Năm 1897, thực dân Pháp phá thành Thăng Long cũ rồi chiếm thêm một phần lớn đồng ruộng làng Thanh Bảo, một phần ruộng Ngọc Hà, và một cái đầm thuộc làng Khán Xuân để mở vườn Bách Thảo (... ) Nghe đâu đúng vào dịp Khải Định ra chơi ngoài Bắc ( tháng 3 năm 1918 ) và sau buổi ông tới dự buổi dạ hội ở vườn Bách Thú do thực dân Pháp tổ chức, người ta bỗng thấy nhiều mảnh giấy dán la liệt ở các gốc cây, trong có chép bài thơ Nôm như sau: Dưới đám cây xanh một dây chuồng, Mỗi chuồng nuôi một thú chim muông. Khù khì vua cọp no nằm ngủ, Nhớn nhác đàn hươu đói chạy cuồng. Lũ khỉ được ăn, bày lắm chuyện, Đàn chim chực miếng hát ra tuồng. Lại còn gấu dại vài ba chú, Hì hục tranh nhau một cục xương. bề ngoài, đây chỉ là một bài thơ vịnh vườn Bách Thú, song bên trong lại bao hàm một giọng châm biếm khá sâu cay. (... ) Ngay sau khi xuất hiện, bài thơ đã gây một tiếng vang khá lớn ở Hà Thành và đã thu hút nhiều người tới xem. Thấy vậy nhà đương cục phải tức tốc cho lính bốc hết các mảnh giấy dán ở Bách Thú, và ra lệnh cấm không ai được tàng trữ bài thơ đó. Nhưng cấm sao được miệng dân, cho mãi đến sau này bài thơ vẫn được các cố lão vùng Ngọc Hà và các vùng lân cận truyền tụng. ( Theo Giai Thoại văn học Việt Nam - Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch ) vua Khải Định