ơn năm năm sau, vào những ngày hòa bình đầu tiên trở về trên vũng đất trợ ven sông, người ta thấy một sĩ quan trẻ tuổi mang quân hàm trung úy, dáng người dong dỏng, hơi gầy đi vào ấp. Không hỏi ai, không dừng lại trò chuyện với ai, chỉ thấy cặp mắt anh mở to như thu tất cả cảnh vật vào lòng. Nắng xôn xao trong mỗi bước đi chậm nhẹ của anh, nắng làm cho nước da tai tái của anh ửng đỏ. Với một vẻ bồn chồn khó tả, anh ngập ngừng bước đến gần một ngôi nhà lợp tôn nho nhỏ ở giữa ấp. Ngôi nhà ấy đang mở rộng cửa như hàng năm nay vẫn mở rộng cửa mong mỏi, chờ đón. Anh đi thẳng vào vườn. Mảnh vườn con có những cây chôm chôm vừa nhú trái đâng nhảy nhót nô giỡn với hằng hà đốm nắng xuyên qua tán lá. Dưới gốc chôm chôm, một bà má đầu quấn khăn rằn đang ngồi nhổ cỏ. Anh đứng rất lâu nhìn sâu vào mái tóc đã có nhiều sợi bạc của người đàn bà ấy. Hình như mòn mỏi đợi chờ cái nhìn ấy từ lâu, người đàn bà quay lại. Người ta chỉ thấy một khuôn mặt nhợt nhạt, một cặp mắt nhòa đi. Từ cái miệng đâng run run, hòa vào cành lá lao xao, một tiếng nói bật lên như nó đã nằm chực ở nơi đó từ rất lâu: - Út Teng… Con! Hôm sau, Người sĩ quan với bước chân nhanh nhẹn hơn, một mình đi ra chợ. Vùng rào chi khu ngày trước không còn nữa. Nơi ấy hôm nay đã mọc lên ngôi nhà một tầng quét ve xanh khá xinh xắn. Tấm biển đỏ kẻ dòng chữ vàng nổi bật lên trước cửa nhà: “ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ…” gian giữa đồng chí bí thư đang ngồi cặm cụi ghi chép cái gì. Người bí thư này còn trẻ mà cái nhìn lại có vẻ già. Một tay của anh giờ đây chỉ còn là ống tay áo lòng thòng. Đi đến trước người đó, anh sĩ quan đứng lại. Bây giờ thì đến lượt môi anh run lên: - Đảm! Người bí thư mất một tay đó nhìn lên. Sững sờ. Và thật kỳ lạ, người ta tưởng đôi bạn sẽ lao vào nhau, sẽ siết chặt lấy nhau nhưng cả hai vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có ánh mắt là găm vào nhau, quấn quýt với nhau và cả hai khuôn mặt đều méo xẹo… Câu chuyện của họ kể cho nhau nghe dài lắm, có thể viết thành hẳn một cuốn sách khác. Nhưng qua câu chuyện ấy ta cũng được biết thêm về sô phận những con người. Ông già Tư Đờn cò không còn nữa. Một tên chỉ điểm xấu xa đã tố giác ông và thế là người bí thư trung kiên trong những năm đen tối ấy lập tức bị bắt và bị đưa đi xa, mấy năm sau nghe ông chết ở trong tù. Người thay thế ông giữ vững phong trào cách mạng vùng sông là con người nóng nảy, bộc trực có tiếng: ông Năm Hinh. Thằng Mắt-kính-máu chết ngay sau trận ta san bằng cái chi khu năm ấy. Trong một cơn điên đầu nó đã nhảy xuống sông tự tử. Về phía tổ trinh sát vùng sông thì bây giờ chỉ còn một. Đại đội trưởng Thành đã hy sinh trong trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn. Đại úy Thậm hiện nay làm quân quản ở thị xã. Anh đang sống cùng với Ba Liễu, vợ anh, mới chuyển qua làm trưởng phòng lương thực huyện. Và… Và còn biết bao nhiêu người khác. Những người ấy dù đi đâu làm gì, nếu còn sống, nhất định một ngày gần đây họ sẽ trở lại thăm vùng sông ẩn giấu nhiều kỷ niệm này, khi ấy chắc ta sẽ được gặp. Nói thêm về khúc sông có bụi chà là. Nơi ấy hôm nay đã trở thành quang đãng. Người ta đang chặt cây, ủi đất để dựng lên những ngôi nhà mới ven sông. Nấm mồ của anh Đoan được bà con đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã cùng một lúc với nấm mồ của Ba Út Teng. Không hiểu ai đề nghị hãy trồng lên đó một cây bằng lăng nhỏ mà hôm nay, người qua kẻ lại đều dừng chân một chút ngắm nhìn những cánh bằng lăng mỏng nhẹ tinh khiết, ngày ngày phủ màu tím ngạt xuống hai nấm mộ. Hà Nội tháng 5 – 1985 CHU LAI