ để sau hãy hay, hiện trong nhà tôi còn nhiều việc bận.
Hai người mừng lắm, cảm tạ không hết lời rồi cáo từ mà về.
Bá Tước đứng dậy định theo ra để tính toán phần mình, nhưng Tây Môn Khánh gọi lại bảo:
- Ngồi đây chơi đã, đi đâu mà vội.
Nói xong gọi đem trà ra mời, rồi kể:
- Hôm qua nhị ca bỏ đi đâu sớm quá, lúc tôi về tới nhà thì cũng canh ba. Sáng hôm nay lại phải dậy sớm ra viện giải quyết vài công việc. Hôm nay nhà tôi lại đãi khách, còn tôi thì phải tới nhà Chu đại nhân ăn tiệc, chẳng biết giờ nào mới về được, thật mệt quá.
Bá Tước nịnh:
- Đại ca như vậy là có phúc lắm rồi, biết bao người mong được như đại ca.
Hai người nói vài câu nữa thì Bá Tước nhấp nhổm định cáo từ Tây Môn Khánh bảo:
- Để gọi chúng nó mang rượu ra đây anh em mình uống.
Bá Tước đứng dậy:
- Đa tạ đại ca, tôi còn có chút việc riêng, xin đại ca cho tôi đi Tây Môn Khánh lại hỏi:
- Sao không thấy tẩu tẩu lại đây?
Bá Tước đáp:
- Đã cho gọi kiệu rồi, tiện nội chắc cũng sắp tới hầu.
Nói xong vải chào rồi tất cả đi ra, thẳng đường tìm Lý Trí và Hoàng Tứ để đòi tiền công.
Tây Môn Khánh trở vào thư phòng, mở số bạc do Lý, Hoàng vừa đem trả, riêng số một trăm năm chục lạng bạc tiền lời được trả bằng bốn đĩnh vàng sáng lấp lánh, Tây Môn Khánh cầm vàng trên tay, trong lòng vui vẻ nghĩ rằng:
- Bình Nhi quả là quý thiếp mà ca nhi của ta quả là quý tử. Ngay lúc Bình Nhi sinh hạ ca nhi thì ta được làm quan, rồi tử ngày có ca nhi tới nay, tiền bạc cứ vào như nước. Số vàng này để ta cho ca nhi mới được.
Nghĩ xong mỉm cười giấu vàng vào tay áo rồi tới phòng Bình Nhi, nhưng vừa đi ngang cổng vào phòng Kim Liên thì Kim Liên cũng tình cờ từ trong bước ra. Thấy Tây Môn Khánh bước vội vàng về phía phòng Bình Nhi, tay áo cộm lên vật gì khả nghi thì Kim Liên vội gọi lớn:
- Chàng đi đâu vậy? Trong tay áo có cái gì thế? Ghé đây cho tôi coi một chút.
Tây Môn Khánh khoát tay:
- Được rồi, để lát nữa tôi trở ra đã.
Nói xong rảo bước vào phòng Bình Nhi. Kim Liên vừa tức vừa thẹn vì không gọi được Tây Môn Khánh tới, mặt khác trong lòng lại thêm nghi hoặc, lẩm bẩm:
- Tức chết mất thôi, chúng nó ngang nhiên trêu tức ngay trước mắt mình thế này thì chịu sao nổi?
Không biết có cái gì đem cho con khốn vậy, chắc quý lắm nên mới giấu mình.
Nói xong trở vào giường nằm.
Trong khi đó Tây Môn Khánh bước tới trước mặt Bình Nhi, lấy bốn đĩnh vàng cầm trên tay. Bình Nhi hỏi:
- Ở đâu vậy? Cầm như vậy lạnh tay chết.
Tây Môn Khánh cười:
- Tiền lời trong vụ cho Lý Trí và Hoàng Tứ vay tiền đó. Tố Quan đang đùa với mẹ. Tây Môn Khánh đưa mấy đĩnh vàng cho con cầm chơi. Bình Nhi bảo:
- Kìa, lạnh tay con.
Tây Môn Khánh cười bảo:
- Tôi tặng cho ca nhi chơi.
Bình Nhi sợ con bị lạnh, giằng mấy đĩnh vàng bỏ xuống giường rồi đưa một cái khăn cho Tố Quan cầm chơi. Tây Môn Khánh mỉm cười nhìn con. Bỗng Đại An vào thưa:
- Có Vân thúc thúc đem hai con ngựa tới, mời gia gia ra coi. Tây Môn Khánh hỏi:
.
- Có nói là ngựa ở đâu đem tới không?
Đại An đáp:
- Nghe nói là của người anh là Vân Tham tướng.
Đang nói chuyện thì thấy Kiều Nhi và Ngọc Lâu dẫn Ngô Đại cữu mẫu và người con dâu là Trịnh tam thư tới thăm Bình Nhi và Tố Quan. Tây Môn Khánh vội bảo Bình Nhi cất bốn đĩnh vàng đi, đoạn ra ngoài coi ngựa. Bình Nhi đưa mấy đĩnh vàng cho nhũ mẫu Như Ý cất đi, nhưng Như Ý nói:
- Hồi nãy có tất cả là bốn đĩnh, sao bây giờ chỉ có ba? Nương nương có cho ca nhi cầm một đĩnh hồi nãy rồi có lấy lại chưa?
Bình Nhi đáp:
- Hồi nãy thì ca nhi có cầm một đĩnh thật, nhưng ta đã lấy lại, để trên giường, rồi đưa khăn cho ca nhi cầm chơi mà. Bình Nhi chỉ chào hỏi khách qua loa, mời ngồi chơi rồi lo tìm đĩnh vàng. Như Ý nói:
- Cái khăn hồi nãy ca nhi cầm chơi thì rớt xuống đất đây, còn đĩnh vàng thì đâu?
Đám khách ngơ ngẩn nhìn nhau. Cả phòng cứ loạn cả lên. Như Ý lại hỏi Nghênh Xuân, Nghênh Xuân lại hỏi Phùng lão:
Phùng lão đáp:
- Tôi mắt kém lắm, có thấy gì đâu mà hỏi tôi, vả lại mấy người coi sóc ca nhi, bây giờ lại muốn đổ tiếng oan cho tôi hay sao. Có nương nương biết đó, tôi ở với nương nương bao nhiêu năm, thật chưa hề tơ hào một chút gì, vàng bạc tôi không có ham đâu.
Bình Nhi cười:
- Có ai nói gì đâu mà lão phải cà kê dê ngỗng vậy? Chỉ hỏi lão có thấy đâu không, không thấy thì thôi chứ gì. Đoạn quay lại bảo Nghênh Xuân:
- Ngươi chưa gì đã làm náo loạn cả lên, để lát nữa hỏi lại gia gia xem gia gia có cầm theo không.
Nhưng chẳng lẽ gia gia ngươi lại chỉ cầm đi có một mình.
Ngọc Lâu bây giờ mới hỏi:
- Vàng gì? Ở đâu vậy?
Bình Nhi đáp:
- Có biết vàng ở đâu ra hay của ai đâu, gia gia hồi nãy đem lại cho ca nhi chơi đó. Trong khi đó Tây Môn Khánh cùng vài gia nhân đang đứng xem ngựa. Tây Môn Khánh coi một lát rồi bảo:
- Ngựa này cũng chưa thật phải là nòi tốt, sợ không đi xa được.
Đoạn hỏi người họ Vân:
- Ngựa này lệnh huynh ở nhà đòi bao nhiêu đây?
Vân Lý Thủ đáp:
- Cả hai con này gia huynh tôi chỉ xin bảy chục lạng.
Tây Môn Khánh bảo:
- Giá cả như vậy cũng không nhiều, nhưng tiếc không phải ngựa tốt, thôi để lần khác có ngựa tốt cứ đem tới đây, tiền bạc không thành vấn đề.
Nói xong quay vào, thấy Cầm Đồng hớt hải chạy ra nói:
- Lục nương thỉnh gia gia vào gấp.
Tây Môn Khánh trở lại phòng Bình Nhi. Bình Nhi hỏi ngay:
- Chàng cầm theo một đĩnh vàng phải không? Ở đây sao chỉ có ba đĩnh?
Tây Môn Khánh bảo:
- Tôi ra coi ngựa, đem vàng theo làm gì? Hồi nãy bỏ lăn lóc trên giường, trước khi bước ra tôi còn dặn nàng là phải cất đi cơ mà?
Bình Nhi nói:
- Vậy thì biến đâu mà tìm mãi không thấy, nhũ mẫu thì cứ đổ cho Phùng lão, Phùng lão đang ngồi khóc kia kìa.
Tây Môn Khánh bảo:
- Nếu không ai lấy thì chắc là lẫn đâu đó, cứ từ từ mà tìm, việc gì phải ồn ào lên vậy?
Bình Nhi nói:
- Chàng dặn nhưng mà lúc đó khách tới gấp quá, tôi quên đi mất, nhưng ngay sau đó thì tìm đã không thấy, khách thấy cứ loạn lên, không tiện ngồi nên đã đi cả rồi. Thôi chàng lấy lại ba đĩnh vàng này đi, thật rắc rối quá.
Nói xong, đưa vàng cho Tây Môn Khánh. Bỗng gia nhân vào thưa:
- Có Bôn Tứ đem một trăm lạng bạc tới giao, mời gia gia lên nhận.
Tây Môn Khánh trở lên thư phòng.
Kim Liên nghe được chuyện mất vàng bên Bình Nhi liền tức tốc lên nói với Nguyệt nương, rồi nói thêm:
- Đại nương coi, người ta thấy gia gia có tiền, dám đem vàng cho con cầm chơi rồi để mất. Thật hết nói.
Nguyệt nương từ tốn:
- Tôi biết chuyện rồi, nhưng không hiểu đĩnh vàng đó đi đâu.
Kim Liên nói:
- Đi đâu thì ai mà biết. Hồi nãy đó, tôi thấy gia gia tất tả đi về phòng Lục nương, trong tay áo thấy có vật gì, tôi gọi lại hỏi xem, gia gia không chịu, cứ đi thẳng. Chỉ lát sau là ầm lên vì chuyện mất vàng. Một đĩnh vàng như vậy ít nhất cũng nặng mười lạng, trị giá tối thiểu cũng năm sáu chục lạng bạc chứ có phải ít dâu mà đem cho con chơi. Đám a hoàn kể lai là sau khi mất vàng gia gia chẳng nói gì, Lục nương sai gia nhân tìm khắp nơi thì gia gia lại bảo rằng cứ từ từ mà tìm. Ai đời vàng bạc mà dửng dưng như vậy bao giờ không? Hay là giàu có quá rồi coi vàng bạc như đất sét? Mà Đại nương tính là mất đi đâu, chỉ có mấy chủ tớ họ trong nhà chứ còn ai vào đây nữa.
Đang nói thì Tây Môn Khánh vào đưa ba đĩnh vàng cho Nguyệt nương cất đi rồi nói:
- Đây là tiền lời của số bạc một ngàn năm trăm lạng cho Lý Trí và Hoàng Tứ vay, hồi nãy gồm bốn đĩnh tất cả, nhưng tôi đem tới cho ca nhi cầm chơi rồi không hiểu thất lạc đâu một đĩnh. Bây giờ nàng tra hỏi gia nhân các phòng cho tôi.
Nguyệt nương bảo:
- Đáng lẽ thì không nên cho ca nhi cầm vàng chơi vì sợ lạnh tay rồi cảm rồi sao? Bây giờ xảy ra chuyện mất mát thế này thật phiền.
Kim Liên ngồi bên nói:
- Thì ra hồi nãy gia gia đem vàng đến cho ca nhi chơi, vậy mà làm như bí mật lắm, tôi gọi cũng chẳng thèm đứng lại. Hồi nãy gia gia đem vàng đi thì không chịu cho ai biết, bây giờ chuyện mất vàng xảy ra lại bắt Đại nương phải tra hỏi gia nhân đày tớ các phòng. Gia nhân đày tớ các phòng thì liên can gì tới vụ này, vàng mất trong phòng Lục nương thì chỉ có mấy chủ tớ họ chứ còn ai khác, tra hỏi như vậy chỉ khiến cho gia nhân đày tớ nó cười cho mà thôi.
Tây Môn Khánh nổi giận sấn tới đánh Kim Liên một bạt tai như trời giáng rồi mắng:
- Con khốn câm miệng đi, mày không có quyền nói chõ vào việc này, vậy mà dám ăn nói hỗn láo với ta, mày có muốn ta đánh cho một trận chết luôn hay không? Tao còn lạ gì cái tâm địa nhơ bẩn của mày.
Kim Liên lập tức bù lu bù loa lên:
- Trời ơi, tôi biết rồi, bây giờ ông cậy quyền cậy thế cậy tiền cậy bạc mà thay lòng đổi dạ với tôi. Bây giờ ông đánh chết ai mà không được, một mạng người đối với ông bây giờ có nghĩa lý gì, ai dám ngăn cản, bây giờ ông muốn giết tôi thì cứ việc đánh chết tôi đi. Bây giờ ông làm quan Thiên hộ thuộc Vệ môn, ông muốn gì cũng được. Nếu không thì để tôi về ở với người mẹ bệnh tật của tôi, tôi không thèm quyền thế tiền bạc nơi đây đâu. Tôi nói thật, ông chưa chắc gì đã hơn ai, chẳng qua cũng chỉ là thứ quan hạng mạt đội mũ rách mà thôi.
Tây Môn Khánh cười ha hả:
- Con khốn này ăn nói như thế thì có chịu nổi không? Mày bảo tao là thứ quan đội mũ rách, để bảo a hoàn nó lấy mũ của tao ra coi có rách không. Mày lại bảo tao là quan mạt hạng, nhưng thử hỏi tao có nợ nần tiền bạc của ai không?
Kim Liên bảo:
- Thi ai bảo ông gọi tôi là con khốn nọ con khốn kia, tôi khốn chỗ nào đâu, chỉ tôi coi.
Nói xong đứng dậy giơ chân giơ tay. Nguyệt nương thấy vậy cười bảo:
- Thôi hai người đừng có kể xấu nhau nữa, thành ra chuyện khôi hài bây giờ. Mà Ngũ muội muội cũng không dược nhiều lời nữa, chung quy chỉ tại cái miệng của muội muội mà thôi.
Tây Môn Khánh bỏ ra ngoài, gặp Đại An thưa:
- Bên Chu đại nhân lại cho người tới nhắc, sợ gia gia quên. Tây Môn Khánh bảo:
- Đi lấy ngựa cho ta, rồi dặn cậu Kính Tế là lo mọi việc đi. Bây giờ ta sang Chu đại nhân dự tiệc. Nói xong thì lại thấy đám đào kép của gánh hát trong phủ Vương Hoàng thân do hai thầy tuồng dẫn tới lạy chào. Tây Môn Khánh bảo:
- Hôm nay các ngươi ráng giúp vui cho các nương nương ở đây, ta sẽ trọng thưởng.
Đoạn bảo Thư Đồng sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho họ. Hai người thầy tuồng quỳ thưa:
- Đại quan không dặn chúng tôi cũng phải hết lòng, đâu dám để quý nương nương phiền trách.
Tây Môn Khánh bảo Thư Đồng:
- Bảo dọn rượu cho họ uống rồi tặng họ năm lạng bạc.
Thư Đồng đáp:
- Vâng.
Tây Môn Khánh lên ngựa mà đi.
Trong khi đó tại phòng trên, Nguyệt nương bảo Kim Liên:
- Ngũ muội không về phòng ăn mặc trang điểm lại đi, mặt mày nhếch nhác thế kia, khách khứa người ta đến bây giờ, trông thấy còn ra cái gì nữa. Ai bảo trêu vào lão đó làm gì? Lão đó hơi một tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không có tôi ở đây có phải là muội muội đã bị một trận nên thân rồi không.
Từ rày chuyện gì không dính dáng tới muội muội đừng có nói xen vào làm gì. Vàng mất thì kệ người ta, tìm được hay không tìm được cũng kệ người ta, chuyện không xảy ra tại phòng muội muội thì thôi, nói làm gì?
Muội muội từ nay phải nên bớt cái miệng lại mới được.
Kim Liên cứng họng không nói được lời nào, bèn đứng dậy về phòng.
Lát sau Bình Nhi và Ngô Nhân Nhi tới phòng Nguyệt nương, Nguyệt nương hỏi:
- Làm sao vàng tìm không thấy? Hồi nãy gia gia và Ngũ nương đấu khẩu rồi đánh Ngũ nương một bạt tai cũng vì chuyện đó. Nhờ tôi khuyên giải nên cả hai người cùng bỏ đi rồi. Gia gia nói ]à nếu tôi không tra hỏi gia nhân đày tớ các phòng cho ra thì chính gia gia sẽ tra hỏi. Bây giờ muội muội trrước hết phải tra hỏi cho kỹ gia nhân của mình đi đã. Chỉ có mấy gia nhân trông coi ca nhi mà để mất được một đĩnh vàng hay sao? Một đĩnh vàng bây giờ đâu phải ít tiền.
Bình Nhi nói:
- Tự nhiên gia gia đem bốn đĩnh vàng đến cho ca nhi cầm chơi, đúng vào lúc Nhị nương, Tam nương, Ngô Đại cữu mẫu và Trịnh tam thư tới chơi, tôi vội tiếp khách, đến lúc quay lại thì chỉ còn có ba đĩnh. Bây giờ thì a hoàn đổ cho nhũ mẫu, nhũ mẫu thì đổ cho Phùng lão, Phùng lão khóc lóc suốt từ nãy tới giờ đó, chỉ đòi chết. Bây giờ tôi cũng chẳng biết tính sao. Ngân Nhi nói:
- Trời đất ơi, có chuyện đó sao, hồi nãy tôi cũng có tới với nương nương tôi, nương nương tuy không hỏi tôi, nhưng thế này thì chính tôi cũng không được yên tâm chút nào. Ai mà chẳng ham tiền, nhưng chuyện này phải tra hỏi cho ra chứ không thì lụy đến nhiều người khác.
Đang nói chuyện thì Đổng Kiều và Hàn Ngọc Xuyến tới tươi cười lạy chào Nguyệt nương, Ngô Đại cữu mẫu và Bình Nhi rồi vái chào Ngân Nhi, đoạn hỏi:
- Ngân Thư thư hôm qua không có nhà phải không?
Ngân Nhi cười hỏi lại:
- Làm sao thư thư biết?
Đổng Kiều đáp:
- Hôm qua chúng tôi hát cho gia gia và khách khứa tại căn nhà ở đường Sư Tử ở gần chợ đèn, gia gia nói thư thư đang hầu hạ các nương nương ở đây.
Nguyệt nương mời hai người ngồi uống trà. Tiểu Ngọc rót trà, hai người đứng dậy nhận trà rồi vái trả Tiểu Ngọc một vái.
Ngân Nhi hỏi:
- Hai thư thư hát ở đó đêm qua tới chừng nào mới thôi? Ngọc Xuyến đáp:
- Tối qua tôi về cùng đường với em trai thư thư là Ngô Huệ, về tới nhà thì cũng gần canh hai.
Mọi người nói chuyện toàn tính cách xã giao.
Lát sau Nguyệt nương bảo Ngọc Tiêu:
- Ngươi coi sửa soạn bàn ghế đi, kẻo lát nữa khách tới dọn không kịp đâu. Đoạn quay lại bảo Tiểu Ngọc:
- Ngươi vào mời Nhị nương và Quế Thư ra uống trà.
Lát sau hai người ra chào hỏi mọi người rồi cùng ngồi uống trà. Bỗng thấy Nghênh Xuân bồng Tố Quan lên. Tố Quan đội mũ kim lương, mặc áo đại hồng, chân đi hài bạch, tay đeo vòng vàng. Bình Nhi cười:
- Cái cậu này, ai mời mà cậu tự nhiên tới vậy? Ra đây với mẹ.
Nghênh Xuân đem Tố Quan lại, Bình Nhi để con ngồi trên đùi Tố Quan thấy đông người, cứ nhìn hết người nọ tới người kia, sau đó thì nhìn Quế Thư chằm chặp. Quế Thư bảo:
- Ca nhi cứ nhìn tôi chằm chặp thế kia chắc là đòi tôi bồng đó.
Nói xong bước tới giơ tay ra, Tố Quan sà ngay vào lòng Quế Thư. NgôĐại cữu mẫu cười:
- Cậu này gớm lắm, mới bây nhiêu mà đã chọn người đẹp nhất ở đây để bắt bồng đó.
Nguyệt nương cũng cười:
- Thì cha nào con nấy mà, sợ sau này lớn lên còn hơn cả cha nữa.
Ngọc Lâu bảo:
- Vậy thì chắc bị mẹ lớn đánh đòn rồi.
Bình Nhi bảo Quế Thư:
- Coi chừng em làm ướt hết áo thư thư bây giờ.
Quế Thư cười - Sợ gì, có ướt cũng không sao, cháu thích bồng ca nhi lắm, để cháu bồng một lát đã.
Đổng Kiều bảo Ngọc Xuyến:
- Hai chúng mình tới đây cũng lâu rồi mà chưa hát cho các nương nương nghe, bây giờ phải hát, chứ cứ ngồi mãi như thế này sao?
Nói xong hai người lấy đàn ra, Ngọc Xuyến đàn tỳ bà, Đổng Kiều đàn tranh, Ngân Nhi cũng hát theo, ba người đàn hát khúc "Hoa nở dưới trăng, tơ vàng vương gốc ngô đồng". Tiếng đàn hát réo rắt êm đền khiến cho Tố quan thiu thiu ngủ ngay trong lòng Quế Thư. Nguyệt nương thấy vậy bảo:
- Lục muội muội nhìn cậu cả kìa, cậu cả cho nghe đàn hát rồi ngủ tít đi mất. Bảo Nghênh Xuân nó bồng về phòng cho ngủ đi.
Bình Nhi vội bước tới bồng con rồi trao cho Nghênh Xuân, dặn đem về phòng cho ngủ.
Bỗng Đại An vào thưa:
- Tôi qua bên Kiều thân gia mời lần nữa thì thấy Chu nnãi nãi, Thượng Cử phu nhân đều có mặt tại đó, chỉ chờ Kiều ngũ thái thái tới là cùng sang đây. Hiện ngoài sảnh đường đã chuẩn bị xong xuôi rồi, ban nhạc cũng đã sẵn sàng để cử nhạc nghênh tiếp, xin Đại nương và các vị chuẩn bị là vừa.
Nguyệt nương và mọi người ra sảnh đường, thấy mọi thứ đã tề chỉnh, bình phong rèm trướng rực rỡ, gia nhân đày tớ ăn mặc quần áo đẹp túc trực trong ngoài, Xuân Mai bốn người cũng trang điểm lộng lẫy ngồi đợi. Đang coi xét thì thấy vợ Ứng Bá Tước là Ứng nhị nương tới, có gia nhân ứng Bảo đi theo kiệu.
Nguyệt nương nghênh tiếp vào, ứng nhị nương vái chào xong nói:
- Gia gia chúng tôi thường hay tới đây quấy quả quan nhân và Đại nương, thật cũng chịu ơn quan nhân cùng Đại nương nhiều lắm.
Nguyệt nương bảo:
- Nhị gia và gia gia chúng tôi là chỗ anh em kết nghĩa, đi lại là chuyện thường, vả lại chúng tôi ở đây cũng nhờ vả nhị gia nhiều lắm.
Mọi người ngồi nói chuyện xã giao. Lát sau nghe ngoài cổng có tiếng chiêng trống dẹp đường rồi trên phòng khách, nhạc cử lên, Bình An chạy vào thưa:
- Kiệu của Kiều thái thái đã tới.
Nguyệt nương và mọi người đứng dậy bước xuống thềm đại sảnh nhìn ra, thấy một hàng năm cỗ kiệu lớn từ từ vào cổng, quân hầu đày tớ bu quanh. Kiệu của Kiều thái thái đi trước, có rèm châu ngân buông xung quanh, bốn viên hiệu úy cưỡi ngựa đi hai bên, lính hầu đi đằng sau đằng trước. Nguyệt nương và đám tiểu thiếp kéo nhau ra nghênh đón, đám khách xuống kiệu theo Kiều thái thái vào sảnh đường. Chủ khách cùng nhau thi lễ Kiều thái thái khoảng thất tuần, đầu tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh nhanh, ăn mặc cực kỳ sang trọng. Nguyệt nương xin được lạy chào nhưng Kiều thái thái nhất định không chịu, cuối cùng phải để Nguyệt nương lạy một lạy. Sau đó Nguyệt nương mời khách ngồi, Kiều thái thái được ngồi trên hết, rồi mới tới Kiều Đại nương, Kiều Đại nương từ chối nói:
- Tôi là cháu của thái thái, đâu dám vô lễ như vậy, xin để nhường cho Chu đại quan nương nương và Thượng Cử nhân nương nương.
Hai người này cũng không chịu. Chủ khách cứ khiêm nhượng mãi, sau cùng thì Kiều thái thái ngồi chỗ danh dự, còn khách thì ngồi bên đông, chủ ngồi bên tây, mọi người theo thứ vị mà ngồi. Bọn Xuân Mai bốn người mặc toàn xiêm áo mới, trang điểm rực rỡ bước tới rót trà mời, Kiều thái thái nói với Nguyệt nương:
- Xin cung thỉnh Tây Môn đại nhân ra đây cho chúng tôi được bái kiến, để gọi là nhận cái lễ thân tình.
Nguyệt nương nói:
- Gia gia chúng tôi bận việc công tại viện nên chưa về được.
Kiều thái thái hỏi:
- Chẳng hay đại nhân ở ngôi quan nào?
Nguyệt nương đáp:
- Gia gia chúng tôi nguyên chỉ là một hương dân, nhưng được triều đình ban ân cho thọ chức Thiên hộ, coi về hình pháp. Cho nên chúng tôi bên này tuy may mắn được kết thân với quý đại gia bên đó quả là không xứng.
Kiều thái thái nói:
- Nương nương dạy quá lời, đại nhân bên này ở ngôi chức cao quý như vậy mà chịu kết thân với bên tệ điệt thì đó là cả một điều vinh hạnh, cho nên hôm nay tôi mới tới đây để kết chặt thêm mối thân tình.
Nguyệt nương nói:
- Thái thái hôm nay hạ cố đến hàn xá như thế này quả là mất công.
Kiều thái thái nói:
- Nương nương cứ dạy quá như thế, chứ triều đình mà còn kết thân với thứ dân cơ mà, như Đông cung Qúy phi hiện tại là cháu của chúng tôi. Phụ mẫu Qúy phi chẳng may thất lộc sớm, chỉ một mình chúng tôi nuôi dưỡng. Thân phụ Qúy phi còn tại thời thì giữ chức Chỉ huy sứ, bất hạnh tạ thế vào năm năm mươi tuổi. Vợ chồng Kiều đại hộ cháu chúng tôi bây giờ đây tuy chức phận không có nhưng tự tay tạo dựng cơ đồ như hiện nay thì cũng không làm gì hổ thẹn tông môn.
Đôi bên cứ nói toàn những lời bề ngoài là khiêm nhường nhưng sự thật là có ý khoe khoang. Lát sau Ngô Đại cữu mẫu bảo Nguyệt nương:
- Cho bồng ca nhi ra đây bái kiến thái thái để thái thái ban phúc ban thọ cho.
Bình Nhi vội sai gia nhân xuống bảo nhũ mẫu đem Tố Quan lên. Kiều thái thái nhìn Tố Quan thì khen tặng không dứt lời mà bảo:
- Ca ca thật là tướng mạo đoan chính phi phàm, sau này tương lai tất khó người theo kịp.
Nói xong gọi gia nhân tới, mở một cái hộp ra, lấy. một cái vòng vàng chế tạo trong cung đeo cho Tố Quan, rồi lại tặng mấy xấp lụa, cũng là đồ ngự dụng. Nguyệt nương đứng dậy vái tạ rồi mời Kiều thái thái và mọi người dùng trà ăn bánh. Lát sau Nguyệt nương hướng dẫn mọi người vào hoa viên thăm các cảnh trí. Trong khi đó Kính Tế với sự phụ giúp của Đại An và Thư Đồng, đứng chỉ huy đám gia nhân dọn tiệc trên đại sảnh.
Đến khi Nguyệt nương dẫn mọi người trở vào đại sảnh thì tiệc đã dọn xong, sơn hào hải vị không thiếu thức gì, rượu thì toàn rượu quý. Bọn Xuân Mai bốn đàn hát tưng bừng, Nguyệt nương mời mọi người nhập tiệc. Cảnh phú quý thật không sao tả xiết.
Nguyệt nương và Bình Nhi đứng dậy rót rượu mời khắp bàn tiệc. Kiều thái thái, Kiều Đại nương và đám khách đều đứng dậy chúc mừng Nguyệt nương, Bình Nhi và chúc mừng mối thân tình của hai nhà, và buổi tiệc bắt đầu.
Bọn Xuân Mai bốn đứa bước tới rót rượu. Bọn Quế Thư bốn người đàn hát khúc "Thọ tỷ Nam sơn" để chúc mừng Kiều thái thái. Bọn Quế Thư hát xong thì vào chuốc rượu cho khách, và ngoài thềm, đoàn hát bắt đầu những vở tuồng chọn lọc. Buổi tiệc kéo dài trong tiếng nói cười ca hát. Đám gia nhân nhà bếp mỗi lần đem thức ăn lên đều được Kiều thái thái và Kiều Đại nương thưởng tiền cho rất hậu. Đám Quế Thư, Xuân Mai cũng như đoàn tuồng càng được hậu thưởng hơn nữa. Buổi tiệc kéo dài tới lúc chạng vạng thì Nguyệt nương sai đất nến và trăm kiểu đèn lồng, ánh sáng muôn màu rực rỡ suốt trong ngoài. Lát sau thì vừng trăng tròn đầu năm nhô dần lên trong bầu trời xuân quang đãng, ánh trăng chiếu thẳng vào sảnh đường, cùng với ánh đèn ánh nến tạo thành ánh sáng lung linh.
Lát sau nữa thì tiệc tàn, Nguyệt nương mời khách qua những bàn kế đó để dùng tiệc rượu hoa quả và bánh trái. Đoàn tuồng đã được lệnh ngưng diễn, để trong này các ca nữ đàn hát.
Vừng trăng lên được hai con sào thì Kiều thái thái đứng dậy cáo từ, Nguyệt nương lưu lại không được. Cả đám khách cũng đứng dậy theo. Nguyệt nương và đám tiểu thiếp đưa Kiều thái thái và đám khách ra tới kiệu. Trước khi lên kiệu, Kiều thái thái và mọi người vái chào cáo biệt. Nguyệt nương và đám tiểu thiếp cũng vái chào lại. Đám khách lên kiệu mà về. Lúc đó cũng khoảng canh hai.
Nguyệt nương quay vào dặn Kính Tế lo chỉ huy gia nhân dọp dẹp, lại gọi hai thầy tuồng tới thưởng tiền rồi cho về. Sau đó sai Kính Tế cho gia nhân dọn tiệc khác để thưởng công cho gia nhân trong nhà cả một ngày mệt nhọc vất vả. Tiệc mới dọn xong, Kính Tế, Lai Bảo ngồi trên, rồi tới Bôn Tứ, hai Hưng, Thư Đồng, Đại An, rồi lần lượt đến các nam gia nhân khác. Đám gia nhân cười nói làm huyên náo cả đêm khuya. Kính Tế bảo:
- Gia gia có thể về thình lình, các nương nương lại đang nghỉ ngơi, mọi người muốn ăn uống no nê vui vẻ thì phải bớt cái miệng đi, bây giờ mình dùng tửu lệnh, mỗi người lần lượt đọc một câu thơ hay câu gì cũng được, đọc không được thì phạt một chung lớn, bây giờ bắt đầu bằng Phó quản lý.
Phó quản lý đọc:
Vui thay là tiết Nguyên Tiêu Bôn Tứ đọc tiếp:
Bao nhiêu rượu thịt bấy nhiêu sướng đời.
Kính Tế đọc:
Đèn hoa trăng sáng ai ơi.
Lai Bảo đọc:
Mỹ nhân sao chẳng thấy đâu.
Thư Đồng đùa:
Đại nương dạy dỗ mấy câu quên rồi.
Đại An đọc:
Còn rượu thịt, xin cứ mời.
Bình An đọc tiếp:
Gió xuân hây hẩy cứ xơi thật nhiều.
Mọi người cười ha hả, nâng chung mà uống.
Trong khi đó đám a hoàn và nữ gia nhân cũng có một tiệc ở nhà dưới.