Số phận tưởng đã an bài, nào ngờ chế độ cộng sản vẫn chưa chịu để cho tôi yên. Ngày 5-4-1992, công an tỉnh Vũng Tàu phối hợp với phòng phản gián PC16 từ Sài Gòn về bắt tôi giam suốt ba năm liền vì đã vi phạm điều 157 bộ Luật Hình Sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Thật là vô lý, tôi có lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai đâu. Nhờ có biết chút đỉnh tiếng Anh lúc còn giao thiệp với quân đội Mỹ ở Quảng Ngãi, tôi có viết thư giùm một số anh em thương phế binh trong vùng gởi đơn qua tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok, Thái Lan, xin trợ cấp cho những người tàn tật, trong đó có bản thân tôi. Tôi có lấy của ai đồng xu cắc bạc nào đâu. Tôi viết thư trên một tờ giấy mẫu, mỗi đương sự tự chép lại rồi bổ túc tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ, ngày gia nhập quân đội, số quân, ngày giờ bị thương... Sau khi viết xong, tôi đọc lại các thư để dò lỗi chính tả rồi chính mỗi đương sự bỏ thư vào bao, dán lại cẩn thận, đón xe về Sài Gòn đến bưu điện chính gần Nhà Thờ Đức Bà gởi, tiền tem thư do bưu điện tính. Việc này lúc đầu chỉ có một vài người thân biết, về sau tiếng đồn vang xa anh em phế binh từ khắp nơi mò đến tìm tôi nhờ viết giùm văn thư. Chẳng may anh em đến bưu điện đông quá, gây ồn ào khi xếp hàng chờ cân gởi, công an bảo vệ thấy lạ liền đến xét hỏi và phát giác các phế binh gởi thư bằng tiếng Anh cho tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok. Tất cả đều bị bắt giữ và sau khi bị tra khảo, vài người khai là do tôi chủ mưu. Công an phản gián PC16 phối hợp cùng với công an tỉnh Vũng Tàu về địa phương bắt tôi. Chưa thấy xã hội nào như xã hội này, viết đơn giùm những người bất hạnh cũng bị phạt tù ba năm. Đau đớn và oan ức quá! Suốt 3 năm bị giam giữ, sống trong cảnh nhục nhằn, trải qua nhiều nỗi đắng cay, tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Mặc cho ai hãm hại, thêu dệt, làm tình làm tội đủ điều, trăm phương ngàn kế triệt hạ sinh kế gia đình, tôi luôn vững tâm tin tưởng vào Thượng Đế. Tôi tin vào luật nhân quả, ai làm việc tốt sẽ được đền bù, ai làm điều ác phải gánh chịu hậu quả. Thượng Đế luôn luôn công bằng, không ai qua mặt được Ngài và cũng không ai có quyền tước đoạt nguồn sống của một ai. Cuộc đời của mỗi người là một tác phẩm. Nó là một diễn trình biến chuyển không ngừng với nhiều nỗi thăng trầm, khi thì lên voi, khi thì xuống chó, thành bại, sống còn, thương đau cùng hạnh phúc xảy ra trong phút chốc. Ngày hôm qua còn được tự do, hôm nay ngồi tù, thật là oái ăm. Tôi phải phấn đấu liên tục với chính mình để tồn tại. Mặc dù vậy tôi vẫn nuôi hy vọng có một ngày được trở về với gia đình. Dù nghèo, dù khổ, nghe tiếng cười đùa của con cháu lòng cũng thấy niềm vui. Tôi bị giam ở Xuân Lộc. Nơi đây có đủ thành phần tù nhân, từ những người tranh đấu chính trị đến những tội phạm hình sự. Riêng tôi vì bị kết tội chính trị nên bị giam chung với những tù nhân chính trị. Kể cũng may, những người này dù phải sống trong cảnh khổ cực nhưng vẫn giữ phong cách, không chửi tục, không co tay giơ chân mỗi khi bất bình. Người nào người nấy đều đứng tuổi, tóc bạc phơ, nụ cười hiền từ lúc nào cũng nở trên môi. Tôi có dịp làm quen với mấy vị linh mục dòng Đồng Công Thủ Đức; nhiều vị đại đức các chùa trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn cũng bị giam ở đây. Nghe đâu có một ông bác sĩ nào đó rất nổi tiếng (bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ghi chú thêm) cũng bị giam ở đây, ông ta bị biệt giam ở khu cách ly nên tôi chưa được biết mặt. Mọi người nhắc tới ông với tất cả lòng kính mến, hình như ông đã bị giam hơn 20 năm nay. Không biết những con người hiền từ và đức độ như vậy có làm gì sai trái mà phải bị giam giữ nơi đây. Nhiều lúc ngồi nghe các vị cao niên nói chuyện chính trị, bình luận thời cuộc khiến tôi rất thích thú, kiến thức của tôi cũng nhờ đó mà mở mang thêm, nhưng thú thật tôi chẳng hiểu gì lắm. Nếu có chuyện gì, ai bảo tôi làm điều gì thì tôi thi hành ngay nhiệm vụ đó chứ tham gia bàn bạc kế hoạch, chiến lược chiến thuật thì chịu. Vốn là một hạ sĩ quan, tôi chỉ là kẻ thừa hành, nghiêm chỉnh chấp hành lệnh trên. Hơn nữa trong suốt thời gian ở ngoài đời tôi chỉ nghĩ tới miếng ăn, miếng sống hằng ngày còn thì giờ đâu mà suy nghĩ, cùng lắm là văng tục vài câu cho hả giận mỗi khi bị hiếp đáp. Thỉnh thoảng tôi được mấy vị cao niên mời ngồi đánh cờ tướng chung thật là vinh hạnh, nhiều lúc tôi chỉ muốn được đứng bên phục vụ trà nước là sung sướng rồi. Nhưng an ủi nhất là gặp lại nhiều anh em thương phế binh bị giam giữ nơi đây. Anh em chúng tôi thường tụ năm tụm bảy nghe nói chuyện sau một ngày lao động vất vả, tôi kể lại những điều nghe thấy ngoài đời và những lời bình luận của các vị cao niên cho các anh em khác nghe. Nơi đây kỷ luật tương đối dễ chịu, cán bộ trại giam đi tuần liên tục nhưng không cấm anh em nói chuyện. Trong số phế binh bị giam tại đây có trung úy nhảy dù Phạm Tấn Dũng, cụt bàn chân trái. Anh Dũng bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền" vì đã tập họp anh em phế binh đi bán nhang. Đây là một gương sáng về sự anh dũng, như tên gọi của anh. Những chiến tích của anh Dũng làm tôi nhớ mãi. Trong một trận đánh ác liệt hồi tháng 10-1974, đại đội của trung úy Phạm Tấn Dũng được lệnh tái chiếm đồi 1062, một cao điểm thuộc quận Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam. Cuộc chiến kéo dài suốt hai giờ liền, tiếng pháo, tiếng bom và tiếng lựu đạn nổ rền trời, cây cối ngã gục hết chung quanh. Xác người nằm la liệt dọc triền đồi, những xác đen xì bốc lên mùi máu nồng nặc. Ba trong bốn chốt địch đã bị "đại đội cảm tử" của trung úy Dũng hạ. Chốt còn lại chống trả dữ dội, đúng là chúng muốn tử thủ. Bực mình và tự ái của người chỉ huy, trung úy Dũng dẫn sáu "đệ tử ruột" tiến vào đồn địch dưới màn lửa đạn của đồng đội. Bảy người chỉ mang theo lựu đạn và lưỡi lê để đánh cận chiến. Từng thước địa hào lần lượt bị chiếm. Địch quân gài lựu đạn cản đường, chúng còn gài lựu đạn dưới xác chết. Vì ham thu lượm chiến lợi phẩm nơi các xác chết, hai trong sáu "đệ tử" bị lựu đạn gài nổ gây thương tích nặng. Trung úy Dũng mãi mê tiến vào địa hào, tránh né đạn thù chẳng may đạp trúng lựu đạn gài dưới đất, bàn chân phải bị đứt lìa. Từ đó anh thành phế binh nhưng kiếp sống hùng không bao giờ mất trong anh. Sau biến cố 30-4-1975, trung úy Dũng cũng như bao chiến sĩ khác phải đi "học tập cải tạo", mặc dù thân thể bị tàn phế. Thay vì ở tù ba năm như mọi người, anh Dũng bị giam gần chín năm vì tội đánh ăng ten trong trại. Cùng là lính với nhau, cũng tù tội như nhau nhưng vẫn có nhiều người yếu hèn làm ăng ten cho trưởng trại, báo cáo mọi câu chuyện và thái độ của từng người cho cán bộ quản giáo, khiến nhiều anh em bị đánh đập và biệt giam, đôi khi còn bị cấm thăm nuôi. Để được gì? Chẳng được gì cả, những tên làm ăng ten không những ở tù lâu như mọi tù nhân khác mà còn bị anh em mắng chửi thậm tệ, không ai muốn nhìn mặt.