Hàm Nghi I
Cuộc Chiến Đấu Trong Rừng
Những Ngày Kháng Chiến Cuối Cùng

CUỘC CHIẾN ĐẤU TRONG RỪNG
Sau khi ban Hịch Cần Vương, các nơi đều hưởng ứng. Riêng ở Hà Tỉnh Lê Ninh, và Ấm Võ đã lãnh đạo thân hào, nhân sĩ và nhân dân chiếm tỉnh thành, bắt Trịnh Văn Báu, giết Lê Đạt là những người chống lại phong trào Cần Vương.
Triều đình Huế cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi và các quan cựu thần về. Trong tờ dụ Đồng Khánh ban cho Hoàng Kế Viêm đại lược nói rằng:
- Nếu vua Hàm Nghi thuận về thì thì sẽ phong cho làm Tổng Trấn ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tỉnh, lại cấp cho bổng lộc theo y tước vương. Các quan cựu thần như Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Lê Mô Khải, Phan Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nha, Ngô Xuân Quỳnh..... ai về thú thì sẽ được phục nguyên chức, cho làm quan từ Quảng Trị trở vào. Còn các ông Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng có chịu về thì sẽ tha những lỗi trước, và phong cho chức hàm khác.
Chẳng có quan nào chịu về đầu hàng cả. Hoàng Kế Viêm chải triệt về tháng 5 năm Đinh Hợi ( 18887 )
Bấy giờ quân của Đề Đốc là Lê Trực đóng ở mạn Thanh Thủy, thuộc huyện Tuyên Chánh; quân của Tôn Thất Đạm là quân của Tôn Thất Thuyết đóng ở ngàn Hà Tỉnh, về hạt Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Còn Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Phạm Tuân thì phò vua Hàm Nghi ở mạn huyện Tuyên Hóa.
Trong đoàn hộ giá vua Hàm Nghi còn có Trương Quang Ngọc, con một viên quan đã từng bị triều đình đày lên làng Vè, đem một đội quân Mường rất tinh nhuệ ra hàng, khi biết tin nhà vua đến Ấn Sơn.
Tôn Thất Thiệp giữ gìn nhà vua một cách nghiêm mật, thề sống chết không để cho quân Pháp bắt được. Bởi vậy hễ ai nói đến sự đầu hàng thì bắt chém ngay, cho nên bọn Trương Quang Ngọc tuy đã bị Pháp mua chuộc, nhưng chưa dám hạ thủ.
Ở mé ngoài thì các ông Lê Trực và Tôn Thất Đạm nay đánh chỗ này, mai phá chỗ kia, không sao bắt được. Đại úy Mouteaux đánh đuổi lâu ngày nhọc mệt, bèn xin về Pháp nghì.
Cuộc chiến đấu trong rừng của vua Hàm Nghi vẫn ntiếp tục cho đến tháng chín năm Mậu Tý ( 1888 )
NHỮNG NGÀY KHÁNG CHIẾN CUỐI CÙNG
Từ tháng Giêng đến tháng chín năm Mậu Tý ( 1888) quan Pháp tuần tiễu vua Hàm Nghi, đuổi bắt ông Lê Trực và Tôn Thất Đạm nhưng không thành công. Chúng toan rút về. Bỗng có tên suất đội Nguyễn Đình Tình hầu cận vua Hàm Nghi, ra hàng ở đồn Đồng Cả, khai rỏ tình cảnh cùng chổ vua đóng. Bọn Pháp bèn sai tên Tình đem thư lên dụ tên Ngọc về. Được mấy hôm, cả hai tình nguyện xin đi bắt vua Hàm Nghi.
Mười giờ đêm ngày 26 tháng 9 năm 1888, Ngọc và Tình đem hơn 20 lính Mường vào vây lều tranh của vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo. Nghe ngoài có tiếng động, quan Thống Chế Nguyễn Thúy và con trai ông 45 tuổi giữ chức Tham biện Nội Các, chạy ra bị tên Ngọc đâm chết ngay.
Tôn thất Thiệp, con út Tôn Thất Thuyết còn đang ngủ, hoảng hốt cầm gươm nhảy ra cũng bị một lính Mường phóng ngọn giáo vào ngực chết ngay
Biết mình bị phản, vua Hàm Nghi bước ra, cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng:
- Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây.
Vua vừa nói dứt lời thì một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, nhà vua không nói năng gì nữa.
Sáng hôm sau, Ngọc cõng nhà vua ra đến bến Ngã hai, rồi đưa xuống bè, đi mất hai ngày mới đi đến đồn Thanh Lang, nộp cho viên đại úy coi đồn là Boulangier. Viên đại úy lập tức đưa nhà vua về đồn Thuận Bài ờ sông Gianh, gần chợ Đồn.
Khi nhà vua từ dưới thuyền bước lên, quân đội Pháp do một thiếu tá chỉ huy cử nhạc và bồng súng chào thì nhà vua kéo chăn che mặt lại. Đến khi viên thiếu tá Pháp đọc lời chúc từ thì vua nói:
- " Tôi không dám nhận lời chúc mừng của ông vì tôi chỉ là kẻ bề tôi của vua Hàm Nghi. Vua chúng tôi hiện ở trong rừng. Nếu tôi không bị ốm nặng thì tôi đã tẩu thoát được với nhà vua rồi ".
Từ đó nhà vua lại im lặng. Bọn Pháp lại hoang mang không biết là người trước mặt có thật là vua Hàm Nghi chăng? hay là tên Trương Quang Ngọc phỉnh lừa?
Được tin vua Hàm Nghi tới Thuận Bài, viên đô đốc đồn Thanh Thủy và các đề đốc đến bái yết, nhà vua giả vờ không biết những người ấy, không truyền bảo một lời nào, càng làm tăng thêm sự hoang mang cho bọn quan Pháp.
Giữa lúc ấy, có một cụ già chống gậy đến. Đó là Nguyễn Thuận, thầy dạy vua Hàm Nghi thuo thiếu thời. Vừa thấy thầy cũ, vua Hàm Nghi đột nhiên đỡ cụ và vái chào. Bọn Pháp lúc đó mới tin chắc đó là vua Hàm Nghi, người đã chịu bao gian truân, khổ ải trong rừng sâu nước độc, quyết chiến đấu đến cùng, giờ đã sa vào tay giặc. Lúc đó nhà vua mới 17 tuổi, đã kháng chiến được ba năm.