Nhâm Vô Tâm than rằng:
- Lẽ nào trên giang hồ chưa từng có ai đã dùng qua ngọn đòn ấy!
Mắt chàng bỗng loé tinh quang lên:
- A! Phải chăng trên giang hồ từng đã có kẻ được thấy ngọn đòn ấy, nhưng... rồi họ đều bị chính ngọn đòn ấy tiêu diệt cả rồi...!
Bách Đại nghe nói lạnh cả người, la lên:
- Ấy! Cái ấy...!
Chỉ nói được thế thôi, cổ họng Bách Đại tưởng như tắt lại. Mọi người đều cảm thấy ớn xương sống lên!
Lúc ấy người trong xóm đã quét rửa đường lối sạch sẽ và có người mời bọn Nhâm Vô Tâm vào nhà dùng nước trà, tỏ ra ý cảm kích vô cùng.
Bách Huề đại sư bị thương rất nặng, hơi thở thoi thóp, dù đã dùng thuốc nổi tiếng của phái Thiếu Lâm, chẳng qua chỉ tạm giữ được khỏi chết ngay, trừ phi chính tay Lan Cô chữa cho, ngoài ra không có thuốc nào cứu trị nổi!
Về phần Nhâm Vô Tâm thì nghĩ rằng năm vị Hộ Pháp này chính là cột trụ của Thiếu Lâm, đáng lẽ phải ở lại chùa mà điều hành mọi công việc thì nếp sống của Thiếu Lâm mới khỏi bị xáo trộn. Còn chính Bách Nhẫn Chưởng môn đáng lẽ đích thân xuống núi mới phải, nay lại để cả năm vị Hộ Pháp cùng ra khỏi chùa thì vô lý quá! Nghĩ vậy, chàng thở dài mà rằng:
- Trong võ lâm hiện đương bị bọn ác ma quấy rối. Nhưng năm vị đại sư đây có trọng trách điều khiển sinh hoạt, lo việc an nguy cho toàn thể Thiếu Lâm, đáng lẽ không nên hạ sơn thì phải!
Bách Duy đại sư trố mắt ra, vội hỏi:
- Ủa lạ! Chúng tôi hạ sơn là vì Nhâm tướng công có giấy mời. Giấy mời lại do Điền Tú Linh cô nương thân hành đưa tới...!
Nhâm Vô Tâm choáng người lên:
- Tại hạ... có thơ mời... a! Điền cô nương lại thân hành đưa tới! A! Lạ thật! Đại sư lầm... lộn chăng? Nhất định là ta mắc mưu gian của họ rồi! Chẳng hay trong giấy mời nói những gì?
Bách Duy đại sư nói:
- Bức thư ấy, lão nạp không nhớ được hết! Duy có sư đệ Bách Huề vốn có tài Trạng Nguyên, hoặc giả có thể đọc cả lại chăng?
Vừa nói tới đây, thì Bách Huề đại sư bỗng mở to mắt ra. Thì ra, tuy bị trọng thương gần chết mà ông ta vẫn tỉnh, để ý nghe mọi người nói chuyện. Tới đây ông ta giơ tay ra hiệu cho Nhâm Vô Tâm tới bên, đoạn cất tiếng run run nói:
- Trong bức thư, rất có thể là có một vài manh mối quan hệ... Lão nạp biết mình khó sống, vậy trước khi chết cũng cố thu tàn lực đọc lại cả bức thư đó, may ra có giúp ích gì cho sự cứu xét của chư vị chăng!
Ngừng một lúc, Bách Huề bắt đầu chậm rãi đọc lên từng chữ. Bức thư khá dài, tác giả tạm trích ra đây mấy đoạn chính yếu.
Kính gửi: Thiếu Lâm Bản viện, Đạt Ma Đường Hộ Pháp Đại Sư Phật tiền tổ giám
“... Từ sau khi Bách Nhẫn, Bách Đại đại sư quyết lấy tôn chỉ vệ đạo giáng ma, xuất hiện tuần thị giang hồ. Bách Tường đại sư Phật giá qua Tây Phương trở về cõi Niết bàn, thì Thiếu Lâm bản viện toàn do Đại sư bảo hộ, duy trì Thánh địa là nơi phát nguyên của thiên hạ võ học. Cho nên, trên giang hồ thảy đều minh cảm ơn đức của Đại sư.
Gần đây thế lực ác ma trên giang hồ ngày một bành trướng. Nhâm Vô Tâm tuy biết Đại sư Phật giá không dễ gì hạ sơn, nhưng dù sao cũng phải nhờ sức “giáng ma vệ đạo” của Đại sư giúp cho mới được. Vốn biết lòng Từ bi thương người giúp đời của Đại sư thực vô bờ bến, nên Nhâm Vô Tâm này mới cả gan, dám xin Đại sư tạm thời quyền biến, tay cầm dao trừ ma, xuất đạo giang hồ một phen để giúp đời, độ chúng sinh, thời may mắn cho thiên hạ vô cùng, mà Vô Tâm này cũng được nhờ ơn nhiều lắm!
Nếu như Đại sư quyết giúp cho việc này, dám xin Đại sư ăn vận lối áo bào trắng, mặt che bằng màng vải trắng, để phân biệt phải trái hẳn với lối y phục sắc đen của bọn “NamCung thế gia”...
GiangNamNhâm Vô Tâm kính gửi”
Bách Duy nghe xong, thở dài mà rằng:
- Lời trong thư thành thực khẩn thiết, cho nên ngay bữa sau đó bọn lão nạp tức tốc hạ sơn.
Chợt nghe Bách Phù đại sư gọi giật lên:
- Sư đệ! Bách Huề sư đệ...
Mọi người giật mình ngó lại, thấy Bách Huề từ từ duỗi tay chân ra, nhắm mắt lại. Bách Duy, Bách Vệ, Bách Hộ, Bách Đại cùng theo Bách Phù cùng quỳ cả xuống. Nhâm Vô Tâm cùng sáu người khác trong xóm cũng nhất tề quỳ theo. Tiếng tụng niệm đều đều nổi lên, trước còn quanh quẩn một khu nhỏ, sau lan dần khắp xóm, với khói hương trầm toả lên nghi ngút.
Đêm dần dần về khuya. Nhà nào nhà nấy điểm đèn và đóng cửa. Sau khi tụ tập ở một gian nhà nọ, Nhâm Vô Tâm với vẻ mặt nghiêm trọng cất tiếng nói:
- Bách Huề Đại sư đã về chầu Phật, nhưng công đức của Người còn ở lại. Chỉ riêng một bức thư Người đọc lại vừa rồi, cũng giúp tại hạ rõ được nhiều điểm bí mật đáng ngờ! Trước hết, tại hạ không khỏi ngờ rằng trong tình thế khẩn cấp và nguy hiểm này, đúng ra là phải giấu kín hành tung, vậy mà các vị Đại sư lại toàn mặc áo bào trắng, cố ý để lộ lai lịch hành tung ra! Giờ thì tại hạ thấy rõ đó là độc kế của Nam Cung thế gia. Nếu không thế thì giang hồ hào kiệt sẵn nhiều, bọn Nam Cung thế gia biết ai là kẻ đối đầu với họ, để mà... tận sát!
Bách Đại nghe ra, vỗ bàn, quát lên:
- A! Thực là kế âm độc! Nhưng... thiếu chi những tay anh hào hiệp sĩ trên giang hồ, vô luận là thế nào, chúng giết sao hết được!
Nhâm Vô Tâm nói tiếp:
- Cứ lời Hoàng Phủ Thiếu Hồng nói ra thì trừ các vị Đại sư ra, còn biết bao người khác bị trúng kế ấy và biết bao người đã chết vì thế. Lợi hại nhất là họ dùng cái lối một công hai việc cùng làm một lúc.
Ngừng một giây lát, chàng giải thích:
- Trước hết là theo lối đó, là họ có thể dẫn dụ các tay anh hùng tinh hoa của các phái đều lộ cả mặt ra để họ giết cho kỳ hết. Tự nhiên là các nơi trọng địa, gốc rễ các môn phái sẽ hết tay giỏi phòng giữ. Thế là họ có thể dùng sức mạnh, hoặc chiếm đóng, hoặc phá huỷ tan tành những cơ nghiệp hàng trăm ngàn năm để lại. Liền đó, họ có thể bắt buộc cả chín đại môn phái thần phục để họ đứng làm bá chủ võ lâm. Tệ hại hơn nữa là hành động của họ chuyến này làm tiêu hao thực lực của các môn phái, mà tên tuổi Thiếu Lâm, Vũ Đương sẽ vĩnh viễn bị tiêu trừ trên làng võ lâm từ đây.
Bách Duy hoảng người lên, vội nói:
- Vậy thì bọn lão nạp nên tức tốc trở về Thiếu Lâm, may ra còn cứu vãn được kịp! Nhâm tướng công có ý kiến gì, xin chỉ giáo cho!
Nhâm Vô Tâm lắc đầu nói:
- Lúc này ư? Chưa cần về ngay. Coi như việc Lan Cô có mặt bữa nay ở đây đủ biết là tụi chúng đã dốc cả sào huyệt, chia người đi du kích khắp nơi, đánh giết những kẻ đối đầu với chúng. Sau một thời gian nào đó, chừng nào tiêu hao gần hết lực lượng các môn phái rồi, chúng mới tập trung đánh vào căn cứ chính được. Vậy nên các Đại sư chưa cần về Thiếu Lâm. Trái lại, nên thừa dịp này thực lực chúng đương phân tán đi các ngả, chúng ta bố trí tìm cách phá vỡ lực lượng chúng đi!
Ngừng giây lát, chàng nói tiếp:
- Nếu các Đại sư trở về bây giờ, quyết không qua khỏi con mắt trinh sát của chúng. Có thể là chúng thu thập lực lượng dồn vào đánh căn cứ Thiếu Lâm trước tiên. Như vậy ta không chống lại được. Tốt hơn hết, ta cứ lờ đi như không biết mưu mô của chúng. Việc thứ nhất là do Thiếu Lâm đứng tên, gửi thiếp cho các đại môn phái, yêu cầu họ ngấm ngầm tập hợp những tay tinh nhuệ tới Thiếu Thất Tung Sơn. Với lực lượng ấy, dù bọn Nam Cung thế gia có tới đánh, cũng đủ đối phó. Bọn ta đây đồng thời lưu ý, nếu cần có thể quay về tiếp viện được. Duy có hai điểm chú ý – một là cấp tốc tiến hành ngay – hai là hết sức kín đáo. Thực lực chúng ta hơi yếu, nếu không gặp trường hợp bất đắc dĩ, quyết không đem sức ra chọi, tránh khỏi tan vỡ ngay lúc đầu.
Bách Đại đại sư nói:
- Nếu tập trung cả ở Thiếu Lâm thì bọn Nam Cung thế gia xoay ra tập kích căn cứ của tám môn phái kia, chẳng nguy hiểm lắm sao?
Nhâm Vô Tâm nói:
- Căn cứ các môn phái khác bỏ trống, dù có bị tập kích cũng chỉ phá huỷ một số nhà cửa. Sau đó kiến trúc lại, còn hơn là bị hao tổn về sanh mạng. Huống chi, nếu bọn chúng kéo tới Vũ Đương sơn chẳng hạn, chỉ thấy những hang bỏ trống cả, thử hỏi chúng phá cái gì? Phá hang đá ư? Vả lại chúng thấy chẳng có ai hết, thì chưa chắc đã dám tiến vào sâu quá. Binh pháp nói “Hư hư, thực thực” là thế!
Bách Đại gật đầu khen phải, và hỏi mưu kế thứ nhì. Nhâm Vô Tâm nói:
- Kế thứ nhì là: Chúng ta triệu tập những cao thủ, tổ chức thành lực lượng khác, đi lùng kiếm chúng. Hễ gặp những lực lượng hơi yếu hơn là ta tiêu diệt ngay. Chúng nó chủ trương “lấy lớn nuốt bé”. Giờ ta “ăn miếng trả miếng”, lấy ngay lối của chúng mà đập lại chúng những đòn bất ngờ. Có điều rằng mưu kế và nhất là hành tung của ta phải giữ hết sức bí mật, nếu cần thì phải luôn luôn hoá trang một cách rất khéo mới được!
Bách Đại khen rằng:
- “Hư thực, thực hư”. Gia Cát tái sinh bất quá cũng đến thế!
Nhâm Vô Tâm thở dài mà rằng:
- Nói vậy mà chưa chắc đã ăn thua gì! Không phải là tại hạ đa nghi... Gần đây tại hạ ngờ rằng Nam Cung thế gia mới có thêm một nhân vật nào đó rất lợi hại. Người này gian giảo đa mưu, hình như họ biết rõ cả tình hình bọn ta. Cho nên mọi hành động của Nam Cung thế gia, gần đây hầu như toàn là đúng tin, đánh trúng vào nhược điểm của ta.
Bách Đại nói:
- Như vậy bắt buộc tướng công phải trừ khử người ấy đi?
Nhâm Vô Tâm nhăn nhó cười mà rằng:
- Khổ nổi chưa biết người ấy là ai cả!
- Trước kia người đem phong thư giả mạo tới Thiếu Lâm chính là Điền Tú Linh cô nương. Vậy thì...
Nói tới đây, Bách Đại cau mày, bỗng đằng hắng lên một tiếng rồi ngưng lại.
Nhâm Vô Tâm hiểu ý, lắc đầu nói:
- Điền cô nương là kẻ bội phản Nam Cung thế gia. Dù nàng có hồi tâm trở về với họ, thì họ cũng chẳng dung tha nàng! Huống chi lại còn tin cẩn mà trao cho bày mưu kế sao? Tụi họ biết rằng Bách Duy đại sư chưa từng biết mặt Điền cô nương, bèn sai một người con gái nào đó giả mạo đưa thư... cũng chưa biết chừng! Việc khiến tại hạ lo lắng, chẳng riêng một mình Điền cô nương mà thôi!
Lúc đó Bách Duy đại sư đã viết xong tờ thiếp uỷ cho bọn đại đệ tử của La Hán Đường, ăn vận theo thường nhân, thân hành tống đạt cho các phái Vũ Đương, Nga Mi, Điểm Thương v.v... Bốn đệ tử, sau khi nghe căn dặn cẩn thận rồi, liền vâng lệnh ra đi ngay đêm hôm ấy.
Bốn đại đệ tử vừa ra khỏi cửa thì Nhâm Vô Tâm lập tức đứng lên, nói:
- Bách Đại, Bách Duy đại sư, xin cùng ra đi với tại hạ. Bọn Thiếu Hồng tuy rút lui rồi, nhưng quanh đây chúng còn đặt mai phục và trinh sát. Chúng ta phải yểm hộ cho bốn đệ tử và cũng là một dịp để tra xét bọn chúng động tĩnh ra sao. Còn ở gian nhà này, xin Bách Phù đại sư để ý trông coi!
Dứt lời, chàng tiến bước ra khỏi nhà. Bách Duy than rằng:
- Tướng công hành động cẩn thận như vậy, không ai sánh kịp!
Lập tức bốn cái bóng người thoăn thoắt len lỏi qua những bóng mái hiên, bóng cây như rắn quăng mình, như khói tuôn đi. Chỉ vài cái lao mình, nhảy vọt, họ đã nhận ra bóng dáng bốn đệ tử đương vùn vụt đi phía trước.
Bọn Nhâm Vô Tâm chia ra hai người đi phía tả, hai người lảng qua phía hữu, ngó trước nhìn sau. Một loáng sau vẫn thấy tứ bề yên tĩnh như thường. Bách Đại sẽ nói với Bách Duy:
- Nhâm tướng công cái gì cũng xuất sắc. Có điều là quá tự khiêm tốn! Bọn Nam Cung thế gia hồi nãy thoáng thấy bóng tướng công là chạy hết cả rồi, làm gì còn có mai phục... mà...
Chưa nói hết câu, đột nhiên thấy bóng hai đệ tử phía trước lẫn vào bụi cây mất dạng! Bách Đại cùng Bách Duy cau mày, kẻ trước người sau cùng vọt tới nơi, vừa ngơ ngác toan tìm kiếm, bỗng nghe có một giọng ông già từ lùm cây gọi ra:
- Bách... Đại... sư... đệ a!
Bách Đại giật bắn người, nhảy lùi lại hai bước, quát hỏi:
- Ai đó?
- Sư đệ... không nhận ra được tiếng ta nói... sao?
Từ trong lùm cây lại có tiếng nói ra.
Tiếp theo là tiếng lá sột soạt, hai người rẽ cành lá bước ra, mặt mũi tái xanh hẳn đi. Trong khi đó Bách Đại đã nhận ra được tiếng gọi kia rồi. Ông ta kinh hãi la lên:
- Sư huynh... Đại sư huynh... đó ư?
Vừa nói, Bách Đại vừa giang cánh tay ra, và nhào tới. Hai đệ tử Thiếu Lâm vội lánh ra nhường lối.
Phía ngoài bụi cây có vẻ um tùm, nhưng bên trong là một khoảng trống, rộng sáu bảy thước. Một lão tăng, áo bào màu tro, ngồi xếp chân bằng tròn, mắt nhìn xuống như kẻ đương nhập định.
Bóng trăng từ trên rọi xuống. Thân hình lão tăng loang loáng lên như có tia sáng bạc. Bách Đại nhận rõ là Bách Nhẫn đại sư, chính là đại sư huynh, vị Chưởng Môn Phương Trượng Thiếu Lâm bị mất tích từ lâu!
Bách Đại reo lên một tiếng, chạy lại. Bách Nhẫn sẽ hé mắt ra miệng hơi cười, sẽ nói:
- Lâu nay sư đệ vất vả quá! Lại đây cho ta nhận xem khí sắc sư đệ ra sao?
Bách Đại mừng quýnh lên, nói:
- Đệ vẫn mạnh khoẻ! Sư huynh... gần đây... sao tiều tuỵ thế?
Hai người bình nhật tánh tình hợp nhau, thân nhau hơn ruột thịt. Cách xa bao lâu, không rõ sống chết ra sao, nay bỗng lại gặp quá ư bất ngờ! Bách Nhẫn cầm tay Bách Đại rồi nói:
- Sư đệ! Chính sư đệ cũng tiều tụy nhiều lắm mà.
Bách Đại nghẹn ngào nói:
- Sư huynh yên lành trở về được, thế là chẳng riêng gì tiểu đệ mừng, mà luôn cả Nhâm tướng công cũng...
Vừa nói tới đây, bỗng thấy cổ tay bị bấm ghì lại. Từ bàn tay trở vào, bảy nơi huyệt lớn bị Bách Nhẫn kiềm chế rồi!
Bách Đại thất kinh, la lên:
- Sư huynh! Sao... lại...
Bách Đại vừa mới la lên thì Bách Duy ở phía sau đã như điện chớp ra tay luôn một hơi từ gáy Bách Đại trở xuống, liên tiếp điểm trúng mười ba huyệt đạo rồi. Đó toàn là những huyệt nặng lại thêm chỉ lực của Bách Duy mạnh kinh nhân. Lập tức Bách Đại hết chống cự, động cựa, nhưng tai còn nghe rõ tiếng Bách Nhẫn cất giọng lạnh lùng nói:
- Những kẻ chống đối lại Nam Cung thế gia,đều là tự tìm đến chỗ diệt vong cả. Sư đệ chớ trách là ta tàn độc...
Giọng nói lúc này đầy vẻ âm hiểm, độc địa, không còn chút gì là nhân từ hoà ái như Bách Nhẫn hồi trước nữa.
Bách Đại kinh hãi một phần, mà căm giận thì cả trăm phần vì không ngờ rằng vị Chưởng giáo Phương trượng cùng vị Hộ Pháp Trưởng lão của Thiếu Lâm tự từng nổi danh và được tôn trọng hàng mấy trăm năm nay, mà đến nỗi hàng phục, chịu làm tay sao cho “Nam Cung thế gia”?
*
Bách Đại đại sư trong lòng vô cùng bi thương, phẫn hận, nhưng vẫn kín miệng không nói ra nửa lời. Chỉ thấy Bách Nhẫn quay mặt đi, không thèm nhìn bộ mặt đau khổ của mình. Trái lại đôi mắt Bách Duy liếc nhìn Bách Nhẫn rồi gằn giọng hỏi:
- Sư huynh à! Lúc này kết quả tánh mạng nó đi chứ?
Bách Nhẫn cất giọng âm hiểm, nói:
- Trao nó cho ta! Sư đệ mau quay trở lại, đối phó với Nhâm Vô Tâm, vào bảo với hắn là...
Bách Duy nói tiếp vào:
- Bảo với hắn là... Bách Đại cùng tiểu đệ phát hiện ra có dấu hiệu mai phục, bèn chia nhau đuổi theo. Cuối cùng Bách Đại đi tới đâu không rõ, tiểu đệ tìm kiếm không được, đành quay trở về...
Bách Nhẫn gật đầu, cười:
- Đúng thế! Sư đệ cứ nói thế! Nhâm Vô Tâm dù thông minh đến mấy, cũng không ngờ tới được. Hắn có ngờ đâu là kế hoạch với hành vi của hắn đều không qua được mắt bọn ta.
Bách Duy than rằng:
- Chỉ có Bách Huề sư đệ, vừa rồi bị chết, thực đáng tiếc!
Bách Nhẫn sầm nét mặt lại mà rằng:
- Nếu không hy sinh đi thì sao chiếm được lòng tin của Nhâm Vô Tâm. Cái chết ấy rất giá trị! Có gì ân hận, đáng tiếc đâu!
Bách Duy cúi đầu nói:
- Sư huynh nói vậy... nhưng đã chiếm được lòng tin của Vô Tâm rồi thì giết hắn đi, sao còn để hắn sống làm gì để hắn làm hại mọi người!
Bách Nhẫn giải thích:
- Hắn có tài, gần đây lại giao kết rất rộng, bè đảng khá lớn, sẵn sàng hành động. Trừ hắn ra, còn có Điền Tú Linh cũng lắm thủ hạ, chưa rõ chúng ẩn náu ở đâu. Nay nếu giết Vô Tâm đi thì làm sao tìm kiếm ra bè lũ của hắn để mà “nhổ cỏ cho hết rễ” được. Vì thế mà tạm để cho hắn sống.
Bách Duy than rằng:
- Nhâm Vô Tâm tuy là tài trí, so ra còn kém Điền cô nương xa. Chúng ta có được Điền cô nương, bày mưu đặt kế, quyết thắng ở ngoài ngàn dặm, thì lo gì không trừ hết được kẻ thù!
Bách Đại rùng mình, nghĩ thầm:
- Nhâm tướng công a! Trận cờ tính sai một nước thành thử tan vỡ thua trận. Yên trí rằng Điền cô nương quyết không dám trở về với Nam Cung thế gia, đó là một nước cờ tính sai quá. Có ngờ đâu, lúc này bao nhiêu dự liệu, kế hoạch của bọn mình đều bị bọn Nam Cung thế gia biết rõ cả rồi!
Bách Đại có biết đâu rằng Điền Tú Linh vì quá yêu Nhâm Vô Tâm nhưng không thoả mãn mà sinh ra quá giận. Yêu và giận khích phát tiềm lực của sinh mệnh, sinh ra quyết tâm phải chiến thắng Nhâm Vô Tâm bằng bất cứ giá nào khiến chàng phải đau khổ, phải hối hận.
Bách Duy cáo từ Bách Nhẫn rồi quay mình nhảy ra khỏi lùm cây, một mạch chạy trở về, đã thấy Nhâm Vô Tâm đương ngồi đợi. Bách Duy giả vờ ngơ ngác hỏi:
- Bách Đại sư huynh chưa trở về sao?
Nhâm Vô Tâm giật mình hỏi:
- Đại sư cùng đi một ngả với ông ta mà!
Bách Duy thuật lại đầu đuôi câu chuyện theo như lời Bách Nhẫn đã dặn. Bọn Bách Phù cũng vờ làm ra vẻ kinh hoàng. Kỳ thực thì trong lúc đó, duy có Nhâm Vô Tâm là lo ngại, nóng ruột. Bách Duy cau mày vờ hỏi:
- Tướng công vừa rồi đi, có nhận thấy gì lạ chăng?
- Thực lạ quá! Bọn Nam Cung thế gia xưa nay hành động hung tàn, gặp gì giết nấy cho kỳ hết mới thôi. Vậy mà bữa nay chưa chi đã bỏ đi, lại không có mai phục gì cả!
Bách Duy nói:
- Nhờ ơn Phật Tổ! Bọn họ không đặt mai phục thì Bách Đại sư huynh chỉ là lạc lối trong chốc lát sẽ trở về, khỏi lo!
Nhâm Vô Tâm chắp tay ra sau lưng, đi lại trong phòng. Chàng suy luận, không tin rằng Bách Đại bị lạc đường... Nhưng nếu không vì lạc đường thì sao trở về chậm thế! Có một điều mà chàng chẳng thể ngờ tới là ngay bên cạnh chàng lúc đó, bốn vị cao tăng Thiếu Lâm, với vẻ mặt từ bi, nghiêm trang đạo mạo, lại chính là một ổ phục binh gián điệp của Nam Cung thế gia, lúc nào cũng kiểm soát hành vi, nhìn rõ mưu kế của chàng và... họ muốn giết chàng lúc nào cũng được!
Trời đã hoe sáng, vẫn chưa thấy Bách Đại trở về! Nhâm Vô Tâm tuy đã hết sức mỏi mệt nhưng vẫn cố gắng không dám nằm nghỉ. Chàng đứng bên cửa sổ, mở ngực ra hít đầy không khí. Một vài phút sau, quay mình lại. Bọn Bách Duy, Bách Phù thấy rằng sắc da chàng tươi sáng, đôi mắt loang loáng thần quang, đều lấy làm kinh dị nghĩ rằng có lẽ anh chàng này đã luyện thành thân hình La Hán Kim cương thì mới chịu đựng nổi như vậy.
Chợt thấy chàng cười mà rằng:
- Căn cứ vào đởm lược với võ công, thì Bách Đại đại sư dù có gặp gì khó khăn cũng có thể vượt qua được. Biết đâu ông ta chẳng dò xét thấy manh mối gì lạ, mà trong vài bữa hoặc nửa tháng sẽ trở về báo tin tức. Ngoài ra như Huyền Chân đạo trưởng cùng Bách Nhẫn và Bách Đại Đa Sát Thủ, tạm thời tuy mất liên lạc, nhưng cả ba đều là những tay phi thường xuất chúng, biết đâu các vị ấy chẳng đã thâm nhập lẫn vào trong lòng phe địch, và sẽ thu hoạch được những kết quả với tài liệu phong phú.
Bốn nhà sư Thiếu Lâm cùng chắp tay niệm “Mô Phật” kỳ thực trong lòng cười thầm chàng là thằng ngốc!
Nhâm Vô Tâm nói tiếp:
- Các môn phái sẽ đến tụ hội ở Thiếu Lâm! Còn ở xóm này, chúng ta hãy lo đem những người còn lại tới một nơi an toàn khác tránh cho họ khỏi bị bọn Nam Cung thế gia trở lại tàn sát!
Vừa nói tới đây, chợt có tiếng bên ngoài cười lạnh lùng mà rằng:
- Những kẻ định chống đối Nam Cung thế gia thì làm gì còn có đất để an thân!
Nhâm Vô Tâm vọt đến bên cửa sổ, đẩy cánh cửa ra, trong khi miệng quát hỏi “Ai đó?” thì “bình” một tiếng, thân mình chàng đã lao qua phía cửa lớn ra ngoài rồi. Thoáng đưa mắt, chàng đã nhận thấy một người đứng trơ ra ở giữa đường cái. Và ngay lúc đó, người kia bỗng dưng vừa quay tròn mình đi vừa đưa hai tay lên múa. Vừa quay vừa múa lẹ đến nỗi trong nháy mắt đã xoay đến vài chục vòng. Với sức mắt của Nhâm Vô Tâm mà cũng không nhận rõ thân hình mặt mũi của người kia thế nào. Chỉ biết rằng người kia có bộ tóc dài, cùng với tà áo xoè ra như hình chiếc dù đen vậy!
Chàng sửng sốt, không hiểu sao người kia vừa thấy chàng mà lại giở ngay ra cái trò múa may điên cuồng! Phải chăng là một lối múa để rải rắc chất phấn độc chi đó?
Lúc đó bọn Bách Duy cũng ra đến nơi, thảy đều tỏ vẻ kinh dị!
Nhâm Vô Tâm định làm cho người kia phải ngừng lại, bèn hít không khí, nín thở vọt mình đi liền. Thân mình chàng còn cách người kia chừng một trượng thì cảm thấy từ trong vòng xoay tròn kia phát ra một làn gió độc và có một áp lực vô hình cách biệt hẳn những gì ngoài phạm vi gió cuốn đó.
Rõ ràng là người kia vừa xoay múa, vừa phát cương khí ra, với một sức mạnh mà trong đời này hoạ chăng chỉ có vài người như Nam Cung phu nhân, Lan Cô, Bách Đại, Huyền Chân đạo trưởng là có được. Hắn không rắc thuốc độc, nhưng cứ xoay tròn mãi và phát nội lực ra để làm gì? Quả thực là kỳ dị, nếu không phải là điên khùng? Bí hiểm thật! Hắn là ai?
Vèo một cái, Nhâm Vô Tâm xuyên mình qua vòng gió lốc, vào vừa tầm, và lẹ làng dùng lối “Đại cầm nã pháp” chộp bắt lấy cổ tay người áo đen ấy. Nhưng người ấy lẩn tay lẹ như điện, và vòng quay càng gấp lên, chợt tả, chợt hữu, thoắt trước thoắt sau. Liên tiếp thi triển mấy chục đòn “Đại cầm nã pháp” hiệp cùng lối “Tay không lăn vào vòng gươm đao” mà chàng không tài nào chộp bắt được tay người kia. Chợt nghe Bách Duy quát lên:
- Bằng hữu là ai? Nếu cứ giở trò đó ra, chớ trách lão tăng can thiệp!
Người áo đen như tuồng không nghe thấy gì hết. Nhâm Vô Tâm hơi chột dạ, vội nhảy phắt ra ngoài mà rằng:
- Đại sư giúp cho một tay mới được! Bốn đại sư đứng bốn góc xa xa, cùng phát chưởng hãm bớt độ xoay của hắn lại, tại hạ sẽ bắt được hắn!
Lập tức Bách Duy, Bách Phù, Bách Hộ, Bách Vệ cùng nhảy ra bao vây và trái với chiều người xoay kia, tám cánh tay cùng phát chưởng đều đều. Không cần chưởng phong quá mạnh, tuy nhẹ thôi nhưng liên miên bất tuyệt, lập tức tạo ra một luồng gió trái chiều, khiến độ xoay đối phương chậm dần lại. Tóc hắn bị xõa xuống ngay, trùm kín cả mặt đi, trong khi Nhâm Vô Tâm lách mình một cái đã lọt vào sát bên, tay trái chộp đúng cổ tay hắn, tay mặt loáng cái điểm trúng một lúc bảy đại huyệt trước mặt sau lưng. Người hắn đứng đờ ra ngay, nhưng hai tay vẫn múa. Chàng rút lui khỏi rồi, thì người kia đột nhiên ngửa người té đánh “sầm” một cái, nằm thẳng cứng ra.
Bọn Bách Duy cùng ngừng tay và cùng Nhâm Vô Tâm chạy tới. Chàng vén tóc người kia ra, bỗng tái mặt, la lên. Bách Duy hỏi:
- Tướng công biết hắn không?
Chàng la lên:
- Biết... biết! Người này là... là Huyền Chân đạo trưởng, là Chưởng môn của Vũ Đương phái hiện tại!
Thực là kinh kỳ, quái tuyệt. Địa vị tôn trọng, uy danh lừng lẫy như Chưởng môn của phái Vũ Đương mà lại có cử chỉ điên rồ như vậy. Nếu mắt không chứng kiến thì ai dám tin!
Mọi người xúm lại khiêng Huyền Chân đặt vào trong nhà nhưng chưa dám giải huyệt ngay vì sợ ông ta điên trở lại chăng?
Nhâm Vô Tâm lắc đầu hỏi:
- Đạo trưởng! Có nhận ra tại hạ chăng?
Huyền Chân trố mắt, hai con ngươi tưởng như muốn lồi ra được, thần khí mê cuồng, cổ họng nổi lên những tiếng như ứ tắc nghe không rõ, trên trán mồ hôi toát ra, nhỏ giọt. Hình như đương chịu đựng một trận đau khổ hãi hùng cả về tinh thần lẫn thể xác. Bách Duy thở dài nói:
- Coi đó đủ thấy Huyền Chân đạo trưởng bị trúng thuốc độc của Nam Cung thế gia và tinh thần vừa bị kích thích, vừa bị chi phối. Nếu tướng công không giải ngay huyệt đạo ra thì rất tai hại...
Nhâm Vô Tâm buồn rầu nói:
- Vẫn biết thế! Nhưng vấn đề cần kíp là phải biết ông ta bị trúng loại độc gì thì mới cứu được. Ông ta hạ sơn lần này là do tại hạ mời. Nếu có làm sao thì tại hạ còn mặt mũi nào trông thấy Vũ Đương sơn đệ tử nữa. Vậy nên dù có nhiều việc hệ trọng, cũng đành bỏ đấy. Trước hãy lo bệnh cho Huyền Chân đạo trưởng đã. Chỉ khổ một nỗi là tại hạ không biết cách chữa, và không biết phép phân thân...!
Thấy chàng cuống lên, bọn Bách Duy mừng thầm, nhưng cũng cứ giả vờ lo lắng và bàn góp ý kiến. Bọn họ cho rằng dù có tìm ra thuốc nọ thuốc kia, cũng phải hàng tháng mới chữa được.
Vô Tâm nhăn nhó mà rằng:
- Biết rằng dù chẳng làm được nhưng cũng cứ làm cho hết sức người. Tại hạ trước hãy xét coi bệnh trạng của Huyền Chân, nếu không cứu nổi thì chiều nay sẽ vác ông ta tới chỗ có nhiều danh y tụ tập... Hẳn là có cách cứu chữa được. Các vị đại sư nghĩ sao?
Bách Duy vội nói:
- Bọn chúng tôi từ nay xin theo tướng công. Vô luận là phải nhảy vào lửa, nước cũng không quản!
*
Nghe bọn Bách Duy nói vậy, Nhâm Vô Tâm vô cùng cảm động. Liền đó vội ôm xốc Huyền Chân đạo trưởng lên đem vào nhà trong. Bách Duy nhìn theo sẽ lẩm nhẩm nói:
- Vô Tâm a! Ngũ phu nhân đã bày ra nhiều trò, khiến ngươi phải kiệt tâm, kiệt sức, sống dở chết dở... ngươi biết không?
Thực vậy, hết việc nọ đến trò kia khiến chàng đêm ngày quần quật lao khổ, dù là người sắt cũng phải quằn đi. Chàng có ngờ đâu một người trước kia yêu mê chàng như thế mà hoá ra căm thù chàng đến nỗi ấy! A! Xưa nay biết bao anh hùng hào kiệt chết vì tay đàn bà mà không biết. Đại để phần nhiều cũng tương tự như trường hợp này!
Phòng ngoài, bốn vị cao tăng ngồi xếp bằng tròn, nhắm mắt, vận dụng công phu điều hoà hơi thở. Trong thôn, người qua lại, chuẩn bị hành trang, bỏ vườn bỏ đất quyết ra đi.
Chừng độ nấu chín nồi cơm, Bách Duy bỗng mở choàng mắt đứng phắt lên, nhìn mấy người trong thôn phái đến hầu trà nước, mà rằng:
- A! Lão nạp đi coi xét một lượt xem xung quanh có chi lạ, cốt lo cho quý vị khi dời khỏi đây khỏi phải gặp nguy hiểm khó khăn!
Mấy người kia càng cảm động, tạ ơn rối rít lên. Bách Duy chắp tay niệm Phật hiệu, đoạn bước ra ngoài, ống tay áo rộng phất lên, lẹ bước đi thẳng. Người trong thôn nhìn theo, thảy đều tấm tắc thán phục vị cao tăng quả là từ bi cứu nhân độ thế. Lại nhìn Bách Hộ, Bách Vệ, Bách Phù ba người này vẫn ngồi yên như bụt, vẻ mặt nghiêm túc. Rõ ràng là những cao tăng đạo hạnh hiểu thấu diệu đế cao siêu của nhà Phật rồi.
Lại nói chuyện Bách Duy ra khỏi xóm. Lúc đó trời đương nắng gắt, nhưng tứ bề yên lặng như tờ. Một lúc sau, lão đã tới chỗ bụi cây gặp Bách Nhẫn đêm trước. Lúc này Bách Nhẫn cùng hai đệ tử Thiếu Lâm không có đấy nữa, nhưng lão cũng lấm lét ngó trước nhìn sau cẩn thận, đoạn lẻn mình lánh vào trong. Cử chỉ thái độ của lão hệt như một thằng ăn trộm, một tên cướp đường vậy.
Vào trong rồi, mắt lão chăm chú tìm kiếm đó đây, thấy một ngọn cỏ kết thành hình chiếc “Như ý” chôn ngập một nửa xuống đất. Lão vội khoằm năm ngón tay lại cào bới đất lên, thấy có một chiếc ống sắt sắc đen dài bảy tấc. Lão cầm chặt hai đầu ống, vặn đi một cái. Vòng ốc ở giữa đoạn xoay đi, chiếc ống rời ra thành hai đoạn, trong chứa ba viên thuốc với một mảnh giấy. Lão giấu thuốc vào trong bọc, đoạn mở giấy ra coi, thấy vỏn vẹn có mấy chữ rằng:“Nội phủ có người tới đây. Cho gặp mặt. Thấy giấy này thì lập tức đi về phía đông.”
Nét mặt lão hơi biến đổi, bỏ mảnh giấy vào miệng nhai nuốt đi, vặn hai đoạn ống sắt vào nhau chôn trả xuống đất. Lão ngẩng mặt nhìn trăng, nhận đúng phương hướng xong lập tức đi về hướng đông.
Nhưng vừa quay mình đi thì nhận ra có một vũng máu dưới đất. Lão cau mày, nghĩ thầm:
- Chắc là Bách Đại bị giết và chôn ngay tại đây rồi!
Tuy nghĩ vậy nhưng vẫn cứ phải vội vã ra đi, ước chừng thời gian đun sôi ấm nước, thấy sau lùm cây xa xa thoáng có bóng người, và có tiếng còi phát ra như tiếng chim kêu. Bách Duy nhô hai vai lên, quăng người đi gấp. Chỉ vài ba bước nhảy là đã tới nơi. Một người áo chẽn sắc đen ra liền. Bách Duy quát hỏi:
- Bằng hữu thuộc bộ vị nào?
Người áo đen trả lời:
- Khuyết Thiên Cang, Lập Địa Sát!
Bách Duy ôm tay quyền thi lễ, đưa mắt tứ phía thấy không có ai cả, bèn sẽ hỏi:
- Người của nội phủ tới đây là ai vậy? Hiện ở đâu?
- Xin theo tôi đi!
Vừa nói, người áo đen vừa quay gót chạy liền.
Bách Duy phóng bước theo sau. Một lát tới một nơi đền thờ Thổ Địa. Còn cách ngoài một trượng thì ngừng bước đi từ từ. Người áo đen cất tiếng nói:
- Thuộc hạ đã dẫn Ân tiền bối tới! Chờ đợi ra mắt!
Có tiếng đàn bà từ trong, nhỏ nhẹ nói ra:
- Xin mời vào!
Người áo đen quay lại, chắp tay hướng vào Bách Duy, cung kính nói:
- Xin mời!
Vừa nói, vừa né ra một bên.
Bách Duy tiến lên, tới khuôn cửa ngừng lại, khom mình nói:
- Vị phu nhân nào ở đây? Chẳng hay cho đòi tới có việc gì?
Tiếng cười từ trong đưa ra, và trả lời:
- Phu nhân không có đây! Tôi vâng lệnh tới đón tiếp Đại giá!
Dứt lời, một thân hình nhỏ nhắn, yểu điệu từ trong vọt ra.
Bách Duy nhận ra là một thiếu nữ, mày liễu lưng ong. Một nụ cười của nàng tươi hơn phù dung nở, đôi mắt liếc đưa như thu hút hồn phách người ta được. Nàng bỗng đưa tay bưng miệng cười “phì” một cái mà rằng:
- Nhìn! Nhìn gì mà kỹ vậy. Dễ chừng mặt người ta rỗ hoa chăng?
Bách Duy định thần lại, chắp tay lên ngực:
- A di đà Phật! Tuổi tác lão nạp ít nhất cũng ngang với ông tổ nội cô nương! Xin chớ có đùa cợt lão nạp!
Lão vẫn giữ vẻ cười trên mặt, nhưng giọng nói thì uy nghiêm khiến ai nghe cũng phải sợ. Nhưng thiếu nữ hình như chẳng chú ý đến lão nói gì hết! Nàng cười ngất, nói tiếp:
- Phu nhân cho biết rằng trước khi vào tu hành ở Thiếu Lâm thì đại sư vốn là tay chơi bời, phong lưu bậc nhất mà!
Bách Duy càng nghiêm giọng, nói:
- Vài chục năm sinh nhai nơi cửa Phật, nên tính tình lão nạp biến đổi hẳn, không như xưa nữa!
Thiếu nữ nói:
- Nói vậy tức là Đại sư đã hoàn toàn quy y Phật?
Nghe Bách Duy “hừ” một tiếng trong họng rồi lặng thinh, thiếu nữ cười và hỏi:
- Đại sư là đệ tử nhà Phật, sao không ở chùa tụng kinh mà lại tới đây làm việc cho Nam Cung thế gia...
Bách Duy đỏ mặt cười gượng:
- Từ trước, lão nạp thâu nhập vào hàng ngũ Thiếu Lâm chỉ là để làm việc do thám cho Nam Cung thế gia. Nay thời cơ đã tới, phải trở về làm việc, còn nói gì đến tụng kinh niệm Phật nữa.
Nàng cười ngặt nghẽo nói lấp đi:
- Hèn chi mà phu nhân nhà ta cứ hết lời khen lão là trung thành, là tay đắc lực bậc nhất. Hy sinh đi làm hoà thượng luôn mấy chục năm trời. A! Kể cũng là một sự kiện tuyệt vời... nhưng chẳng lẽ... hí... hí...
Nàng cười rũ rượi:
-... quên hẳn được cái món gái đẹp hay sao?
Dứt lời, thiếu nữ vừa cười, vừa lăn xả vào lòng Bách Duy.
... Một lúc sau, Bách Duy mới chợt nhớ đến sứ mệnh của mình là phải hội kiến Nam Cung phu nhân. Lão vội đẩy thiếu nữ ra và hỏi:
- Ta phải yết kiến phu nhân! Mau dẫn ta đi!
Thiếu nữ càng cười rũ rượi, nói:
- Ta là Liên Nhi, nhớ kỹ lấy!
Nàng giơ tay ấn mạnh vào mũi lão một cái, liếc mắt đưa tình và tiếp:
- Từ nay cứ tên ta mà gọi, nghe chưa! Nếu không vừa lòng Liên Nhi thì phải biết... Hí hí! Liên Nhi chỉ sẽ nói với phu nhân rằng người đã bị Thiếu Lâm đầu độc, say mê làm hoà thượng không muốn trở về với Nam Cung thế gia nữa! Lúc đó thì phải biết! Giờ theo ta đi!
Dứt lời nàng vọt mình chạy, Bách Duy theo sát phía sau, mũi lão hếch lên đón lấy hương trầm xạ từ phía trước đưa lại. Tứ bề đều hoang lương, không một bóng người. Chạy một quãng khá xa tới một khu tha ma mộ địa. Nơi đây nhà mồ đổ nát, chỗ thì quan tài lộ thiên đã mục nát, trơ rõ cả xương khô. Liên Nhi quanh lối này rẽ nẻo kia, len lỏi qua những hàng quan tài, nhà mồ, cả những lùm cỏ dại cao ngập đầu. Miệng nàng lúc nào cũng tủm tỉm cười.
Đột nhiên nàng quay bước chuyển ra phía bên, quanh co khuất khúc nhiều lần, tiến đến một khoảng đất cỏ được dọn dẹp quang đãng sẵn. Giữa đặt một chiếc bàn vuông, trên bàn la liệt rượu thịt, món ăn còn nóng. Liên Nhi quay lại, nói:
- Phu nhân thấy rằng người từ xa vất vả tới đây, nên sai sửa soạn các món để thết đãi người!
Nàng kéo tay Bách Duy bắt cùng ngồi xuống, đoạn nàng nâng bình bạc lên, rót đầy bốn ly rượu. Nàng nâng một ly lên mời:
- Chén rượu này là để chúc thọ Thái phu nhân. Uống đi!
Bách Duy đón lấy, uống một hơi cạn. Liên Nhi mời chén thứ nhì, mà rằng:
- Chén này để chúc cho bốn vị phu nhân khoẻ mạnh.
Bách Duy cám ơn nàng, vừa uống xong thì chén thứ ba đã tống đến mà rằng:
- Chén thứ ba là để chúc cho bản môn mọi việc thành công, uy bá thiên hạ. Uống ngay đi!
Rượu rất mạnh, Bách Duy uống cạn ba chén rồi, cảm thấy chếnh choáng. Thấy nàng liền tay nâng chén thứ tư lên, Bách Duy lắc đầu từ chối. Nhưng Liên Nhi đã ôm chặt lấy lão, dí chén vào tận miệng, cười khúc khích mà rằng:
- Chén thứ tư này là... là để...
Nói đến đây, nàng đỏ mặt lên, để môi vào tận tai lão, thì thầm:
-... Để làm gì biết không? A! Chưa nói lý do vội! Uống cạn xong mới nói cho biết!
Lão ngửa cổ lên, “ực... ực ực” liền một hơi, và chẳng rõ lúc đó là say quá hay bị ngộ gió, lão ôm chầm lấy Liên Nhi, rồi cả hai cùng ngã lăn ra, lăn lóc rũ rượi trên bãi cỏ nhung!
Giữa lúc trời đất điên đảo, say cuồng ấy, thì từ trong phía sau những lùm cây rậm rạp thấp thoáng có bóng người. Bốn đại hán áo đen chẽn khiêng một chiếc kiệu có rèm buông kín, chạy đi như bay. Một thiếu nữ áo xanh chạy ở phía trước kiệu, bóng dáng nhẹ nhàng, nhan sắc cũng chẳng kém gì Liên Nhi, chạy sộc tới chỗ bãi cỏ, đưa mắt nhìn quanh rồi nói:
- Ngũ phu nhân đã tới!
Liên Nhi giật mình, vội đẩy Bách Duy bắn ra xa. Lão bị lăn đi như trái cầu, lăn tới bên một gian nhà mồ. Đột nhiên có một người to lớn, áo chẽn đen tay nâng một thùng nước lạnh dốc ngược lên đổ chụp cả vào đầu lão! Bách Duy rùng mình, vụt tỉnh lại, vội đứng lên xốc lại sống áo, mặt mày kinh hãi, hổ thẹn! Chân không có dép, đứng trơ ra đó, trong khi Liên Nhi cũng cúi đầu, run bắn người lên.
Thiếu nữ áo xanh không thèm ngó Bách Duy. Nàng quắc mắt, nhìn Liên Nhi, đoạn cất giọng lạnh lùng mà rằng:
- Liên Nhi! Mày to gan thật! Biết trước phu nhân sắp tới mà dám... như vậy! Nếu phu nhân không tới thì mày... động trời đến thế nào!
Liên Nhi cúi gầm mặt nói:
- Cúc thư! Xin chớ... Chẳng qua là tại...
Vừa nói vừa đưa mắt nhìn Bách Duy:
-... Là tại lão cưỡng... hiếp...
Bách Duy rùng mình toát mồ hôi ra, cứng cả họng lại! Thiếu nữ áo xanh đưa mắt nhìn lão, “hừ” sẽ một tiếng lập tức quay mình chạy thẳng tới trước kiệu, chắp tay sẽ nói:
- Kính bẩm phu nhân! Bách Duy đại sư đã tới!
Bách Duy tái xanh mặt lại, vì lão không nghe rõ thiếu nữ áo xanh nói những gì. Chợt từ trong kiệu có tiếng nói:
- Ai là đại sư? Phải chăng đó là “Phấn Diện Hồ” Ân Trí, do bản phái sai đi lộn sòng vào hàng ngũ Thiếu Lâm từ ba mươi năm nay?
Thiếu nữ áo xanh nói:
- Dạ! Đúng thế!
Tiếng từ trong kiệu gọi ra:
- Ân Trí à! Ba chục năm rồi, lần đầu tiên ngươi được gọi về. Vậy mà đã dâm ô làm nhục nữ tỳ của bản môn rồi. Ngươi không sợ... bị tội... sao?
Bách Duy như bị kim đâm thấu ruột, mặt tái đi. Chợt từ trong kiệu, tiếng lanh lảnh lại cất lên gọi:
- Liên Nhi! Lại đây!
Liên Nhi run bắn người lên, quỳ xuống, đi bằng đầu gối tới trước kiệu, “dạ” một tiếng rồi rạp mình xuống. Tiếng lạnh lùng ghê rợn từ trong kiệu đưa ra:
- Ta sai mày đi đón tiếp hắn! Có sai mày đem cả xác thịt bố thí cho hắn đâu! Mày làm tổn hại danh dự, tiết tháo của “Nam Cung Nội phủ”! Tội mày quá lớn!
*
Liên Nhi phủ phục trước kiệu, cất tiếng run run, nói:
- Tội tỳ nữ đáng chết...
Bỗng cất tiếng khóc rống lên, nàng ôm lấy chân kiệu, nức nở nói tiếp:
- Nhưng vì... vì sức lão quá mạnh, võ nghệ cao cường, tỳ nữ liều mạng phản kháng lại... không được...! Hu... hu!
Càng khóc to hơn:
- Hu hu hu! Xin phu nhân xét cho... Hu... hu!
Bách Duy ức quá, không nén nhịn được, bật lên nói:
- A! Con khốn kiếp, hèn mạt! Vu khống... Vừa rồi mi...
Tiếng đàn bà lạnh lùng từ trong kiệu nói ra:
- Hừ! Phải chăng Liên Nhi thấy ngươi trẻ trung... hừ... lại đẹp trai... hừ... nên đã cưỡng hiếp ngươi... Ha ha! Lạ thiệt!
Như bị người dùng chưởng đập trúng quai hàm, Bách Duy vẹo cả họng đi, mặt tím lại, ấp úng không nói được.
Người trong kiệu cười nhạt, ra lệnh:
- Liên Nhi! Mày biết nhận tội...! Hãy tạm lui ra xa... thực xa... đợi ta truyền bảo!
Đợi Liên Nhi đi khỏi rồi, trong kiệu lại có tiếng gọi:
- Ân đại hiệp!
Bách Duy giật nảy mình, kính cẩn thưa:
- Phu nhân gọi như vậy, kẻ thuộc hạ không xứng!
Lão chưa hết câu thì người trong kiệu đã thở dài, nói tiếp:
- Chao ôi! Trước đây ba chục năm, lúc ấy lão bị kẻ thù đánh trọng thương, mười phần chết cả mười, may được Tổ bà của ta cứu thoát. Lão nghĩ đến việc báo ơn, bèn tình nguyện lộn sòng vào Thiếu Lâm tự để hoạt động cung cấp biết bao tài liệu mật cho Nam Cung thế gia. Với công lao lớn như thế, ta đâu dám coi Ân đại hiệp là hàng thuộc hạ. Trái lại, Nam Cung thế gia cũng hết sức kín đáo, cho nên Ân đại hiệp mới được phái Thiếu Lâm tin cậy, mà làm đến chức Hộ Pháp của La Hán Đường. Đó là một nước cờ cao của bọn ta từ ba chục năm trước, hy vọng bọn ta có thể bá chủ võ lâm được.
Ngừng một giây, người trong kiệu lại thủng thẳng nói tiếp:
- Nghĩ mà tức cười! Vài chục năm trước, trên giang hồ ai cũng chỉ biết rằng “Phấn Diện Hồ” là tay ăn chơi phong lưu, nhưng có phong độ quân tử. Có ai ngờ rằng ngoài mặt quân tử mà lại làm những việc quá tiểu nhân như dụ dỗ gian dâm Như phu nhân là vợ của ân sư hắn, sau đó bức gian cả sư muội đến thành có chửa. Đến khi sư phụ biết, hắn (chỉ vào Bách Duy) lại hạ thuốc độc giết cả nhà sư phụ gồm mười ba mạng người...
Bách Duy tê tái cả người đi, nói:
- Việc trước đã qua, phu nhân nhắc lại làm gì!
Người trong kiệu, bất chấp hắn có nghe hay không, cứ lạnh lùng kể tiếp:
- Hạ thuốc độc rồi, còn sợ hồn họ về nhát, Phấn Diện Hồ bèn lấy dao phanh vằm thây họ ra, chẳng may bị bọn Giang Nam Tứ Kiệt là bạn của ân sư trông thấy, lập tứ vây lại đánh chém. Bị tới bảy vết thương nặng, mà ngươi còn trốn thoát được, nhưng bọn Tứ Kiệt theo riết đời nào tha cho ngươi! Giữa lúc tính mạng ngươi mười phần chết cả mười, thì ngươi được bà Tổ nhà ta, chẳng những cứu ngươi mà còn giết cả bọn Tứ Kiệt đi cho khỏi lộ chuyện. Không ngờ chữa chạy cho ngươi khỏi rồi, ngươi định chuồn thẳng. Nhưng bà tổ nhà ta đã sớm dè chừng, giữ được đủ chứng cớ là ngươi giết thầy học, gian dâm sư muội, nên bất đắc dĩ ngươi đành theo phục vụ cho Nam Cung thế gia nhà ta! Điều đó có đúng không?
Nàng thở dài một tiếng, lại tiếp:
- Nghĩ đến công lao khó nhọc của ngươi trong ba chục năm qua, nên Nam Cung thế gia ta vẫn đặc biệt ưu đãi, tôn trọng ngươi. Không ngờ... Chà... thực không ngờ bữa nay lần đầu được triệu về... mà ngươi lại giở trò đồi bại ra như thế!
Qua tấm rèm che, tất cả cử động cho đến sắc mặt Bách Duy thế nào, người ngồi trong kiệu đều rõ hết. Thấy lão tái nhợt người đi, chân tay mềm rũ, ngã quỵ xuống đất, người trong kiệu tiếp tục với giọng nói ôn hoà hơn:
- Tuy vậy mà ngươi vẫn là kẻ có công lơn với Nam Cung thế gia. Riêng một tay ngươi đã hoàn toàn huỷ diệt được chủ lực Tung Sơn Thiếu Lâm lừng danh thiên hạ. Sáu tay cao thủ như bọn Bách Nhẫn, Bách Đại, Bách Hộ v.v... đều bị ngươi hoặc dùng thuốc mê, hoặc giết đi, hoặc bị trọng thương. Ngươi đã giúp Nam Cung thế gia như thế, kể về tài trí thì ít ai theo kịp, chẳng những ta khâm phục mà bà Tổ ta cũng phải nhận ngươi là tay đắc lực bậc nhất!
Bách Duy có vẻ cảm động, ấp úng nói:
- Phu nhân biết cho như vậy, lão nạp được đội ơn! Công lao không dám nhận! Có điều rằng vừa rồi...
Tiếng người trong kiệu ngắt ngang đi:
- Vừa rồi... ngươi có điều lầm lỗi... Nhưng thôi... ta không kể, miễn là từ nay nhất tâm với Nam Cung thế gia, ăn ở đứng đắn lại chớ tái phạm nữa thì ta thề sẽ giữ kín không cho ai biết.
Bách Duy không cầu gì hơn nữa! Lão vừa cảm kích vừa mừng rỡ, vội sụp xuống rập đầu tạ ơn. Điều hắn lo nhất là danh với lợi. Hắn chỉ cầu sao sau này sẽ đứng làm Chưởng môn Phương trượng Thiếu Lâm tự, hoặc được chức vụ gì to hơn nữa, vì thế mới đem hết tâm lực làm tay sai cho Nam Cung thế gia. Nếu như hành vi từ trước hoặc câu chuyện vừa rồi bị truyền lan đi thì hắn hết chỗ sống!
Tiếng người trong kiệu càng xuống giọng êm dịu:
- Ngươi biết hối cải thì còn gì hơn nữa. Lần khác có việc cần ta sẽ cho Cúc Nhi cùng Liên Nhi tìm kiếm.
Ngừng một giây lát, lại nói tiếp:
- Nếu quả tình ngươi có tình ý với hai đứa ấy, sau này thành công rồi, ta sẽ cho chúng theo ngươi. Chúng là những tay cầm kỳ thi họa, không phải tầm thường đâu!
- Không dám! Đâu... dám... dám nghĩ đến thế!
Miệng tuy nói không dám nhưng mắt lão liếc ngang nhìn trộm, trong khi Liên Nhi làm điệu bộ nhún vai, nguẩy cả người đi, còn Cúc Nhi là thiếu nữ áo xanh, tuy vẻ mặt lạnh như tiền nhưng cũng liếc ngang mắt một cái khiến lão muốn xiêu vẹo cả người đi!
Người trong kiệu lại nói ra:
- Ân đại hiệp à! Trong bụng người nghĩ những gì, ta đều rõ cả. Khỏi phải khiêm tốn khách sáo nữa... Xin mời đứng lên ta có việc uỷ thác đây!
Ân Trí (tức Bách Duy) thở phào một cái nhẹ cả người đi. Lão vội tạ ơn, đứng lên, xỏ chân vào dép, xốc lại sống áo cho ngay ngắn. Đúng như lời người ngồi trong kiệu vừa nói, tâm lý lão lúc đó chỉ mong được uỷ thác cho những việc tối quan trọng để nỗ lực làm cho Nam Cung thế gia chóng thành sự nghiệp bá chủ. Lão hy vọng sẽ được quyền cao chức trọng, sẽ được cả... Liên Nhi và Cúc Nhi... Nhiệt tâm lúc đó bốc lên nóng cả mặt, lão đứng ngay ngắn, chắp tay nói:
- Phu nhân! Có việc gì sai bảo chăng?
Tiếng người trong kiệu nói ra:
- Có chứ! Không dưng cho thỉnh nhà ngươi tới đây làm gì.
Tiếng cười se sẽ trong kiệu, rồi một bàn tay nhỏ nhắn, trắng nõn nà, tuyệt đẹp, từ trong kiệu sẽ lách rèm đưa ra:
- Đây là ba chiếc túi gấm, mỗi túi đều có ghi ngày giờ, kỳ hạn để mở ra coi. Trong túi có kế hoạch, cứ đúng hạn mà làm!
Bàn tay búp măng, nhỏ nhắn, trắng muốt như ngọc, đẹp tuyệt trần, người trong kiệu chính là Điền Tú Linh đệ Ngũ phu nhân. Thấy Ân Trí có vẻ sợ hãi cung kính, không dám nhìn lên, cũng không dám đưa tay ra đón lấy cẩm nang, Điền Tú Linh phì cười, gọi Cúc Nhi:
- Cúc Nhi à! Trao cái này và dẫn lối cho Ân tiên sinh ra khỏi đây!
Cúc Nhi “dạ” rồi đón lấy tấm cẩm nang trao cho Ân Trí. Lão kính cẩn vái một cái, đón lấy cẩm nang, đoạn theo chân Cúc Nhi đi trở ra.
Cúc Nhi đi trước, dẫn lão theo một lối khác với lối đi trước. Được một quãng, Cúc Nhi chợt quay mặt lại nhìn lão, nở một nụ cười sẽ nói:
- Đi lẹ bước lên một chút, gần lại đây nào.
Thấy lão tiến đến bên cạnh mình, Cúc Nhi sẽ hỏi:
- Tôi hỏi câu này, phải nói cho thật nhé! Đối với Ngũ phu nhân, lão thấy có những ấn tượng và cảm thấy ra sao?
Ân Trí gãi đầu sồn sột, nói:
- Lúc ban đầu, ta chỉ cảm thấy Ngũ phu nhân là một tay siêu quần tuyệt tục, nhưng sau ta có một ấn tượng khác nữa. Phu nhân là một vị tiên từ trên trời xuống.
Giơ tay cốc vào cái đầu trọc tếu của lão một cái nên thân, Cúc Nhi phì cười, mắng rằng:
- Ăn chay nói dối! Chưa thấy mặt mũi Ngũ phu nhân bao giờ mà dám tán dương là đẹp như thiên tiên! Nịnh hót xằng ở đâu!
Ân Trí thộn mặt ra, lẩm nhẩm mấy tiếng:
- Cái ấy... Điều ấy...
Rồi ngây thộn ra không nói thêm được nửa lời. Quả tình là lão chưa hề biết mặt, nhưng lão cứ cảm thấy người trong kiệu là tuyệt đại giai nhân. Giả thử Cúc Nhi có bảo là Ngũ phu nhân xấu như ma mút thì lão cũng chẳng tin. Thấy lão thộn mặt ra, Cúc Nhi lại gõ vào đầu lão đánh cốc một cái mà rằng:
- Tới đây đã biết lối ra chưa?
Thấy lão gật, Cúc Nhi nói tiếp:
- Vậy thì cút đi! Ta phải về kẻo phu nhân đợi.
Cúc Nhi giúi cho một cái, lão xiêu vẹo cả người đi. Bụng lão nghĩ lấy làm lạ rằng một nữ tỳ của phu nhân mà nội lực mạnh đến thế, đủ biết chủ nhân không phải là tay vừa. Lão nhìn theo ra ý thèm thuồng. Nếu chẳng phải là nữ tỳ của Nam Cung thế gia thì có lẽ lão đã bắt lại ăn sống nuốt tươi đi rồi.
Cúc Nhi đi được vài bước, bỗng quay lại gọi:
- Này! Này! Chớ quên nhé!
Lão ngẩn mặt ra hỏi:
- Quên cái gì?
Cúc Nhi vừa liếc vừa lườm mà rằng:
- Quên cái con khỉ! Quên cái đầu trọc tếu! Rõ ngớ ngẩn tệ!
Lão hiểu ý cười híp mắt lại nhìn theo Cúc Nhi vọt mình một cái, như con thỏ lẩn mình khuất trong bụi rậm biến mất.
Cúc Nhi loáng cái đã trở về tới chỗ cũ. Chợt thấy Liên Nhi cũng vừa chạy tới. Cả hai cùng phá lên cười.
Cúc Nhi đưa tay lên quệt vào má Liên Nhi mà rằng:
- Con đĩ non này! Suốt ngày chỉ tựa lan cau mơ nghĩ đàn ông. Bây giờ thì mi mãn nguyện rồi nhé!
Liên Nhi cười, đập Cúc Nhi một cái mà rằng:
- Phì! Còn mi thì không hả! Uý chà mãn nguyện! Thằng trọc ấy xương rắn như sắt, mà người nó thì... thì... phì! Hôi như chuột chù ấy... Tỷ thích thì nhường cho tỷ... ăn cả đi1
Trong kiệu có tiếng gọi ra:
- Thôi chớ có om xòm loạn lên! Liên Nhi, mi thì ông trời mới cho mi mãn nguyện được! Phải không?
Liên Nhi chân thật trả lời:
- Quả tình tiểu tỳ ghét lão trọc ấy! Tiểu tỳ nhờ phu nhân thương, chỉ mong sau này lấy được người chồng tương tự như... Nhâm Vô Tâm, võ nghệ cao cường, vẻ người anh...
Liên Nhi chưa kịp nói hết câu, thì trong kiệu có tiếng quát:
- Câm miệng! Quỳ xuống! Cúc Nhi đâu, cho nó mười chưởng nghe!
Liên Nhi sợ toát mồ hôi, vừa quỳ vừa kêu:
- Phu nhân! Phu nhân! Tiểu tỳ có nói gì...!
Liên Nhi vừa nói tới đây thì “bốp bốp, uỵch uỵch” mặt mày mình mẩy đã bị Cúc Nhi thẳng tay giáng xuống một hồi, bất kể Liên Nhi van kêu khóc ầm lên. Đếm đủ đòn rồi, trong kiệu mới có tiếng lạnh lùng nói ra:
- Môn hạ của Nam Cung thế gia đều phải có thái độ triệt để vâng lệnh như Cúc Nhi mới được. Kẻ nào cậy công tự tôn tự đại đều không thể tha thứ được. Cứ coi họ Ân vừa rồi, phải tuân theo mệnh lệnh không được cãi nửa lời. Bữa nay lần đầu phạt mày rất nhẹ thôi. Mày có ý cậy công, cầu thưởng, và nói năng nhiều lời có tư tưởng chống đối lệnh đã ban. Khôn hồn thì từ nay chớ dại dột như thế nữa mà mất xác, nghe không?
Liên Nhi lạy phục dưới đất, tạ ơn và thề xin hối cải.
Trong kiệu có tiếng thở dài và ra lệnh:
- Thôi! Quay trở về!
Bốn đại hán khiêng kiệu chạy như bay! Đoàn hộ vệ kẻ trước người sau, tản mát đi lẫn vào trong các lùm cây bụi cỏ...